IPEF, QUAD và NATO phương Đông

25 Tháng Năm 20228:00 CH(Xem: 6742)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A - THỨ NĂM 26 MAY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


IPEF, QUAD và NATO phương Đông

image003

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

26/5/2022


Sau hội nghị đầu tiên Mỹ-Asean tổ chức tại Washington, DC, ngày 12-13/5/2022, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã tiến thêm bước chiến lược lớn cho Châu Á – Thái bình Dương nhắm đẩy mạnh Khuôn khổ Kinh tế Indo-Pacific và kiện toàn liên minh Bộ tứ kim cương QUAD.


Hôm thứ Hai 23/5/2022, tại Tokyo, Tổng thống Biden công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), một Hiệp ước thương mại – sau khi bản Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) là kết quả của hội nghị Mỹ-Asean hôm 12/5/2022 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn - như một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc đang bành trướng ở Châu Á.


Công bố của TT Biden đã khẳng định vai trò lãnh đạo Châu Á qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) bao gồm 13 quốc gia: Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Nam Hàn và Ấn Độ, và 7 nước trong khối Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Philippines và Việt Nam.


Sự hấp dẫn lớn đặc biệt đối với các nước ASEAN là đòn bẫy của IPEF, được các quốc gia chủ chốt đề ra chi phí cho kế hoạch là ít nhất 50 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư trong 5 năm tới.


Ba nước Mynamar, Lào và Campuchia dù trong khối ASEAN nhưng không được mời tham gia.


image001Từ trái: Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo hôm 23/5/2022. Reuters.


Sau công bố của TT Biden, qua ngày hôm sau, trong cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cố gắng giải thích sự ra đời của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương là do: “Vào lúc cuộc xâm lăng Ukraina do Nga tiến hành làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới”, lãnh đạo các nước Mỹ, Ấn Độ, Úc và “chính bản thân tôi cùng đồng tình về việc mọi ý tưởng đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực sẽ không bao giờ được dung thứ, đặc biệt là tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương”.


Cơ hội cho rằng tương lai của ASEAN sẽ rất sáng sủa khi cùng một nhịp với Hiệp ước thương mại, nhưng đừng quên - cuộc xâm lăng của Nga vào đất nước Ukraine làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới; đồng thời ngầm cảnh báo một cường quốc đang lên ở Châu Á trong đó mọi ý tưởng đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực sẽ không bao giờ được dung thứ, đặc biệt là tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương”.


Điểm đầu tiên của bản Tuyên bố Tầm nhìn ngày 13/5/2022 NHẤN MẠNH tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc quan trọng, các giá trị và chuẩn mực chung nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).


Trong NHẤN MẠNH trên, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) chú tâm tới các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở biển South Chiana Sea; Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) chú tâm tới các vụ nổ thử nghiệm tên lửa tầm trung, tầm liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử của Bắc Hàn và Tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó bao gồm các diễn biến ở Biển Đông, biển Hoa Đông và tây Thái bình Dương.


Một ví dụ nóng hổi mới đây, hôm 29/4/2022, Thủ tướng đảo quốc Solomon, ông Manasseh Sogavare đã hiệp thông với Bắc Kinh để ký các hiệp ước an ninh quân sự mặc dù chi tiết hiệp ước này còn giữ kín; tuy nhiên - Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc cùng với một phái đoàn Nhật Bản đã đến thủ đô Hoinara cảnh báo ông Sogavare đừng cho Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Solomon.  


image006Tây-Nam Thái bình Dương và quần đảo Solomon.


Ngày 29/4/2021, Bộ Ngoại giao VN lên tiếng phản đối Hải cảnh Trung Quốc đã ra tuyên bố thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 đến ngày 16/8/2021 trên vùng biển gồm một phần Vịnh Bắc Việt và quần đảo Hoàng Sa.


Ngày 15/9/2017, hãng tin NHK dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản nói Bắc Hàn vừa phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua đầu lãnh thổ Hokkaido sau đó rơi xuống phía đông biển Nhật Bản-Thái Bình Dương. Đây là lần thứ hai Bình Nhưỡng “đe dọa” Tokyo bằng các vụ bắn tên lửa.

image008

Dù gì đi nữa, Tuyên bố tầm nhìn chung và Khuôn khổ IPEF dự kiến tung ra quả đấm 50 tỷ đôla – nhưng nhận xét chung cho thấy - các biện pháp đối phó của Hoa Kỳ và đồng minh cũng đã đi sau một bước đối với các hoạt động quân sự của Nga ở Châu Âu-Đông Âu và tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông và tây-nam Thái Bình Dương.


Nếu quan tâm hàng đầu của Mỹ, Nato và EU ở Châu Âu về áp lực quân sự của Nga đang hướng tới việc “thiết lập đường biên giới mới lãnh thổ Ukraine” thì ở Đông Nam Á, kế hoạch gặm nhấm “vùng Xám” của Trung Quốc hầu như đã làm chủ rộng lớn biển South Chia Sea.


Đông Nam Á và Mỹ đã chứng kiến khu vực biển quần đảo Trường Sa rộng 200,000 km2, ngang tàng nổi lên 7 đảo nhân tạo, thực chất là 7 căn cứ quân sự to lớn với các đường băng 3,000 mét cho chiến đấu cơ, hải cảng sâu cho chiến hạm và các ụ tên lửa hành trình chống chiến hạm.


image010Một đảo nhân tạo/căn cứ quân sự của Trung Quốc ở giữa Biển Đông được nhìn thấy vào tháng 3/2022. Reuters


4 trụ cột IPEF


Bốn trụ cột của IPEF gồm:


* Nền kinh tế kết nối: Các thành viên sẽ thực hiện các quy tắc cho nền kinh tế kỹ thuật số bao gồm các tiêu chuẩn cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới về lao động và các vấn đề môi trường và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.


* Nền kinh tế phục hồi: Các thành viên sẽ tìm kiếm các cam kết có thể dự đoán và ngăn chặn sự gián đoạn tốt hơn bao gồm thông qua hệ thống cảnh báo sớm và đa dạng hóa.


* Nền kinh tế sạch: Các thành viên sẽ theo đuổi các mục tiêu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bao gồm các lĩnh vực loại bỏ các-bon năng lượng tái tạo và các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng.


* Nền kinh tế công bằng: Các thành viên sẽ thực hiện các chế độ thuế chống rửa tiền và chống tham nhũng hối lộ có hiệu quả. (Nguồn: Bloomberg)


Việt Nam, Đài Loan và QUAD


Chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở ra một khu vực tự do, rộng mở và thịnh vượng, nhưng thực tế nó có mang lại cho Châu Á Thái bình Dương ổn định và an toàn không? Tổng thống Biden nói “Đó là điều mà tất cả chúng ta đang kiếm tìm”.


image012Thượng đỉnh Bộ tứ QUAD, từ trái: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Narendra Modi vẫy tay chào giới truyền thông trước cuộc họp Bộ tứ tại Tokyo vào ngày 24/5/2022. AP


Việt Nam với chính sách ngoại giao đa dạng đã bình thường hóa với Mỹ 25 năm, nhưng vẫn là nước yếu kém về kinh tế với chỉ số GDP/lợi tức đầu người thấp hơn cả Philippines (tương đương dân số); tuy nhiên, Việt Nam đã chứng tỏ cho Mỹ biết nội lực của VN trên võ đài 6 năm Vietnam War, trận đấu ngang sức với Trung cộng năm 1979 và lực lượng hải quân tuy nhỏ nhưng đã kiên cường bám trụ 10 đảo lớn, 21 cứ điểm đóng quân ở Trường Sa.


Việt Nam trở thành một nhân tố quan trọng trong khâu “mắt xích” Biển Đông – rất lợi hại trong việc Mỹ và đồng minh thực hiện chiến lược Indo-Pacific.


Việt Nam được Mỹ coi là trung tâm địa chính trị - địa hàng hải trong chuỗi chiến lược Indo-Pacific. (Trong các bài viết trước, chúng tôi đã nói về vị trí trung tâm của Việt Nam + Biển Đông). Thế nhưng, vấn đề không chỉ là vị trí quan yếu của lãnh thổ mà còn là thái độ, quan điểm, chủ trương chính trị và chính sách của đảng Cs Việt Nam. Vài chục năm trước đây và cho đến nay VN vẫn còn “mập mờ” giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.


Hoa kỳ đã viện trợ khá nhiều tàu cao tốc và tàu hải cảnh, lực lượng tuần duyên cho Việt Nam. Các lớp huấn luyện hải quân Việt Nam thường ở Hawaii. Một trở ngại cho Mỹ và Việt Nam là quốc gia biển Đông này đã tậu – tung tiền quá nhiều vào việc mua sắm vũ khí của Nga. Các chủng loại vũ khí Nga đã chứng nghiệm hiệu quả của nó và khắc tinh của nó ở chiến trường Ukraine.


TT Trump đã có lần kêu gọi VN nên mua vũ khí Mỹ.


Một vấn đề đặt ra, vì sao Việt Nam đồng ý đứng vào danh sách 7 nước thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái bình Dương – một “Liên hiệp An ninh và Kinh tế”, và cho rằng (dù đó là một dạng theo kiểu EU-Liên hiệp Châu Âu), nhưng vì sự hấp dẫn của 50 tỷ đô la IPEF đang muốn đầu tư vào các khu vực (trong đó có khu vực VN), cơ hội bằng vàng cho VN vực dậy nền kinh tế, hoặc - vì thời điểm đã đến lúc “thoát Trung” v,v, những thách thức gay go đấy, nhưng là ánh sáng cuối đường hầm đưa đất nước đi lên.


Đó là chưa kể Philippines, đảo quốc đang tranh chấp dài hơi với chủ quyền lãnh thổ biển-đảo Việt Nam.


Về vấn đề Biển Đông, trong bản Tuyên bố Tầm nhìn chung đã nói rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Chúng tôi hoan nghênh các tiến triển hướng tới sớm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”.


image014Vùng biển Trường Sa, nơi có sự hiện diện thường trực của 7 đảo nhân tạo/căn cứ quân sự của Trung Quốc và tranh chấp của Philippines. Hải đồ minh họa của Văn Hóa Online.

 

Ngoài ra, đảo quốc Taiwan (hòn ngọc formosa) nằm ở mạn Tây Thái bình Dương, một vị trí chiến lược có chỗ đứng riêng của nó, dù ban đầu không có tên trong IPEF, nhưng Đài Loan trấn giữ một vị trí an ninh cực kỳ quan trọng – một nền dân chủ đối đầu với lục địa đỏ độc tài – một đồng minh sáng của Hoa Kỳ - chốt đầu an ninh hàng hải South China Sea (Biển Đông), chốt cuối Hoa Đông và cửa ngõ ngăn chận các nẻo đường biển từ lục địa băng qua tây Thái bình Dương.


image016Vị trí Đài Loan. Vòng tròn trên Bản đồ minh họa và trục tam giác xanh: Vị trí an ninh chiến lược của Đài Loan bao gồm eo biển Đài Loan + lục địa đỏ. Trục tam giác xanh nối liền Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản không chế biển Hoa Đông và bảo vệ vững chắc quần đảo Senkaku.


Đối với Mỹ, bên cạnh thương mại luôn luôn là an ninh. An ninh ở Châu Á Thái bình Dương khởi đầu với 13 thành viên là điều không thể đảo ngược ở thế kỷ 21 – thế kỷ 21 là thế kỷ của Châu Á và đại dương.


Đâu đây bóng dáng NATO phương đông xuất hiện.


Nhiều giới quan sát ví QUAD và AUKUS lấp lánh một NATO ở phương đông.


Tuy Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói Quad không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng chiến sự Đông-Tây đã gặp nhau trên các chiến trường từ Âu sang Á và Bộ tứ Quad được thành lập từ năm 2004 hiển nhiên nay sẽ giữ một vai trò an ninh hàng hải quan trọng.


Các nhà lãnh đạo cao nhất của bộ Tứ đã gặp nhau tại Washington, D.C. vào tháng 9 năm ngoái.


Nếu Mỹ, Nato và EU nhìn thấy Nga Sô là đối thủ hàng đầu ở Châu Âu, trước mắt là trên chiến trường Ukraine - thì đối thủ hàng đầu của Mỹ và đồng minh ở Châu Á là Trung Quốc.


Vấn đề của Mỹ hiện nay là kiện toàn thế lực QUAD và kêu gọi sự hợp tác của các nước Đông Nam Á qua IPEF chống lại kẻ thù chung.


Rõ ràng QUAD và AUKUS là một lực lượng hải quân trên mặt biển và lòng biển rất mạnh. Nó có là bản sao của Nato – hay sẽ là một NATO phương đông?


Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương- Thái bình Dương (IPEF) vì sự thịnh vượng và giừ gìn hòa bình, không thể không dưới cái dù che chở của QUAD và AUKUS.


Khởi đi từ nguyên Tổng thống Donald Trump, Ấn Độ Dương – Thái bình Dương (Indo-Pacific) bao gồm quốc gia điểm đầu là Ấn Độ, một cường quốc sở hữu bom nguyên tử; điểm cuối là Úc, New Zealand, và một số quần đảo nhỏ ở nam Thái bình Dương như quần đảo Solomon, Samoa, … Úc là cường quốc ở nam TBD và là thành viên trong mạng lưới quốc gia tàu ngầm nguyên tử AUKUS (Mỹ - Anh – Úc).


TT Biden cùng với các nhà lãnh đạo QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) họp ở Tokyo hôm 24/5/2022. Liên minh bán quân sự của bộ Tứ kim cương ngày càng được coi là lực lượng đối trọng với tầm hoạt động ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc trên BIỂN, đặc biệt ở Biển Đông, nơi đang diễn ra các biến cố quân sự hoặc che dấu quân sự do Trung Quốc tạo ra hòng ngăn cản Indo-Pacific.


Những hoạt động của Trung Quốc xâm lăng đen các “vùng Xám” ở Biển Đông và các quần đảo tây Thái Bình Dương (Trung Quốc ký với quần Đảo Salomon một thỏa thuận về an ninh), hàng loạt cứ điểm quân sự của Trung Quốc mọc lên rải rác ở khu vực Trường Sa gây lo ngại rất lớn cho nền hòa bình ở Đông Nam Á và Mỹ; tất nhiên hải quân Trung Quốc không thể không lọt vào tầm theo dõi của QUAD và AUKUS, tiêu biểu là FONOPs.


Theo biên tập viên Jessie Yeung, CNN 24/5/2022, “Quad không phải là một liên minh quân sự chính thức - đúng hơn, nó là một diễn đàn chiến lược không chính thức, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh bán thường kỳ, trao đổi thông tin và diễn tập quân sự.


Nó không có các thỏa thuận quân sự giống như trong NATO, giống như khái niệm phòng thủ tập thể, trong đó một cuộc tấn công vào một thành viên được coi như một cuộc tấn công vào tất cả.


Nhưng an ninh và mục tiêu "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" là những trọng tâm chính, với bốn quốc gia thường xuyên nêu bật các mối đe dọa như khủng bố, thông tin sai lệch và tranh chấp lãnh thổ”.


image018Hàng không mẫu hạm và các chiến hạm tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar với sự tham dự của Quad gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản ở Biển Bắc Ả Rập vào ngày 17/11/2020.


Có lẽ phải đợi đến tháng 11 tới đây, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 10 sẽ thảo luận về chiều rộng lẫn chiều sâu bốn trụ cột trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái bình Dương, các bên có dịp nghiên cứu sâu-sát mới có thể đưa ra dự đoán sáng kiến này và xem nó đòi hỏi những gì để đáp ứng trọng tâm của Hoa Kỳ và IPEP.


Vị thế trung tâm của ASEAN là trọng tâm chiến lược của chính quyền Hoa Kỳ, “thậm chí là củng cố các mục tiêu chung của chúng ta từ Cảnh sát biển đến biến đổi khí hậu đến cơ sở hạ tầng hiện đại”. (Phát biểu của TT Joe Biden tại Hội nghị Mỹ -Asean Hoa Thịnh Đốn 12/5/2022).


Phản ứng của Bắc Kinh - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trong một tuyên bố: “Châu Á-Thái Bình Dương nên trở thành một vùng đất cho sự phát triển hòa bình, không phải là một đấu trường địa chính trị”.


Xin phép được chữa lại câu tuyên bố của Vương Nghị như sau: “Khuôn khổ Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng trở thành một vùng đất thịnh vượng, hòa bình và đương nhiên - không thể tránh được đấu trường cạnh tranh địa chính trị địa hàng hải địa kinh tế với Bắc Kinh vì sự quen thói nham hiểm của nước lớn bắt nạt nước nhỏ”.


Thái độ chính trị và các đề xuất của Việt Nam sẽ được chú ý trong hội nghị tháng 11 sắp tới.


Lý Kiến Trúc


California 26/5/2022


Tham khảo:


CNN, Bloomberg, Japan New, India New, RFI, BBC, VOA, TNO, PLO …


https://vn.usembassy.gov/vi/phat-bieu-cua-tong-thong-biden-tai-hoi-nghi-cap-cao-dac-biet-hoa-ky-asean/


Châu Á – Thái Bình Dương gồm có 21 nước và thực thể:


  • Australia
  • Brunei
  • Campuchia
  • Trung Quốc
  • Hồng Kông
  • Ma Cao
  • Đài Loan
  • Đông Timor
  • Fiji
  • Indonesia
  • Kiribati
  • Lào
  • Nepal
  • Nga
  • Nhật Bản
  • Malaysia
  • Liên bang Micronesia
  • Mông Cổ
  • Myanmar
  • Nauru
  • New Zealand
  • Palau
  • Papua New Guinea
  • Philippines
  • Quần đảo Marshall
  • Quần đảo Solomon
  • Samoa
  • Singapore
  • Thái Lan
  • Bắc Triều Tiên
  • Hàn Quốc
  • Tonga
  • Tuvalu
  • Vanuatu
  • Việt Nam
  • Samoa thuộc Mỹ
  • Guam
  • Quần đảo Bắc Mariana
23 Tháng Chín 2023(Xem: 4354)
Reuters: “Việt Nam sắp sửa mua vũ khí sát thương của Mỹ”