Nhân Quyền: Bao giờ thì Tù nhân Lương tâm lập “đảng Nhân Quyền Việt Nam”?

19 Tháng Mười Hai 20211:50 CH(Xem: 8587)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A – CHỦ NHẬT 19 DEC 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Nhân Quyền: Bao giờ thì Tù nhân Lương tâm lập “đảng Nhân Quyền Việt nam”?

image003

Lý Kiến Trúc

Văn Hóa Online

19/12/2021


image001Ảnh từ trên xuống: Nhà báo, nhà hoạt động xã hội dân sự Phạm Đoan Trang trước tòa u ám nhân quyền ở Hà Nội ngày 14/12/2021; hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, bên phải là vợ và hai con của Trịnh Bá Phương, ông Đỗ Nam Trung bị tòa án tỉnh Nam Định kết án 10 năm tù, 4 năm quản chế.


Nhân đạo và Chính trị


Nhân đạo là đặc tính yêu thương tha nhân của con người. Từ trong tim, tính nhân đạo thể hiện tấm lòng nhân đức giữa người và người. “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Nhân đạo không cần rèn luyện như chính trị, đôi khi không ngược hẳn với chính trị, Chính trị thường phải rèn luyện nên mới có môn chính trị học. Môn học cao nhất của chính trị là tạo ra một chế độ chính trị yêu thương cộng đồng xã hội, dân tộc và loài người.


Dài dòng như vậy vì khái niệm “Nhân đạo và Chính trị” vừa diễn ra ở Little Saigon, nam California hôm Chủ nhật 12/12/2021. Đối với giáo dân ngoan đạo Công Giáo đó là ngày của Chúa, ngày của yêu thương; nhưng đối với các thành viên trong Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam hải ngoại sau một năm làm việc, họ đã thực hiện được một việc làm có ý nghĩa “nhân đạo và chính trị”.


Chúng tôi nhận thấy trong buổi hội ở hội trường Tp Westminster có các ông Nguyễn Bá Tùng (Trưởng ban điều hành), ông Đỗ Như Điện (thành viên), ông Đỗ Anh Tài (thành viên), ông Đoàn Thế Cường, ông Huỳnh Lương Thiện. Họ đã cùng nhau tổ chức một buổi lễ gọi là Lễ trao giải Nhân quyền năm 2021.


Các nhân vật nhận được giải năm nay gồm các vị hoạt động trong giới báo chí, mạng lưới xã hội dân sự, bày tỏ quan điểm về những bất công chính trị, tệ trạng xã hội và củng cố niềm tin xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, gồm có: Gia đình bà Cấn Thị Thêu, cô Đinh Thị Thu Thủy và ông Nguyễn Văn Túc.


MLNQ VN/HN thành lập năm 1997, lập ra giải Nhân Quyền năm 2002, lần này là năm thứ 20. Trong những năm trước, MLNQ VN/HN đã trao giải cho 5 tổ chức ở trong nước và 54 nhân vật tranh đấu cho quyền “Con người” và các quyền căn bản, quyền “phát biểu Tự Do” và quyền “Dân Chủ”.


Giải MLNQ gồm ba ngàn mỹ kim và tấm plaque đẹp trang trọng vinh danh trao cho mỗi người, ông Huỳnh Lương Thiện (ban tổ chức) tuyên đọc lời giới thiệu quá trình hoạt động của ba vị nêu trên.


Trong bối cảnh cộng đồng cư dân Little Saigon và các viên chức trong thành phố Westmisnter vừa nổ ra “lùm xùm” vụ xây dựng Tượng đài Cổ thành Quảng Trị nay vẫn còn dư âm, các cuộc “đối đấu” giữa Thị trưởng Tp Westminster Tạ Đức Trí và Nghị viên Kimberly Hồ đang gây “bức xúc” trong cộng đồng, ban tổ chức giải Nhân quyền năm nay mời cả ông Tạ Đức Trí và bà Kimberly Hồ đến dự lễ trao giải.


Trong lúc ông Tạ Đức Trí ngồi hàng ghế thứ nhất được mời lên phát biểu và tặng bằng tưởng lục cho ông Nguyễn Bá Tùng, bà nghị viên Kimberly Hồ ngồi ở hàng ghế thứ hai đứng dậy bỏ ra về.


Tham dự buổi lễ còn có bà Dân biểu Michelle Steel được mời lên phát biểu tố cáo những hành vi tội ác của cộng sản, ca ngợi việc làm của MLNQ và tặng bằng tưởng lục cho ông Nguyễn Bá Tùng; ban tổ chức cho biết cũng đã mời Dân biểu Alan Lowenthal nhưng không thấy ông hiện diện (ông Lowenthal năm nay 80 tuổi không ra tranh cử nữa và thông báo xin nghỉ hưu), bà Janet Nguyễn cử ông David đại diện đến tặng bằng tưởng lục, Thị trưởng Tp Stanton David J. Shawer và nghị viên Hà Vân đến tham dự nửa chương trình rồi về sớm.


Dù muốn hay không, buổi lễ trao giải của MLNQ đã nhuốm màu “Nhân đạo và Chính trị”. Nhưng trước hết và trên hết, đó là sự biểu hiện tình cảm thiêng liêng giữa con người và con người, giữa tâm tình của người Mỹ gốc Việt đối với quê hương và dân tộc, và đặc biệt đối với những con người dũng cảm.


Khi “Thượng Đế” sinh ra con người trên trái đất này, quyền tối thượng của loài người là quyền không thể bị chết đói. Cái đói đi với cái nghèo, cái èo uột thân xác - tâm hồn là kiếp nạn nhân tai trong một chế độ chính trị nhiễu loạn mà giai cấp giàu nghèo đã và đang quá cách biệt như ở Việt Nam, nó hoàn toàn đi ngược với lý tưởng của những người quốc gia và cộng sản chân chính.


Một trong những cảnh tượng “đói nghèo” diễn ra ở Sàigon trong tháng 10 vừa qua là hàng vạn người dân lao động phải chạy bằng chân, bằng xe gắn máy, đủ loại di chuyển, bồng bế con thơ vượt Sàigon về quê để mưu sinh thoát hiểm. Đó là hoạt cảnh của cái gọi là nền kinh tế thị trường, con đẻ của chủ nghĩa “tư bản hoang dã”.


Ở Việt Nam bây giờ, nếu có ba ngàn đôla, bạn có thể mua được cái điện thoại đa năng khá tốt, cái laptop xài được, “bắn” lên mạng xã hội không khó khăn lắm. Cho nên không lấy làm lạ khi công an thường ập vào nhà các nhà hoạt động xã hội dân sự, việc trước mắt của công an là tịnh thu điện thoại, máy điện toán và tài liệu … để làm tang vật truy bức ra tòa.


Ba ngàn đôla không lớn, cũng không nhỏ, cho nên, ông Nguyễn Bá Tùng, người điều hành MLNQ rất xứng đáng được xem như người “anh nuôi lớn” đối với các nhà hoạt động trong nước. Họ rất nghèo khó. Thực tế ở hải ngoại, để có được chín ngàn đôla yểm trợ tinh thần lẫn vật chất cho ba nhân vật năm nay quả là một nan đề.


Dường như lòng hảo tâm và tình đồng hương ngày càng khô cạn, trước cuộc sống thực dụng và cạnh tranh mà mấy chục năm trước đây còn tất bật lưu vong nơi xứ lạ quê người, nay lại vất vả với nhà lầu và xe hơi đời mới.


Tất nhiên, cũng không thể quên vinh danh những tấm lòng nhân ái từ thâm tâm đã đóng góp tài chánh cho MLNQVN để họ có điều kiện làm việc.  


Thật ra chín ngàn đôla “nhân đạo” chẳng nhằm nhò gì so với 200 triệu đôla đòn phép “chính trị” mà cô tùy tùng “tư bản hoang dã” lót đường cho ông thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ăng Lê khoe chuyện ăn tối với bà Thủ hiến Scotland hôm 31/10/2021, hay chai rượu vang chục ngàn đôla cho ông Bộ trưởng công an Tô Lâm nhấm nháp bò rắc muối thánh.


Tiệc tùng xong, ông thủ tướng đảng Cs VN phát biểu quan điểm về nhân quyền như sau (theo báo VN trong nước): "Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất, phát huy tối đa yếu tố con người; "Nhân quyền lớn nhất là chúng ta ổn định chính trị. Để bảo vệ nhân quyền thì phải có pháp quyền, và chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN". (BBC 17/12/2021).


Một số hình ảnh trong buổi lễ trao giải Nhân Quyền 2021


Chúa Nhật 12/12/2021, tại hội trường Tp Westminster Quận Cam. Little Saigon nam California, một buổi Lễ trao giải Nhân quyền hàng năm do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam/Hải ngoại tổ chức.


image006Chúa Nhật 12/12/2021 tại hội trường Tp Westminster. Từ trái, ông Nguyễn Đình Cường và bà Frances Thế Thủy điều hợp chương trình; ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hợp MLNQVN/Hải ngoại; nhạc sĩ Việt Khang, khôi nguyên Giải Nhân quyền VN 2014 nhận giải thay cho gia đình Bà Cấn Thị Thêu và ông Đoàn Thế Cường, một thành viên năm nào cũng có mặt trong giải Nhân Quyền.


image008Dân biểu Michelle Steel trao bằng tưởng lục cho ông Nguyễn Bá Tùng; 3 ảnh phía sau (từ trái) cô Đinh Thị Thu Thủy, gia đình bà Cấn Thị Thêu và ông Nguyễn Văn Túc.


image010Thị trưởng Tp Westminster Tạ Đức Trí trao bằng tưởng lục cho ban tổ chức, đứng bên phải là Phó thị trưởng luân phiên Tp Westminster Nguyễn Mạnh Chí.


image012Nghị viên Tp Westminster Kimberly Hồ đến tham dự nửa thời lượng chương trình thì bỏ ra về.


image014Nhà báo cựu phóng viên chiến trường VNCH Kiều Mỹ Duyên và các cơ quan truyền thông.


Hoa Kỳ và phiên tòa u ám nhân quyền ở Hà Nội


image016TBT đảng CsVN Nguyễn Phú Trọng cụng ly với Phó Tổng thống Joe Biden lẩy Kiều "Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" trong bưổi tiệc trưa tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 7-7-2015, tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chỉ là đối tác toàn diện với Mỹ chứ không ngả nghiêng đối tác chiến lược.


Ngày 10/12/2021, nhân ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ cùng với Anh Quốc và Canada công bố một loạt danh sách trừng phạt các quan chức, tổ chức thuộc 8 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Điện, nhưng danh sách không có tên Việt Nam.


Ngày 13/12/2021, ông Marc Knapper, trong buổi điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ (sửa soạn đảm nhiệm tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam), phát biểu: sẽ đẩy mạnh quan hệ an ninh với Hà Nội, sẽ áp lực Hà Nội tôn trọng nhân quyền, sẽ đề cập tới chiều hướng sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện, các vụ án bất công, sẽ áp lực Hà Nội tôn trọng tự do ngôn luận, lập hội, tụ họp ôn hòa, và tự do tín ngưỡng tôn giáo, và những bản án bất công nặng nề đối với các nhà báo và các nhà hoạt động xã hội dân sự.


Ngày 14/12/2021, phiên tòa u ám nhân quyền, Hà Nội đã thẳng tay bỏ tù nhà hoạt động Phạm Đoan Trang 9 năm tù (1). Giới quan sát cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã tận dụng thái độ chính trị chính trị của Mỹ và phương Tây để sử dụng lá bài nhân quyền, “thoải mái” bỏ tù những nhà hoạt động vì “Việt Nam đã trở thành một thành phần quan trọng trong chiến lược của các cường quốc bên ngoài ở Biển Đông và Đông Nam Á” (theo Bill Hayton).


image018Nhà báo, nhà hoạt động xã hội dân sự Phạm Đoan Trang tại phiên tòa Nhân quyền u ám Hà Nội ngày 14/12/2021 (ảnh chụp qua màn hình). Nguồn: VnExpress.


Ngày 15/12/2021, phiên tòa u ám Nhân quyền Hà Nội kết án ông Trịnh Bá Phương, sinh năm 1985, một blogger, 10 năm tù giam và bà Nguyễn Thị Tâm (Tâm Dương Nội) sinh năm 1972, 6 năm tù giam. 


image020Ảnh trái: Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm (Tâm Dương Nội); ảnh phải: Vợ và các con của Trịnh Bá Phương.


Ngày 16/12/2021, báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát đưa tin hôm 16/12/2021 rằng Tòa án Nhân dân tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm và tuyên án 10 năm tù giam, 4 năm quản chế đối với ông Đỗ Nam Trung, 40 tuổi. (VOA 16/12/2021)


image022Nhà hoạt động xã hội dân sự Đỗ Nam Trung, 40 tuổi bị kết án 10 năm tù, 4 năm quản chế tại phiên tòa sơ thẩm tỉnh Nam Định (Bắc Việt).


Ngày 24/12/2021 sắp tới, sẽ có vụ xử phúc thẩm Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, thân nhân ông Trịnh Bá Phương.


Ngày 31/12/2021, nhà báo công dân Lê Trọng Hùng được nhà cầm quyền “mời” lên lịch bị cáo ở phiên tòa ua ám Nhân quyền Hà Nội.


Đã đến lúc hàng trăm Tù nhân lương tâm lập “đảng Nhân Quyền Việt Nam” chưa?


image024Trước khi bị bắt, nhà báo, tù nhân lương tâm Đoan Trang đã viết những lời lẽ để đời trong lịch sử tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền trên đất nước Việt Nam: "Tôi không cần tự do cho riêng mình, nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn là tự do dân chủ cho Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn."


Một nhà quan sát chính trị phương Tây nói rằng “Không có gì ngạc nhiên về hồ sơ nhân quyền u ám của Việt Nam”.


Xin nhắc lại Ngày 25/8/2021, trước đây hơn ba tháng, trong lá thư của 9 dân biểu Liên bang Hoa Kỳ gởi thư cho Phó Tổng thống Kamala Haris trong chuyến đến Việt Nam làm việc từ ngày 24-26/8/2021, vấn đề nhân quyền phải là điểm chính trong các cuộc họp song phương Mỹ-Việt.


Rất tiếc, trước khi bay đến Hà Nội, phát biểu tại Singapore ngày 23/8/2021, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh: “Cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác xung quanh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương để nâng cao trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và quyền tự do hàng hải, kể cả ở biển South China Sea. (bao gồm Biển Đông Việt Nam và Biển Tây Philippines).


Có vẻ như vấn đề nhân quyền ở Việt Nam khá xa lạ đối với bà Harris. Nhân quyền không là trọng điểm chuyến đi làm việc của bà ở Việt Nam. Đó là một lỗ hổng chính trị lớn trong quan hệ Việt -Mỹ-triều đại Joe Biden mà Cs Việt Nam tận dụng tối đa để cai trị dân lành.


Việt Nam với tư thế ở Đông Nam Á chưa là đồng minh với Mỹ, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau khi đến làm việc ở Hà Nội mong muốn nâng quan hệ Việt-Mỹ lên hàng đối tác chiến lược.


Viễn ảnh Nhân Quyền Việt Nam năm mới 2022 sẽ không còn là vấn đề chính trong bối cảnh Việt Nam đứng trước áp lực chính trị đa phương của phương Tây (không đứng về phe nào nhưng cũng đừng ngả về Trung cộng!) và chiến lược Indo-Pacific do Mỹ khai triển trung tâm ở Đông Nam Á và cái mắt xích Biển Đông.


Giới quan sát tình hình Biển Đông bi quan cho rằng, có thể Mỹ sẽ nhường Biển Đông cho Bắc Kinh để đổi lấy quyền lợi to lớn hơn cho Hoa Kỳ. Áp lực địa chính trị, kinh tế, quân sự của Bắc Kinh vẫn chụp lên Việt Nam và nền kinh tế trong nước lụn bại về nạn dịch giặc Covid khiến VN khó có thể vươn lên trong một hai năm tới.


Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) trong báo cáo thường niên cho biết: Năm quốc gia có số nhà báo bị bắt giữ nhiều nhất, tính đến ngày 01/12/2021, là Trung Quốc (127), Miến Điện (53), Việt Nam (43), Belarus (32) và Ả Rập Xê Út (31). Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 5 nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất. Về Việt Nam, số lượng nhà báo bị giam giữ năm nay tăng gấp rưỡi so với năm ngoái (28 nhà báo bị giam giữ năm 2020. (RFI 16/12/2021)


Hiện có khoảng khoảng 170 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam, một con số cao kỷ lục trong lịch sử gần đây, theo số liệu năm 2020 của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong khi Dự án 88 khẳng định rằng hiện có 217 nhà hoạt động trong tù và 306 người khác đang gặp nguy hiểm. (BBC 17/12/2021)


Các nhà phân tích chính trị Việt Nam ở phương Tây tỏ ra bi quan. Cái được gọi là 'Phong trào Dân chủ' đang bị xáo trộn hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất của Phong trào Dân chủ Việt Nam đang ở trong tù hoặc lưu vong.


Mong lắm thay, tiếng đại hồng chung nhân quyền dân quyền hùng lực vang lên vỡ bờ toàn cõi Bắc Trung Nam. Đã đến lúc chưa? Hàng trăm Tù nhân lương tâm đoàn kết lại, tập hợp lại, đứng lên lập “đảng Nhân Quyền Việt Nam”.


Lý Kiến Trúc


California 19/12/2021


(1)   “Nhà báo Đoan Trang, năm nay 43 tuổi, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội; từng tốt nghiệp Trường Hà Nội- Amsterdam và Đại học Ngoại thương Hà Nội và làm phóng viên Báo Điện tử Vnexpress, nhân viên Công ty quảng cáo HAKI, Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC, cộng tác viên Báo Vietnamnet và Phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. Nhà báo bị bắt ngày 07/10/2020, sau khi xuất bản cuốn sách Chính trị Bình dân và một số tác phẩm báo chí khác.


Phạm Đoan Trang đã sáng lập tạp chí “Luật Khoa” giúp người Việt Nam hiểu luật pháp để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Cô làm báo từ năm 2000 cho đến 2013, cộng tác với gần mười cơ quan báo chí trong nước, như VnExpress, Vietnamnet, báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, đài truyền hình VTC, vân vân. Năm 2014, cô qua Mỹ nhận học bổng nghiên cứu của tổ chức Villa Aurora & Thomas Mann House và thư viện Feuchtwanger tại đại học nam California (University of Southern California- USC). (VOA 16/12/2021)


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


Ngày 19/12/2021, tòa soạn Văn Hóa Online nhận được Thiệp chúc mừng của MLNQVN – Xin trân trọng cám ơn (lkt).


Xin chân thành cám ơn quý vị đã tham dự hoặc hỗ trợ Giải Nhân Quyền Việt Nam 2021.

Cầu chúc quý vị và gia đình một Mùa Giáng Sinh thật an bình và một Năm Mới 2022 mọi sự như ý.

image026

http://vietnamhumanrights.net