Mỹ-Đức đoàn kết chống Nga “hung hăng”; Trung cộng-Nga xô liên minh “tạo ra công lý toàn cầu”

16 Tháng Bảy 20217:43 SA(Xem: 5591)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A - THỨ SÁU 16 JULY 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


LIÊN MINH ĐẠI CƯỜNG


Mỹ-Đức đoàn kết chống Nga “hung hăng”; Trung cộng-Nga xô liên minh “tạo ra công lý toàn cầu”

image001

TT Mỹ Biden và Thủ tướng Đức Merkel 'đoàn kết chống lại sự hung hăng của Nga'


image002Thủ tướng Angela Merkel và Ti63ng hto61ng Joe Biden tại Phòng Bầu Dục tòa Bạch Ốc hôm 15/7/2021. Reuters


BBC 16/7/2021


Mỹ và Đức sẽ cùng đoàn kết để chống lại sự hung hăng của Nga. Đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Washington.


Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã đề cập mối quan ngại với bà Merkel liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức, nhưng hai bên cũng đồng ‎ý rằng Moscow không thể được phép sử dụng năng lượng như một loại vũ khí.


Tổng thống Mỹ cho biết cả 2 quốc gia đồng minh đều phản đối hành động phi dân chủ từ phía Trung Quốc.


Bà Merkel, người đã làm việc qua 4 thời tổng thống Mỹ, sắp rời nhiệm sở.


"Chúng tôi đứng về cùng một phía và sẽ tiếp tục đoàn kết để bảo vệ các đồng minh phương đông trong khối Nato trước sự hung hăng của Nga,'' ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo chung với bà Merkel.


Ông Biden cũng đề cập rằng 2 bên không đồng thuận về dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2, trị giá 11 tỉ đôla Mỹ sắp sửa hoàn thành. Nhà Trắng cũng nói thêm rằng dự án sẽ được phía Nga sử dụng như là một đòn bẩy trong vấn đề Ukraine và những quốc gia láng giềng khác.


image003Nguồn hình ảnh, Reuters. Tàu Fortuna đang lắp đặt đường ống dẫn trong dự án Nord Stream 2


"Những người bạn tốt vẫn có thể có bất đồng,", ông Biden cho biết. Gần đây ông cũng đã miễn lệnh trừng phạt liên quan đến dự án Nord Stream 2.


Tổng thống Biden cũng cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ chiến đấu vì các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền khi chứng kiến Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác đang làm tổn hại đến những xã hội tự do và rộng mở."


Mặc dù là các đối tác thương mại lớn nhưng Berlin đôi khi vẫn chỉ trích Bắc Kinh liên quan đến vấn đề nhân quyền.


Phát biểu trước các phóng viên, ông Biden cho biết Mỹ "hiện tại" không có kế hoạch gửi quân đến Haiti, trong bối cảnh quốc gia này đang xảy ra bất ổn theo sau vụ ám sát tổng thống.


Khi được hỏi về các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Cuba, ông Biden cho biết "quốc gia thất bại" này đang đàn áp người dân của mình.


"Chủ nghĩa cộng sản là một hệ thống thất bại, một hệ thống thất bại nói chung," ông nói. "Và tôi không thấy chủ nghĩa xã hội là một sự thay thế rất hữu ích."


Cả 2 nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ thân thiết trong cuộc họp kéo dài một giờ của họ, bà Merkel hơn 1 lần gọi chủ nhân Nhà Trắng là "Dear Joe", nghĩa là "Joe thân mến".


Ông Biden cũng nói với vị khách của mình rằng: "Tôi sẽ nhớ đến những lần gặp gỡ của chúng ta tại các cuộc họp thượng đỉnh."


Bà Merkel cũng bày tỏ "sự thương cảm" đến hàng chục người đã bị thiệt mạng trong vụ lũ lụt nghiêm trọng tại Đức.


Bà Merkel đã có mối quan hệ lạnh lẽo với người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump và đôi khi cũng có căng thẳng với 2 cựu tổng thống George W Bush and Barack Obama trong thời gian tại nhiệm.


Bà Merkel nhậm chức Thủ tướng Đức vào năm 2005, và sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. Hiện Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.


++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Biden cùng Merkel đoàn kết chống Nga và Trung Quốc


RFI 16/07/2021


image004Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo chung ở White House ngày 15/07/2021. AP - Susan Walsh


Thụy My


Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc gặp hôm 15/07/2021 tại Nhà Trắng, đã cam đoan đoàn kết chống Nga và Trung Quốc.


Tuy bất đồng về dự án ống dẫn khí Nord Stream 2, nhưng hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh Nga không nên sử dụng năng lượng làm vũ khí, và đôi bên đồng thuận bảo vệ các nguyên tắc dân chủ nếu Trung Quốc phá hoại.


Reuters dẫn lời tổng thống Biden trong cuộc họp báo chung, rằng Hoa Kỳ và Đức đoàn kết nhằm bảo vệ các đồng minh NATO chống lại sự tấn công của Nga. Hai nước cũng đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ và các quyền phổ cập, một khi thấy Trung Quốc hay nước nào khác muốn phá hoại một xã hội tự do, cởi mở.


Thủ tướng Angela Merkel cầm quyền từ năm 2005, đã nhiều lần được tiếp đón ở Phòng Bầu dục, Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ tư mà bà gặp gỡ.


Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :


« Bà thủ tướng biết Phòng Bầu dục còn rõ hơn tôi » - ông Joe Biden nói đùa, trước khi ca ngợi sự nghiệp kiệt xuất của Angela Merkel. Còn bà Merkel thì nói lên nỗi xúc động sau trận lụt gây tang tóc cho đất nước mình. Sau đó hai nhà lãnh đạo bày tỏ tình đoàn kết, nhấn mạnh đến các chủ đề muốn tăng cường hợp tác, nhất là trong việc phân phối vac-xin chống Covid và đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Điểm bất đồng duy nhất mà ai cũng biết, là dự án ống dẫn khí Nord Stream 2.


Publicité


Ông Biden tuyên bố: « Bạn bè tốt vẫn có thể có những bất đồng, nhưng thủ tướng Đức và tôi đã yêu cầu nhóm cộng tác nghiên cứu các biện pháp thực tiễn mà chúng tôi có thể cùng thực hiện, để an ninh năng lượng của Ukraina không bị yếu đi vì các hành động của Nga. Để xem… ».


Thủ tướng Đức nhìn nhận bất đồng với tổng thống Mỹ về ống dẫn khí. Nhưng Angela Merkel nói rằng bà an tâm, nêu ra khả năng châu Âu trừng phạt Nga nếu Matxcơva không tôn trọng các cam kết đối với Ukraina ».


Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và đồng minh NATO, có thể là nhịp cầu kết nối quan hệ với Nga, Trung Đông, Bắc Phi. Hiện có 36.000 quân nhân Mỹ trú đóng trên lãnh thổ Đức.


+++++++++++++++++++++++++++++


TT Mỹ gọi Cuba là nhà nước thất bại; Hà Nội đề nghị Washington chấm dứt sự thù địch và lệnh cấm vận chống Cuba


VOA 16/07/2021


image002Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về Cuba khi họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, 15/7/2021.


Tổng thống Mỹ hôm 15/7 gọi Cuba là một nhà nước thất bại, đồng thời ông cũng cho rằng chủ nghĩa cộng sản là một chế độ thất bại.


Trong khi đó, hôm 16/7/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói đất nước này tin tưởng Cuba sẽ vượt qua khó khăn, và Hà Nội đề nghị Washington chấm dứt sự thù địch và lệnh cấm vận chống Cuba.


“Đáng tiếc thay, Cuba là một nhà nước thất bại và đàn áp công dân của họ”, Tổng thống Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở thủ đô Washington của Mỹ, theo tường thuật của Reuters và nhiều đài báo Mỹ.


Lời bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra sau khi biểu tình phản đối chính phủ Cuba nổ ra trên đảo quốc theo đường lối cộng sản nằm ngay sát nước Mỹ.


Khi phóng viên hỏi về quan điểm của ông đối với chủ nghĩa cộng sản, Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp: “Chủ nghĩa cộng sản là một chế độ thất bại, một chế độ thất bại về mọi mặt. Và tôi thấy chủ nghĩa xã hội không phải là một sự thay thế ra hồn. Nhưng đó là một câu chuyện khác”.


Hàng ngàn người Cuba đổ xuống đường biểu tình trên toàn quốc hôm Chủ nhật 11/7 vì khan hiếm hàng hóa cơ bản, các quyền tự do dân sự bị hạn chế và chính phủ lúng túng trong đối phó với đại dịch COVID-19.


Làn sóng biểu tình này được xem là chấn động nhất trong hàng thập kỷ qua tại đất nước nằm dưới sự điều hành của những người cộng sản.


Trong dịp cuối tuần đó, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đổ lỗi về tình trạng kinh tế tồi tệ là do các lệnh cấm vận của Mỹ.


Cách Mỹ và Cuba nửa vòng trái đất, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/7 gọi các động thái phản đối chính phủ của người dân Cuba hôm 11/7 là “biểu tình gây mất trật tự” và nhận xét thêm rằng “tình hình đã ổn định trở lại ngay sau đó”.


image005Người biểu tình chống chính phủ Cuba xuống đường ở thủ đô Havana, 11/7/2021.


Nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng tiếp đến cho biết “Việt Nam luôn quan tâm và tin tưởng Cuba sẽ vượt qua các khó khăn kinh tế-xã hội hiện nay do đại dịch COVID-19 và hậu quả của bao vây cấm vận”.


Đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Mỹ “chấm dứt chính sách thù địch và lệnh cấm vận đơn phương về kinh tế và tài chính chống Cuba”, và nói thêm rằng các biện pháp bao vây cấm vận trong gần 60 năm và được thắt chặt trong thời gian qua “chỉ làm trầm trọng hơn các khó khăn kinh tế-xã hội của nhân dân Cuba”.


Vẫn nữ quan chức ngoại giao của Việt Nam cho rằng Mỹ “cần có bước đi cụ thể theo hướng bình thường hóa quan hệ với Cuba”.


Bà Lê Thị Thu Hằng cũng đề cập đến “sự ủng hộ quý báu Cuba dành cho Việt Nam trước đây vào những lúc khó khăn nhất” và nói rằng “Việt Nam luôn ghi nhớ”, đồng thời khẳng định “Việt Nam sẽ luôn ở bên cạnh ủng hộ và hỗ trợ nhân dân Cuba trong khả năng của mình”.


Cùng ngày 16/7, trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Cuba, Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, kêu gọi Cuba thả những người biểu tình và một số nhà báo bị bắt giữ trong các cuộc xuống đường, theo một bản tin của Reuters.


Bà Bachelet cũng lên án hành vi sử dụng bạo lực quá đáng đối với một số người trong những người đó. Bà nói trong một tuyên bố: “Đặc biệt đáng lo ngại là có thông tin cho hay có những người bị biệt giam và có những người không còn rõ tung tích. Tất cả những ai bị giam giữ vì thực hiện các quyền của họ phải được phóng thích nhanh chóng”.


Tuyên bố của bà cũng kêu gọi thực hiện đối thoại để xử lý sự bất bình, bất mãn, và cần khôi phục hoàn toàn mạng internet ở Cuba.


Giữa lúc nổ ra các cuộc biểu tình, chính phủ Cuba đã hạn chế việc truy cập mạng vào xã hội và các ứng dụng nhắn tin, bao gồm cả Facebook và WhatsApp.


“Họ đã cắt việc truy cập internet. Chúng tôi đang xem xét xem liệu chúng tôi có khả năng về kỹ thuật để khôi phục lại việc truy cập đó hay không”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo hôm 15/7.


Căng thẳng tại Cuba: Người biểu tình ‘đả đảo chủ nghĩa cộng sản’


image006VOA 17/7/2021


 


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


LIÊN MINH ĐẠI CƯỜNG


Nga-Trung gia hạn hiệp ước hữu nghị 2001 để 'nương tựa lẫn nhau'?


BBC 30/6/2021


image007Nguồn hình ảnh, Reuters. Trong một cuộc gặp trước thời đại dịch Covid, Chủ tịch Tập gọi Tổng thống Putin là "người bạn tốt nhất của tôi"


Gặp sức ép từ Hoa Kỳ và Nato, Trung Quốc và Nga đã đồng ý gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị ký 20 năm trước nhằm tạo thế đứng chung.


Hai lãnh đạo tối cao của Trung Quốc và Nga đã đồng ý qua đường video việc gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện, ký 20 năm trước, tạo thế đứng chung trước sức ép từ Phương Tây.


Nhân dịp này, theo các báo Trung Quốc hôm 28/06/2021, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi lời chúc mừng ngày sinh nhật 100 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (01/07) qua trao đổi trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình.


Theo trang The Independent ở Anh (28/06), đây là dịp "thể hiện sự đoàn kết của Nga và Trung Quốc khi căng thẳng với Phương Tây tăng lên".


Hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc còn nhân dịp này, phê phán "việc dùng các hoạt động nhân danh nhân quyền, dân chủ để tạo bất ổn" trên thế giới.


Họ cũng nói Trung Quốc và Nga "muốn tạo ra công lý toàn cầu".


'Hình mẫu cho muôn đời sau'?


Quyết định của lãnh đạo hai bên sẽ khiến hiệp ước tự động được gia hạn thêm 5 năm từ tháng 2/2022, theo Tass.


Nhưng ý nghĩa của quan hệ này có chiều sâu và độ dài hơn thế, theo quan điểm của Trung Quốc.


image008Nguồn hình ảnh, AFP. Trung Quốc chuẩn bị cho 'Ngày Sinh Nhật Đảng 01/07' năm nay


Trang Global Times trích lời lãnh đạo ngành ngoại giao TQ, ông Vương Nghị khẳng định hôm đầu tháng 6 rằng "quan hệ hữu nghị Trung Quốc - Nga là thứ quý báu cần để lại có các thế hệ sau".


Nói về hiệp định Nga- Trung, ông Vương Nghị cho rằng đây là văn bản "định hình quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc Nga và Trung Quốc trong 20 năm qua".


Quan hệ này luôn dựa vào "sự ủng hộ lẫn nhau, tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau, vì hòa bình trên thế giới và vì trách nhiệm quốc tế chung".


Còn trang Global Times thì trích lời một số nhà quan sát cho rằng "trọng tâm toàn cầu nay đặt vào việc cuộc trao đổi Tập Cận Bình - Putin có làm thay đổi quan hệ song phương hay không, nhất là khi chính quyền Biden có thể chia rẽ thành công quan hệ này, vì đối tác Nga - Trung là mối đe dọa cho Mỹ".


Trang báo này cũng nói sau các lệnh trừng phạt, cấm vận với Nga xung quanh vấn đề Ukraine, và việc hải quân Nga và Anh "làm căng thẳng gia tăng ở Biển Đen gần đây" thì quan hệ với Trung Quốc lại càng trở nên quan trọng cho Nga và cho hoà bình thế giới.


Global Times cũng nhắc hai nước đều cần hiệp định này, vì Nga "đang đối mặt với sức ép từ Nato muốn mở rộng về phía Đông, và việc tranh giành vùng ảnh hưởng ở Trung và Đông Âu".


"Còn TQ hiện cũng đang có thách thức an ninh và phát triển như làm sao bảo vệ được chủ quyền ở biển Hoa Đông và Nam Hải", tờ báo của Đảng CS TQ viết.


Hồi tháng 3/2021, hai bộ trưởng Ngoại giao của Nga và Trung Quốc cùng lên án trừng phạt của phương Tây, sau khi EU, Anh, Mỹ và Canada trừng phạt một số quan chức vì vi phạm nhân quyền với người thiểu số Uighur.


Đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Quế Lâm, Quảng Tây, ông Vương Nghị nói "một số ít thế lực phương Tây đồng loạt lên sân khấu biểu diễn, bôi nhọ và chỉ trích Trung Quốc".


Còn ông Lavrov nói "quyết định đơn phương" của EU đã "hủy diệt" quan hệ với Nga.


Quan hệ 'mất cân bằng'?


Từng là đối thủ của Mỹ, Liên Xô là đại cường có tầm ảnh hưởng toàn cầu nhưng hậu thân của nó, nước Nga đã yếu đi nhiều.


Sau nhiều năm phát triển, Trung Quốc đã là nền kinh tế gấp đôi Nga, đạt 3,9 nghìn tỷ USD, theo dự phóng cho năm 2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).


Kinh tế Nga tuy có tăng trưởng nhưng chỉ còn ở mức 1,7 nghìn tỷ USD, và nợ công của các vùng miền, các nước cộng hòa thuộc Liên bang vượt quá 56% GDP.


Nga cũng có hai bạn hàng thương mại lớn nhất là Khu vực đồng euro, và Trung Quốc, nhưng quan hệ chính trị với EU lại tiếp tục có căng thẳng.


Một số nhà quan sát tin rằng việc gắn bó với TQ có thể đem lại an ninh cho Nga nhưng về dài hạn đây là mối giao thương bất bình đẳng vì Nga cần cả tiền và công nghệ cao từ Trung Quốc.


Kinh tế Mỹ hiện vẫn ở con số 6 nghìn tỷ USD và chính giới nước này đang công khai ra các chính sách chặn nguồn cung ứng công nghệ cao cho Trung Quốc.

22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 810)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1269)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1192)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông