Hán hóa hay hóa Hán?

23 Tháng Tư 20216:20 SA(Xem: 6964)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A - THỨ SÁU 23 APRIL 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com

Chủ đề Tháng Tư đen


Hán hóa hay hóa Hán?

image003

Lý Kiến Trúc

Văn Hóa Online-California

24/4/2021 (bổ túc)


LỜI TÒA SOẠN: Tháng Tư đen lại về với Cộng đồng Việt Nam hải ngoại, tòa soạn Văn Hóa Online nhận được một số ý kiến của các vị thân hữu, học giả đề nghị tòa soạn nên đề xuất một chủ đề đặc biệt cho số báo tháng Tư.


Chúng tôi thành thật cảm tạ gợi ý của quí tôn túc học giả. Nhận thấy ý kiến về chủ đề mới phù hợp với hiện tình đất nước, với dòng chảy của thời sự và “biến cố của lịch sử”. Dù nước Việt ta đã chấm dứt 46 năm cuộc chiến Nam Bắc, máu đỏ ngập dòng xương chất thành núi, nhưng cái “bóng đè” phương Bắc vẫn không chịu buông mảnh đất chữ S mà tạo hóa vô tình đặt để vào tọa độ khắc nghiệt trên bản đồ thế giới.


Nhắc lại quá khứ chỉ tô đậm thêm cơn đau thắt ruột, nhắc lại một giai đoạn lịch sử bi tráng không riêng gì cho mỗi con người nước Việt mà là chung cả dân tộc.


Gần đây trong một bài viết, Học giả Hà Văn Thùy viết: “Lịch sử nó cắt đứt mối liên hệ với quá khứ, nhưng lịch sự luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống hiện tại”.


Một học gỉa Việt ở hải ngoại lại cho rằng: Lịch Sử là về THỜI GIAN. Lịch Sử chính là một DÒNG miên viễn bất tận, từ ngàn xưa tiếp đến ngàn sau, sự kiện này tiếp nối sự kiện kia, không bao giờ bị cắt đứt! Địa Lý là về KHÔNG GIAN nên có giới hạn. Chính vì thế, bản đồ luôn luôn phải đóng khung chứng tỏ giới hạn của bản đồ.


Câu nói của hai vị học giả khiến chúng ta suy nghĩ đại nạn Hán hóa nó có “cắt đứt quá khứ” hay có “giới hạn về địa lý” hay không?


Hán hóa xuất hiện từ bao giờ hay tự thân bức tranh vân cẩu nước nhà đã đến lúc hóa Hán?


Trong một xã hội mà người dân rơi vào thái độ vô cảm, chung sống hòa bình với thế sự giáo giở, buông xuôi theo sức cám dỗ khủng khiếp của chủ nghĩa duy vật-mê tín, đua đòi hưởng thụ, tranh chiến lẫn nhau…; thất phu, sĩ phu sẽ phải làm gì, “vị quốc” ra sao, trong lúc chủ nghĩa đại Hán bá quyền đang tung ra những chiến pháp hiểm độc, chuyển hóa, âm mưu “thu hồi” nước Nam tái lại cảnh “chư hầu thiên tử”?


Trong một cộng đồng xã hội Việt di tản lưu vong, thái đô vô cảm với sự an nguy của nước nhà tuy có ít, (bản chất của người con xứ Việt xa lìa quê cha đất tổ luôn âu sầu nhung nhớ, miên man kỷ niệm và cặm cụi làm ăn), nhưng tất cũng không thể cưỡng lại sự chết của thời gian. Riết, cái thần tranh đấu ấy ngày càng mòn mỏi ví như bóng tịch dương.


Đâu đây tiếng kêu sầu thảm của một nhà thơ:


“Áo cơm thê tử sao mà nặng

Cố nhục thâm tình cũng ngẩn ngơ

Nghĩa cũ càng mong gì đáp trả?

Mấy vần thơ úa mộng Nam kha.

Nghĩ quẩn ngày qua tháng lại qua

Bạn đồng trang lứa há riêng ta?

Thế thời ai vẽ tranh vân cẩu

Còn lại buồn hiu mấy tuổi già”.

(Vương Đức Lệ 2003)


Thiết nghĩ, với phương vị của một tờ báo, chúng tôi xin dành câu trả lời, sự tranh luận về chủ đề “Hán hóa hay hóa Hán” đến quý bạn đọc và thân hữu.


Bên cạnh lời tòa soạn, chúng tôi đăng lại một số bài viết của các quí vị học giả đã viết trên Văn Hóa Online trước đây như: Giáo sư Phạm cao Dương, Giáo sư Lê Xuân Khoa, Học giả Nguyễn Hải Hoành, Học giả Hà Văn Thùy … Thiết nghĩ các biện luận còn nguyên giá trị.


Tòa soạn cũng đăng lại các bản đồ thời Tam Quốc năm từ 191- 280 CN, vẽ nước Giao Chỉ-Âu Lạc-An Nam nằm trong lãnh thổ thời đại Tam Quốc.


image005image007image008Bản đồ Tam Quốc: Tào Ngụy, Thục Hán, Đông Ngô năm 262 CN trước khi Thục bị diệt. Nguồn: wikipedia.

image009

Bài vở, ý kiến đóng góp xin gởi về: lykientrucvh@gmail.com


VHO - 10 Tháng Sáu 20188:33 CH (Xem: 3310)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA ONLINE - THỨ HAI 11 JUNE 2018


Nhân Vụ Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc:


Phạm Cao Dương: Chúng Ta Đã và Đang Thực Sự Mất Nước


image011
Gs. Phạm Cao Dương


Trước khi vào đề: Người Tàu dù là Tàu Quốc hay Tàu Cộng, Tàu thời Nhà Hán, Nhà Đường, Nhà Tống, Nhà Minh...,  Tàu ở thời nào đi chăng nữa cũng vẫn là người Tàu, vẫn mãi mãi là tham lam, tàn bạo và hiểm độc.  Đó là điều đầu tiên chúng  ta cần ghi nhớ trước khi bàn về vấn đề này.  Chuyện người Tàu thường xuyên tìm cách xâm chiếm Việt Nam với những mưu toan mỗi ngày một tinh vi thâm độc hơn trong lịch sử hiện đại là chuyện thường trực xảy ra từ lâu rồi nhưng nhiều người vì dễ tính, dễ quên nên chỉ nhớ lõm bõm.  Vì vậy tác giả xin được kính gửi tới bạn đọc một bài viết không lâu trước đây của tác giả để bạn đọc có dịp nhớ lại cho chính xác, đầy đủ hơn. 


Đúng ra đây là phần tóm lược bài thuyết trình tác giả trình bày tại buổi hội thảo mang chủ đề “38 Năm Nhìn Lại: Hiện Tình và Tương Lai Việt Nam” do Hội Ái Hữu Bưởi - Chu Văn An Nam California tổ chức ngày 14 tháng 7 năm 2013 tại Coastline Community College, Thành Phố Westminster, California, Hoa Kỳ. Bài viết tuy được thực hiện từ  5 năm trước, từ đó đến nay nhiều biến cố quan trọng đã xảy ra, nhưng những gì được nêu lên vẫn còn nguyên những giá trị căn bản liên quan đến nguổn gốc sâu xa của vấn đề, của nó, đặc biệt là tham vọng và chủ trương bành trướng không bao giờ thay đổi của người Tàu dù là Tàu nào đi chăng nữa và như tác giả kết luận: Chính nghĩa của Người Việt Quốc Gia ngay từ những ngày đầu, từ thời Chính Phủ Trần Trọng Kim hồi năm 1945, xuyên qua Quốc Gia Vìệt Nam của Quốc Trưởng Bảo Đại  thời trước năm 1954, rồi Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa ở Miền Nam luôn luôn là đúng. Sự toàn vẹn lãnh thổ đã luôn luôn được coi là trọng và được nỗ lực bảo toàn. Lịch sử đã chứng minh điều này.


“Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di” – (lời Vua Lê Thánh Tông dụ bọn Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy năm 1473).


“Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái lan, Miến Điện, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po.  Một vùng như Đông-nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…  Sau khi giành được Đông-nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây.” - “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Mục tiêu của chúng ta là toàn thể trái đất”


Mao Trạch Đông tuyên bố trước Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 1959.


Nói về hiện tình đất nước ở vào thời điểm 2013 mà không nói tới tham vọng và cuộc xâm lăng của người Tàu, cuộc xâm lăng mới nhất, đang xảy ra trên lãnh thổ của nước ta là một điều vô cùng thiếu sót.  Vì vậy thay vì góp thêm nhận định về hiện trạng kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở trong nước hiện tại, tôi xin phép Ban Tổ Chức và toàn thể quý vị cho tôi được nói đôi chút về đề tài nóng bỏng này, đề tài tôi tạm gọi là “Chúng Ta đã và Đang Thực Sự Mất Nước”.  


Vì thời giờ có hạn, tôi chỉ xin nói ra những điểm chính. Sau buổi hội thảo ngày hôm nay tôi sẽ xin ghi lại những chi tiết đầy đủ hơn và sẽ xin gửi tới quý vị sau. Cũng vì thì giờ có hạn, tôi sẽ không nói tới hay đúng ra không nói nhiều về Biển Đông với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Đường Lưỡi Bò của Trung Cộng và những gì đế quốc mới này đã và đang làm ở trong vùng biển này như thành lập Thành Phố Tam Sa, thiết lập các cơ cấu hành chánh, chánh trị, quân sự, đưa các tàu hải tuần xuống đe dọa các quốc gia liên hệ chặn bắt, các tàu đánh cá của ngư dân, đặc biệt là ngư dân Việt Nam…  Lý do là vì tất cả đã trở thành đề tài thời sự thế giới, được nói tới gần như hàng tuần và luôn cả hàng ngày trên các đài phát thanh, các đài truyền hình quốc tế cũng như các đài phát thanh, đài truyền hình của người Việt, trên các trang mạng từ nhiều năm nay và đương nhiên trong những buổi gặp gỡ giữa anh em, bạn bè chúng ta.


Tôi cũng không nói hay nói rất ít về bản “Tuyên Cáo về việc Nhà Cầm Quyền Trung Quốc Liên Tục Có Những Hành Động Gây Hấn, Xâm Phạm Nghiêm Trọng Chủ Quyền Toàn Vẹn Lãnh Thổ Việt Nam Trên Biển Đông”, ngày 25 tháng 6 năm 2011 và bản “Kiến Nghị Về Bảo Vệ Và Phát Triển Đất Nước Trong Tình Hình Hiện Nay” của các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng ở trong nước gửi Quốc Hội Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 10 tháng 7 cùng năm và nhiều kiến nghị khác mà mọi người đều biết trước là sẽ không bao giờ được trả lời hay chỉ được trả lời quanh co hay gián tiếp.


Tôi cũng không nói hay nói rất ít về lối trả lời gián tiếp các nhà trí thức kể trên của Đảng CSVN xuyên qua một bài báo đăng trên tờ Đại Đoàn Kết theo đó những người cầm quyền ở Việt Nam hiện tại đã tỏ ra vô cùng lúng túng trước câu hỏi về bản công hàm của Phạm Văn Đồng nhân danh Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà gửi Chu Ân Lai, Chủ Tịch Quốc Vụ Viện nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, ngày 14 tháng 9 năm 1958. Đây là lần đầu tiên những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam, đã thừa nhận là họ đã lựa chọn nhường các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng để đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Cộng trong cuộc xâm chiếm Miền Nam bằng vũ lực của họ sau đó.  Đây cũng là lần đầu tiên họ, những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam, công nhận các chính phủ Quốc Gia Việt Nam thời Quốc Trưởng Bảo Đại và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa là những chính phủ hợp pháp có trách vụ quản trị các quần đảo này theo Hiệp Định Genève cũng như những nỗ lực không thể chối cãi mà những chính phủ quốc gia này đã làm để bảo vệ các quần đảo này trong suốt thời gian các chính phủ này tồn tại.Lý do chính yếu khiến tôi không nói hay chỉ nói rất ít về những sự kiện kể trên là vì tất cả hiện thời đang xảy ra ở Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mới chỉ là diện, là bề ngoài, là mới chỉ là bắt đầu.  Tất cả rồi cũng sẽ được giữ nguyên trạng trong một thời gian dài và dù muốn hay không Hoàng Sa cũng đã mất rồi, còn Trường Sa thì cũng mất nhiều phần, còn nhiều thế hệ nữa Việt Nam mới có thể lấy lại được hay có cơ hội lấy lại được.  Trung Hoa Cộng Sản trong mọi hoàn cảnh cũng đã chiếm được và giữ được những phần quan trọng kể từ sau khi họ chiếm Hoàng Sa từ trong tay Việt Nam Cộng Hòa hồi tháng Giêng năm 1974 trong sự im lặng, đồng lõa của chính quyền Cộng Sản Hà Nội. Cái giá để cho Đảng CSVN xâm chiếm miền Nam và thống nhất đất nước ta bằng võ lực phải nói là quá đắt cho dân tộc Việt Nam và cho chính họ. Hoàng Sa, Trường Sa hay rộng hơn Biển Đông chỉ là những gì nổi bật bề ngoài, là cái diện ai cũng có thể thấy được trong tiến trình mất nước của dân tộc Việt Nam đầu Thế Kỷ 21 này.  Vậy thì cái điểm nằm ở đâu?  Thưa quí vị, nó nằm ngay trên đất liền, trên lãnh thổ của chính quốc Việt Nam.  Nó nằm rải rác ở khắp lãnh thổ nước ta chứ không riêng ở biên giới phía bắc, đành rằng ở biên giới phía bắc, người ta đã ghi nhận những sự nhổ và lui cột mốc, sự mất ba phần tư Thác Bản Giốc, những sự chiếm giữ các cao điểm có tính cách chiến lược từ trước và sau trận chiến 1979 giữa hai đảng Cộng Sản Á Châu và có thể từ xa hơn nữa, từ đầu thập niên 1950, khi CSVN mở cửa biên giới phía bắc để nhận viện trợ của Trung Cộng nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh chống Pháp và gián tiếp chống lại chính quyền Quốc Gia Việt Nam lúc đó đã được thành lập bởi Cựu Hoàng Bảo Đại.  Những thắc mắc về sự mất mát này cho tới nay vẫn chưa được hoàn toàn giải tỏa dầu cho đã được nhiều người đòi hỏi.  Tôi sẽ nói thêm ở phần cuối về vấn đề này.  Có điều là đến giờ thì hai bên đã ký kết những thỏa ước và những cột mốc mới đã khởi sự được “cắm” rồi.  Những điểm này tuy nhiên chỉ là ở dọc vùng biên giới. Quan trọng hơn và nguy hiểm hơn, bức thiết hơn là những điểm, mà không phải là điểm hiểu theo ý nghĩa đen của danh từ, nằm sâu ngay trong lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam, dưới quyền quản lý của chính quyền Cộng Sản hiện tại nhưng vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền này.  Những điểm vừa cố định, nằm nguyên một chỗ, vừa di động khắp nơi trên lãnh thổ, điển hình là những mỏ bauxite trên cao nguyên, những khu rừng đầu nguồn nằm ở cửa ngõ của những vùng biên giới Việt-Trung và Lào-Việt , những khu vực trúng thầu, những địa điểm thu mua các nông sản, những vùng nông dân bỏ trồng lúa, trồng khoai, những trại nuôi cá, điển hình là trại nằm không xa quân cảng Cam Ranh là bao nhiêu mà các nhà cầm quyền địa phương sau cả gần chục năm không hề biết, những khu phố kiểu Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương … Tất cả đã trở thành những “thực dân địa”, những “colonies” của người Tầu ngay trong lòng của lãnh thổ Việt Nam, nơi những ủy ban nhân dân vẫn còn làm chủ. Nói cách khác, theo lời của các tác giả của Bản “Kiến Nghị Về Bảo Vệ Và Phát Triển Đất Nước …” ngày 10 tháng 7 năm 2011 mà tôi đã dẫn trên đây thì “…mặt trận nguy hiểm nhất đối với nuớc ta mà Trung Quốc muốn dồn quyền lực và ảnh hưởng để thực hiện, đó là: thâm nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá của nước ta. Đó là mặt trận vừa uy hiếp, vừa dụ dỗ nước ta nhân danh cùng nhau gìn giữ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ giữa nhân dân ta và chế độ chính trị của đất nước, vừa lũng đoạn nội bộ lãnh đạo nước ta, làm suy yếu khối đại đoàn kết thống nhất của dân tộc ta, làm giảm sút khả năng gìn giữ an ninh và quốc phòng của nước ta. Đánh thắng nước ta trên mặt trận nguy hiểm nhất này, Trung Quốc sẽ đánh thắng tất cả.”   Nói cách khác đó là chiến lược dùng quyền lực mềm thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam để nhẹ ra là đưa Việt Nam đến chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, còn nặng ra là chiếm luôn cả nước.   Đến lúc đó thì Hoàng Sa, Trường Sa và Đường Lưỡi Bò đương nhiên sẽ trở thành biển đảo của Trung Quốc.


Hãy tưởng tượng ngay trên Cao Nguyên Miền Nam, địa điểm chiến lược quan trọng nhất đã chi phối toàn bộ an ninh của miền nam Việt Nam và sự thống nhất của lãnh thổ quốc gia trong quá khứ, trong một khu vực rộng lớn, nằm ngoài sự kiểm soát của cả chính quyền trung ương lẫn chính quyền địa phương của người Việt, là một khu vực dành riêng cho người Tầu, không ai được nhòm ngó, không ai được ra vào. Họ được tự do mang người của họ vô, mang người của họ ra, được chở đồ của họ vô, chở đồ của họ ra một cách tự do, thong thả không qua một sự kiểm soát nào.  Những người này là những người nào? những đồ này là những đồ gì?  Làm sao biết được, ai mà biết được… cho đến biến cố tầy trời nổ ra?   Cũng vậy, ở những khu rừng đầu nguồn và ở những địa điểm của những công trình xây cất có tính cách căn bản nhằm cung cấp điện năng, khoáng sản, dầu khí…những lãnh vực thuộc loại tối quan trọng liên hệ tới an ninh của quốc gia.   nhìn vào con số 90% các “gói thầu” thuộc loại này được mở ra ở trong nuớc đã lọt vào tay các nhà thầu Trung Cộng.  Nhiều gói lên tới hàng tỷ Mỹ kim với những món tiền lót tay không phải là nhỏ, từ 10% đến 15% tiền thầu.  Hậu quả là những công trình do họ thực hiện phần lớn có phẩm chất kém, thời gian thi công kéo dài trong khi các nhà thầu Việt Nam, vì không đủ vốn, không đủ thế lực chỉ còn bất lực, đứng bên lề các đại công trường trên đất nước mình.  Nhưng nguy hiểm hơn hết vẫn là nạn nhân công người Tầu do chính các chủ thầu người nước họ mang sang để lao động thay vì các nhân công bản xứ. Ở khắp nơi, từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồ Sơn đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đến Đà Nẵng rồi vô tới Bình Dương và Cà Mau…chỗ nào có nhân công người Tầu đều có những khu cư xá riêng cho họ, kèm theo là các chợ búa, các cửa hàng, các trung tâm dịch vụ, các nhà nghỉ, các quán cà phê, karoke mang chữ Tàu… để phục vụ cho họ.  Người Việt Nam không riêng chỉ có thể đứng nhìn mà còn trở thành nạn nhân của tất cả những tệ hại do họ gây ra như ăn uống, nhậu say không trả tiền, phá phách, tiểu bậy, trêu gái, đánh lộn, kéo hàng trăm người đánh hội đồng người bản xứ khi có tranh chấp…


Những người Tầu được gửi sang Việt Nam để lao động kể trên thuộc thành phần nào?  Họ có phải thuần túy là dân lao động có tay nghề hay là những quân nhân thuộc những đơn vị đặc biệt, những đặc công tình báo được gửi sang để thực hiện một mưu đồ hiểm độc lâu dài hơn?  Hiện tại chưa có gì là rõ ràng mà chỉ là ức đoán.  Có điều là họ hiện diện ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam mà các nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương đều đã không kiểm soát được hay làm lơ không kiểm soát.  Mặt khác, nếu nhìn vào những gì Trung Cộng đã làm ở Tân Cương, ở Mông Cổ và luôn cả ở Tây Tạng trong thời gian gần đây thì không ai là không khỏi lo ngại.  Tỷ lệ số người gốc Hán ở các xứ này đã tăng gia dáng kể và sự cạnh tranh cũng như kỳ thị với sự thiên vị của nhà cầm quyền đã gây nên những cuộc bạo loạn trầm trọng.  Liệu Việt Nam có thể tránh khỏi tình trạng đang xảy ra cho các nước này hay không?  Ta không được biết, nhưng chỉ nhìn vào miền cao nguyên với các công trình khai thác bauxite, với lượng nhân công gốc Tầu đông đảo, phần lớn là những thanh niên chưa có hay không có vợ, hậu quả của nạn giới hạn hai con của chính quyền Trung Cộng người ta không thể không lo ngại cho tương lai của miền đất chiến lược quan trọng bậc nhất của đất nước Việt Nam này, miền đất mà Hoàng Đế Bảo Đại coi trọng đặc biệt với danh xưng Hoàng Triều Cương Thổ.  Những thanh niên này sẽ lấy các thiếu nữ Thượng, sẽ sinh con đẻ cái và tất cả sẽ trở thành công dân xứ Thượng.  Nếu điều này xảy ra thì rất là êm thắm, chỉ trong vòng hai thế hệ hay ba chục năm, chưa tới năm mươi năm, thời gian thuê các rừng đầu nguồn với giá rẻ mạt, những người Thượng gốc Tàu sẽ trở thành chủ nhân của các cao nguyên và qua một cuộc đầu phiếu êm ả và hợp pháp, miền đất rộng lớn, nhiều tài nguyên này sẽ trở thành của Tầu và biết đâu qua một tiến trình tương tự toàn bộ cả nước Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh mới của nước Tầu, tỉnh Quảng Nam rộng trên ba trăm ngàn cây số vuông hay hơn nữa nếu bao gồm cả hai nước Lào và Căm bốt, sau hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, biên giới phía nam nước Tầu sẽ được mở rộng tới Vịnh Thái Lan về phía nam và về phía tây, tới bờ sông Cửu Long.  Đó chính là ước mơ của những người tự nhận là Đại Hán mà suốt một ngàn năm vừa qua họ không đạt được.  Điều này không phải là không thể đến cho dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào và dân tộc Căm-pu-chia trong nửa thế kỷ tới. Tất cả sẽ có thể xảy ra một cách bất ngờ “trước khi người lính của chúng ta được quyền nổ súng” nói theo lời của một tướng lãnh của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong một đoạn video được phổ biến rất rộng rãi và trong một thời gian dài trước đây.  Chỉ tiếc là tính cách chính xác của đoạn video này cho tới nay chưa được phối kiểm.  Vị tướng lãnh này là Trung Tướng Phạm Văn Di, Chính Ủy Quân Đoàn 7 của quân đội này.


Những gì tôi kể ra trên đây chỉ là những gì dễ thấy và được nhiều người thấy.  Còn có nhiều hiện tượng khác tiềm ẩn hơn, thâm độc hơn do người Tàu cố ý gây ra như nạn hàng hóa rẻ tiền, thiếu phẩm chất của họ tràn ngập Việt Nam trong đó có những hàng độc hại, những thực phẩm có chứa các hóa chất gây bệnh chết người hay làm hại cho sức khoẻ cho loài người nói chung mà ảnh hưởng sẽ kéo dài trong nhiều thế hệ.  Việc người Tàu xây hàng loạt nhiều đập trên thượng nguồn sông Cửu Long và sông Hồng Hà đe dọa sự an toàn và phong phú của các đồng bằng châu thổ của các sông này, từ đó đe dọa cuộc sống của nhiều chục triệu người dân ở đây cũng là những hiện tượng người ta cần chú ý. Chưa hết, chuyện Trung Cộng tung tiền ra và đứng sau hai nước ở phía tây Việt Nam là Căm Bốt và Lào cũng đã và chắc chắn sẽ còn gây ra rất nhiều khó khăn cho Việt Nam mà những gì Căm Bốt đã làm trong Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN vừa qua là một bằng cớ, y hệt những gì Cộng Sản Bắc Việt đã gây ra cho Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến tranh vừa qua.


Trên đây mới chỉ là hiểm họa do người Tàu từ phương bắc đem tới. Còn có những hiểm họa khác do chính những người lãnh đạo ở Việt Nam hiện tại vì tham lam, vì trình độ hiểu biết kém cỏi, vì kiêu căng, vì mang bệnh thành tích… đã và đang gây ra cho chính dân tộc mình. Tôi muốn nói tới việc xây dựng bừa bãi và cẩu thả các đập thủy điện ở khắp nơi mà Sông Tranh 2 chỉ là một trường hợp điển hình.  Nguy hiểm hơn nữa là việc xây dựng các nhà máy phát điện hạch tâm, khởi đầu là ở Phan Rang, bất chấp những kinh nghiệm khủng khiếp của người Nga ở Chernobyl, người Nhật ở Fukushima hay những sự thận trọng của người Pháp, người Đức, người Mỹ khi những người này quyết định cho đóng cửa hay ngưng hoạt động các lò điện này ở nước họ. Nga, Nhật, Mỹ, Pháp, Đức… là những nước giàu có, tiền bạc nhiều, lại có những nền khoa học và kỹ nghệ cao, những chuyên viên giỏi, những người thợ có kinh nghiệm và vững tay nghề mà còn thận trọng tối đa như vậy, còn Việt Nam mình thì mặc dầu còn kém cỏi về đủ mọi mặt nhưng đã bất chấp tất cả.  Người ta đã không đếm xỉa gì đến sự cảnh cáo của dư luận quốc tế cũng như quốc nội, Giáo Sư Phạm Duy Hiển ở trong nước, Giáo Sư Nguyễn Khắc Nhẫn ở bên Pháp, những chuyên viên thượng thặng của người Việt đã hết lời can ngăn và đã viết nhiều bài điều trần với những lời lẽ vô cùng thống thiết nhưng không ai để mắt, để tai tới…cho đến khi đại họa xảy ra thì mọi sự đã quá muộn.  Nên nhớ là với Fukushima, người Nhật chỉ riêng để làm sạch miền biển liên hệ đã phải bỏ ra nhiều tiền bạc, công sức và dự trù sẽ phải để ra bốn mươi năm mới thực hiện nổi. T ham nhũng và nhất là bệnh thành tích phải chăng là nguồn gốc của đại nạn này?  Việt Nam phải là nhất, là cái gì cũng có, nhất là ở thời đại Hồ Chí Minh, Đỉnh Cao Của Trí Tuệ Loài Người.  Cuối cùng chỉ tội nghiệp cho người Chàm vì địa điểm thiết lập những nhà máy này chỉ cách Tháp Chàm có năm cây số.  Nếu chuyện gì xảy ra, con số hơn một trăm ngàn người còn sót lại của một dân tộc đã một thời hùng cứ ở miền trung và miền nam Trung Phần Việt Nam, có thời đã đánh bại người Việt, tràn ngập kinh đô Thăng Long, với một nền văn hoá giàu về hình tượng, nơi xuất thân của nhiều ca nhạc sĩ gốc Chàm sẽ một lần nữa bị tiêu diệt và lần này chắc chắn là lần chót.  Nên biết thêm là nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện dự trù sẽ thiết lập tổng cộng từ 8 đến 10 nhà máy điện hạch tâm, phần lớn là ở miền Trung mà Phan Rang chỉ là khởi đầu với 2 nhà, mỗi nhà 2 lò. Tất cả đều là mua của Nhật, Nga và luôn cả Đại Hàn sau các cuộc thăm viếng của các nhà lãnh đạo Đảng và chính phủ.  Họ viện cớ là các nhà sản xuất đều nói là các lò họ làm là an toàn một trăm phần trăm nhưng ai mà tin được những kẻ ở giữa ăn huê hồng từ những hợp đồng tính từ 3 tỷ, 5 tỷ, 10 tỷ Mỹ Kim trở lên.  Nếu chẳng may những vụ rò rỉ hay phát nổ của các lò xảy ra như ở Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì một phần ba dân số cả nước, phần ba dân số bị coi là có quê hương  “đất mặn đồng chua”, là “đất cày lên sỏi đá”, là “nghèo lắm ai ơi” với “mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”, nơi “Trời làm cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương lan tràn, ngập Thuận An…”, bây giờ lại bị đe dọa có thêm một đại nạn mới do chính các nhà lãnh đạo của nước mình  gây ra treo sẵn trên đầu.


Trên đây chỉ là một số những gì đã và đang xảy ra trên đất nước Việt Nam của chúng ta mà mọi nguời ít nhiều còn quan tâm tới quê hương của mình, của ông cha mình đều nhận thấy. Còn rất nhiều chuyện khác lớn hơn, quan trọng hơn và có tính cách chiến lược hơn như sự lệ thuộc về chính trị, về kinh tế và luôn cả về văn hóa của Việt Nam vào Trung Quốc, nhất là việc cấm đoán người dân không được tỏ thái độ dù cho chỉ là để bày tỏ lòng yêu nước của mình, giam cầm, bắt bớ hành hạ, không cho họ biết tới những gì đã thực sự xảy ra liên hệ tới sự thịnh suy, tồn vong của quê hương và dân tộc họ.  Đa số người dân đều mù tịt và vì mù tịt nên đa số đều dửng dưng, nếu không nói là vô cảm. Nhiều người đã ví giai đoạn mất nước và luôn cả diệt vong của dân tộc Việt Nam như một người đang hấp hối với cái chết từ bàn chân đã lên tới đầu gối và đang từ từ lên dần cho đến khi miếng bông đặt trên mũi đương sự không còn chuyển động nữa.  


Câu hỏi được đặt ra là những người đang lãnh đạo đất nước ta hiện tại có biết rằng, như một truyền thống ngàn đời, Đảng Cộng Sản Trung Quốc hay ít ra là những người lãnh đạo của đảng này ngay từ những ngày đầu đã nuôi mộng làm chủ thiên hạ giống như Tần Thủy Hoàng ngày trước hay không? Hay là họ vẫn tin tưởng vào “mười sáu chữ vàng” và “bốn tốt” mà Cộng Sản Tàu đã tặng họ để tự lừa dối và lừa dối dân mình?  Câu trả lời là có.  Bằng cớ là năm 1979, khi hai đảng cơm không lành, canh không ngọt, môi không theo răng bị răng cắn bật máu, Cộng Sản Việt Nam không những chỉ tố cáo trước người dân ở trong nước mà còn trước dư luận thế giới qua những tài liệu do chính họ xuất bản từ Hà Nội, theo đó Mao Trạch Đông ngay từ giữa thập niên ba mươi của thế kỷ trước đã nuôi mộng theo chân Tần Thủy Hoàng muốn làm bá chủ của cả thế giới, bắt đầu là Đông Nam Á. Trong hai tài liệu nhan đề  Sự Thật về Quan Hệ Việt Nam-Trung Quốc Trong 30 Năm Qua bằng tiếng Việt do Nhà Xuất bản Sự Thật ấn hành năm 1979 và tái bản năm 1980, và Chinese Aggression Against Vietnam, Dossier do Vietnam Courrier chủ biên, xuất bản ỏ Hà Nội năm 1979, ngay từ những trang đầu, người ta có thể đọc được những chi tiết như sau:


Ngay từ năm 1939, trong tài liệu nhan đề Cách Mạng Trung Quốc và Đảng Cộng Sản Trung Quốc do chính ông viết, Mao Trạch Đông đã nhận định: “Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận, Anh chiếm Miến Điện, Bu-tan, Nê-pan và Hương Cảng, Pháp chiếm An Nam…”  Tiếp đến, một bản đồ trong một sách giáo khoa đã vẽ nhiều lãnh thổ của các nước trong vùng biển Đông Nam Á và Biển Hoa Đông là thuộc Trung Hoa.  Sau đó, năm 1959, trong một buổi họp của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, khi nói về bang giao quốc tế, Mao Trạch Đông phát biểu rõ hơn nữa về tham vọng thống trị toàn cầu của mình.  Lãnh tụ này nói: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Mục tiêu của chúng ta là toàn thể trái đất” hay hạn hẹp hơn và kế hoạch hơn: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái lan, Miến Điện, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Một vùng như Đông-nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…  Sau khi giành được Đông-nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây.”


Về sự lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở biên giới Trung Việt, qua tài liệu Chinese Aggression Angainst  Vietnam , Cộng Sản Hà Nội tố cáo Trung Quốc vi phạm các Công Ước 1887 và 1895 ký kết giữa Nhà Thanh và nước Pháp, lấn chiếm 60 địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam ngay từ trước năm 1949, sau đó, từ sau năm 1949, bất chấp sự xác nhận lại các công ước này bởi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vào năm 1957-1958, Cộng Sản Bắc Kinh lại sáp nhập thêm trên 90 địa điểm khác ở biên giới giữa hai nước.  Chưa hết, cũng theo tài liệu này, từ sau năm 1974 con số các cuộc xâm nhập lại tiếp tục gia tăng mạnh mẽ hơn với 179 vụ năm 1974, 294 vụ năm 1975, 812 vụ năm 1976, 873 vụ năm 1977 và 2.175 vụ năm 1978.  Cuối cùng ngày 10 tháng 2 năm 1979, hai tiểu đoàn chính quy Trung Cộng đã tiến sâu 2 cây số vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm đồn kiểm soát Thanh Loa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.  Vẫn chưa hết, trong trận chiến biên giới Hoa Việt lần thứ hai 1984-1987, sau một trận đánh ác liệt ở núi Lão Sơn, mà người Việt quen gọi là Núi Đất hay tọa điểm 1502, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, quân Trung Cộng đã chiếm được núi này, 3.700 lính phòng thủ Việt Nam đã hoàn toàn bị tiêu diệt, xác của họ đã bị đơn vị chống hóa chất của bên địch thiêu hủy không còn vết tích.  Lão Sơn không phải là tọa điểm duy nhất bị quân Trung Cộng đoạt mà còn nhiều tọa điểm khác như các tọa điểm 1030, 852, 211, 138, 156, 166, 167, 168… nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Sau trận này Việt Nam đã mất thêm từ 600 đếm 1000 cây số vuông lãnh thổ về tay Trung Quốc.  Có điều lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã giấu nhẹm không cho dân chúng biết gì về trận chiến bi thảm này cho mãi đến khi Trung Cộng phổ biến phần nào trên các mạng của họ.  Điều nên biết là trong thời gian này Trung Cộng luôn luôn dùng thủ đoạn cho di dân của mình sang khai thác đất đai hay cư ngụ trên lãnh thổ thuộc Việt Nam dọc biên giới, rồi sau đó áp lực bắt Việt Nam phải công nhận những vùng đất này là thuộc nước họ.  Sự kiện này giải thích tại sao lại có chuyện điều đình và sửa lại các công ước mà trước Nhà Thanh đã ký với Pháp mà nội dung đã được hai phía làm sáng tỏ không lâu, trong các năm 1957, 1958 trước đó, như tôi đã nói ở trên qua các hiệp ước 1999, 2000.  Chiến thuật này đang được họ dùng ở Biển Đông trên một quy mô rộng rãi hơn, lớn hơn qua việc họ chiếm Hoàng Sa và một số đảo thuộc Quần Đảo Trường Sa rồi tìm cách hợp thức hóa sau này.  Việt Nam giấu nhẹm nhưng Trung Cộng thì coi là quan trọng và quảng bá rộng rãi. Họ đã cho công bố hình ảnh Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương tới thăm địa điểm Lão Sơn này, kèm theo hình ảnh những công sự và đường sá mà họ thiết lập sau đó, nhắm về phía Việt Nam.  Những sự kiện này khiến cho những ai quan tâm đến sự sống còn của đất nước không khỏi không liên tưởng tới sự kiện Giang Trạch Dân đã bay thẳng từ Trung Quốc đến bơi ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng như là biển nhà của mình thay vì phải qua Hà Nội gặp chủ nhà trước, hay Hồ Cẩm Đào đến bơi ở biển Hội An khi đến dự Hội Nghị OPEC, hay chuyện Đảng Cộng Sản Việt Nam cho phép và bảo vệ các thanh niên người Hoa rước đuốc thế vận qua Saigon và các đảo trong khi mọi cuộc tụ tập của người Việt đều bị đàn áp, cấm đoán. Trước tình trạng cực kỳ nguy hiểm kể trên, câu hỏi được đặt ra là khả năng đề kháng của người Việt Nam như thế nào và những người có trách nhiệm bảo vệ đất nước và sự tồn vong của dân tộc đã có thái độ ra sao và đã làm gì?  Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ chúng ta còn cần có nhiều buổi hội thảo khác với những đóng góp của nhiều thuyết trình viên khác. Tạm thời tôi chỉ xin mời quý vị đọc lại bản kiến nghị mà tôi đã đề cập đến trong phần đầu của bài thuyết trình hay những bức thư mà Hòa Thượng Thích Quảng Độ hay những bài viết của nhiều vị nhân sĩ, trí thức như Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại Sứ Việt Nam ở Trung Quốc và nhiều người khác ở trong nước viết trong ít năm gần đây.  Trước khi ngưng lời, tôi xin được trích dẫn lời của Thiếu Tướng Lê Duy Mật, nguyên Phó Tư Lệnh kiêm Tham Mưu Trưởng Quân Khu 2, Chỉ Huy Trưởng Mặt Trận Hà Giang trong thời gian chiến tranh biên giới, khi ông trả lời Biên Tập Viên Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do, RFA, ngày 17 tháng 2 năm 2013 về sự kiện là “nhiều gia đình liệt sĩ của cuộc chìến 1979 đã không biết hài cốt con em mình nằm tại đâu vì sau đợt cắm mốc biên giới thì phần đất Việt Nam chôn hài cốt liệt sĩ đã thụt sâu về phía Trung Quốc.  Thiếu Tưóng có nghĩ rằng nhà nước phải làm một điều gì đó để mang lại công bằng cho những người này hay không?”  Nguyên văn câu trả lời của Tướng Lê Duy Mật như sau:


 “Nhà nước ta lệ thuộc không dám nói gì với Trung Quốc, nếu không phải bàn với ngoại giao Trung Quốc, quân đội Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc thì mới có thể giải quyết được.”


Câu trả lời của Tướng Mật là về các liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Việt Trung 1979 và 1984-1987, nhưng nội dung của nó đã bao gồm toàn bộ các vấn đề liên hệ đến bang giao Trung-Việt trong hiện tại. “Nhà nước ta lệ thuộc không dám nói gì với Trung Quốc” là nguồn gốc của tất cả.  Đó là lý do tôi lựa chọn đề tài cho buổi thuyết trình ngày hôm nay, chưa kể tới tình trạng vô cảm của không ít người Việt trước hiện tình vô cùng nguy hiểm của đất nước, sự mất tin tưởng của đa số người dân và sự bất lực của giới trí thức và sự bất cập không đối phó được với tình thế mới trong mọi sinh hoạt từ chính trị đến kinh tế, xã hội và luôn cả văn hóa ở Việt Nam sau 38 năm Cộng Sản làm chủ toàn thể đất nước, và 27 năm đổi mới.  Lãnh đạo cấp cao của hai đảng Cộng Sản đã thỏa hiệp với nhau những gì trên đầu người dân Việt Nam từ sau cuộc chiến biên giới Trung-Việt, từ sau Hội Nghị Thành Đô 1990, từ sau những buổi gặp gỡ của Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và sau này Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang với các nhà lãnh đạo Trung Quốc?  Chỉ có những người này mới biết được nhưng không bao giờ và sẽ chẳng bao giờ họ nói ra cả.  Về điểm này, tôi xin được nhắc lại lời Vua Lê Thánh Tông dụ bọn các ông Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy năm Hồng Đức thứ tư, 1473, nguyên văn như sau:


 “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di.”


Lịch sử đã được chép, đang đuợc chép và sẽ còn được chép dù cho môn sử học, vì lý do nào đó, trái với truyền thống của dân tộc, trái ngay cả với nhận định “dân ta phải biết sử ta” của Hồ Chí Minh và ngược lại với chương trình giáo dục của bất cứ quốc gia độc lập và có chủ quyền nào, kể cả các quốc gia tiền tiến về khoa học và kỹ thuật, không còn được coi là quan trọng trong chương trình giáo dục của Việt Nam hiện tại.  Đây cũng là một lý do khác đã và đang làm cho chúng ta mất nước.


Gia dù là ở bất cứ thời nào, từ Chính Phủ Trần Trọng Kim hồi năm 1945, xuyên qua Quốc Gia Việt Nam hồi trước năm 1954, rồi Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa ở Miền Nam, sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc luôn luôn được coi là tối quan trọng và mọi người phải có nhiệm vụ bảo toàn.  Lịch sử đã chứng minh điều này. 


Xin cảm ơn Quý Vị đã kiên nhẫn lắng nghe hay đã đọc và đọc lại bài thuyết trình này.  Xin kính chào Quý Vị./


Chú thích:  Đây là phần tóm lược bài thuyết trình tác giả trình bày tại buổi hội thảo mang chủ đề “38 Năm Nhìn Lại: Hiện Tình và Tương Lai Việt Nam” do Hội Ái Hữu Bưởi - Chu Văn An Nam California tổ chức ngày 14 tháng 7 năm 2013 tại Coastline Community College, Thành Phố Westminster, California./


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Gs Lê Xuân Khoa: "Hán hóa" có nghĩa là diệt Việt tộc, muốn biến Việt tộc thành Hán tộc.


10 Tháng Năm 201511:12 CH(Xem: 15686)

"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 11 MAY 2015


Gs Lê Xuân Khoa: "Hán hóa" có nghĩa là diệt Việt tộc, muốn biến Việt tộc thành Hán tộc

LTS: Trong bài Văn Hóa phỏng vấn Gs Lê Xuân Khoa "post" lên mục TIN NÓNG trang nhất báo Văn Hóa mấy ngày vừa qua, tòa soạn nhận được nhiều phản hồi của quý bạn đọc. Chúng tôi có trao đổi với Gs Lê Xuân Khoa và cả hai đều nhận thấy các phản hồi đó rất đúng vì đã có nhiều sai sót lỗi đánh máy, lỗi chính tả và văn phong câu đoạn; do đó, sau khi ra soát, tòa soạn và Gs Khoa cần phải bổ túc bài phỏng vấn cho mạch lạc,hoàn chỉnh. Chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng yêu cầu của quý bạn đọc và trân trọng cáo lỗi vì những sai sót trong bài trước. (VH)

* Gs Lê Xuân Khoa: "Hán hóa" có nghĩa là muốn diệt Việt tộc, muốn biến Việt tộc thành Hán tộc. Đồng thời, TQ sẽ chiếm toàn bộ đất đai cũng như biển Đông, biến Việt Nam thành một bộ phận của Trung Quốc"


image012Nhà báo Lý Kiến trúc phỏng vấn Giáo sư Lê Xuân Khoa tại Câu Lạc bộ Văn Hóa Báo Chí Quận Cam 5/5/2015. Ảnh trích từ video.


Kính chào Giáo sư, hôm nay báo Văn Hóa hân hạnh được tiếp xúc với Giáo sư qua một số vấn đề, xin được vào đề ngay:

Văn Hóa: Là một trong 36 trí thức VN hải ngoại ký tên trong THƯ NGỎ (trong đó có Gs Vũ Quốc Thúc), cho đến đã hơn 4 năm, ông nhận thấy THƯ NGỎ đã có tác động nào hay rơi vào quên lãng đối với chính phủ VN?

Gs Lê Xuân Khoa: Khi chúng tôi chủ trương viết Thư Ngỏ, không phải là tự nhiên, mà do ở trong nước có hai Kiến nghị của 72 trí thức và một cái nữa của các đảng viên. Chủ trương của họ đưa ra có hai điểm chúng tôi rất tán thành: Thứ nhất là trong nước đang đối phó với sự xâm lược của Trung Quốc, tìm cách làm sao VN thoát ra khỏi sự khống chế của TQ. Thứ hai là tiến đến lộ trình hội nhập với thế giới dân chủ nghĩa là phải bắt đầu cải tổ chế độ chính trị chứ không chỉ cái tổ kinh tế. Hai điểm đó là điểm chúng tôi trong đợi ở ngoài này.

Chúng tôi ở ngoài này không có lập đảng lập phe gì hết, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trao đổi qua email, ví dụ như qua Pháp, qua Canada, qua Úc ... thì chúng tôi vẫn có cái chuyện là làm thế nào mà có cơ hội gì thúc đẩy chuyện trong nước phải đi vào cái chỗ "thoát Trung", và con đường thứ nhì là xây dựng dân chủ. Khi Kiến nghị trong nước lên tiếng, chúng tôi tán thành và bên ngoài tìm cách hỗ trợ trong nước cho có uy tín và mạnh hơn, bởi thế chúng tôi chọn hình thức "Thư Ngỏ" mà không chọn "Kiến nghị", vì chúng tôi hiểu người trong nước, trong đảng "Kiến nghị" với chính phủ của họ, còn chúng ta ở ngoài không có kiến nghị mà chỉ là thư ngỏ, thư ngỏ không chỉ viết riêng cho chính quyền mà công bố cho tất cả mọi người biết. Cho đến bây giờ đề tài đó vẫn còn thời thượng, còn chính quyền họ nghe theo tới đâu thì chúng ta theo dõi thấy họ dường như muốn đi về hướng đó mà vẫn còn có cái sự "thụt tới thụt lui".  

Văn Hóa: Là một nhà Biên niên Sử, ông có theo dõi cuộc diễn binh, duyệt binh tại Sàigon hôm 30 tháng Tư vừa qua, theo ông nó có gì đặc biệt, nhất là qua bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng?


image013 Từ phải: Trên khán đài trong cuộc diễn binh, duyệt binh hôm 30/4/2015 tại SàiGon, Trương Tấn Sang phất cờ MTDTGPMN, Nguyễn Sinh Hùng phất cờ đảng, Nguyễn Tấn Dũng phất cờ nước, Nông Đức Mạnh phất cờ MTDTGPMN, Nguyễn Phú Trọng phất cờ đảng, một Ủy viên bộ chính trị phất cờ MTDTGPMN. Lá cờ MTDTGPMN cắm trên nóc hai chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 843 và 390 đầu tiên húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng Tư 1975 đã bị "thủ tiêu" vào năm 1976. Cuộc diễn binh bao gồm các lực lượng chủ lực của quân giải phóng thị uy cùng với các lực lượng hải lục không quân của bộ đội chính quy, nhưng rất ít xuất hiện các đơn vị khí tài vũ khí.


Gs Lê Xuân Khoa: Sự thực tôi không chú ý lắm về cái duyệt binh vì tôi cho đấy là cái "diễn tuồng" của chính quyền trong nước. Tôi hoàn toàn không tán thành, bởi vì đã đến cái ngày kỷ niệm 30 tháng Tư đừng có nên biểu dương cái thái độ để cho ngoài có thể nhìn nhận như là để biểu dương sức mạnh hay khoe khoang quá khứ; đã đến lúc phải quên cái quá khứ đó đi, hướng về tương lại nhiều hơn; chính ông Dũng cũng nói là đóng lại qua khứ hướng về tương lai, đằng này lại ôn lại hình ảnh quá khứ, sống lại quá khứ ... Bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng có thể nói tôi hoàn toàn thất vọng, rất ngạc nhiên và thất vọng.

Văn Hóa: Giáo sư đã bỏ ra nhiều năm ở đại học Johns Hopkins nghiên cứu về Biển Đông, tình hình và diễn biến Biển Đông hiện nay ông nhận xét như thế nào?

Gs Lê Xuân Khoa: Tôi cũng xin nhắc lại là sau khi chúng tôi viết Thư Ngỏ, chúng tôi có lập ra một "Diễn đàn Trí thức", "Việt Nam Issues Forum", ở hải ngoại chúng tôi có một nhóm anh em trao đổi, theo dõi tình hình trong nước, chú ý đến vấn đề nào mà mình có thể thấy rằng mình đưa ý kiến để trong nước những anh em trí thức có thể dùng được, làm áp lực để vận động chính quyền trong nước, cũng như đối với quốc tế chúng tôi thấy có điểm gì cần làm được.

Có hai vấn đề chính mà chúng tôi thường xuyên theo dõi cho đến bây giờ, thứ nhất là Biển Đông thứ hai là Sông Mê Kông. Vấn đề Biển Đông có hai khía cạnh, chúng tôi có hai nhóm làm việc, nhóm thứ nhất chuyên về "Tư liệu Lịch sử", dựa vào tài liệu trong nước có, dựa vào tài liệu ngoài này có và dễ kiếm hơn ví dụ như ở Pháp thì vào thư viện Quốc gia Pháp, bên nay thì đi khai thác ở các thư viện bên này hoặc của tư nhân, chúng tôi có những đối chiếu, bổ túc cho nhau, nhưng cũng nhân dịp đó mà tạo ra mối quan hệ với các nhà nghiên cứu trong nước họ cũng đang đi tìm tài liệu lịch sử để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của VN.

Cho đến bay giờ chúng tôi vẫn làm việc rất sát với các nhà nghiên cứu trong nước kể cả các tài liệu tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, cũng như các tài liệu viết bằng chữ Hán. Đấy là khía cạnh thứ nhất về tài liệu, khía cạnh thứ hai là Luật pháp, chúng tôi thấy ngoài này mình có ưu thế là có nhiều luật gia cũ cũng như mới theo học Luật quốc tế. họ nắm vững được các yếu tố về luật quốc tế, quốc gia, do đó nếu trong trường hợp "kiện" Trung Quốc về Biển Đông thì có thể kiện được không và có hy vọng gì không, chắc chắn trong nước họ cũng đưa lên chính quyền, còn chính quyền họ dùng được tới đâu hay không dùng thì mình chưa biết.  

Văn Hóa: Thưa Gs, các tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thì phía bên Trung Quốc cũng đưa ra cả ngàn trang tài liệu chứng minh ch quyn các hòn đảo đó thuc v h, ngay c Philippines cũng đưa ra tài liu, như vy thì qua các tài liu đó (VN,TQ,PHI), có nhng đim xung đột nào, đim khác biệt nào, điểm trùng hợp nào trong lúc ba bên hiện đang tranh chấp?

Gs Lê Xuân Khoa: Cho đến bây giờ, chủ yếu là có sự so sánh tài liệu của TQ và của VN. Tất nhiên chúng tôi có sự phản biện, có sự so sánh chúng tôi mới chứng minh là TQ không có tài liệu đầy đủ hoặc sai sót, chứng minh là phía VN thật sự có tài liệu chính xác. Từ đó, cung cấp cho nhóm Pháp lý, nhóm Pháp lý từ đó có thể đưa luận cứ đứng về mặt Công pháp quốc tế, dựa vào cả Hiến chương Liên hiệp quốc để có thể tranh cãi với TQ trước Tòa án Quốc tế.

Văn Hóa: Tài liệu của VN và tài liệu của Philippines có sự khác biệt như thế nào trong lúc hai nước đang có tranh chấp?

Gs Lê Xuân Khoa: Thú thật là về phía Philippines tôi chắc là có nhưng tôi không theo dõi sát, tôi cũng không nằm trong nhóm nghiên cứu đó, tôi chỉ là người điều phối và sau này tôi cũng đã rút lui. Tất nhiên về phía VN và Phi cũng có tranh chấp, nhưng chủ trương của chúng tôi là tất cả những tranh chấp giữa các nước Đông Nam Á (5 nước), nên nói với nhau là chúng ta nên giải quyết riêng với nhau, bây giờ chúng ta cần đoàn kết lại để nói chuyện với TQ cái đã. Vấn đề với Phi nếu có thì là nghiên cứu thêm, vấn đề chính là chyện của VN với TQ. Chuyện Phi bài bác TQ như thế nào thì chúng tôi xem như lập trường chung đối với TQ, còn chuyện tranh chấp đối với Phi thì giải quyết riêng. Đấy là chủ trương của chúng tôi.   

Văn Hóa: Trong vụ kiện của Philippines lên tòa Trọng tài Quốc tế La Haye, thái độ của Việt Nam có vẻ như không được rõ ràng lắm , theo Gs thấy nó như thế nào?

Gs Lê Xuân Khoa: Theo chủ trương của chúng tôi thì nhất định mình phải đi với Philippines, mình phải ủng hộ tuyệt đối, nhất là khi mình chưa tiện, khi chính phủ VN thấy là chưa tiện đứng ra để đối đầu hẳn với TQ thì ít nhất cũng phải hỗ trợ Phi, phải vận động quốc tế để làm áp lực với TQ, còn làm lấy chưa được thì phải dựa người khác, trong khi đó phải tiến tới cái chỗ mình phải chủ động làm tới nơi đi chứ không phải ngồi chờ.  

Văn Hóa: Trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng hội đàm với ông Tập Cận Bình, nhận định của Giáo sư về bản Thông cáo chung giữa VN và TQ đối với vấn đề Biển Đông như thế nào?

Gs Lê Xuân Khoa: Có lẽ tôi nên lui lại một chút về việc ông Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh. Ông Trọng đi Bắc Kinh trước khi đi Washington, tuy chưa biết đi Washington như thế nào nhưng chỉ biết khi Washington mời Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ thì Tập Cận Bình lúc đó mới mời Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh. Chuyện mời đó so với thái độ của Bắc Kinh đối với VN trước đây thì đó là một sự xoay chuyển 180 độ. Khi hiện tượng giàn khoan HD-981 xẩy ra vào tháng Năm năm ngoái, thì Trọng phải vội vàng xin liên lạc ngay với Bắc Kinh để cầu cứu làm sao để giải quyết vấn đề này và xin được gặp Tập Cận Bình. Chúng tôi được biết là mấy lần Trọng xin mà bị từ chối, trong nước họ đếm tất cả là đến 30 lần, kể cả chính thức và không chính thức qua các kênh, cán ngả khác nhau mà bị Cận bình từ chối không cho gặp, như thế thái độ TQ dứt khoát với VN, nó cho rằng VN là tay sai rồi, nó cho quốc tế biết đừng có đặt vấn đề VN ra nữa, xong rồi, khi VN đặt vấn đề thảo luận với nó thì nó từ chối, đó là chuyện nó muốn làm mất mặt đảng CSVN, nhất là TBT đảng CSVN.

Tôi thấy khi mà Mỹ có thể đã điều đình với VN, và VN vì chuyện đó mà thấy nguy, thứ nhất là thấy TQ bỏ rơi mình, đối xử tàn nhẫn như vậy, phi ngoại giao, có thể nói rất là vô lễ.Nhưng, cái này tôi mới cho là yêu tố quan trọng, nguy hiểm như thế này mới thấy sự bất mãn của nhân dân trong nước, nhân dân trong nước lại càng khinh bỉ chính quyền này, nhân dân trong nước càng thấy rằng TQ quyết liệt lấy VN và như thế là chết rồi cho nên sự bất mãn của dân chúng bùng lên rất mạnh, và cái sự vùng dậy rất mạnh đó khiến cho Nguyễn Phú Trọng  và cái phe thân Tầu phải suy tính lại. Trong lúc suy tính thì ta thấy có hiện tượng Nguyễn Tấn Dũng làm cái chương trình "Chân dung Quyền lực", tôi không dám nói là của Nguyễn Tấn Dũng nhưng ai cũng biết là cái trang "Chân dung Quyền lực" đó hoàn toàn đứng trên quan điểm Nguyễn Tấn Dũng, hoàn toàn chống lại cái đám thân Tầu, khi tất cả cái tội ác, tội  tham những đàn em của Phú Trọng bị đánh thì ta thấy cái khuynh hướng chống TQ, thân tây phương, thân Mỹ nó lên vào lúc đó nó rất nguy hiểm vì toàn dân nổi lên, toàn dân được tự do  hiểu biết thì đến lúc nào đó phe TQ sẽ bị lật đổ. Bởi sự hoảng hốt đó cho nên cái đám Bộ chính trị phải họp để chận cái chuyện đó, thì chúng ta mới thấy rằng bỗng nhiên trang "Chân dung Quyền lực" phải khựng lại trong vòng khoảng mấy tháng nay.

Cái ngừng đó đây phải hiểu rằng có sự can thiệp của nội bộ để ngồi lại với nhau để điều đình rồi. Cái điều đình nó đưa đến cái gì, đưa đến cái dung hòa, nếu phe Nguyễn Tấn Dũng không thắng hoàn toàn thì nó cũng phải được như thế nào thì nó mới chịu ngưng trang CDQL, cho nên khi Bộ chính trị nhìn thấy TQ phản bội lại mình, bắt mình phải lệ thuộc nó quá trắng trợn thì thế nào nhân dân nó cũng lật mình thôi, cho nên họ phải nhân nhượng điều đình lẫn nhau.Tôi nghĩ rằng phe TQ bắt đầu chấp nhân chuyện xa TQ đi, bắt đầu xích lại gần Mỹ hơn, khi có dấu hiệu có thể đi lại gần với Mỹ thì Mỹ có lời mời Phú Trọng.

Ta có thể hỏi tại sao Mỹ lại mời Trọng mà không mời Dũng, ta có thể hiểu rằng đối với Mỹ Nguyễn Tấn Dũng coi như thân Mỹ rồi. Dũng chống TQ nó khá rõ rồi, cho nên đối với Hoa Kỳ nếu mình lấy được cái anh mà nó đang theo Tầu bây giờ nó muốn theo mình thì kéo được thêm anh đó thì nó càng mạnh. Đấy là lý do Mỹ mời Nguyễn Phú Trọng.

Văn Hóa: Trở lại vấn đề giàn khoan HD-981, có hai điểm, ý đồ chính khi TQ "âm thầm" kéo giàn khoan vào thềm lục địa VN, thứ hai là trong trận "đối đầu" đó, tạm gọi đó là trận đánh mới ở trên Biển Đông giữa VN và TQ,vấn đề "thắng" hay "bại" thuộc về phe nào?

Gs Lê Xuân Khoa: Nếu mà nói "thắng" hay "bại" do cái giàn khoan HD-981 đó thì tôi thấy TQ bại. TQ làm một cái sai lầm lớn vô cùng, đối với VN hay đối với quốc tế cả hai phương diện đều sai lầm hết. Bởi vì đối với quốc tế thì tất cả không có quốc gia nào hỗ trợ chuyện đó. Tất cả dư luận từ các nước ASEAN dù có không lên tiếng chống đối chăng nữa thì rõ ràng ASEAN cũng không chấp nhận được, chưa kể các cường quốc Mỹ, Tây họ đều lên tiếng chống lại. Đối với VN thì rõ ràng TQ cho các anh thấy rằng các anh là tay sai của tôi rồi

Một sai lầm rất lớn là TQ đã gây nên sự bất mãn của đám tay sai đàn em, bất mãn kinh khủng đối với nhân dân, bằng chứng là các vụ đập phá, biểu tình, đập phá các cơ quan của TQ dính tới các cơ quan khác nữa. Điều đó là phản ứng của nhân dân chống TQ nó mạnh đến độ TQ bất ngờ.

Văn Hóa: Gs có nghĩ thế nào khi giàn khoan đó "âm thầm" kéo đến VN và rút ra cũng "âm thầm"?

Gs Lê Xuân Khoa: Tôi nghĩ rằng cái "âm thầm" đó nó có tính cách lặng lẽ thôi, chứ việc nó kéo vào đó là hiển nhiên rồi. Công khai chứ đâu phải bí mật. Kéo cái giàn khoan vào đó là cả một cái biến cố ghê gớm, nhưng khi mà rút đi lặng lẽ thì đó cũng là cái hoạt động công khai rồi, điều đó chứng tỏ cho TQ thấy họ sai lầm, và vì thế cho nên là khi Tập Cận Bình mời Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh chưa bao giờ có một nhân vật nào của VN kể cả Hồ Chí Minh được TQ đón tiếp bằng 21 phát súng thần công, tất cả nghi lễ lớn nhất để mà chuộc lại cái lỗi đối với VN, để mà kéo hết sức VN về phía mình đừng để nó ngả về phía Mỹ. Đây là cái cố gắng nỗ lực của TQ để mà lấy lại cảm tình đối với VN.

Văn Hóa: Theo như GS nói thì như vậy VN chưa hoàn toàn lệ thuộc vào TQ?

image014

Gs Lê Xuân Khoa: Cho đến lúc đó, nhưng mà khi mà đã nhận lời đi thăm TQ sang gặp Cận Bình rồi thì tôi nghĩ chuyện đó nó không còn như vậy nữa. Nó không phải là chuyện bất mãn hoàn toàn với TQ nữa, nó có cái sự thỏa hiệp với TQ mà chúng ta không được biết rõ lắm. Nhưng mà trở lại với câu hỏi là đi với TQ có phải là ngả với TQ hay không thì cái lời mời Phú Trọng sang TQ rất là nhanh, rất gấp, bởi vì sau khi biết cái thái độ bất mãn của VN thì Cận Bình mới bằng lòng mời Trọng đi, đi gấp rút trước khi Phú Trọng đi Mỹ trong vòng mấy tuần nữa. Khi mời như vậy, thường thường nếu có các văn kiện gì ký kết thì phải nói chuyện với nhau ít nhất cả năm trước hay ít nhất cũng phải dăm bẩy tháng trước, đây ngày đầu tiên mới tới đã có 7 văn bản sẵn đó để cho hai bên ký kết rồi, tức là 7 văn bản đó do TQ nó đã soạn sẵn rồi, ngày đầu tiên tới nơi, hai ông chủ tịch ngồi đó chứng kiến ký kết văn bản. Chỉ có bản Thông cáo chung mà chúng ta được biết chứ còn cái nội dung 7 văn bản thì không biết nó làm sao cả, nhưng chúng tôi rất nghi rằng các văn bản đó bất lợi cho VN, bằng chứng là trong Thông cáo chung nhắc đi nhắc lại 16 chữ vàng, bốn tốt, điều dó có thể hiểu cái cam kết của VN không ra khỏi ảnh hưởng của TQ, không dám "thoát Trung".

Văn Hóa: Cái giàn khoan kéo đến VN vào tháng 5 năm ngoái, gần một năm sau, Tập Cận Bình mới mời Nguyễn Phú Trọng, điều đó có gì gấp rút?

Gs Lê Xuân Khoa: Tôi nghĩ khi Tập Cận Bình cho giàn khoan rút ra thì họ biết là có sai lầm, nhưng cái chuyện họ mời ngay đi thì chắc là chưa có đâu, nhưng khi có cơ hội thì cũng nên tiếp anh này, đàn em của mình để cho nó đỡ bị "bất mãn" quá.

Văn Hóa: Trong quá khứ trước đây ông có dịp nhiều lần tiếp cận với các ông Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt, nhân cách, quan điểm và khuynh hướng của hai ông đó có ảnh hưởng đến các chóp bu hiện nay đang lãnh đạo đảng CSVN trong mối quan hệ tay ba Việt- Mỹ - Trung?

image015

Giáo sư Lê Xuân Khoa (trái) và cựu Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Funseth, người đã ký với Hà Nội thỏa hiệp H.O năm 1989.

Gs Lê Xuân Khoa: Lần tiếp xúc với Nguyễn Cơ Thạch thì nói cho rất đúng là vào năm 1990, khi ông Nguyễn Cơ Thạch vào khoảng tháng Chín tháng Mười có buổi họp Đại hội đồng Liên hiêp quốc, các nước thành viên, các thủ lãnh các quốc gia, ít nhất phải là bộ trưởng ngoại giao. Năm 1990 người đi họp hội nghị đó là Nguyễn Cơ Thạch với tư cách Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; khi ông đến Nữu Ước thì tôi đang tranh đấu đòi thả tù nhân chính trị cho đi sang định cư ở Hoa Kỳ , nói đúng ra thì VN đã ký hiệp ước thả tù nhân rồi nhưng vấn đề cho đi định cư tại Hoa Kỳ thì chưa có, cái thỏa ước đó ký với ông Robert Funseth vào tháng 8, 1989; khi ông Thạch sang đến Nữu Ước thì chúng tôi vận động Quốc hội và Bộ ngoại giao Mỹ nhân dịp này phải làm áp lực vì biết Nguyễn Cơ Thạch sang Mỹ để bàn đến vấn đề bang giao.

Cái triển vọng bang giao đó có lẽ đã nói chuyện từ lâu, nhưng ít nhất tôi biết rất rõ từ năm 1989 hai bên đã nói chuyện với nhau, bởi vì khi tôi đi họp hội nghị Geneve về Quốc tế tỵ nạn, đáng lẽ tôi ngồi trong phái đoàn Mỹ thì tôi chỉ cử người trong tổ chức ngồi trong phái đoàn Mỹ còn tôi đi với tư cách của một NGO riêng để tôi có thể nói tiếng nói riêng của tôi chứ không nói tiếng nói của phái đoàn Mỹ. Khi chúng tôi về Mỹ có đặt vấn đề với chính phủ Mỹ và Quốc hội rằng, một trong những điều kiện bang giao là vấn đề Tù nhân Chính trị phải được giải quyết, đồng thời phải chú ý đến tiếng nói của người Mỹ gốc Việt. Lúc đó bên bộ ngoại giao là ông Funseth, bên quốc hội là ông Thượng nghị sĩ Mark O. Hatfield ông nói với chúng tôi: "Cho đến lúc này chúng tôi vẫn đại diện cho người tỵ nạn để đặt vấn đề với VN, bằng cớ là chúng tôi đã ký hiệp ước bắt họ phải thả tù chính trị, chuyện thứ hai là đến lúc này các ông là công dân Mỹ các ông phải lấy tư cách là công dân Mỹ yêu cầu thẳng với VN thay vì chúng tôi nói, chúng tôi sẽ hỗ trợ, nhưng không làm chủ tình thế"; bởi thế cho nên mới có sự sắp đặt bên Quốc hội và bên Bộ ngoại giao Mỹ để cho chúng tôi có phái đoàn gặp ông Nguyễn Cơ Thạch.

Khi tôi gặp Thạch ngoài sự trao đổi về vấn đề tù nhân chính trị thì ông ta có hứa với tôi rằng: ông ta không có quyền một mình, nhưng ông ta hoàn toàn nhìn nhận chuyện dó là sai lầm. Chính Nguyễn Cơ Thạch nói trong cuộc gặp gỡ này là cái quyết định tập trung tù cải tạo là quyết định hết sức sai lầm, làm chảy máu chất xám, bao nhiêu nhân tài bỏ nước ra đi để đến nỗi đất nước ... ông ta nói một câu nguyên văn là: "Chúng tôi đánh nhau thì giỏi nhưng khi chúng tôi quản lý đất nước thì chúng tôi làm hỏng hết rồi, thành ra đất nước nó tụt hậu... thứ hai là điều đáng để ý là ông Thạch là người tiên liệu, nói ngay rằng "nếu tình hình đất nước mình cứ suy yếu như thế này thì mắc vào âm mưu của TQ và nó sẽ chiếm đoạt đất nước mình." Cho nên (ông Thạch) mới kêu gọi chúng tôi nên "hòa giải" thì chúng tôi nói là chúng tôi chỉ có thể giúp được đất nước khi nào chính phủ  giải quyết các vấn đề đối với đồng bào, nếu bà con anh em chúng tôi còn nằm trong tù thì không thể nói chuyện (hòa giải) này được, thế cho nên mới đặt vấn đề thứ nhất là phải thả tù cải tạo. Ông ta (Thạch) có nói rằng ông ta sẽ giải quyết rất sớm vấn đề này.

Sau đó không bao lâu thì có chương trình H.O. Cái khuynh hướng tôi nhìn thấy ở Nguyễn Cơ Thạch là thứ nhất: Hoàn toàn đi với Mỹ để mà thoát ra khỏi TQ, dùng phía Mỹ để cân bằng với TQ, và đối với TQ ông Thạch có một cái tội rất lớn cho nên TQ không thể nào tha thứ Nguyễn Cơ Thạch. Chúng ta thấy khi ông Thạch trở về nước chỉ mấy tháng sau là mất chức (về hưu). Thế còn ông Kiệt thì mãi đến sau này tôi mới gặp. Từ năm 1990 tôi vẫn có liên hệ với một số anh em trí thức nhà báo nhà văn trong nước đi qua ngoài này ... trong cuộc gặp gỡ chúng tôi trao đổi về đổi mới và chúng tôi vẫn khuyến khích anh em trong cái hướng đó và anh em hoàn toàn tán thành. Trong vấn đề đó thì về sau chúng tôi nhận thấy phải có một nhân vật làm đầu đàn cho cái chuyện này và đó là ông Kiệt. Khi ông Kiệt rút lui về miền Nam , ông Kiệt xây dựng cả một cơ sở của mình ở miền Nam để đi vào con đường đổi mới chính trị, điểm thứ hai là con đường chống TQ. Lập trường của Võ Văn Kiệt sau này rất rõ là phải ra khỏi TQ, đồng thời tiến đến con đường "Dân chủ hóa", con đường đó hoàn toàn phù hợp với con đường của Nguyễn Cơ Thạch. Khi chúng tôi nghe cái chuyện đó thì cũng biết như thế thôi, họ có cái nhóm sinh hoạt với Võ Văn Kiệt, gọi là nhóm thứ sáu, nhóm này đưa ra các chương trình thế nào để cải tổ kinh tế, cải tổ về lộ trình chính trị ... Cho đến năm 2007, do một sự tình cờ có một anh em trong nước ra ngoài này nói rằng hiện ông Kiệt ông ấy rất là trông chờ có sự hợp tác với anh em bên ngoài, bây giờ các anh em trí thức miền Nam đã có nhiều người bằng lòng ở lại để làm cố vấn cho ông ấy rồi (Kiệt), còn các anh em ngoài này thì ông ấy muốn mời một số anh em ngoài này về giúp cho thêm kiến thức mới cập nhật hơn ...

Thế thì tôi có nói là anh em chúng tôi sẽ đưa ra một dự án: Nếu mà làm được như vậy thì tôi có một số anh em ngoài này ... để nói rất nhanh là tôi đề nghị làm một cái "think tank" vì bên ngoài có thói quen là phải có cái tổ, cái nhóm tư vấn, nhóm nghiên cứu chuyên môn để vận động, hay để giúp cho chính phủ về chính sách đối ngoại đối nội như thế nào ..., tôi có đưa đề nghị các anh em ngoài này hợp tác với một số anh em tiến bộ trong nước để làm một cái "think tank", để rồi họ sẽ đưa lên chính quyền để thay đổi hai cái hướng, thứ nhất là độc lập với TQ bảo vệ chủ quyền như thế nào, thứ hai là vấn đề đi vào con đường hội nhập với thế giới bằng lộ trình dân chủ hóa, chúng tôi có nói rằng chúng tôi không kêu gọi một sớm một chiều thay đổi ngay, nhưng nó phải có một cái hướng đã (tức là cái lộ trình phải đi như vậy), thì khi ông Kiệt nghe chúng tôi trình bày cái "concept", cái quan niệm như vậy thì ông Kiệt mời chúng tôi về ngay, ông nói đây chính là con đường chúng tôi mong muốn, và nếu quý vị ở ngoải này mà có được những ý kiến mới, kiến thức mới ... chúng tôi hoàn toàn xin được đóng góp. Do đó mà ông ấy (Kiệt) mời chúng tôi về. Để nói cho nó nhanh, chuyện tiến trình thảo luận với nhau rốt cuộc nó đi tới cái "Viện Nghiên cứu và Phát triển IDS" ở trong nước... nhưng tại sao cái IDS trong nước nó không hoàn toàn là cái do chúng tôi đề nghị: một nửa ở ngoài làm việc với một nửa trong nước.


image016 (T) Gs Lê Xuân Khoa trong lần được cựu TT Võ Văn Kiện mời về năm 2007, tham khảo lộ trình Dân chủ hóa và thực hiện nền kinh tế thị trường. Trong cuộc hội đàm nay, GS Lê Xuân Khoa đã đề xuất VN nên thành lập nhóm "Think Tank" phối hợp các chuyên gia trong và ngoài nước. Ảnh do Gs LXK cung cấp.


Cái IDS thực sự là 100% trong nước, cái tiến trình như thế này: khi ông Kiệt nói với chúng tôi thì (theo tôi hiểu) ông Kiệt có đặt vấn đề đối với trung ương tức là Bộ chính trị thì họ chấp thuận chuyện đó về nguyên tắc, nhưng về sau thì họ bác vì họ cho là đây là một cái âm mưu của thế lực thù địch không thể nào hợp tác với người bên ngoài được. Kêu gọi cá nhân về giúp thì được, còn cả một dự án họ đưa về quy mô như vậy thì không được. Chúng tôi lại chủ trương ngược lại không thể đi về lẻ tẻ, và đã làm việc thì phải có cái "đại quy mô", một quốc gia phải có nhiều mặt, nhiều người đóng góp đồng thời với nhau phải theo một lộ trình, một dự án kế hoạch đồng ý chung. Trên căn bản đó, trong nước họ không chấp thuận.

Vì họ không chấp thuận cho nên ông Kiệt nhất định tranh đấu đòi thế nào cũng phải làm chuyện đó mới được, cho nên bộ chính trị họ đồng ý cho làm một nửa thôi tức là để cho người trong nước làm dự án đó, cái "think tank" đó, nói với người ngoài hãy chờ đó, nghĩa là chúng tôi bị loại ra, thì tôi có trả lời ông Kiệt rằng ít nhất cũng được một nửa, cứ làm đi, còn chuyện bao giờ cần chúng tôi thì chúng tôi sẽ giúp sau, bởi thế cho nên nó sanh ra cái IDS. Nhưng chúng ta biết bất đắc dĩ nó (CS) cho ra cái IDS ra thôi, tất cả các anh em trong IDS đều là những người thiện chí và chúng tôi đều muốn làm việc chung, nhưng khi họ bắ tay làm việc thì quả nhiên: chết yểu ngay! Khi ông Kiệt mất đi một cái là bị khó khăn không thể làm tiếp tục được, sau đó mấy tháng sau thì chính IDS ra một tuyên bố, tuyên ngôn kết án chính phủ là có ba cái phản ngược lại: phản dân chủ, phản khoa học, phản ... gì đó ... đến nỗi ông Nguyễn Tấn Dũng đòi trừng trị cái đám trí thức này. Sau này chắc cũng nhờ được cái ô dù nào đó họ can thiệp với nhau để chuyện đó bỏ qua đi. Như vậy có một mâu thuẫn rất lớn rõ ràng là có nhu cầu cải tiến, mà lúc đó ông Dũng chưa phải là người có tư tưởng tiến bộ, mãi sau này khi bắt đầu có cái chuyện vụ án vinashine, chuyện này kia ... vì cái chuyện lo ngại đó mà (Dũng) "giác ngộ", mà cũng chắc là có cái quan hệ gì đó với Mỹ nữa mà ông ta (Dũng) chọn cái con đường là phải "thoát" khỏi TQ.  

Văn Hóa: Thưa Gs, trở lại thời sự, mới đây, trong cuộc phỏng vấn của cô Trà My trên đài VOA với nguyên Đại sứ Pete Peterson tại VN, ông Petrson trả lời rằng:"Mỹ không ngầm muốn thay đổi ý thức hệ trong lòng Việt Nam", có nghĩa là không quan tâm đến chủ nghĩa "Xã hội Chủ nghĩa" mà đảng CSVN đang cai trị đối nội cũng như đối ngoại, điều đó có nói lên những vận động của Gs và các quý vị bên ngoài gần như bị "negative?"

Gs Lê Xuân Khoa: Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì các sự vận động theo tôi nó có cái sự tiến bộ trong mối quan hệ giữa Mỹ và VN; lúc trước VN hoàn toàn đi với TQ mà không có đi với Mỹ và cảng ngày càng có thái độ là muốn đi với Mỹ, và ngay như tôi phân tích là cái nhóm thân TQ là nó bắt đầu nó thấy "nguy" là nếu cứ bám chặt TQ thì nhân dân người ta vùng dậy người ta lật đổ, cho nên nó mới phải dùng cái chuyện chấp nhận cái đồng thuận, một cái compromise với phe chống TQ bằng cách là "nhích" lại với phía Mỹ, còn nhích ra làm sao thì cái chuyện nội bộ của họ, cho đến bây giờ chúng ta chỉ có thể phỏng đoán thôi, nhưng trả lời câu hỏi "negative", thì chính chúng tôi luôn luôn hiểu như vậy, có nghĩa là khi mà đi với Mỹ thì tất nhiên Mỹ phải có sự nhân nhượng, không đòi 100% nữa, bởi vì muốn kéo họ về với mình thì có thể "dễ dãi" như thế nào để cho nó đứng có "sợ" quá.

Đấy! ... cho đến khi mà hai cái phe nội bộ nó nhân nhượng với nhau, cái phe thân Tầu nó nhân nhượng để nó đi về phía tây phương, với Mỹ thì Mỹ cũng sẽ bắt đầu nhân nhượng lại mà không có thúc ép nhiều quá, do đó mới nói vấn đề là có thể chấp nhận chính quyền CS, chấp nhận một chính quyền độc tài; Mỹ đã hợp tác với bao nhiêu là nước độc tài CS như TQ, Nga, ... bây giờ thì Mỹ là một đối tác rõ ràng với TQ thì tất nhiên không có nghĩa là một nước CS thì Mỹ không hợp tác, cho nên mới có khuynh hướng chấp nhận vấn đề ý thức hệ không quan trọng; ý của Peterson nói là như thế. Đấy có thể là cái hướng nhượng bộ nào đó, nhân nhượng nào đó của Mỹ, nhất là về "nhân quyền" cũng có thể nhân nhượng một phần nào đó, nhưng VN phải tỏ thiện chí thật sự về vấn đề nhân quyền mới được, tức là hai bên cùng đi tới chứ không thể là một chiều; bởi vì bản chất của vấn đề "nhân quyền" nó khó hơn chuyện nhân hượng về "ý thức hệ". Mỹ có thể nhân nhượng về ý thức hệ nhưng Mỹ không thể nhân nhượng về nhân quyền được.

Nhân nhượng ở chỗ có thể chậm lại một chút, nhẹ tay hơn một chút thôi nhưng vẫn phải đòi hỏi VN chứng tỏ thiện chí của mình, rất cụ thể thí dụ như thả một số người đã bắt chỉ vì khác quan điểm không phải là để lật đổ chính quyền, bạo động. Thứ hai là phải ngưng chuyện bắt bớ đàn áp các phong trào ái quốc, vấn đề tôn trọng nhân quyền ... ít nhất là hai điều đó mà tôi cho là gai góc nhất cho đến bây giờ chưa giải quyết xong giữa VN và TQ.


image017Nguyên Đại sứ Mỹ Pete Peterson đầu tiên tại VN sau khi hai nước Mỹ - Việt chính thức ký kết bang giao. Ảnh Source VOA


image019 Bức hình nhân chứng lịch sử mở ra mối quan hệ Mỹ- Việt chính thức bình thường hóa ngoại giao: Gs Lê Xuân Khoa gặp gỡ TT Bill Clinton (đây là chuyến công du đầu tiên của một Tổng Thống Mỹ tới Hà Nội từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 11 tháng 7, 1995) trong buổi tiếp tân ở tư dinh tân Đại sứ Mỹ Pete Peterson đầu tiên tại VN. Ảnh do Gs LXK cung cấp.


image021Gs Lê Xuân Khoa và tân Đại sứ Pete Peterson tại Hà Nội. Ảnh do Gs LXK cung cấp.

Văn Hóa: Gần đây một nhà hoạt động dân chủ trong nước là Gs Tương Lai khi trả lời phỏng vấn của cô Trà My trên đài VOA có nói rằng: " Điểm một: "Hiện nay là chưa có một đảng chính trị nào, chưa có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế đảng CSVN, mặc dù đảng này đã mất uy tín trong dân." Điểm hai: "Việt Nam không liên minh với một nước nào để chống lại một nước thứ ba, nhưng Việt Nam không nên từ bỏ quyền liên minh với ai, ví dụ như liên minh với Nga, với Mỹ, với Ấn Độ, Nhật Bản, Châu âu ..., cụ thể là VN đã mua sắm nhiều chủng loại vũ khí của nhiều nước, ... đứng về lãnh vực quốc phòng và chính trị, điều đó "lợi" hay "hại"?

image023

Giáo sư Tương Lai. Photo courtesy of giadinh.net

Gs Lê Xuân Khoa: Ông Tương Lai là người mà tôi có đối thoại nhiều khi tôi gặp ông Võ Văn Kiệt có ông Tương Lai ở đó, từ đó có sự trao đổi rất thường xuyên ... Tôi hiểu ông Tương Lai là người của đảng, ông nhìn nhận là chuyện phải thay đổi như là con đường mà chúng ta nói là "thoát Trung", thứ hai là thay đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ, thì ông ấy "chọn" con đường đó thật, nhưng mà chọn đứng về phương diện chính trị thì ông Tương Lai là người của đảng, vẫn còn là người trong đảng cũng như một số anh em khác của đảng có tư tưởng tiến bộ. Cái chủ trương của ông Tương Lai là lúc này chưa có thể lập ngay một "đảng đối lập" được để có thể đi đến chỗ đa đảng được, là chỗ hãy thay đổi cái chế độ này từ độc tài sang dân chủ cái đã rồi từ đó nó sẽ đi đến những hình thức kia sau, nó là cái bước đường đầu tiên thôi, chứ còn bây giờ mà để cho ra ngay một chế độ dân chủ đa nguyên ngay thì điều đó là cái điều nó chống, thành ra, đứng về mặt ông ấy là người trong đảng, đứng về mặt một người nghiên cứu như tôi ở ngoài thì tôi thấy ... quan điểm đó nó cũng hợp lý thôi, nghĩa là ... lúc này chưa có thể cho rằng lập cái đảng khác để có thể nó đi đến xung đột ngay, bây giờ hãy chấn chỉnh cái đảng đó để dân chủ hóa chế độ, tôi cho đó là cái bước đầu tiên để có cái bước kế tiếp, chúng ta chấp nhận bước đầu trong cái lộ trình từng bước.

Thứ hai là vấn để quốc phòng; nếu VN nhìn thấy nguy cơ TQ nó sẽ chiếm mình tới nơi rồi thì dù là các ông lãnh đạo, các người có phục tòng TQ đi nữa thì cũng phải "sợ" nhân dân, trắng trợn với nhân dân đến nỗi đồng ý rằng quốc phòng mình chẳng nên làm gì cả cứ theo TQ thôi chẳng cần phòng bị gì hết ... Cứ thế thì càng thách thức nhân dân quá, vấn đề như vậy là chứng tỏ cứ nô lệ quá, chọc tức nhân dân để người ta nổi dậy, cho nên điều đó (quốc phòng - trang bị vũ khí) chưa chắc là ý muốn thật sự của các ông lãnh đạo đảng là thành thực cho cái đảng của mình nó mạnh hơn để chống TQ để bảo vệ đất nước. Thật sự đây, cũng là điều (mua vũ khí) là để mặc cả với TQ là để xin ông anh đừng có mạnh tay quá để cho em được sống, đấy là tôi nghĩ đơn giản thế thôi! Thật sự ra tôi không có tin hoàn toàn cái chuyện họ tiến tới cái đó (mua vũ khí) để chống TQ. Lẽ dĩ nhiên mình cũng phải lợi dụng cái chuyện đó để mà mạnh ra, đồng thời cũng mong trong nước cái đám, cái giới chống TQ người ta dựa vào thế mạnh đó (có vũ khí) để mà đẩy được quân đội nhen nhúm lên có sẵn cơ sở mạnh để đối phó với TQ.  
Văn Hóa:  Trong chính sách đối ngoại của CSVN xưa nay người ta hay ví von đến từ ngữ "đu dây"; giả sử nếu VN có "đu dây" với các liệt cường hiện nay thì theo Gs nên "đu" như thế nào?

Gs Lê Xuân Khoa: Hổi nẫy tôi có nói về cái đám thân Tầu, thân Mỹ như thế nào thì nó là cái chuyên "đu dây" rồi đấy. VN nói rằng không đi với ai để chống ai cả có nghĩa là chơi với tất cả các nước thì đó là chính sách chung như vậy, thì tôi lại hoàn toàn tán thành chính sách đó là VN không nên đi vào hẳn với nước nào cả mà phải "độc lập" với tất cả các nước. Nhưng độc lập đây không có nghĩa rằng là để cho nước nào đó nó khống chế mình mà mình phải chịu, cho nên trong cái thế độc lập này, tôi nói cụ thể là một bên là TQ và một bên là Mỹ, thì Mỹ làm gì với VN? Mỹ chỉ muốn VN ra khỏi TQ, tại sao? Tại vì TQ bây giờ chỉ muốn khống chế cái biển Đông, ngăn chận Mỹ ở biển Đông. Từ cả mấy trăm năm nay Mỹ làm chủ biển Đông, bây giờ (TQ) lại loại Mỹ ra khỏi biển Đông để TQ làm chủ tình hình biển Đông, để có thề chiếm hữu toàn thể Đông Nam Á, và từ đó làm cái bàn đạp để đẩy Mỹ ra khỏi vai trò của thế giới, do đó Mỹ không thể chấp nhận chuyện đó, thế cho nên Mỹ muốn VN phải tìm cách "thoát Trung" để mà dùng cái đó mặc cả với TQ là anh dừng có lấn tới chiếm hoàn toàn biển Đông. Phía Mỹ không có can thiệp vào nội bộ VN, chỉ muốn VN độc lập với TQ mà thôi.

Cái này phải nói thêm là Mỹ đối với VN có thể vì quyền lợi kinh tế nào đó, nhưng sự thực quyền lợi kinh tế đối với VN cũng chỉ một phần thôi, rất nhỏ, chuyện chính là Mỹ không có tham vọng về đất đai, không bao giờ muốn xâm lược VN để chiếm đất, hay biến VN thành thuộc địa của mình; thứ hai là về Văn hóa, Mỹ cũng không nuôi ý đồ là "đồng hóa" VN, chẳng qua là chuyện giao lưu với nhau chứ không chủ trương như TQ là chính sách "Hán hóa".

Mỹ không bao giờ muốn "Mỹ hóa" chủng tộc VN, Mỹ là nước đa chủng tôn trọng tất cả các chủng tộc, còn anh "Hán hóa" là anh muốn diệt Việt tộc, muốn biến Việt tộc thành Hán tộc. Đấy là cái thâm độc của TQ khác hẳn hoàn toàn với Mỹ, bởi thế nếu mà "đu dây" mà "đu" đúng như các ông (CS) chủ trương là độc lập thật sự không theo ai. Nếu mà làm "lợi" là lợi cho tất cả đôi bên, nói theo cái nghĩa "win - win situation", hai bên cùng có lợi. Tôi nghĩ trong cái việc "đu dây" với Mỹ và TQ rõ ràng nếu mà "đu dây" với Mỹ thì chúng ta giữ được độc lập chứ còn "đu dây" với TQ thì hoàn toàn bị TQ khống chế.  

Văn Hóa:  Theo nghĩa y thì "Hán hóa" có nghĩa là TQ sẽ chiếm toàn bộ đất đai cũng như biển Đông?

Gs Lê Xuân Khoa: Vâng! Cái đó chắc chắn là như vậy rồi! Ý đồ của TQ là phải lấy toàn bộ biển Đông và Đông Nam Á ... VN nằm ở vị trí chiến lược, một cái bàn đạp quan trọng vô cùng, lấy được VN rồi thì đi tới các nước (ASEAN) dễ dàng thôi. Cái trở ngại ghê gớm nhất là anh VN, nếu mà nó đứng lên đương đầu với TQ, thì cái khối này (chỉ vào bản đồ VN+Biển Đông)  anh TQ khó lòng mà lũng đoạn được. Quan trọng đối với TQ là nhất định phải lấy cho được VN. Đấy là chuyện nguy hiểm nhất cho mình là mình mất nước (đến nơi) hay không là ở chỗ này (chỉ vào bản đồ). Đây là cơ hội cho mình bảo vệ đất nước. Mất cái này (Biển Đông) là mình hoàn toàn mất luôn./


image024  Gs Lê Xuân Khoa: "Đây là ch chng t lòng yêu nước, mt Biển Đông là mất tất cả". Ảnh VH trích từ video.


++++++++++++++++++++++++++++++++

Hà Văn Thùy: Việt Nam có bị Hán hóa?

22 Tháng Mười 20177:56 CH(Xem: 5440)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ  HAI 23  OCT  2017

image025

ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ: VIỆT NAM CÓ BỊ HÁN HÓA?


Hà Văn Thùy


Là kẻ hậu sinh, đọc sách rồi nghe các vị trưởng thượng nói “Việt Nam bị Hán hóa,” không biết từ bao giờ, tôi đã tin như một lẽ tự nhiên.


Nhưng mới đây, không hiểu sao, một câu hỏi chợt gợi lên từ tâm thức: Có đúng Việt Nam bị Hán hóa? Trong khi tìm lời giải, tâm trí tôi lại gợi lên hai câu hỏi khác: “Nguyên do nào và từ bao giờ xuất hiện ý tưởng Việt Nam bị Hán hóa?” Khi đi tìm lời đáp, tôi nhớ câu truyền ngôn nghe từ thời thơ trẻ ở làng quê “Hoa Việt đồng văn đồng chủng.” Một khi đã đồng văn đồng chủng thì làm gì có chuyện Hán hóa? Tĩnh tâm kiểm lại những văn bản của thời Trung đại mà mình từng đọc, tôi dường như không thấy tài liệu nào đề cập chuyện này. Không tin vào trí nhớ mong manh của mình, tôi bấm máy hỏi một học giả uyên bác. Đang chuyện trò ngon trớn, nghe câu hỏi, ông sựng lại ngỡ ngàng. Lát sau ông trả lời: “Ờ, ờ… mình cũng chưa thấy. Nhưng để suy nghĩ thêm…” Mấy bữa sau, ông xác nhận là chưa từng đọc được ý tưởng nào như thế vào thời Trung đại. Chỉ có vua Trần dặn quần thần không được bắt chước Trung Quốc!


Tôi đồ rằng, ý tưởng đó xuất hiện khoảng thập kỷ 1930. Sau hơn 20 năm hoạt động, Viện Viễn Đông Bác cổ công bố nhiều kết quả khảo cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam. Năm 1912, trong công trình đầu tiên và có ảnh hưởng lớn tới tiếng Việt: “Các nghiên cứu về ngữ âm lịch sử của tiếng An Nam” (Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite: Les initiales), Viện sỹ Henri Maspéro cho rằng, tiếng Việt vay mượn khoảng 75% từ ngôn ngữ Hán. Tuy nhiên, ông không phải người đầu tiên đề xuất điều này. Trước đó, vào năm 1838 Giám mục Taberd (tác giả cuốn Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị) từng phát biểu: “tiếng Việt chỉ là một nhánh bị thoái hoá của tiếng Hán”. Nhiều học giả cho rằng, cơ sở để Taberd đưa ra ý kiến này là trong vốn từ của tiếng Việt, từ vựng có nguồn gốc Hán chiếm đa số. Tuy nhiên, mặc dù có tới 75% từ vựng tiếng Việt có gốc Hán nhưng đại đa số những từ đó đều là những từ văn hoá (những từ thể hiện trình độ phát triển của xã hội). Do đó, chúng phải là những từ vay mượn, chứ không phải là những từ mang tính nguồn gốc.


Tiếp đó, Aurousseau tuyên bố: “Năm 333 TCN, do nước Sở diệt nước Việt, con cháu của Việt Vương Câu Tiễn chạy xuống Bắc Việt Nam, làm nên người Việt Nam hôm nay.” Những kiến thức của các bậc thầy khai hóa khẳng định rằng người Việt là một nhánh của người Tàu từ mấy trăm năm trước Công nguyên. Không chỉ vậy, trong nghìn năm Bắc thuộc, người Tầu sang, đồng hóa tiếp khiến cho tiếng nói phải vay mượn tới 75% từ tiếng Tàu! “Tri thức khoa học” tân kỳ ấy được những học giả tiên phong người Việt như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố… biên thành sách sử dạy dỗ dân Việt. Phải chăng, ý tưởng Việt Nam bị Hán hóa nảy sinh như vậy? Rồi từ đó ăn sâu trong tiềm thức người Việt. Học theo thầy Tây, ông Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngữ học hàng đầu, “khám phá”, trong tiếng Việt có lớp từ Hán cổlớp từ Hán Việt Việt hóa, đẩy tỷ lệ vay mượn của tiếng Việt lên cao thêm. Ông Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ của nền Sử học đương đại tuyên bố dõng dạc trên BBC tiếng Việt: “Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng rằng, chúng ta có một nghìn năm Bắc thuộc, tính cách nào thì cũng một nghìn năm. Quan sang này, rồi lính tới này. Chúng ta bị đồng hóa đứt đuôi!”


Cũng phải nói đến một sự thật là, suốt thời Trung đại, kẻ sỹ người Việt đều nhuần thấm Tứ Thư, Ngũ Kinh, đều thuộc Sử, Tử, đều hiểu và vận dụng thành thạo Dịch lý, Tử vi, Phong thủy… Không chỉ vậy, tri thức được coi là của Tàu đó cũng thấm đẫm trong cuộc sống của người bình dân ít học. Điều này mặc nhiên gợi cho người ta nếp nghĩ: vào thời Bắc thuộc, người Trung Quốc mang những thứ đó sang để khai hóa người Việt. Và đấy là sự Hán hóa!


Tuy nhiên, sau hơn 10 năm khảo cứu tới tận cùng lịch sử văn hóa Việt, tôi phát hiện là hoàn toàn không có chuyện Việt Nam bị Hán hóa. Xin trình bày như sau.


Hán hóa là việc người Hán đồng hóa một cộng đồng khác, khiến cho cộng đồng này trở nên giống người Hán về di truyền và văn hóa. Có thể dẫn những thí dụ trong lịch sử: người Mông Cổ xâm chiếm Trung Hoa, lập nhà Nguyên và đưa hàng triệu người sang định cư. Tự hào là tầng lớp thống trị, người Nguyên vỗ ngực xưng: “ta là Nguyên nhân.” Nhưng rồi khi triều Nguyên bị lật đổ, những người Mông Cổ trên đất Trung Hoa hòa huyết với người bản thổ, trở thành người Hán với mã di truyền Mongoloid phương Nam. Họ nói tiếng Bắc Kinh và theo phong tục tập quán của người Hán. Con cháu họ quên nguồn gốc của Thành Cát Tư Hãn mà xưng là người Hán, và cũng như mọi người Hán khác, nhận là hậu duệ của Hoa Hạ. Người Mãn Thanh cũng là thí dụ tương tự. Sau 300 năm dùng “văn hóa đuôi sam” thống trị Trung Quốc, nay tất cả họ đã thành người Hán và không còn ai nói được tiếng Mãn Châu. Điều này cũng xảy ra gần như tương tự với đại bộ phận cộng đồng Bách Việt ở Nam Dương Tử. Tuy từ hơn 2000 năm TCN, về mặt di truyền, người Bách Việt cùng chủng Mongoloid phương Nam với người Hán nhưng về mặt tiếng nói và văn hóa vẫn làm nên cộng đồng người Việt riêng. Nhưng chỉ 50 năm cuối của thế kỷ trước, sau khi Trung Cộng chiếm Hoa lục, hầu hết người Nam Dương Tử nói tiếng Bắc Kinh, theo phong tục tập quán Hán và tự xưng là người Hán. Rõ ràng sự Hán hóa đã thành công.


Muốn xem Việt Nam có bị Hán hóa hay không, cần phải khảo sát trên ba hệ quy chiếu: về con người, về ngôn ngữ và về phong tục tập quán.


1.     Về con người:

Khảo sát 70 sọ từ thời đồ đá tới thời kim khí được phát hiện ở Việt Nam (khoảng 30.000 đến 2000 năm TCN), Giáo sư Nguyễn Đình Khoa công bố: “Suốt thời đồ đá, dân cư Việt Nam gồm hai chủng Indonesian và Melanesian, cùng thuộc loại hình Australoid. Nhưng sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện, trở thành chủ thể dân cư, người Australoid biến mất dần, không hiểu do nhập cư hay đồng hóa.” (1) Năm 2005, từ khai quật di chỉ Mán Bạc Ninh Bình, các nhà khảo cổ Việt-Úc nhận định: “Có quá trình chuyển hóa dân cư Việt Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, việc chuyển hóa hoàn thành.” Như vậy, từ 2000 năm TCN, hầu hết dân cư Việt Nam là chủng Mongoloid phương Nam. Trong khi đó, các khảo cứu dân cư Trung Quốc cho thấy, trước cả thời điểm trên, đại bộ phận dân cư Trung Quốc là người Hán chủng Mongoloid phương Nam. (2) Điều này khẳng định một sự thật: từ 2000 năm TCN, người Trung Quốc và người Việt Nam cùng một chủng tộc Mongoloid phương nam. Nếu năm 333 TCN có chuyện người nước Việt tới nước ta thật thì về mặt di truyền, họ cũng giống như người Việt Nam. Còn tiếng nói của họ cũng là tiếng Việt nên không thể xảy ra chuyện đồng hóa. Vào đầu Công nguyên, khi nước ta bị Bắc thuộc, người Trung Quốc sang cai trị thì cả người Việt và người Hán cùng một mã di truyền. Việc hòa huyết Hán Việt là có nhưng hòa huyết nội chủng không phải là đồng hóa.


Mặt khác, từ khảo sát ADN dân cư châu Á, S.W. Ballinger cho biết: “Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư châu Á.” (3) Điều này nói rằng, dân cư châu Á cùng một nguồn gốc, trong đó người Việt Nam gần tổ tiên nhất.  Khám phá này cho thấy, do có chỉ số đa dạng di truyền thấp hơn nên khi hòa huyết, người Hán không thể đồng hóa người Việt mà ngược lại, chính họ bị hòa tan vào người Việt. Có thể ví, người Việt Nam là một biển nước mặn mà mỗi người Hán là một thùng nước lợ. Đem thùng nước lợ hòa vào biển nước mặn không làm nước biển nhạt đi mà lại làm cho thùng nước lợ biến mất trong biển mặn.


Từ đó khẳng định: không có chuyện Hán hóa người Việt Nam về di truyền học.


2.     Về tiếng nói:

Từ khảo cứu của mình, chúng tôi đã chứng minh rằng, 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục, trở thành dân Trung Hoa. Một khi dân cư Trung Hoa là người Việt thì tiếng nói Trung Hoa cũng là tiếng Việt. Khảo cứu ngôn ngữ Trung Hoa, các nhà ngữ học phát hiện: tám phương ngữ trên đất Trung Quốc đều là tiếng Việt mà không hề có cái gọi là “phương ngữ Hán”.  Tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến là gốc của ngôn ngữ Trung Hoa. Người đặt chân đầu tiên tới Quảng Đông, Phúc Kiến là người Nghệ Tĩnh. Do vậy, tiếng nói vùng Nghệ Tĩnh trở thành ngôn ngữ gốc của Trung Hoa. Ở Nam Hoàng Hà, do người Việt tiếp xúc với người Mông Cổ nên tiếng nói chuyển hóa theo cách nói và giọng điệu Mông Cổ. Vào thời Chu, thấy tiếng nói bị biến dạng khiến cho người trong nước không còn hiểu được nhau nên nhà Chu khuyến khích người dân nói Nhã ngữ - là ngôn ngữ thanh nhã của phương Nam. Vào đầu thời Bắc thuộc, người Hán sang nước ta nói tiếng nói gần giống với tiếng Việt. Nhưng sau đó, do nhiều người phương Bắc (gọi là người Hồ) tràn vào, tiếng nói của quan quân Trung Quốc không còn giống tiếng Việt nữa. Vốn có tiếng nói thanh nhã chuẩn mực nên người Việt Nam không học tiếng của người Trung Quốc.


Từ những khai quật khảo cổ chữ Giáp cốt và khảo cứu quá trình hình thành chữ viết Trung Hoa, chúng tôi cũng chứng minh được rằng: người Việt sáng tạo chữ tượng hình từ 9000 năm trước tại văn hóa Giả Hồ. Sau đó, ở nhiều nơi khác. Khi nhà Thương chiếm đất An Dương Hà Nam của người Việt, đã chiếm luôn chữ tượng hình rồi cải tiến thành chữ thời Tần. Như vậy, chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa. Chữ tượng hình do người Việt chế ra để ký âm tiếng Việt. Do vậy, mọi chữ Hán chỉ khi đọc bằng âm Việt cổ và giải nghĩa bằng nghĩa tiếng Việt mới chính xác.


Những học giả hàng đầu thế giới trước đây như Taberd, Maspéro đã sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng, tiếng Việt mượn từ tiếng Trung Quốc. Chính sai lầm này góp phần tạo nên ý tưởng Việt Nam bị Hán hóa.


3.     Về phong tục tập quán

Có sự thực là, giữa người Việt và người Trung Hoa có nhiều phong tục tập quán gần gũi: tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, lễ tế Đàn Xã tắc, thờ ông Táo... Do vậy, từ lâu có ý kiến cho rằng, những tập quán đó do người Trung Quốc đem sang vào thời Bắc thuộc. Tuy nhiên khi khảo cứu kỹ, chúng tôi thấy, đấy là những tập quán của người Việt trồng lúa nước hình thành từ xa xưa và phổ biến trên đất Việt Nam và Trung Hoa, những nơi người Việt sinh sống.


Nhiều nhà khảo cứu cho rằng, lễ tế Xã tắc được nhập từ Trung Quốc. Nhưng sự thực, đó vốn là lễ tế Thần Lúa và Thần Đất của người Việt cổ. Tại Quảng Tây vẫn còn những đàn tế từ 6000 năm trước. Dân trong làng chung sức đắp khoảnh đất cao hình tròn gần làng đề hàng năm làm đàn tế thần lúa và thần đất. Còn khi lụt lội thì dân làng lên ở tạm. Tục tế Thần Đất và Thần Lúa theo chân người Việt tới Nam Hoàng Hà. Vào thời Chu, vua nhà Chu chuyển thành lễ tế tổ nhà Chu là Hậu Tắc nên gọi là tế Xã Tắc. Khi các quan cai trị Trung Quốc thực hành lễ tế Xã Tắc ở Việt Nam thì người Việt nhận ra nội dung lễ tế của mình nhưng hiểu chữ “tắc” là một loại lúa. Do vậy, lễ tế lớn này được các chính quyền quân chủ Việt Nam tiếp tục thực hiện, để tế Thần Đất và Thần Lúa mà không còn là tế tổ nhà Chu. Có việc một số nhà nước quân chủ Việt Nam học theo những quy chế, luật pháp Trung Quốc nhưng đó thuộc về thượng tầng kiến trúc mà không thuộc cơ sở văn hóa. Có sự thực là, trong tâm thức người dân Việt luôn cho rằng, người Việt ưu tú hơn người Tàu, gọi người Trung Quốc là thằng Ngô, chú Khách… Ngay Khổng Tử cũng nhận ra điều này trong chương thứ mười của sách Trung Dung. Tử Lộ hỏi về sự cang cường. Khổng Tử nói: “Là cái cang cường của người phương nam ư? Hay là nói cái cang cường của người phương bắc? Hay là nói cái cang cường (theo kiểu) của riêng ngươi? Dạy bảo người ta một cách khoan dung dịu dàng, không trả thù kẻ vô đạo đó là cái cang cường của người phương nam, người quân tử giữ sự cang cường đó. Còn ngày đêm bạn cùng giáp bền gươm sắc, dẫu chết cũng không ngán, đó là cái cang cường của người phương bắc, những kẻ thượng võ hiếu đấu thì giữ sự cang cường này! Người quân tử sống hoà mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục, đấy mới là sự cang cường chân chính.”


Chính do sở hữu một bản sắc văn hóa cao hơn nên người Việt Nam không bị Trung Quốc đồng hóa về văn hóa.


     Kết luận:


Việt Nam là cội nguồn của văn hóa nông nghiệp phương Đông nên Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét gần gũi về con người, tiếng nói và phong tục tập quán. Nội dung kinh Thi, kinh Dịch, kinh Nhạc, kinh Lễ… bàng bạc trong cuộc sống và tâm linh người Việt. Đó là văn hóa tinh thần do tổ tiên người Việt sáng tạo nhưng do chưa có chữ viết nên không ghi lại được mà chỉ truyền lưu một cách vô thức trong dân gian. Khi người Hán mang văn bản những kinh đó sang, người Việt cảm thấy dễ học, dễ nhớ như gặp lại những gì quen thuộc. Ngay chữ Hán, người Việt Nam cũng thấy gần gũi với tiếng nói của mình. Do vậy, suốt trong thời Bắc thuộc, người Việt luôn chống Trung Quốc xâm lăng nhưng không hề bài bác văn hóa Trung Hoa. Từ xa xưa, tổ tiên ta cho rằng, những nét tương đồng đó là do đồng văn đồng chủng mà không hề nghĩ tới chuyện người Việt bị Hán hóa. Chỉ sang thế kỷ XX, từ những công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, người Pháp theo quan niệm Hoa trung (Trung Hoa là trung tâm) cho rằng, người Hán mang văn minh Hoa Hạ xuống đồng hóa các sắc dân dã man phương Nam nên đã truyền cho dân ta quan niệm Việt Nam bị Hán hóa. Sự gần gũi về văn hóa giữa người Việt và người Hoa xuất hiện từ xa xưa, thuộc về nguồn gốc. Do không hiểu điều này nên các học giả Pháp cũng như Việt Nam cho rằng, đó là do người Trung Quốc mang tới vào thời Bắc thuộc.


Ngày nay, từ nghiên cứu khám phá sự thật về cội nguồn dân cư và văn hóa phương Đông, chúng ta khẳng định không hề có chuyện Việt Nam bị Hán hóa. Sự thực là, Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông nên những sự giống nhau giữa con người và văn hóa Việt Nam và Trung Quốc là sự giống nhau từ nguồn gốc mà Việt Nam là gốc. Theo nguyên lý nước chảy từ nơi cao xuống nơi thấp, Việt Nam có nền văn hóa cao hơn nên dù có 1000 năm cai trị thì người Trung Quốc cũng không thể đồng hóa được điều gì về con người và văn hóa Việt Nam. Cũng theo chiều lưu chuyển đó, người Triều Tiên và Nhật Bản nhận được dòng gen và văn hóa văn hóa Việt xa hơn so với người Trung Quốc.


Nhiệm vụ của chúng ta là làm rõ sự thật này để giải tỏa những sai lầm ngộ nhận trong quá khứ đang đè nặng tâm trí dân tộc!


Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. (NXB DH&THCN, H. 1983)
  2. . Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation.  SINO-PLATONIC PAPERS Number 175  December, 2006

S.W. Ballinger et al: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45

Hà Văn Thùy: "Nhìn lại việc đánh giá Triệu Đà..."

28 Tháng Chín 20178:34 CH(Xem: 2725)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VĂN - THỨ  SÁU  29  SEP  2017


image026Bộ sách Lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất (tháng 8/2017) có bổ sung , sửa chữa được hai thân hữu Tâm Trí và Nhứt Kim tặng cho tủ sách báo Văn Hóa.Văn Hóa trân trọng cảm tạ.


image027image029Sách Lịch sử Việt Nam từ trang 180-207 viết về Triệu Đà.


Hà Văn Thùy: "Nhìn lại việc đánh giá Triệu Đà..."


09 Tháng Bảy 20179:25 CH(Xem: 705)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ  HAI 10 JULY  2017


NHÌN NHẬN LẠI VIỆC ĐÁNH GIÁ TRIỆU ĐÀ VÀ NƯỚC NAM VIỆT TRONG LỊCH SỬ


Hà Văn Thùy


image031Đền thờ Triệu Đà và Hoàng Hậu tộc Việt


Từ thời có Sử, các nhà nước quân chủ Việt Nam đều ghi công Triệu Đà và thừa nhận Nam Việt là triều đại chính thống của Việt Nam. Dù ở cuối thế kỷ XVIII Ngô Thì Sỹ có lên tiếng bài bác, cho Triệu Đà có tội đưa nước ta vào vòng nô lệ phương Bắc thì sử nhà Nguyễn vẫn ghi nhà Triệu là tiền triều. Quan niệm này được tiếp tục trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, rồi Bài ca Việt Minh của Hồ Chí Minh xuất bản tại Cao Bằng năm 1942 với hai câu thơ: Triệu Đà là vị hiền quân. Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời. Năm 1945, Chương trình Phổ thông Trung học của Chính phủ Trần Trọng Kim cũng coi nhà Triệu mở đầu cho lịch sử Việt Nam.


Tuy nhiên, từ sau năm 1960, các nhà làm sử miền Bắc có cách nhìn khác hẳn, coi Triệu Đà là giặc ngoại xâm và xóa bỏ nhà Triệu khỏi sử Việt. Người đề xuất quan điểm này là sử gia Đào Duy Anh trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam xuất bản năm 1957.


Học giả Đào Duy Anh có công lớn gầy dựng trí tuệ và lịch sử Việt Nam. Do vậy mà việc đề xuất của ông được Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội chấp nhận. Từ đó, phủ nhận Triệu Đà và nước Nam Việt trở thành quan điểm chính thống của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được phản ánh trong các bộ thông sử quốc gia, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học.


Sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 (1971), công trình tập thể của những nhà viết sử hàng đầu Việt Nam, được biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam viết về Triệu Đà như sau:


“Triệu Đà biết rằng không thể thắng được Âu Lạc về quân sự nên rút về núi Vũ Ninh, xin hòa với An Dương Vương. Hắn sai con trai là Trọng Thủy sang hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ. An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy ở gửi rể bên nước Âu Lạc. Đấy chính là mưu mẹo mà Triệu Đà dùng để chiếm nước Âu Lạc. Trong những năm ở gửi rể, Trọng Thủy đã dò xét tình hình Âu Lạc, học phép chế nỏ và phá nỏ của người Âu Lạc rồi trốn về nước báo cho Triệu Đà. Kết hợp lực lượng quân sự và mưu mẹo gián điệp, lần này Triệu Đà thôn tính được nước Âu Lạc. An Dương Vương thua trận, phải nhảy xuống biển tự vẫn.”


Trong lời giới thiệu cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (in năm 2000), Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: “Việc Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên coi nhà Triệu là một vương triều chính thống của Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng.” Ông khẳng định “Nam Việt là một nước cát cứ của một tập đoàn phong kiến, không phải là nước của người Việt Nam”. “Việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt (tỏ ý muốn phục hưng nước cũ của người Việt) cũng như việc Triệu Đà tự xưng là " Man Di đại trưởng lão phu", lấy vợ Việt, theo tục Việt... chỉ là các thủ đoạn mị dân Việt. Việc Triệu Đà chống Tần chống Hán cũng chỉ nhằm thỏa mãn mộng bá vương của riêng mình... Nhưng nhiều sử gia phong kiến đã không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược của nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam.”


Tố Hữu làm thơ gọi họ Triệu là "giặc", phê phán Mỵ Châu làm mất nước:


Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,

Trái tim lầm chỗ để trên đầu.

Nỏ thần vô ý trao tay giặc,

Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.


60 năm sau phán quyết trên, nay ta thử xét xem vì sao học giả họ Đào lại có ý tưởng như vậy. Và quan niệm của ông có phù hợp với sự thật lịch sử?


Theo thông tin từ một giáo sư Sử học, những dòng lên án Triệu Đà đã xuất hiện từ năm 1947, trong tài liệu in ronéo của Đào Duy Anh khi ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV ở Thanh Hóa. Công bố năm 1957 chỉ là sự tiếp tục quá trình tư duy nhất quán. Dựa vào quan điểm Macxit đương thời, tác giả đưa ra những lời kết án nặng nề chưa từng có với vẻ đầy tự tin:


 “… Các sử thần nhà Lê, kế tục phương pháp và quan diểm của Lê Văn Hưu ở thời Trần (quan điểm lịch sử phản dân tộc) không thấy rằng Triệu Đà làm vua nước Nam Việt ở miền Quảng Đông, Quảng Tây, đối với nước Âu Lạc mà nghỉ xâm lược, chỉ là một tên giặc cướp nước chứ không phải là một đế vương chính thống. Mãi đến cuối đời Lê mới thấy có một nhà sử học là Ngô Thì Sĩ, tác giả sách Việt sử tiêu án, phản đối việc cho họ Triệu tiếp nối quốc thống của An Dương Vương. Có lẽ do ảnh hưởng của ý kiến ấy cho nên sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn không chép riêng nhà Triệu làm một kỷ chính thống nữa, nhưng vẫn cứ chép cả lịch sử nhà Triệu vào phạm vi quốc sử nước ta. Các nhà sử học tư sản của ta cũng chịu ảnh hưởng của quan điểm phản dân tộc ấy, cho nên Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng chép kỹ càng về lịch sử nhà Triệu, và Những trang sử vẻ vang của Nguyễn Lân thì biểu dương Lữ Gia là trung thần của nhà Triệu, là vị anh hùng dân tộc đầu tiên của chúng ta. Đối với dân tộc ta thì Triệu Đà là giặc cướp nước, mà lịch sử của nhà Triệu ở nước Nam Việt không thể nằm trong phạm vi của lịch sử Việt Nam.” [1]


Tuy nhiên, khi ghép tội Triệu Đà, ông Đào Duy Anh không đưa ra chứng lý gì mới hơn so với Ngô Thì Sỹ mà chỉ là những quy chụp: “giặc cướp nước”, “các nhà sử học tư sản” rồi “quan điểm lịch sử phản dân tộc”!


Sự thật là, dù Triệu Đà có xâm lược Âu Lạc đi nữa thì Nam Việt vẫn là nhà nước của người Âu Lạc. Bởi lẽ, dưới hai viên điển sứ thay mặt nhà vua thì người cai trị trực tiếp Âu Lạc vẫn là những lạc hầu, lạc tướng người Việt, cai trị theo luật Việt.


Đó là sự thực vì khi chiếm nước ta, Mã Viện phát hiện: “luật Giao Chỉ có 10 điều khác với luật nhà Hán.” Ta cũng thấy, đó là thời thái bình thịnh trị từng được các thư tịch Trung Hoa ca ngợi. Thực tế là, suốt trong thời gian cai trị Nam Việt, ngoài việc may mắn thắng cuộc chiến tranh của Lâm Lư hầu thì bằng mọi cách, khi cương khi nhu trong đối ngoại, Triệu Đà giữ được mối quan hệ yên bình với nhà Hán, tránh được chiến tranh, không mất một tấc đất. Cháu ông là Triệu Muội vẫn giữ vững độc lập, vẫn xưng đế, với cái ấn Văn đế hành tỷ hình vuông bằng vàng, lớn hơn ấn của mọi hoàng đế Trung Hoa. Triều đại do Triệu Đà xây dựng, sau 97 năm tồn tại, bị hủy diệt bằng cuộc xâm lăng tàn bạo của nhà Hán. Chống trả cuộc xâm lăng là toàn dân Nam Việt trong đó có nhân dân Âu Lạc mà ngọn cờ đầu là Thừa tướng Lữ Gia! Sự bi thảm của cuộc chiến ấy ngày nay ta còn thấy trong đống xương ở hang Cắc Cớ Chùa Thầy!


Một điều không thể không bàn tới là di sản do Nam Việt để lại. Ta từng biết, từ Nam Dương Tử trở xuống là đất của nhà nước Xích Quỷ-Văn Lang. Nhưng hai quốc gia này chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Khi Nam Việt xuất hiện, mới có một thực thể nhà nước của người Việt. Nhờ sự tồn tại Nam Việt 100 năm với chính sự tốt đẹp, người dân hạnh phúc mà tinh thần quốc gia-dân tộc của người Việt được định hình. Bằng chứng là vào năm 39, khi hai Bà Trưng khởi nghĩa ở vùng Phú Thọ thì toàn bộ dân Nam Việt xưa nổi lên theo. Cho đến nay còn có hơn 200 nơi thờ Vua Bà ở Nam Trung Quốc!


Những chứng cứ trên cho thấy, Nam Việt là quốc gia độc lập của người Lạc Việt. Do vậy, theo nguyên lý duy vật lịch sử, dù Triệu Đà có là ai chăng nữa thì qua sự chuyển hóa biện chứng, ông cũng không còn là cá nhân mình mà thuộc về khối quần chúng nhân dân Nam Việt.


Đấy là sự chuyển hóa tư nhiên của biện chứng lịch sử, biến một kẻ ngoại tộc mang ý đồ cát cứ thành lãnh tụ của quốc gia độc lập! Việc chỉ căn cứ vào xuất thân của Triệu Đà - như một sự nhất thành bất biến - rồi lên án nặng nề đồng thời xóa bỏ cả một thời đại trong lịch sử dân tộc, thể hiện quan điểm duy tâm chủ quan. Đó còn là sự xa rời thực tế lịch sử, không nhìn thấy lòng sùng kính của người dân Việt đối với nhà Triệu – chính là tấm gương trung thực phản ánh lịch sử. Tại sao một nhân dân đã từng đặt gọi vua là “vua quỷ”, “vua lợn” lại tôn xưng Triệu Đà như Nghiêu Thuấn? Đó còn là sự xúc phạm nhẫn tâm với hồn thiêng của hàng vạn người hy sinh để bảo vệ Nam Việt!


Sau 60 năm nhìn lại, ta thấy Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Trần Trọng Kim, Hồ Chí Minh, Hoàng Xuân Hãn… đã đúng. Bởi lẽ họ hiểu rằng Sử không chỉ là những dòng chữ trên sách vở mà trước hết, là hồn của dân tộc. Là những người nhân chi sơ tính bản thiện nên các vị đó thấm đượm trong lương tri hồn thiêng của dân tộc Việt.


Cho Triệu Đà là giặc cướp nước, chứng tỏ ông Đào Duy Anh kết tội Triệu Đà chỉ vì nghĩ Triệu là người Hán! Nhận định của ông Phan Huy Lê: “Việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt (tỏ ý muốn phục hưng nước cũ của người Việt) cũng như việc Triệu Đà tự xưng là "Man Di đại trưởng lão phu", lấy vợ Việt, theo tục Việt... chỉ là các thủ đoạn mị dân Việt. Việc Triệu Đà chống Tần chống Hán cũng chỉ nhằm thỏa mãn mộng bá vương của riêng mình…” hoàn toàn là suy diễn chủ quan, vô sở cứ.


Thực tế cho thấy, 60 năm qua, một quyết định sai lầm đã làm suy bại dòng họ hiển hách. Sau Triệu Vũ Đế, Triệu Văn Đế, có anh hùng Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Đạt rồi Triệu Quang Phục… Nhưng nay họ Triệu còn gì? Khi đề xướng Hội thảo khoa học Vai trò nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam, chúng tôi tìm hiểu hiện tình của họ Triệu thì quả là đáng lo ngại. Không có Ban Liên lạc dòng họ Triệu trên mạng thông tin. Không doanh nhân tên tuổi. Nhân sỹ nổi bật của dòng họ chỉ là ba nhà văn, trong đó duy nhất nhà văn Triệu Xuân ở cấp quốc gia! Còn tinh thần thì sao? Một ông bạn già đồng hương của tôi rất bức xúc về việc này, nói chuyện với người con rể họ Triệu, được trả lời: “Thôi bố ơi, chuyện lâu rồi, cho qua đi!” Nghe đâu đó có người than thở: “Nếu không mang họ Triệu thì đời tôi đã khác!” Một nhà văn, sau khi đọc kế hoạch Hội thảo và tài liệu chúng tôi gửi, thì đáp lại: “Tôi hoàn toàn tán thành khảo cứu của anh. Nhưng không thể giúp gì cho kế hoạch của anh được!” Đến khi chúng tôi đề nghị: “Không cần anh đóng góp vật chất. Chỉ xin anh viết về ba đời điền chủ nhà anh trên đất Miền Tây, những tư liệu rất quý về họ Triệu ở Nam Bộ…” Anh không trả lời! Một ông bạn già của tôi, tới đền Thánh Mẫu hỏi âm sự của dòng họ. Theo đề nghị của tôi, ông hỏi về họ Triệu, thì được trả lời: “Cụ Triệu Đà người Việt đấy, không phải Hán đâu, bị oan đấy. Oan mà không gỡ được!” May sao, Đất Nước vẫn chưa hết người nhiệt tâm. Cuốn Kỷ yếu Hội thảo Nhà Triệu 450 trang đã có giấy phép, in với tiền túi của những người trực tiếp viết bài và làm sách!


Sau 60 năm nhìn lại, việc trục xuất nhà Triệu khỏi sử Việt đưa tới những hệ lụy nghiêm trọng:


1. Tước bỏ tư cách thừa kế của người Việt Nam với quá khứ đại tộc Việt. Từ những phát hiện của di truyền học đầu thế kỷ XXI cho thấy, người Việt không chỉ sinh sống lâu đời ở Nam Dương Tử mà hàng vạn năm trước là chủ nhân của toàn bộ đất Trung Hoa. Trên đất này, đại tộc Việt đã làm nên những nền văn hóa rực rỡ. Nam Việt nhà Triệu chính là cái cuống nhau nối lịch sử xa xăm của đại tộc Việt với Việt Nam hôm nay.                        


2. Tước bỏ vai trò chủ nhân của tộc Việt đối với ngôn ngữ gốc mà người Trung Hoa đang sử dụng hiện nay. Trong tám phương ngữ được xác định trên đất Trung Hoa thì tiếng Việt Quảng Đông được coi là ngôn ngữ gốc. Trong khi đó, nguồn cội của ngôn ngữ Quảng Đông chính là ngôn ngữ vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh, trung tâm của người Việt khoảng 50.000 năm trước. 


3. Tước bỏ vai trò sáng tạo chữ Giáp cốt của người Việt. Chữ Giáp cốt được phát hiện đầu tiên vào thời nhà Ân ở Hà Nam. Nhưng khảo cổ học xác định rằng tại văn hóa Giả Hồ 9.000 năm trước đã có ký tự hình vẽ trên yếm rùa. Cuối năm 2011, tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây phát hiện ký tự tượng hình khắc trên xẻng đá có tuổi 4000 tới 6000 năm. Những ký tự kiểu Giáp cốt này xuất hiện trước khi người Hoa Hạ ra đời. Do vậy nó hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo của người Vịệt.         


4. Tước bỏ mối liên hệ huyết thống và văn hóa của người Việt Nam với những bộ tộc người Việt đang sống trên đất Trung Hoa. Những khám phá lịch sử cho thấy, trước cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng thì phần lớn đất Trung Hoa do người Việt làm chủ: Thục và Ba phía tây nam; Ngô, Sở, Việt ở trung tâm và phía đông; Văn Lang phía nam. Do cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng, phần lớn đất đai và dân cư Việt bị sáp nhập vào đế chế Tần. Trong phần đất bị chiếm, đại bộ phận người Việt bị Hán hóa. Tuy nhiên, có không ít nhóm Việt không chịu đồng hóa, đã lui sâu vào cư trú trong vùng rừng núi. Lâu dần, từ người Lạc Việt - tộc đa số trong dân cư, họ bị thiểu số hóa. Đến nay, những nhóm người như tộc Thủy, Bố Y ở Quý Châu vẫn giữ nhiều nét văn hóa Việt cổ, có thể nói đó là nền văn hóa Việt hóa thạch. Nếu nghiên cứu văn hóa của những tộc người bà con này, chắc chắn sẽ khám phá lại nhiều điều quý giá của văn hóa Việt cổ. Đặc biệt tộc Thủy với 340.000 người vẫn giữ được sách Thủy (Thủy thư - 水书)  viết bằng chữ Thủy (Thủy tự), loại chữ tượng hình gần gũi Giáp cốt văn nhưng hành văn theo cách nói xuôi của người Việt, một loại văn tự hóa thạch sống, được Trung Quốc coi là bảo vật.


5. Mất quyền thừa kế với truyền thống văn hóa Nam Việt.


Sáp nhập đất đai và dân cư Âu Lạc, Nam Việt thành quốc gia lớn trong khu vực. Trái với quan niệm phổ biến cho đến nay là Triệu Đà dùng kế sách “nội đế ngoại vương” (bên trong xưng đế nhưng đối với nhà Hán thì xưng vương), suốt đời mình, Triệu Đà xưng danh hiệu Triệu Vũ Đế và cháu ông cũng xưng đế. Bằng chứng là chiếc ấn bằng vàng, kich thước 310 x 310 mm (lớn hơn mọi con ấn của vua Hán) khắc bốn chữ Văn Đế hành tỷ (文帝行璽) tìm thấy trong lăng mộ Triệu Văn Đế. Sau khi phát hiện lăng mộ, người Trung Hoa đã lập khu trưng bày di tích này với khoảng 2.500 hiện vật đặc sắc, trong đó phần lớn thuộc văn hóa Việt. Do coi đây là của người Trung Hoa nên giới sử học Việt Nam chưa hề có nghiên cứu nào về di chỉ văn hóa quan trọng này.  


Nhưng câu chuyện chưa hết bởi lẽ Triệu Đà chưa bao giờ là người Hán! Gán cho ông thuộc tộc Hán là lầm lẫn lớn của lịch sử! Hôm nay tôi sẽ làm sáng tỏ nỗi oan 2000 năm này!


Theo truyền thuyết, thủy tổ các đời quân chủ nước Triệu là Bá Ích, từng làm quan ở nước Ngu, được phong ấp Doanh, từ đó hậu duệ Bá Ích lấy họ Doanh. Đến cuối đời Thương, hậu duệ Bá Ích là Phi Liêm cùng với con trai trưởng là Ác Lai phò tá Thương Trụ chống lại Chu Vũ vương nên đều bị giết. Con cháu Phi Liêm ly tán, phân thành hai dòng chính. Một nhánh lưu lạc đến Khuyển Khâu, đến đời Phi Tử thì được nhà Chu phong cho ấp Tần làm phụ dung, hình thành thủy tổ nước Tần. Người con thứ của Phi Liêm là Quý Thắng di chuyển đến Hoàng Hà định cư. Con Quý Thắng là Mạnh Tăng sống vào thời Chu Thành Vương. Mạnh Tăng sinh Hành Phụ, Hành Phụ sinh Tạo Phụ. Tạo Phụ do lập không ít công trạng nên được Chu Mục Vương phong làm đại phu, lấy Triệu Thành làm thực ấp, từ đó mang họ Triệu, hình thành thủy tổ nước Triệu. Hậu duệ 6 đời Tạo Phụ là Yêm Phụ có danh hiệu là Công Trọng sống vào thời Chu Tuyên Vương, Yêm Phụ sinh Thúc Đới.


Thời kỳ Tấn Văn hầu, Thúc Đới di cư tới nước Tấn. Cháu 5 đời của Thúc Đới là Triệu Túc lập công lớn được Tấn Hiến Công thưởng cho đất Cảnh, Triệu Túc sinh Cộng Mạnh, Cộng Mạnh sinh Triệu Thôi. Năm 656 TCN, Triệu Thôi từng theo công tử Trùng Nhĩ lưu vong ra khỏi Tấn. Sau này Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn công của Tấn thì Triệu Thôi trở thành trọng thần. Con cháu Triệu Thuẫn các đời đều nắm trọng quyền, dần phát triển thế lực của gia tộc họ Triệu thành một trong Lục khanh.


Tới thời Tấn Xuất công thì quyền lực thực tế nằm trong tay các trọng thần như Trí Bá, Triệu Tương tử, Hàn Khang tử và Ngụy Hoàn tử. Sử gọi là Tứ khanh. Năm 456 TCN, Tứ khanh đuổi Tấn Xuất công đi để lập Cơ Kiêu, tức Tấn Ai công. Năm 454 TCN, Trí Bá hợp cùng hai nhà Hàn, Ngụy tấn công Tấn Dương (nay ở phía nam quận Tấn Nguyên, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Triệu Tương tử giữ vững thành trì. Sau đó liên hợp với chính hai nhà Hàn, Ngụy diệt Trí Bá. Năm 453 TCN, ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy chia nhau vùng đất của họ Trí.


Năm 437 TCN, Tấn Ai công chết. Con là Cơ Liễu (Tấn U công) kế nghiệp. Nước Tấn khi đó thực chất đã bị phân chia giữa 3 thế gia là Hàn, Triệu và Ngụy. U công không có quyền lực gì đối với 3 nhà này.


Năm 403 TCN, vua Chu Uy Liệt vương phải chính thức công nhận sự tồn tại của nước Triệu cùng với Hàn, Ngụy bên cạnh nước Tấn như là các nước chư hầu của nhà Chu, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Chiến Quốc.[2]


Bản tộc phả trên cho thấy họ Triệu là một dòng của bộ tộc Tần. Vậy người Tần là ai?


Rất mừng là sang kỷ nguyên mới, nhờ di truyền học đọc được cuốn thiên thư ADN ghi trong máu huyết dân cư Việt Nam cũng như Trung Quốc, vấn đề được sáng tỏ:


- Khoảng 40.000 năm trước, người Lạc Việt chủng Indonesian [mã di truyền M122 thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA)] [3,4,5] từ vùng núi Bắc Bộ đi lên khai phá Hoa lục theo con đường Ba Thục, tới tận Nam Hoàng Hà, trở thành chủ nhân đồng bằng Trong Nguồn (nay là Trung Nguyên). Cộng đồng Lạc Việt này về sau được gọi là Tày-Thái. Cùng thời gian Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ thì nơi đây ra đời nước Ba Thục cổ. Người Ba Thục xây dựng nền văn minh đá mới rực rỡ: 25.000 năm trước có mặt ở Động Người Tiên (Giang Tây). 20.000 năm trước, làm ra đồ gốm đầu tiên của nhân loại. Và 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước. 6.000 năm trước sáng tạo chữ tượng hình Cảm Tang khắc trên xương, trên đá…


Năm 2.698 TCN người Mông Cổ vượt Hoàng Hà đánh vào Trác Lộc, chiếm một phần đồng bằng Trong Nguồn. Một bộ phận người Việt phải sống trong vương quốc Hoàng Đế. Có người con gái Thái làm nguyên phi của Đế Khốc, sinh ra tổ nhà Thương và nhà Chu. Ở vùng đất còn lại, người Việt kiên cường kháng chiến. Trong đó có dân Ba Thục mà sử sách Trung Hoa gọi là Tây nhung. Khoảng 1.600 năm TCN, nước Ba Thục của Tàm Tùng xuất hiện, với nền văn minh rực rỡ là tòa thành vững chãi, bức tượng đồng lớn nhất thế giới cùng những đồ thờ đồng thau tinh xảo. Nay là di chỉ văn hóa Gò Ba Sao nổi tiếng. Tại đây cũng phát hiện hàng chục xác voi châu Á, được đưa từ Việt Nam tới.


Tổ tiên Thục Phán là người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên đất Ba Thục. Dòng Thái của Thục Phán cư trú trên đất Tần trở thành người Tần. Vậy, cũng như Thục Phán, Tần Thủy Hoàng là người Việt. Nửa thế kỷ trước, trong cuốn Việt lý tố nguyên, Giáo sư Lương Kim Định viết rằng “bộ lạc Tần vốn là dân nông nghiệp Việt tộc nhưng khi di lên cao nguyên phía Tây, do thổ nhưỡng và khí hậu nên chuyển sang du mục, trở thành bộ lạc dũng mãnh.” Do ông không dẫn nguồn để tra cứu nên tôi không dám tin. Nay thì tìm ra sự thật. Một nhánh của họ Doanh đi lên Nam Hoàng Hà, vào nước Tấn, được phong Triệu thành, cải sang họ Triệu rồi dựng nên nước Triệu. Cố nhiên, Triệu cũng là một tiểu quốc của người Việt. Do vậy, Triệu Đà là người Việt.


Cũng như Thục Phán người Lạc Việt do hoạn nạn chạy về Văn Lang, trở thành lãnh tụ nước Nam Cương chống lại nhà Tần rồi sáp nhập với Văn Lang lập nhà nước Âu Lạc; Triệu Đà người Việt, năm 20 tuổi, nước Triệu bị Tần chiếm, ông  xung lính nhà Tần xuống đánh Lĩnh Nam. Khi nhà Tần suy bại, ông lập nước Nam Việt rồi sáp nhập Âu Lạc thành quốc gia lớn mạnh, tồn tại gần trăm năm. Như vậy, Triệu Đà không hề là giặc xâm lược mà có công lớn lập nên nhà nước Nam Việt của người Lạc Việt ở phía Nam Dương Tử.


Đáng tiếc là do ngộ nhận, người ta đã kết tội oan Triệu Đà rồi xóa bỏ Nam Việt khỏi sử Việt. Để mất những mối liên hệ với Nam Việt không chỉ là nỗi đau của người Việt Nam, nước cuối cùng của Bách Việt còn độc lập và giữ được cương thổ. Nguy hại hơn, nó cắt đứt mối liên hệ với quá khứ, khiến cội nguồn, lịch sử và văn hóa Việt Nam trở nên chông chênh trên không chằng, dưới không rễ! Tuy là chuyện của quá khứ nhưng lịch sự luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống hiện tại. Những quyết định không thỏa đáng về lịch sử đưa tới những di họa khó lường. Việc nhận định sai về cội nguồn tổ tiên dẫn chúng ta lâm vào tấn kịch bi hài của kẻ bỏ mồ cha khóc đống mối. Một dân tộc còn ngộ nhận về gốc gác chưa thể là dân tộc trưởng thành!


Đã tới lúc khôi phục vị trí nhà Triệu cùng nước Nam Việt trong lịch sử dân tộc! Giải oan cho dòng họ Triệu không chỉ ở dương thế mà cả trong cõi tâm linh!


Sài Gòn, tháng Sáu, 2017


Tài liệu tham khảo:


1. Đào Duy Anh. Lịch sử cổ đại Việt Nam. NXB Văn hóa thông tin. H, 2005, tr. 93-94)


2.  趙國 http://zh.wikipedia.org/zh/%E8%B5%B5%E5%9B%BD


3. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội     Nhà văn. H, 2016.


4.The free encyclopedia - Liangzhu culture: “Một phân tích năm 2007 của DNA phục hồi từ người vẫn còn ở địa điểm khảo cổ của người tiền sử trên sông Dương Tử cho thấy tần số cao của Haplogroup O1 (Y-DNA) trong văn hóa Lương Chử, liên kết chúng với dân cư văn hóa Austronesian và Tai-Kadai.” Dân cư Việt cổ thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA). Người Tày-Thái thuộc tộc Lạc Việt (chủng Indonesian), mang mã di truyền M122.


5. Hao Sun et al. Autosomal STRs Provide Genetic Evidence for the Hypothesis That Tai People Originate from Southern China.


In the southern origin hypothesis, many Chinese ethnologists [5], [6], [13] believe that today’s Tai people migrated from southern China and that they share a recent common ancestor, which named “Yue” people, with other Tai-Kadai speakers who lived in southern China, such as the Zhuang and the Mulao.


(Trong giả thuyết “nguồn gốc miền Nam”, nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học Trung Quốc [5], [6], [13] tin rằng người Thái hiện nay di cư từ miền nam Trung Quốc và họ chia sẻ một tổ tiên gần đây, có tên "Yue" (Việt), cùng với những người nói tiếng Tày-Thái sống ở miền nam Trung Quốc, chẳng hạn như Zhuang và Mulao.)


http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0060822


Hà Văn Thùy phản biện các tác giả khẳng định người Việt bị Hán hóa từ 800 năm trước

20 Tháng Năm 20187:40 CH(Xem: 3588)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 20 MAY 2018


Hà Văn Thùy phản biện các tác giả khẳng định người Việt bị Hán hóa từ 800 năm trước"


Kính gửi Nhân sỹ, trí thức cùng đồng bào người Việt ở nước ngoài.


Thưa quý vị, 


Nhờ khoa học thế giới khám phá con đường di cư của người tiền sử từ châu Phi tới Việt Nam, tôi đã dành toàn bộ thời gian cùng tâm lưc đi tìm cội nguồn dân tộc. Tới nay, sau 15 năm, tôi đã công bố trong sáu cuốn sách cùng hàng trăm bài viết. Một số bài đã được đăng trên báo Văn Hóa Online California.


Toàn bộ khảo cứu đã cho thấy chúng ta có tổ tiên vĩ đại, được sinh ra 70.000 năm trước ở Việt Nam rồi lan tỏa ra Đông Nam Á, lên chiếm lĩnh Hoa lục. Sau thời gian dài sống trên đất Đông Á, tổ tiên ta làm nên lịch sử vĩ đại cùng nền văn hóa nông nghiệp Việt tộc rực rỡ. Điều bí ẩn hàng nghìn năm được sáng tỏ: người Trung Hoa là hậu duệ của người Lạc Việt và văn hóa Trung Hoa được xây dựng trên cơ sở văn hóa Lạc Việt. Phát hiện quan trọng này giúp dân tộc ta gành lại chủ quyền văn hóa và thoát khỏi mặc cảm nô lệ từ văn hóa Hán.


Tuy nhiên mới đây, khi đọc bài báo công bố kết quả khảo sát 1000 bộ gen người Việt,* tôi thấy các tác giả đã sai lầm khi đưa ra giả thuyết về sự hình thành dân tộc Việt. Đây là điều rất hệ trọng vì nhân danh "khoa học" các tác giả khẳng định người Việt Nam bị Hán hóa từ 800 năm trước. Tôi sợ rằng, nắm lấy kết luận "khoa học" này, hệ thống tuyên truyền bá đạo của Trung Cộng sẽ vùi dập dân tộc ta.


Do vậy, tôi đã viết bài phản biện bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh gửi báo Văn Hóa nhờ chuyển tới mọi người. Rất mong quý vị, trong khả năng của mình phản biện để làm rõ sự thật.


Xin chân thành cảm ơn.


Hà Văn Thùy


Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements


https://www.nature.com/articles/s41598-017-12813-6


 SCIENTIFIC REPORT


Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements


  • Scientific Reportsvolume 7, Article number: 12630 (2017)
  • doi:10.1038/s41598-017-12813-6
  • Download Citation


Received: 18 July 2017


Accepted: 14 September 2017


Published:03 October 2017


THẢO LUẬN VỀ KẾT QUẢ DỰ ÁN 1000 BỘ GEN NGƯỜI VIỆT NAM


Hà Văn Thùy


Ngày 03 tháng 10 năm 2017, tạp chí Scientific Reports công bố nghiên cứu  “CÁC CUỘC ĐIỀU TRA ĐỊA LÝ VÀ BỘ GEN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM CHO THẤY SỰ BIẾN ĐỘNG NHÂN KHẨU HỌC LỊCH SỬ PHỨC TẠP” (Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements-https://www.nature.com/articles/s41598-017-12813-6) của chín tác giả: S. Pischedda, R. Barral-Arca, A. Gómez-Carballa, J. Pardo-Seco, M. L. Catelli, V. Álvarez-Iglesias, J. M. Cárdenas, N. D. Nguyen, H. H. Ha, A. T. Le, F. Martinón-Torres, C. Vullo & A. Salas.


Đây là công trình khảo sát di truyền dân cư Việt Nam có quy mô lớn đầu tiên. Do đó nó có ý nghĩa đặc biệt trong việc tìm hiểu nguồn gốc và quá trình hình thành dân tộc Việt Nam, mối quan hệ giữa các cộng đồng người Việt. Nó cũng giúp cho việc chẩn trị các bệnh về di truyền, công việc của pháp y... Vì vậy, công trình này sẽ được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm.


Từ thực tế nhiều năm khảo cứu nguồn gốc người Việt, chúng tôi thấy những đề xuất về sự hình thành dân cư Việt Nam của Đề án có những điểm cần thảo luận.


I.NHỮNG MÂU THUẪN VÀ SAI LẦM.


Từ Báo cáo được công bố, chúng tôi thấy những mâu thuẫn và sai lầm sau:


1. Báo cáo viết: “Theo quan điểm nhân chủng học, kịch bản tổng thể là người Việt Nam ngày nay có nguồn gốc dân tộc kép: một thành phần chính đến từ miền Nam Trung Quốc, chồng lên một thành phần nhỏ có nguồn gốc từ một hỗn hợp Thái-Indonesia. Quá trình Nam tiến có thể là chìa khóa cho việc cấu hình kiến trúc bộ gen của người Việt Nam ngày nay.” (From an anthropological point of view, the overall scenario is that present-day Vietnamese have a dual ethnic origin: a major component coming from South of China, superimposed to a minor component originating from a Thai-Indonesian composite. The Nam tiến has probably been key for the configuration of the genome architecture of present-day Vietnamese).


Nhận định như vậy là mâu thuẫn nghiêm trọng.


a. Trước hết là theo tư duy logic: một khi người từ châu Phi đặt chân đầu tiên tới Việt Nam, sau khi hòa huyết tăng nhân số, người từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Trung Quốc thì vì lẽ gì dân số Việt Nam lại do “một thành phần chính đến từ miền Nam Trung Quốc”làm nên?


Trich dẫn:


(South Asia (SA) was one of the first regions to have been peopled by modern humans; and this region has served as a major route of dispersal to other geographic areas, including SEA2. According to Atkinson et al.3, roughly 60% of the global human population lived in SEA about 38,000 years ago;)


Nam Á (SA) là một trong những vùng đầu tiên được con người hiện đại chiếm lĩnh; và khu vực này đã phục vụ như là một tuyến đường chính để phân tán đến các khu vực địa lý khác, bao gồm cả SEA2. Theo Atkinson và cộng sự, khoảng 60% dân số toàn cầu sống ở SEA khoảng 38.000 năm trước


Trích dẫn:


The first one proposes that populations to the South of East Asia (EA) probably derived from the populations in SEA that migrated from Africa, possibly via mid-Asia following a coastal route5.


(Người đầu tiên đề xuất rằng các quần thể ở Đông Á (EA) có thể xuất phát từ các quần thể ở Đông Nam Á di cư từ châu Phi, có thể thông qua châu Á sau một tuyến đường ven biển5)


Theo tư duy logic sẽ thấy mâu thuẫn lớn: trong khi người từ Việt Nam di cư làm nên dân cư Trung Quốc thì vì lẽ gì thành phần chính của dân cư Việt Nam lại là người từ Trung Quốc đến? Quy luật của mọi cuộc di cư là từ nơi đông dân tới nơi ít người. Báo cáo dẫn: “Theo Atkinson và cộng sự, khoảng 60% dân số toàn cầu sống ở SEA khoảng 38.000 năm trước”. Do áp lực dân số lớn như vậy thì chỉ có người từ Việt Nam di cư lên Hoa lục. Vậy vì lẽ gì dân cư Việt Nam lại do người Trung Quốc du nhập?


b.Thứ hai, về mặt di truyền học càng vô lý hơn. Một khi “thành phần chính”tức là một số lượng lớn người từ Nam Trung Quốc di cư xuống làm nên dân cư Việt Nam thì mặc nhiên, người Việt Nam phải là hậu duệ của người Nam Trung Quốc. Theo nguyên lý di truyền học, độ đa dạng sinh học giảm dần nơi các thế hệ con cháu. Điều này có nghĩa là, người Việt Nam ngày nay phải có độ đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả các nghiên cứu di truyền học dân cư châu Á, kể cả trong báo cáo này đều khẳng định người Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao nhất trong các dân cư châu Á:


Trích dẫn:


In recent years, SEA has been extensively explored in genetic studies. Some mitochondrial DNA (mtDNA) studies have suggested that this region constituted the starting point of the modern human expansions from Africa towards China, EA and Oceania8,9.)


(Trong những năm gần đây, SEA đã được khám phá rộng rãi trong các nghiên cứu di truyền. Một số nghiên cứu DNA ty thể (mtDNA) đã gợi ý rằng khu vực này tạo thành điểm khởi đầu của sự mở rộng của con người hiện đại từ châu Phi sang Trung Quốc, EA và Oceania8,)


Trích dẫn


Overall, the genetic variation observed in the Vietnamese fits well with mtDNA patterns observed in SEA, which is considered the most diverse and polymorphic region of the continent6. As expected, mtDNA diversity is very high across the Vietnamese territory.)


(Nhìn chung, sự biến đổi di truyền quan sát thấy ở Việt Nam phù hợp với các mô hình mtDNA được quan sát ở SEA, được coi là vùng đa dạng và đa hình nhất của lục địa6. Theo dự kiến, sự đa dạng mtDNA rất cao trên lãnh thổ Việt Nam. Đa số người Việt Nam mang theo haplotypes mtDNA tập trung ở các nhánh M7 (20%) và R9'F (27%), hai dòng dõi chính của mẹ không chỉ thống trị Việt Nam mà SEA nói chung.)


Thực tế của bộ gen người Việt Nam bác bỏ quan điểm của các tác giả Dự án.


c. Quan niệm cho rằng “Tiến trình Nam tiến có thể là chìa khóa cho việc cấu hình kiến trúc bộ gen của người Việt Nam ngày nay” (The Nam tiến has probably been key for the configuration of the genome architecture of present-day Vietnamese) tỏ ra thiếu cơ sở. Bởi lẽ, 800 năm trước Việt Nam có chính quyền quân chủ mạnh, đánh thắng các cuộc xâm lăng của Nguyên, Minh, Thanh thì làm thế nào mà người Trung Quốc xâm nhập để “làm nên thành phần chính của dân cư Việt Nam”? Mặt khác, Nam tiến là cuộc điều chuyển dân cư trong nội bộ Việt Nam, chủ yếu là cuộc di dân của người từ Thanh-Nghệ-Tĩnh vào Nam. Người Bắc Bộ hầu như không tham gia sự kiện này. Do vậy, sự kiện Nam tiến không hề có vai trò đáng kể đến cấu hình bộ gen người Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn là, cổ nhân chủng học chỉ ra, từ 2000 năm TCN, dân cư Việt Nam đã như ngày hôm nay, gồm chủng Mongoloid phương Nam điển hình (Kinh, Tày, Thái…) và dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam (Khmer, các sắc dân Tây nguyên…) Đó chính là hai dòng dân cư bản địa mà Báo cáo gọi là Thai-Indonesian. [1]


Chúng tôi cũng bác bỏ giả thuyết cho rằng người Việt Nam do người từ phương Tây di cư đến theo Con đường phương Bắc: Theo giả thuyết sau, hầu hết các dân tộc Việt Nam ngày nay sẽ là hậu duệ của các quần thể cổ đại trải dài từ phía Nam sông Dương Tử về phía Biển Đông và các đảo SEA1. (The other hypothesis proposes at least two independent migrations: the same initial movement coming from Africa following a southern coastal route first, followed by a series of migrations along a more northern route that served to bridge European and EA populations6. According to the latter hypothesis, most Vietnamese ethnic groups today would be descendants from the ancient populations that spread from South of the Yangtze River towards Mainland SEA and the SEA islands1)


Bởi lẽ, nếu có con đường di cư như thế thì đó là người Europid từ châu Phi tới bán đảo A Rập 85.000 năm trước [2][3] rồi 52.000 năm trước, từ bán đảo A Rập qua Trung Đông sau đó vượt eo Bosphorus vào châu Âu 40.000 năm trước. Tại đây họ gặp người Indonesian từ Đông Á qua Trung Á tới. Hai dòng người hòa huyết cho ra người Europian tổ tiên người châu Âu. Khoảng 15.000 năm trước, một dòng người từ châu Âu qua Trung Á sang phương Đông.[3] Nhưng lúc này này người Indonesian trên Hoa lục đã đông, đặc biệt là bộ tộc du mục Tần rất dũng mãnh ở phía Tây, đã ngăn cuộc xâm nhập này, đẩy dòng người Europian xuống Tây Nam Trung Quốc, nay là người Ugur. Một dòng khác vượt qua phía Bắc Hoàng Hà tới Đông Bắc Trung Quốc để thành những bộ lạc Altaic,


2. Trong khi khẳng định dân cư Bắc Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất “Their data indicated that the Northern Vietnamese population has a high genetic diversity” thì tại phần Các kết quả (Results) lại nói: “Tuy nhiên, khi các mẫu được phân tích đến các vùng địa lý chính (Bắc, Trung và Nam), một mô hình phân tử đa dạng rõ ràng hơn cho thấy sự đa dạng tăng từ Bắc vào Nam của đất nước (Bảng 1; Hình 2A).” (However, when the samples were analyzed attending to main geographic regions (North, Center and South), a clearer pattern of molecular diversity is revealed, suggesting that the diversity increases from North to South of the country (Table 1; Fig. 2A).)


Rõ ràng hai nhận định trên là mâu thuẫn. Một khi đã xác định dân cư miền Bắc có độ đa dạng sinh học cao nhất, thì không thể có điều trái ngược là càng xuống phía nam đất nước, độ đa dạng di truyền của dân cư càng cao hơn! Bởi như vậy, độ đa dạng di truyền của dân cư phía Nam phải cao hơn phía Bắc! Điều trái ngược như vậy là vô lý nên không thể giải thích được! Chinh sự mâu thuẫn này khiến cho bản Báo cáo trở nên bị hoài nghi.


3. Sự suy giảm dân số đáng kinh ngạc của người Chăm cách đây 700 năm phù hợp quá trình Nam tiến từ trung tâm ban đầu của họ ở đồng bằng sông Hồng.  [The dramatic population decrease experienced by the Cham 700 years ago (ya) fits well with the Nam tiến (“southern expansion”) southwards from their original heartland in the Red River Delta.]


Có đúng đồng bằng sông Hồng là trung tâm cư trú ban đầu của người Chăm?


Khảo cổ đồng bằng sông Hồng cho thấy, khoảng 500 -300 năm TCN, khi nước biển rút, đồng bằng sông Hồng mới hình thành. Sớm nhất lúc này trung tâm đồng bằng sông Hồng mới có người đến ở. Trong khi đó 5000 năm trước, người Chăm là chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam. Do vậy, đồng bằng sông Hồng không thể là trung tâm cư trú ban đầu của người Chăm. Thời nhà Lý đã đưa 40.000 tù binh Chăm về an trí ở dồng bằng sông Hồng.


4. Một trong những kỳ vọng ở Dự án này là từ giải mã nguồn gen sẽ cho ra nhận định chính xác về thành phần dân cư Việt Nam. Nhưng Báo cáo đã không làm được việc này.


Quan niệm chính thống hiện nay cho rằng : Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Việt (tên gọi khác: Kinh) là đa số, các dân tộc còn lại là thiểu số. Theo chúng tôi, sở dĩ có quan niệm như vậy là do trước đây ảnh hưởng của nhân khẩu học Trung Quốc. Người Trung Quốc nói: “Trung Quốc có 56 dân tộc anh em.” Việt Nam cũng nói: “Việt Nam có 54 dân tộc anh em.” Nhưng từ lâu người Trung Quốc đã thay đổi: “Trung Quốc có 5 dân tộc: Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng. Trong đó người Hán là đa số, các dân tộc còn lại là thiều số.”


 Trong khi đó, về di truyền học, từ 4.000 năm trước, dân cư Việt Nam là chủng (race) duy nhất Lạc Việt (Mongoloid phương Nam hay Nam Á) [1,4]. Trong đó sắc tộc (ethnicity) Kinh là đa số, các sắc tộc khác là thiểu số. Việc xác định như vậy rất quan trọng không chỉ đối với dân cư, nhân khẩu học mà còn có ý nghĩa lớn đối với lịch sử, văn hóa Việt Nam.


II. KẾT LUẬN


Từ đầu thế kỷ, việc sử dụng kỹ thuật di truyền để tìm tổ tiên loài người và các chủng tộc mở ra sự đột phá quan trọng cho nhân học. Jared Diamond của Đại học California từng nói: “Giờ không còn là lúc chơi với những khúc xương và những hòn đá nữa. Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học kiểm định đều không đáng tin cậy.” Lúc đầu chúng tôi hồ hởi tin theo. Nhưng rồi nhận ra, câu nói chỉ đáng tin một nửa. Di truyền học không thể giải quyết mọi vấn đề. Ở đây lại đụng tới triết học trong quan hệ giữa vật thể và chủ thể nhận thức. Những khám phá di truyền học dù có được tạo ra bằng công nghệ hiện đại tới đâu đi nữa thì điều quyết định vẫn là con người xử lý những khám phá đó. Một bằng chứng rất điển hình, sau khi nhóm Y.J.Chu công bố phát hiện của mình thì Spencer Wells và Stephen Oppeheimer cùng vào cuộc lặp lại nghiên cứu của Chu. Nhưng hai trường phái đưa ra kết luận trái ngược. Công bố sớm hơn và là đại diện của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ tiếng tăm lừng lẫy nên ý tưởng của S. Wells được ủng hộ rộng rãi. Nhưng thực tế di truyền học và nhất là khảo cổ thời gian qua đã ủng hộ S. Oppenheimer. S. Oppenheimer đã đúng không chỉ vì labo của ông đưa ra kết quả chính xác mà điều quan trọng hơn là ở sự từng trải lịch lãm của nhà khoa học cao tuổi từng có 20 năm kinh nghiệm ở Đông Nam Á, là tác giả của Eden in the East nổi tiếng. Không chỉ di truyền học mà ông còn vận dụng tài tình những khám phá khảo cổ học và nhất là giải mã những huyền thoại phương Đông.


Tìm nguồn gốc dân tộc Việt Nam không phải chuyện đơn giản và càng không thể chỉ bằng công nghệ di truyền. Trong công việc này, di truyền học nhiều lắm chỉ có thể giữ vai trò những gợi ý ban đầu và kiểm định để điều chỉnh những giả thuyết được đưa ra. Không chỉ cần “chơi” với những khúc xương, những hòn đá mà cũng cần chơi với những truyền thuyết, huyền thoại mờ mờ ảo ảo lưu truyền qua những nghìn năm trong dân gian.


Rất cảm ơn các tác giả và nhà tài trợ đã hoàn thành Dự án 1000 bộ gen người Việt Nam. Do những tài liệu về di truyền của người Việt Nam đến nay còn quá hiếm hoi nên kết quả của Dự án này là tài sản quý giá. Các nhà nghiên cứu người Việt sẽ khai thác tài liệu từ đây để hiểu thêm về mã di truyền của người Việt, để chữa trị các căn bệnh về di truyền, giúp cho công tác pháp y…


Tiếc rằng, do áp dụng phương pháp luận thiếu chuẩn xác, các tác giả Dự án đã có đoán định không thỏa đáng về sự hình thành dân cư Việt Nam.


Để kết thúc, người viết lưu ý những ai tham khảo tài liệu cần cẩn trọng trước những kết luận sai lầm của Dự án này.


Sài Gòn, 14.5. 2018


Tài liệu tham khảo.


  1. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. H, 1983.
  2. Archaeologists Find 88,000-Year-Old Human Finger Fossil in Saudi ... https://news.nationalgeographic.com/.../saudi-arabia-finger-human-mig..
  3. 3. Stephen Oppenheimer. Out of Eden: The Peopling of the World. https://www.amazon.co.uk/Out-Eden-Peopling-Stephen-Oppenheimer/..
  4. Marc F. Oxenham, ‎Hirofumi Matsumura, ‎Nguyen Kim Dung. Man Bac: The Excavation of a Neolithic Site in Northern Vietnam- 2011 - ‎Social Science

https://books.google.com.vn/books?isbn=1921862238


DISCUSSION ON REPORT OF PROJECT 1000 VIETNAMESE GENES


Thuy Ha Van


On October 3, 2017, Scientific Reports published a study on "GEOGRAPHICAL AND GENOMIC SURVEY OF VIETNAMESE VARIABLES" (Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal the signatures of the complex historical demographic movements of nine authors: S. Pischedda, R. Barral-Arca, A. Gómez- Carballa, J. Pardo-Seco, ML Catelli, V. Álvarez-Iglesias, JM Cárdenas, ND Nguyen, HH Ha, AT Le, F. Martinón-Torres, C. Vullo & A. Salas.


This is the first large-scale population genetics survey in Vietnam. It is therefore of special significance in understanding the origins and formation processes of Vietnamese populations  and the relationship between Vietnamese communities. It also helps to diagnose genetic diseases, forensic work ... So, this work will be of interest to many Vietnamese researchers.


From the fact that many years of research on Vietnamese origins, we find that proposals on the formation of the population of Vietnam have some points to discuss.


I. CONTRADICTION AND MISTAKES


From the published report, we find the following contradictions and mistakes:


1. The report writes: “From an anthropological point of view, the overall scenario is that present-day Vietnamese have a dual ethnic origin: a major component coming from South of China, superimposed to a minor component originating from a Thai-Indonesian composite. The Nam tiến has probably been key for the configuration of the genome architecture of present-day Vietnamese.”


Such outlooks are serious contradictions.


a. First is the logical thinking: once people from Africa first arrived in Vietnam, after increased number, people from Vietnam went up to occupy China, why the population of Vietnam is due to "A major component from southern China" made?


Quotes:


“South Asia (SA) was one of the first regions to have been peopled by modern humans; and this region has served as a major route of dispersal to other geographic areas, including SEA2. According to Atkinson et al.3, roughly 60% of the global human population lived in SEA about 38,000 years ago;”


Quotes:


“The first one proposes that populations to the South of East Asia (EA) probably derived from the populations in SEA that migrated from Africa, possibly via mid-Asia following a coastal route5.”


According to logical thinking, there will be great contradictions: while people from Vietnam migrate to make up the Chinese population, why the main component of the population in Vietnam who is from China? The rule of every migration is from populous to less populated. "According to Atkinson and his colleagues, about 60% of the global population lives in the SEA about 38,000 years ago." Due to such large population pressure, only people from Vietnam migrate to the China. So why is the population of Vietnam introduced by the Chinese?


b.Second, genetically the more absurd. Once the "main ingredient" is that a large number of people from southern China migrate to make up the Vietnamese population, then the Vietnamese must be descended from South China. According to the genetic principle, the biodiversity decreases in the descendants. This means that Vietnamese people today must have lower biodiversity than Chinese. However, in fact, all Asian population genetics studies, including in this report, confirm that the Vietnamese have the highest biodiversity in Asian populations:


Quotes:


“In recent years, SEA has been extensively explored in genetic studies. Some mitochondrial DNA (mtDNA) studies have suggested that this region constituted the starting point of the modern human expansions from Africa towards China, EA and Oceania8,9.)”


Quotes:


“Overall, the genetic variation observed in the Vietnamese fits well with mtDNA patterns observed in SEA, which is considered the most diverse and polymorphic region of the continent6. As expected, mtDNA diversity is very high across the Vietnamese territory.”


The fact of the Vietnamese genome rejects the views of the authors of the project.


c. The notion that " The Nam Tiến may have been key for the configuration of the genome architecture of present-day Vietnamese) proved lack of facilities. Because 800 years ago, Vietnam had strong monarchy, defeated the invasions of Nguyen, Minh, Thanh. How did the Chinese invade to "make up the main part of the Vietnamese population? "


Other surface, Nam Tiến is migration of the resident people  Inside of Vietnam, primarily is the people of the people from Thanh-Nghệ-Tĩnh into Nam. The North resident  are not join to this event. Do vậy, process Nam tiến does not exist to the role configuration of gene of  Vietnam. But more importantly, ancient anthropologycal studies point out, from 2000 BC, that the Vietnamese population was like today, including the typical South Mongoloid as the  (Kinh, Tay, Thai ...) and modern Indonesian form of Southern Mongoloid (Khmer, Tay Nguyen ...) These are two indigenous populations that the Report called Thai-Indonesian. [1]


We also reject the theory that Westerners migrate along the northern road to make up Vietnam people. According to the following hypothesis, most Vietnamese ethnic groups today would be descendants of ancient populations stretching from the south of the Yangtze to the South China Sea and SEA islands:


Quotes:


 (The other hypothesis proposes at least two independent migrations: the same initial movement coming from Africa following a southern coastal route first, followed by a series of migrations along a more northern route that served to bridge European and EA populations6. According to the latter hypothesis, most Vietnamese ethnic groups today would be descendants from the ancient populations that spread from South of the Yangtze River towards Mainland SEA and the SEA islands1)


If there is such a migration path, then it is the migrant movement of the Europans to the East, which makes up the Chinese population. Archeology and modern Oriental populations refute this because 93% of the Chinese population is Han Chinese, with the Mongolian gene, whose ancient ancestors are in the East.


2. While was determined the community of the North Việt Nam with the highest diversity: “Their data indicated that the Northern Vietnamese population has a high genetic diversity” then the results say: However, when the samples were analyzed attending to main geographic regions (North, Center and South), a clearer pattern of molecular diversity is revealed, suggesting that the diversity increases from North to South of the country (Table 1; Fig. 2A).


Clearly these two statements are contradictory. Once the population of the North has been identified as having the highest biological diversity, it can not be the opposite that the further south, the higher the genetic diversity of the population! As such, the genetic diversity of the population in the South must be higher than the north! The opposite is so unreasonable that it can not be explained! This contradiction caused the Report to become skeptical.


3. About the idea:  “The dramatic population decrease experienced by the Cham 700 years ago (ya) fits well with the Nam tiến (“southern expansion”) southwards from their original heartland in the Red River Delta.”


Is the Red River Delta the original residence center of Cham ?


Archeology of the Red River Delta shows that, about 500 -300 BC, when the sea recedes, the Red River Delta newly formed. It is earliest time, the center of the Red River Delta have people settled. Meanwhile, 5000 years ago, Cham people were the owners of Sa Huynh culture in Central Vietnam. Therefore, the Red River Delta can not be the original center of Cham residence. During the Ly dynasty, 40,000 Cham prisoners were taken to the Red River Delta.


4.One of the expectations of this project is that from genetic source coding will provide accurate identification of the population of Vietnam. But Report did not do this.


The present orthodox conception is that: Vietnam has 54 ethnic groups, of which the Vietnamese (other names: Kinh) are the majority, the other ethnic groups are minorities. In our opinion, this is because of the influence of the Chinese demographic. "China has 56 ethnic groups," said the Chinese. "Vietnam has 54 ethnic groups." But the Chinese have long since changed. "China has five races: Han, Islam, Mongolia, Manchu, Tibetan. In which Han is the majority, the rest is the minorities. "


 Meanwhile, in genetics, from 4,000 years ago, the population of Vietnam is the only race South Mongoloid (or South Asia) [1,4]. Of which ethnicity Kinh is the majority, other ethnicities are minorities. Such determination is very important not only for population and demography, but also for Vietnamese history and culture.


II. CONCLUDE


By the beginning of the century, the use of genetic engineering to find ancestry of human and races opened up important breakthroughs in anthropology. Jared Diamond of the University of California once said: "It's no longer a time to play with bones and rocks. What is belong to human that have not been genetically tested are unreliable. "At first, we believed in it. But then realized, the sentence is only half believable. Genetics can not solve all problems. Here again, philosophy touches upon the relation between the object and the cognitive subject. Genetic discoveries, though created with modern technology, the decision is the man that handling those discoveries.


A very typical example, after the Y.J. Chu team announced their findings, Spencer Wells and Stephen Oppeheimer joined the replication of Chu's research. But the two schools came to the opposite conclusion. Announced sooner and is a representative of the National Geographic Society famous, so the idea of ​​S. Wells is widely supported. But genetics and especially archeology have supported S. Oppenheimer. S. Oppenheimer was right not only because his lab gave accurate results but more importantly, in the sophisticated experience of a senior scientist with 20 years of experience in Southeast Asia, the author of Eden in the East is well known. Not only genetics, but also skillfully exploited archaeological discoveries and especially the interpretation of Eastern myths.


Finding a Vietnamese ethnic origin is not a simple matter and it is not possible only by genetic engineering. In this work, genetics can only play the role of initial hints and tests to correct the hypotheses given. Not only need to "play" with the bones, the stone that also needs to play with the myths passed down through the thousands years of folk.


Many thanks to the authors and donors who have completed the Project 1000 genomes of Vietnamese people. Due to the rare genetic material of the Vietnamese people, the results of this project are very valuable. Vietnamese researchers will use this document to understand more about the genetic code of the Vietnamese people, to treat genetic diseases, to help forensic medicine.


Unfortunately, due to the application of the methodology not appropriate, the project authors have not adequately predicted the formation of the Vietnamese population.


To conclude, the writer noted that those who consulted the document should be cautious of the erroneous conclusions of this project.


Saigon, 5.14.2018


Tài liệu tham khảo.


  1. Nguyễn Đình Khoa. Southeast Asian anthropology. NXB DH&THCN. H, 1983.
  2. Archaeologists Find 88,000-Year-Old Human Finger Fossil in Saudi ... https://news.nationalgeographic.com/.../saudi-arabia-finger-human-mig..
  3. 3. Stephen Oppenheimer. Out of Eden: The Peopling of the World. https://www.amazon.co.uk/Out-Eden-Peopling-Stephen-Oppenheimer/..
  4. Marc F. Oxenham, ‎Hirofumi Matsumura, ‎Nguyen Kim Dung. Man Bac: The Excavation of a Neolithic Site in Northern Vietnam- 2011 - ‎Social Science

https://books.google.com.vn/books?isbn=1921862238


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc?

24 Tháng Giêng 201911:14 CH(Xem: 2867)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN Ý KIẾN / THẢO LUẬN - THỨ SÁU 25 JAN 2019


Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc?


Posted on 07/09/2015 by The Observer

image033

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành


Tiếng ta còn thì nước ta còn!


Đồng hóa dân tộc (national assimilation) gồm: 1- Đồng hóa tự nhiên, tức quá trình dân tộc A trong giao tiếp với dân tộc B, do chịu ảnh hưởng lâu dài của B mà A tự nhiên dần dần mất bản sắc của mình, cuối cùng bị B đồng hóa; đây là một xu hướng tự nhiên trong tiến trình lịch sử loài người. 2- Đồng hóa cưỡng chế: sự cưỡng bức một dân tộc nhỏ yếu hơn chấp nhận ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán của một dân tộc lớn mạnh hơn; đây là một tội ác.


Đồng hóa dân tộc chủ yếu diễn ra dưới hình thức đồng hóa văn hóa, trong đó chủ thể đồng hóa thường là một nền văn hóa mạnh và tiên tiến (như đông dân hơn, kinh tế phát triển hơn, đã có chữ viết, có các hệ tư tưởng), đối tượng đồng hóa thường là nền văn hóa yếu và lạc hậu hơn. Đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa văn hóa thông dụng nhất, quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Một dân tộc bị mất tiếng nói mẹ đẻ của mình và phải nói tiếng của một dân tộc khác thì không còn giữ được bản sắc dân tộc nữa.


Trong lịch sử, các nền văn hóa yếu thường bị nền văn hóa mạnh đồng hóa. Thời cổ, Trung Quốc là quốc gia đông người nhất và có nền văn minh tiên tiến nhất châu Á. Nền văn hóa Hán ngữ của họ có sức đồng hóa rất mạnh. Dân tộc Hồi ở phía Tây nước này, ngày xưa dùng chữ A Rập, sau nhiều năm giao lưu với người Hán cũng toàn bộ dùng chữ Hán và nói tiếng Hán. Ngay cả các dân tộc nhỏ nhưng mạnh về quân sự, sau khi thôn tính và thống trị Trung Quốc được ít lâu cũng bị nền văn hóa Hán ngữ đồng hóa.


Thí dụ dân tộc Mãn sau khi chiếm Trung Quốc và lập triều đại nhà Thanh đã lập tức tiến hành đồng hóa dân tộc Hán: cưỡng bức đàn ông Hán phải cạo nửa đầu và để đuôi sam, phải bỏ chữ Hán mà chỉ dùng chữ Mãn làm chữ viết chính thức trên cả nước. Nhưng đến giữa đời Thanh, tức sau khoảng 100 năm thì tiếng Mãn cùng chữ Mãn đều biến mất, từ đó trở đi người Mãn chỉ dùng tiếng Hán và chữ Hán, nghĩa là họ lại bị đồng hóa ngược bởi chính nền văn hóa của dân tộc bị họ cai trị lâu tới 267 năm!


Các nước đế quốc thực dân sau khi chiếm thuộc địa đều cưỡng chế đồng hóa ngôn ngữ dân bản xứ, quá trình này diễn ra khá nhanh, nhìn chung sau 5-6 thế hệ (mỗi thế hệ 25 năm), tiếng nói của người bản xứ đã bị thay bằng ngôn ngữ của nước cai trị. Đầu thế kỷ XV, Brazil bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Brazil. Nhiều thuộc địa Pháp ở châu Phi như Bénin, Togo, Sénegan… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất. Năm 1918 nước ta bắt đầu dạy tiếng Pháp ở lớp cuối tiểu học, 10-20 năm sau toàn bộ học sinh trung học cơ sở trở lên đến trường đã chỉ nói tiếng Pháp, giáo viên chỉ giảng dạy bằng tiếng Pháp. Nếu cứ thế dăm chục năm nữa thì có lẽ Việt Nam đã trở thành nước nói tiếng Pháp.


Thế nhưng sau hơn 1.000 năm bị bọn phong kiến người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa, dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán.


Đây quả là một điều kỳ diệu có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được. Đáng tiếc là chưa thấy nhiều người quan tâm nghiên cứu vấn đề này, một thành tựu vĩ đại đáng tự hào nhất của dân tộc ta (nói cho đúng là của tổ tiên ta thôi, còn chúng ta bây giờ thua xa các cụ).


Vì sao tổ tiên ta có thể làm được kỳ tích ấy ? Có người nói đó là do dân ta giàu tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, xã hội có cơ chế làng xã bền chặt, v.v… Nói như vậy có lẽ còn chung chung, nếu đi sâu phân tích tìm ra được nguyên nhân cụ thể thì sẽ giúp ích hơn cho việc phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thực tế cho thấy tổ tiên ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ trang mà chủ yếu bằng tài trí.


Xin nói thêm rằng chính người Trung Quốc cũng rất quan tâm vấn đề này. Chúng tôi đã thử nêu lên mạng Bách Độ (Baidu) của họ câu hỏi “Vì sao Trung Quốc thống trị Việt Nam hơn 1.000 năm mà Việt Nam không bị đồng hóa?”


Từ hàng triệu kết quả, có thể thấy đa số dân mạng Trung Quốc đều có chung một thắc mắc lớn: Vì sao bị Trung Quốc thống trị lâu thế mà người Việt Nam vẫn không nói tiếng Trung Quốc? Nói cách khác, họ coi đồng hóa ngôn ngữ là tiêu chuẩn đồng hóa quan trọng nhất và đều thừa nhận Trung Quốc đã không đồng hóa nổi Việt Nam. Họ tỏ ra tiếc nuối về sự kiện Việt Nam sau hơn 10 thế kỷ từng là quận huyện của Trung Quốc, từng dùng chữ Hán hàng nghìn năm mà rốt cuộc lại trở thành một quốc gia độc lập, dùng chữ Latin hóa, ngày nay là nước chống lại mạnh nhất chính sách xâm lấn Biển Đông của Bắc Kinh.


Do hiểu biết Việt Nam rất ít, thậm chí hiểu sai, hầu hết dân mạng Trung Quốc không tìm được lời giải thắc mắc trên, kể cả người tỏ ra am hiểu lịch sử nước ta. Họ nêu các lý do:


– Văn hóa Việt Nam có trình độ Hán hóa cao(?), người Việt rất hiểu và không phục Trung Quốc;


– Việt Nam ở quá xa Trung nguyên, khí hậu nóng, quan lại người Hán ngại sang Việt Nam làm việc, đã sang thì chỉ lo làm giàu, không lo đồng hóa dân bản xứ;


– Các nhân vật tinh hoa Trung Quốc như Lưu Hy, Hứa Tĩnh, Hứa Từ, Viên Huy (劉熙、許靖、許慈、袁徽) chạy loạn sang Việt Nam đã giúp nước này có nền văn hóa không kém Trung Quốc;


– Người Hán di cư đến Việt Nam đều bị người bản xứ đồng hóa v.v…


Nói chung họ đều chưa thấy, hay cố ý lờ đi nguyên nhân chính là ở tài trí của người Việt.


Nhưng họ nói người Việt Nam hiểu Trung Quốc là đúng. Do sớm hiểu rõ ý đồ thâm hiểm của phong kiến người Hán muốn đồng hóa dân tộc ta nên tổ tiên ta đã kịp thời đề ra đối sách. Cụ thể là đã tìm ra cách giữ gìn được tiếng nói của dân tộc mình trong quá trình bị bọn thống trị người Hán cưỡng bức học chữ Hán.


Mấy nghìn năm sau, một học giả lớn của dân tộc ta tóm tắt bài học lịch sử này trong một câu nói rất chí lý: “Tiếng ta còn thì nước ta còn!


Sau khi chiếm nước ta (203 tr. CN), Triệu Đà đã ép buộc dân ta học Hán ngữ, nhằm đồng hóa họ bằng ngôn ngữ. Có lẽ đây là thời điểm muộn nhất chữ Hán vào nước ta.[1] Sách “Việt giám Thông khảo Tổng luận” do Lê Tung viết năm 1514 có chép việc họ Triệu mở trường dạy người Việt học chữ Hán.[2] Về sau, tất cả các triều đại người Hán cai trị Việt Nam đều thi hành chính sách đồng hóa. Triều nhà Minh còn tìm cách tiêu diệt nền văn hóa của ta, như tiêu hủy toàn bộ các thư tịch do người Việt viết, bắt nhân tài, thợ giỏi người Việt sang Trung Hoa phục dịch.


Như vậy, dân tộc ta buộc phải chấp nhận học chữ Hán từ rất sớm (trước Triều Tiên, Nhật Bản nhiều thế kỷ). Do hiểu biết người Hán nên tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhanh chóng nhận ra nếu cứ học như thế thì cuối cùng tiếng Việt sẽ bị thay bằng tiếng Hán, dân ta sẽ trở thành một bộ phận của Trung Quốc.


Vậy cha ông ta đã dùng cách nào để giữ được tiếng nói của dân tộc trong hơn 1.000 năm bị cưỡng bức học và dùng chữ Hán cũng như phải tiếp thu nhiều yếu tố của nền văn minh Trung Hoa?


Vấn đề này rất cần được làm sáng tỏ để từ đó hiểu được truyền thống quý báu của dân tộc ta. Dưới đây chúng tôi xin mạo muội góp vài ý kiến nông cạn, nếu có sai sót mong quý vị chỉ bảo.


Đọc chữ Hán bằng tiếng Việt: Một sáng tạo xuất sắc của tổ tiên ta


Chữ viết hình vuông là một phát minh lớn của nền văn minh Trung Hoa, được người Hán chính thức sử dụng từ đời nhà Thương (thế kỷ 16 đến 11 tr. CN), ngày nay phổ biến được gọi là chữ Hán.


Thực ra trong hơn 2.000 năm kể từ ngày ra đời, thứ chữ viết ấy chỉ được người Hán gọi là chữ (tự) hoặc văn tự 文字. Đến đời Đường (thế kỷ VII) cái tên 漢字 (Hán tự, tức chữ Hán) mới xuất hiện lần đầu trong sách Bắc Sử 北史 do Lý Diên Thọ biên soạn.[3] Sau đó người Nhật và người Triều Tiên cũng gọi thứ chữ này là Hán tự: tiếng Nhật đọc Kanji, tiếng Triều Tiên đọc Hantzu. Cho tới nay Bộ Giáo dục Đài Loan vẫn chỉ gọi là Quốc tự 國字.


Vì thứ chữ ấy khi vào Việt Nam còn chưa có tên nên tổ tiên ta bèn đặt cho nó cái tên là chữ Nho, với ý nghĩa là chữ của người có học, bởi lẽ Nho là từ dùng để gọi những người có học. Dân ta gọi người dạy chữ là thầy đồ Nho, bút và mực họ dùng để viết chữ là bút Nho và mực Nho.[4]


Đây quả là một điều độc đáo, bởi lẽ Hán ngữ xưa nay chưa hề có khái niệm chữ Nho; tất cả từ điển Hán ngữ cổ hoặc hiện đại và các từ điển Hán-Việt đều không có mục từ Nho tự 儒字 với ý nghĩa là tên gọi của chữ Hán.


Có thể suy ra: Việt Nam thời xưa không có chữ viết (hoặc đã có chữ Việt cổ nhưng chưa hoàn thiện, chưa diễn tả được các khái niệm trừu tượng), vì thế khi tiếp xúc với chữ Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã nhận thấy đây là một phương tiện cực kỳ hữu ích dùng để truyền thông tin được xa và lâu, không bị hạn chế về khoảng cách và thời gian như cách truyền thông tin bằng tiếng nói, do đó họ đã sớm nghĩ tới việc mượn thứ chữ này làm chữ viết của dân tộc ta.


Muốn vậy dân ta phải biết chữ Hán, một thứ ngoại ngữ. Làm cho dân chúng học và dùng được một ngoại ngữ là việc hoàn toàn bất khả thi ở thời ấy. Hơn nữa chữ Hán cổ khó đọc (vì không biểu âm), khó viết (vì có nhiều nét và cấu tạo phức tạp), khó nhớ (vì có quá nhiều chữ), thuộc loại chữ khó học nhất trên thế giới.


Nói chung, mỗi chữ viết đều có một âm đọc; không ai có thể xem một văn bản chữ mà không vừa xem vừa đọc âm của mỗi chữ (đọc thầm hoặc đọc thành tiếng). Mỗi chữ Hán đều có một âm tiếng Hán; muốn học chữ Hán tất phải đọc được âm của nó. Viết chữ Hán khó, tuy thế tập nhiều lần sẽ viết được, nhưng do khác biệt về hệ thống ngữ âm, người Việt nói chung khó có thể đọc được các âm tiếng Hán.


Ngoài ra Trung Quốc là một nước rộng lớn, đông dân; cho tới trước nửa cuối thế kỷ 20 cả nước vẫn chưa thống nhất được âm đọc của chữ. Loại chữ này chỉ thể hiện ý nghĩa, không thể hiện âm đọc, cho nên nhìn chữ mà không biết cách đọc. Người dân các vùng xa nhau thường đọc chữ Hán theo âm khác nhau, thậm chí khác xa nhau, vì thế thường không hiểu nhau nói gì. Các thứ tiếng địa phương ấy ta gọi là phương ngữ, người Hán gọi là phương ngôn (方言); Hán ngữ hiện có 7 phương ngữ lớn, nhiều phương ngữ nhỏ (次方言).


Không thống nhất được âm đọc chữ Hán là một tai họa đối với người Hán. Với người nước ngoài học chữ Hán cũng vậy: khi mỗi ông thầy Tàu đọc chữ Hán theo một âm khác nhau thì học trò khó có thể học được thứ chữ này.


Để có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng: nếu người Hán khác vùng có thể tự đọc chữ Hán theo âm riêng của vùng, thì ta cũng có thể đọc chữ Hán theo âm riêng của người Việt.


Muốn vậy, mỗi chữ Hán được tổ tiên ta quy ước đọc bằng một (hoặc vài, tùy chữ Hán gốc) âm tiếng Việt xác định có gốc là âm chữ Hán — ngày nay gọi là âm Hán-Việt, nghĩa là mỗi chữ Hán đều được đặt cho một (hoặc vài) cái tên tiếng Việt xác định, gọi là từ Hán-Việt.


Thí dụ chữ được đặt tên là chữ Thủy, âm đọc thủy khác với âm đọc shuẩy của người Hán. Chữ , tiếng Hán đọc sưa, ta đọc sắc. ThủySắc là từ Hán-Việt, cũng là âm Hán-Việt của .


Âm/từ Hán-Việt được chọn theo nguyên tắc cố gắng bám sát âm Hán ngữ mà tổ tiên ta từng biết.[5] Như chữ , âm Hán và âm Hán-Việt đều đọc chung, tức hệt như nhau; chữ , Hán ngữ đọc hái, ta đọc Hài, gần như nhau. Nhưng hầu hết chữ đều có âm Hán-Việt khác âm Hán. Như 集 âm Hán là chí, ta đọc Tập ; giú, ta đọc Nho. Có chữ âm Hán như nhau mà âm Hán-Việt có thể như nhau hoặc khác nhau, như , âm Hán đều là thúng, từ Hán-Việt đều là Đồng ; nhưng , âm Hán đều là xi, lại có hai từ Hán-Việt khác nhau là HệTế. Chữ Hán có hai hoặc nhiều âm thì có thể có một, hai hoặc nhiều âm/từ Hán-Việt, như có hai âm Hán là tâutu, lại chỉ có một âm/từ Hán-Việt là Đô ; có hai âm Hán shảoshao, cũng có hai âm/từ Hán-Việt là Thiểu (trong thiểu số) và Thiếu (trong thiếu niên).


Thứ chữ Hán đọc bằng âm Hán-Việt này được dân ta gọi là chữ Nho. Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm cũng như học nghe/nói tiếng Hán. Vì thế thời xưa ở nông thôn nước ta không hiếm người 6-7 tuổi đã biết chữ Nho.[6] Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) 12 tuổi đỗ Cử nhân, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp (Tiến sĩ). Người không biết chữ cũng có thể học truyền miệng các tác phẩm ngắn có vần điệu, như Tam Thiên Tự.[7]


Người biết chữ Nho có thể xem hiểu các thư tịch chữ Hán, viết văn chữ Hán; tuy không nói/nghe được tiếng Hán nhưng vẫn có thể dùng bút đàm để giao tiếp bình thường với người Hán. Chỉ bằng bút đàm chữ Nho, Phan Bội Châu giao tiếp được với các nhà cải cách Trung Quốc và Nhật Bản, đưa được mấy trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật học quân sự chính trị, chuẩn bị về nước đánh đuổi thực dân Pháp.


Cần nhấn mạnh: vì âm/từ Hán-Việt không thể ghi âm hầu hết từ ngữ tiếng Việt cho nên cách đọc chữ Hán theo âm Việt hoàn toàn không thể biến tiếng Việt thành một phương ngữ của Hán ngữ,[8] và dân ta vẫn hoàn toàn nói và nghe bằng tiếng mẹ đẻ.


Chữ Nho chỉ dùng để viết mà thôi, và chỉ được giới tinh hoa (trí thức và quan lại người Việt) dùng trong giao dịch hành chính, ngoại giao, lễ tiết, chép sử, giáo dục, thi cử, sáng tác văn thơ. Còn ở Trung Quốc, những người nói một trong các phương ngữ tiếng Hán đều có thể dùng chữ Hán để ghi âm được toàn bộ tiếng nói của phương ngữ ấy, nghĩa là họ có thể dùng chữ Hán để ghi âm tiếng mẹ đẻ.


Dĩ nhiên cách đọc tiếng Việt chỉ có thể làm với chữ Hán, là loại chữ biểu ý (ghi ý), chứ không thể làm với chữ biểu âm (ghi âm). Ngày nay âm/từ Hán-Việt của mỗi chữ Hán có thể dễ dàng viết ra bằng chữ Quốc ngữ (một loại chữ ghi âm), nhưng ngày xưa, khi chưa có bất kỳ loại ký hiệu nào ghi âm tiếng nói, tổ tiên ta chỉ có thể truyền khẩu. Thế mà lạ thay, việc dạy chữ Nho đã được mở rộng, ở thời Nguyễn là đến tận làng, có thể suy ra tỷ lệ người biết chữ Hán của dân ta cao hơn Trung Quốc!


Chỉ bằng cách truyền miệng mà người Việt thời xưa đã tạo ra được một bộ từ Hán-Việt tương ứng với bộ chữ Hán khổng lồ — bộ chữ này trong Tự điển Khang Hy (1716) có hơn 47 nghìn chữ; Tiêu chuẩn Nhà nước Trung Quốc GB18030 (2005) có 70.217 chữ; Trung Hoa Tự hải có 85.568 chữ Hán.


Quá trình tiến hành Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán kéo dài trong hàng nghìn năm, là một thành tựu văn hóa vĩ đại. Có thể phỏng đoán đó là một quá trình mở, do nhiều thế hệ người Việt thực hiện, thể hiện sức sáng tạo bất tận của tổ tiên ta.


Nhật và Triều Tiên cũng mượn dùng chữ Hán, nhưng họ tự đến Trung Hoa nghiên cứu đem chữ Hán về dùng chứ không bị ép dùng từ sớm như ta. Họ cũng đọc chữ Hán theo âm bản ngữ của dân tộc mình — giải pháp do người Việt nghĩ ra và thực hiện trước họ nhiều thế kỷ.


Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Nguyễn Tài Cẩn nói: “Cách đọc Hán Việt là một tài sản của riêng dân tộc ta. Có dùng nó khi đọc Đạo đức kinh, Kinh Thi, Sở từ… thì mới phù hợp với thói quen dân tộc, tiện lợi cho dân tộc. Theo ý chúng tôi, dùng cách đọc Hán Việt ở những trường hợp này là một điều hết sức phù hợp với khoa học. Đọc theo lối Hán Việt thì dễ hiểu hơn, bởi lẽ ngay trong tiếng Việt đã có khá nhiều tiếng Hán Việt quen thuộc, chỉ đọc lên, nghe được, là hiểu được; đọc theo lối Hán Việt thì cũng thuận tai hơn… ”.[9]


Đúng thế. Thí dụ từ 社會, người Anh biết Hán ngữ đọc shưa huây, người Anh không biết Hán ngữ khi nghe âm đọc ấy sẽ chẳng hiểu gì; còn người Việt biết Hán ngữ đọc “xã hội”, người Việt không biết Hán ngữ nghe đọc sẽ hiểu ngay nghĩa của từ; âm “xã hội” thuận tai, dễ đọc dễ nhớ hơn âm shưa huây. Rõ ràng cách đọc Hán-Việt thật tiện lợi cho người Việt. Trong bài sau, chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề này.


Ngày nay mỗi chữ Hán trong tất cả các từ điển Hán-Việt đều phải ghi kèm từ Hán-Việt tương ứng. Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu có kèm Bảng tra chữ theo âm Hán-Việt, dùng tra chữ Hán rất tiện và nhanh hơn tra theo bộ thủ. Người có sáng kiến làm Bảng này là bà Nguyễn Thị Quy (1915-1992), em ruột Thiều Chửu, khi bà lần đầu xuất bản Tự điển nói trên tại Sài Gòn năm 1966.[10]


Như vậy, bằng cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt, tổ tiên ta đã thành công trong việc mượn chữ Hán để dùng làm chữ viết chính thức của dân tộc mình và gọi nó là chữ Nho. Sự vay mượn này chẳng những không làm cho tiếng Việt bị biến mất mà còn làm cho nó phong phú hơn rất nhiều, trở thành một ngôn ngữ cực kỳ linh hoạt, có thể tiếp nhận và Việt hóa hầu như toàn bộ từ ngữ mới xuất hiện trong tiến trình phát triển của loài người toàn cầu.


Chữ Nho khác chữ Hán ở phần ngữ âm: nó là chữ Hán được đọc bằng âm tiếng Việt chứ không đọc bằng âm tiếng Hán như chữ người Hán dùng. Nói cách khác, chữ Nho là chữ Hán đã được Việt Nam hóa phần ngữ âm; còn về tự dạng và nghĩa chữ thì cơ bản như chữ Hán của người Hán. Vì thế có người gọi chữ Nho chữ Hán-Việt.


Rõ ràng nó là chữ của người Việt Nam, đã Việt Nam hóa phần ngữ âm, không thể coi là chữ của người Hán. Chữ Nho là chữ viết chính thức của dân tộc ta trong hơn 2.000 năm, kể từ thời điểm muộn nhất là bắt đầu thời Bắc thuộc cho tới khi được thay thế bằng chữ Quốc ngữ cực kỳ ưu việt, được chính các nhà Nho tiên tiến tán thưởng và đi tiên phong ủng hộ sự phổ cập Quốc ngữ.


Cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt đã đáp ứng nhu cầu giao tiếp bằng bút đàm giữa quan lại cấp thấp người Việt với quan lại cấp cao người Hán, khiến cho bọn thống trị người Hán vẫn thực thi được quyền lực cai trị dân bản xứ. Hơn nữa, cách đó làm cho việc phổ cập chữ Hán trong người Việt trở nên dễ dàng, tức đáp ứng yêu cầu dạy chữ Hán của các vương triều người Hán. Vì vậy chúng không còn lý do cưỡng chế dân ta phải học nghe/nói tiếng Trung Quốc.


Cách đọc chữ Hán như trên đã có tác dụng không ngờ là làm cho người Hán dù có cai trị Việt Nam bao lâu thì cũng không thể tiêu diệt nổi tiếng Việt và Hán hóa được dân tộc ta. Có thể là khi bắt đầu sáng tạo cách đọc ấy, tổ tiên ta chưa nghĩ tới điều đó, nhưng rốt cuộc sáng tạo xuất sắc này đã giúp dân tộc ta tránh được nguy cơ bị người Hán đồng hóa. Đây là một thành công vĩ đại!


Đáng tiếc là hiện không thấy có thư tịch nào ghi chép ai nghĩ ra và thời điểm nào xuất hiện cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt. Có thể cho rằng sáng kiến đó ra đời khi chữ Hán bắt đầu vào nước ta, tức muộn nhất là khoảng thế kỷ 2 – 1 tr.CN.


Có ý kiến cho rằng cách đọc Hán-Việt bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng hai thế kỷ 8, 9.


Nếu hiểu ý kiến này theo nghĩa đến đời Đường mới xuất hiện cách đọc Hán-Việt thì e rằng khó có thể giải đáp câu hỏi: vậy thì trong thời gian khoảng ngót 1000 năm trước đó người Việt đọc chữ Hán bằng cách nào? Đến đời Đường, người Hán đã thống trị Việt Nam được hơn 9 thế kỷ, quá thừa thời gian để họ hoàn toàn đồng hóa người Việt bằng văn hóa, ngôn ngữ, khi ấy tiếng Việt đã bị biến mất, sao còn có thể xuất hiện cách đọc Hán-Việt?


Phải chăng nên hiểu ý kiến trên theo nghĩa: đến thời Đường, cách đọc Hán-Việt được hoàn thiện nhờ học tập Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng thế kỷ 8 – 9.


***


Có thể kết luận: dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.


Có những người Hán đã nhận ra bản lĩnh trí tuệ ấy của người Việt.


Năm 987, nhà Tống cử Lý Giác李覺 đi sứ sang Hoa Lư, Việt Nam, được hai vị Quốc sư Khuông Việt và Pháp Thuận đón tiếp, đàm phán các vấn đề quốc gia đại sự và họa thơ. Khi về nước, Lý Giác tặng vua Lê Đại Hành một bài thơ, trong có câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu 天外有天應遠照”, nghĩa là: “Ngoài trời này còn có trời khác, nên nhìn thấy”. Nói cách khác, thế giới này đâu phải chỉ có một mặt trời Trung Hoa mà còn có mặt trời Việt Nam!


Câu thơ cho thấy Lý Giác đã bước đầu nhận ra bản lĩnh trí tuệ của người Việt. Đúng thế, tổ tiên ta thật vô cùng tài giỏi, nếu không thì còn đâu giang sơn tươi đẹp này!


Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.


—————————


[1] Nói là “muộn nhất” vì còn có các quan điểm như: chữ Hán vào VN qua con đường giao thương hoặc truyền bá tôn giáo từ lâu trước khi nước ta bị Triệu Đà chiếm; VN đã có chữ viết từ đời Hùng Vương (Hoàng Hải Vân: Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động).


[2]宋代中越文学交流述 có câu 黎嵩 “越鑑通考總論” viết : 趙佗 “建立學校,導之經義。由此已降,四百余年,頗有似類” .


[3] Bài 汉字名称的来由 (http://blog.sina.com.cn) và một số bài khác có viết: Từ  Hán tự  漢字 xuất hiện sớm trong Bắc sử, quyển 9 [biên soạn xong năm 659]. 汉字一词早出自《北史》卷九本纪第九, “章宗一”:“十八年,封金源郡王.习本朝语言小字, 汉字经书,进士完颜匡、司经徐孝美等侍读”. Từ Hán tự xuất hiện nhiều trong sách Kim sử 金史 (năm 1345) đời Nguyên. Ở đời nhà Thanh (1644-1911), thời kỳ đầu do chữ viết chính thức của chính quyền không phải là chữ Hán mà là chữ Mãn (满文) nên phải dùng tên gọi chữ Hán 漢字 để chỉ loại văn tự truyền thống của người Hán, nhằm phân biệt với chữ Mãn.


[4] Có ý kiến nói do thời bấy giờ thứ chữ đó được dùng để dạy dân ta học Nho giáo 儒教 nên dân ta gọi nó là chữ Nho. Nhưng Nho với nghĩa “người có học” xuất hiện trước rất lâu, sau đó mới dùng chữ ấy vào từ Nho giáo để gọi học thuyết của Khổng Tử. Cùng lý do ấy, chữ Khổng có trước khi Khổng Tử ra đời.


[5] Khó có thể biết đó là âm tiếng địa phương nào ở TQ. Trong đó có những âm tiếng Quảng Đông, như nhất, nhì, shập, học chập khi đọc các chữ  一,二,十,學習 (âm Hán-Việt đọc nhất, nhị, thập, học tập).


[6] Thí dụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) 8 tuổi học chữ Nho, 13 tuổi văn hay chữ tốt, 24 tuổi đậu Giải Nguyên, 28 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ. Phan Bội Châu (1867-1940) 6 tuổi học ba ngày đã thuộc lòng 1440 chữ Nho trong Tam Tự Kinh. Trần Gia Minh tác giả sách Huyền thoại Kim thiếp Vũ Môn 5-6 tuổi đã học chữ Nho truyền khẩu từ người ông mù lòa.


[7] Do nhà Nho Đoàn Trung Còn sáng tác, là một bài vè dài, mỗi câu hai âm, đọc lên có vần điệu dễ nhớ.


[8] Năm 1867, G. Aubaret trong cuốn Grammaire annamite từng sai lầm nhận định: “Tiếng bình dân nói trong vương quốc An Nam là một phương ngữ của tiếng Trung Quốc” (trích dẫn theo Phạm Thị Kiều Ly trong “Ghi âm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ”, sách “Tiếng Việt 6”, Nxb Tri Thức, 2015).


[9] Nguyễn Tài Cẩn : Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt.
[10] Dẫn theo Lê Quốc Trinh, con trai bà Quy và là người trực tiếp tham gia làm Bảng tra này.
22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 901)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1351)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1264)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông