Biển Đông đang trở thành căn cứ quân sự ra sao?

14 Tháng Bảy 20198:03 CH(Xem: 8764)
VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG - THỨ HAI 15 JULY 2019

Biển Đông đang trở thành căn cứ quân sự ra sao?

13/07/2019

TTO - Theo Wall Street Journal ngày 9-4-2019, Trung Quốc năm nay còn thiết lập các hệ thống gây nhiễu thông tin liên lạc và rađa trên hai đá Vành Khăn và Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa.

image017
Những động thái quân sự hóa lâu dài các đảo chiếm trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh khu vực - Ảnh: The Economist

3 năm sau ngày Tòa trọng tài ra phán quyết xác định "không thực thể nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra những vùng biển mở rộng...", vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2019, Trung Quốc đã tập trận quy mô lớn ở phía bắc quần đảo Trường Sa và bắn thử tên lửa từ những thực thể nhân tạo họ bồi đắp trái phép.

Từ phía truyền thông Trung Quốc, xuất hiện những ý kiến cho rằng do Mỹ cùng một số nước phương Tây khác mà Trung Quốc buộc phải "bảo vệ chủ quyền"?!

Như mọi lần tập trận trước, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này bắt đầu tập trận trong một tuần, từ ngày 29-6 đến 3-7, tại khu vực rộng khoảng 22.000km2, cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 50 hải lý về phía bắc. Cục Hải sự Trung Quốc cảnh báo các tàu thuyền hoạt động gần đó không được vào khu vực tập trận.

Chủ động ra tay

Tất nhiên, những hoạt động quân sự như thế đều được các nước quan tâm theo dõi bằng nhiều cách. Từ Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rõ: "Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề này".

Từ phía truyền thông quốc tế, như nhiều lần trước, lần này, hãng tin Mỹ CNN tiếp tục đóng vai trò phổ biến thông tin, hình ảnh về các hoạt động của Trung Quốc.

Hôm 21-6, CNN công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 máy bay chiến đấu J-10 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. CNN trích phân tích của các chuyên gia cho thấy khả năng Trung Quốc sẽ duy trì các máy bay này tại đây lâu dài.

Hãng tin Mỹ dẫn lời Carl Shuster - cựu giám đốc tình báo liên quân của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ - nói hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay J-10 trong tư thế đậu toàn cảnh (chứ không lấp ló) để "chứng minh đó là lãnh thổ Trung Quốc và Trung Quốc có thể đặt máy bay quân sự ở đó bất cứ khi nào họ muốn", đồng thời nhằm gián tiếp khẳng định "Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi sức mạnh không quân trên Biển Đông theo yêu cầu hoặc tùy ý".

Cũng theo CNN, một nhóm tác chiến hải quân do tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc dẫn đầu cũng đang tuần tra Biển Đông.

Đây không phải lần đầu trong năm nay Trung Quốc phô diễn sức mạnh như vậy, với mục đích cụ thể là nhắm vào Đài Loan. Hôm 5-5, nhà chức trách tỉnh Chiết Giang thông báo cấm tàu thuyền hoạt động và đánh bắt cá ở khu vực đến tối 10-5, tuyên bố đây là một phần trong "kế hoạch tập trận thường xuyên hằng năm" của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc (PLA) và sẽ có "sử dụng vũ khí thực tế".

Cuộc tập trận quy mô đó cũng không phải lần đầu ở Biển Đông trong năm nay: hạ tuần tháng 2-2019, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong loan tin nhiều loại chiến hạm mới nhất của Trung Quốc thuộc hạm đội Nam Hải - gồm các tàu trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì và Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn - đã tham gia cuộc tập trận kéo dài hơn một tháng bắt đầu từ ngày 16-1.

Trong 34 ngày tập trận, các lực lượng phối hợp tiến hành 20 khoa mục tập trận bắn đạn thật khác nhau...

Giới quan sát quân sự cho rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc cho thấy PLA muốn thử nghiệm hệ thống điều khiển sẽ được sử dụng khi xảy ra chiến tranh, đồng thời "củng cố khả năng phòng vệ" bằng tên lửa trên Biển Đông.

Đáng lưu ý chi tiết các binh sĩ đóng quân tại nhiều đảo do Trung Quốc đang kiểm soát trái phép trên Biển Đông cũng đã tham gia hoạt động này và theo SCMP, PLA muốn điều động cố định lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam các tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa chống hạm YJ-12B.

Song Zhongping (Tống Trung Bình), một chuyên gia phân tích quân sự từng làm việc cho binh chủng tên lửa của PLA, nhận xét rằng các đợt tập trận mới nhất của Trung Quốc cho thấy PLA đang cố gắng hợp nhất hoạt động của các đơn vị quy ước và chiến thuật của lực lượng tên lửa với quân khu miền nam, vốn là chiến khu giám sát Biển Đông.

Mẫu số chung của hai cuộc tập trận là điều động các khí tài hạng nặng ra đặt cố định lâu dài trên những đảo bị bồi lấp và chiếm đóng trái phép. Để tiện hình dung nguy cơ của động thái này, có thể lấy thí dụ các máy bay J-10 triển khai trên đảo Phú Lâm. Ra đời từ năm 1998, đây không phải là một dòng máy bay chiến đấu đời mới.

Mạng Sina cho biết: "Từ khi ra đời, J-10 đã rất tham vọng và nhận được nhiều sự chú ý... Là máy bay chiến đấu nội địa thế hệ thứ ba, nhiệm vụ của nó là bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới... Là sự kế thừa của sự kế thừa, với MiG-29 và Su-27 là mục tiêu chính...".

Khoảng cách tối đa (tuyến đường được xác định trước mà một chiếc máy bay rời căn cứ, thực hiện nhiệm vụ rồi trở về mà không cần tiếp nhiên liệu) của J-10 là 1.250km. Khoảng cách "trung bình" từ đất liền ra quần đảo Hoàng Sa là 315km; cho thấy J-10 không lo đường về khi chiến đấu trên bầu trời khu vực quần đảo Hoàng Sa mà từ năm 2012, Trung Quốc đã ngang nhiên biến thành "thành phố Tam Sa".

Không dừng ở đó, theo Wall Street Journal ngày 9-4-2019, Trung Quốc năm nay còn thiết lập các hệ thống gây nhiễu thông tin liên lạc và rađa trên hai đá Vành Khăn và Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa.

Vì bực Mỹ hay để hiếp người?

Với chừng đó động thái, sự thật hiển nhiên là Trung Quốc đã thiết lập xong một chu vi A2/AD ("anti-access/area denail", tức "chống tiếp cận, chống xâm nhập") bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Song song, Mỹ đã tăng cường tần suất các chuyến FONOP ("freedom-of-navigation operation", tức "chiến dịch tự do hàng hải") trong phạm vi 12 hải lý một số đảo ở Hoàng Sa, từ rải rác sang hầu như hằng tháng trong năm 2019 này.

Trước tình hình đó, nhất thiết phải đặt ra những câu hỏi chính xác.

Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là Trung Quốc quân sự hóa lâu dài các đảo và thực thể nhân tạo trên Biển Đông do "bực" Mỹ "khiêu khích" bằng các chuyến FONOP, hay Mỹ tăng cường FONOP là do Trung Quốc quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng đến ngưỡng đe dọa? Để sống còn trong chính khu vực đầy "o ép" này, cần nhìn chính xác để thấy điều gì là nhân, điều gì là quả?

Nếu không nhìn và thấy, sẽ dễ nhắm mắt nhất trí một cách vô thức với tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở Đối thoại Shangri-la vừa rồi, rằng Trung Quốc có quyền lắp đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo để đối phó với các mối đe dọa ở Biển Đông.

"Ăn cây nào, rào cây đó", viên tướng họ Ngụy có quyền phát biểu bảo vệ đất nước của ông: "Tôi nghĩ rằng sự phát triển của quân đội Trung Quốc sát với tâm tư của nhiều người và điều họ quan tâm nhất là liệu Trung Quốc có muốn tìm kiếm quyền bá chủ bằng cách phát triển quân đội hay không. Tôi muốn làm cho rõ và tôi muốn mời quý vị suy nghĩ: Trung Quốc đã xâm chiếm ai chưa?

Kể từ khi thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chúng tôi chưa bao giờ chủ động đưa quân ra giao chiến với nước khác. Những cuộc chiến tranh buộc chúng tôi phải chiến đấu là để bảo vệ chủ quyền của chúng tôi, và chúng tôi chưa bao giờ lấy một tấc đất nào của nước khác. Câu hỏi thứ hai là: ai bị Trung Quốc đe dọa?

Trung Quốc là một quốc gia lớn, nhưng chúng tôi không bắt nạt các nước nhỏ hoặc yếu hơn bằng quy mô hoặc sức mạnh của chúng tôi. Trung Quốc là quốc gia duy nhất cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Chúng tôi kiên trì khẳng định rằng các vấn đề không nên được giải quyết thông qua sử dụng hoặc đe dọa vũ lực.

Những gì chúng tôi có được ngày hôm nay, chúng tôi đâu có đạt được bằng bành trướng quân sự hay thực dân. Ai là kẻ sử dụng các cách đó để có được ngày hôm nay?".

Phát biểu đó có thể "nghe được" với các đồng hương của ông, cũng như với những ai quá lo sợ về một cuộc đụng độ không kiềm chế Trung - Mỹ ở Biển Đông. Nhưng cách suy nghĩ bàng quan như thế, cứ như đây chỉ là chuyện giữa "trâu bò", nên "ruồi muỗi" khôn hồn thì "tránh xa" kẻo "chết", không khỏi khiến người ta nhớ lại lối suy nghĩ cách đây 5 năm: "tại ông Obama bày đặt 'xoay trục', nên Bắc Kinh mới…".

Vậy sai lầm của cách nghĩ này là ở đâu? Cần thấy, có sự khác biệt giữa "tránh xa", không "kéo bè, hiệp đảng" với bàng quan, quên mất rằng tất cả những tên lửa, máy bay, hệ thống gây nhiễu rađa, quân đội đồn trú... ở Biển Đông đều là mối đe dọa trực tiếp với chính các nước "nhỏ hoặc yếu hơn", vốn đang bị hiếp đáp bằng đủ cách, từ ra tối hậu thư buộc các công ty dầu khí kéo giàn khoan "đi chỗ khác chơi" đến bao vây, húc cho chìm tàu và bỏ mặc ngư dân nước khác...

3 năm sau phán quyết

Ngày 7-6 vừa qua, kỷ niệm 3 năm ngày Tòa trọng tài The Hague ban hành phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, hội thảo quốc tế "Tranh chấp Biển Đông diễn tiến ra sao sau phán quyết của Tòa trọng tài La Haye?" đã diễn ra tại Câu lạc bộ báo chí Thụy Sĩ ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ.

Luật sư Pierre Schifferli (Thụy Sĩ) khai mạc hội thảo bằng phát biểu: "Trong kỷ nguyên hiện đại, Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi lớn nhất của các quy tắc được thiết kế để thúc đẩy an ninh và mở cửa kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang sử dụng thanh thế ngày càng tăng của mình để loại bỏ hoặc thay đổi các quy tắc này tùy ý mình, tìm cách tiếp cận các vấn đề về biển theo kiểu 'sức mạnh chính là lẽ phải'".

Những hội thảo như thế là câu trả lời cho những suy nghĩ cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài là "tờ giấy lộn" bởi thiếu cơ chế thi hành án. Cho dù ai đó muốn hay không muốn, Tòa trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) cũng đã phán quyết ngày 12-7-2016 có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan là thành viên công ước, và là một tiền lệ có lợi không chỉ cho Philippines, mà còn cho cộng đồng khu vực và quốc tế.

Vấn đề đặt ra là làm sao để phán quyết có ý nghĩa thượng tôn pháp luật, góp phần duy trì, phát huy hiệu lực của UNCLOS, trước hết là bằng việc không tự bôi xóa các phán quyết hay tự đồng hóa với cách giải thích và yêu sách của Trung Quốc.


TTO - Nếu Mỹ thực sự muốn xua đuổi Trung Quốc, điều mà tôi không thể làm được, tôi sẽ nhờ họ giúp đỡ. Tôi muốn toàn bộ Hạm đội 7 của các lực lượng vũ trang Liên bang Mỹ có mặt tại đó (Biển Đông). DANH ĐỨC


16 Tháng Tư 2015(Xem: 14812)
Kỳ 1: "Nếu quí vị nhìn vào những nước khác đang chiếm cứ những hòn đảo ở Nam Hải, quí vị sẽ thấy Trung Quốc là nước duy nhất không có sân bay. Khi Philippines và Malaysia xây sân bay thì chẳng có ai nói gì. Thế mà giờ đây Trung Quốc đang tìm cách để bắt kịp thì các nước láng giềng lại tỏ ý chống đối.""Ngoài Philippines và Malaysia, Việt Nam và Đài Loan cũng có bãi đáp máy bay trên những hòn đảo ở Trường sa."
14 Tháng Tư 2015(Xem: 16820)
Địa đạo phòng thủ trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam đóng giữ. Ảnh LKT
09 Tháng Tư 2015(Xem: 15447)
Khoảng cách bãi đá Vành Khăn, bãi Cỏ Rong, bãi Cỏ Mây (thuộc biển Tây Philippines) cách bờ biển Phi khoảng hơn 100 miles. Vành Khăn nối liền Chữ Thập được bảo vệ tuyến giữa là hải điểm đảo Gạc Ma (TQ chiếm từ năm 1988), vừa là hậu cần, vừa là đầu mối hiệp đồng tác chiến với các hải điểm đảo khác, trực tiếp uy hiếp căn cứ Subic (tàu ngầm nguyên tử Mỹ thường tu bổ, tiếp tế ở đây),thủ đô Manila nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm trung.
30 Tháng Ba 2015(Xem: 17886)
Mỗi lần ngồi lại viết về Biển Đông là một lần trầm lự trước Biển Đông, vì tôi vẫn mãi thao thức với câu hỏi: Tại sao sở hữu Biển Đông là giấc mộng của Hán Tộc, là thiên chức của các nhà lãnh đạo Trung Hoa bất kể Quân Chủ, Phong Kiến, Quốc Gia hay Cộng sản?
29 Tháng Ba 2015(Xem: 14647)
"Nhà lãnh đạo của Campuchia đã công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thể được giải quyết thông qua Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Tư phát biểu rằng những nước có ảnh hưởng trực tiếp nên giải quyết vấn đề này với nhau".
24 Tháng Ba 2015(Xem: 14253)
"Lời đả kích trên đây được đưa ra sau khi Phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, đã kêu gọi các nước Đông Nam Á ASEAN, thành lập một lực lượng hải quân hỗn hợp để tiến hành những cuộc tuần tra chung trên Biển Đông đang bị Trung Quốc đòi gần như toàn bộ chủ quyền"."Giọng điệu gay gắt của Bắc Kinh cũng nhắm vào lời kêu gọi của 4 nghị sĩ rất có thế lực tại Thượng viện Mỹ, muốn chính quyền Obama đề ra một chiến lược toàn diện..." "Hồng Lỗi yêu cầu Hoa Kỳ “sẽ nghiêm túc tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ”.
19 Tháng Ba 2015(Xem: 14544)
Theo tác giả Harry J. Kazianis thì nhân vật có thể khiến cho biển Đông sôi sùng sục không ai khác ngoài Tổng thống Nga Vladimir Putin; Tình hình Ukraine rất có thể là chất xúc tác đẩy Trung Quốc lên vị thế thống trị ở vùng biển này nhờ vào vũ khí và công nghệ Nga, nếu như phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine... Được hầu hết các chuyên gia quân sự phương Tây gọi là A2/AD (Vùng không được tiếp cận - "Anti-Access, Area Denial"), Trung Quốc đang dần tạo ra những điều kiện khiến cho các lực lượng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các đồng minh khác bị tổn thất nặng một khi xảy ra xung đột ở các chuỗi đảo... một quốc gia có khả năng làm tổn hại thực sự tới các nỗ lực "xoay trục" của Mỹ ở khu vực biển Đông... "
17 Tháng Ba 2015(Xem: 21480)
Chiến lược "3 bước lấn tới" của Trung Quốc là xông vào vùng chủ quyền lãnh hải của nước láng giềng, nước tiếp cận, gây tranh chấp, rồi đàm phán song phương "gác lại tranh chấp, cùng khai thác", cuối cùng là độc chiếm luôn.
15 Tháng Ba 2015(Xem: 16211)
Từ chỗ tự vẽ ra “Đường lưỡi bò”, rồi liên tiếp gây ra tranh chấp các vùng biển có mỏ dầu của các nước láng giềng trên biển Đông, lấy cớ đó kêu gọi các nước “Gác tranh chấp cùng khai thác” trong chiến thuật “Ba bước lấn tới”, mới đây Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng: “Biển Đông là sân nhà của Trung Quốc”.
05 Tháng Ba 2015(Xem: 16372)
Trong một lời nhắn gởi trực tiếp đến Ấn Độ, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ xác định rằng Biển Đông là vùng biển quốc tế chứ không phải là lãnh hải của riêng nước nào : « Ấn Độ được quyền hoạt động tự do ở bất cứ nơi nào mà mình muốn. Nếu nơi đó là Biển Đông thì cứ việc đến hoạt động ở đó.
01 Tháng Ba 2015(Xem: 19136)
Bãi Cỏ Rong, một vùng được cho là có tiềm năng dầu khí khả quan, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ở phía tây đảo Palawan. Từ năm 2010, chính quyền Manila đã trao quyền thăm dò vùng Bãi Cỏ Rong cho Forum Energy PLC, một tập đoàn Anh-Philippines, và vào giữa năm ngoái đã gia hạn quyền này cho đến giữa tháng Tám 2016. Vấn đề được đặt ra trong thời gian gần đây, là chính Forum Energy đã mở thương thuyết với tập đoàn dầu khí Nhà nước Trung Quốc CNOOC về khả năng đồng khai thác khu vực.
26 Tháng Hai 2015(Xem: 15876)
Mạnh ai nấy chiếm! Hồn ai nấy giữ!: "Song song với tầm ảnh hưởng chuỗi đảo bờ tây Thái Bình Dương,Trung Quốc gia tốc chiếm đóng, cải tạo các bãi đá Trường Sa thành căn cứ hậu cần, hỏa điểm"
23 Tháng Hai 2015(Xem: 15838)
Biển Đông sẽ không nổ ra chiến tranh do không nước nào muốn chiến tranh kể cả Mỹ trong lúc này. Lý do: con đường hải lưu quốc tế vẫn đang êm đềm, tài nguyên vẫn còn tiềm ẩn, vị trí chiến lược Đông Nam Á chưa ngã ngũ, chính sách "xoay trục về Châu Á"của Mỹ mới bắt đầu và quan trọng nhất, Trung Quốc, cường quốc số 1 ở Châu Á đang trong giai đoạn hiện đại hóa hải không quân, ít ra phải vài năm nữa để họ có đủ sức mạnh xác quyết đường chín vạch bao trùm biển nam Trung Hoa và biển Đông; nhưng trước mắt, vì "Biển Đông và Lợi ích địa An ninh - Chính trị - Kinh tế của Trung Quốc", họ phải ra tay ... cướp, chớp thời cơ.
18 Tháng Hai 2015(Xem: 30914)
Mây, nước, trời, bình minh trên đảo Trường Sa Lớn nhìn từ ngoài khơi biển Đông - Từ HQ-571 Trường Sa cập bến đảo Trường Sa Lớn nhìn thấy ngay "Ủy ban Hành chánh" Trường Sa Lớn. - Dân chúng sống trên đảo trường Sa Lớn ra đón chào khách đến thăm - Trẻ em sanh đẻ trên đảo Trường Sa Lớn thật ngoan. - Chỉ có trên quần đảo Trường Sa mới có loài cây Phong ba Bão táp.
17 Tháng Hai 2015(Xem: 15873)
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, một trong những nội dung công việc mà cơ quan này sẽ thực hiện trong năm 2015 là đề án tổng thể về đầu tư kết cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc mở đường bay hàng không dân sự ra quần đảo Trường Sa.