Mỹ sẽ "đôn" Ấn Độ lên một vị thế mới ở châu Á - Thái Bình Dương?

29 Tháng Mười 20177:38 CH(Xem: 9586)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG/HOA ĐÔNG  - THỨ  HAI  30  OCT  2017 


Mỹ sẽ "đôn" Ấn Độ lên một vị thế mới ở châu Á - Thái Bình Dương?


PHẠM DOÃN TÌNH


29/10/17


(GDVN) - Tầm nhìn mới của Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương, trong đó việc thúc đẩy Ấn Độ tiến gần hơn với Đông Á có thể đưa đến một sự cân bằng quyền lực với Trung Quốc.


Tờ South China Morning Post hôm 28/10 đưa tin, ông Dennis Wilder, một cựu quan chức CIA, hiện đang là chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown đã tiết lộ rằng:


Khi Tổng thống Donald Trump thăm châu Á vào tháng 11 tới, Mỹ sẽ công bố chính sách mới đối với khu vực này.


Chính sách mới bao gồm cả mục tiêu đưa Ấn Độ tham gia sâu vào khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - một động thái được coi là nhằm cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực này.


“Chính quyền Donald Trump muốn kéo Ấn Độ - một quốc gia Nam Á gắn bó chặt chẽ hơn vào khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, và khái niệm về ‘một khu vực Đông - Dương [Đông Á - Thái Bình Dương] tự do và mở cửa’ sẽ là khẩu hiệu mới cho chính sách của Mỹ ở châu Á”, ông Wilder cho biết.


Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp các máy bay chiến đấu tiên tiến cho Ấn Độ và một mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Washington và New Delhi nhiều khả năng sẽ được thiết lập.


image035

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: CNN)


Ông Wilder cho biết thêm, ý tưởng này xuất phát từ cả phía Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đến nay đã được một thời gian.


Ý tưởng được tiết lộ lần đầu vào cuối tháng 9 khi Nhà Trắng tuyên bố về chuyến thăm châu Á của ông Trump sẽ diễn ra vào tháng 11.


Chính quyền Donald Trump tin rằng, chính sách đó có giá trị chiến lược cả về an ninh và kinh tế đối với Mỹ.


“Ông Trump sẽ thảo luận tầm quan trọng của một khu vực tự do và mở cửa ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ”, ông Wilder nói.


Ông Wilder còn lưu ý rằng, chính sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự, cùng tham vọng về một chiến lược Vành đai Con đường đã thúc đẩy Mỹ phải tăng cường đối tác ở khu vực này.


“Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đưa ra một số phản ứng đối với kế hoạch cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc.


Và rõ ràng rằng t rong một số trường hợp, Mỹ buộc phải tham gia vào cuộc chơi”, ông Wilder nói.


Hồi tuần trước, trong một bài phát biểu về quan hệ Mỹ - Ấn Độ tại Trung tâm An ninh và Nghiên cứu quốc tế ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhấn mạnh rằng:


Trung Quốc đã làm cho những bất đồng với Ấn Độ ngày càng sâu sắc thêm, và Mỹ cần phải có những hành động nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực.


“Chúng ta cần phải hợp tác với Ấn Độ để đảm bảo rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng trở thành một nơi hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng - để nó không trở thành một khu vực rối loạn, mâu thuẫn và xung đột”, ông Tillerson nói.


image034

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực biên giới Doklam (Ảnh: Reuters)


Ông Tillerson nhấn mạnh: “Sự hợp tác chiến lược giữa New Delhi và Washington đang nổi lên, và sẽ đứng trên một cam kết chung nhằm duy trì các quy định của pháp luật, tự do hàng hải, các giá trị phổ quát và thương mại tự do”. [1]


Cũng trong bài phát biểu này, ông Tillerson còn nói rằng:


Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên đã làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, ngay cả khi các nước như Ấn Độ hoạt động trong khuôn khổ luật pháp để bảo vệ chủ quyền của họ.


Ở động thái tương tự, hôm 25/10, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jawaharlal Nehru Bhawan nhân chuyến thăm nước này, ông Tillerson đã nói rằng:


“Chúng tôi ủng hộ sự trỗi dậy có trách nhiệm của Ấn Độ và muốn tìm ra các cách thức mới để làm đối tác với New Delhi cũng như các nước khác có cùng tư tưởng.


Hoa Kỳ sẵn sàng và có thể cung cấp cho New Delhi công nghệ tiên tiến để thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Ấn Độ”.


Hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ đã sẵn sàng để ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với các nước Nam Á.


Theo đó, Công ty chuyên sản xuất máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ Lockheed Martin cho biết hồi tháng 6 rằng:


Họ đã sẵn sàng chế tạo các loại máy bay cường kích F-16 và F-18 cho Ấn Độ, nếu chính phủ Ấn Độ ký kết hợp đồng với Mỹ để cung cấp máy bay chiến đấu cho không quân nước này. [2]


Các chuyên gia nhận định, Tổng thống Donald Trump sẽ trình bày tầm nhìn mới của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bài phát biểu của ông, dự kiến ​​sẽ diễn ra vào ngày 10/11 tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dành cho 21 nền kinh tế thành viên.


Hiện Ấn Độ cũng đã gửi yêu cầu được tham gia APEC và đã nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore và Papua New Guinea.


Tầm nhìn mới của chính quyền Donald Trump về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có việc thúc đẩy Ấn Độ tiến gần hơn với Đông Á có thể đưa đến một sự cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực.


Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm Mỹ cũng đã nói rằng:


“Chúng tôi muốn Ấn Độ tham gia tích cực và xây dựng, để mang lại một sự cân bằng hơn [về quyền lực] cho bức tranh toàn cảnh [trong khu vực]”. [3]


Những ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với lời kêu gọi mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khi thể hiện mong muốn được tham gia hợp tác nhiều hơn với các nước Đông Á, một điều được coi là “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ.


image036
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa Xã

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lo ngại rằng:


“Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ có thể gây ra nhiều căng thẳng hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.


Đồng thời, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng giận dữ với kế hoạch “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ.


Hồi tháng 8, Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra căng thẳng dọc theo đường biên giới không xác định tại Doklam, mà Trung Quốc gọi là Donglang, khiến hai bên phải triển khai một lực lượng lớn quân đội tại đây.


Chưa biết kết quả chuyến thăm châu Á của ông Trump và ý tưởng về một “Ấn Độ - Thái Bình Dương” ra sao, cũng như “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ sẽ được thực hiện như thế nào.


Thế nhưng ngay từ lúc này đã có thể nhận thấy Trung Quốc sẽ không ngồi yên.


Bởi động thái này của Mỹ và Ấn Độ có thể khiến Bắc Kinh coi là một chiến lược để kiềm chế Trung Quốc.


Do đó, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông Trump đặt chân đến Bắc Kinh có ý nghĩa rất quan trọng.


Khi đó, ông Trump cần phải trấn an được ông Tập rằng, những ý tưởng của Hoa Kỳ về một “Ấn Độ - Thái Bình Dương” cũng như “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ không ảnh hưởng gì đến lợi ích cũng như chiến lược địa chính trị của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Nếu không, những bất đồng, căng thẳng sẽ lại nảy sinh trong mối quan hệ Trung - Mỹ và Trung - Ấn, cũng như một số nước khác trong khu vực có cùng ý tưởng với Mỹ.


Tài liệu tham khảo:


[1] South china morning post/ US to help India balance China’s power under Donald Trump’s new Asia strategy, ex-CIA official reveals.


[2] Defence News India/ India, US decide to step up defence interoperability.


[3] Channel news Asia/ US stance towards Asia will determine not just prosperity, but war and peace: PM Lee.


PHẠM DOÃN TÌNH