"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ SÁU 17 FEB 2017
Chính sách Biển Đông của tân chính quyền Mỹ đang ở bước đầu
13/ 2/2017
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại bộ Quốc Phòng nhân lễ nhậm chức của bộ trưởng James Mattis (P), ngày 27/01/2017.MANDEL NGAN / AFP
Từ ngày 8/11/2016 tức là lúc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, những ai quan tâm đến Biển Đông đều chú ý đến nhất cử nhất động của tân chủ nhân Nhà Trắng và những nhân vật trọng yếu trong ê kíp sắp cầm quyền tại Washington để xem chính sách Biển Đông của chính quyền mới tại Hoa Kỳ sẽ ra sao.
Ba tháng đã trôi qua, nhưng thực tế cho thấy là nếu « chính sách Trung Quốc » đã tương đối có da có thịt, thì đối sách Biển Đông của chính quyền Trump vẫn chưa định hình rõ nét, về căn bản vẫn tạm đi theo hướng mà cựu tổng thống Obama đã vạch ra. Đây cũng là ý kiến của giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) khi trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI.
Ghi nhận đầu tiên là cho đến lúc này, bản thân tổng thống Donald Trump có dấu hiệu chưa quan tâm lắm đến vấn đề Biển Đông. Dĩ nhiên, dư luận đã từng chú ý đến lời chỉ trích nặng nề của ông đối với các hành vi của Trung Quốc « xây pháo đài » giữa Biển Đông, nhưng nhìn chung, đây không phải là điều mà tân lãnh đạo Mỹ quan tâm. Trong buổi họp báo chung với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10/02/2017 tại Washington chẳng hạn, khi được một nhà báo Nhật Bản của tờ Sankei Shinbum hỏi thẳng về phản ứng của ông đối với « lập trường cứng rắn của Trung Quốc » tại Biển Đông sẽ như thế nào, ông Trump đã trả lời vòng vo mà quên hẳn câu hỏi. Trong cả cuộc họp báo, chỉ có thủ tướng Abe là nói đến Biển Đông mà thôi.
Tổng thống Trump không quan tâm, còn hai nhân vật trụ cột là tân ngoại trưởng Rex Tillerson và tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis thì sao ? Cả hai đều đã có những tuyên bố khá khúc triết về Biển Đông, ông Tillerson nhân buổi điều trần tại Thượng Viện Mỹ ngày 11/01 và ông James Mattis trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản tại Tokyo ngày 04/02 vừa qua.
Vấn đề là nội dung hai phát biểu lại có vẻ mâu thuẫn với nhau trong cách đối phó với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Tillerson thì cứng, trong lúc ông Mattis lại rất mềm mỏng.
Nội dung tuyên bố của ông Tillerson có thể tóm tắt như sau : Không thể để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, vì làm như vậy, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị tác hại. Do vậy, Mỹ cần phải, một là buộc Trung Quốc dừng quân sự hóa Biển Đông, dừng các hoạt động xây dựng trên đảo nhân tạo; hai là chặn đường không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo.
Thế nhưng, gần một tháng sau, trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ lại khẳng định tình hình chưa đến nỗi buộc Mỹ phải « tiến hành các hoạt động quân sự lớn », mà chỉ cần có những nỗ lực ngoại giao, đối thoại để giải quyết vấn đề.
Nội dung tuyên bố trên đây đã khiến một số quan sát viên cho rằng giữa hai bộ của Mỹ đang xẩy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược về chính sách Biển Đông.
Tuy nhiên trong một bài phân tích ngày 06/02, nhà báo Ankit Panda của tờ The Diplomat đã cho rằng phát biểu của ông Mattis về nhu cầu thúc đẩy ngoại giao chỉ nhằm giải tỏa một số hiểu lầm đến từ lời lẽ quá đanh thép của ông Tillerson, chứ chính sách Biển Đông của Mỹ về căn bản vẫn cứng rắn đối với các hành vi chiếm hữu phi pháp và bức hiếp các láng giềng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
The Diplomat đã nêu bật một số tuyên bố của ông Mattis tại Tokyo, chẳng hạn như khi ông cho rằng « Trung Quốc đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực, và dường như đang tìm cách áp đặt quyền phủ quyết (của Trung Quốc) trên các vấn đề về ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng. »
Đối với tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, các nước không có quyền giải quyết tranh chấp bằng cách sử dụng « phương tiện quân sự và chiếm đóng các khu vực là đang là đối tượng tranh chấp ».
Dựa trên các tuyên bố của ông James Mattis, được cho là « một sự trình bày mạch lạc chính thức cấp cao đầu tiên » của những ưu tiên về Biển Đông mà tân chính quyền Hoa Kỳ theo đuổi, The Diplomat đã xem đấy là « một tin tốt đẹp cho các quốc gia trong khu vực - và không mấy tốt cho Trung Quốc ». Tốt đẹp là vì chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông trước mắt dường như không thay đổi so với thời Obama.
Tuy nhiên, The Diplomat cũng rất thận trọng, cho rằng những gì tướng Mattis nêu lên chỉ là những ý kiến đưa ra trong một cuộc họp báo. Ngoài ra, chính sách ngoại giao của nước Mỹ cũng không phải là do bộ Quốc Phòng ấn định.
Để hiểu rõ thêm về chính sách châu Á của tân chính quyền Mỹ, đặc biệt là về Biển Đông và Việt Nam, RFI đã phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ). Đối với giáo sư Long, chính sách riêng của chính quyền Donald Trump thực ra chưa định hình, trước mắt chỉ mới có vế Trung Quốc là tương đối có phối hợp. Trả lời câu hỏi của RFI về khác biệt trong tuyên bố hòa dịu gần đây của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ so với phát biểu cứng rắn trước đó của đồng nhiệm ở bộ Ngoại Giao, giáo sư Long cho rằng đó chỉ nhằm mục đích trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á.
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ trong chuyến đi Nhật và Hàn Quốc vừa qua bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis có sứ mạng là trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực bằng cách công bố rằng Mỹ muốn tận dụng ngoại giao để giải quyết các vấn đề nổi cộm trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nhưng ông ta cũng tuyên bố tiếp rằng các hoạt động quân sự là để tiếp sức cho các nhà ngoại giao; và trong hiện tại ông chưa thấy cần thiết có những “động thái quân sự ấn tượng nào cả” (any need for dramatic military moves at all.)
Còn ông Rex Tillerson, khi điều trần trước Quốc Hội Mỹ nói cứng là Mỹ nên bủa vây các đảo mà Trung Quốc đã xây đắp để Trung Quốc khỏi đưa quân lính và vũ khí lên đó, một phần là vì ông ấy muốn được Quốc Hội thông qua việc ông ấy được đề cử làm ngoại trưởng. Nay, được chính thức làm ngoại trưởng rồi thì ông ấy có vẻ cũng mềm dẻo hơn.
Theo các báo lớn của Mỹ, như tờ Washington Post và tờ New York Times, thì ngoại trưởng Tillerson có đóng góp quan trọng trong lá thư của tổng thống Trump cho Tập Cận Bình mà ngày 08/02, chính Cố Vấn An Ninh Michael Flynn đã tận tay đưa cho đại sứ Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn. Thư đó có nói rằng Trump muốn làm việc cùng với Tập Cận Bình để “phát triển một quan hệ xây dựng cho lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc.”
Sau đó, chiều ngày 09/02 (giờ Hoa Thịnh Đốn), Trump và Tập có cuộc trao đổi bằng điện thoại mà Nhà Trắng tuyên bố là vừa rất lâu và vừa “cực kỳ thân mật” (extremely cordial). Một số nội dung cuộc nói chuyện điện thoại này đã được các báo chí tường thuật với nhiều chi tiết cho nên tôi không lập lại ở đây làm gì.
Tôi chỉ muốn lưu ý ở đây là sau một thời gian lập cập thì hiện nay chính sách Mỹ đối với Trung Quốc đang có vẻ được phối hợp giữa bộ trưởng Quốc Phòng, bộ trưởng Ngoại Giao, và một số nhân vật trong Nhà Trắng.
RFI :Dựa theo những gì ta được biết về các nhân vật trong chính quyền Trump, có thể thấy là chính sách Biển Đông của Washington sẽ như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Mặc dầu hiện nay đang có cố gắng phối hợp chính sách đối với Trung Quốc, nói riêng, và đối với Á châu, nói chung, tôi nghĩ thật ra chưa có đồng thuận. Ngay trong Nhà Trắng còn có tranh giành ảnh hưởng của các cố vấn đối với Trump và còn có những khác biệt quan trọng giữa những nhân vật chủ chốt như là Michael Flynn, Stephen K. Bannon và Jared Kushner, con rể của Trump và được Trump nghe lời nhất.
Chính sách Biển Đông chỉ là một khía cạnh của chính sách lớn của Mỹ đối với Á châu cho nên khi nào thấy có một sự đồng thuận giữa các cố vấn của Trump với ít ra hai bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng thì người ta mới rõ chính sách Biển Đông của Mỹ như thế nào.
Trong khi đó thì có một số tin tức cho rằng người đứng đầu chính sách về Trung Quốc của Trump là Kushner, con rể của ông. Do đó, tôi nghĩ sẽ có sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao, để cộng tác với Kushner hay là để đối phó khi cần.
RFI : Trung Quốc sẽ lợi dụng thời cơ hiện nay như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc đang dùng những đòn bẩy kinh tế, trong đó có các quan hệ làm ăn với chính con gái của Trump và gia đình con rể của Trump. Đây là cách các nhà làm chính sách Trung Quốc đã “nhảy cóc” qua rất nhiều rào cản để đến tận tai của Trump.
Trump là một “tay buôn” nên có thể hiểu những vấn đề lợi ích kinh tế rõ hơn là những vấn đề an ninh tầm cỡ quốc tế mà ông ta rất mơ hồ. Những cuộc gặp gỡ của Trump với các tỷ phú đô la Trung Quốc và những phát biểu về “an ninh” của Trump gần đây đã một phần nào cho thấy nhận định trên có thể là đúng.
RFI :Và quan hệ đối với Việt Nam có thể ra sao ? Sẽ khác với thời Obama như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ quan hệ đối với Việt Nam sẽ không khác thời tổng thống Obama là mấy. Mỹ đã bỏ ra mấy thập kỷ để xây dựng quan hệ với Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó có lý do an ninh cho khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục cộng tác với Việt Nam trên vấn đề an ninh, và lẽ dĩ nhiên là trong đó Biển Đông là vấn đề mấu chốt.
Có khác chăng thì nỗ lực của thời Obama để củng cố và xây dựng các hệ thống an ninh đa phương đã bị Trump làm suy yếu, trong đó có việc Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
RFI : Đâu là những điểm Việt Nam cần chú ý để có thể vận động Chính quyền Mỹ ?
Ngô Vĩnh Long : Hiện tại thì Việt Nam không cần có chú ý đặc biệt để vận động chính quyền Mỹ. Việt Nam nên cố gắng vận động các nước trong khu vực qua việc thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương như ASEAN. Cần thiết nhất là vận động sự ủng hộ của dân chúng trong nước./