Mạng lưới hỏa lực của TQ và "con chốt quốc tế" Scarborough

18 Tháng Chín 20165:38 CH(Xem: 11425)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI 19 SEP 2016


Mạng lưới hỏa lực của TQ và "con chốt quốc tế" Scarborough


image021

Hải đồ minh họa của VĂN HÓA MAP


Hậu Chấn PCA


“Tam giác chiến lược” cho phép Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông


image023

Bãi Scarborough với những chiếc tàu chung quanh. Ảnh chụp vệ tinh ngày 12/03/2016. Theo quân đội Mỹ, Trung Quốc đang 'hoạt động' tại đây..Reuters


Bắc Kinh dường như đang âm thầm biến bãi cạn Scarborough, đánh chiếm từ Philippines năm 2012, thành một cơ sở quân sự. Một khi hoàn thành, bãi cạn này cùng với các cơ sở quân sự đã có tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tạo thành một “Tam giác chiến lược, cho phép Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông”. Trên đây là nhận định của các chuyên gia được báo mạng Quartz, số ra ngày 11/09/2016 phản ảnh lại.


Trong số tất cả các điểm nóng tiềm tàng ở Biển Đông, thì không một nơi nào đang được theo dõi một cách căng thẳng hơn là bãi cạn Scarborough, một đảo san hô rộng lớn với các bãi đá vây quanh. Bãi cạn này rộng 150 cây số vuông và cách bờ biển Philippines không đầy 241 km. Giới quan sát lâu nay nghi ngờ Trung Quốc muốn biến nơi đây thành một đảo quân sự. Vào tuần trước, bộ Quốc Phòng Philippines đã công bố các bức ảnh cho thấy các tàu của Trung Quốc đậu trong khu vực và có thể tiến hành hoạt động cải tạo, quân sự hóa bãi cạn này.


Bắc Kinh âm thầm cải tạo bãi cạn Scarborough


Biển Đông là một thùng thuốc nổ địa chính trị, giàu tài nguyên thiên nhiên và có giá trị chiến lược. Trung Quốc dường như muốn kiểm soát Biển Đông và bãi cạn Scarborough có thể là yếu tố cuối cùng cho phép thực hiện ý đồ này. Ở những nơi khác trong vùng Biển Đông, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây các đảo nhân tạo, trên đó có các phi đạo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu quân sự, các thiết bị theo dõi, các cảng nước sâu, tất cả các hoạt động đó nhằm hỗ trợ cho đòi hỏi về lãnh thổ đối với gần như toàn bộ tuyến đường biển này. Hồi tháng 7/2016, một tòa án quốc tế đã bác bỏ cơ sở pháp lý của những đòi hỏi này, nhưng Bắc Kinh tuyên bố không thừa nhận phán quyết đó.


Trước tiên, Trung Quốc cần biến bãi cạn Scarborough thành một một đảo nhân tạo, giống như họ đã làm ở nhiều nơi trong vùng quần đảo Trường Sa, trong những năm gần đây. Công việc này gây ra nhiều tổn hại cho môi trường và đòi hỏi phải có thiết bị nạo vét trên diện rộng và Trung Quốc đã thực hiện một cách thành thạo. Khi xem xét kỹ lưỡng các bức ảnh mà Philippines công bố hồi tuần trước, một số nhà quan sát cho rằng các tàu Trung Quốc không có các thiết bị nạo vét và do vậy chưa có nguy cơ xẩy ra ngay hoạt động cải tạo bãi cạn này.


Số khác thì giả định rằng Trung Quốc từ lâu đã muốn cải tạo xây dựng ở Scarborough nhưng phải lùi lại sau khi các nhà ngoại giao Mỹ vào đầu năm nay, đã lưu ý (trong các cuộc gặp riêng để giữ thể hiện cho Bắc Kinh) rằng việc tiến hành cải tạo bãi cạn có thể gây ra đối đầu. Một giả thuyết khác còn cho là Trung Quốc hiện đang kín đáo, khéo léo đặt các nền móng để sau này (hoặc sắp tới đây) có thể nhanh chóng cải tạo Scarborough thành một hòn đảo.


Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (hoặc Hoàng Nham đảo, theo cách gọi của Trung Quốc) từ tay Philippines từ năm 2012. Từ đó đến, nay, Trung Quốc hạn chế chặt chẽ việc tiếp cận nơi đây, không cho ngư dân Philippines đánh bắt hải sản trong khu vực này. Trung Quốc nhấn mạnh là họ không xây dựng gì ở đây, nhưng trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng có những tuyên bố gian dối về những chuyện như thế này. Ví dụ, lúc trước, Trung Quốc nói là chỉ xây dựng những chỗ trú ẩn cho ngư dân ở Đá Vành Khăn (Mischief Reef – Trường Sa). Thế nhưng, hiện nay, tại đây đã có các nhà chứa máy bay, cảng và một phi đạo ở phía đầu đảo nhân tạo này.


Scarborough: Một đỉnh của "Tam giác chiến lược"


Bất luận thực tế thế nào, hầu như không còn nghi ngờ gì nữa về việc Bắc Kinh mong muốn xây dựng một đảo quân sự ở bãi Scarborough (mà Philippines còn gọi là bãi Panatag hoặc Bajo Masinloc). Một cơ sở như vậy, phối hợp với các cơ sở hiện có tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ giúp cho Trung Quốc có một « tam giác chiến lược » để tiến hành các hoạt động theo dõi và tuần tra ở toàn bộ Biển Đông, nơi mà hải quân Trung Quốc trong tuần này thực hiện các cuộc tập trận với Nga.


Tại Mỹ, dân biểu Dan Sullivan vào tháng 4/2016, đã cảnh báo Tiểu ban Quân lực Thượng viện về « tam giác » này. Trên một tấm bản đồ, ông khoanh vùng ba đỉnh của « tam giác » và chỉ ra hàng máy bay tiêm kích Trung Quốc. Các vòng tròn ở ba đỉnh tam giác chồng lấn lên nhau, bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông :


« Tam giác » này cũng giúp Trung Quốc thiết lập một dùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển này, buộc máy bay của các nước phải thông báo trước cho chính quyền Trung Quốc các chuyến bay. Chưa rõ bằng cách nào Trung Quốc có thể thiết lập thực sự một vùng phòng không như vậy, đặc biệt là lúc khởi sự, nhưng đối với Bắc Kinh, đó chắc chắn là một bước đi mới theo hướng này. Một vài nước cảnh báo là Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành « ao nhà Trung Quốc ».


Vào tháng 8/2016, tòa án tối cao Trung Quốc ra phán quyết rằng các ngư dân bị bắt khi đang đánh bắt trong vùng biển của nước này – dường như bất kể vùng biển nào nằm trong bản đồ đường chín đoạn gây tranh cãi – thì có thể bị phạt tù một năm. Ngư dân Philippines rất thận trọng khi tìm cách vào khu vực xung quanh bãi cạn giàu thủy sản này, chỗ dựa sinh sống của nhiều thế hệ.


Phán quyết của tòa tối cao Trung Quốc được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama, tại Washington, đã cảnh báo đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình là không nên cải tạo xây dựng ở Scarborough hoặc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, theo như lời một quan chức Mỹ xin ẩn danh với tờ New York Times.


"Tam giác chiến lược" làm thay đổi trò chơi trong mối quan hệ giữa các cường quốc


Cuối tháng 8/2016, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr cho biết đã có những ý đồ dùng cát đen của Philippines vào các hoạt động cải tạo bồi đắp ở bãi cạn Scarborough, nhưng các ý định này đã bị Hoa Kỳ ngăn chặn.


Đương nhiên, trong một cuộc chiến tranh thực sự, thì việc Hoa Kỳ và các đồng minh phá hủy bất kỳ cơ sở quân sự nào mà Trung Quốc xây ở Biển Đông là chuyện tương đối dễ dàng. Đa phần các công trình này được xây dựng trên bề mặt bãi đá không có nền móng và cũng rất dễ bị hư hại do bão. Tuy nhiên, qua thư điện tử, ông Sean Liedman, chuyên gia phân tích quân sự và nguyên là sĩ quan hải quân Mỹ, cho tạp chí Quartz biết :


Việc Trung Quốc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có thể cả bãi cạn Scarborough có được một mối lợi quân sự rất lớn trong thời bình, như mở rộng hoạt động tìm kiếm, xây dựng mạng lưới theo dõi, hỗ trợ hậu cần và lập các hệ thống chỉ huy và kiểm soát… Không nên đánh giá thấp mối lợi trong thời bình và trong giai đoạn chuẩn bị chiến tranh (Giai đoạn Zero và Giai đoạn 1, theo biệt ngữ của giới quân sự Mỹ) và hai giai đoạn đầu này quyết định sự thắng lợi trong Giai đoạn 3 (lâm chiến)


Một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough cũng có thể là quá gần không chỉ với Philippines mà đặc biệt là với Căn cứ Không quân Basa, gần Manila. Đây là một trong năm căn cứ mà chính phủ Philippines, do phải đối mặt với sự hung hăng trên biển của Trung Quốc, đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng tạm thời, trên cơ sở Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng, có hiệu lực 10 năm, được ký năm 2014 và đã được Tòa án Tối cao Philippines thông qua hồi đầu năm nay.


Các nước khác cũng lo lắng về vấn đề bãi cạn Scarborough. Vùng biển này là tuyến hàng hải chính vận chuyển dầu lửa từ Trung Đông tới Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Trung Quốc. Hơn 5 nghìn tỷ đô la trao đổi thương mại được vận chuyển hàng năm qua tuyến hàng hải này. Ông Yoji Koda, nguyên là phó đô đốc hải quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đã viết trên báo Asia Policy rằng « tam giác chiến lược » có thể trở thành một yếu tố làm thay đổi trò chơi trong quan hệ giữa các cường quốc khu vực ». Chắc chắn là các chiến lược gia quân sự tại Bắc Kinh sẽ đồng ý với điều này./ (theo RFI 13-09-2016)



+++++++++++++++++++++++++++++++++


Philippines sẵn lòng 'chia sẻ tài nguyên' ở Scarborough?


 

image025

Image copyright AFP Image caption Ngoại trưởng Perfecto Yasay


Ngay cả khi được Tòa Trọng tài quốc tế xử thắng ngày 12/7 tới, Philippines vẫn sẵn lòng 'chia sẻ tài nguyên thiên nhiên' ở Biển Đông với Trung Quốc.


Đó là phát biểu của tân Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu 8/7 với hãng tin Pháp AFP.


Manila đang kiện một số yêu sách chủ quyền, trong đó có đường chín đoạn (đường lưỡi bò) của Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye.


Ông Yasay nói chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte hy vọng nhanh chóng bắt đầu đàm phán trực tiếp với Trung Quốc sau khi tòa ra phán quyết nhằm đi tới thỏa thuận về khai thác chung tài nguyên khí gas cũng như ngư trường trong vùng kinh tế đặc quyền của Philippines.


Ông nói trong cuộc phỏng vấn với AFP: "Chúng ta thậm chí có thể đặt mục tiêu bàn để làm sao chúng ta có thể cùng khai thác lãnh thổ [biển] này: chúng ta có thể sử dụng và thu lợi từ các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế mà có chồng lấn chủ quyền".


Ông không nói rõ các chủ quyền chồng lấn này là từ những nước nào.


Đường yêu sách chín đoạn của Trung Quốc chiếm 80% Biển Đông, tới tận gần sát bờ biển Philippines, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác.


Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các quốc gia đều có vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) 200 hải lý trên biển và được quyền khai thác tài nguyên trong khu vực đó.


image026

Bãi cạn Scarborough mà Philippines phản đối Trung Quốc kiểm soát và lăm le xây cất nằm trong EEZ của Philippines.


Khai thác chung?


Bãi này, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, bị Trung Quốc kiểm soát từ 2012 và tàu bè Philippines tiếp cận bị làm khó dễ.


Ngoại trưởng Yasay nói ngay cả trong trường hợp Tòa trọng tài xử cho Philippines thắng, (tức phán quyết rằng bãi cạn Scarborough không phải đảo, không có EEZ riêng và do đó vẫn thuộc EEZ của Philippines) thì Manila vẫn có thể cân nhắc cho các nước khác cùng khai thác.


Ông nói: "Theo tôi hiểu thì trong lịch sử lâu nay, [vùng biển xung quanh] bãi Scarborough là ngư trường truyền thống không chỉ của người Philippines mà cả người Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta có thể tiếp tục như vậy".


"Nguồn tài nguyên này do Thượng đế cho tất cả và mỗi chúng ta cùng thụ hưởng. Chúng ta có thể cùng nhau khai thác chung nguồn lợi biển tự nhiên trong khu vực."


Ngoài ra Ngoại trưởng Yasay cũng nói Philippines sẽ cân nhắc cùng khai thác nguồn khí tự nhiên tại Reed Bank (tiếng Việt là Bãi Cỏ Rong), cũng là vùng biển thuộc EEZ của nước này.


Trung Quốc đã từng phản đối Philippines tìm kiếm gas tại Bãi Cỏ Rong.


Ông Yasay cho rằng cùng khai thác Bãi Cỏ Rong "là vì lợi ích quốc gia" của Philippines và "đây sẽ là một bước tiến lớn nếu như tất cả chúng ta cùng thống nhất làm dựa trên cơ sở đó".


Tuy nhiên ông cũng nói Philippines sẽ không nhượng bộ bất cứ chủ quyền nào, và vấn đề chủ quyền sẽ còn lâu mới giải quyết được.


Mềm mỏng


image023

Image copyright Reuters Image caption Bãi cạn Scarborough đã bị Trung Quốc kiểm soát từ 6/2012


Perfecto Yasay kế nhiệm Ngoại trưởng kỳ cựu Albert del Rosario, người dưới thời Tổng thống Benigno Aquino đã chủ trì vụ kiện yêu sách của Trung Quốc ra tòa trọng tài La Haye.


Tân Tổng thống Rodrigo Duterte, mới nhậm chức hôm 30/6, chủ trương chính sách mềm mỏng với Trung Quốc hơn người tiền nhiệm.


Ông Aquino bác bỏ đối thoại trực tiếp về chủ quyền biển với Trung Quốc và từng so sánh hành động của Trung Quốc tại Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines) với hành động của Đức Quốc xã ở châu Âu trước Thế chiến II.


Ngoại trưởng Yasay hôm thứ Sáu nói Tổng thống Duterte muốn phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.


Ông cũng nói Trung Quốc và Philippines đã nhất trí không đưa ra "phát biểu khiêu khích" nào sau khi tòa ra phán quyết.


Ông Yasay nói sau khi nhận được phán quyết, Philippines sẽ nghiên cứu kỹ, thảo luận với các đồng minh, rồi tìm cách mở đàm phán với Trung Quốc "càng sớm càng tốt"


Đồng minh chính của Philippines, Hoa Kỳ, đã kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực./(theo BBC 8/7/ 2016)

26 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8562)