HD-981 phát hiện mỏ khí lớn cách đảo Hải Nam 150km gần Hoàng Sa

10 Tháng Hai 201511:38 CH(Xem: 17352)

BIEN DONG - "NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 11 FEB 2015

image017

Vị trí nơi phát hiện mỏ khí lớn nước sâu 1500 mét, cách bờ biển phía nam đảo Hải Nam 150km. 

Thứ ba, 16/9/2014

Trung Quốc phát hiện mỏ khí lớn ở Biển Đông

 

Giàn khoan Hải dương 981 mới đây phát hiện một mỏ khí nước sâu lớn cách đảo Hải Nam khoảng 150 km về phía nam.

 

image018

Giàn khoan nước sâu Hải dương 981 của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Chuyên gia về dầu khí hồi tháng 8 phát hiện một trữ lượng khí lớn ở giếng Lăng Thủy 17 - 2,  Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hôm qua cho biết trên trang web.

Mỏ khí Lăng Thủy 17 - 2 được thử nghiệm và cho thấy có thể sản xuất 56,5 triệu cubic feet (gần 1,6 triệu m3) khí thiên nhiên mỗi ngày, hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Xie Yuhong, lãnh đạo CNOOC, cho biết. Đây là mức sản lượng cao nhất mỗi ngày trong số tất cả các giếng khí CNOOC thử nghiệm. 

Đây là phát hiện về mỏ khí nước sâu đầu tiên của giàn khoan Hải dương 981 kể từ khi nó bắt đầu hoạt động vào tháng 5/2012, CNOOC cho hay. Giếng nằm cách đảo Hải Nam 150 km về phía nam, ở độ sâu khoảng 1.500 m dưới biển. 

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng phải mất nhiều thời gian trước khi giếng này có thể đi vào sản xuất. "Dù tìm thấy khí, có thể phải mất ít nhất 4 tới 5 năm, tính từ bây giờ cho tới khi giếng có thể đóng góp vào việc sản xuất khí nội địa, do sự thiếu thốn về hạ tầng cơ sở hiện có", ông Gordon Kwan, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng khu vực của công ty Nomura, cho hay. 

Giàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng 5 hạ đặt trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong vòng hai tháng rưỡi, trước khi di chuyển về phía đảo Hải Nam. Trong suốt hơn hai tháng, Trung Quốc còn triển khai nhiều tàu quân sự, máy bay hộ tống giàn khoan uy hiếp, đâm va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam.  Các hành động này vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)  và Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển./

Trọng Giáp
++++++++++++++++++++++++++++++

BBC Thêm 5 tỷ đôla cho dự án lọc dầu Nghi Sơn

VĂN HÓA 11 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 4697)

 

image019 

Khu liên hợp Nghi Sơn sẽ giúp nâng khả năng tự cung cấp xăng, dầu của Việt Nam lên 70%

Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản cho biết đã đạt được thỏa thuận với các tổ chức tài chính để bổ sung 5 tỷ đôla vào dự án lọc dầu Nghi Sơn.

Thông cáo đăng tải trên trang web của Idemitso Kosan ngày 5/6 cho biết công ty này đã chốt lại quyết định đầu tư vào dự án lọc dầu và các dự án liên quan của Nghi Son Refinery and Petrochemical Ltd (NSRP) với các đối tác đầu tư, trong đó có Mitsui Chemicals Inc, Kuwait Petrolem International (KPI) và PetroVietnam (PVN).

Nghi Son Refinery and Petrochemical Ltd là tên công ty được thành lập bởi Idemitsu Kosan và các đối tác đầu tư nhằm phục vụ cho dự án lọc dầu.

Thông cáo của Idemitso Kosan cũng cho biết NSRP đã ký nhận vốn trị giá 5 tỷ đôla từ các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại khác.

Số vốn mới này, bên cạnh 4 tỷ đôla mà các chủ đầu tư dự án rót từ ban đầu, sẽ được đưa vào để giúp khởi động dự án Nghi Sơn vào tháng Bảy.

Theo thông tin mà Idemitso Kosan đưa ra trên trang web, 5 tỷ đôla này được cấu thành từ 2,3 tỷ đôla vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM); 2,7 tỷ đôla vay từ các ngân hàng thương mại.

Trong ngày 6/5, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cũng đã có thông cáo xác nhận cho NSRP vay 1,65 tỷ đôla.

Idemitsu Kosan cho biết, số vốn từ các ngân hàng thương mại được cơ quan tín dụng xuất khẩu Nippon Export and Investment Insurance (NEXI) của Nhật bảo lãnh.

Hiện tại, Idemitsu Kosan và KPI cùng nắm giữ 35,1% phần vốn. PVN nắm giữ 25,1% và Mitsui Chemicals nắm giữ 4,7%. Các bên đã thỏa thuận sẽ chịu trách nhiệm về phần vốn góp cho tới khi dự án xây dựng xong.

Lợi ích chung

Được lên kế hoạch để hoàn thành vào năm 2016 để bắt đầu hoạt động trong năm 2017, khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ có công suất 200 nghìn thùng mỗi ngày.

Báo trong nước nói khu liên hợp Nghi Sơn sẽ giúp nâng khả năng tự cung cấp xăng, dầu của Việt Nam lên 70% từ mức 30% hiện tại.

Trong thông cáo trên trang web của mình, JBIC nói số vốn cung cấp cho dự án là nhằm góp phần "phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế,đa dạng hóa công nghiệp và giúp tạo việc làm" cho Việt Nam.

Dẫn kết quả khảo sát năm 2012 đối với các công ty Nhật có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, JBIC cho rằng Việt Nam là môi trường kinh doanh có nhiều tiềm năng về dài hạn và trung hạn, đồng thời nói nơi đây cũng là một thị trường tiêu thụ nhiều hứa hẹn.

Cũng theo JIBC, việc cung cấp vốn cho dự án Nghi Sơn sẽ giúp thúc đẩy sự mở rộng của các công ty Nhật ở thị trường nước ngoài thông qua thị trường sản phẩm xăng dầu của Việt Nam, và từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của ngành lọc dầu và hóa dầu của Nhật Bản./

BBC thứ sáu, 7 tháng 6, 2013

+++++++++++++++++++++++++++++++++

 

Những trận hải chiến nổi tiếng thế giới: Câu chuyện về chiến hạm Yamato huyền thoại

11/02/2013

(Petrotimes) - Nói đến trận hải chiến lớn nhất Thế chiến II và lịch sử quân sự nhân loại phải kể đến trận chiến Vịnh Leyte hay còn gọi là Hải chiến Philippines lần hai.

Hải chiến vịnh Leyte và câu chuyện về chiến hạm Yamato huyền thoại

Trận đánh xảy ra tại các vùng biển Philippine gần các đảo Leyte, Samar và Luzon từ ngày 23 đến ngày 26/10/1944 giữa hải quân và không lực hải quân Đồng Minh cùng Đế quốc Nhật Bản. Ngày 20/10/1944, quân Mỹ bắt đầu tấn công đảo Leyte như một phần của chiến lược cô lập Nhật Bản khỏi các nước họ đã chiếm đóng tại Đông Nam Á, đặc biệt là dầu mỏ vốn là nguồn tiếp liệu sống còn của nền quân sự và công nghiệp Nhật. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã huy động hầu như tất cả các tàu chiến còn lại của họ nhằm đánh bại lực lượng tấn công đổ bộ Đồng Minh, nhưng đã bị Đệ Tam hạm đội và Đệ Thất hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ đẩy lui. Hải quân Nhật đã không thể đạt được mục đích đề ra, bị thiệt hại nặng, và từ đó không thể tham chiến với một lực lượng tương đương. Đa số các tàu chiến lớn còn sống sót, do thiếu hụt nhiên liệu, hầu như phải ở lại căn cứ của chúng cho đến hết chiến tranh tại Thái Bình Dương.

image021

Ảnh tr6en: Đại tướng Lục quân  Douglas MacArthur, vào năm 1942 đã phát biểu câu nói nổi tiếng: "Tôi sẽ trở lại" (Philippines)

Trận chiến vịnh Leyte bao gồm bốn trận hải chiến chính là: trận chiến biển Sibuyan, trận chiến eo biển Surigao, trận chiến ngoài khơi mũi Engaño và trận chiến ngoài khơi Samar cùng các hoạt động khác.

Trận chiến vịnh Leyte cũng được ghi nhận là trận đánh đầu tiên mà máy bay Nhật thực hiện các cuộc tấn công tự sát kiểu kamikaze (Thần Phong) một cách có tổ chức. Và một điểm đáng chú ý khác là lực lượng Nhật Bản trong trận này có số máy bay còn ít hơn so với số tàu bè của lực lượng Đồng Minh, một minh chứng rõ ràng cho sự chênh lệch về lực lượng của đôi bên đến thời điểm này của cuộc chiến.

Các chiến dịch tiếp nối nhau từ tháng 8/1942 đến đầu năm 1944 đã đẩy lui quân Nhật khỏi nhiều căn cứ trên các đảo tại Nam và Trung Thái Bình Dương, đồng thời cô lập nhiều căn cứ khác, đáng kể là ở quần đảo Solomon, quần đảo Bismarck, quần đảo Admiralty, New Guinea, quần đảo Marshall và đảo Wake. Đến tháng 6/1944, một loạt các cuộc đổ bộ được hỗ trợ bởi Lực lượng Đặc nhiệm tàu sân bay nhanh của Đệ Ngũ hạm đội đã chiếm được hầu hết quần đảo Mariana (có bỏ qua Rota). Việc này đã phá vỡ vành đai chiến lược phòng thủ bên trong của Nhật Bản, chiếm được căn cứ mà máy bay ném bom chiến lược B-29 Superfortress có thể xuất phát để tấn công các đảo chính quốc Nhật. Trong cuộc phản công thất bại của Nhật ở Trận chiến biển Philippine, Hải quân Mỹ đã đánh chìm ba tàu sân bay, làm hư hại nhiều tàu chiến khác và tiêu diệt khoảng 600 máy bay Nhật, khiến Hải quân Nhật hầu như không còn lực lượng không quân trên tàu sân bay và phi công có kinh nghiệm.

Về kế hoạch hành động tiếp theo, Đô đốc Ernest J. King và các thành viên khác của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân thiên về giải pháp cô lập lực lượng Nhật tại Philippines và tấn công vào Đài Loan, cho phép lực lượng Mỹ và Úc kiểm soát được những con đường vận chuyển hàng hải giữa Nhật Bản và Đông Nam Á. Đại tướng Lục quân Douglas MacArthur thì bênh vực cho một cuộc tấn công vào Philippines, vốn cắt ngang con đường tiếp tế chiến lược của Nhật Bản. Để lại Philippines trong tay quân Nhật sẽ là một đòn đánh vào thanh thế của Mỹ và là một sự sỉ nhục vào danh dự cá nhân của MacArthur, khi vào năm 1942 ông đã phát biểu câu nói nổi tiếng: "Tôi sẽ trở lại".

Nhiều sĩ quan cao cấp khác bên ngoài Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, bao gồm Đô đốc Chester Nimitz, cũng cho là lực lượng không quân đáng kể mà người Nhật tập trung tại Philippines là quá nguy hiểm để có thể bỏ qua. Tuy nhiên, Nimitz và MacArthur ban đầu có những kế hoạch trái ngược nhau, trong đó kế hoạch của Nimitz nhấn mạnh vào việc tấn công Đài Loan, vì việc này cũng có thể làm cắt đứt đường tiếp vận đến Đông Nam Á. Đài Loan còn có thể được sử dụng làm bàn đạp để tấn công Trung Quốc lục địa, điều mà MacArthur cảm thấy không cần thiết. Một cuộc gặp gỡ tay ba diễn ra giữa MacArthur, Nimitz, và Tổng thống Roosevelt đã giúp xác định Philippines là mục tiêu chiến lược, nhưng để ngõ quyết định cuối cùng về thời hạn sẽ tấn công Philippines. Cuối cùng Nimitz thay đổi ý kiến và đồng ý theo kế hoạch của MacArthur.

Có lẽ sự cân nhắc quan trọng cuối cùng đưa đến việc loại bỏ kế hoạch Đài Loan-Trung Quốc, như được Đô đốc King và những người khác khởi xướng, là việc tấn công Đài Loan đòi hỏi phải huy động khoảng 12 sư đoàn Lục quân và Thủy quân Lục chiến, một lực lượng vượt quá khả năng mà Mỹ có thể cung ứng được cho cả mặt trận Thái Bình Dương vào cuối năm 1944, trong khi toàn bộ Lục quân Úc còn phải đang tiếp chiến tại quần đảo Solomon, New Guinea, Đông Ấn thuộc Hà Lan và trên nhiều hòn đảo khác tại Thái Bình Dương. Một điều kiện chỉ có thể đáp ứng được sau khi Đức thua trận để có thể dành ra nhiều lực lượng hơn từ Châu Âu.

Cuối cùng thì lực lượng của tướng MacArthur được cho phép đổ bộ lên đảo Leyte thuộc miền Trung Philippines. Lực lượng tấn công đổ bộ và hải quân hỗ trợ gần sẽ do Đệ Thất hạm đội, dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Thomas C. Kinkaid, đảm trách. Đệ Thất hạm đội lúc bây giờ bao gồm các đơn vị của Hải quân Hoa Kỳ, Hải quân Hoàng gia Úc, bao gồm các tàu tuần dương hạng nặng thuộc lớp County HMAS Shropshire và HMAS Australia cùng tàu khu trục HMAS Arunta, và có thể có một ít tàu chiến của New Zealand hoặc của Hà Lan.

Đệ tam hạm đội, dưới quyền chỉ huy của Đô đốc William F. Halsey, Jr., trong đó Lực lượng Đặc nhiệm TF 38 (lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay nhanh), dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Marc Mitscher là thành phần chủ lực, sẽ hỗ trợ từ xa cho cuộc tấn công này.

Thiếu sót căn bản và nghiêm trọng của kế hoạch này là đã không có sự chỉ huy chung cho lực lượng hải quân Mỹ. Việc thiếu một sự chỉ huy thống nhất, cộng với việc không thông tin đầy đủ, đã tạo ra một tình huống nguy cấp mà suýt nữa đã trở thành tai họa lớn cho lực lượng Mỹ. Do trùng khớp ngẫu nhiên, kế hoạch của Nhật Bản sử dụng ba hạm đội riêng biệt cũng không chỉ định một vị tổng tư lệnh chung.

Các dự tính của Mỹ cũng không quá xa lạ đối với Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Nhật Bản Soemu Toyoda đã chuẩn bị bốn kế hoạch "chiến thắng": Shō-Gō 1 là một chiếc dịch hải quân lớn tại Philippines, trong khi các kế hoạch Shō-Gō 2, Shō-Gō 3 và Shō-Gō 4 là nhằm đáp trả các cuộc tấn công tương ứng nhắm vào Đài Loan, đảo Ryukyu và quần đảo Kurile. Những kế hoạch này là những chiến dịch tấn công phức tạp, huy động hầu như toàn bộ lực lượng có được vào một trận chiến quyết định, và do đó có thể làm tiêu hao lượng nhiên liệu dự trữ ít ỏi của Nhật.

Từ ngày 12/10/1944, Đệ Tam hạm đội của Đô đốc Halsey bắt đầu một loạt các cuộc không kích bằng máy bay trên tàu sân bay xuống Đài Loan và quần đảo Ryukyu, nhằm ngăn ngừa việc máy bay đặt căn cứ tại đây có thể ngăn trở việc đổ bộ xuống Leyte. Bộ chỉ huy Nhật liền áp dụng kế hoạch Shō-Gō 2, tung ra các đợt không kích chống lại các tàu sân bay của Hạm đội 3. Trong cuộc chiến ác liệt đó, Nhật Bản bị thảm bại với thiệt hại 600 máy bay trong vòng ba ngày, hầu như toàn bộ sức mạnh không lực của khu vực. Sau khi lực lượng Mỹ bắt đầu tấn công Philippines, Hải quân Nhật chuyển sang thực hiện kế hoạch Shō-Gō 1.

Kế hoạch Shō-Gō 1 sử dụng các tàu chiến của Phó Đô đốc Jisaburō Ozawa, dưới tên gọi "Lực lượng phía Bắc", sẽ nhử lực lượng hạm đội yểm trợ chính của Mỹ ra khỏi Leyte. "Lực lượng phía Bắc" bao gồm nhiều tàu sân bay, nhưng chỉ có rất ít máy bay hoặc phi công được huấn luyện đầy đủ. Những chiếc tàu sân bay hoạt động như là những con mồi, và sau khi lực lượng yểm trợ đã được kéo ra xa, hai lực lượng tàu nổi khác sẽ hướng đến Leyte từ phía Tây. "Lực lượng phía Nam" của các Đô đốc Nishimura và Shima sẽ tấn công vào khu vực đổ bộ ngang qua eo biển Surigao. "Lực lượng Trung Tâm" của Đô đốc Kurita, là lực lượng tấn công hùng mạnh nhất, sẽ băng qua eo biển San Bernardino vào biển Philippine, hướng về phía Nam để cùng tấn công vào khu vực đổ bộ.

Kế hoạch này dường như sẽ mang lại hậu quả bị tiêu hao một hoặc nhiều lực lượng tấn công, nhưng sau này Đô đốc Toyoda đã giải thích cho những người Mỹ thẩm vấn ông như sau:

“Nếu chúng tôi thất bại trong các chiến dịch tại Philippines, cho dù hạm đội có thể thoát được, thì con đường vận chuyển hàng hải về phía Nam cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Nếu hạm đội quay về vùng biển Nhật Bản, chúng không được cung cấp dầu; còn nếu chúng ở lại vùng biển phía Nam, chúng không thể nhận tiếp liệu vũ khí đạn dược. Không có cách nào cứu vớt được hạm đội nếu mất Philippines.”

Trận chiến vịnh Leyte đã giúp giữ vững các bãi đổ bộ của Tập đoàn quân 6 Lục quân Hoa Kỳ trên đảo Leyte trước sự tấn công từ phía biển. Tuy nhiên, cuộc chiến trên bộ vẫn còn tiếp diễn gay go cho đến khi Đồng Minh kiểm soát hoàn toàn hòn đảo vào cuối tháng 12 năm 1944. Trận Leyte trên bộ được tiến hành song song với các chiến dịch trên không và ngoài biển, trong đó quân Nhật nỗ lực tăng viện và tiếp tế cho quân đồn trú tại Leyte, trong khi Đồng Minh ra sức ngăn cản và giành ưu thế trên không và trên biển cho một loạt các cuộc đổ bộ lên vịnh Ormoc, các cuộc đụng độ thường được biết đến dưới tên gọi Trận chiến vịnh Ormoc.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản chịu đựng tổn thất to lớn nhất kể từ thời đại Minh Trị duy tân. Thất bại của họ không đánh đuổi được lực lượng xâm chiếm Đồng Minh khỏi Leyte đồng nghĩa với việc mất Philippines không sao tránh khỏi, mà điều này sẽ dẫn đến việc Nhật Bản sẽ bị cắt đứt khỏi những lãnh thổ chiếm đóng tại Đông Nam Á. Những nơi này đang cung cấp nguồn nguyên liệu sống còn cho Nhật Bản, đặc biệt là xăng dầu cho tàu chiến và máy bay, và vấn đề này càng thêm trầm trọng vì các xưởng tàu và nguồn tiếp liệu khác như đạn dược đều ở ngay tại chính quốc. Cuối cùng, việc mất Leyte đã mở đường cho việc tấn công quần đảo Ryukyu trong năm 1945.

Hầu hết lực lượng tàu nổi của Hải quân Nhật quay trở về căn cứ của chúng trong trạng thái hư hỏng, hầu như không hoạt động cho đến hết chiến tranh. Chiến dịch duy nhất của các tàu chiến này từ lúc trận chiến vịnh Leyte Gulf kết thúc cho đến khi Nhật Bản đầu hàng là chuyến đi thảm họa và bi đát vào tháng 4 năm 1945 trong Chiến dịch Ten-Go (Ten-gō sakusen) khi thiết giáp hạm Yamato cùng một số tàu hộ tống bị các tàu sân bay Mỹ tiêu diệt.

Máy bay tấn công tự sát kamikaze lần đầu tiên được sử dụng sau cuộc đổ bộ lên Leyte, khi một máy bay đã đánh trúng tàu tuần dương hạng nặng Úc HMAS Australia ngày 21 tháng 10. Việc tấn công tự sát có tổ chức bởi "Lực lượng Tấn công Đặc biệt" bắt đầu vào ngày 25 tháng 10 trong giai đoạn kết thúc của trận chiến ngoài khơi Samar đã phá hủy tàu sân bay hộ tống USS St. Lo.

Chiến hạm Yamato

Người Nhật từng rất tự hào khi lớp thiết giáp hạm Yamato được thiết kế. Họ dự định sẽ sx 5 chiếc, nhưng chỉ có 2 chiếc hoàn thành trước khi Nhật thua trận. Đó là Yamato và Musashi.

image023

Hình ảnh Yamato bị trúng 1 bom trong trận Sibuyan

Nhật muốn chế tạo 1 loại tàu chiến với sức mạnh áp đảo trên biển, vì vậy Yamato là lớp tàu trang bị mạnh nhất thời đó.Pháo chính là loại 460mm, tầm bắn 42km. Tốc độ 2 viên mỗi phút.

Mỗi viên đạn nặng gần 1.5 tấn. tàu có tổng cộng 9 pháo loại này, chia làm 3 nhóm.

Ngoài ra còn 6 khẩu 155 mm, 24 khẩu 127 mm. Tàu được bảo vệ bởi 24 phòng không 25 mm và 4 đại liên 13.2 mm.Viên đạn nặng gần 1.5 tấn của pháo chính.

Yamato được khởi công vào năm 1937, đến năm 1941 thì hoàn tất. Trong quá trình đóng tàu, Nhật che chắn, bảo vệ tàu rất kỹ để tránh phe Đồng Minh nhòm ngó.

Yamato trở thành soái hạm của Hạm đội liên hợp Nhật Bản, dưới quyền điều hành của đô đốc Isoroku Yamamoto (người hoạch định trận Trân Châu Cảng).

Vì là soái hạm nên Yamato ít tham gia chiến trận, chủ yếu nằm tại cảng Kure. Sau này Musashi thay Yamato làm soái hạm, nên người ta gọi Yamato là "khách sạn Yamato" vì nó chẳng làm gì cả.

Lần chiến đấu đầu tiên của Yamato là 23/12/1943. Trong vai trò làm tàu chuyển quân ở khu vực biển Phillipin, nó bị tàu ngầm Mỹ Skate bắn trúng 2 ngư lôi nên phải quay về cảng sửa chữa.

Từ 22/10/1944 Yamato được biên chế vào hạm đội của đô đốc Takeo Kurita và tham gia trận chiến hải quân lớn nhất lịch sử, trận chiến trên vịnh Leyte.

Trên đường di chuyển, 2 tàu ngầm Mỹ đã bắn hạ soái hạm Atago nên Yamato lại nhận chức soái hạm của Takeo. Đến trận Sibuyan thì chiếc tàu cùng lớp của Yamato, thiết giáp hạm Musashi bị chìm sau khi nhận 17 ngư lôi và 9 bom. bản thân yamato cũng bị trúng 3 quả bom xuyên thép từ tàu sân bay Essex của Mỹ.

Từ những trận chiến trên biển Phillipin khiến Nhật mất nhiều tàu sân bay. Tới trận chiến trên vịnh Leyte thì hải quân Nhật không còn tàu sân bay. Các hạm đội Nhật không còn được máy bay bảo vệ khi ra khơi nên họ cũng hạn chế xuất trận.

Bước sang năm 1945, quân Nhật kiệt quệ trên mọi mặt trận, trên bộ, trên biển, trên không đều thất bại. Những máy bay Zero từng nổi tiếng thì nay Mỹ đã khám phá ra bí mật và cải tiến máy bay của mình. Loại F6F Hellcat đã làm mưa làm gió, họ bắn hạ những chiếc Zero của Nhật dễ dàng đến nỗi họ gọi là đi săn gà. Không quân Nhật lúc này tuyệt vọng tiến hành kế hoạch tự sát Kamikaze. Mỗi phi công cảm tử trước khi lên đường đều được truy điệu sống.

Khi đã làm chủ bầu trời và mặt biển, quân Mỹ tính chuyện tấn công Nhật ngay tại căn cứ Nhật. Và cảng Kure, nơi Yamato đang cập cảng là mục tiêu.

Tuy nhiên phía Mỹ đã bị bất ngờ rất lớn khi phòng thủ căn cứ đó là những phi công dầy dạn kinh nghiệm nhất của Nhật. Và bất ngờ lớn nhất đến từ Kawanishi N1K, loại máy bay mà Nhật sáng chế để thay thế chiếc Zero đã thua kém người Mỹ. Chiếc máy bay mới này có ưu thế vượt trội so với hàng Mỹ, tuy phải sx gấp rút để cung ứng nên có nhiều chi tiết chưa hoàn thiện nhưng nó là loại chiến đấu cơ số 1 lúc đó.

Nếu Nhật không bị cô lập, nếu Nhật có thời gian khoảng 1 năm thôi, khi mà những công nghệ rađa ứng dụng trong hải chiến, máy bay mới và tàu ngầm mới tham chiến thì thế giới đã đổi khác. Biết đâu Nhật sẽ hoàn tất tâm nguyện độc tài bá chủ, 1 đế chế không có mặt trời lặn.

Tháng 4/1945 Nhật mở chiến dịch hành quân Tengo để chống lại quân Mỹ đã chiếm đóng Okinawa. Trong khi quân Mỹ đổ bộ lên Okinawa, hải quân Nhật không ra khơi yểm trợ quân đóng trên đảo vì họ không đảm bảo an toàn trước không quân Mỹ kiểm soát mặt biển, khi họ đã hết tàu sân bay.

Vì áp lực chỉ trích từ bộ binh và Nhật Hoàng. Yamato cùng hạm đội lại ra khơi lần cuối để đánh 1 trận lớn trong đời binh nghiệp. Họ đã xác định trận này sẽ là tự sát nên nhiên liệu chỉ cấp cho 1 lượt đi.

Tối 6/4/45 Yamato ra khơi cùng tuần dương hạm Yahagi và 8 khu trục hạm để thực hiện 1 chiến dịch rất khó khăn...

image024

Đài tưởng niệm chiến hạm Yamato

Cuối cùng, chiến dịch hành quân nhằm cứu vãn danh dự hải quân Nhật đã thất bại. Trong số 1 thiết giáp hạm, 1 tuần dương hạm và 8 khu trục hạm, chỉ còn sót lại 4 khu trục hạm. Phía Mỹ chỉ thiệt hại chừng chục máy bay. Đó là kết quả tất yếu vì Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối khi hải quân Nhật không được máy bay yểm trợ, họ phải trần mình suất mấy tiếng đồng hồ để hứng bom từ phi cơ.

Cái chết của siêu chiến hạm Yamato cũng kéo theo cái chết của hải quân Nhật, đây là trận đánh lớn cuối cùng trước khi Nhật đầu hàng quân Mỹ.

Qua trận đánh này cũng nói lên 1 điều là những thiết giáp hạm lớn, pháo hạng nặng đã không còn chiếm ưu thế trên biển. Chính hàng không mẫu hạm với máy bay chiếm phần lớn đã làm vua trên mặt biển.

Điều này được phía Mỹ tiếp tục duy trì cho tới tận hôm nay, Mỹ là nước duy nhất có hạm đội tàu sân bay lớn nhất, mạnh nhất. Họ có niềm tin vào những học thuyết này vì kết quả khả quan trước hải quân Nhật. Một đội quân hùng bá Thái Bình Dương trước khi người Mỹ trở mình.

H.M (Tổng hợp)

Tàu ngầm Kilo Việt Nam tác chiến như thế nào?

15/01/2015

(PetroTimes) - Việt Nam mua sắm tàu ngầm là động thái trang bị vũ khí “từng bước hiện đại”, động thái này không  thể tách rời với tổ chức biên chế lực lượng tàu ngầm và tổ chức “cách đánh” cho tàu ngầm kiểu Việt Nam. Vũ khí tốt lại có cách đánh phù hợp, hiệu quả tác chiến sẽ tăng lên rất lớn
 image025

Tàu ngầm Kilo - một lựa chọn không đơn giản

Trong cả 3 cấp độ tác chiến chiến lược, chiến dịch và trận đánh, bất kể người cầm quân giải phóng lãnh thổ, hay bảo vệ mục tiêu đều coi trọng 3 yếu tố để xây dựng lực lượng, đó là: Tổ chức biên chế, tổ chức cách đánh và trang bị vũ khí.

Việc Việt Nam phát triển lực lượng tàu ngầm là theo tư tưởng xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, “từng bước hiện đại”, “từ không đến có”, chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ có đủ bộ 6 chiếc tàu ngầm hiện đại.

Tàu ngầm Kilo Hà Nội.


Trước khi mua vũ khí, chẳng hạn như tàu ngầm, người cầm quân đều phải "bàn nát nước” để trả lời câu hỏi “mua để làm gì”, “đánh kiểu gì”, từ đó giải được bài toán cần “mua loại tàu gì”.

Mua loại Kilo chẳng hạn, thì phải tính đến “thực đơn nào”, trong đó có các lựa chọn về động cơ, vũ khí, thiết bị trinh sát, liên lạc tàu - bờ, khả năng lẩn tránh, đánh trả. Như vậy chắc chắn các nhà chỉ huy hải quân đã có nhiều đề bài sử dụng tàu ngầm Việt Nam cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Hiệp đồng để phòng thủ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh từng tuyên bố rõ ràng là “tàu ngầm Kilo của Việt Nam chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác”.

Không tách rời các lực lượng tàu chiến, như tàu tên lửa, tàu săn ngầm, tàu pháo… tàu ngầm Việt có nhiệm vụ hiển nhiên là bảo vệ dưới đáy biển để khẳng định chắc chắn cho đồng đội trên mặt nước là: “đồng đội yên tâm, dưới anh là đáy biển an toàn, hãy làm tốt nhiệm vụ trên không, mặt nước.”

image026

Tổ hợp tên lửa bờ Rubezh với tên lửa Termit tác chiến cùng tàu ngầm bảo vệ biển Việt Nam

Bờ biển Việt Nam dài, chủ quyền lãnh thổ trên biển rộng lớn. Để bảo vệ gần trong phạm vi từ trên 200 km trở vào là lực lượng tên lửa và pháo bờ biển. Các vũ khí này Việt Nam đã có từ vài chục năm nay, giờ đây ngày càng hiện đại.

Bộ ba tên lửa đất đối hải đáng nể là: Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K51 Rubezh (NATO định danh là SSC-3), chứa hai tên lửa hành trình đối hạm P-15M. tầm bắn tối đa 80km, đầu nổ nặng 513kg. Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44B Redut (NATO định danh SSC-1), sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tầm xa P-35. đầu nổ mạnh 800 -1.000kg đem lại sức công phá mạnh đủ sức đánh chìm chiến hạm cỡ lớn. 4K44 là tổ hợp tên lửa bờ có tầm bắn xa nhất của Việt Nam, diệt mục tiêu trong cự ly tối đa gần 500km.

Dòng Bastion-P 3M55 đạt tốc độ hành trình gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh, do vậy mà việc đánh chặn quả tên lửa này không dễ. Nó có đầu đạn nặng 250kg đủ sức công phá các chiến hạm cỡ lớn, tầm bắn tối đa 300km. Hiện chỉ 3 nước (trong đó có Việt Nam) có loại tên lửa này.

Ngoài khoảng cách bảo vệ của tên lửa bờ phải trông vào các tàu tên lửa, tàu pháo, thay nhau cơ động ra đại dương để bảo vệ biển đảo nhà. Còn các quần đảo xa như tuyến đảo Đông Bắc, Tây nam, Hoàng Sa, Trường Sa cũng phải có các cụm tàu luân phiên hỗ trợ, khi cần thì tăng cường.

Có tàu ngầm bảo vệ đáy sâu, tàu tên lửa sẽ đủ tầm bảo vệ Trường Sa.

Không “lạnh lưng, hở sườn”, bên cạnh hải quân Việt Nam tác chiến biển còn có không quân đa nhiệm, với ưu thế về tính cơ động, hỏa lực tốt. Cụ thể là ở đây không quân dòng Sukhoi của Việt Nam có các máy bay Su-22, Su-27, Su-30 với số lượng “đủ dùng”, lại trực chiến ngay tại các sân bay ven biển, nên khả năng bay ra xa, bay được lâu trên biển rất tốt.

Có máy bay tác chiến biển tốt, lại có các loại tên lửa mang theo chống tàu cự ly xa, lượng nổ mạnh, khá thông minh… nên hiệp đồng tác chiến không - hải bảo vệ biển đảo hiệu quả cao. Nhưng còn điều này nữa, chính tàu nổi, máy bay tác chiến biển đảm bảo cho tàu ngầm của nhà rằng: “Đồng đội yên tâm cảnh giới ở dưới biển, còn trên không, mặt nước đã có chúng tôi”.

Vì bảo vệ biển nhà, ta có không quân săn ngầm, là các loại máy bay dòng Kamob tích luỹ kinh nghiệm, hàng chục năm nay; máy bay tuần thám biển CASA-212 mới trang bị thuộc đoàn C54, cùng tàu săn ngầm của các Hải đoàn. Tàu ngầm Việt Nam bảo vệ “nhà”, lại có đồng đội trên không, trên mặt nước, tên lửa bờ… luôn bên cạnh thì yên lòng để “tác chiến theo cách của bạn”.

Có thế trận Hải quân nhân dân rộng khắp, nhất định Binh chủng Tàu ngầm Việt Nam với cách đánh Việt Nam sẽ lập nên kỳ tích mới.

image028

Máy bay tuần thám biển CASA -212, phối hợp tác chiến cùng tàu ngầm bảo vệ biển đảo.

Tác chiến tàu ngầm trên địa hình cụ thể

Với bờ biển trên 3.260km, hơn 2.773 đảo ven bờ, tàu ngầm Việt Nam trong tác chiến phòng thủ luôn dựa vào thế hiểm là đảo ven bờ, đảo khơi xa.

Từ Hòn Mê, có thể quan sát về phía nam đến đảo Mắt của Nghệ An, phía đông bắc tới Sầm Sơn. Do vậy, Hòn Mê là “tai mắt” của đất liền, cũng là tai mắt của tàu ngầm.

image030

Từ Hòn Mê, có thể quan sát về phía nam đến đảo Mắt của Nghệ An, phía đông bắc tới Sầm Sơn. Do vậy, Hòn Mê là “tai mắt” của đất liền, cũng là tai mắt của tàu ngầm. Bờ biển Việt Nam khúc khuỷu, nhiều eo, vũng, vịnh ven bờ và cứ 20 km chi

Khu vực biển nông thuộc thềm lục địa địa lý (đến độ sâu 200 m) chiếm toàn bộ diện tích vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan.

Hình thế phần đất liền của Việt Nam hẹp chiều ngang (không có nơi nào cách biển trên 500 km). Bờ biển Việt Nam khúc khuỷu, nhiều eo, vũng, vịnh ven bờ và cứ 20 km chiều dài đường bờ biển lại bắt gặp một cửa sông lớn với tổng số khoảng 114 cửa sông đổ ra biển.

Bờ gần, sự hỗ trợ của đất liền với tàu ngầm trong tác chiến là điều cần khai thác triệt để, từ liên lạc, trao đổi thông tin, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật…

Căn cứ vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý, kinh tế, dân cư người ta có thể chia các đảo, quần đảo thành các nhóm: Hệ thống đảo tiền tiêu, có vị trí quan có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Đó là các đảo, quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ...

Tác chiến tàu ngầm thường đi kín tiếng, đánh hiểm. Cùng với tuyến đảo bờ ở từng vùng tạo thành thế trận “Thiên la địa võng”.

Lớp tàu ngầm 6 chiếc dòng Kilo của Việt Nam chẳng khác nhiều so với hàng chục tàu ngầm cùng lớp của các quốc gia khu vực.

Nhiều tác giả đã bình luận, đại ý, tàu ngầm KILO được giới quân sự mệnh danh là “lỗ đen” trên đại dương, nghĩa là có tính bí mật rất cao, lại nằm trong tay Việt Nam, một quốc gia có vị trí chiến lược rất quan trọng trên Biển Đông với một địa thế quân sự rất hiểm hóc. Với một “địa thế” như vậy chỉ cần có một “lực” nhỏ tối thiểu cũng tạo ra được một sức mạnh đáng nể, một thế trận vững chắc.

Nhà nghiên cứu quân sự C.Ph.CLaudovit nói: "Quy luật của chiến tranh là “mạnh thắng yếu thua”. Nhưng binh pháp cũng lại dạy “thượng sách là dụng mưu, hạ sách là dùng lực”. Dụng mưu, lập thế giỏi, nếu biết dựa vào địa hình là các vùng đáy biển, với các khe, rãnh, dòng chảy theo quy luật, thì tác chiến của tàu ngầm sẽ nâng hiệu quả lên gấp bội phần."

Khi thế đã vững, mưu đã lập, một hành động chiến thuật có thể đạt được mục tiêu chiến lược, huống hồ vùng biển của ta, hải quân ta thuộc từng con nước, tường tận sâu nông, có lẽ nào tác chiến bảo vệ biển nhà của tàu ngầm Việt Nam lại thiếu hiệu quả trong khi đối phương từ chân trời góc biển xa lắc tới!

“Việt Nam chỉ mới sở hữu một số lượng tàu ngầm ít ỏi mà đã khiến cho ai đó có sự lo ngại”, người ta bình luận như vậy là có lý.

Tàu ngầm Kilo được thiết kế để bảo vệ các căn cứ quân sự biển, đường giao thông biển và bờ biển, thực hiện các hoạt động tuần tra và trinh thám. Tàu có chiều dài 73,8 m; đường kính thân tàu 9,9 m; trọng lượng rẽ nước 2.350 tấn. Mức lặn sâu tối đa 300 m; tốc độ khi nổi: 22 km/giờ; khi lặn 40 km/giờ.

Tầm hoạt động khi có ống thông hơi 12.000 km; khi lặn 640 km. Thủy thủ đoàn gồm 57 người. Thời gian hoạt động liên tục trên biển là 45 ngày.

Bơi dưới biển nhà, trên không mặt nước, biển rộng là quân ta, nên tàu kilo di chuyển và hoạt động chủ yếu sử dụng thông hơi không có gì lo ngại “ai” dòm ngó.

Khi cần lặn sâu, “kín võ” với địa hình quen thuộc, tàu ngầm Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao nhất trong tác chiến.

image032

Mô phỏng tàu ngầm Kilo phóng ngư lôi.


Hệ thống vũ khí của Kilo của Việt Nam có 6 ống phóng ngư lôi ngư lôi GE2-01 533 mm, độ chính xác cao. Trong 2 phút có thể thực hiện loạt bắn đầu, 5 phút kế tiếp là loạt bắn thứ hai. Tàu còn mang theo 24 trái thủy lôi phong toả các lối hiểm.

Tất cả các tàu này đều được trang bị tên lửa hành trình 3М-14E Club-S. Tên lửa này có tầm 280 km, ngoài ra còn bốn tên lửa loại PZRK “Strela -3”, tầm bắn tối đa là 6 km để tiêu diệt máy bay đối phương.

Như vậy, với một loạt các hoạt động, hay nói khác đi là cách đánh Việt, tàu ngầm Việt Nam có thể phục kích, rải thủy lôi; cơ động bám sát mục tiêu, bất ngờ xuất hiện, “tiến công kiên quyết kẻ cướp biển”… đây là những chiến thuật, cách đánh kinh điển mà các quốc gia có tàu ngầm thường áp dụng, sự xuất hiện của tầu ngầm Việt vào thời điểm này là hết sức cần thiết./
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 16813)
“Trung Quốc có cách lý giải về lợi ích an ninh quốc gia để tuyên bố ADIZ ở bờ biển phía nam kéo dài khoảng 100 hải lý từ đường cơ sở ở vịnh Bắc bộ. Nếu như ADIZ được mở rộng hơn về phía nam khoảng 150 hải lý hoặc hơn, nó sẽ bao gồm các đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ bao gồm Hoàng Sa thì hành động này sẽ lại gây căng thẳng cho quan hệ hai nước” – Giáo sư Beckman bình luận.
23 Tháng Mười Một 2014(Xem: 17442)
Dự án trên bãi Chữ Thập (cách Sàigon khoảng 800km) là dự án thứ tư của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa trong 18 tháng qua và cũng là dự án lớn nhất, IHS Jane's cho biết. Trung Quốc đã đặt một đơn vị đồn trú tại đây, với sự hỗ trợ của súng phòng không, vũ khí chống người nhái, các thiết bị liên lạc... Các hình ảnh được tạp chí IHS Jane's công bố hôm 21/11 cho thấy công trình thi công trên bãi Chữ Thập đã đạt đến chiều dài 3.000 mét, rộng 200-300 mét, đủ lớn để "xây dựng đường băng".
18 Tháng Mười Một 2014(Xem: 16986)
Hội nghị quốc tế về Biển Đông đã diễn ra ở Đà Nẵng trong hai ngày 17 và 18/11 với sự tham gia của hơn 200 học giả nghiên cứu về vấn đề này, trong đó có học giả đến từ các nước Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin. Đây là hội nghị thường niên do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức. Hội nghị năm nay có có chủ đề: ‘Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực’.
16 Tháng Mười Một 2014(Xem: 17595)
Chu Châu (số hiệu 594), là tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Đảo thứ 18 của Trung Quốc, lần đầu tiên được triển khai để phục vụ chiến tranh chống tàu ngầm, trang tin USNI News của Viện Hải quân Mỹ ngày 12.11 dẫn lại thông tin từ tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) cho biết.
12 Tháng Mười Một 2014(Xem: 17358)
TTO - 12-11-14, hội nghị ASEAN chính thức khai mạc tại Naypyidaw, thủ đô Myanmar. Biển Đông được đánh giá là chủ đề nóng nhất tại hội nghị.
06 Tháng Mười Một 2014(Xem: 17273)
“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện DOC, chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trưởng Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự”.
04 Tháng Mười Một 2014(Xem: 16718)
“Cả Việt Nam lẫn Ấn Độ đều nhận ra rằng nếu bây giờ không đương đầu với Trung Quốc, họ sẽ mất lãnh thổ vĩnh viễn” . Tuần báo Time Magazine trong số xuất bản ngày 27.10 đã đưa ra nhận định như trên sau chuyến viếng thăm Ấn Độ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
02 Tháng Mười Một 2014(Xem: 19191)
Bill Hayton chứng minh rằng những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Tàu cộng dựa trên chứng cứ lịch sử là rác rưởi. Ông chỉ ra rằng những chứng cứ đó không thể nào đứng vững khi xem xét đến các văn chứng của triều Nguyễn của Việt Nam. Từ 1750, triều Nguyễn đã điều các đội hải quân ra trấn giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội quân triều Nguyễn còn có chức năng cứu vớt thuyền bị nạn, và mỗi chuyến hải hành, họ ghi lại trong sử sách rất cẩn thận.
30 Tháng Mười 2014(Xem: 23616)
Việt Nam từ giữa năm 2011 tới nay đã và đang thực hiện phong trào 'Góp đá xây dựng Trường Sa' do Trung ương Đoàn và báo Tuổi trẻ Thành phố Sàigon phát động. Truyền thông trong nước đưa tin nhiều về phong trào này, và công trình xây dựng đầu tiên được khánh thành là tại đảo Đá Tây thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hồi tháng Ba 2012. Ảnh đảo Đá Tây trên do nhà báo Lý Kiến Trúc chụp nhân chuyến “Hải trình 3 – Trường Sa HQ-571”.
26 Tháng Mười 2014(Xem: 19170)
Với việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm mở rộng đường băng sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và xây mới sân bay trên đảo nhân tạo (trái phép) ở đá Chữ Thập, Trường Sa buộc các bên liên quan phải tăng cường khả năng phòng thủ, ví dụ như Đài Loan đang chốt giữ (trái phép) đảo Ba Bình cũng phải bỏ 100 triệu USD mở rộng đường băng và cầu cảng, tăng cường phòng thủ.
23 Tháng Mười 2014(Xem: 17942)
Tờ China Newsweek đưa tin Bắc Kinh đang xây dựng sân bay như một căn cứ chuyển tiếp cho lực lượng hải quân và không quân nước này. Trước đó, một số tờ báo đã đưa tin về ý đồ đẩy mạnh việc cải tạo đất tại các khu vực tranh chấp ở biển Đông. Tờ Want China Times của Đài Loan cho biết Lee Hsiang-chou, Tổng giám đốc cơ quan an ninh Đài Loan và Tư lệnh hải quân Trung Quốc Wu Shengli đã khảo sát năm hòn đảo ở Trường Sa. Ngoài ra, ông Wu cũng theo dõi các cuộc diễn tập quân sự trong thời gian khảo sát.
21 Tháng Mười 2014(Xem: 24621)
Năm 1993, Việt Nam kiểm soát 24 đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, quân đồn trú chỉ 600 người, đến năm 2002, Việt Nam đã quản lý 29 đảo, đá ngầm, quân đồn trú tăng lên 2.020 người. Sân bay đảo Nam Yết, sân bay đảo Trường Sa Lớn đang lần lượt hoàn thành. “Hải Trình 3 Trường Sa” HQ-571 đã chở báo chí Việt Mỹ đi tìm hiểu một số đảo quan trọng vào tháng Tư, 2014. (Ảnh tư liệu Văn Hóa)
19 Tháng Mười 2014(Xem: 18714)
Đảo Chữ Thập năm trơ vơ giữa biển Trường Sa không có một đảo nào kế cận khống chế. TQ đang xây hải cảng, sân bay lớn trên đảo vào tháng 9/2014. Lập căn cứ Chữ Thập, hải quân TQ hầu như khống chế con đường lưu thông hàng hải qua lại eo biển Malacca. Năm 1993, Việt Nam kiểm soát 24 đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, quân đồn trú chỉ 600 người, đến năm 2002, Việt Nam đã quản lý 29 đảo, đá ngầm, quân đồn trú tăng lên 2.020 người. Sân bay đảo Nam Yết, sân bay đảo Trường Sa Lớn lần lượt hoàn thành. “Hải Trình 3 Trường Sa” HQ-571 đã chở báo chí Việt Mỹ đi thăm các đảo quan trọng này vào tháng Tư, 2014. (Ảnh tư liệu Văn Hóa)
16 Tháng Mười 2014(Xem: 18297)
Phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban Ngoại giao – Quốc phòng của Viện lập pháp ở Đài Bắc hôm 15/10, tổng giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Đài Loan Lý Tường Trụ cho biết, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, tháng trước đã đi thị sát năm hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
14 Tháng Mười 2014(Xem: 24918)
Báo Mỹ điểm danh các loại vũ khí trang bị và nhà thầu quốc phòng có thể giúp Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng phù hợp với ngân sách hiện nay. Việt Nam có thể mua máy bay, radar, pháo tự hành, tàu hộ vệ Mỹ. Tướng 4 sao Mỹ Wesley K. Clark: “Chiến lược xoay trục châu Á của chính quyền Obama được công bố vào cuối năm 2011 được cho là trực tiếp chống lại Trung Quốc, một sự thay đổi theo hướng ngăn chặn. Mỹ không chỉ điều chỉnh lực lượng mà còn tăng cường các thỏa thuận quốc phòng. Mỹ đang đàm phán TPP, nỗ lực này để tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn bao gồm 11 quốc gia nhưng không có Trung Quốc”.
09 Tháng Mười 2014(Xem: 18230)
Hôm 07/10/2014, Tân Hoa Xã cho biết là nhờ phi đạo mới hoàn thành mà các phi cơ quân sự kể từ nay có thể lên xuống, qua đó “cải thiện khả năng phòng thủ của Trung Quốc trên hai quần đảo Tây Sa ( Hoàng Sa ) và Nam Sa ( Trường Sa)”. Đảo Phú Lâm có diện tích 2 km2, lớn hàng thứ ba sau đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm, sau đảo Thị Tứ do Philippines chiềm. Với sự gia cố hiện nay của Trung Quốc, diện tích Phú Lâm đã lớn hơn trước nhiều, và nay đã trở thành một căn cứ Hải, Không, Thủy quân Lục chiến sẵn sàng ứng chiến.
07 Tháng Mười 2014(Xem: 18934)
Hơn 6.000 binh sĩ Mỹ và Philippines hôm qua đã tiến hành một cuộc tập trận gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham - điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Trung Quốc chiếm Scarborough từ năm 2012.
05 Tháng Mười 2014(Xem: 19740)
VH - Đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh khoảng 600 km. Đảo này xếp thứ hai về diện tích sau đảo Ba Bình hiện do Đài Loan kiểm soát. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có đảo Thị Tứ. Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng Hòa thường ghé thăm đảo Thị Tứ. Năm 1961 tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn, năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kỳ Hoà (dựng bia trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5). Vào thời kỳ 1970-1971, Philippines cho quân bí mật chiếm đóng một số đảo thuộc Trường Sa, trong đó có đảo Thị Tứ. (theo Wikipedia)
02 Tháng Mười 2014(Xem: 20278)
Sau sự kiện Thiên An Môn, Hồng Kông xuất hiện Joshua Wong. Người thanh niên 17 tuổi, đang làm rung chuyển Hong Kong; anh là một trong những nhà hoạt động cứng rắn, Joshua còn rất trẻ, thậm chí, anh chưa đủ tuổi để lái xe. Năm 1997, Hong Kong được Vương quốc Anh trao trả về Trung Cộng, nhưng giá trị dân chủ mà người dân Hong Kong thấm nhuần cũng không thay đổi. Nếu hiệu ứng dân chủ Hồng Kông truyền tới lục địa Trung cộng, hẳn nhiên ông Tập Cận Bình sẽ không sợ lịch sử kết tội, và sẽ như ông Đặng Tiểu Bình ở Thiên An Môn, ông Tập sẽ thẳng tay đàn áp…
30 Tháng Chín 2014(Xem: 18087)
« Chúng tôi đã mời một Quốc gia Thành viên giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình trên cơ sở Công ước UNCLOS… Tuy nhiên, thành viên đó đã từ chối lời mời, và tiếp tục đơn phương lao vào các hành động đòi hỏi chủ quyền mang tính chất bành trướng, vi phạm quyền chính đáng được ghi trong UNCLOS như quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines và nhiều láng giềng ven biển khác ».