Có thể Nam Hải 9 sẽ thay thế Hải Dương 981
Cựu Đại sứ Lê Công Phụng. Ảnh Văn Hóa 2104.
03/07/2014 16:28
Bình luận của ông Lê Công Phụng (Phó Chủ tịch FESS) trên báo Tuổi trẻ ngày 21/6/2014:
Việc Trung Quốc tiếp tục đưa các giàn khoan vào Biển Đông, trong đó có giàn khoan Nam Hải 9 đến cửa Vịnh Bắc Bộ, theo tôi là hành động không thiện chí giữa lúc hai bên đang có những tiếp xúc và Việt Nam kiên trì giải quyết vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 bằng các biện pháp hòa bình. Hành động tiếp tục đưa giàn khoan là vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước.
Cụ thể, khu vực giàn khoan Nam Hải 9 dự kiến được đưa đến là gần khu vực cửa vịnh Bắc bộ. Thực chất đây là khu vực Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán để phân định nhiều lần nhưng chưa đạt được kết quả và thực tế cũng khó đạt được kết quả. Lý do, việc phân định này lại liên quan trực tiếp đến các đảo ở Hoàng Sa mà các đảo đó Trung Quốc vẫn luôn nói là không có tranh chấp, trong khi đây là các đảo của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Theo tôi nhớ, khu vực Trung Quốc dự kiến đưa giàn khoan Nam Hải 9 đến thì trước đây họ từng cho tàu và giàn khoan vào khu vực đó, Việt Nam đã phản đối.
Tại tọa độ mà giàn khoan Nam Hải 9 dự kiến đặt có ý kiến nói nằm ở phía đông đường phân định (về phía Trung Quốc), thật ra nó khá gần khu vực đảo Tri Tôn. Do đó, Việt Nam vẫn cần cảnh giác trước những hành vi mới của Trung Quốc. Rất có khả năng Trung Quốc kéo giàn khoan Nam Hải 9 ra, sau đó dần đưa đến thay thế giàn khoan Hải Dương 981. Giàn khoan Nam Hải 9 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, được mua từ nước ngoài, trong khi giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan nổi, Trung Quốc tự đóng.
Nam Hải 9 có sức chịu sóng biển, chống chịu các yếu tố thời tiết trong mùa mưa bão... tốt hơn. Không loại trừ khả năng họ đưa Nam Hải 9 ra để chuẩn bị duy trì giàn khoan trong mùa biển động. Đây sẽ là hành động làm phức tạp thêm tình hình và Việt Nam cần tiếp tục phản đối hành động này của Trung Quốc./
Theo: Báo Tuổi trẻ (C.V.KÌNH ghi)
++++++++++++++++++++
Trung Quốc kéo giàn khoan Nam Hải số 9 đến cửa vịnh Bắc Bộ
Giàn khoan "Nam Hải số 9" đang được kéo tới cửa vịnh Bắc Bộ - nơi hai nước đang bàn để phân định. Vị trí hạ đặt cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý.
Website của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết, ngày 18-20/6 đưa giàn khoan "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải số 9) vào Biển Đông.
Theo đó, giàn khoan "Nam Hải số 9" sẽ sẽ được tàu lai dắt kéo từ toạ độ 17 độ 38 phút vĩ Bắc - 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc - 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông, với tốc độ 4 hải lý/giờ.
Như vậy, tọa độ xuất phát của giàn khoan này chính là từ đảo Hải Nam trong khi điểm đến của nó là khu vực cửa vịnh Bắc Bộ - nơi Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các bước để đàm phán phân định lãnh hải.
Giàn khoan"Nam Hải số 9" của Trung Quốc. Ảnh: Shipspotting |
Còn theo website của Đài Truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kông, "Nam Hải số 9" là giàn khoan tương tự với Hải Dương 981. Đây là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, thuộc sự quản lý của Tổng Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Hiện vẫn chưa rõ liệu giàn khoan này sẽ làm gì, và lịch trình di chuyển của nó ra sao.
Kể từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5, đây là lần lần thứ hai Trung Quốc đưa thêm một giàn khoan có quy mô lớn vào biển Đông.
Vụ việc này diễn ra ngay sau khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Việt Nam và có các cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh để bàn về vấn đề liên quan.
Sau khi nhận tin báo từ Zing.vn tối 18/6, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, bộ phận tác nghiệp của đơn vị đã ngay lập tức cho các hệ thống theo dõi và xác minh.
"Tọa độ này nằm ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và là nơi hai bên đang bàn vòng 5 để phân định. Giàn khoan mới này nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc từ 50 - 60 hải lý”, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm thông tin.
Theo ông Đạm, tọa độ giàn khoan "Nam Hải số 9" thuộc đảo Nam Du Lâm, cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý về phía Trung Quốc. Tại khu vực này, cách đây 5-6 năm, Trung Quốc cũng đã đặt 3-4 giàn khoan và đã khoan dầu khí. “Việc Trung Quốc kéo thêm giàn khoan tới đây cũng bình thường", ông Đạm nói thêm.
"Nam Hải số 9" được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (Hàn Quốc) năm 1988 và hiện thuộc sở hữu của Công ty Dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL) thuộc CNOOC. Giàn khoan bán chìm này dài 100 m, rộng 78 m, nặng 21.741 tấn (giàn khoan Hải Dương 981 dài 114 m, rộng 90 m, nặng 31.000 tấn), có khả năng hoạt động ở những vùng biển sâu 1.500 m. Khả năng khoan tối đa của nó đạt 7.600 m.
Ngày 1/5/2014,
Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí di chuyển
từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.
Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15.2958 vĩ
bắc - 111.1206 kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của
Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải
lý.
Trung Quốc lại đưa thêm giàn khoan thứ 2 Nam Hải số 9 vào cửa vịnh Bắc Bộ - nơi
hai nước đang bàn để phân định. Vị trí hạ đặt cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam
130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý./ Nguyễn
Vũ
++++++++++++++++++++
VnEpress Tứ tư, 16/7/2014 | 07:24 GMT+7
Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam
7h sáng 16/7, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển khỏi vị trí cũ khoảng 37 hải lý, tiến về phía đảo Hải Nam. Các lực lượng Trung Quốc cũng dần rút khỏi vùng biển Hoàng Sa.
Trao đổi với VnExpress sáng 16/7, Tư lệnh Cảnh sát biển, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 đang di chuyển với vận tốc trên 4 hải lý mỗi giờ.
"Để đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến được đảo Hải Nam, Trung Quốc phải mất khoảng 2 ngày di chuyển", tướng Đạm nói.
Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Tối qua, sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quan sát trên thực địa cuối ngày 15/7, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện giàn khoan này di chuyển được khoảng 8 hải lý.
Lực lượng kiểm ngư cũng ghi nhận, giàn khoan Hải Dương cùng các tàu hộ tống có dấu hiệu dịch chuyển lúc 21h ngày 15/7, về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).
"Cơn bão Thần Sấm đang vào biển Đông có thể là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc rút giàn khoan", Tư lệnh Cảnh sát biển nhận định.
Ông Đạm cũng cho biết, "lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn theo dõi mọi hoạt động của giàn khoan, bảo vệ vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc. Đồng thời lên kế hoạch tránh bão".
Việc Trung Quốc điều giàn khoan 981 ra Biển Đông xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và gây trở ngại cho tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp. Ảnh: China News. |
Theo Xinhua, giàn khoan Hải Dương 981 ngừng hoạt động sau khi khoan hai giếng và phát hiện dấu hiệu có dầu khí. Nó sẽ được di chuyển về địa điểm của dự án mang tên Hainan Lingshui. Hiện chưa rõ vị trí của dự án tiếp theo mà Hải Dương 981 sẽ định vị. Lingshui là một vùng nằm ở phía nam đảo Hải Nam.
Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc không nói rõ trữ lượng ước tính, chỉ cho biết sẽ "đánh giá các số liệu thu được và quyết định các bước tiếp theo".
Bão Rammasun, theo tiếng Thái nghĩa là "Thần Sấm", được cho là mạnh nhất kể từ siêu bão Haiyan hồi năm ngoái, có cường độ gió giật 150 km/h vừa đổ bộ vào đảo Luzon (Philippines) chiều tối 15/7 khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán và Manila báo động đỏ. Đường đi của Thần Sấm được dự báo sẽ sượt qua vùng biển Hoàng Sa.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, công tác tại Học viện Quốc phòng Australia, từng bình luận trên VnExpress rằng Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển.
"Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang", ông nhận định.
Hoàng Thùy - Vũ Hà
++++++++++++++++++++
VnEpress Thứ bảy, 24/5/2014 | 10:59 GMT+7
Carl Thayer: 'Các cơn bão sẽ cho Trung Quốc cơ hội xuống thang'
Nhà phân tích hàng đầu về Biển Đông đánh giá việc triển khai giàn khoan 981 của Trung Quốc phải đối mặt với chi phí khổng lồ, thời tiết khắc nghiệt, và những cơn bão có thể cho Trung Quốc một lý do để rút đi.
GS Carl Thayer. Ảnh: CSIS |
Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, từng công tác tại Học viện Quốc phòng Australia, bình luận rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam ở Hoàng Sa là việc chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên việc duy trì giàn khoan cùng hàng trăm tàu hộ tống là việc vô cùng tốn kém. Ông Thayer dự đoán có vẻ như Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển.
"Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang", ông nhận định.
Thayer cho rằng nếu Trung Quốc thực sự muốn khoan dầu, họ sẽ đánh dấu vị trí giếng dầu sau khi giàn khoan khổng lồ này được đưa đi. Đồng thời Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các tàu hải cảnh ở khu vực được cho là có dầu.
Về kịch bản tiếp theo, ông Thayer dự đoán Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc lập một vùng nhận dạng phòng không giới hạn phía trên đảo Hải Nam và quần đảo Trường Sa nhằm thiết lập thẩm quyền của cái gọi là thành phố Tam Sa.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã đề cập và có thể sử dụng các biện pháp pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc. Philippines cũng từng ở trong tình huống tương tự và đã nộp hồ sơ lên Tòa án trọng tài quốc tế, nhằm đề nghị tòa tuyên bố yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc là không hợp pháp. Ông Thayer cho rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines.
"Vụ kiện của Philippines rất khôn khéo, không trực tiếp thách thức Trung Quốc mà đưa ra câu hỏi về những quyền của Philippines theo luật quốc tế. Nói cách khác, Philippines xem xét mình có quyền với vùng biển thuộc lãnh thổ, khu vực chồng lấn, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế hay không", Thayer phân tích.
Philippines cũng đưa yêu cầu về xác định tình trạng pháp lý của những thực thể (features) bị Trung Quốc chiếm giữ, là những quần đảo, đá hoặc thực thể nổi khi thủy triều xuống thấp theo luật quốc tế. Nếu bất kỳ thực thể nào không phải là quần đảo hay đá theo luật quốc tế, chúng hình thành nên phần thềm lục địa của Philippines, Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền với những thực thể đó.
"Do vậy, tôi nghĩ lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam lúc này là ủng hộ Philippines", ông nói.
Về những tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 tại Myanmar và Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2014 tại Philippines, ông Thayer nhận xét ông Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt bài phát biểu đanh thép, cho thấy rõ những hành động của Trung Quốc là mối đe dọa lớn cho hòa bình và an ninh trong khu vực.
"Việt Nam phải tiếp tục đưa vụ việc này ra cộng đồng quốc tế, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập. Việt Nam có thế đứng vững chắc, với điều kiện không bị khiêu khích bởi Trung Quốc".
Ông Thayer nhấn mạnh vai trò quan trọng của một số nước trong ASEAN như Indonesia, Malaysia và Singapore. Các nước này đều lo lắng trước hành động hung hăng quyết đoán của Trung Quốc và thể hiện sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao với Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, ông cũng nhận xét rằng họ lại không muốn ASEAN can dự trực tiếp vào xung đột với Trung Quốc.
"Việt Nam và Philippines là hai nước ở tiền tuyến trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông", chuyên gia nói. "Sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines mới đây là một bước đi rất tích cực".
Việt Anh (thực hiện)
+++++++++++++++++
TQ 'chia ô bàn cờ' ở Biển Đông
Lý do nào mà dù không có dầu tại đó, TQ vẫn quyết định hạ đặt giàn khoan khổng lồ cần chi phí tới 320.000 USD/ngày để duy trì hoạt động?
Tàu phòng vệ bờ biển TQ ở gần khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép Hải dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của VN. Ảnh: telegraphindia |
Trong khi ra yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông, TQ đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của các nước gồm Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản. Đầu tháng 5, TQ đã hạ đặt giàn khoan nước sâu với giá cả tỉ USD ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Không có dầu ở khu vực mà TQ quyết định đặt giàn khoan khổng lồ cần chi phí tới 320.000 USD/ngày để duy trì hoạt động.
Về bề nổi, công ty dầu khí TQ CNOOC - sở hữu giàn khoan nói trên đưa ra quyết định triển khai giàn khoan có thể là với mục tiêu tìm dầu và khí. Tuy nhiên, đưa giàn khoan ra khu vực thuộc vùng biển của VN thì động cơ không chỉ đơn thuần như vậy. Quyết định ấy ẩn chứa từ nhiều lý do địa chính trị hơn là nguồn năng lượng.
Đóng dấu tuyên bố chủ quyền
TQ có mục tiêu rõ ràng là "đóng dấu" chủ quyền cũng như tăng cường cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của họ bằng cách thiết lập một thực thể ở vùng tranh chấp mà TQ quen gọi là "lãnh thổ xanh".
Họ đã điều động hàng trăm tàu thuyền cùng máy bay để bảo vệ giàn khoan. VN đã đưa ra những hình ảnh video cho thấy tàu TQ đâm va, làm hư hại tàu VN, dùng vòi rồng áp lực cao tấn công tàu VN, thậm chí còn đâm chìm một tàu cá VN.
Giàn khoan dầu vẫn ở nguyên vị trí, các kỹ thuật viên TQ bắt đầu công việc khoan dầu. Nhưng mùa mưa sắp bắt đầu và có thể vào tháng 8 hay tháng 9, TQ sẽ rút giàn khoan.
TQ tiếp tục tiến thêm bước này và lần này là với giàn khoan Nam Hải số 9 đi qua Biển Đông và hướng tới Reed Bank - khu vực có thể có trữ lượng dầu khí phong phú, nằm ở vùng nước tương đối nông giữa Philippines và chục đảo đá, bãi ngầm tạo thành quần đảo Trường Sa.
Manila đã cho phép một công ty Philippines là Philex Petroleum, bắt đầu khoan thăm dò ở Reed Bank vào năm 2015.
10 nước thành viên ASEAN đã bày tỏ sự quan ngại về các hành động đơn phương của TQ tại Biển Đông kể từ năm 1992. Sau đó, TQ và ASEAN đã nhất trí về DOC (Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông) năm 2002.
Hai bên cũng cam kết nỗ lực hành động hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên không có nhiều tiến triển kể từ đó tới nay.
Trước việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của VN, VN đã kiên trì đường lối đàm phán hướng tới giải pháp hòa bình.
VN đang cân nhắc hành động pháp lý kiện TQ ra tòa án quốc tế. Điều này sẽ chắc chắn đi ngược lại với ý đồ của TQ khi Bắc Kinh khăng khăng đàm phán song phương với cá nhân từng nước để giải quyết tranh chấp. Giới phân tích gọi là chiến thuật "cắt lát" cổ điển.
Những hành xử gần đây của TQ đã khiến Mỹ phải lên tiếng gọi đó là "hành động khiêu khích". Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuyển tải sự phản đối này tới ông Phòng Phong Huy - Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ. Ấn Độ cũng bày tỏ sự quan ngại và nhấn mạnh đến sự cần thiết của duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tại sao TQ lại quyết định hành xử khiêu khích tại Biển Đông trong lúc này? Nó dường như là một nước cờ tính toán để "đóng dấu" tuyên bố chủ quyền với cả vùng biển và cũng là phép thử phản ứng của VN, Phillippines, ASEAN cũng như cả cộng đồng quốc tế.
Chính hành xử của TQ đang làm thay đổi nhận thức quốc tế từ tuyên bố "trỗi dậy hòa bình của TQ". Phần lớn các nước trong khu vực ngày càng nhận thấy rõ TQ đang trở nên quả quyết hơn, gây hấn hơn trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng.
Điều này tạo ra sự bất an ở châu Á - Thái Bình Dương, khiến các quốc gia tạo lập một lực lượng để đối mặt với cách hành xử nguy hiểm của TQ.
Nguy cơ hiểu nhầm có thể bùng nổ thành xung đột lớn. Cuộc tìm kiếm một cấu trúc an ninh ổn định tại châu Á thực sự là con đường dài chông gai phía trước.
Thái An(Theo telegraphindia)