VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG - THỨ SÁU 20 MAY 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel J. Kritenbrink: Tầm nhìn chung về An ninh hàng hải ở Biển Đông; VN khẳng định ủng hộ DOC và COC (*)
An ninh hàng hải ở Trục tứ giác “mặt xích Biển Đông”. Mũi tên xanh: trục tung từ Natuna Indonesia đến Cao Hùng Taiwan, trục hoành từ Đà Nẵng đến Subic Manila. Bản dồ minh họa khu vực an ninh chiến lược Biển Đông của VHO dựa theo Google map.
BBC 17/5/2022
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN được phía Mỹ đánh giá là thành công lớn với việc ra Tuyên bố Tầm nhìn chung và kỳ vọng cho quan hệ đối tác Mỹ - Việt trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN được tổ chức tại Washington DC từ ngày 12 - 13/5.
Là người trực tiếp tham gia hội nghị, Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel J. Kritenbrink đánh giá hội nghị "là một thành công lớn".
"Đây là hội nghị thượng đỉnh [gặp mặt trực tiếp] lớn nhất của chính quyền Biden-Harris cho đến nay."
"Chúng tôi tin rằng hội nghị thượng đỉnh lần này đã thể hiện toàn bộ chiều rộng và chiều sâu của mối quan hệ nền tảng của chúng tôi với ASEAN qua hai ngày diễn ra," ông phát biểu trong cuộc họp báo do Trung tâm Truyền thông Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ (U.S. Department of State's Asia Pacific Media Hub) tổ chức và văn bản ghi lại công bố cho báo chí hôm 17/05.
Ông Kritenbrink cũng nhấn mạnh điều mà ông gọi là "động lực cốt lõi" cho mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ - ASEAN là hơn 7 triệu người Mỹ hiện có những ràng buộc về gia đình và di sản lịch sử với các quốc gia Đông Nam Á.
Hợp tác giáo dục được xem là kênh tăng cường quan hệ giữa người dân thông qua nghiên cứu và đào tạo.
Nó được thể hiện qua việc các trường đại học của Mỹ tham gia ngày càng nhiều vào các quốc gia Đông Nam Á.
Ông Kritenbrink nhắc đến việc Tập đoàn Tài chính Phát triển (The Development Finance Corporation) và Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), đã ký một thỏa thuận tài chính trị giá 37 triệu USD cho cơ sở mới của FUV tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Về Tuyên bố Tầm nhìn chung giữa Hoa Kỳ và ASEAN được đưa ra sau hội nghị, Edgard D. Kagan, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Joe Biden về Đông Á và châu Đại Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đánh giá:
"Đây là một tuyên bố quan trọng phản ánh các lĩnh vực mà Hoa Kỳ và ASEAN đã tăng cường hợp tác; chúng tôi đã tiếp tục điều chỉnh tầm nhìn của mình; và điều đó cũng phản ánh rằng chúng tôi đang tiến tới và tăng cường các mối quan hệ đó trong tương lai."
Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel J. Kritenbrink cho rằng hội nghị thượng đỉnh là cơ hội cho thủ tướng Việt Nam gặp gỡ giới lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ.
Tại hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã phát biểu tại mọi phiên họp, và đề cập đến nhiều vấn đề như chống biến đổi khí hậu, chống lại sự lây lan của Covid-19 và các vấn đề liên quan đến hàng hải, ông Kritenbrink cho biết.
Bên cạnh các hoạt động của hội nghị, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đề cập đến các sự kiện được Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức với các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó có cả Việt Nam.
"Đây thực sự là một dịp kỷ niệm quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ, và tôi nghĩ rằng Thủ tướng đã trình bày thực sự hùng hồn tầm nhìn của mình về những gì Việt Nam đang cố gắng đạt được, và những gì Hoa Kỳ và Việt Nam cùng cố gắng đạt được, bao gồm cả việc tiếp tục giải quyết hiệu quả các di sản của quá khứ trong khi chúng tôi tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác hướng tới tương lai này," ông nói.
"Và một lần nữa, cũng như đối với chính ASEAN, chúng tôi rất kỳ vọng tương lai mối quan hệ đối tác với Việt Nam."
Nhắc đến cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tiệc chiêu đãi ở Tòa Bạch Ốc, ông Kagan cho rằng hai bên đã có "các cuộc trò chuyện rất thẳng thắn" và là dịp để tổng thống Mỹ "tăng cường quan hệ song phương với các nước trong khu vực".
Vấn đề Biển Đông
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel J. Kritenbrink cho biết an ninh hàng hải, cụ thể là trên Biển Đông, là một trong những chủ đề chính và tập trung trong suốt hội nghị.
"Chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Biển Đông," ông bình luận.
"Chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo rằng chìa khóa để duy trì hòa bình, an ninh, và ổn định trong khu vực là đảm bảo rằng tất cả các tranh chấp và mọi hành vi đều được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.
"Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ của chúng tôi đối với tự do hàng hải và hàng không.
"Chúng tôi cũng tuyên bố ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố năm 2002 về Ứng xử của các bên, và chúng tôi cũng ủng hộ một môi trường có lợi cho quy tắc ứng xử trên Biển Đông trong khi nhấn mạnh rằng bất kỳ quy tắc ứng xử nào cũng phải phù hợp với luật pháp quốc tế," ông Kritenbrink kết luận.
Vị trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng cho biết, tại hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã nói đến nhiều vấn đề, trong đó có "thúc đẩy các nguyên tắc chung về các vấn đề liên quan đến hàng hải".
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính dường như không trực tiếp nói đến Biển Đông, như những gì ông Kritenbrink tường thuật trong buổi họp báo.
Ông Kagan thì cho rằng Hoa Kỳ và ASEAN có quan điểm rất giống nhau về nhiêt mặt trên Biển Đông, thông qua việc đưa ra một tuyên bố chung, trong đó đề cập "rất rõ ràng về các giá trị và nguyên tắc cơ bản", được đánh giá là "khá tích cực".
"Chúng tôi tin rằng Tuyên bố Tầm nhìn chung thực sự toàn diện, mang tính chiến lược và thực sự thể hiện sự hội tụ lợi ích giữa Hoa Kỳ và ASEAN," ông Kritenbrink bổ sung. (theo BBC)
(*) Tựa và bản đồ minh họa do VHO.
XEM THÊM:
Ai chiếm được Hoàng Sa, Trường Sa, người đó làm chủ Biển Đông
COC: Đánh Giá Bản Khung của ASEAN và TQ về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông
Cam Bốt khuyến khích ASEAN và TC đạt được COC”; trong lúc VN thúc đẩy COC
Pnom Pênh:VN khẳng định ủng hộ DOC và COC (*)
VOA 19/05/2022
Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) vào ngày 18/5/2022 tại Nam Vang.
An ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nước trong khu vực và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ông Hoàng Xuân Chiến, nói tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) tại Nam Vang ngày 18/5/2022.
Trong bài phát biểu tại hội nghị diễn ra ở Pnom Penh trong hai ngày 17-18/5, đại diện của Việt Nam đề cập đến sự cần thiết phải tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh việc sớm ký kết hiệp ước “thiết thực và hiệu quả” là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
“Việt Nam nhất quán theo đuổi giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Chiến nói.
Đề cập đến những diễn biến phức tạp mới liên quan đến các vấn đề an ninh truyền thống và những thách thức an ninh phi truyền thống, đại diện của Việt Nam khẳng định về đường lối “đối ngoại độc lập” cùng với việc đa phương hóa, đa dạng hóa mối quan hệ và mong muốn các nước giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hội nghị ADSOM+ năm nay do Campuchia chủ trì, với sự tham gia của các quan chức quốc phòng hàng đầu đến từ các nước thành viên ASEAN và từ Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ cũng như đại diện từ Ban Thư ký ASEAN.
Tại hội nghị, đại diện các nước cũng thảo luận về sự hợp tác hiện tại của khối, xem xét các sáng kiến mới cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM), các văn kiện sẽ đệ trình lên ADMM và ADMM + để thông qua vào năm 2022, trong đó bao gồm các sáng kiến mới, Tuyên bố Tầm nhìn Phnom Penh về vai trò của các cơ quan quốc phòng ở các nước ASEAN trong việc hỗ trợ công tác khôi phục hậu COVID-19, và tuyên bố chung ADMM và ADMM +.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Chiến nói việc tổ chức trực tiếp các hội nghị, trong đó có ADSOM và ADSOM+, tạo điều kiện hơn cho các nước tham gia có cơ hội chia sẻ quan điểm về vấn đề cùng quan tâm. Ông Hoàng Xuân Chiến cũng thông báo về việc Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị thường niên Mạng lưới Trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN) vào tháng 9 này.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã có cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Tsuchimichi Akihiro bên lề ADSOM. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đồng thời hợp tác chặt chẽ để hoàn thành vai trò đồng chủ tịch nhóm công tác của các chuyên gia ADMM+ về các hoạt động gìn giữ hòa bình giai đoạn 2021-2023.
(*) Tựa do VHO đặt