Cựu thứ trưởng Nguyễn Đình Bin kiến nghị xây tượng đài về VNCH bảo vệ Hoàng Sa

08 Tháng Tư 20229:38 SA(Xem: 3742)

VĂN HÓA ONLINE –BIỂN ĐÔNG-HS TS - THỨ SÁU 08 APRIL 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Cựu thứ trưởng Nguyễn Đình Bin kiến nghị xây tượng đài về VNCH bảo vệ Hoàng Sa

image008

NHỮNG TRÒ ẢO THUẬT QUỐC TẾ?


Cựu thứ trưởng Nguyễn Đình Bin kiến nghị xây tượng đài về VNCH bảo vệ Hoàng Sa


VOA 15/03/2022


image009Người dân Việt Nam tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa tại một số địa điểm công cộng dù chưa có tượng đài chính thức.


Một cựu thứ trưởng ngoại giao của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vừa nêu kiến nghị với chính quyền hãy ghi công và xây tượng đài tương xứng về sự kiện binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa cố gắng chống Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 1/1974.


Ông Nguyễn Đình Bin, 78 tuổi, cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, viết hôm 15/3 trên Facebook cá nhân có đông người theo dõi rằng ông “thiết tha kiến nghị” Đảng Cộng sản cầm quyền và nhà nước “truy phong Liệt sỹ và khen thưởng xứng đáng” các quân nhân và viên chức của Việt Nam Cộng Hòa “đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc” trong trận hải chiến ngày 19/1/1974.


Khi đó, Trung Quốc điều nhiều tàu tiến hành cưỡng chiếm những đảo thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa ở quần đảo Hoàng Sa. Hải quân VNCH đã chống trả nhưng không giữ được. Trong trận hải chiến này, 74 quân nhân VNCH tử trận. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa từ đó đến nay.


VNCH ở miền Nam Việt Nam chấm dứt tồn tại từ ngày 30/4/1975 sau khi quân đội của Việt Nam cộng sản chiếm Sài Gòn, giành thắng lợi chung cuộc trong Chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1976, nước Việt Nam thống nhất có tên chính thức mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Gọi những quân nhân VNCH đã hy sinh khi cố gắng bảo vệ Hoàng Sa là “những người con đích thực của Dân tộc Việt Nam”, cựu Thứ trưởng Bin đề nghị Hà Nội áp dụng chính sách về người có công hiện hành đối với họ và thân nhân, cũng như với “tất cả sĩ quan, binh lính, viên chức khác của chính quyền VNCH và đồng bào miền Nam đã có công tham gia phục vụ cuộc chiến đấu lịch sử này”.


Vị thứ trưởng đã nghỉ hưu năm 2008 cũng kiến nghị chính quyền cấp quốc gia “xây dựng Tượng đài xứng đáng về sự kiện lịch sử này tại thành phố Đà Nẵng”.


“Làm việc này còn để khẳng định dứt khoát chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, rất cần thiết trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay”, ông Bin nhấn mạnh.


Kiến nghị của cựu Thứ trưởng Bin được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm và làm lễ tưởng niệm 64 quân nhân Việt Nam hy sinh khi chống Trung Quốc đánh chiếm đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa hồi ngày 14/3/1988. Việt Nam mất Gạc Ma trong trận này.


Lưu ý đến bối cảnh “nhà cầm quyền độc tài Nga đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trắng trợn chống lại nước láng giềng anh em Ukraina” và “Trung Quốc […] càng ra sức diễu võ, dương oai, tiếp tục xúc tiến tham vọng độc chiếm Biển Đông”, vị cựu thứ trưởng ngoại giao cho rằng Đảng Cộng sản và nhà nước “phải đổi mới tư duy, có những hành động quyết liệt, thể hiện quan điểm rõ ràng, bản lĩnh cần thiết” nhân kỷ niệm hai cuộc hải chiến Hoàng Sa và Gạc Ma.


Ông Bin cũng chỉ ra rằng Tượng đài Tưởng niệm Liệt sỹ Gạc ma, đã được khánh thành năm 2017 ở Khánh Hòa; và Khu Tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, bị bỏ dở từ 2016 đến nay; đều là công trình “hoàn toàn của dân, do dân”.


Từ đó, ông kiến nghị nhà nước “xây dựng Tượng đài xứng đáng tưởng niệm các Liệt sỹ Gạc Ma và các người con đã anh dũng hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa tại thành phố Nha Trang”, ngoài ra, cũng cần xây dựng các tượng đài xứng đáng “đặt tại Thủ đô Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh” để tưởng niệm “tất cả đồng bào ta, dù ở bên này hay bên kia, đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh đã diễn ra trên đất nước ta hơn một thế kỷ qua”.


Nhìn rộng hơn, vị cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, người cũng từng kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, đề nghị đảng cầm quyền và nhà nước “chấm dứt chính sách phân biệt đối xử, thực hiện chính sách xã hội hiện hành đối với cả các thương, phế binh, viên chức cũ của chính quyền VNCH và thân nhân”.


Dưới góc nhìn của ông Bin, khi thực hiện các kiến nghị nêu trên, việc làm đó “sẽ lay động mọi trái tim Việt, khơi dậy và thổi bùng nhiệt huyết yêu nước, tình nghĩa đồng bào, góp phần hòa giải, hòa hợp, hàn gắn vết thương dân tộc”.


Ông nhận định rằng nếu làm được như vậy, người Việt ở trong cũng như ngoài nước sẽ thành một khối, đồng lòng sát cánh, đưa Việt Nam phát triển mạnh và bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của quốc gia.


“Chỉ khi nào toàn Dân với Đảng và Nhà nước trở thành một khối ý chí thống nhất thì mới thành công thật sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông kết luận trong bản kiến nghị của mình.


Theo quan sát của VOA, gần 270 người lan tỏa thông điệp của cựu Thứ trưởng Nguyễn Đình Binh bằng chức năng share của Facebook, thu hút hàng trăm lời bình luận ủng hộ.


Ở thời điểm tin này được đăng tải, chưa có phản ứng chính thức từ nhà nước Việt Nam về các kiến nghị của nhà ngoại giao kỳ cựu đã nghỉ hưu.


+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Lần đầu tiên, Thủ tướng CsVN tới tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma


+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Chính phủ Mỹ nói gì sau trận Hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974


(battle of Paracel islands)


By chientranh Last updated Jan 21, 2022


https://chientruongvietnam.com/2022/01/20/chinh-phu-my-noi-gi-sau-tran-hoang-sa-ngay-19-1-1974-battle-of-paracel-islands/


Dựa theo các tài liệu đã giải mật của Hoa Kỳ, ở đây tóm lược các phản ứng, cái nhìn và đặc biệt là Chính phủ Mỹ nói gì sau trận Hoàng Sa ngày 19/1/1974 battle of Paracel islands 1974


Dựa trên thông tin do báo BBC đã tổng kết và lược dẫn thêm các tài liệu đã giải mật của chính phủ Mỹ cho ta thấy lập trường và những điều mà chính phủ Mỹ nói gì sau trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974battle of Paracel islands 1974


o    Ngày 21/1/1974

Sau khi Trung Quốc đã kiểm soát được toàn bộ Hoàng Sa, báo cáo của CIA ngày 21/1 thừa nhận thông tin về diễn biến cuộc đụng độ vẫn “vô cùng sơ sài”. Báo cáo này phân tích căng thẳng bắt đầu từ tuyên bố tháng Chín 1973 của Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.


“Ban đầu Bắc Kinh bỏ qua tuyên bố này, nhưng đến ngày 11/1, họ phản ứng bằng tuyên bố bộ ngoại giao tái khẳng định chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa và Bãi Macclesfield.”


“Lần đầu tiên, Bắc Kinh cũng chính thức đòi chủ quyền với “tài nguyên tự nhiên ở vùng biển xung quanh” các đảo.


“Cùng lúc này, Trung Quốc cũng đưa một số ngư dân đến nhóm đảo Nguyệt Thiềm, nơi mà theo phía Nam Việt Nam, những người này dựng lều và cắm cờ Trung Quốc.”


“Vào lúc này, Sài Gòn chuyển hướng chú ý từ Trường Sa sang Hoàng Sa.”


Báo cáo nói Sài Gòn đưa hải quân ra Nhóm Nguyệt Thiềm, khiến các ngư dân Trung Quốc phải rút đi. CIA nói Trung Quốc “rõ ràng đã có chuẩn bị” cho diễn biến này.


“Sau khi Nam Việt Nam bắn vào ngư dân Trung Quốc trên đảo Quang Hòa ngày 16/1, Trung Quốc đưa các đơn vị quân đội hướng về nam, can thiệp bằng lực lượng bộ binh và hải quân khá lớn, cùng với không kích,” 


Ngày 23 tháng 1 năm 1974


Tại trụ sở bộ ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Henry Kissinger gặp ông Han Hsu, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Washington. Ông Kissinger nói chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đang đưa nhiều thư phản kháng lên các tổ chức quốc tế như SEATO và LHQ.


“Chúng tôi không dính líu đến các phản kháng đó,” Ngoại trưởng Kissiger nói.


Ông nói thêm: “Hoa Kỳ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này.”


Ngày 25 tháng 1 năm 1974


Tại Washington đã diễn ra cuộc họp do Henry Kissinger làm chủ tọa. Tham dự gồm có Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Kenneth Rush và tùy viên Monteagle Stearns;


  • Về phía Bộ Quốc Phòng có Thứ trưởng bộ Quốc Phòng William P. Clements và đô đốc Raymond Peet – phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng;
  • Về phía Bộ Tham Mưu có đô đốc Thomas H. Moorer – Tham mưu trưởng và phó đô đốc John P. Weinel;
  • Về phía CIA có: giám đốc CIA William Colby và nhà phân tích CIA ở Sài Gòn Bob Layton
  • Về phía Hội Đồng An Ninh Quốc Gia có: M/G Brent Scowcroft, Charles C. Cooper, William R. Smyser, William Stearman, trung tá Donald Stukel và James G. Barnum


Thứ trưởng Ngoại Giao Kenneth Rush: Điều tôi lo lắng là tác động tâm lý ở Cambodia khi chúng ra đã không hỗ trợ họ


Ngoại trưởng Kissinger: Nghĩ đến vấn đề tác động tâm lý ở vùng Đông Nam Á. Đó thật sự là thảm họa. Vấn đề đảo Hoàng Sa ảnh hưởng đến Nam Việt Nam ra sao?


Đô đốc Moore: Chúng ta đã tránh khỏi khu vực đó


Ngoại trưởng Kissinger hỏi lại: “Chúng ta chưa bao giờ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của họ [Nam Việt Nam]?”


Đô đốc Moorer trả lời: “Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa và các đảo khác có cùng vấn đề – đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó. Đó là chính sách của chúng ta, đúng chứ?


Ông Kissinger hỏi “Ai khởi đầu trận chiến ở Hoàng Sa?”


Ngoại trưởng Kissinger: Đảo này là gì? Đảo Hoàng Sa? (Ông đưa tay trên bản đồ) (1)


Đô đốc Moore: Không, Nó là đảo Trường Sa, nằm ở phía Nam của đảo Hoàng Sa


Giám đốc CIA Colby: Vấn đề là ai cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo này


Ngoại trưởng Kissinger: Chúng ta chưa từng chú ý đến đảo này à?


Kenneth Rush: Đảo này đã bị chiếm đóng?


Monteagle Stearns: Vâng, tôi nghĩ là có đội trú phòng ở trên đó


Kenneth Rush: Quân đội của ai?


Monteagle Stearns: Tôi nghĩ là quân đội của Philippines


Kissinger: Ai đã khơi mào trận chiến Hoàng Sa ?


Đô đốc Thomas H. Moorer mô tả: “Một đội tuần tra của Nam Việt Nam trong khu vực phát hiện một số tàu Trung Quốc tiến về các đảo; họ tiến đến và đưa khoảng 75 người lên đảo Duncan (Quang Hòa). Đó là một trong các đảo phía nam của nhóm Nguyệt Thiềm.


“Họ phải đối đầu với hai đại đội Trung Quốc. Phía Nam Việt Nam phải rút sang các đảo gần đó.


“Bốn tàu Nam Việt Nam và khoảng 11 tàu Trung Quốc sau đó có trận hải chiến trong khi quân Nam Việt Nam rút lui. Trung Quốc đã thường xuyên cho máy bay MIG tuần tra mỗi ngày”.


Colby: Vấn đề nằm ở đảo Hoàng Sa. Có 2 nhóm đảo ở đó với nhóm Nguyệt Thiềm ở phía Nam và nhóm đảo An Vĩnh ở phía Bắc.


Kissinger: Phản ứng của Bắc Việt ra sao?


Colby: Họ lờ đi, họ nói rằng vấn đề nằm ở phía Nam của vĩ tuyến 17, do đó không ảnh hưởng đến họ. Họ không đưa ra quan điểm hay lập trường gì và chẳng đứng về phía nào.


Kissinger: Có thể họ chẳng vui lắm. Họ đã chẳng nói gì. Ông cảm thấy họ sẽ nghĩ thế nào, ông Smyser?


Cố vấn an ninh quốc gia William R. Smyser: Đây là vấn đề tế nhị đối với họ. Họ sẽ chẳng nói gì cho đến khi mọi thứ kết thúc. Sau đó, họ sẽ nói rằng họ thất vọng về việc phải dùng vũ lực.


Kissinger: Tôi biết họ sẽ nói gì. Nhưng thực sự thì họ sẽ nghĩ về đều này như thế nào?


Đô đốc Moorer: Tôi nghĩ họ lo lắng.


Ông Colby: Bắc Việt có thể muốn có mỏ dầu tại đó.


Ông Clements [Thứ trưởng Quốc phòng]: Đừng quá mơ mộng về khả năng có dầu tại các đảo đó. Đó vẫn là chuyện trên trời. Hiện chẳng có gì ở đấy cả, chỉ là tương lai thôi. Hiện nay dầu hỏa ở đó không khả thi. Chỉ là tiềm năng.


Đô Đốc Moorer: Người Pháp nắm giữ các đảo trong thập niên 1930 cho đến khi Nhật chiếm trong Thế chiến. Năm 1955, người Pháp từ bỏ chủ quyền các đảo và Nhật đã làm như thế năm 1951. Nam Việt Nam và Trung Cộng kể từ đó cùng nhận chủ quyền. Philippines có tuyên bố yếu ớt, nhưng chỉ là trên giấy.”


Sau đó, Đô đốc Moorer xác nhận lại với Henry Kissinger: “Chỉ thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực.”


(1) Có lẽ ông ngoại trưởng Kissinger ú ớ chỉ lên bản đồ vị trí của quần đảo Hoàng Sa là ở tuốt dưới phía nam tức là quần đảo Trường Sa. Đô đốc Moore nói: Không, Nó là đảo Trường Sa, nằm ở phía Nam của đảo Hoàng Sa. Còn ông tùy viên Monteagle Stearns thì cho rằng “Tôi nghĩ là quân đội của Philippines”. (ú ớ).
25 Tháng Sáu 2022(Xem: 3815)
ẤN ĐỘ HÀNH ĐỘNG HƯỚNG ĐÔNG
10 Tháng Hai 2022(Xem: 3994)
CHÂU Á ĐẠI DƯƠNG RẬP RÌNH