VĂN HÓA ONLINE –BIỂN ĐÔNG-HOA ĐÔNG – CHỦ NHẬT 19 SEP 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
AUKUS: Tàu ngầm nguyên tử Joe Biden gây bão Paris
AUKUS:10 điều rút ra từ sự ra đời của Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh…
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, TT Joe Biden, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tham quan một tàu ngầm ở Sydney, Úc, tháng 5/2018. BRENDAN ESPOSITO POOL/AFP/File
Hoàng Anh Tuấn
15/9/2021
AUKUS có phiên âm khá thú vị (ô kis) - "Hôn nhau cái nào" - đến mức Tổng thống Biden cũng cảm thấy thích thú khi phát âm tên liên minh mới trong bài diễn văn đánh dấu sự ra đời của AUKUS.
Tuy nhiên, việc thành lập AUKUS thì hoàn toàn nghiêm túc, chả "lãng mạn" chút nào, là kết quả những nỗ lực thương lượng không ngừng nghỉ trong nhiều tháng trước đó của quan chức cấp cao 3 nước trước khi AUKUS chính thức ra đời ngày 15/9/2021 vừa qua.
Tạm rút ra 10 nhận xét nhanh từ sự ra đời của AUKUS như sau:
1. Liên minh, liên minh và liên minh. Đây là điểm nhấn và cũng là cách làm khác biệt của chính quyền Biden so với chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump. Từ sau khi lên cầm quyền, Biden đã lật ngược khá nhiều chính sách của người tiền nhiệm, tuy nhiên các thành tố của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thì hầu như được Chính quyền Biden giữ nguyên vẹn, chỉ có khác nhau về cách tiếp cận và cách thức thực hiện.
Nếu như Trump tìm cách đơn phương đối đầu trực diện với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, trong khi tạo sức ép liên tục đổi với các đồng minh thân cận như Nhật Bản, Nam Hàn ... thì Biden lại khéo léo xây dựng liên minh mới, củng cố liên minh cũ, thiết lập "cách chơi" là trật tự dựa trên cơ sở luật lệ và luật pháp quốc tế để "trói" không chỉ địch thủ, mà cả đồng minh lẫn đối tác, trong đó Mỹ đóng vai người "cầm cương", lãnh đạo.
Sự ra đời của AUKUS nằm trong bối cảnh Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến ưu tiên chiến lược an ninh, đối ngoại số 1 của mình là Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có việc củng cố các trụ cột của chiến lược đó là QUAD (Nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), quan hệ của Mỹ với 5 đồng minh trong khu vực (Nhật Bản, Nam Hàn, Thái Lan, Philippines và Australia), quan hệ của Mỹ với ASEAN và các đối tác quan trọng như Indonesia, Việt Nam và Singapore...
2. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên an ninh, chiến lược và đối ngoại số 1 của Mỹ, vượt trên cả khu vực Trung Đông. Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung bài phát biểu của Tổng thống Biden, cũng như trong Tuyên bố chung của 3 nước đánh dấu sự ra đời của Hiệp định Đối tác AUKUS.
Và sự ra đời của AUKUS chính là nhằm thực hiện các mục tiêu chính sách được đề ra trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Tổng thống Biden nhấn mạnh: 3 nước phải có đủ khả năng thích ứng với môi trường chiến lược khu vực hiện nay cũng như các thay đổi trong tương lai. Và tương lai của 3 nước cũng như tương lai của thế giới phụ thuộc vào sự trường tồn và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong những thập kỷ sắp tới.
3. Lần đầu tiên chính quyền Biden đề cập chính thức và ở cấp cao các thứ bậc ưu tiên trong quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong chiến lược này, các liên minh hay quan hệ trong khuôn khổ đa phương được xếp ở hàng đầu, trong đó AUKUS vừa ra đời nhưng được xếp ngay vị trí đầu tiên, tiếp đó là ASEAN rồi đến QUAD. Trong quan hệ song phương, quan hệ với 5 đồng minh quân sự lâu đời (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia) được xếp ở vị trí đầu tiên, tiếp đó là các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rồi mới đến quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, nhưng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
4. Có thể nói không quá lời, AUKUS chính là liên minh quân sự chính thức và đa phương đầu tiên được hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái bình dương trong thế kỷ 21. Các liên minh quân sự ra đời trước đó ở khu vực là Hiệp định quân sự giữa 5 quốc gia FPDA, Five Powers Defense Agreement (gồm Anh, Australia, Brunei, Malaysia và Singapore), ra đời năm 1971, tức cách đây 50 năm. Và lần đầu tiên sau 67 năm kể từ khi tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) ra đời năm 1954, Mỹ mới khởi xướng và tham gia một liên minh quân sự đa phương mới ở khu vực.
Đây là bước đi đầu tiên và có thể khởi đầu cho sự ra đời tiếp theo của các liên minh an ninh - quân sự bán chính thức hoặc chính thức ở khu vực trong tương lai. Tháng 8/2021, tức chỉ 1 tháng trước khi AUKUS ra đời, các quan chức cấp cao của Nhóm Bộ tứ (QUAD) đã lần đầu tiên họp và thảo luận về hợp tác an ninh biển. Điều này là chỉ dấu cho thấy hợp tác trong QUAD đang có sự chuyển hướng, nhấn mạnh nhiều hơn đến các khía cạnh an ninh, đặc biệt là an ninh biển, trong hợp tác của mình.
5. An ninh biển là điểm nhấn, là ưu tiên quan trọng trong hợp tác giữa Mỹ và các nước khu vực, dù là trong khuôn khổ quan hệ song phương hay trong khuôn khổ đa phương như QUAD, AUKUS trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Cả 3 thành viên AUKUS đều là các cường quốc biển, có lợi ích gắn bó với việc giao thương và đi lại tự do trên biển. Việc tăng cường hợp tác hải quân, một thành tố quan trọng của hợp tác an ninh biển, sẽ giúp cả ba nước Mỹ, Anh và Australia tăng cường sức mạnh tập thể để đối phó có hiệu quả hơn với các thách thức đến từ biển.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Australia, một đất nước rộng lớn, có chiều dài gần 36.000 km bờ biển, tiếp giáp với hai đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có gần 80% dân số sống ở khu vực ven biển, trong khi Australia lại là quốc gia có tiềm lực hải quân yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất trong ba thành viên AUKUS.
6. Theo Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên AUKUS, Mỹ và Anh sẽ giúp Australia phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Vì tính chất nhạy cảm của công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nên trên thế giới Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ này cho nước Anh (điều này diễn ra cách đây 63 năm vào năm 1958, sau sự kiện Sputnik năm 1957) và giờ đây là Australia. Trước Anh và Australia, Mỹ chưa từng chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho bất kỳ quốc gia nào khác kể cả các đồng minh thân thiết trong khối liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Còn trên thế giới, các quốc gia muốn sở hữu công nghệ này thì tự mình phải mày mò nghiên cứu và phát triển.
Nếu việc chuyển giao công nghệ thành công, Australia sẽ là quốc gia thứ 7 trên thế giới (sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Pháp) sở hữu hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này sẽ giúp hải quân Australia vươn tầm hoạt động và tác chiến ra toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm này cũng thể hiện tính chất đặc biệt trong quan hệ liên minh Mỹ - Australia, cũng như trong liên minh ba bên AUKUS vừa mới ra đời.
Một vấn đề khác mà ba nước Mỹ, Anh và Australia cũng phải đối mặt làm sao việc chuyển giao công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân này không vi phạm các nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, không khuyến khích các quốc gia khác, như Iran chẳng hạn, phát triển vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy Tuyên bố chung của AUKUS đã nêu rõ Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân cho các tàu ngầm mới này. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để đưa ra câu trả lời vào lúc này là việc chuyển giao công nghệ này có vi phạm các quy định của IAEA hay thúc đẩy các nước khác chạy đua tìm kiếm công nghệ hạt nhân trên phạm vi toàn cầu hay không.
7. Sự ra đời của AUKUS, nhìn từ góc độ thương mại, còn là một thương vụ làm ăn lớn trị giá 66 tỷ USD (tương đương với 90 tỷ đô la Australia AUD). Đây là số tiền dự kiến Mỹ và Anh sẽ thu được để đổi lấy việc bán công nghệ và hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử cho Australia.
Hẳn mọi người còn nhớ, cách đây 5 năm Australia và Pháp đã ký một thương vụ lịch sử, theo đó Pháp sẽ đóng mới cho Australia 12 chiếc tàu ngầm động cơ Diesel trị giá 56 tỷ EUR (tương đương 90 tỷ AUD). Mọi công việc chuẩn bị đóng những chiếc tàu ngầm đầu tiên với Tập đoàn Hải quân (Naval Group) của Pháp gần như hoàn tất. Tuy nhiên, chính giới pháp và Naval Group đều "sững sờ" khi nghe tin AUKUS ra đời, còn Mỹ và Anh đã "nẫng" tay trên hợp đồng đóng tàu ngầm "béo bở" nói trên. Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian gọi hành động của Australia là "sự bội tín" và là "nhát dao đâm phía sau lưng nước Pháp". Tuy nhiên, Thủ tướng Australia cho rằng việc hủy hợp đồng với Pháp chẳng qua chỉ là sự thay đổi nhu cầu, do Australia mong muốn sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, điều mà Pháp không thể đáp ứng, còn Mỹ thì sẵn sàng chuyển giao công nghệ đó cho Australia.
Như vậy, việc phát triển hạm đội tàu ngầm hiện đại cho Australia không chỉ là câu chuyện tin cậy giữa 2 đồng minh thân tín lâu đời Mỹ và Australia, mà còn là sự cạnh tranh giữa Mỹ với một đồng minh thân cận khác là Pháp để phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ.
Dường như đã lường trước phản ứng của Pháp, nên trong diễn văn của mình, Tổng thống Biden đã tìm cách xoa dịu phía Pháp. Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng Pháp là quốc gia có sự hiện diện sâu rộng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc thúc đẩy thịnh vượng và an ninh ở khu vực. Biden hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Pháp trong tương lai.
Tuy nhiên, chừng đó là quá ít và quá muộn để xoa dịu đồng minh Pháp. Ngay trong ngày 17/9, BNG Pháp quyết định triệu hồi ngay lập tức Đại sứ của mình tại Canberra và Washington DC về nước. Le Monde, tờ nhật báo hàng đầu của Pháp, như tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi viết rằng: “Đối với bất kỳ ai còn nghi ngờ, Chính quyền Biden không khác gì Chính quyền Trump về điểm này: "Nước Mỹ trên hết", dù là trong lĩnh vực chiến lược, kinh tế, tài chính hay y tế. ‘Nước Mỹ trên hết’ là đường lối dẫn dắt chính sách đối ngoại của Nhà Trắng ”.
Điều này gợi nhớ lại quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Mỹ trong giai đoạn 1966-1967, khi nước Pháp của chính quyền Tổng thống De Gaulle "bực tức" về sự "lộng hành" của Mỹ trong NATO nên đã quyết định trục xuất Tổng hành dinh và các đơn vị của NATO ra khỏi đất Pháp.
8. Bộ ba Mỹ, Anh và Australia cũng kỳ vọng rằng sự ra đời của AUKUS sẽ giúp 3 nước thành viên đối phó tốt hơn với các thách thức an ninh mới, cũng như đem lại hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng lâu dài cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của họ, sự ra đời của AUKUS có thể tạo ra các bất ổn mới trong khu vực. Chắc chắn Trung Quốc sẽ theo dõi kỹ các hoạt động của AUKUS, cũng như Nhóm Bộ tứ để có các phản ứng thích hợp. Việc Trung Quốc là tâm điểm của QUAD, AUKUS hay Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng lại không được các nước liên quan nêu đích danh là việc làm có chủ ý. Một là, Mỹ và các nước liên quan không muốn "khiêu khích", kích động chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Hai là, tuy quan hệ với Trung Quốc đang được đẩy nhiều hơn về phía cạnh tranh chiến lược, nhưng Mỹ và phương Tây vẫn rất cần thị trường Trung Quốc, cần sự hợp tác của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, ngăn chặn việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và giết người hàng loạt, kiểm soát đại dịch Covid-19, khôi phục kinh tế thế giới sau đại dịch...
Tuy nhiên, sự ra đời của AUKUS, và đi cùng với nó là sự cạnh tranh chiến lược mới giữa các nước lớn có thể đưa đến một số hậu quả tiêu cực đối với khu vực, cụ thể là:
(i) Thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới, đầy tốn kém trong khu vực, đặc biệt là việc các nước trong khu vực tìm cách nâng cấp lực lượng hải quân và "săn lùng" việc sở hữu các thế hệ tàu ngầm mới, hiện đại của Mỹ và các nước phương Tây.
(ii) Các xung đột tiềm tàng và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực có thể được "khơi mào" và đẩy lên ở mức độ mới, cao hơn, nguy hiểm hơn so với trước, như tranh chấp ở khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ, tranh chấp ở Eo biển Đài Loan, ở Biển Đông, rồi căng thẳng trở lại trên Bán đảo Triều Tiên...
(iii) Cạnh tranh Trung - Mỹ có thể tạo ra sự bất ổn cho toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như sự phân cực về chính trị ngoại giao trong khu vực, khi một số nước ủng hộ, thân Trung Quốc, còn nhóm nước kia thì ủng hộ Mỹ. Điều này gợi nhớ đến sự phân cực ở khu vực châu Á Thái Bình Dương những năm 1960-1980 trong giai đoạn cao điểm cạnh tranh Mỹ - Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh.
9. Sự ra đời của AUKUS cho thấy hợp tác giữa Mỹ với các nước trong khu vực đang được đẩy rất mạnh theo hướng thể chế hóa, còn nội dung hợp tác thì thực chất hơn.
Về tính chất thể chế hóa, khác với các tổ chức khu vực khác ra đời trong thời gian gần đây, ngày ra đời của AUKUS đánh dấu bằng sự hiện diện của nguyên thủ quốc gia ba nước Mỹ, Anh và Australia cùng với bản Tuyên bố chung về sự ra đời của Hiệp định đối tác ba bên AUKUS.
Ngay trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden đã đích thân chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đứng đầu nhóm liên ngành của Mỹ gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng phối hợp cùng với các đối tác Anh và Australia trong một chương trình kéo dài 18 tháng để đánh giá toàn bộ các vấn đề liên quan: Từ đóng mới tàu chiến, chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đào tạo nhân lực, vận hành hệ thống chỉ huy, tác chiến đến việc xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến IAEA... với mục tiêu giúp Australia sở hữu được hạm đội tàu ngầm tiên tiến một cách tối ưu nhất. Điều này có nghĩa trong vòng 18 tháng tới sẽ có rất nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Năng lượng, cũng như các cuộc họp của các quan chức cấp cao giữa ba nước thành viên AUKUS để xử lý các vấn đề liên quan. Đó là chưa kể đến việc lãnh đạo cấp cao của AUKUS sẽ tận dụng mọi cơ hội để họp cấp cao trực tiếp, bên lề các hội nghị đa phương quan trọng có sự tham gia của ba nước này.
Nội dung hợp tác trong AUKUS không dàn trải, mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực hợp tác họ cần thúc đẩy và có thể đem lại được kết quả trong thời gian ngắn, đó là hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển với trọng tâm là giúp Australia xây dựng được một đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử trong thời gian ngắn.
Ngược lại về thời gian, trước khi AUKUS ra đời thì hợp tác trong Nhóm bộ tứ QUAD cũng được thúc đẩy theo chiều hướng đó. Về mức độ thể chế hóa, trong 13 năm sau khi ra đời, kế từ thời điểm 2007, hợp tác trong QUAD tiến triển rất chậm. Nhưng chỉ trong vòng 9 tháng qua kể từ khi Biden lên cầm quyền, QUAD đã có được cuộc họp cấp cao đầu tiên (dù dưới hình thức trực tuyến) ngày 12/3/2021 và chuẩn bị có cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên tại Washington DC vào ngày 24/9 tới. Và cũng như AUKUS, lần đầu tiên các quan chức cấp cao của QUAD đã họp để bàn về hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển lần đầu tiên vào tháng 8/2021 vừa qua.
Đây là những điểm đáng chú ý, nó cho thấy sự chuyển mình trong cách thức Chính quyền Biden theo đuổi việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Bình Dương trong thời gian tới, cũng như cách thức các nước trong khu vực điều chỉnh chính sách cho phù hợp với môi trường chiến lược bên ngoài đang thay đổi nhanh chóng.
10. Là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ra đời của AUKUS, sự tăng cường hợp tác của QUAD, mà còn đóng vai trò quan trọng vào mức độ thành, bại của các chiến lược này.
Nhìn trên bản đồ khu vực, ASEAN nằm ở vị trí địa-chiến lược quan trọng, ở tâm điểm của AUKUS, QUAD cũng như chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, không ngạc nhiên khi ASEAN được nêu đậm nét trong cả 3 cấu trúc an ninh khu vực mới, đặc biệt là QUAD và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Có ba lý do chính để ASEAN thu hút được sự quan tâm như vậy:
(i) Về mặt chiến lược, Đông Nam Á và các nước ASEAN án ngữ khu vực địa lý quan trọng, là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là giao cắt của các con đường biển quan trọng (nơi có hơn 40% tổng thương mại thế giới vận chuyển qua đây) nên an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á là điều có ý nghĩa tối quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản tấn công chiếm Hoàng Sa và Trường Sa trước, lấy hai quần đảo này làm bàn đạp từ đó kiểm soát toàn bộ tuyến đường biển khu vực và đánh chiếm toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Chuyện này cho thấy tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực Đông Nam Á và Đông Á ra sao.
(ii) Biển Đông là khu vực đang có những tranh chấp lãnh thổ phức tạp và là điểm nóng gây bất ổn tiềm tàng. Khu vực này không chỉ liên quan đến lợi ích an ninh sát sườn của các nước tiếp giáp với Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích của các cường quốc biển lớn trên thế giới, trong việc đảm bảo tự do lưu thông và tự do hàng hải, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
(iii) ASEAN còn là một thế lực kinh tế và chính trị trong khu vực mà không một cường quốc nào có thể bỏ qua. Với 670 triệu dân, ASEAN hiện là nền kinh tế có tổng GDP đứng thứ 5 thế giới (trên 3.200 tỷ USD), là khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và một dân số trẻ (1/2 dân số dưới 35 tuổi).
Về chính trị, ASEAN đóng vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế, diễn đàn khu vực có sự tham gia của tất cả các nước lớn, các trung tâm quyền lực quan trọng trên thế giới như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)...
Tất nhiên không phải bây giờ Đông Nam Á mới có vị trí và vai trò quan trọng như vậy. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Đông Nam Á là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa Liên Xô và Mỹ, và sự cạnh tranh này đã diễn ra cuộc chiến tranh nóng trên bán đảo Đông Dương kéo dài suốt hơn ba thập kỷ (1954 - 1975).
ASEAN hiện nay rõ ràng đã khác trước. ASEAN đã lớn mạnh, trưởng thành hơn và tích lũy khá nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các khác biệt giữa các nước lớn.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay có nhiều điểm khác trước và tính chất cạnh tranh Trung - Mỹ cũng khác xa so với cạnh tranh Xô - Trung trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Những điểm ASEAN cần và nên làm để "quản lý rủi ro" tốt nhất trong giai đoạn hiện nay là:
(i) Tích cực can dự nhiều hơn với các nước lớn liên quan, và yêu cầu họ minh bạch hóa càng nhiều càng tốt các ý đồ chiến lược đối với nhau, với khu vực và với ASEAN.
(ii) Tăng cường nội lực của mình về mọi mặt, đặc biệt là việc xây dựng lập trường chung đối với các vấn đề an ninh quan trọng và nhạy cảm đối với khu vực.
(iii) Tuyệt đối tránh chia rẽ, không để bên ngoài lợi dụng làm suy yếu ASEAN. Muốn vậy, trong nhiều trường hợp, các nước thành viên cần phải đặt lợi ích của cả khối cao hơn lợi ích quốc gia của từng nước thành viên./. (Hoàng Anh Tuấn)
Khủng hoảng tàu ngầm: Paris tiếp tục tố cáo các hành vi “dối trá”
RFI 19/09/2021
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lên án "dối trá" và nêu lên một "cuộc khủng nghiêm trọng" khi trả lời đài truyền hình France 2 tối 18/09/2021 về việc Úc hủy hợp đồng tầu ngầm với Pháp. © Ảnh chụp màn hình France 2
Trọng Nghĩa
Pháp vẫn chưa nguôi cơn giận sau vụ hợp đồng tàu ngầm bị Úc đơn phương hủy bỏ. Vào hôm qua, 18/09/2021, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nhắc đến một “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”, đồng thời lên án điều mà ông gọi là sự dối trá và bất tín, cũng như thái độ “khinh thường” từ phía các đồng minh của Pháp.
Quảng cáo
Trên đài truyền hình Pháp France 2, ngoại trưởng Le Drian đã giải thích việc triệu hồi các đại sứ Pháp tại Canberra và Washington bằng sự kiện “một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong chúng ta”, tức là giữa Pháp và các đồng minh.
Đối với ngoại trưởng Pháp, biện pháp triệu hồi đại sứ, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa Paris và Washington, “có tính biểu tượng rất cao”. Theo ông, đã có những hành vi “dối trá, lá mặt lá trái, phá vỡ nghiêm trọng lòng tin, khinh thường” cho nên mọi thứ đều không ổn.
Do vậy, theo ông Le Drian, nước Pháp đã triệu hồi các đại sứ của mình tại Úc và Mỹ “để hiểu rõ thêm vấn đề và cho các đối tác cũ của chúng ta thấy rằng chúng ta rất bất bình, rằng thực sự có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa chúng ta".
Năm 2016, Pháp đã ký một hợp đồng trị giá 90 tỷ đô la Úc (tương đương với 56 tỷ euro), để cung cấp cho Úc 12 tàu ngầm với động cơ diesel. Văn kiện này thường được mệnh danh là "hợp đồng thế kỷ" do quy mô và phạm vi chiến lược của nó.
Ngoại trưởng Pháp cũng cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc định hình khái niệm chiến lược mới của NATO. Tuy nhiên ông không nói gì về khả năng Pháp ra khỏi liên minh Bắc Đại Tây Dương, chỉ xác định rằng “Châu Âu phải tự trang bị cho mình một la bàn chiến lược độc lập và điều này sẽ thuộc trách nhiệm của Pháp trong nửa đầu năm 2022”, nhắc đến nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu của Pháp vào ngày 01/01/2022.
Ông Le Drian cũng có những lời lẽ gay gắt với Washington, mà Paris cho là đã ép Canberra hủy hợp đồng với Pháp. Ngày 18/09, ngoại trưởng Pháp không ngần ngại đánh giá rằng phương pháp hành động của tổng thống Biden “rất giống cách làm của ông Trump, nhưng không kèm theo tin nhắn Twitter”.
Hợp đồng tàu ngầm đổ bể, Pháp triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Úc
VOA 18/09/2021
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Pháp đối đầu với Mỹ và Úc trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có vào ngày thứ Sáu khi Paris triệu hồi đại sứ ở cả hai nước liên quan tới một thỏa thuận an ninh ba bên làm đổ bể một hợp đồng tàu ngầm trị giá 40 tỉ đô la do Pháp thiết kế.
Quyết định hiếm hoi được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian nói trong một phát biểu.
Ngày thứ Năm, Úc cho biết họ sẽ hủy thỏa thuận trị giá 40 tỉ đô la với Tập đoàn Hải quân của Pháp để xây dựng một hạm đội tàu ngầm thông thường và thay vào đó sẽ đóng ít nhất tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh sau khi đạt được quan hệ đối tác an ninh ba bên.
Pháp gọi đây là hành động ‘đâm sau lưng.’
Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ lấy làm tiếc về quyết định của Pháp và Washington vẫn đang liên lạc chặt chẽ với Pháp về quyết định này. Quan chức này nói Mỹ trong những ngày tới sẽ liên lạc để giải quyết những khác biệt với Pháp.
Người phát ngôn của Thủ tướng Úc từ chối bình luận về chuyện này.
Một nguồn tin ngoại giao ở Pháp cho biết đây là lần đầu tiên Paris triệu hồi đại sứ kiểu này, Reuters cho hay. Phát biểu của Bộ Ngoại giao Pháp không đề cập đến Anh, nhưng nguồn tin ngoại giao cho biết Pháp coi Anh tham gia thỏa thuận này một cách cơ hội.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày thứ Năm đã tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ của Pháp, gọi Pháp là một đối tác thiết yếu ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó trong ngày thứ Sáu, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bác bỏ những lời chỉ trích của Pháp rằng họ không được cảnh báo về thỏa thuận mới và cho biết ông đã nêu ra khả năng này trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp rằng Úc có thể hủy thỏa thuận tàu ngầm năm 2016 với một công ty Pháp.
Ông Morrison thừa nhận những thiệt hại đối với mối quan hệ Úc-Pháp nhưng khẳng định ông đã nói với ông Macron vào tháng 6 rằng Úc đã thay đổi suy nghĩ của mình.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++
Thứ tư, 4/12/2019
Mỹ đóng mới 9 tàu ngầm hạt nhân
Hải quân Mỹ ký thỏa thuận đóng 9 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia trị giá 22 tỷ USD để thay thế các chiến hạm từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hợp đồng đóng mới chiến hạm lớn nhất từ trước tới nay được công bố ngày 2/12, trong đó một tàu ngầm thuộc cấu hình Block IV và 8 tàu còn lại thuộc cấu hình Block V. Các tàu ngầm mới sẽ được khởi đóng trong năm nay và dự kiến được bàn giao năm 2025-2029.
Các chiến hạm này sẽ thay thế tàu ngầm lớp Los Angeles có từ thời Chiến tranh Lạnh trong biên chế hải quân Mỹ và được trang bị các công nghệ mới, hỏa lực mạnh hơn, có thể phóng hàng loạt tên lửa hành trình.
Hải quân Mỹ hiện có 65 tàu ngầm đang hoạt động, trong đó có 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio thuộc bộ ba hạt nhân chuyên thực hiện các cuộc tuần tra răn đe.
4 tàu ngầm lớp Ohio khác được cải hoán có khả năng mang 154 tên lửa hành trình Tomahawk, chở một đơn vị đặc nhiệm SEAL và phương tiện bơi của họ. Mỹ còn có 35 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, ba tàu ngầm lớp Seawolf và 13 tàu ngầm lớp Virginia.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia USS Minnesota được đóng tại nhà máy đóng tàu ở bang Virginia tháng 11/2012. Ảnh: US Navy.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Virginia được phát triển vào những năm 2000 sau khi lớp Seawolf bị hủy do Mỹ không cần chiến hạm lớn, mạnh và có khả năng lặn sâu để săn lùng tàu ngầm Liên Xô ở Bắc Cực. Tàu ngầm lớp Virginia được thiết kế như chiến hạm đa năng có khả năng chiến đấu, thu thập thông tin tình báo, triển khai người nhái và phóng tên lửa hành trình.
Tàu ngầm lớp Virginia Block IV được thiết kế để giảm chi phí bảo trì và tăng vòng đời, trong khi lớp Virginia Block V được trang bị Mô-đun Trọng tải Virginia (VPM) bổ sung 4 ống có khả năng mang 7 tên lửa hành trình Tomahawk, hoặc tên lửa siêu vượt âm, tên lửa chống hạm mới, máy bay không người lái (UAV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV) của Mỹ.
Tàu ngầm lớp Virginia Block V mang được 40 tên lửa hành trình, cho phép Mỹ rút bớt tàu ngầm lớp Ohio cải hoán, bù đắp thiếu hụt về hỏa lực tên lửa tầm xa trong "cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường" với Nga và Trung Quốc. Hải quân Mỹ có thể sẽ đặt đóng tàu ngầm lớp Virginia Block VI, sau đó là lớp tàu ngầm hạt nhân hoàn toàn mới SSN(X) sau năm 2030.
Nguyễn Tiến (Theo Diplomat)
Tàu ngầm nguyên tử USS Michigan cập cảng Nam Hàn
25/4/2017
Tàu ngầm USS Michigan mang tên lửa Tomahawk của hải quân Hoa Kỳ.
Fox News, dẫn nguồn tin quân sự Hoa Kỳ hôm thứ Hai 24/4/2017 cho biết tàu ngầm nguyên tử USS Michigan, lớp Ohio chạy bằng nguyên liệu hạt nhân sẽ cập cảng Busan, Nam Hàn để kiểm tra thân vỏ.
Sau khi hoàn tất khâu kiểm tra tại cảng Busan, USS Michigan sẽ gia nhập vào cụm tàu tác chiến USS Carl Vinson để tập trận chung cùng hai tàu khu trục của Nhật Bản.
Nguồn tin từ quan chức cao cấp của quân đội Hoa Kỳ cho biết, hiện cụm tàu tác chiến USS Vinson đang ở biển Philippine, phía nam của Nhật Bản. Hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Trump loan báo hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và một số chiến hạm hộ tống đã được cử đi tới bán đảo Triều Tiên nhằm duy trì hiện diện trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Hàn dâng cao.
Khi được Fox News hỏi lịch trình của tàu ngầm USS Michigan, chỉ huy trưởng Matt Knight của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã nói rằng đây là hoạt động “triển khai thường xuyên” của tàu USS Michigan.
Tướng Matt Knight nói: “Các tàu hải quân và tàu ngầm của Mỹ thường xuyên cập cảng ở nhiều nơi khác nhau. Thông thường, chúng tôi không thông báo về các hoạt động tương lai hoặc các chi tiết liên quan đến hoạt động của các tàu ngầm của chúng tôi. USS Michigan hiện đang triển khai hoạt động thường xuyên ở Thái Bình Dương”.
USS Michigan là một trong bốn chiếc tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa dẫn đường, ban đầu được thiết kế để phóng tên lửa hạt nhân nhưng sau được chuyển đổi mục đích sử dụng vào khoảng 2003 đến năm 2007 để mang tên lửa tự tìm mục tiêu Tomahawk.
4 chiếc tàu ngầm lớp Ohio này gồm: Tàu USS Florida (SSGN 728), Tàu USS Michigan (SSGN 727); Tàu USS Ohio (SSGN 726); Và tàu USS Georgio (SSGN 729).
Với việc cải tiến này, mỗi chiếc tàu ngầm SSGN tăng thêm được hơn một nửa tải trọng, có thể mang tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk, cùng 66 quân nhân.
Theo Hải quân Hoa Kỳ, 4 chiếc tàu ngầm lớp Ohio này có khả năng mang theo cộng tới 616 tên lửa Tomahawk, tức gấp hơn 10 lần số tên lửa Mỹ phóng vào Syria hồi đầu tháng này. Thêm nữa, chúng có sức chứa 265 quân nhân, tức là một đội biệt kích SEAL có thể hoạt động trên tàu.
Tân Bình
Nguồn: trithucvn.org