Biển Đông đa sự

04 Tháng Tám 20217:30 SA(Xem: 6133)

VĂN HÓA ONLINE –BIỂN ĐÔNG HOA ĐÔNG - THỨ TƯ 04 AUGUST 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Biển Đông đa sự


image002Tổng thống Joe Biden hoan nghênh một sự kiện trong lúc Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu ở Vườn Hồng tòa Bạch Ốc Hoa Thịnh Đốn hôm Thứ Hai 26/7/2021.(Ảnh AP / Susan Walsh)


Văn Hóa Online

04/8/2021

(tổng hợp)


Mỹ - Việt thời Joe Biden: Cần thời gian để gần nhau hơn nữa


BBC 03/8/2021


image004Nguồn hình ảnh, Getty Images. Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ, phát biểu tại Vườn Hồng tòa Bạch Ốc, Washington D.C. Mỹ hôm 26/7/2021


Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris dự kiến có mặt tại Singapore vào ngày 22 tháng 8. Bà sẽ đến Việt Nam ngày 24 và chia tay Việt Nam ngày 26/8.


Không lâu sau chuyến công du Đông Nam Á có viếng thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin vào hạ tuần tháng Bảy 2021, Hoa Kỳ thông báo nhân vật số hai của Nhà Trắng, Phó Tổng thống Kamala Harris cũng sẽ tới khu vực và thăm chính thức Việt Nam trong tháng Tám.


Có thể thấy được dấu hiệu gì từ những động thái bang giao cấp cao này của Hoa Kỳ ở khu vực và riêng với Việt Nam, đâu là kỳ vọng vào chuyến công du châu Á đầu tiên có ghé Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ, hôm 03/8 từ Hà Nội, một số nhà quan sát thời sự chính trị và bang giao Việt - Mỹ chia sẻ góc nhìn của mình từ quan điểm riêng với BBC.


Từ Sài Gòn, Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, giảng viên thỉnh giảng Đại học Fullbright Việt Nam, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, kiêm trưởng Bộ môn Chính trị Quốc tế thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV), Đại học Quốc gia TPHCM nói với BBC News Tiếng Việt:


"Hai quốc gia đã vượt qua nhiều rào cản trước đây về sự khác biệt trong hệ thống chính trị cũng như cách nhìn nhận về vai trò của nhau trong hòa bình, ổn định, và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.


"Việt Nam nhìn Mỹ như là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, một nhà đầu tư quan trọng vào các ngành công nghệ cao, một đối tác đang chân thành hàn gắn vết thương chiến tranh, một quốc gia giúp đỡ vũ khí và tăng cường năng lực quốc phòng Việt Nam cũng như một siêu cường có thể ngăn chặn các hành vi mạnh bạo vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.


"Còn Mỹ nhìn Việt Nam như một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực, một thị trường đông dân với khoảng 100 triệu người và thu nhập của người dân được cải thiện, có môi trường chính trị ổn định, và có tiếng nói quan trọng trong việc duy trì trật tự và luật pháp quốc tế ở khu vực Đông Nam Á."


"Mặc dù hai quốc gia hiện nay có nhiều lợi ích chung nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy. Chẳng hạn, vấn đề Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào ở Biển Đông hay Việt Nam có đủ năng lực để làm phức tạp tính toán của Trung Quốc trong tương lai ở biển Đông hay không? Vai trò của Việt Nam ở một Đông Nam Á ổn định và thịnh vượng sẽ như thế nào?"


"Đây là những vấn đề tôi nghĩ rằng hai bên cần phải có thời gian để đạt được quan điểm chung. Do đó, tôi cho rằng các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tới Việt Nam nhằm để thúc đẩy sự hiểu biết chung, và từng bước xây dựng lòng tin chiến lược."


Từ Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với BBC:


"Việt Nam đang là nạn nhân của những hành vi quân sự/phi quân sự của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền tài phán tại Biển Đông.


"Mặt khác lãnh đạo Việt Nam đang phải chịu đựng sức ép không nhỏ về chính trị, kinh tế từ phía Trung Quốc. Do vậy, mỗi bước đi tiếp cận quan hệ quân sự/an ninh với phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ đều được xem xét rất thận trọng."


"Chuyến thăm mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, tới Việt Nam thể hiện sự tự tin của Hoa kỳ trong việc khuyến khích lãnh đạo Việt Nam ủng hộ chính sách liên kết các đồng minh, đối tác khu vực. Việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược có thể đã được Bộ trưởng Lloyd Austin đặt ra với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc."


Sẽ thuyết phục hơn?


image006Nguồn hình ảnh, Getty Images. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin duyệt đội danh dự QĐND Việt Nam cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội hôm 29/7/2021


Về chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du hai nước ở Đông Nam Á dự kiến diễn ra trong tháng Tám này của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ông Hoàng Ngọc Giao nói:


"Được biết, dư luận Việt Nam vui mừng, và có phần ngạc nhiên, khi nhận được thông tin về chuyến thăm chính thức của bà Phó Tổng thống Mỹ tới VN, chỉ chưa đầy một tháng tiếp theo chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.


"Tôi tự hỏi phải chăng, sau chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng, với tư cách Phó Tổng thống, bà Kamala Harris, sẽ mang tới những điểm thuyết phục hơn nữa, để Việt Nam vững tin trong việc nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ, trở thành đối tác chiến lược của nhau ?


"Tôi nghĩ rằng cho dù có thể chưa đạt được ngay việc ký kết nâng tầm quan hệ, nhưng chuyến thăm này có thể mang lại những thỏa thuận sơ bộ về lộ trình những bước đi tăng cường quan hệ hơn nữa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chuyến thăm này còn là mang tính biểu tượng chính trị quan trọng về cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh và thịnh vượng, độc lập và chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.


"Mặt khác, mỗi khi lãnh đạo Việt Nam có những thỏa thuận và/hoặc bước đi cụ thể trong quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh quốc, Ấn độ, v.v. niềm tin của người dân đối với lãnh đạo Việt Nam dường như càng tăng hơn về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia."


image008Nguồn hình ảnh, Getty Images.


Nhà nghiên cứu từ VN nhắc lại ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim Chủ tịch nước, cựu Thủ tướng Việt Nam, phát biểu từ trước rằng quan hệ song phương Việt - Mỹ 'sẽ không xấu đi mà chỉ ngày càng tốt lên'


Còn từ Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Trung nói:


"Đối tác chiến lược thể hiện sự hợp tác sâu sắc giữa hai quốc gia để đạt được mục tiêu chiến lược chung, tức những mục tiêu chung lâu dài. Do đó, để trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược có thực chất thì theo tôi cần phải nhiều chuyển biến về hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước nhiều hơn.


"Chúng ta biết hiện nay mối quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai nước mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn vẫn còn dè dặt trong các mục tiêu chiến lược.


"Sự thận trọng chủ yếu từ phía Việt Nam xuất phát từ yếu tố bên trong cũng như yếu tố bên ngoài, đó là Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước đang phấn đấu vì mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của nhau khi lòng tin chiến lược hiện nay đang được xây dựng với các chuyến thăm cấp cao thường xuyên. Tôi hy vọng Việt Nam và Mỹ có thể ký kết sớm nâng cấp quan hệ đối tác ở mức toàn diện hiện nay lên cấp chiến lược."


Trước đó, hai nhà quan sát thời sự, chính trị khác từ Việt Nam cũng nêu quan điểm với BBC về chuyến thăm Việt Nam tới đây của Phó Tổng thống Mỹ, từ Hà Nội hôm thứ Hai, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói:


"Theo quan điểm của tôi, chủ trương của Việt Nam rất rõ là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước hay khối trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là những nước lớn, kể cả với các nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khu vực như Asean, Úc v.v..., với các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Việt Nam cũng sẵn sàng quan hệ tốt.


"Với Hoa Kỳ, nếu có nhu cầu chín muồn của đôi bên để nâng cấp lên thành đối tác chiến lược, tôi nghĩ điều đó không có vấn đề gì, miễn là động cơ của quan hệ đó không gây ra những căng thẳng, bất ổn bất lợi cho hoà bình, ổn định khu vực và ảnh hưởng tới Việt Nam và các nước có liên quan khác.


"Trên tinh thần đó, tôi nghĩ là Việt Nam sẽ hoan nghênh chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Harris, tiếp theo chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin."


Cũng từ Hà Nội hôm 02/8, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ̣̣̣(Iseas - Singapore), nói:


"Đối với Hoa Kỳ, hiện nay quan hệ với Mỹ - Việt đang ở mức độ đối tác toàn diện, nhưng chưa có chữ 'chiến lược', thế thì các cuộc bàn thảo từ thời chính quyền ông Barack Obama, sang chính quyền Donald Trump và hiện nay là chính quyền Joe Biden đã có những nỗ lực lớn để tiến tới quan hệ đối tác chiến lược.


"Vừa mới đây, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đại diện cho chính quyền Biden như chúng ta đã biết cũng đã đề cập chuyện này và tới đây, trong chuyến thăm Việt Nam của bà Phó Tổng thống Harris, theo tôi biết cũng sẽ đặt vấn đề về nội dung này.


"Như là Thủ tướng Việt Nam trước đây, ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất rõ rằng đối với Mỹ, quan hệ Việt Nam với Mỹ chỉ có tốt lên, chứ không có gì để xấu đi, nhân dịp này tôi cũng xin nhắc lại câu đó với kỳ vọng rằng quan hệ Việt - Mỹ, Mỹ - Việt từ nay tới tương lai và qua chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục là minh chứng cho chiều hướng này."


++++++++++++++++++++++++++++++++


Mỹ không muốn Việt Nam chọn bên. Trung Quốc vẫn lo ngại?


VOA 04/08/2021


image010Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) gặp mặt người đồng cấp phía Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, tại Hà Nội hôm 29/7. Tại đây, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ không muốn Việt Nam phải chọn bên.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Washington không muốn Hà Nội phải chọn bên nhưng truyền thông Trung Quốc ngay lập tức cảnh báo rằng Việt Nam nên tiếp tục chính sách ‘4 Không’ để không bị Mỹ “lừa phỉnh”.


Việt Nam là một trong 3 quốc gia được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chọn tới thăm trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực Đông Nam Á. Theo nhận định của các nhà quan sát, việc lựa chọn này cho thấy tầm quan trọng của khu vực đối với chính sách ngoại giao của Chính quyền Biden và vai trò của Việt Nam ngày càng tăng cao đối với Mỹ.


Trong chuyến thăm từ ngày 28-29/7, Bộ trưởng Austin, người được Tổng thống Biden bổ nhiệm giữ chức vụ này hồi tháng 2 năm nay, đã gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.


Tại trụ sở của Bộ Quốc phòng Việt Nam ở Hà Nội, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói với người đồng cấp phía Việt Nam, Thượng tướng Giang, rằng Hoa Kỳ có một mối quan hệ hiệu quả và nồng ấm với Việt Nam, theo Bộ Quốc phòng Mỹ..


Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Austin cho thấy sự thấu hiểu của chính phủ Mỹ đối với tình huống khó khăn của (Việt Nam). Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ



Nhưng “Hoa Kỳ không yêu cầu Việt Nam phải chọn giữa các đối tác,” Bộ trưởng Austin nói với Bộ trưởng Giang. “Trên thực tế, một trong những mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác của chúng tôi có quyền tự do và không gian để xây dựng tương lai của chính họ.”


Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin tới Hà Nội được xem là nhằm tìm cách thúc đẩy mối quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng sâu sắc hơn với Việt Nam giữa lúc cả hai nước theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong tình trạng báo động ngày càng tăng.


Người đứng đầu Lầu Năm Góc không đề cập đến Trung Quốc nhưng Bắc Kinh được cho là đang khiến các quốc gia ở châu Á phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ khi hai cường quốc đối đầu nhau.


“Có một mối quan ngại rằng trong những tình huống cụ thể, các quốc gia trong khu vực có thể bị yêu cầu phải chọn bên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ,” theo ông Nguyễn Nam Dương, phó viện trưởng Viện Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam. “Có một số quốc gia nhỏ hơn có thể rất lo ngại về một sự đối đầu giữa các cường quốc lớn.”


Nói tại Hội nghị Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, Mỹ, tổ chức trực tuyến hôm 30/7/2021, ông Dương cho biết rằng các quốc gia trong khu vực “hy vọng rằng các cường quốc nên hành động theo một cách có trách nhiệm và kiềm chế đối đầu nhau để hoà bình và an ninh trong khu vực có thể được duy trì.


Trong nhiều năm qua, Mỹ đặt đối trọng với Trung Quốc trong chính sách an ninh quốc gia của mình và chính quyền Biden xem sự cạnh tranh với Bắc Kinh là “thử thách địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ này.


Trong bài phát biểu tại Singapore hôm 27/7 trước khi đến Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông là không có cơ sở trong luật phát quốc tế. Ông Austin chỉ ra các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên vùng biển đầy tranh chấp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khu vực này tự do và thông thoáng.


Tuy nhiên, theo nhận định của ông Greg Polling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS, Bộ trưởng Austin đã không đặt sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh vào trọng tâm của bài phát biểu này, mà thay vào đó là trấn an với các đồng minh và đối tác rằng chính quyền Biden nhận thức được rằng Đông Nam Á có vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực.


Bắc Kinh cảnh báo


Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc ngay lập tức đưa ra bài xã luận cảnh báo rằng Washington “sẽ thất vọng trong việc ép buộc các quốc gia Đông Nam Á chống lại Trung Quốc.”


Theo phụ san của Nhật báo Nhân dân Trung Hoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không nhắc tới Trung Quốc trong các dòng đăng tải trên Twitter về chuyến thăm tới Hà Nội nhưng “điều này không có nghĩa là ông Austin không nói về Trung Quốc trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam.”


Có một mối quan ngại rằng trong những tình huống cụ thể, các quốc gia trong khu vực có thể bị yêu cầu phải chọn bên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.


Nguyễn Nam Dương, phó viện trưởng Viện Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam



Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, có nhiều tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên Biển Đông và, theo Hoàn cầu Thời báo, điều này được Washington xem là một “đòn bẩy tốt” chống lại Bắc Kinh.


Mỹ trong những năm qua nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc bắt nạn Việt Nam và các nước láng giềng trong khai thác dầu khí cũng như đâm chìm tàu cá của ngư dân hay tiếp tục hoạt động quân sự hoá các đảo nhân tạo ở Biển Đông.


Tờ báo của Trung Quốc nhận định rằng dù Mỹ nói không muốn Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á chọn bên “nhưng lại yêu cầu các nước này chọn theo Mỹ để cùng kiềm chế Trung Quốc.” Theo Hoàn cầu Thời báo, Việt Nam hoanh nghênh sự ủng hộ của Washington nhưng điều đó “không làm Việt Nam chọn bên.”


“(Việt Nam) có chính sách không liên minh,” ông Dương, từng là tham tán Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ở New York, cho biết. “Chính sách ngoại giao của Việt Nam khá là nhất quán trong những thập kỷ qua và nó cho thấy thành công. Vậy thì vì sao chúng tôi phải thay đổi?”


Tờ Hoàn cầu Thời báo nói rằng các chuyến thăm liên tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Austin trong tuần qua và của Phó Tổng thống Kamala Harris sắp tới trong tháng 8, dù cho thấy sự chú ý ngày càng tăng của Mỹ tới Việt Nam, nhưng sẽ không làm cho Hà Nội từ bỏ chính sách “4 Không” và sẽ không bị Washington “lừa phỉnh.”


Mỹ nói không muốn Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á chọn bên “nhưng lại yêu cầu các nước này chọn theo Mỹ để cùng kiềm chế Trung Quốc.” Hoàn cầu Thời báo



Chính sách “4 Không” được Hà Nội đưa ra trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam mới nhất hồi cuối năm 2019, nâng cấp từ chính sách “3 Không”, bao gồm không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự, và không dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.


Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Hà Kim Ngọc, thực tế là có sự cạnh tranh của các cường quốc lớn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng chính sách ngoại giao của Việt Nam là “có mối quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trong khu vực.”


“Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Austin cho thấy sự thấu hiểu của chính phủ Mỹ đối với tình huống khó khăn của (Việt Nam),” ĐS Ngọc nói khi trả lời câu hỏi của VOA về việc Mỹ không yêu cầu Việt Nam chọn bên có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội, tại một buổi thảo luận bàn tròn do Viện Hoà bình Hoa Kỳ tổ chức trực tuyến hôm 3/8, và cho biết Việt Nam chọn hợp tác với tất cả các cường quốc.


Bộ trưởng Austin nói tại Singapore hôm 27/7 rằng Mỹ sẽ không nao núng khi lợi ích của mình bị đe doạ nhưng không tìm kiếm sự đối đầu với Trung Quốc. Thay vào đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói, ông cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Bắc Kinh.


++++++++++++++++++++++++++++++++


Mỹ, Indonesia: Bảo vệ tự do hàng hải; Vương Nghị: Biển Đông không phải là đấu trường (*)


RFI 04/08/2021


image012Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (P) đang nghe đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi trả lời giới truyền thông sau cuộc hội đàm song phương tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, ngày 03/08/2021. REUTERS - POOL


Thanh Phương


Hôm 03/08/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo khởi động một cuộc “đối thoại chiến lược” giữa Hoa Kỳ với Indonesia. Hai nước cam kết sẽ hợp tác với nhau trên nhiều vấn đề, trong đó có việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. 


Theo hãng tin Reuters, ông Blinken thông báo như trên sau khi tiếp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tại Washington. Hai nước đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” từ năm 2015, nhưng theo lời ngoại trưởng Mỹ trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Marsudi, mãi cho đến nay, hai nước mới thật sự khởi động đối thoại chiến lược.


Reuters trích thông báo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp, ông Blinken và bà Marsudi đã bày tỏ quan điểm chung về an ninh hàng hải và cam kết bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục cộng tác với nhau về an ninh mạng và ngăn ngừa tội phạm trên mạng”. Cũng theo thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ, hai bên cũng đã cam kết làm việc với nhau để phòng chống đại dịch Covid-19 và đối phó với khủng hoảng khí hậu, đồng thời thúc đẩy các quan hệ kinh tế và mậu dịch song phương. 


Indonesia là quốc gia lớn nhất trong 10 thành viên ASEAN, một khối mà Washington hiện nay xem là có vai trò chủ chốt trong nỗ lực tạo đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực châu Á. Cuộc thảo luận với ngoại trưởng Indonesia Marsudi diễn ra trước cuộc họp trực tuyến giữa ngoại trưởng Mỹ Blinken với các ngoại trưởng ASEAN trong tuần này. Cuộc họp được xem là một trong những nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy các nước Đông Nam Á hợp lực với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc. 


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN hôm qua, ông đã kêu gọi hai bên nên “nắm tay nhau để khai mở một thời kỳ hợp tác mới”.


Theo Tân Hoa Xã, ông Vương Nghị tuyên bố ASEAN có một vị trí ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và là đối tác hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19. Vương Nghị không quên nhắc lại là Bắc Kinh đã cung cấp tổng cộng hơn 190 triệu liều vac-xin ngừa Covid cho 10 nước Đông Nam Á và cam kết là Trung Quốc sẽ “cố gắng hết sức” để đáp ứng nhu cầu của ASEAN về vac-xin và về các thiết bị vật liệu khác để chống Covid.


Như một lời cảnh cáo gởi đến Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, Vương Nghị tuyên bố: Biển Đông không phải và không nên trở thành đấu trường cho các cường quốc và chúng ta sẽ không để cho họ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.


+++++++++++++++++++++++++++++++


Chiến hạm Đức tiến về Châu Á hợp tác an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương


Tuyết Lan


04/08/2021 Thanh Niên Online


Đó là một phần trong chuyến hành trình huấn luyện và tăng cường hiện diện kéo dài nửa năm của khinh hạm Bayern ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.


image014Khinh hạm Bayern. Trang Đại sứ quán Đức tại Việt Nam


Theo thông cáo của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ngày 4.8.2021, khinh hạm “Bayern” của Đức đã lên đường tới Châu Á hôm 2.8.2021, thực hiện hành trình huấn luyện và tăng cường hiện diện kéo dài khoảng nửa năm. Trong quá trình này, thuỷ thủ đoàn sẽ đảm nhận hàng loạt các nhiệm vụ. Một mục tiêu trọng tâm là: Tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.


Phát biểu trước khi khinh hạm khởi hành, Ngoại trưởng Heiko Maas nhấn mạnh: "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là nơi quyết định trật tự quốc tế của tương lai. Chúng tôi mong muốn đảm nhận trách nhiệm và đóng góp vào quá trình định hình và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". Ông cho biết, thông qua sức mệnh, Đức cũng muốn mở rộng các mối quan hệ đối tác và nỗ lực của mình tại khu vực: Thông qua quan hệ Đối tác chiến lược của Liên minh Châu Âu với ASEAN hoặc thông qua tham vấn chính sách an ninh với Nhật Bản và Úc.


"Và vì vậy, hôm nay, khinh hạm Bayern đã khởi hành hướng tới Châu Á. Sứ mệnh của khinh hạm là: Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Đức nói.


Thuỷ thủ đoàn trên khinh hạm “Bayern” gồm khoảng 230 thành viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khinh hạm sẽ ghé thăm nhiều cảng tại các nước đối tác, trong đó có Việt Nam vào khoảng cuối năm nay, và tham gia các sứ mệnh quốc tế, theo thông cáo.


Khinh hạm cũng sẽ đi qua Biển Đông. Nước Đức thường xuyên nhấn mạnh ý nghĩa của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), một khung pháp lý bao trùm và có hiệu lực quốc tế, đặc biệt là quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế được đảm bảo trong UNCLOS cũng như các Cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc được quy định trong đó.


Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm trọng lực chính trị và kinh tế. Trong những năm tới, khu vực này sẽ có ảnh hưởng quyết định tới việc định hình trật tự quốc tế.


Chiến hạm Đức, Ấn Độ sắp đến Biển Đông


Tháng 9 năm 2020, Chính phủ Đức đã thông qua Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự hiện diện của nước Đức tại khu vực này. Các trụ cột trọng tâm của chiến lược này là đa dạng hoá đối tác kinh tế cũng như tăng cường luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương (cụ thể là trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu) và hợp tác an ninh với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.


Ngày 1.8 vừa qua, nước Đức đã gia nhập “Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại Châu Á” (ReCAAP). Trong quá trình Đức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu và Việt Nam nắm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, vào tháng 12.2020, Liên minh Châu Âu và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Nước Đức cũng luôn nỗ lực thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Liên minh Châu Âu.
05 Tháng Sáu 2014(Xem: 15690)
Họ đang thực hiện bước đi chiến lược: Đâm chìm tàu cá ngư dân; biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp; hiện thực hóa đường lưỡi bò độc chiếm Biển Đông - trước mắt là Hoàng Sa.
02 Tháng Sáu 2014(Xem: 14738)
HD981 là giàn khoan là một tàu nửa chìm, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoang tối đa 12.000m, dài 114m, rộng 90m, cao 136m và chia thành 5 tầng. Giàn khoan có trọng tải chính 30.000 tấn và là giàn khoan nước sâu đầu tiên do TC tự sản xuất với tổng chi phí 1 tỷ USD.
01 Tháng Sáu 2014(Xem: 15027)
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Shinzo Abe nói Tokyo sẽ “ủng hộ tối đa” cho các nước Đông Nam Á, trong đó có một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. “Tất cả các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhật sẽ ủng hộ tối đa cho nỗ lực của các nước ASEAN trong việc đảm bảo an ninh vùng biển và bầu trời, và triệt để duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không.
29 Tháng Năm 2014(Xem: 17477)
Tàu Việt Nam và Trung Quốc vẫn đối đầu nhau ở vị trí xung quanh giàn khoan HD-981 Một tàu Trung Quốc đã đâm và làm chìm một tàu cá ở gần giàn khoan mà họ đưa ra Biển Đông hồi đầu tháng trên Biển Đông, các quan chức Việt Nam cho biết. Theo lực lượng tuần duyên Việt Nam, chiếc tàu cá này đã bị 40 tàu Trung Quốc bao vây trước khi nó bị tấn công. Tất cả 10 ngư dân trên tàu đều được cứu.
26 Tháng Năm 2014(Xem: 15036)
Giàn khoan 981 của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam là một nước cờ trên bàn cờ rất lớn mà Trung Quốc đã dựng sẵn từ hơn nửa thế kỷ trước. Liên quan đến vấn đề Trung Quốc (TQ) ngang nhiên đặt giàn khoan 981 thời gian qua, giới quan sát nhận định khai thác dầu khí chỉ là cái cớ. Đâu là chiến lược sứ mệnh của TQ trên khu vực biển Đông nói riêng và cả châu Á-Thái Bình Dương nói chung? Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn PGS-TS Alexander L. Vuving (Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương APCSS-Mỹ) xung quanh vấn đề này.
23 Tháng Năm 2014(Xem: 15646)
Năm hội đoàn trẻ ở miền Nam California vừa gởi ra một thông cáo báo chí cho biết sẽ tổ chức một cuộc biểu tình chống đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải, khi ông này đến dự một buổi lễ ở thư viện Richard Nixon, Yorba Linda.
20 Tháng Năm 2014(Xem: 14811)
TTO - Ngày 19-5, Cảnh sát biển VN cho biết Trung Quốc vẫn duy trì trên 90 chiếc tàu các loại bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 và bố trí các tàu bảo vệ trên nhiều hướng. Thậm chí, Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu bay 4 vòng trên tàu Cảnh sát biển VN.
17 Tháng Năm 2014(Xem: 17085)
Trao đổi với báo chí chiều nay ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho hay, trong 99 tàu này, có 38 tàu chấp pháp, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các máy bay tuần thám.
14 Tháng Năm 2014(Xem: 15855)
TT - Tối 13-5, phóng viên Thuận Thắng từ điểm nóng Hoàng Sa điện thoại về tòa soạn cho biết: lúc 16g ngày 13-5, tàu cảnh sát biển của Việt Nam đã vào trong khu vực giàn khoan Hải Dương 981 ở vị trí cách giàn khoan chừng 7 hải lý để thực hiện quyền chấp pháp đối với vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
05 Tháng Năm 2014(Xem: 15970)
Giàn khoan 981 là giàn khoan siêu sâu hàng đầu của Trung Quốc Việt Nam vừa lên tiếng phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
16 Tháng Tư 2014(Xem: 16636)
Một công dân mạng Trung Quốc bình luận, tấm bản đồ quà tặng là “cái tát” từ bà Merkel. “Chúng tôi luôn được nói rằng, một số khu vực là phần không thể tách rời của Trung Quốc từ thời cổ đại, nhưng Merkel nói với chúng tôi là thậm chí ở thế kỷ 18, những khu vực này vẫn không thuộc về Trung Quốc”.
30 Tháng Ba 2014(Xem: 17461)
Trung Quốc tức giận phản ứng trước việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe so sánh hành động của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông và Biển Đông với hành động của Nga trong vấn đề Crimea, theo hãng tin Reuters.
27 Tháng Ba 2014(Xem: 16731)
Ngày 30/03/2014 tới đây là thời hạn chót để Philippines đệ trình cho Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ITLOS, bản ghi nhớ nêu rõ lập trường của Manila trong vụ kiện Bắc Kinh về các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông.
23 Tháng Ba 2014(Xem: 17992)
Trong bối cảnh tranh chấp biển đảo đang diễn ra giữa Việt Nam và Nhật Bản với Trung Quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã bắt đầu chuyến công du Nhật Bản từ ngày 16 đến 19/03/2014. Ngoài vấn đề kinh tế, một trọng tâm quan trọng trong chương trình nghị sự của ông Sang tại Nhật sẽ là hợp tác song phương Việt Nhật về an ninh trên biển.
20 Tháng Ba 2014(Xem: 16614)
Đô đốc Harry Harris cảnh báo rằng các quốc gia thuộc khu vực Á Châu-Thái Bình Dương phải từ bỏ 'các hành động đơn phương và những lời lẽ làm tăng căng thẳng', nếu không khu vực này sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng ở Crimea, mà nếu xảy ra sẽ phương hại tới nền kinh tế toàn cầu.
17 Tháng Ba 2014(Xem: 22097)
Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm Gạc Ma ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã không ngừng gia cố các công trình trái phép, đưa binh sĩ tới đóng quân trên đảo chốt giữ trái phép phục vụ âm mưu lâu dài – độc chiếm Biển Đông thành ao nhà
13 Tháng Ba 2014(Xem: 16391)
Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng và bộ tham mưu quốc phòng đứng trên nóc tầu ngầm Kilo 636 của Nga chế tạo. Trong chuyến đi thăm Nga trước đây, Tt Dũng đã mua của Nga 6 tầu ngầm lớp Kilo là thế hệ hiện đại nhất của Nga có nhiều đặc tính phù hợp với Biển Đông. Cảng Cam Ranh là nơi bảo trì cho Kilo.
09 Tháng Ba 2014(Xem: 16236)
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc minh định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh theo bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn ở Biển Đông. Trung Quốc cần chứng minh rõ ràng mục đích của mình. Các nước láng giềng với Trung Quốc sẽ không bỏ qua các vấn đề tranh chấp. Hoa Kỳ sẽ không ra khỏi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta cần có cách giải tỏa các vấn đề này để tránh những sự tính toán sai lầm.
06 Tháng Ba 2014(Xem: 162406)
Tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin cách đó 5 km và HQ 605 phía đảo Len Đao cách 12 km. Tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin cách đó 5 km và HQ 605 phía đảo Len Đao cách 12 km. “… Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã đứng lên đập bàn hết sức giận dữ.
02 Tháng Ba 2014(Xem: 19146)
Philippines hôm 27/2 đã kêu gọi Hà Nội và các nước khác cùng Manila tham gia vụ kiện chống lại việc nhận chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông của Trung Quốc.