Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng của Hoàng Sa

19 Tháng Giêng 20212:42 CH(Xem: 7115)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG HOA ĐÔNG - THỨ BA 19 JAN 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng của Hoàng Sa


* Chú thích: Hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đã đưa cái tít ý nghĩa: Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: ......


(Báo Tuổi trẻ dùng hai chữ nước Việt thay vì dùng hai chữ Việt Nam hoặc Việt Nam Cộng Hòa để tránh làm phiền cả hai phía. Thật ra cứ gọi là Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, chế độ Sàigon quản lý cho đúng với lịch sử không ai cãi được).


19/01/2021 7


TTO - Ngày này cách đây 47 năm (19-1-1974), Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng trong trái tim người Việt, quần đảo này vẫn mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.


image006Ông Trần Thọ Phi Hổ (trái) tặng những bức ảnh quý chụp ở đảo Hoàng Sa cho ông Lê Tiến Công - phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: B.D.


"Lúc chú về lại Sài Gòn, ảnh chụp ở Hoàng Sa được tráng ra rất nhiều. Khi đó tui còn nhỏ, thấy ảnh lính cầm súng rồi ảnh những con rùa khổng lồ trên đảo thì tui lấy ra chơi chứ không ý thức được nó quý giá như thế nào. Sau đó mới biết là kỷ vật thiêng liêng nên gìn giữ.  Ông Trần Thọ Phi Hổ


Vài ngày trước dịp kỷ niệm 47 năm trận hải chiến Hoàng Sa (19-1-1974), một người đàn ông từ TP.HCM đã tìm tới Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng hiến tặng bộ ảnh quý mà ông đã cất giữ với nặng trĩu nỗi niềm suốt bao năm.


"Lòng tôi lúc này rất xúc động, không biết diễn tả thế nào. Tôi đã đến trễ và đáng lẽ những tấm ảnh tôi đang có đã được nằm trang trọng ở đây, thay vì một mình tôi đau đáu cất giữ" - ông Trần Thọ Phi Hổ (56 tuổi), người tìm tới Nhà trưng bày Hoàng Sa trưa 15-1, nói.


"Giá như tôi đến sớm hơn"


Một ngày gần cuối năm, một người đàn ông bước vào Nhà trưng bày Hoàng Sa, nói với các nhân viên của nhà trưng bày: "Tôi là Hổ, Trần Thọ Phi Hổ! Tôi phải tự mình ra đây để thấy không gian Hoàng Sa và tận tay bàn giao ảnh cho nhà trưng bày chứ không thể tin, không thể nhờ ai khác chuyển tới được".


Thoáng chút bối rối và choáng ngợp trước khối nhà trang trọng của Nhà trưng bày Hoàng Sa với hình đại quốc kỳ hướng thẳng ra Biển Đông, ông Hổ chậm rãi từng bước lên các nấc thang để đến tầng 3, tầng 4. Ông lặng nhìn từng vỏ ốc, tài liệu cổ đã ố màu thời gian trong Nhà trưng bày Hoàng Sa. 


Khi thấy ảnh các chiến hạm trưng bày trong không gian Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974, ông Hổ nói như vỡ òa: "Tôi không nghĩ lại có những tư liệu, những câu chuyện sống động được trưng bày ở một nơi thiêng liêng như vậy. Giá như tôi đến nơi đây sớm hơn".


Ông Hổ cho biết hiện ông sống cùng gia đình tại đường Lê Quang Định (TP.HCM). Ông có người chú Trần Tấn Phú Lâm từng là phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn của Việt Nam Cộng hòa, hiện sống ở Mỹ. Ngoài ông Lâm, một người thân khác của ông Hổ là Nguyễn Văn Vui, năm nay 80 tuổi, cũng đang sống ở Mỹ, từng là hạm phó một tàu vận tải ra Hoàng Sa trước năm 1974.


image005Tấm ảnh quý chụp những người lính Việt (Việt Nam Cộng Hòa) chuẩn bị lên đường ra bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vừa được ông Hổ trao tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.


45 năm giữ những bức ảnh hiếm


Vì gia đình có người thân đi Hoàng Sa như vậy, từ nhỏ ông Hổ đã thấy trong nhà mình có rất nhiều ảnh, tư liệu, các vật dụng được đưa về từ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khoảng năm 1972-1973, người chú Trần Tấn Phú Lâm được phái ra Hoàng Sa để đưa tin về việc trấn đảo. Những ngày ở đó, ông Lâm đã ghi lại rất nhiều hình ảnh trên đảo. Những kỷ vật thiêng liêng đó được gìn giữ đến hôm nay.


Trưa 15-1, khi tới Nhà trưng bày Hoàng Sa, đứng trước không gian trưng bày những tư liệu về Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974, ông Hổ tay run run khi lật tấm bao thư được gói ghém hai ba lớp và dán băng keo rất cẩn thận. Trong đó là một loạt ảnh đen trắng mà ông giữ như kho báu suốt 45 năm kể từ ngày người chú của ông qua Mỹ định cư.


Nhiều tấm ảnh ghi lại cảnh người lính đứng bồng súng gác đảo, có tấm lại chụp cảnh rừng bao trùm trên đảo, có tấm chụp cảnh đoàn tàu vận tải đón những người lính đứng trên cầu cảng ở đất liền chuẩn bị ra đảo làm nhiệm vụ mà phía trước là dòng chữ lớn nêu rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền: "Hải quân VN quyết tâm bảo vệ lãnh thổ đến giọt máu cuối cùng".


Ông Hổ gửi lại những kỷ vật đó cho Nhà trưng bày Hoàng Sa để nhiều người biết nhiều hơn về Hoàng Sa, để luôn nhớ về quần đảo mà những người thân của ông và nhiều binh sĩ Việt khác từng đổ xương máu để bảo vệ, giữ gìn.


Hơn 700 tư liệu, sách ảnh, bản đồ Hoàng Sa gửi về


image007Ông Hổ xúc động xem các tư liệu Hoàng Sa của Tổ quốc - Ảnh: B.D.


Ngày 19-1 này là tròn một năm UBND huyện Hoàng Sa và báo Tuổi Trẻ phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa, đến nay đã tiếp nhận 696 đầu sách, 3 bản đồ, 1 tác phẩm sơn dầu liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.


Mới nhất, ngày 15-1, nhà trưng bày nhận được 5 hình ảnh chụp trước năm 1975 do ông Trần Thọ Phi Hổ từ TP.HCM trao tặng. Trong số này đã xác định chắc chắn 1 ảnh chụp từ Hoàng Sa và những ảnh khác đang được thẩm tra.


Theo ông Võ Ngọc Đồng - chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, những tư liệu, báo chí, bản đồ, hình ảnh nhận được từ đợt phát động rất có ý nghĩa. Sau khi tiếp nhận, nhà trưng bày đã phân loại khoa học, nghiên cứu xử lý thông tin, kết hợp các tư liệu, sách báo của nhà trưng bày phục vụ bạn đọc và những người quan tâm tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa.


Ông Đồng hi vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm các tư liệu mới về Hoàng Sa từ người dân trong và ngoài nước.


Những vỏ ốc vọng về Hoàng Sa


Hàng ngàn chiếc vỏ ốc trong bộ sưu tập độc đáo mà Nhà trưng bày Hoàng Sa sắp ra mắt công chúng đều mang trong mình thanh âm lạ lùng như vậy. Hơn thế, mỗi vỏ ốc mang về từ Hoàng Sa, Trường Sa còn kể một câu chuyện riêng xúc động.


image008Ông Phan Thanh Toại lặng nhìn hai vỏ bào ngư tuyệt đẹp trước khi bàn giao cho Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: TẤN LỰC


Lời thì thầm từ đáy nước Biển Đông


Đà Nẵng ngày cuối năm, trên tầng 4 Nhà trưng bày Hoàng Sa, mọi người hì hục sắp đặt cho dự án đặc biệt: bộ sưu tập vỏ ốc biển mang về từ Hoàng Sa, Trường Sa. Bốn nam nữ nhân viên loay hoay lần gỡ mặt kính, cẩn trọng đặt nhẹ từng chiếc vỏ ốc biển vào tủ trưng bày, rồi họ lùi ra đứng ngắm nghía để điều chỉnh từng chút góc cạnh cho chiếc vỏ ốc rực rỡ nhất khi chiếu đèn. 


Cả tháng nay, họ cần mẫn sắp đặt hàng ngàn vỏ ốc của hơn 1.000 loài ốc. Nâng trên tay những sản vật mang về từ vùng biển xa xôi của nước mẹ Việt Nam, ai nấy không khỏi xúc động.


Dừng lại trước năm chiếc vỏ ốc mực giấy, ông Lê Tiến Công, phó giám đốc phụ trách nhà trưng bày, nhắc hai nữ nhân viên hết sức nhẹ nhàng. Con ốc mực giấy được ngư dân lấy về từ vùng biển Hoàng Sa, chỉ vậy thôi nhưng đối với mỗi người Việt đã là báu vật. 


Không như nhiều loài ốc có lớp vỏ cứng chắc, bộ vỏ ốc mực giấy rất mỏng, tựa như giấy, và mang lại vẻ đẹp lạ thường. Ông Công bảo rằng chỉ riêng việc đưa những vỏ ốc này từ lòng biển Hoàng Sa về đến nhà trưng bày đã là một kỳ công, bởi người sưu tập chúng từng bỏ ra ba ngày chỉ để dán lại một con ốc vỡ.


Vỏ ốc to và dày phát ra âm thanh trầm ấm, ốc mỏng vỏ cho âm cao vút, trong trẻo. Đặt chiếc vỏ ốc vào tai và nhắm mắt lại, dường như khách tham quan nhìn thấy trong tâm tưởng mình mở ra mặt biển rộng lớn có sóng gió trùng khơi của Tổ quốc rì rào vẫy gọi. Ai biết được họ hàng nhà ốc đã bao lần chứng kiến mái chèo khua nước của đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải từ triều đình Đại Việt lướt trên con sóng trong hành trình thực thi chủ quyền lãnh thổ?


image009Những vỏ ốc tuyệt đẹp được đưa về Nhà trưng bày Hoàng Sa từ vùng biển xa xôi của Việt Nam - Ảnh: TẤN LỰC


"Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi chúng thuộc về!"


Để có được bộ sưu tập 1.000 loài ốc biển Việt Nam giới thiệu cho công chúng không phải điều dễ dàng. Đó là kết quả hơn 15 năm ròng rã theo đuổi đam mê của một người Đà Nẵng yêu biển tha thiết. 


Ông Phan Thanh Toại (48 tuổi) - trưởng bộ môn bơi lặn Trung tâm Huấn luyện vận động viên Đà Nẵng, chủ nhân bộ sưu tập ốc - ngại ngùng trước sự thán phục mọi người dành cho mình. "Biển Việt Nam mình sản vật giàu có lắm, riêng ốc biển thôi đã mấy ngàn loài, tôi sưu tập mới được 1.000 loài thôi, còn rất khiêm tốn" - ông Toại bảo.


Trở về sau chuyến tu nghiệp ngành bơi lặn năm 2005, ông Toại đặt quyết tâm sưu tập cho kỳ được các loài ốc biển Việt Nam. "Thời gian ở nước ngoài, tôi được người bạn tặng cuốn sách ảnh 500 loài ốc biển đẹp của nước này. Tôi phát hiện nhiều loài trong số này sống ở Việt Nam. Trong đó chỉ riêng vùng biển gần bờ đã có hàng trăm loài, còn ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa số loài ốc còn phong phú hơn nữa" - ông Toại chia sẻ.


Suốt 15 năm qua, ông Toại không nhớ nổi mình đã ngược xuôi bao chuyến sưu tầm loài ốc. Không ít ngư dân từ Cửa Lò, Kỳ Anh, Nhật Lệ, Đà Nẵng, Lý Sơn, Nha Trang đến miệt biển Phú Quốc quen mặt ông rồi trở thành mối ruột, chủ động báo tin mỗi khi đánh bắt được ốc quý. Nhưng không phải chuyến đi nào cũng thành công, hay lần sưu tập nào cũng mang về của báu. Không ít lần người đàn ông ấy hăm hở lên đường rồi quay về trong thất vọng, tiếc nuối.


Kinh nghiệm nhiều năm sưu tập, ông Toại bảo rằng ốc biển đẹp nhất Việt Nam tập trung nhiều ở vùng biển miền Trung từ Cửa Lò tới Nha Trang và vùng khơi Hoàng Sa, Trường Sa, do nơi này có nhiều bãi cát, rạn san hô và thảm thực vật biển phong phú, là môi trường sống thích hợp của ốc. Sự có mặt của mỗi loài ốc tại một vùng biển là "chỉ dấu" địa lý cho nơi đó, như ốc anh vũ, ốc kim khôi, trai tai tượng ở Trường Sa; ốc mực giấy, ốc sò gai, ốc xà cừ xanh ở Hoàng Sa.


Những năm qua, không ít nhà sưu tập, viện bảo tàng trong và ngoài nước đánh tiếng mua lại bộ sưu tập ốc với giá cao nhưng ông Toại nhất quyết không bán. Vậy mà vào một sáng đẹp trời, khi cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa đến gõ cửa, người đàn ông này gật đầu không chút suy nghĩ. 


"Đó là tâm niệm của tôi. Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi chúng thuộc về! Và hơn hết, tôi muốn mỗi người dân Việt hiểu hơn về vùng biển giàu có của mình để yêu thêm khơi xa, nơi có Hoàng Sa, Trường Sa trong tim mỗi người" - ông Toại trải lòng.


Nâng tay cầm chiếc vỏ ốc biển áp vào tai, khách tham quan từ ngạc nhiên chuyển sang thích thú khi bên trong chiếc vỏ trống rỗng liên hồi rít lên tiếng rào rào như âm thanh sóng gió Hoàng Sa vọng về.


Giàu thêm kho tư liệu chủ quyền biển đảo


Ông Lê Tiến Công, phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, nói việc tiếp nhận trưng bày bộ sưu tập 1.000 loài ốc biển Việt Nam của nhà sưu tập Phan Thanh Toại đã làm giàu thêm kho tư liệu chủ quyền biển đảo.


Không chỉ vậy, sự kiện giới thiệu bộ sưu tập tới công chúng được kỳ vọng sẽ tạo sức hút lớn, thu hút thêm nhiều người dân và du khách đến với nhà trưng bày, đặc biệt là giới trẻ, học sinh - sinh viên. Nhờ đó, những thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông, đặc biệt là với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ dễ dàng truyền tải đến đông đảo mọi người qua cách thức tự nhiên, trực quan nhất. THÁI BÁ DŨNG - TẤN LỰC - HỮU KHÁ


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


VnExPress Thứ sáu, 17/1/2014 | 00:00 GMT+7


30 phút đấu pháo trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974


Đúng 10h25 ngày 19/1/1974, đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc nhằm tái chiếm Hoàng Sa. Hải pháo hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng.


Chuẩn bị cho trận chiến, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải Việt Nam Cộng hòa đã thành lập Hải đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa, gồm các chiến hạm và sĩ quan được bổ sung từ Bộ Tư lệnh Hải quân tại Sài Gòn. Chỉ huy trưởng Hải đoàn đặc nhiệm là đại tá Hà Văn Ngạc.


Các thập niên 1950, 1960 và 1970, Hải quân Mỹ thường tân trang chiến hạm cũ từ Chiến tranh thế giới thứ II rồi viện trợ cho đồng minh ở châu Á như Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa, Philippines… Vũ khí, hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển của tàu viện trợ đều lỗi thời. Trong khi đó, Liên Xô, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Âu đã trang bị cho hải quân theo quan điểm đổi tiện nghi, trang bị điện tử để lấy ưu thế về tốc độ, vũ khí và dùng những chiến thuyền nhỏ tấn công các chiến hạm lớn.


Trận chiến Hoàng Sa diễn ra chủ yếu trong lòng của vùng đảo Nguyệt Thiềm, chiến hạm Trung Quốc nhỏ, nằm sát mặt nước nên rất khó bắn trúng, đồng thời dễ dàng nâng cao độ của hải pháo, tạo thế tấn công hữu hiệu. 


Hải pháo của chiến hạm Việt Nam Cộng hòa nằm trên cao so với hải pháo Trung Quốc nên khó xoay trở ở cự ly gần. Hơn nữa, khi Mỹ chuyển giao các chiến hạm cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa, các trang bị tối tân như pháo 76,2 ly bắn nhanh tự động với hệ thống radar kiểm soát (radar control) và khóa mục tiêu (lock-on system) đã bị tháo gỡ hoặc không còn sử dụng được. 


Khẩu 127 ly trên các tuần duyên hạm của Việt Nam Cộng hòa đều phải điều chỉnh bằng tay nên nhịp bắn rất chậm, chỉ hữu hiệu trong việc yểm trợ hải pháo.


Trung Quốc có đủ tất cả lực lượng hải, lục, không quân và tiềm thủy đỉnh (tàu ngầm) túc trực, sẵn sàng tham chiến. Việt Nam Cộng hòa chỉ có chiến đấu cơ tốt nhất là loại F5E, tầm hoạt động ngắn, đủ nhiên liệu bay ra Hoàng Sa rồi quay về mà không thể ở lại yểm trợ hoặc chiến đấu. (Tương quan lực lượng hai bên).


image010Máy bay F5E của Việt Nam Cộng hòa chỉ đủ nhiên liệu bay ra Hoàng Sa rồi quay về. Ảnh tư liệu.


Trước giờ khai hỏa


Diễn biến được coi là khởi đầu trận hải chiến vào ngày 11/1/1974, khi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc. Từ thời điểm này, liên tục có những diễn biến căng thẳng cả trên thực địa lẫn mặt trận ngoại giao đến khi cuộc nổ súng bắt đầu.


image011Bốn chiến hạm Việt Nam Cộng hòa tham gia trận chiến.


Ngày 15/1/1974, Hải quân Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam khi đổ bộ chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Cam Tuyền.


10h, HQ16 đi tuần tiễu phát hiện trên đảo Cam Tuyền cắm cờ Trung Quốc và gần đó là một tàu đánh cá Trung Quốc màu xanh xám, mang tên Nam Ngư, số 402, có đại bác 25 ly. Tàu HQ16 đã dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc rời đảo nhưng tàu này không trả lời. Chiều cùng ngày, tàu Trung Quốc mới rời khỏi đảo.


Ngày 16/1/1974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc gửi công hàm cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để lưu ý tình hình căng thẳng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, xảy ra bởi lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.


Sáng sớm hôm đó, HQ16 đi tuần và phát hiện trên đảo Quang Hòa có chòi canh, vọng gác cao gắn cờ Trung Quốc cùng một chiến hạm Trung Quốc di chuyển quanh đảo. HQ16 yêu cầu tàu này rút lui nhưng không có tín hiệu trả lời. Đảo Duy Mộng không có người nhưng có hai tàu nhỏ của Trung Quốc ở gần bờ.


Trưa 16/1, HQ16 đưa 16 nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để thám sát, phát hiện có mộ và bia đã đề chữ Hán. Lúc 15h35, HQ16 ghi nhận tại Tây Nam đảo Cam Tuyền có hai tàu đánh cá Trung Quốc được vũ trang đại bác 25 ly, mang số 402 và 407.


Ngày 17/1, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa gửi công hàm cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị ban bố mọi biện pháp thích hợp để cải thiện tình hình.


Trên thực địa, lúc 11h, HQ16 hoàn tất đổ bộ đoàn 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Vĩnh Lạc. Nhóm này có nhiệm vụ phá hủy các tấm mộ bia và tổ chức phòng thủ trên đảo.


15h cùng ngày, HQ16 đến đảo Cam Tuyền, án ngữ tại phía Đông Nam để yểm trợ cho HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên phía Tây đảo Cam Tuyền trong khi hai tàu Trung Quốc 402 và 407 đang ở phía Nam đảo Cam Tuyền.


18h, HQ4 phát hiện hai tàu Trung Quốc Kronshtadt 271 và 274 từ đảo Quang Hòa tiến về đảo Cam Tuyền. HQ4 đã dùng quang hiện yêu cầu các tàu này rời đi, tàu Trung Quốc cũng dùng quang hiệu trả lời rằng các đảo này thuộc chủ quyền của họ và yêu cầu chiến hạm Việt Nam Cộng hòa rút lui. Tiếp đó, các tàu này chạy quanh HQ4 và di chuyển chặn đầu chiến hạm, bất chấp quy tắc hàng hải quốc tế.


Ngày 18/1, một trong bốn tàu Trung Quốc rời đảo Quang Hòa tiến về HQ4 lúc 4h30. Nhưng sau khi HQ4 tiến sát tàu địch thì tàu này rút lui về phía đảo Quang Hòa. 8h45, HQ16 phát hiện thêm một tàu Trung Quốc di chuyển phía Đông Nam đảo Duy Mộng. Trên đảo đã thấy cờ Trung Quốc.


10h30, HQ4 hoàn tất đổ bộ đoàn 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Cam Tuyền và rút tất cả 27 biệt hải trở về chiến hạm. Tàu Trung Quốc mang số hiệu 407 tiến về phía HQ16.


15h cùng ngày, Đại tá Hà Văn Ngạc và HQ5 đến Hoàng Sa. Hải đoàn gồm HQ4, HQ5, HQ16 tiến về Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ toán hải kích lên đảo. Hai tàu Trung Quốc 271 và 274 tiến tới chặn đường. Hai bên liên lạc quang hiệu, xác nhận Hoàng Sa là lãnh hải của mình và yêu cầu phía bên kia phải rời ngay lập tức. Với hành động cố tình chặn đường có thể gây đụng tàu, Hải đoàn trở về phía Nam đảo Hoàng Sa, tiếp tục theo dõi chiến hạm Trung Quốc.


19p5, HQ5 phát hiện thêm hai chiến hạm Trung Quốc loại T43 cải biến mang số 389 và 396.


23h, Đại tá Hà Văn Ngạc nhận lệnh tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Vị Chỉ huy trưởng chia Hải đoàn ra làm hai phân đoàn đặc nhiệm: Phân đoàn một gồm HQ4 và HQ5 do trung tá Vũ Hữu San, chỉ huy với nhiệm vụ có mặt tại phía Nam và Tây Nam đảo Quang Hòa để đổ bộ hai toán hải kích và biệt hải. Phân đoàn hai gồm HQ10 và HQ16 do trung tá Lê Văn Thự chỉ huy với nhiệm vụ giữ nguyên vị trí trong lòng vùng đảo Nguyệt Thiềm để yểm trợ cho việc đổ quân. Nếu cuộc đổ bộ không thành thì các chiếm hạm sẽ dùng hỏa lực tiêu diệt hai chiến hạm chủ lực của địch (271 và 274), còn quân Trung Quốc sẽ là mục tiêu tấn công cuối cùng.


19/1/1974 - Cuộc đấu pháo 30 phút


7h sáng, HQ5 đổ bộ 22 hải kích lên bờ Tây Nam và HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên bờ Nam để tái chiếm đảo Quang Hòa nhưng thất bại trước hỏa lực quá mạnh của Trung Quốc. Cũng trong thời gian này, tàu Trung Quốc 402 và 407 tăng cường khoảng 2 đại đội lên bờ đông bắc đảo Quang Hòa.


8h50 và 10h, Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho đại tá Hà Văn Ngạc tấn công tối đa vào các đảo. Nếu địch bắn phá, dùng mọi khả năng để chống trả. Nhận thấy chỉ thị này sẽ bất lợi cho hải đoàn vì chiến hạm địch có toàn lực trong lúc hải đoàn Việt Nam đang bị phân tán nên đại tá Hà Văn Ngạc đề nghị Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải cho triệt hạ tàu địch trước. Tư lệnh đồng ý. 


10h, Chỉ huy trưởng Hà Văn Ngạc ra lệnh rút hải kích và biệt hải. Các phân đoàn chuẩn bị tấn công tại các vị trí ấn định. Phân đoàn một gồm HQ4 và HQ5 đối đầu với hai hộ tống hạm 271 và 274 tại phía Tây Nam đảo Quang Hòa. Phân đoàn hai gồm HQ16 và HQ10 đối đầu với hai hộ tống hạm T43 là 389 và 396 tại phía Tây Bắc đảo Quang Hòa. 


image012Sơ đồ trận chiến theo mô tả trong sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm


Cuộc tấn công của Phân đoàn 2 gồm HQ16, HQ10 diễn ra ở phía Bắc đảo Quang Hòa. Đúng 10h25, đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc tại Hoàng Sa. HQ16 và HQ10 đứng yên, mọi ổ súng lớn, nhỏ từ mũi tàu ra sau lái đều nhắm bắn vào tàu Trung Quốc. Hải pháo giữa chiến hạm hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng. 


10h35, HQ10 báo cáo Đài chỉ huy trúng đạn, Hạm trưởng bị trọng thương, hầm máy bị cháy và ngập nước. Hạm trưởng HQ16 ra lệnh cho Hạm phó HQ10 là đại úy Nguyễn Thành Trí lên thay quyền chỉ huy. HQ10 vẫn tấn công ào ạt vào chiếc 396 của Trung Quốc đang tiến gần.


10h45, chiếc 389 bị trúng đạn bốc khói mù mịt.


10h55, chiếc 396 bị bắn không điều khiển được, đụng vào HQ10 rồi lại bật ra xa, bị trúng thêm đạn bốc cháy xoay vài lần rồi dạt vào bãi san hô Tây Bắc đảo Duy Mộng. HQ10 cũng bị thiệt hại nặng nề, bị trúng đạn và không thể điều khiển được.


Trong khi đó, HQ16 bị trúng đạn lạc của HQ5, hầm máy bên phải ngập nước, vài phút sau, tàu bị nghiêng. Phòng vô tuyến liên lạc truyền tin bị gián đoạn vì mất điện. Nhận thấy không thể tiếp tục tham chiến, HQ16 rời khỏi lòng chảo, chạy về hướng Đà Nẵng.


11p0, HQ10 bị bỏ lại. Hạm trưởng và một số nhân viên tử thương. Hạm phó ra lệnh đào thoát.


Cuộc tấn công của Phân đoàn 1 gồm HQ5, HQ4 diễn ra ở phía Tây Nam đảo Quang Hòa. 10h25, hải pháo 76,2 ly của HQ4 ở sân mũi gặp sự cố ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữa. Việc này đã làm đảo lộn các dự tính của đại tá Hà Văn Ngạc. Tuy vậy, HQ4 vẫn tận dụng hỏa lực còn lại, tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm đại liên.


10h40, khẩu 76,2 ly của HQ4 ở sân lái sau bị hỏng bộ phận tấn công tự động nên phải điều chỉnh bằng tay, bắn từng phát một nặng nề và chậm chạp. Đại tá Ngạc đã ra lệnh cho HQ4 rút lui khỏi vòng chiến để sửa chữa và chỉ thị HQ5 yểm trợ cho HQ4 rút ra xa. HQ4 tuy bị trúng nhiều đạn nhưng máy móc chính và hệ thống truyền tin vẫn điều khiển tốt.


10h55, chiếc 274 bị trúng đạn, bốc cháy và dạt vào bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa. Đa số súng trên HQ5 bị trở ngại, trừ khẩu pháo 40 ly bên trái, máy siêu tần không còn liên lạc được, máy truyền tin trên đài chỉ huy cũng bị trúng đạn bể nát, đại tá Ngạc phải vào Trung tâm chiến báo dùng máy VRC46 để chỉ huy.


Sau trận hải chiến, HQ10 không điều khiển được, bị bỏ lại và sau đó bị Trung Quốc đánh chìm; 3 chiến hạm (HQ4, HQ5, HQ16) bị hư hại; 74 binh sĩ hy sinh, 28 người bị thương và 48 người bị bắt làm tù binh khi Trung Quốc tăng quân đổ bộ lên chiếm các đảo vào ngày 20/1/1974.


Về phía Trung Quốc, 2 chiến hạm (274 và 396) bị chìm hoặc dạt vào bãi san hô; 2 chiến hạm (271 và 389) bị thiệt hại nặng; không rõ số nhân viên bị thương và chết.

11h, chiếc 271 được chiếc 389 tiếp trợ, hợp lực quay lại tấn công HQ5. HQ5 bị trúng nhiều đạn nhưng phản công dữ dội khiến tàu địch thiệt hại nặng phải chùn lại. 


Nhận được tin báo tăng viện của địch sắp đến, với tình trạng HQ10 không thể sử dụng, HQ16 nước vào hầm máy, tàu bị nghiêng, HQ4 và HQ5 trúng nhiều đạn chỉ còn hỏa lực rất hạn chế, Chỉ huy trưởng Hải đội đặc nhiệm ra lệnh cho HQ5 rút lui về hướng Đông Nam.


Hai tàu địch cũng bị hư hỏng nặng nên rút về hướng Đông Bắc Hoàng Sa. HQ5 cùng HQ4 rút về hướng Đông Nam và tiến về Đà Nẵng.


11p0, ba chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa buộc phải rút khi lực lượng tăng viện Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc nhập vùng (tàu hộ tống 281, 282 đến nơi sớm nhất, khoảng 30 phút sau khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa rút). 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ16 bị kẹt lại đảo Vĩnh Lạc, 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ4 bị kẹt lại Cam Tuyền, các đảo của Việt Nam chỉ còn lực lượng quân đội trú phòng vệ, không còn hải pháo yểm trợ.


Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm này rơi vào tay Trung Quốc.


Diễn biến sau trận chiến Hoàng Sa


11h50 ngày 19/1/1974, hai chiến hạm tăng viện của Trung Quốc 281, 282 nhập vùng tiếp cứu các chiến hạm thiệt hại và nhân viên Trung Quốc bị thương, thiệt mạng. Hạm đội Trung Quốc tiếp tục sử dụng hải, lục, không quân tấn công và chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, bắt 50 tù binh (có 1 người Mỹ). Các tù binh này sau đó được trao trả vào ngày 17/2.


14p5 ngày 19/1/1974, HQ4 và HQ5 được lệnh quay lại Hoàng Sa tiếp cứu nhân viên đào thoát từ HQ10 đồng thời nhận được tin HQ16 sẽ được HQ6 hộ tống về Đà Nẵng. 


17h20 ngày 19/1/1974, HQ4 và HQ5 gần đến Hoàng Sa thì nhận được lệnh trở về Đà Nẵng. 


7h ngày 20/1/1974, HQ16 về đến vịnh Tiên Sa, cập cầu căn cứ hải quân Đà Nẵng. 


7h30 ngày 20/1/1974, HQ4 và HQ5 cập cầu thương cảng Thống Nhất, Đà Nẵng. 


Trong khi đó, ở trên bờ, 12h ngày 19/1/1974 Sư đoàn 1 không quân Việt Nam Cộng hòa nhận được lệnh chuẩn bị cuộc hành quân đánh bom các chiến hạm Trung Quốc tại Hoàng Sa. Sáng 20/1, Kế hoạch không tập các chiến hạm Trung Quốc tại Hoàng Sa hoàn tất và lực lượng tham chiến thuộc Phi đoàn 538 sẵn sang chờ lệnh.


Trưa hôm sau, kế hoạch dội bom các chiến hạm Trung Quốc tại Hoàng Sa bị hủy bỏ.

Nguyễn Hùng Cường
(Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo)

27 Tháng Bảy 2014(Xem: 17179)
Thuyết trình tại Quảng Châu, cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton chỉ trích Trung Quốc muốn giải quyết song phương với các nước láng giềng về tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Cựu tổng thống Mỹ vừa ghé thăm Việt Nam trong khuôn khổ chương trình vận động cho Quỹ Clinton chống AIDS/Sida.
24 Tháng Bảy 2014(Xem: 16161)
Vào đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã cho triển khai giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài giàn khoan, Trung Quốc còn triển khai một đội tàu lớn, bao gồm cả các tàu quân sự, quanh giành khoan.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 16337)
Thông tin “giàn khoan 981 của Trung Quốc đã ngừng di chuyển ở vị trí nằm sâu hơn trong vùng biển của Việt Nam” đã gây hiểu lầm và hoang mang trong một bộ phận dư luận ở Việt Nam.
17 Tháng Bảy 2014(Xem: 15142)
Trong chiều hướng gia tăng sản xuất năng lượng ngoài khơi, Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy nổi để khai thác khí đốt ở Biển Đông.
15 Tháng Bảy 2014(Xem: 17698)
Việc Trung Quốc tiếp tục đưa các giàn khoan vào Biển Đông, trong đó có giàn khoan Nam Hải 9 đến cửa Vịnh Bắc Bộ, theo tôi là hành động không thiện chí giữa lúc hai bên đang có những tiếp xúc và Việt Nam kiên trì giải quyết vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 bằng các biện pháp hòa bình. Hành động tiếp tục đưa giàn khoan là vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước.
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 15015)
AP hôm nay 12/07/2014 cho hay một giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị với các quốc gia tranh chấp xung quanh Biển Đông ngừng xây dựng mới, để giảm thiểu nguy cơ bùng nổ xung đột tại khu vực này. Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ không cho rằng chỉ có một bên phải chịu trách nhiệm về tình trạng căng thẳng này, nhưng phê phán cách hành xử « đơn phương và khiêu khích » của Trung Quốc.
08 Tháng Bảy 2014(Xem: 22419)
Trong phạm vi bài viết này, tạm gọi nó là kênh đào xuyên Đông Nam Á, để dễ hình dung tầm quan trọng của nó và tác động của nó vào tình hình chính trị của Thái Lan và nhất là Việt Nam hiện nay. Kênh đào này dĩ nhiên nó mang lại lợi ích cho toàn bộ Đông Nam Á nói riêng và giao thương hàng hải quốc tế nói chung, nhưng vì nó sẽ nối Vịnh Thái Lan vào Ấn Độ Dương nên trực tiếp ảnh hưởng tới Thái Lan, và sau đó, tới Việt Nam và Campuchia (không kể Singapore và Malaysia).
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 17146)
Doanh nghiệp sắm 100 con tàu cùng ngư dân bám biển: 45 tàu sẽ về VN trong tháng 8. (TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online hôm nay 6.7, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, cho biết ngay trong tuần tới ông sẽ sang Hàn Quốc để đàm phán và quyết định đưa 12 con tàu cá vỏ sắt đầu tiên về nước.
03 Tháng Bảy 2014(Xem: 15390)
Trung Quốc, với lực lượng mạnh hơn, đang tăng sức ép ở Hoàng Sa nhằm thử quyết tâm của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh cũng có hai điểm yếu mà Hà Nội nên tận dụng, một chuyên gia an ninh châu Á Thái Bình Dương nhận xét.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 14951)
VnExpress - Trung Quốc, với lực lượng mạnh hơn, đang tăng sức ép ở Hoàng Sa nhằm thử quyết tâm của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh cũng có hai điểm yếu mà Hà Nội nên tận dụng, một chuyên gia an ninh châu Á Thái Bình Dương nhận xét.
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 16593)
Đây là một trường hợp phải lên tiếng bây giờ, nếu không sẽ mất cơ hội mãi mãi. Trung Quốc muốn tăng mức độ uy hiếp các nước ở Á Châu, bằng cách trừng phạt và áp lực các nước này, để họ đừng lên tiếng phản đối những gì mà Trung Quốc đang làm.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 16176)
Hình ảnh ghi lại tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép cho thấy các tàu nước này hung hãn vây ép, chặn đầu, khóa đuôi, đâm va tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Canhsatbien Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều nay, ông Thu thông tin rằng, từ ngày 16 đến 25/6, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 109 đến 125 tàu thuyền các loại để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Trong số này có khoảng 4 đến 6 tàu chiến, gồm các chủng loại tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh, tàu quét mìn.
24 Tháng Sáu 2014(Xem: 17403)
Trong cuộc họp với các đồng nghiệp Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Vladimir Dmitriev nói rằng phía Việt Nam đã sắp xếp giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến chuyến thăm này. Chuyến thăm diễn ra trong bầu không khí thân ái. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ còn ghé thăm Cam Ranh, nhằm tiếp tục tăng cường sự tương tác giữa lực lượng Hải quân Nga và Hải quân Việt Nam.
22 Tháng Sáu 2014(Xem: 16490)
Giàn khoan "Nam Hải số 9" đang được kéo tới cửa vịnh Bắc Bộ - nơi hai nước đang bàn để phân định. Vị trí hạ đặt cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 19459)
Súng trên đảo Đá Nam, một tiền đồn hiểm yếu trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo khu vực biển bắc quần đảo Trường Sa. Đá Nam cách Song Tử Tây độ 3,5 hải lý, đảo vừa là tai mắt phòng thủ mạn tây nam Song Tử Tây, vừa liên hợp mạn bắc trống trải với đảo Thị Tứ (hiện ta đang kiểm soát). Đá Nam gắn liền với Song Tử Tây như hai chị em.
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 17263)
Một nhà nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam nói rằng các bằng chứng mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra để chứng minh cho ‘chủ quyền không thể chối cãi’ của họ đối với quần đảo Hoàng Sa là ‘không có giá trị pháp lý’.
15 Tháng Sáu 2014(Xem: 24063)
Một báo cáo đáng tin cậy của Philippines cho biết Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo đất tại 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
12 Tháng Sáu 2014(Xem: 19673)
Trung Quốc đang xem xét việc mở rộng cơ sở lớn nhất của mình tại Bãi Chữ Thập thành một hòn đảo nhân tạo, với cả đường băng và hải cảng, để thúc đẩy mạnh mẽ sức mạnh quân sự ở Biển Đông, một học giả và một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho hay. Bãi Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988.
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 15676)
(Dân trí) - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russel hôm qua cho rằng Trung Quốc cần phải rút giàn khoan Hải Dương-981 và các bên tranh chấp trên Biển Đông nên giải quyết tranh chấp tại một tòa án quốc tế.
09 Tháng Sáu 2014(Xem: 14508)
Việt Nam hiện đang kiểm soát một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa Hải quân hai nước Việt Nam và Philippines đã có một ngày thi đấu thể thao tại quần đảo Trường Sa hôm Chủ nhật ngày 8/6 trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông ngày càng căng thẳng.