Tiếng Vọng Nhân Quyền từ Sài Gòn

13 Tháng Mười Một 20197:25 SA(Xem: 4419)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VĂN NHÂN VẬT KHOA HỌC - THỨ NĂM 14 NOV 2019


Tiếng Vọng Nhân Quyền từ Sài Gòn


21 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 2013)


Phóng tác từ sự kiện có thật


* Quay lại đoạn phim sống ở nhà thờ Đức Bà Saigon ngày 23 tháng 4 năm 1977: “Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Cùng Khổ.”


* Quay lại đoạn phim đối thoại giữa hai người anh em cùng giòng máu khác chiến tuyến. “Cộng sản kỵ nhất hai mẫu người: lỗi lạc trong đảng và bất khuất trong tù. Lỗi lạc sẽ tái hiện một Gorbachev, bất khuất sẽ tái hiện một Mandela. Cả hai mẫu người này đều có ở Việt Nam.” (LKT)


image003

Lý Kiến Trúc


(Gởi đến những nhân vật trong truyện vớí lòng ngưỡng mộ)


Văn Hóa Online-California  đăng lại bài này để tưởng niệm Luật sư Trần Danh San qua đời hôm 11 tháng 11 năm 2013 tại Quận Cam.


Chủ Nhật 15 tháng Tư, 2011, tại một nhà hàng ở Tp Westminster, Orange County, California, cựu Luật sư Trần Danh San và cựu Luật sư Triệu Bá Thiệp đã tổ chức buổi tiệc nhỏ trong vòng thân hữu. Thư mời ghi: “để cùng nhau nhớ lại các kỷ niệm đấu tranh”.


image005

Từ trái: Ls Trần Danh San, nhà báo Lý kiến Trúc, Ls Triệu Bá Thiệp và một Luật sư thân hữu.


image001


A. BỐI CẢNH:


1. Thời gian: Tháng 4 năm 1977.


2. Không gian: Ngày và Đêm.


B. ĐỊA ĐIỂM và DẤU TÍCH:


Sàigon, thủ đô miền nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975 đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Đô trưởng Tòa Đô chánh Saigon đổi tên gọi là Chủ tịch Uỷ ban Quân quản. Dinh Độc Lập đổi tên là Dinh Thống nhất, 12 giờ trưa ngày 30/4/75 lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ bị quân “giải phóng” kéo xuống trương lên cờ MTGPMN Xanh đỏ Sao vàng, nhưng ngay ít lâu sau đó biến mất, Cờ đỏ Sao vàng trương lên.


Sàigon quá nhiều dấu tích trong lịch sử dựng nước Việt Nam. Máu dân Việt đổ quá nhiều trong cuộc nội chiến tranh giành ngôi bá chủ thời Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn Tây Sơn. Tác giả dựng lại khúc phim này trong bối cảnh lịch sử cận đại cách đây 35 năm. Những dấu tích liên quan như như Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện, Đại lộ Thống Nhất, Công viên-công trường Kennedy, Tổng nha Cảnh sát, Tòa án, các đường phố trung tâm, tòa Tỉnh trưởng Gia Định, trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn, số 4 Phan Đăng Lưu (Trung tâm Thẩm vấn tù nhân Chính trị), Hội Việt Mỹõ, Hội Văn nghệ Giải phóng, Đại học xá Minh Mạng, trường nữ trung học Gia Long cũ, trường nữ trung học Trưng Vương, villa số 4 đường Hồng Thập Tự, đoàn người mít tinh, các băng rôn, biểu ngữ và những khu phố rất nhộn nhịp mới mọc ra: chợ trời, v.v… tất cả có mặt trong phóng tác từ một sự kiện có thật.


C. NHÂN VẬT:


1. Nhân vật thật chính diện (tên thật trong sự kiện): 


- Trần Danh San, Triệu Bá Thiệp, Nguyễn Hữu Giao, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hữu Doãn, Trần Nhật Tân, Vũ Hùng Cương, Vũ Đăng Dung, Phạm Biểu Tâm, Huỳnh Thành Vị, Nguyễn Văn Điệp, Hà Quốc Trung, v.v… và một số sinh viên học sinh không rõ tên.


2. Nhân vật phụ chính diện (cải tên trong phóng tác):


- Duyệt Dương, Dũng Phạm, Cường Nguyễn, Việt Ngô, Bang Trịnh, Trừng Nguyễn, Đức Hồ, v.v…


3. Nhân vật thật trong tù (tên thật trong sự kiện): 


Hòa thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Vàng, Gs Trần Văn Tuyên, Gs Ngô Khắc Tỉnh, Ts Nguyễn Xuân Oánh, Nhà văn Hồ Hữu Tường, Db Võ Long Triều, Gs Đoàn Viết Hoạt, Gs Vũ Quốc Thông, Thượng tọa Thích Thiện Minh, Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, Ls Trần Danh San, Ls Triệu Bá Thiệp, Ls Ls Nguyễn Hữu Giao, Ls Nguyễn Quý Anh, Thủ lãnh Vũ Đăng Dung, Bs Phạm Biểu Tâm, Nhà báo Huỳnh Thành Vị, Ls Trần Nhật Tân, Ls Vũ Hùng Cương, Nhà báo Trần Dạ Từ, Nhà văn Phạm Quốc Bảo, Ls Giao Nguyễn, Ls Doãn Nguyễn, Kts Điệp Nguyễn, Gs Trung Hà, những sinh viên tâm huyết, Nhà văn Hoàng Hải Thủy, nói theo chữ của Hoàng Hải Thủy nằm “phơi rốn” bắt rệp.


4. Nhân vật thật tuẫn tiết trong tù (tên thật trong sự kiện): 


Nguyễn Văn Điệp, Hà Quốc Trung.


5. Nhân vật phản diện (cải tên trong truyện): 


- Các nhân vật lãnh đạo đảng CSVN và MTGPMN: Duẩn Lê, Thọ Mai; Kiệt Võ, Văn Trà, Định Nguyễn, Hoa Quỳnh, Thượng tá Ba Phận, v.v…


- Quản giáo, sĩ quan chấp pháp, vệ binh không rõ tên, v,v.


6. Nhân vật phụ minh họa: 


- Các luật sư chế độ Sàigòn trong bộ áo luật sư cũ.


- Các văn nghệ sĩ sinh sống ở miền nam trước 1975.


- Thanh niên nam nữ Sàigòn trước 1975.


- Các phụ nữ sau 30/4/1975.


- Dân chúng mua bán ở chợ trời.


- Tổ dân phố nam phụ lão ấu.


- Sĩ quan, Công chức chế độ VNCH trong các trại cải tạo.


- Tù nhân trong các “cát xô”.


D. VẬT DỤNG:


- Loa phóng thanh.


- Tài liệu. 


- Xe Molotova, xe jeep Nga, Mỹ.


- Súng AK47. Sắc cốt. Súng K59.


- Trang phục: áo dài hoa, quần áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo, dép râu, v,v…


- Súng M16, nón sắt, ba lô, bốt đờ sô, quân phục VNCH, v,v…


Vài hàng phi lộ:


Chủ Nhật 15 tháng Tư, 2011, tại một nhà hàng ở Tp Westminster, Orange County, California, cựu Luật sư Trần Danh San và cựu Luật sư Triệu Bá Thiệp đã tổ chức buổi tiệc nhỏ trong vòng thân hữu. Thư mời ghi: “để cùng nhau nhớ lại các kỷ niệm đấu tranh”.


Luật sư San quá khiêm nhường, chỉ để nhớ lại các kỷ niệm. Một kỷ niệm đấu tranh đã đi vào lịch sử cận đại nhưng dễ bị quên lãng dù chữ ký của 17 người trong bản “Tuyên Ngôn của Những Người Việt Nam Khốn Cùng” vận còn đậm mực.


Trong niềm xúc động rưng rưng,( tay vẫn không quên ly rượu đỏ), Ls Trần Danh San đọc lại, đọc thuộc lòng, bản “Tuyên Ngôn” viết từ ba mươi bốn năm trước. Chính San, chính miệng San đã dõng dạc tuyên đọc bản tuyên ngôn trong giây phút ra mắt lẫy lừng ngay trước cửa nhà thờ Đức Bà Sàigon vào sáng ngày 23 tháng Tư năm 1977, tức là chỉ mới có 2 năm sau ngày bộ đội giải phóng miền Nam và các quân đoàn cộng sản miền Bắc “giải phóng toàn bộ miền nam VN”.


Chỉ trong mươi phút, ngay tại hiện trường, Ls Trần Danh San và 17 nhân vật ký vào bản tuyên ngôn bị công an tóm cổ trọn vẹn.


Từ tháng 5, 1975ø, hầu hết “ngụy quân ngụy quyền” đều “tự nguyện” hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Quân quản “tập trung thoải mái” trong hàng chục trại lính cũ được Uỷ ban gọi bằng cái tên nhã nhặn: trại học tập. (Ví dụ như căn cứ Trảng Lớn – Tây Ninh chứa khoảng hai ba chục ngàn sĩ quan công chức trí thức).


Riêng dân chúng sống trong các thành phố, thị xã, được phân loại rất rõ: tư sản mại bản, trí thức tiểu tư sản, người Việt gốc Hoa, và những thành phần liên quan đến mỹ Ngụy, được cổ động tích cực đi xây dựng vùng kinh tế mới. Riêng trí thức, văn nghệ sĩ được ưu ái “ học tập chính sách cánh mạng” trong ba ngày tại chỗ, tất nhiên, kể cả 17 ông rắp tâm ký viết bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền cho Những Người Cùng Khổ” cũng được học tập ba ngày.


17 ông này là ai? Ls San nói: Họ là những người vượt qua cái sợ, cái đói, cái bạo lực của chính quyền chuyên chính vô sản. Họ can đảm dám nói lên, viết lên, quyền sống của con người, họ là nhữngngười khởi xướng đầu tiên cho phong trào đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh cho quyền sống cho ra sống của người dân Việt Nam trong một bối cảnh đen tối và rình rập của sự ác sau hai năm “giải phóng”.


Tất cả những chữ ký “lừng lẫy dự lễ ra mắt” đều bị bắt tại trận, trước sự chứng kiến của Đức Bà, Đức Mẹ Maria đồng trinh. Không ai chạy thoát.


Án tù cho Ls Trần Danh San: 10 năm khổ sai và biệt giam. Các án tù khác cho các “đồng chí” của ông San ông Thiệp nặng không kém. Vì không chịu nhục, hai kẻ sĩ của miền Nam đi vào bất tử bằng cách tuẫn tiết trong tù. Đó làø Kiến trúc sư Nguyễn Văn Điệp và Giáo sư Hà Quốc Trung.


34 năm sau, một số ít gặp nhau ở bàn tiệc rượu Quận Cam. Vui thì có vui, nhưng ray rứt. Rượu vào, lời ra , mắt rưng rưng. Có thân hữu nói: nếu không có buổi tiệc này nhắc lại bởi chính hai người trong cuộc là Ls Trần Danh San và Ls Triệu Bá Thiệp, thì có lẽ bản Tuyên Ngôn đã vùi chôn theo quá khứ! Có người tự hỏi: Có nên để quá khứ vùi chôn hay khai quật lại cho thế hệ mai sau nhìn lại?


Những cánh tay giơ cao ly vang đỏ mừng hai cựu tù nhân còn sống, rượu đỏ chiêu linh hai kẻ sĩ tuẫn tiết. Tôi, tác giả bài phóng sự này cũng nâng ly, vinh hạnh được nâng ly cùng với các thế hệ nhân quyền đàn anh, lòng ngẫm nghĩ biết lấy gì đền đáp! Biết lấy gì trả nợ cho sự dấn thân, sự hy sinh quên mình của những tâm hồn yêu nước chân chính, dù yêu nước đứng ở phía bại trận hay ở phía thắng trận.


Phóng tác dưới đây không phải là một tư liệu lịch sử, cũng không là thiên ký sự, nó được phóng tác dựa trên các sự kiện có thật. Dựa trên các sự kiện có thật để dựng lại khúc phim ngày 23 tháng bẩy năm 1977, dựa theo các lời phát biểu, bài viết, lời kể, của các quý vị như Thẩm phán Phan Quang Tuệ, Luật gia Nguyễn Hữu Thống, Nhà văn Vũ Ký, Luật sư Triệu Bá Thiệp, Luật sư Trần Danh San, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, Nhà báo Nguyễn Mạnh Cường, Họa sĩ Hồ Thành Đức, Luật sư Robert Huy, v.v..… Những nhân vật này vừa là nhân chứng cũ, nhân chứng mới, vừa là thân hữu, vừa là cựu tù nhân; trong số đó nhiều người trong quá khứ đã từng được công an “mời lên làm việc”, hoặc “mời về cư ngụ” ở số 4 Phan Đăng Lưu, hoặc mời về thăm khám lớn Chí Hòa, ngắn hạn hay dài hạn tùy theo án tội “phản động”.


Tác giả xin thưa một lần nữa, tiểu phẩm này viết theo dạng phóng tác, tức là có phần hư cấu, thêm thắt cho câu truyện rôm rả, nhưng nhất định giữ nguyên chất liệu sống của sự kiện. Tác giả trân trọng xin lỗi danh tánh một số nhân vật có thật trong truyện, chính diện hay phản diện, tên của quý vị trong phóng tác có “điều chỉnh lại”, cốt để tránh “dị ứng” ở vài chỗ sai sót; xin quý vị vui lòng chấp nhận và tha thứ.


Đau thương, khổ ải, đói nghèo, áp bức… từ từ rồi cũng giảm theo dòng tiến bộ của thế giới. Quy luật Nhân Quyền ngày càng phổ cập cho mọi tầng lớp dân chúng, mọi xã hội muốn tiến lên nền văn minh nhân bản. Mặt yếu của nhân quyền không thể đảo ngược ngay một lúc các chế độ lạc hậu, bạo lực và độc tài, nhưng một khi Nhân quyền trở nên cấp bách như mẩu bánh mì trước cơn đói thì không một cực quyền nào có thể đứng vững.


Ai cũng nhận thấy điều này kể cả những người cộng sản. (Lý Kiến Trúc) 


 


1.


Bẩy cái đầu chụm vào nhau thì thầm trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô Sàigon. Duy nhất chỉ có ngọn đèn điện vàng vọt phủ trên cái bàn gỗ, bày biện chai rượu vang đỏ và vài cái ly. Ngoài trời, đêm tối và yên lặng bao phủ. Cái yên ắng khác thường của những ngày sau “giải phóng” khó ai hiểu nổi. Trên các khuôn mặt trầm ngâm ngồi quanh bàn, không ít người lộ ra nét căng thẳng.


- Tôi nghĩ rằng… một người trong nhóm chợt lớn tiếng nói: “Trước hết chúng ta phải đưa ra cái tiền đề cho bản tuyên ngôn. Cái tiền đề đó phải làm sao thể hiện cho thế giới và Liên hiệp quốc thấy rằng cuộc chiến của chúng ta hôm nay là cuộc chiến cho sự sống của người dân Việt. Nói cho cùng nghĩa nó là cuộc chiến cho nhân quyền.


- Đành là vậy, nhưng có lớn quá không? Chúng ta chỉ muốn đồng bào có cuộc sống dễ thở hơn, đỡ đói khát hơn, vả lại ngôn từ đao to búa lớn bọn nó cười, vả lại … tôi thấy hơi nguy hiểm.


Một người khác xen vào:


- Chúng ta may mắn đang được sống hợp pháp ở Sàigon. Chúng ta không phải đi kinh tế mới, không phải đi tập trung học tập. Anh muốn ở Sàigòn hay muốn đi cải tạo? Chúng ta phải đổi chác lý tưởng của chúng ta để sống còn đã …


- Đành vậy, nhưng … theo tôi, cứ thong thả dựa vào tình hình rồi xem họ xem động tịnh ra sao.


- Tình hình gì nữa, khốn khổ quá mức rồi. Nếu chúng ta không lên tiếng, họ lại làm tới. Tôi phản đối những ý nghĩ tiêu cực!


- Tôi đề nghị anh Phạm, anh Nguyễn thân với họ, bám, dò theo họ.


- Tôi đồng ý!


- Tôi cũng đồng ý!


Mấy cái đầu lại chụm vào nhau tiếp tục thì thầm.


2.


Chẳng khác gì trận động đất huỷ diệt mọi sinh vật. Cả một xã hội miền Nam sụp đổ nhanh không thể tưởng tượng nổi. Một triệu quân miền Nam buông súng, một triệu quân đầu hàng theo Đại tướng đầu hàng vô điều kiện. Tổng thống, Thủ tướng tháo chạy đang rung đùi trên máy bay, ngoài hạm đội, ngoài hải ngoại. Những đồn đãi về cuộc tắm máu lan truyền kinh hoàng. Người ta kinh hoàng nhưng người ta vẫn phải tụ tập từ tinh mơ để mít tinh hoan hô “giải phóng”. Những cuộc trả thù đẫm máu sẽ diễn ra khốc liệt nhưng không ai thấy. Những cuộc ruồng bố bắt bớ diễn ra trong đêm không ai thấy, chỉ thấy những bàn tay trắng nuốt nõn nà của quí bà quí cô không còn màu sắc quyến rũ, mà thay vào đó là bộ cánh bà ba đen thô sơ hòa nhập với những binh đoàn trẻ măng kéo về từ bưng biền, từ Trường Sơn, từ Bến Hải ùa vào Hòn Ngọc Viễn Đông ngơ ngác hiền lành.


Phố phường Saìgon tràn ngập biểu ngữ, khẩu hiệu và cờ đỏ đỏ chót. Hàng ngàn thanh niên nam nữ, hàng trăm đàn ông, đàn bà xưa nay ở trong xóm trong hẻm bỗng tràn ra đường với băng đỏ quấn vào cánh tay. Người ta gọi là quân băng đỏ, quân này hăng say cách mạng còn hơn ông bà cách mạng ở trong rừng về. Ông thợ giầy trong ngõ cạnh nhà hôm qua nay bỗng trở thành ông uỷ ban, ông chủ tịch; cậu học sinh cậu sinh viên trẻ nay trở thành đoàn viên thanh niên cộng sản! Cả thành phố lột áo nhanh không thể tưởng tượng nổi.


Thế nhưng thủ đô Sàigòn vẫn còn nguyên xi. Vài quả hoả tiễn, vài tiếng súng lẻ tẻ vẫn giữ cho Sàigon còn nguyên xi. Đường phố, xe hơi bóng lộn, nhà lầu, bin đinh, những hàng me, hàng phượng vĩ rợp bóng còn đó, im lìm, âm thầm nhìn hàng đống giầy sô áo trận ngổn ngang bừa bãi trên lề đường góc phố. Người ta gọi đó là cuộc cách mạng long trời mà không lở đất! Người ta cho đó là cái phúc của Sàigon, nếu trước đây mà nghe lời ông tướng nọ tử thủ Leningrade thì hậu quả khó lường! Âu cũng nhờ người Mỹ “cố vấn”!


Radio oang oang thông báo của Uỷ ban Quân quản kêu gọi tất cả sĩ quan công chức chế độ Sàigon chấp hành lịnh trình diện ở các cơ quan cách mạng. Chồng, con, anh chị tấp nập an tâm đi trình diện. Cuộc sống Saìgon vẫn trôi qua, vẫn nhộn nhịp … chạy gạo. Chạy gạo mới là vấn đề sinh tử của dân thành phố.


Người bắt đầu lao ra đường kiếm sống. Mọi con đường góc phố bỗng trở thành cái chợ khổng lồ mua mua bán bán, bất cứ thứ gì cũng có thể đổi chác. “Chợ trời” là ngôn ngữ mới lạ của Sàigon sau ngày “giải phóng”. Chợ trời rất cụ thể và sòng phẳng. Bất kỳ vật dụng gì trong nhà đang dùng, trong sở nếu “cưỡm” ra được đều thuận mua vừa bán. Sau cùng thì gạo vẫn không đủ, chỉ có mì và bo bo. Dân Sàigon bắt đầu nếm mùi bo bo pha khoai lang khoai sắn.


3.


Cứ sau buổi họp chiều chợ trời, họ lại tụm vào nhau trên căn gác hẹp số 4 Hồng Thập Tự của nhà trí thức Duyệt Dương. Năm bẩy người, Dương, Phạm, Nguyễn, Ngô, Lê, Trần, Triệu … chẳng phải họp hành gì cả hay để chia chác lời lỗ sau buổi chợ. Họ chia nhau vài chai rượu mía rum, bữa nào có kẻ tha về được chai vang thứ thiệt là thành đại lễ, mấy tách cà phê, gói thuốc lá Thăng Long, vài tán đường vốn là tiểu lễ. Cái đói diụ dàng đi vào từng ngày, những thứ gọi là “bơ sữa x xỉ đế quốc” trở thành … vàng ròng. Người ta tính toán với nhau từng gam đường, lon sữa. Một tách cà phê nho nhỏ trong quán cóc bên nhau dư sức hưng phấn cho dòng suy tư.


Nhóm của họ không đến nỗi tầm thường vì cái đói. Bài thơ “chí cả lòng kiêu đổ thừa vận rủi” không thể vì cái đói. Họ tụm với nhau qua cái radio nhỏ, vặn đủ nghe, nguồn thông tin cực hiếm, cực khó. Ngoài kia thế giới đang rung chuyển, nhân loại đang chuyển động vì cơn bão tự do, dân chủ. Ấp ủ “Mùa xuân Đông Âu”, đâu đây “Hiến chương Nhân quyền Tiệp Khắc 77”, vũ đài “Hiến chương Liên hiệp quốc” tiếp tục chia thế giới làm hai. Một nửa hân hoan chào mừng đoàn quân “Bách chiến bách thắng Mác Lênin” từ Đông Dương xa lắc. Nhưng cả thế giới đều không biết hàng triệu con người ở một đất nước vang dội chiến tranh đang đói, đang bàng hoàng. Vài con thuyền mỏng manh chở người trốn chạy ra khơi.


4.


Giá nào nhóm họ cũng phải bung ra. Khi dự thảo bản tuyên ngôn của “Những Người Cùng Khổ” gần như hoàn chỉnh, San Trần đề nghị mọi người cùng nhau ký tên vào.


- Nguy hiểm quá! Dũng Phạm gàn.


- Chúng ta ví như cá nằm trong rọ, cá nằm trong thớt, nó đập đầu bất cứ lúc nào! Cường Nguyễn bàn.


- Chúng ta tự do, không ai ép ai cả, tùy các anh. San Trần nghẹn lời, nói như nấc.


Cuối cùng mấy “anh em” doãi ra vào giờ thứ 25. Bản dự thảo rách nát đốt thành than. San Trần buồn bực bỏ ra về. Về nhưng trong đầu anh thuộc lòng bản dự thảo. San nóng nẩy đi tìm “anh em” mới.


Nhớ đến cuộc họp đầu tiên của giới hành nghề luật sư do vị luật sư cao niên uy tín nhất nhì ở Sàigon chủ trì ở tòa án Sàigòn hôm mùng 5 tháng 5, 1975. Trò chuyện với các đồng nghiệp, người luật sư khả kính xoa tay lạc quan: “Cách mạng đã nói rõ, cuộc chiến này không ai thắng ai, chỉ có đế quốc Mỹ là thua. Đất nước ta đã thống nhất, kẻ Bắc người Nam triệu người như một, chung tay xây dựng”.


Uỷ ban Quân quản tiếp tục ra thêm thông cáo: Tất cả các sĩ quan, công chức chế độ cũ phải đến tập trung ở các địa điểm như Đại học xá Minh Mạng, trường nữ trung học Gia Long, v.v… để đi học tập đường lối chủ trương của cách mạng một tháng. Các chuyên viên, trí thức, văn nghệ sĩ tập trung học tập tại chỗ 3 ngày. Đêm đêm công an phường tập họp tổ dân phố họp tổ “tự phê”, tự tố giác những phần tử “phản động”, những phần tử trốn tránh học tập, những phần tử làm việc “cho xịa”, những phần tử ác ôn nợ máu với nhân dân, những phần tử tư sản mại bản bóc lột sức lao động của nhân dân.


San Trần là một trong số cả trăm trí thức, văn nghệ sĩ Sàigon may mắn không phải đi học tập dài hạn, chỉ ba ngày thôi. Những ngày còn lại lang thang dăm con phố cũ. Đồ đạc trong nhà dần dần chuyển ra chợ trời. Ngày ngày nốc đắng ly rượu “đế cồn”, mắt San mờ đi, mờ đi vì cái bóng chủ nghĩa cộng sản lởn vởn trong óc.


Cõi lòng tan nát, San thất thểu đạp cái xe đạp cũ mèm tìm lại căn gác cà phê số 4 Hồng Thập Tự. Các “đồng chí cũ” mỗi người một phương. Trời không phụ lòng người. San tìm thấy các “đồng chí mới”, đông đảo hơn, nhiệt tình hơn, đa số làm việc trong nghành luật. San nức lòng. Hóa ra vẫn còn quanh ta vẫn còn những tâm hồn cao thượng vị nghĩa quên thân.


Đồng chí cũ họ Nguyễn bỗng tìm đến như một ân nhân. Họ Nguyễn dựa vào một anh cán bộ gốc Nam kỳ tạo dựng được một cơ sở sản xuất thủ công nho nhỏ gọi là cơ sở tự sản tự tiêu, rất hợp pháp hợp thời dưới chế độ mới. Anh em nào muốn dựa vào đó mà sống hợp pháp ở Sàigon thì phải “đăng ký” và đóng góp. San đăng ký ngay.


5.


Tay bắt mặt mừng bạn cũ bạn mới ở “Hội Trí Thức Yêu Nước” diễn ra ở Hội Việt Mỹ cũ trên đường Mạc Đĩnh Chi. Bang Trịnh, tổ trưởng tổ luật cách mạng đạt giấy mời giới trí thức Sàigòn tham dự một buổi họp đặc biệt. Ông kêu gọi ngành luật ngồi lại, trước mắt là để thi hành luật thông cáo của Uỷ Ban Quân Quản “học tập tại chỗ 3 ngày”. Ông ôn tồn thuyết trình cách mạng xưa nay luôn luôn tạo một vị trí xứng đáng cho giới trí thức, chứng cớ như Ls Nguyễn Hưũ Thọ, Kts Huỳnh Tấn Phát là những điển hình của giới trí thức tiến bộ. Bộ trưởng Tư pháp Trương Như Tảng, Bộ trưởng Y tế Dương Quỳnh Hoa, Chủ tịch Võ Văn Kiệt … cũng đã nhiều lần bày tỏ sự nối kết trí thức cùng nhau xây dựng đất nước thống nhất. Trí thức hồ hởi. Cựu Thủ tướng Lộc Nguyễn nhân danh cựu Thanh tra vũ khí bộ đội miền Đông Nam bộ Kháng chiến phát biểu hùng hồn: “Bây giờ cách mạng thành công, chúng tôi muốn biết chính sách của đảng cụ thể đối với chúng tôi ra sao?” Lần lượt các vị Thành Ngô, Liễng Trần, Trừng Nguyễn, Thiệp Triệu, San Trần, nhiều nữa, hăng hái phát biểu. Có vị chân thành ca ngợi cuộc chiến đấu vĩ đại của các lãnh tụ cộng sản nước nhà mới được thống nhất!


Tổ trưởng luật Bang Trịnh im lặng lắng nghe. Cho đến khi mọi người ra bãi xe đạp tan hàng ra về thì tổ trưởng Bang Trịnh bất ngờ từ bóng tối tiến sát đến Thiệp, San, nói như ra lệnh, thật khẽ: Chuồn đi!


Tiếng nói thầm nhưng tựa như tiếng sét bên tai San. San bừng tỉnh. Nháy mắt ra hiệu cho Thiệp, cả hai phóng xe đạp thật nhanh ra khỏi cổng cơ quan, chạy quanh co vào mấy con hẻm mất hút. Đằng sau hội trường trí thức đang họp, theo lời yêu cầu của cựu Thủ tướng Lộc Nguyễn, đảûng cụ thể chính sách ngay tức khắc: hai viên công an chìm mặc thường phục kẹp nách Lộc Nguyễn, nhanh như hổ vồ mồi, rất êm ái, một chiếc xe jin khuất dưới lùm cây bên kia đường xà lại, kín như bưng.


San và Thiệp thoát nhờ đàn em thương. Tổ trưởng Bang Trịnh là bạn vong niên của các đàn anh trong giới luật khoa. Khi còn là sinh viên tranh đấu ở Sàigòn. Bang nhớ đến tình nghiã thầy trò huynh đệ đối đãi với nhau trong các vụ xuống đường. Có lần Bang bị công an Sàigon bắt trói đưa về bót. Thầy phải ra tay cứu trò. Số phận con người trên con đường tranh đấu đôi khi chỉ trong gang tấc. Thoát nạn, San trốn biệt. Thiệp trốn biệt. Giữa chợ trời náo nhiệt, San lang thang chẳng khác nào một kẻ thất nghiệp vô danh.


Sàigon sau một canh bạc chót, kẻ cháy túi, kẻ đầy bị, kẻ báo công, kẻ cơ hội. Những khuôn mặt phờ phạc, hốt hoảng, nghi kỵ, dò xét, sợ hãi. Sàigòn hốt hoảng với ba giòng thác cách mạng long trời lở đất cuốn trôi mọi thứ. Bất kể, cách mạng len lỏi tới tận móng chân móng tay các bà các cô, cắt hết, cắt cụt ngủn, hàng vạn người xắn quần lên đầu gối tham gia thủy lợi nông trường. Băng đỏ lùng sục suốt đêm săn mồi “phản động”. Tiếng gõ cửa nửa đêm lạnh lùng khô khốc.


- Lôi cổ nó ra xe!


6.


 


San thất thểu đạp cái xe đạp gầy gò loang lổ, lang thang hết con phố quen này qua con phố quen nọ, đâu đây văng vẳng tiếng hát giữa đêm khuya: “Đại bác đêm đêm dội vào thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…” Ôi! tiếng hát gợi mùa chinh chiến se sắt lòng người.


Cơn gió mạnh ào đến lảo đảo chiếc xe cọc cạch. Dừng vội bên lề con đường mang tên vị công chúa cạnh Dinh độc lập; San ngồi bệt trên lề đường, bụng cồn cào đói lả, bỗng thấy bên gốc cây to đen mờ tối, bóng một ả gái giơ tay vẫy vẫy cất lên: anh ơi, vào đây anh, vào đây với em! bên cạnh ả là hai thân thể trắng hếu đang ôm nhau đứng tựa vào gốc cây. Bật lưng thẳng dậy như điện giật, San vơ lấy bi đông cắm đầu đạp.


7.


Suốt đêm qua, trong căn phòng nhỏ kín đáo, an toàn, họ đã cùng nhau duyệt xét lần cuối từng chữ, từng câu, bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Họ đồng ký tên thật. Từng chữ, họ viết thật nhẹ, từng câu họ pha một chút văn chương. Viết thế nào cho câu văn của bản tuyên ngôn đọc lên mọi người cùng hiểu, cùng thấm thía. Có người đề nghị in ra truyền đơn. San nói nó có vẻ lén lút. Phổ biến ngầm trong giới trí thức. Thiệp nói khá nguy hiểm vì “hại bạn”, vả lại nó rất hạn chế. Nhân cơ hội Uỷ ban Quân quản Tp HCM họp bàn về vấn đề cho phép các luật sư chế độ cũ tái hành nghề tại tòa án, họ đứng ra thành lập một “Uỷ Ban Nhân Quyền”. Cơ hội bằng vàng đến với họ.


Khởi đầu có nhiều người cho rằng Uỷ ban này là của Hà Nội đẻ ra, nó là cái bẫy giăng cá trí thức tư sản. Một người trong nhóm bàn: tương kế tựu kế, ta khởi động nhân quyền cho Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hà Nội. Tình báo cộng sản không muốn như vậy. “Lưới” âm thầm giăng ra. Chỉ huy lưới, một ông Tướng già đời trong chiến trường thầm lặng hoạt động trường kỳ ở miền nam. “Lưới” giăng ra phải thật tinh vi. Phải gài từng con nhện vào sâu nằm im trong các nhóm “phản động”. Bọn phản động hầu hết được “xịa” huấn luyện.


San cẩn thận hé cánh cửa sổ từ căn phòng nhỏ trong toà án cũ nhìn bao quát đường phố Sàigon về đêm. Gió sông Sàigon mát rượi thổi luồn vào. Đâu rồi ánh đèn màu rực rỡ hoa đăng của năm xưa, đâu rồi tiếng nhạc, tiếng xe inh ỏi rộn ràng. Cái im ắng lạ thường khiến người ta rúc kín trong các mái nhà mỗi khi xong giờ họp tổ dân phố. Tháng Tư sắp trở về, cách mạng đang gia công sửa soạn chào mừng hai năm cách mạng thành công. Thỉnh thoảng vài chiếc xe nhà binh bít bùng chạy vội vã, bánh xe xiết lòng đường ken két phóng về hướng đại lộ Thống Nhất. Dưới bóng đèn đường, hàng trăm người trên xe đổ xuống hì hục dựng lên một sân khấu lớn ngoài trời trước cổng Dinh Độc Lập. Vô số biểu ngữ đỏ lừ giăng lên tứ phía vắt qua hàng cây. Những lằn vôi trắng kẻ dọc ngang trên đường nhựa. Trong đám công nhân có tiếng thì thầm:


- Đồng chí Tổng bí thư và các lãnh đạo ở Hà Nội sẽ về thành phố dự lễ diễu hành mừng miền Nam hai năm giải phóng.


- Thế phái đoàn và bộ đội Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có diễu hành chung không?


- Không!


- Sao lạ vậy!


Đó là một buổi tối tháng Tư năm 1977. Hai năm sau “ngày giải phóng”, trong căn phòng nhỏ đèn mờ, 17 người hẹn nhau vào ngày N, giờ G, tại địa điểm M…


8.


Mười bẩy cánh tay giơ cao, xuyên qua ánh đèn vàng lủng lẳng trên trần nhà, những chiếc ly pha lê sóng sánh vang đỏ bỗng đỏ óng ánh lạ thường. Nhờ “chợ trời”, những chai vang thơm màu nho chín không biết ở căn hầm nào tuồn ra, những chiếc ly pha lê bận bịu cụng vào nhau lách cách, vài phụ nữ trong cánh áo bà ba đen khăn rằn quấn cổ, đi tới đi lui quanh “bàn tiệc”. Bàn tiệc chỉ có một chai Merlot duy nhất, đó là bữa đại lễ của 17 kẻ sĩ.


Họ quây quần bên nhau thâu đêm suốt sáng trong căn phòng kín đáo của tòa nhà danh tiếng khi xưa họ từng lui tới oai vệ: tòa án Sàigon. Phụ nữ ngồi bên cạnh người đàn ông khá tròn trĩnh có vẻ như người chủ tọa buổi tiệc ly; bà xoay qua, đôi mắt rơm rớm lệ. Những đôi mắt quầng thâm thỉnh thoảng loé lên tia sáng rồi vụt tắt.


- Suốt đêm qua em cầu nguyện cho anh. Xin Chúa ban hồng ân cho các anh.


Không ngăn được xúc động, tay nắm chặt tay người phụ nữ, tay San giơ ly rượu đỏ lên cao:


- Thưa các anh chị em, xin nâng ly mừng “cách mạng”! Tình yêu sẽ cho chúng ta sức mạnh, tình yêu sẽ giữ lại cho chúng ta tất cả.


Mười bẩy cánh tay giơ cao, những chiếc ly pha lê sóng sánh mầu đỏ lạ thường một lần nữa cụng vào nhau lách cách. Tiếng thủy tinh từa tựa như tiếng nòng súng lên đạn.


9.


Một buổi sáng đẹp trời ngập tràn ánh sáng nhà thờ Đức Bà giữa Sàigon, nắng lung linh trên những hàng me, hàng sao nghiêm thẳng như những chàng dũng sĩ canh gác cho con chiên tới giờ cầu nguyện. Bên kia đường sở Bưu Điện tấp nập người đi gởi thư, trông ai cũng có vẻ tất bật, vội vã.


Từ các con đường khác nhau tiến về điểm hẹn. Họ gồm có luật sư San Trần, luật sư Thiệp Triệu, luật sư Giao Nguyễn, luật sư Anh Nguyễn, thủ lãnh Dung Vũ, bác sĩ Tâm Phạm, nhà báo Vị Huỳnh, kiến trúc sư Điệp Nguyễn, giáo sư Trung Hà, luật sư Doãn Nguyễn, luật sư Tân Trần, luật sư Cương Vũ … vài sinh viên đi theo phụ giúp. Họ bí mật bố trí cái máy phóng thanh dấu trong gốc cây bên kia đường cạnh nhà thờ. Họ cố làm ra vẻ bình thản như những người đi dự thánh lễ nhưng họ không hề biết, sau lưng, trước mặt, bên hông họ, những bóng người mặc thưòng phục, âm thầm theo dõi từng cử chỉ của họ. Vòng vây vô hình từ từ khép chặt.


 


Tiếng nói sè sè rất nhỏ từ cái máy truyền tin cầm tay từ cửa sổ trên một cao ốc gần đó.


- Các đồng chí nhận diện rõ từng tên chưa?


- Báo cáo, rõ.


- Tuyệt đối không để sổng một tên nào. 


- Báo cáo, rõ.


Giữa không gian yên ả trước cửa nhà thờ Đức Bà, bỗng nhiên nổi lên tiếng nói oang oang phát ra từ cái máy phóng thanh cầm tay của một người đàn ông: “Kính thưa đồng bào! Kính thưa đồng bào! đây là Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Kẻ Khốn Cùng. Chúng tôi, những người Việt Nam khốn cùng muốn thưa chuyện cùng đồng bào …” “Kính thưa đồng bào! Kính thưa đồng bào, đây là Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Kẻ Khốn Cùng, chúng tôi, những người Việt Nam khốn cùng, với tàn lực còn lại, với tinh thần tàn phế, quyết đấu tranh bằng con đường bất bạo động để kêu gọi lương tâm nhân loại. Các lực lượng của thế giới văn minh, hãy lắng nghe những lời cầu cứu thảm thiết của những kẻ hấp hối…”


“ Kính thưa đồng bào, đây là Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Kẻ Khốn Cùng. Những ai tụng kinh hãy ngừng lại. Những ai đang nghiên cứu trong tháp ngà hãy tung cửa ra. Những ai đang sáng tác với ngòi bút, hãy bẻ gãy nó đi. Tất cả hướng về Việt Nam. Nơi mà chùa và nhà thờ bị biến thành hội trường để tuyên truyền chính trị - nơi mà các định luật khoa học bị bóp méo để thoả mãn chủ nghĩa - nơi mà các nghệ sĩ chỉ còn một việc duy nhất là tung hô Nhà Nước theo lệnh của Đảng.” (1)


Người đàn ông dõng dạc đứng trước cửa nhà thờ Đức Bà Sàigon cầm cái loa, chính là Ls San Trần, tiếp tục kính thưa đồng bào bằng âm lượng to nhất mà ông ta có thể phát ra. Những chiến sĩ nhân quyền tiến lại gần San như ngầm bảo vệ lẫn nhau. Bám theo những người này, hai bóng đàn ông nấp sau bức tường đá nhà thờ vụt phóng nhanh như chớp ập tới quật San té xấp. Cái loa văng ra. Không gian ào ào chuyển động quanh nhà thờ những người lạ mặt. Từ tứ phía họ lao tới tấp, cứ hai quật một, súng lục K59 dí mạnh vào màng tang người bị quật ngã.


- Bịt miệng nó lại!


- Trói nó lại!


- Cướp ngay cái loa!


- Không để thằng nào thoát!


“Lưới” hành động chớp nhoáng, đúng lúc, rất đúng lúc. Không ai thoát. Không một con chim nhân quyền nào thoát lưới. Trên góc lầu cao nhìn bao quát hiện trường, viên tướng tình báo đích thân cầm máy truyền tin điều động cuộc tập kích, mồm nói liên tục.


- Lôi tất cả chúng nó lên xe!


Một cái xe Molotova bít bùng từ hướng công viên phóng rất nhanh thắng két trước tượng Đức Bà, trên xe nhẩy xuống hai vệ binh cầm AK47 chĩa ngay vào nhóm người bị trói, lại cứ hai lôi một, tất cả dồn lên xe thật nhanh, tấm vải bố phủ xuống kín mít. Cái máy cát xét phát thanh dấu kín trong hốc cây bên kia đường vẫn tiếp tục phát ra: Kính thưa đồng bào, chúng tôi, những người Việt Nam khốn cùng… Kính thưa đồng bào, chúng tôi, những người Việt Nam khốn cùng …Chúng tôi đấu tranh để trả lại nụ cười cho trẻ thơ… Chúng tôi đấu tranh để giành lại sự ấm cúng…, Chúng tôi những người Việt Nam khốn cùng…(1)


Viên công an chỉ huy hét to:


- Tìm cho ra cái máy!


Cái máy nó vẫn oang oang. Nó vẫn oang oang nhắc đi nhắc lại bên kia đường. Cuối cùng thì nó cũng bị lôi ra trong tay viên công an chìm. Loay loay một lúc, anh ta mới bịt miệng nó lại được.


Xe bít bùng rú ga xa dần tượng Đức Mẹ. Mẹ Maria dõi đôi mắt hiền từ nhìn những đứa con “phản động” của Mẹ. Những đứa con chưa bao giờ tốt nghiệp trường phản gián. Những đứa con không bao giờ ngờ được ngày N, giờ G, địa điểm M đã lộ bài từ trong trứng nước. Nước mắt của Mẹ chảy nghẹn ngào dưới gốc những hàng Me, hàng Sao, góc phố kín đáo, những khuôn mặt tái xanh run rẩy. Những đôi mắt hãi hùng nhìn rất rõ, giữa thanh thiên bạch nhật, chồng họ, con họ, anh họ, em họ, ưỡn thẳng lưng, nhìn thẳng mặt vào họng súng đen ngòm. Những người phụ nữ đêm qua mới cầu nguyện, tay nâng ly rượu đỏ, mầu đỏ dị thường.


Trận đánh diễn ra thật nhanh, hiện trường trở nên vắng lặng lạ thường, người đi gởi thư cũng chẳng thấy ai qua lại. Một bóng người đội mũ xùm xụp từ trong cửa nhà thờ bước ra, mặt lạnh lùng pha lẫn đờ đẫn, đôi mắt láo liên ráo hoảnh. Một viên công an chìm tay cầm máy truyền tin tiến lại ghé tai nói nhỏ.


- Đồng chí theo chúng nó về A.


Đôi mắt của người đàn ông đội mũ xùm xụp tiếp tục bám theo bọn “phản động” vào tận trong tù.


Đó là một buổi sáng ngày 23 tháng Tư năm 1977. Chỉ còn 7 ngày nữa là đúng hai năm sau “ngày giải phóng miền Nam”, uỷ ban quân quản cách mạng đang chuẩn bị lễ lớn đón đồng chí tổng bí thư vào thăm thành phố mang tên bác.


10.


Cả nhóm ở Tổng nha cảnh sát cũ mấy ngày, không ai gặp ai. Tất cả đều được chụp hình, lăn tay, các viên cán bộ nhã nhặn đối xử tốt, cho ăn uống khá đầy đủ. Không ai gặp ai trong nhóm. San phân vân không biết những ai bị bắt cùng với mình.


Một buổi tối khá khuya, tất cả nhóm goị ra sân điểm danh, xếp hàng, chuẩn bị … lên xe bít bùng, như ong vỡ tổ, cả bọn nhao nhao. San nhẩm điểm danh từng người, đủ mặt anh hào.


Hai viên công an lùa cả bọn lên xe molotova bít bùng. Đường phố Sàigon vắng tanh không một bóng người, chỉ có tiếng bánh xe nghiến kin kít mỗi khi cua quẹo. Xe chạy thật lâu, cả tiếng sau đỗ xịch. Hai viên công an ngồi sau mở bạt nhảy xuống:


- Tất cả các ông xuống xe, xếp hàng một!


- Chú ý, điểm danh!


- San Trần có không?


- Có.


- Thiệp Triệu có không?


- Có.



Trong bóng mờ nhạt mgọn đèn giữa sân, San nhìn quanh dẫy nhà thấp xầm xập, mấy cái đầu đen ngòm thò ra qua song sắt.


Một viên công an khá cao lớn tay lủng lẳng xâu chìa khóa kêu leng keng tiến về cánh cửa khung sắt lên tiếng:


- Các ông theo tôi! Lần lượt cả bọn chui vào cánh cửa. Bên trong là thứ ánh sáng lờ mờ rợn người, mùi hôi hám bốc lên ngột ngạt. Hàng chục người đang nằm nhổm dậy. San mò trong túi bật lửa, trong ánh lửa lờ mờ, hàng dẫy người nằm chen chúc bên nhau.


- Chào mừng quí bạn mới đến! 


- Đây là đâu vậy các anh? Cả bọn nhao nhao hỏi.


- Số 4 Phan Đăng Lưu.


- Số 4 Phan Đăng Lưu là số gì vậy toa?


- Là số tới số đó cha nội.


- Ê! ở đâu tới vậy?


- Ở tổng nha.


- May phước cho mấy cha. Trời còn thương mấy cha. Chắc có quý nhơn phù hộ. Nếu còn ở tổng nha thì mấy cha tới số.


- Sao vậy anh?


- Từ từ rồi biết.


- Nói cho nghe đi.


- Trời ơi! Đ.M, ở tổng nha thì trước sau gì cũng đi thăm liên khu tư, dzùng năm chiến thuật, còn dzìa đây thì Sàigòn đẹp nhứt mang tên bác Hồ! Đ.M. Lính mới tò te hỏi nhiều quá.


11.


Trời tờ mờ sáng, loảng xoảng chùm chìa khóa mở cánh cửa nặng nề, một giọng nói oang oang:


- Các anh mới tới đêm qua ra sân xếp hàng điểm danh.


…- San Trần có không?


- Có!


- Thiệp Triệu có không?


- Có!


- Doãn Nguyễn, Điệp Nguyễn có không?


- Có!


- …


- Tất cả xếp hàng một tập trung theo tôi lên “hội trường”.


Họ lục đục kéo nhau hàng một. San đi đầu, ngẩng cao nhìn quanh quất.


Một người đàn ông tướng cao lớn, bộ dáng trông “oai” như một “thủ trưởng”. Trong cánh sơ mi bỏ ngoài quần, giản dị, ông ta đứng một mình, sát vách tường phía trên “hội trường”. Dường như ông đang đợi nhóm phạm nhân mới. “Hội trường” không to lắm, chỉ là một căn phòng khá rộng, hai ngọn đèn vàng lơ lửng trên trần. Một cái bàn nhỏ, một cái ghế trống kế bên ông cao lớn. Cả nhóm được cán bộ dẫn vào xếp hàng đứng nghiêm trước mặt. Mấy phút yên lặng trôi qua. Dường như ông cao lớn đang chìm đắm trong suy nghĩ dù mắt chăm chăm nhìn đám phạm nhân.


- Báo cáo thủ trưởng, tất cả đầy đủ. Viên công an đứng gần đó lên tiếng.


- Được, tốt lắm!


 “Thủ trưởng” vẫn đứng bên cái ghế, ông không ngồi, tay ông vỗ vỗ vài cái vào mặt bàn, một lúc, ông lên tiếng:


- Chào các anh.



- Các anh là nhóm nhân quyền? Người đàn ông cao lớn cao giọng hơn một chút, giọng đặc sệt miền Bắc.


Không thấy ai trả lời. Im lặng nín thở. “Thủ trưởng” tiếp:


- Hôm nay là buổi học tập đầu tiên cho các anh. Các anh về đây là tốt lắm. Các đồng chí phụ trách sẽ lo cơm nước đầy đủ cho các anh, các anh nên chấp hành tốt nội qui của trại?


Im lặng nín thở.


- Các anh ở đây phải tuân theo kỷ luật trại, chủ yếu là mỗi người phải thành thật khai báo, chính sách khoan hồng của cách mạng là do nơi các anh thành thật khai báo.


- Các anh có nghe rõ không?


Im lặng nín thở.


- Các anh đừng tưởng cách mạng không biết. Chúng tôi biết rất rõ các anh. Tri nan hành dị. Thủ trưởng cao lớn tiếp tục cao giọng:


 - Cách mạng không thèm bắt chim bằng ná, cách mạng bắt chim bằng lưới, cách mạng hiểu các anh vì sống trong lòng đất địch, chưa hiểu đường lối của cách mạng, cho nên các anh bị lôi cuốn theo những kẻ phản động chống phá cách mạng. Tôi tin rằng các anh sẽ được học tập tốt để thông hiểu chính sách của cách mạng.


Im lặng nín thở.


- Thôi! Cho các anh ra về.


Viên công an cán bộ dẫn cả nhóm im lặng ra về ….


- Về đâu vậy thưa cán bộ? Một anh tù nhân quyền nhanh nhẩu hỏi viên công an.


- Về chỗ này chứ còn chỗ nào. Tiếng người cán bộ lạnh như tiền. Tiếng khóa mở cửa, tiếng xích sắt kêu leng keng.


Cả bọn lại lục tục kéo nhau vào căn phòng đêm qua. Mùi hơi người hừng hực xông lên, chẳng bù với lúc nãy ngoài sân khí trời rời rợi.


- Ê! Trần! Tay vừa rồi là tay nào mà “oai” vậy “toa”?


- Nhìn mặt mà không biết à! Thọ chứ ai. 


- Thọ à! Có phải là tướng trùm công an Việt Cộng không?


- Chứ còn ai vào đây nữa!


- Trông lũy “sang” nhỉ, cao lớn như “tây”. Tướng mà sao chẳng thấy thằng “escort” nào vậy?


- Thế mới là cách mạng. Cứ như các ông, đi đâu, cả bầy vệ sĩ trang bị đến tận răng.


- Ê! San, “ông tây” nào vậy “toa”?


- Tây cách mạng.


Sai tràng thăm hỏi bạn cũ, cả nhóm mới biết đây là số 4 Phan Đăng Lưu. Con số nổi tiếng về trung tâm thẩm vấn tù chính trị. Nó chẳng cách nhà thờ Đức Bà bao xa.


San không dè nhóm của họ “quan trọng” đến thế, tướng trùm công an Việt Cộng thân hành đến “thăm”. Những cựu tù “lên lớp” bài học ăn ở mới cho cả nhóm, quan trọng nhất là chu vi cư ngụ, đúng một thước không hơn không kém. Không ai được phép lấn chiếm. Trưởng phòng tù, ngoài đời là một họa sĩ vui vẻ ra mặt mỗi khi gặp từng người trong nhóm.


 


12. 


Bốn mắt nhìn nhau. Viên chấp pháp im lặng quan sát San. San là nguời đầu tiên trong nhóm được “mời” lên làm việc. Mặt lạnh như tiền, viên chấp pháp mở đầu:


- Anh là thủ lĩnh của nhóm phải không?


- Không! Tôi cũng như anh em.


- Anh nên thành thật khai báo, ngay cả tấm giấy bài viết của anh chúng tôi đã có. Viên chấp pháp hất hàm ra hiệu cho viên công an kế bên.


Tay này bước ra cửa phòng phía sau dẫn vào một người đàn ông trung niên, hơi thấp trông gầy gò, dáng dấp sợ sệt.


- Ủûa! Tại sao anh vào đây? San bật giọng hỏi khi nhìn thấy người này, mặt đỏ bừng pha lẫn ngạc nhiên cực độ. Nguyễn là một trong những người bạn thân lăn lóc ngoài chợ trời, là một trong những người hăng say bàn bạc bên ghế cà phê.


- Tôi nhận được giấy tống đạt của Trung tâm Thẩm vấn số 4 Phan Đăng Lưu. Nguyễn trả lời. Mặt chưa dấu được nét xanh xao.


- Họ gọi toa lên thẩm vấn à! Thế họ hỏi những gì?


- Họ hỏi về những sự liên hệ giữa tôi và các anh. Anh biết, tôi chẳng làm gì hết, tôi chỉ lo cơm áo cho vợ con.


Nguyễn lên đây để đối chất hay để nhìn mặt? San bất ngờ cao giọng, nói như hét với viên chấp pháp:


- Đúng, chính tôi! Chính tôi viết ra bản tuyên ngôn. Không có ai ngoài tôi!


- Thôi được! Cho anh này ra. Viên công an dẫn Nguyễn ra sau cửa phòng.


- Cách mạng đã giải phóng thống nhất đất nước rồi, các anh còn tranh với đấu làm gì?


- Vì sao chúng tôi tranh đấu các anh biết không? Vì các anh đấy!


San càng nói càng hăng. Mặt đỏ tía tai.


- Chúng tôi tranh đấu cũng không chỉ vì các anh đâu. Chúng tôi tranh đấu vì đảng cộng sản đã phản bội lại cộng sản!


- Nếu anh còn la lớn thì tôi sẽ cho cán bộ làm việc.


- Tôi đếch sợ! Đả đảo cộng sản!


Viên chấp pháp hất hàm ra lệnh cho viên công an kế bên.


Bịch, bịch, bịch … San ôm bụng gục xuống lăn ra trên nền xi măng.


13.


Cách “hội trường” hơn chục thước là dẫy nhà nhỏ xây tường vôi vàng khè có những lỗ vuông thông hơi, mái tôn thâm thấp nằm giữa một khoảng sân trống xa xa tường gạch bao bọc ngăn cách bên ngoài. Dẫy nhà toát lên vẻ im lìm, bí mật lạ lùng. Đập vào mắt tò mò là khung cửa kín song sắt bên trên dường như cách mỗi phòng là một ổ khóa. Đứng bên ngoài nhìn vào có thể quan sát haết căn phòng, nhưng người bên trong không thấy được bên ngoài. nhau. Dẫy nhà này chỉ là một trong nhiều dẫy nhà khác chia ra làm nhiều khu trong khu đất lớn ngay bên cạnh tòa tỉnh trưởng Gia Định cũ. Có lẽ nó gần “hội trường” nên được gọi là khu A. Một căn khá lớn là nơi trú ngụ của nhóm 17 người cùng với một số tù nhân chính trị khác.


Đã có nhiều nhà văn nhà báo viết về dẫy nhà có những căn phòng đặc biệt này. Quá khứ là cả một kho sử tù tội viết về nó, về những người “sống” trong đó. Đủ hạng người. Xuất thân từ nam bộ kháng chiến có, đệ tam có, đệ tứ có, cộng sản có, quốc gia có, cách mạng có, hình sự có, có cả ma, ma sống. Ma thường xuất hiện vào ban đêm, khi cánh cửa sắt mở, ma sống đầu tóc rối bù khật khà khật khừ bước ra, chân xích kêu loảng xoảng.


Thật ra gọi là “phòng” không hợp thời lắm, những người tù là “cát xô”. Những người tù từng “sống” trong đó phân biệt cát xô 1, cát sô 2, 3, 4, 5, v,v… Cát xô được chọn do tùy đối tượng. Cát xô hình sự. Cát xô chính trị. Cát xô đàn bà. Dù là cát xô nào cũng có kích thước giống nhau, nghĩa là chỗ nằm chẳng khác xếp cá hộp. Có khác nhau có lẽ do tiêu chuẩn của cán bộ trại ấn định. Tiêu chuẩn cao nhất thường dành cho cát xô chính trị phạm.


Tù nhân trú ngụ kỳ cựu ở đây truyền nhau nói số 4 Phan Đăng Lưu chì là chỗ tạm, chờ “chấp cung” xong là đi. Nhưng có nhiều tù nhân chờ “chấp cung” cả năm trời mà vẫn chưa đi. Chấp cung xong, tù được “mời” về chỗ an nghỉ mới cho đàng hoàng hơn, chính thức hơn, dĩ nhiên lâu dài hơn, thường là khám lớn Chí Hòa. Tù cát xô nào “ngoan ngoãn thành thật khai báo” khi về đến Chí Hòa thì mặt mũi lành lặn; tù nào “ngoan cố” thì người không ra người mặt không ra mặt kèm theo chân xích tay còng. 


Cả nước ai cũng nghe danh tiếng số 4 Phan Đăng Lưu. Đặc điểm của số 4 là nơi quy tụ những nhà thẩm vấn tài năng; đặc điểm thứ hai thường là không đánh đập; riêng cát xô hình sự can tội cướp của giết người thì có ăn đòn. Tù hạng chính trị được thẩm vấn rất “tử tế”, văn minh, khoa học, công an chấp pháp trình độ lý luận cao. Nhiều chấp pháp nói giỏi cả tiếng Anh, Pháp. Đặc điểm kế tiếp của số 4 là có căn phòng biệt giam được chế từ công ten nơ của Mỹ để lại. Công ten nơ có chế khóa chân xiềng tay xích. Biệt giam không có nghĩa là để cho tù chết đói; nhưng đói, khát, và cái nóng như thiêu khiến tù dễ phát điên và da thịt từ từ tiêu hoá chỉ còn bộ xương nhúc nhích. Cho đến khi nào tù “thành thật khai báo” và “thật thà hối cải” thì được “phục hồi nhân phẩm” trở về tịnh dưỡng ở cát xô.


Khi nhóm nhân quyền góp mặt ở cát xô thì “hội ngộ” đầy đủ các nhà chính trị, tôn giáo, nhân quyền, trí thức, quan quyền, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà tình báo … Tay bắt mặt mừng, nào là Tăng sĩ, Sư cô, Linh mục, Tổng bộ trưởng, Tiến sĩ, Lý thuyết gia, Giáo sư, Dân biểu, v v… đủ mặt anh hào miền Nam.


14.


- Tất cả các ông nhân quyền ra sân xếp hàng, điểm danh, chờ lệnh. Tiếng người quản giáo rổn rảng như lệnh vỡ tiếp tục:


- Gớm, nhân với quyền, San Trần có không?


- Có!


- Thiệp Triệu có không?


- Có!


- Doãn Nguyễn, Điệp Nguyễn có không? 


- Có!


- …


Cả nhóm theo chân viên cán bộ bước về “hội trường” đứng hàng ngang nghiêm chỉnh hướng về ông cao lớn.


- Chào các anh. Vẫn người đàn ông cao lớn như tây đứng cạnh cái bàn nhỏ.


- Mấy ngày qua các anh đã suy nghĩ về việc làm của các anh chưa? Ông “tây” hỏi nhưng nói tiếp:


- Các anh viết bản tự khai chưa đầy đủ … chúng tôi đã đọc từng người. Các anh đừng tưởng chúng tôi ngây thơ! Chúng tôi không ngây thơ như các anh tưởng. Các anh đừng tưởng rằng luật sư trí thức mà lừa được chúng tôi. Xịa nó hà hơi tiếp sức cho các anh. Tự nhiên làm gì có chuyện ở Nga có bọn Sakharov, ở Tiệp có bọn Havel, ở Ba Lan có bọn Walesa, ở Việt Nam ta có bọn các anh. Xịa nó hà hơi tiếp sức cho các anh phải không?


Im lặng như băng đá.


- Các anh có ý kiến gì không?


Im lặng như băng đá.


- Thôi! Cho các anh về chỗ.


Nhóm 17 người lại lục tục kéo nhau về chỗ cát xô.


- Ê! San! Xịa nó hà hơi tiếp sức cho toa hồi nào vậy? Một anh tù hỏi nhỏ.


Vắt tay lên trán, San khe khẽ nói với Thiệp nằm kế bên: bỏ mẹ rồi Thiệp ơi! Nó đồng hóa mình như Nga Tiệp Ba Lan, lại được xịa móc nối. Hai năm “phỏng giái” đói rã họng có thấy thằng xịa thằng xiếc nào đâu. Thiệp ầm à ầm ừ chẳng nói chẳng rằng, xoay lưng lại thò tay xuống háng mò bắt bọn rệp đang dự tiệc trong giái.


15.


Ngày hôm sau, quản giáo gọi từng người lên phòng chấp pháp làm việc. Gọi đến San, vừa bước ra khỏi cửa cát xô, San vươn vai: đả đảo cộng sản! Ngay tức thì, hai ông to lớn túm lấy San thụi, thụi túi bụi, thụi vào mặt vào mày. Đả đảo cộng sản! Hai ông to lớn lại tiếp tục thụi, hoàn toàn yên lặng thụi. Tiếng ối của San nhỏ dần rồi tắt lịm.


Thụi là là đặc điểm của cách mạng. Cách mạng rõ khác công an quốc gia, khác hẳn ngụy, ngụy vừa đánh vừa chửi thề hút thuốc đập bàn đập ghế. Cách mạng cứ yên lặng thụi. Bịch… bịch… bịch. Máu mắt máu mũi San phụt ra. Thụi liên tục trước mắt những nhà nhân quyền. Những nhà nhân quyền trố mắt ra nhìn.


- Ơ kià, cán bộ sao lại đánh người! Cách mạng đâu có đánh người!


- Chửi là đánh!


- Chúng tôi có chống phá cách mạng đâu. Chúng tôi chỉ đòi cơm áo cho nông dân, cho công nhân, chúng tôi chỉ đòi suy nghĩ.


- Chửi là ông đánh. Ông đánh cho chừa chửi bậy. Ai cho các anh đòi. Ai cho các anh tư với tưởng. Các anh đã làm gì cho cách mạng mà đòi?


- Đánh, thằng này còn đả đảo, còn đánh, còn chửi, còn đánh. Nhân với quyền! Bịch… bịch… bịch…


Mặït San đầy máu, máu giỏ từng giọt xuống áo, máu giỏ từng giọt xuống sân số 4 Phan Đăng Lưu, đặc quánh. Mở cửa cát xô, hai viên công an xô San chúi nhủi vào trong như xô một con vật.


San gục xuống như trái sung. Thân San vốn tròn trịa, gục xuống y như trái mít chín nhừ. Đám tù lật đật khiêng San vào chỗ nằm thay nhau xát nước muối lên cái xác bất động. Viên cán bộ quản giáo gọi đám tù khác ra lấy nước chùi rửa sạch sẽ vũng máu loang lổ trên sân số 4 Phan Đăng Lưu.


Vài hôm sau, San tỉnh lại, nhướng mắt nhìn bạn tù bu quanh nhếch mép cười: moa phản cung thằng tướng, moa chửi đảng chúng nó, nó trả thù moa, nó đánh moa trước mắt các toa để dằn mặt, các toa biết không, moa chơi cách mạng một quả nặng, nhưng nó có biết đâu, cách mạng đang bị bọn quốc tế vô sản chơi một quả còn nặng hơn moa gấp trăm nghìn lần, cả triệu người chết oan vì bọn quốc tế vô sản. San thì thào tiếp: các toa đừng lo cho moa.


Họa sĩ “truởng phòng” tù Đức Hồ, trưởng phòng này được anh em coi là “xếp cai tù” dễâ thương nhất trong các trưởng phòng khác. “Xếp” bước vào cát xô nói như lệnh:


- Tôi đã nói rồi, cách mạng đã nói với các anh, phải thành thật khai báo! Đức Hồ xuống giọng rất nhanh nói nhỏ: phải nín thở trong tù, nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, chân lý cho những người ở tù là phải tìm đủ mọi cách để ra tù! Bước đến gần một tù nhân quyền, trưởng phòng nhắc khẽ: có còn muối không?


16.


- Tất cả học viên khu A, B, C tập trung lên hội trường chiều nay lúc 7 giờ. 


Cả trại nhốn nháo. Có chuyện gì vậy? Trưởng phòng tù “cát xô 4” bước vào thông báo:


- Hôm nay mừng ngày lễ lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cứ một khu được thưởng một con lợn, hậu cần đang chuẩn bị đón lợn về, hôm nay các anh được ăn thịt lợn tươi, có cả xi nê.


Cả đám tù như được vi ta min tiếp sức, có anh vui ra mặt. Hôm nay có thịt lợn tươi.


Tối đến, tiếng kẻng rúc vào tai, mọi người lục đục tập họp, xếp hàng ngay ngắn ở ngoài sân xi măng. Cả trăm tù ngồi ngay ngắn. Chiều tối dần. Vài chú bộ đội trẻ đi qua đi lại trông có vẻ bận rộn.


Giữa sân đã căng sẵn tấm vải màn trắng vuông, phía trước là cái bàn nhỏ và một cái ghế. Ở một góc khác treo trên cao vách tường hàng chữ đỏ: “Chủ Tịch Hồ Chí Minh Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta”, “Chủ Nghiã Mác Lê Nin Bách Chiến Bách Thắng”.


- Tất cả đứng nghiêm! Viên quản giáo hô to.


- Hôm nay các anh được đoàn lãnh đạo Miền đến thăm. Tất cả mọi người đều phải yên lặng chú ý nghe. Hôm nay các anh đã được ăn mừng ngày lễ Quân đội Nhân dân Việt Nam, bây giờ sau khi nghe lãnh đạo nói chuyện, các anh sẽ được coi phim: “Điện Biên Phủ chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta”.


Một người đàn ông khá trắng trẻo, gương mặt lộ vẻ trí thức sau cặp mắt kiếng trắng, bộ áo quần đồng phục mầu ô liu thẳng nếp, chân đi giầy đen, bước nhanh từ phòng chấp cung tiến đến cái bàn nhỏ, theo sau là hai phụ nữ, một đẫy đà, một nhỏ nhắn, cả hai đều mặc bộ bà ba đen khăn rằn quấn cổ, chân trần dép lốp, họ rất gọn gàng. Hai phụ nữ toát ra cái dáng dấp nhanh nhẹn của người phụ nữ miền Nam, gương mặt bình dị. Người đàn ông “trí thức” đeo kính trắng đứng giữa bàn giơ hai tay nửa chào nửa như ra hiệu, giọng miền Nam:


- Các anh ngồi cho thoải mái. Ông kính trắng nói tiếp:


- Chúng tôi được Quân uỷ Miền cho phép đến đây gặp các anh nhân dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN. Bộ dội giải phóng là một quân đội anh hùng đánh thắng tất cả bọn xâm lược giầy xéo đất nước chúng ta. Im lặng một lúc.


- Các anh hầu hết là trí thức Sàigòn cũ?


Im lặng như tờ.


- Chủ trương của cách mạng là tạo điều kiện cho các anh trở thành công dân tốt trong xã hội mới. Các anh học tập tốt sẽ được trở về với gia đình.


Im lặng như tờ.


- Trong cuộc chiến này không có kẻ thắng người thua! Chỉ có đế quốc Mỹ là thua. Tổ quốc là trên hết. Chúng ta đều là người Việt Nam … Lát nữa đây các anh sẽ được coi phim, các anh sẽ hiểu cuộc chiến đấu của cách mạng.


17.


Hết giờ coi phim cả bọn kéo nhau về cát xô vắt tay lên trán xầm xì.


- Ê! San, tay đeo kiếng trắng là tay nào trông có vẻ trí thức vậy toa?


- Trông người mà không biết à! Trà chứ ai.


- Trà Mặt trận đấy hả?


- Thế còn hai bà?


- Bình, Định chứ ai vào đây nữa.


- Lạ nhỉ!


- Tay này ăn nói lạ nhỉ!


- Thế toa không nghe “cuốc ca” của cục rờ khác lạ với “cuốc ca” thề phanh thây uống máu quân thù à!


18.


Bóng viên quản giáo chõ mồm vào khe cửa ồm ồm:


- San Trần lên phòng chấp pháp! 


Cả nhóm nhân quyền nhốn nháo. Ê! Đừng đả đảo nữa nghe toa, nó đánh đấy. San bật dậy, vươn vai: “đả đảo Hồ Chí Minh”.


- Các ông muốn gì nữa đây. Tôi đã nói hết rồi. San sẵng giọng trước viên chấp pháp, bên cạnh là ông tây cao lớn.


- Cách mạng thành công, Mỹ cút, ngụy nhào, nước nhà độc lập tự do thống nhất rồi, các anh còn nhân với quyền với ai nữa, đấu với tranh gì nữa? Ông cao lớn như tây nói giọng ôn tồn.


- Các ông hoàn toàn sai lầm, các ông đầy đọa cả nước lầm than.


- Nước ta mới giành được độc lập, thống nhất từ tay đế quốc và tay sai, còn bao nhiêu là khó khăn chồng chất, kẻ thù, bọn phản động vẫn tiếp tục điên cuồng chống phá thành quả cách mạng.


Ông tướng tỏ ra kiên nhẫn chấp cung, lần nào ông cũng ân cần rút bao thuốc Tam Đảo trong túi ra mời San.


- Chúng ta đều là người Việt Nam. Ông tướng nói nhỏ.


Hút một hơi dài, San hạ giọng: 


- Thưa ông, tôi cũng là người Việt Nam. Tại sao ông bỏ tù chúng tôi?


- Các anh nên hợp tác với cách mạng.


- Thưa ông, các ông đã sai lầm lớn. Nếu chúng tôi không nói lên, các ông tiếp tục sai lầm, tiếp tục đi trên con đường mạo hiểm, nguy hiểm. Vì sao chúng tôi tranh đấu các ông biết không? Giai đoạn các ông đi làm cách mạng thống nhất đất nước, đúng! nhưng khi các ông đưa dân tộc này đi vào con đường cộng sản rập theo kiểu mác lê mao thì các ông đã đưa dân tộc này xuống vực thẳm, chủ nghĩa cộng sản không phải là chủ nghĩa Việt Nam, chuyên chính vô sản của các ông có phải là chính sách nhân hộ khẩu vô nhân đạo, lùa dân đi vào rừng thiêng nước độc, cải tạo công thương nghiệp là cái gì vậy? Xóa sổ tài sản làm ra từ mồ hôi nước mắt của đồng bào, tịch thu trắng trợn mọi nhà cửa, tài sản, tiêu diệt một xã hội được xây dựng trên sự hiền lành và đùm bọc của một dân tộc có hàng ngàn văn hiến … các ông có thể xóa sổ giai cấp bóc lột, xóa sổ bọn thực dân đè đầu cưỡi cổ đồng bào … đồng ý! Nhưng Việt Nam ta làm gì có giai cấp bóc lột. Tống cổ bọn tư bản đi, đồng ý! Người Việt Nam ta làm gì có tư bản. Các ông có thể thủ tiêu văn hóa độc trị nhưng các ông không thể thủ tiêu tinh thần yêu nước để thay thế vào đó một thứ nhãn hiệu yêu nước tức là yêu xã hội chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa là cái quái gì? là cai trị bằng cách bịt miệng tiếng nói của lương tâm à! bằng chính sách tổ dân phố à! tổ dân phố của các ông là cái quái gì vậy? là công an nhân dân tố khổ lẫn nhau, tố cáo lẫn nhau, nghi ngờ lẫn nhau, đe dọa lẫn nhau, các ông cai trị bằng cách gieo rắc cái ác cái sợ tràn lan trong dân chúng … Thưa ông, chúng tôi tranh đấu không cho chúng tôi, chúng tôi tranh đấu cho chính các ông đấy… tôi nói thẳng ra rằng các ông đã phản bội cách mạng, phản bội lý tưởng yêu nước!


- Phản bội? Phản bội cái gì? Ông tướng quắc mắt quát to dữ dội. Các anh nói chúng tôi phản bội hay chính các anh đã phản bội, các anh đã phản bội ngay dưới lá cờ của các anh! các anh đã phản bội ngay chính quê hương của các anh, rước voi về dầy mả tổ, các anh khoe là tự do hay thực ra là nô lệ đế quốc, các anh tự do hưởng thụ trong lúc nhân dân đổ máu giành độc lập, thống nhất nước nhà, các anh an toàn ở hậu phương trong lúc chiến sĩ đổ xương đổ máu để bảo vệ để… để bảo vệ cho chính các anh, những kẻ nô lệ? nô lệ đế quốc, nô lệ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, các anh chỉ nghĩ đến cá nhân các anh mà thôi, chưa bao giờ các anh nghĩ đến nhân dân, chúng tôi không ngạc nhiên khi các anh không nhìn thấy con đường giải phóng của cách mạng, giải phóng quê hương, các anh chỉ muốn an thân đội lốt danh nghĩa hòa bình, hoà giải, thực ra các anh chui rúc dưới cái mà quan thầy các anh là “fún rai” gì đó gọi cái thủ đô của các anh là … là ổ điếm! Hừ! tôi thông cảm một số các anh có suy tư, nhưng sợ gian khổ, cho nên không bao giờ các anh dám đứng dưới lá cờ cách mạng, chỉ có cách mạng mới dám đứng lên bảo vệ nhân phẩm cho các anh … hừ … những kẻ hèn nhát!


- Thôi được! Tôi đã đọc bản tự khai của anh, anh về viết lại bản tự kiểm cho đầy đủ.


- Theo ông thế nào là đầy đủ?


- Ai xúi dục các anh phản loạn?


- Không ai có thể xúi dục chúng tôi.


- Các anh nhận tiền của ai?


- Các ông thừa biết chuyện đó chứ, tiền đâu?


- Ai móc nối các anh?


- Hoàn toàn không. Chúng tôi không nghe lời ai để chống cách mạng, chúng tôi chống chủ trương và chính sách của đảng, đảng cộng sản không phải là đảng cách mạng, cách mạng Việt Nam không mơ giấc mơ cộng sản chà đạp quyền sống của con người, bóc lột con người. Các ông đang mơ một giấc mơ nguy hiểm đi ngược lại bản chất của dân tộc.


- Im đi! Ngoan cố! Giọng lưỡi tư sản! Ông tướng quát.


- Thôi … cho anh về! Nét mặt ông tướng dịu hẳn xuống. Khoác tay ra hiệu cho viên sĩ quan chấp pháp, ông tướng bước nhanh ra khỏi căn phòng. Hai người bảo vệ theo liền chân.


Trong phòng chấp pháp chỉ còn lại viên sĩ quan chấp pháp trẻ, đứng như trời trồng chăm chăm nhìn tù nhân. Cái im lặng băng đá bao trùm khó hiểu. Ra hiệu cho viên quản giáo, chính viên chấp pháp đưa San về lại cát xô, trên đường đi hắn hỏi nhỏ:


- Ông có biết ông đó là ai không?


- Tôi biết chứ! Tôi biết ông ta là ai!


Viên sĩ quan chấp pháp tròn mắt nhìn San.


19.


Một chiếc “Jin“ nhà binh do Nga chế tạo thắng két giữa sân nhà tù. Bước xuống là một “ông già” tóc lốm đốm bạc. Áo sơ mi xanh nhạt bỏ ngoài, đi giầy đen. Ông ta rảo rất nhanh vào phòng chấp pháp, theo sau là một bảo vệ, trước cửa phòng đã thấy sẵn viên Thượng tá trưởng trại giam đứng nghiêm. Viên Thượng tá nghiêm trang giơ tay chào.


- Báo cáo thủ trưởng. Họ ở dưới phòng số 4.


- Tiêu chuẩn cho họ có đầy đủ không?


- Báo cáo đủ.


“Ông già” móc trong túi ra điếu thuốc, tẩn mẩn nửa như muốn đưa lên môi, nửa ngập ngừng. Người bảo vệ khệ nệ bưng hai chiếc ghế bành mây và cái bàn nhỏ vào phòng, đứng im lặng đằng sau. “Ông già” dáng vẻ mệt mỏi ngồi phịch xuống. Suốt đêm qua ông lật từng trang hồ sơ của nhóm tù nhân đặc biệt. Ông đọc đi đọc lại những dòng ghi chép cuộc tranh luận giữa “tội nhân ngoan cố” và ông tướng bên sở công an. Ông nhớ lại cuộc điện đàm hôm qua với hai đồng chí phụ trách trại thẩm vấn:


- Báo cáo thủ trưởng, giọng miền Bắc của viên sĩ quan công an bảo vệ chánh trị; tên này cực kỳ ngoan cố phản động, chắc chắn hắn thuộc tổ chức nước ngoài xúi dục lật đổ chính quyền cách mạng. Mật báo viên của ta cài vào báo cáo đáng lẽ nó tổ chức chống phá đúng vào ngày lễ Ba Mươi Tháng Tư, đúng lúc ta đón mừng đồng chí tổng bí thư vào thăm thành phố Bác, nhưng không hiểu tại sao nó lại làm sớm hơn một tuần. Em có điều tra nhưng nó nhất định không khai.


- Thưa “anh Sáu”, giọng miền Nam lễ phép qua cuộc điện đàm của viên Thượng tá Ba Phận trưởng trại giam. Đám phạm nhân mới này hầu hết đều chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại, trại có chế độ ưu đãi dành cho họ, riêng tên thủ lãnh trước đây là luật sư chế độ cũ, tay này chỉ thích “lý luận” với thủ trưởng bên sở, lại ưa chửi bậy.


“Anh Sáu” ngước nhìn qua cửa sổ, trời chiều bỗng tối sập, cơn mưa rào nhiệt đới kéo tới bất ngờ, gió se sắt luồn qua khe ùa vào phòng, hình như cơn gió chẳng thấm tháp gì đối với ông già lộ nét phong sương gân guốc.


“Anh Sáu” có cái phong thái của một kẻ chiến trận dãi dầu mưa nắng, cánh áo sơ mi xanh nhạt bỏ ngoài quần ka ki mầu cứt ngựa, dáng khá cao, khuôn mặt nghiêm khắc, khá đẹp dưới đôi kính trắng, phảng phất nét quắc thước của một người hình như sinh ra chỉ để chỉ huy. 


Đã hai năm “giải phóng”; thời gian trôi nhanh quá, hàng trăm giềng mối vuột ngoài tầm tay, chưa lúc nào ông già cảm thấy hóc búa như lúc này. Hòa bình trở lại với quê hương không dễ dàng như suy tính. Chưa lúc nào cái đầu nặng như chì bằng lúc này. Lời lẽ của người tù cứng đầu, lời lẽ của bản tuyên ngôn nhân quyền và cuộc nổi dậy trước cửa nhà thờ Đức Bà. Cuộc nổi dậy tuy nhỏ nhưng khiến ông già nặng trĩu suy tư. Ông muốn bỏ qua hồ sơ này nhưng cuộc đối thoại bất ngờ khiến ông không rời bản báo cáo. Bản báo cáo sẽ tạo sự mâu thuẫn nguy hiểm ngay trong nội bộ ý hệ đảng. Đối với ông, miếng cơm manh áo của nhân dân hiện nay mới là điều vô cùng nhức nhối. Tay tù nhân nói đúng nhưng thủ trưởng bên sở cũng không sai. Giải quyết cách nào cho hàng triệu người đang đói? Giải quyết cách nào cho chính sách của cách mạng? Ta đang chiến thắng hay ta đang bị cô lập? Liên Xô viện trợ vũ khí. Trung Quốc phong tỏa. Kinh tế ta tự lo lấy. Nông trường, thủy lợi, thực tế không gia tăng sản xuất, chỉ làm khổ đồng bào, khói súng chiến trường tây nam đòi hỏi huy động lớn lực lượng thanh niên miền Nam chưa qua kinh nghiệm chiến trường.


Nhớ tối hôm qua, đứa con gái duy nhất đang sống với ông nhắc nhở sắp tới ngày giỗ của Má nó … Ông không ngờ … Niềm cô đơn từ đâu kéo đến. Bóng dáng người vợ hiền vụt qua trong cơn mưa chiều khiến ông nhắm nghiền đôi mắt.


- Báo cáo thủ trưởng… Viên hậu cần xuất hiện trước cửa phòng đứng tần ngần với chiếc áo ngự hàn cũ kỹ khá dầy trên tay. Chiếc áo ngự hàn là kỷ vật duy nhất của người vợ chiến đấu ông không rời nó từ làn sương sớm cho đến khoắt khuya.


- “Qua” không lạnh đâu em. Nếu được, em cho “qua” bình trà nóng với hai cái ly. Nhớ đậm nghen. Giọng miền Nam của ông già ấm áp đầy tình cảm đối với thuộc hạ.


- Rõ! Viên hậu cần nhanh nhẹn lui ra cửa.


Mưa liên tục, càng lúc càng nặng hạt. Chưa vội ra lịnh cho viên chấp pháp dẫn tù nhân luật sư lên phòng chấp cung. Ông già nhắp chén trà bốc khói nước đầu. Thứ trà này tiếp quản từ kho của một tay tư sản mại bản gốc Hoa ở Chợ Lớn. Hắn đã bỏ chạy ra nước ngoài. Anh em chia nhau mỗi người một ít để dành sáng tối nhâm nhi. Ông cũng gởi một gói cho “anh Ba” ngoài đó, thứ này ảnh mê lắm. Hôm nay ông muốn đãi ngộ viên tù nhân luật sư Sàigòn ngang bướng “có tài có tật”.


Nhắp thêm nước hai, ngả lưng ghế, “ông già” không khỏi thả đầu về quá khứ với bao nhiêu kỷ niệm.


…..


Dư âm buổi liên hoan vẫn còn lưu luyến. Đống lửa rừng chưa kịp dập tắt. Bộ đội trở về lán trại, riêng “ông già” vẫn ngồi vo tròn bên cạnh “bà già”. Đống lửa bập bùng rừng núi sắp tàn rọi lên khuôn mặt “bà già” thoáng nét ửng hồng. Một giây xao xuyến, “ông già” bắt gặp tia mắt lấp lánh trẻ trung của “bà già” hiện ra như ngày nào. Lửa khiến đôi má bà ửng đỏ dưới mái tóc đốm bạc quấn tó gọn gàng. Bả còn đang vui với thằng con trai tuổi đôi mươi oai dũng trong bộ đồ trận mầu lá rừng giải phóng quân. Thằng con đang say sưa ôm cây lục huyền cầm bắt giọng cho đám bộ đội trẻ ngồi lổm nhổm quanh đống lửa:


- “Đêm nay trên đường hành quân…”, một hai ba:


- “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác…”; “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng cất tiếng bước…”.


“Bà già” huých cùi chỏ vào cạnh sườn “ông già” ghé sát tai ông nói nhỏ:


- Chà… coi bộ thằng Hai nó nghệ sĩ quá hen. Vẫn đăm đăm nhìn vào đống lửa, “ông già” nói:


- Ờ… thì hồi đó tui cũng nghệ sĩ dzậy, bộ bà không nhớ sao?


- Xí! Ai mà thèm nhớ.


- Trận nay bà đi với thằng Hai trong đoàn A nhớ rèm cặp nó nghen.


- Dạ! Nhưng em lo hậu quân, nó cánh tiền phương.


Ông già ngước lên nhìn bao quát không gian trong bóng chiều dần tối. Ông đang lắng nghe thứ âm thanh từ trên mây có vọng lại? Không, hoàn toàn yên ắng. Từ thưở nhỏ, ông thường theo Ngoại chân đất ra thăm đồng, ông học được cái tính đoán thời tiết của ông Ngoại; trước khi bước ra khỏi nhà đã ngước nhìn mây quan sát, nghe gió, nghe mưa, mũi khụt khịt đánh hơi, giơ tay hứng độ nóng của nắng, dõi mắt nhìn màu sắc chân trời, thậm chí ông Ngoại còn cúi đầu sát xuống đất, ngửi mùi đất! Ông Ngoại nói: một luồng gió lạ con cũng phải để ý, ngửi nó xem mùi gì!


Gió mạnh phía trước thổi hắt qua đống lửa rừng tạt khói vào mặt, ông già giật mình. Ông vội đứng lên lấy tay che tầm mắt hướng về xa xa, ông nhìn thấy đám mây đen chấm nhỏ từ chân trời. Ông ngửi thấy đầu gió nó đang rình rập nhả cơn bão rớt. Nó sẽ từ cái chấm đen nho nhỏ xa xa. Chỉ mới cách vài giờ, trung ương điện báo lễ xuất quân, thời tiết rất êm. Bầu trời quá đẹp, xanh ngắt một mầu chiều rừng núi. Dấu hiệu của sự lành báo hiệu thắng lợi cho trận đánh dứt điểm tọa độ yết hầu.


Đúng! đúng cái chiều hôm đó, trời quang mây tạnh, nhưng không ai ngờ rằng mưa nổi trận thiên tai. Dân Nam bộ nhìn trời biết trận mưa này thúi đất. Cơn mưa ào đến dập tắt ngúm đống lửa rừng. Ông già giơ bàn tay hứng sức nặng hạt mưa. Ông tiên đoán nó sẽ chấm dứt không lâu. Giờ xuất quân đã định, không thể lùi. Sấm nổ sét chớp liên hồi. Cũng là yếu tố tốt, bất ngờ, đảm bảo bí mật cuộc hành quân. Vô tuyến thời tiết không dự báo chuyện này. Mưa chiều nắng sớm ở miệt này thường diễn ra bất ngờ, nó được biết trong kinh nghiệm chiến trường. Quyết nghị của trung ương là tận dụng thời tiết xấu để tấn kích là sở trường của quân giải phóng dù chiến sĩ quáù khổ cực, nhứt là các đơn vị pháo. Lợi dụng mùa khô vừa dứt hạn, trung ương Miền chỉ thị phải tận dụng mùa mưa sắp tới triển khai chiến dịch. Bài học chiến trường dạy kinh nghiệm đánh địch trong mùa mưa luôn tạo ưu thế thắng lợi.


Bóng đêm phủ xuống căn cứ mịt mùng. Mưa đổ xuống như lật trời. Nước từ các gò đất cao tràn xuống các lỗ trũng, cuồn cuộn ngập kín các con đường mòn. Gió lốc tứ phía tung tốc toé mái lán dừa ngụy trang hầm chỉ huy ẩn núp kín đáo dưới gốc cây lớn. Gió hung tợn lay chuyển cả cánh rừng già đang che chở đoàn quân trên đường di chuyển. Chỉ thị yên lặng tuyệt đối trong di hành. Cả đoàn quân lầm lũi đi trong mưa tiến về mục tiêu tập kết. Hạt mưa bay theo ngọn gió như ngọn roi quất vào mặt những người lính gan lì. Ngồi trong hầm chỉ huy sở, ông già duyệt lại các cánh quân di chuyển trên vô tuyến im lặng. Để lừa trinh sát địch, hỏa lực số 1 của đoàn B chạy bọc mạn nam sau lưng hỏa điểm nổ súng tấn công, bộ phận trung tâm tấn kích ngang sườn. Đây là trậïn đánh mở màn nhằm khai thông con đường yết hầu cho đoàn tăng tiến gần vào mục tiêu. Tư lệnh đoàn tăng sẽ tấn kính sau khi chủ lực “cắt” bộ phận địch án ngữ. Chủ lực quân của địch tập trung ở đây nhằm cản đường tăng, nhưng mạn bắc của tọa độ, địa hình hung hiểm nhất của tọa độ đã lộ ra cường độ hỏa lực yếu nhất của địch sẽ do đoàn A tiền phương xung kích bất ngờ “càn” lên hỏa điểm. Dựa vào yếu tố bất ngờ và nghi binh, trung ương phán đoán địch sẽ không ngờ ta tấn kích vào mạn này.


Đoàn A tiền phương di hành trong cơn mưa đến khoảng 3 giờ khuya, bỗng nhiên vô tuyến Miền nhấp nháy liên tục, khẩu lịnh truyền khẩn cấp đoàn phải dừng di chuyển ngay tức khắc, lịnh tức khắc đào hầm hố thật sâu, thật nhanh. Trận liệt vô tuyến nhấp nháy đỏ báo đoàn A đã đi lạc vào “bãi”, bãi tiêu diệt. Lịnh truyền cấp tốc xuống từng tiểu đội. Ông già gắt giọng trên tần số:


- A đứng chỗ nào?


- Báo cáo, A đứng ở X.


- Tại sao lại ở X?


- Báo cáo, mưa lớn, di chuyển lạc hai tiếng.


- Lịnh cho tất cả phải đào hố ngay tức khắc.


- Báo cáo rõ.


“Bãi” ám chỉ “bãi chết”. Bãi chết là bãi hủy diệt. “Bãi” là mật ngữ chỉ khu vực đánh bom của bọn “bê”. “Bê” là pháo đài bay B52. “Bãi’ được khoanh trên nhiều tọa độ, thông thường bãi rộng khoảng vài cây số vuông, “Bê” thường là dội chung quanh căn cứ hỏa lực của địch, trên đường hành quân hoặc nơi tập trung nếu bị trinh sát địch khám phá. Bãi được phân loại ra loại 1, loại 2 … dựa vào lực lượng của bộ đội mà địch huy động “bê”. Nhưng cũng có bãi “lừa”. Nghi binh lừa bãi mời bê tới. Trận liệt được vẽ trên hệ thống tình báo trong các bãi lừa, có bãi thật. Tình báo của bọn “bê” cũng không phải tay vừa. Mìn tình báo mac na ma ra chúng gài khắp nơi. Dựa vào hỏa lực vô hạn, “bê” thừa bom dội vào đoàn quân dù chưa lọt sâu “trung tâm thảm”. Cấp số hủy diệt sinh lực của bọn bê rất cao, rất nhanh. Không một sinh vật nào có thể còn ngọ nguậy trong chu vi nếu lọt vào “thảm”.


Tư lệnh chiến trường phải nắm thật vững “bãi lừa, bãi thật” khi chiến trường nổ ra. Vô tuyến bí mật sẽ báo từng phút, hướng, đường bay của “bê” để lo … “chém vè”. Trên khắp nẻo chiến trường, chỉ cần biết trước vài giờ “bê” kéo đến là bảo toàn được sinh lực. Mạng lưới tình báo chiến lược và các chuyên viên truyền tin giải mã dò từ các làn sóng phải cực kỳ nhạy bén và cấp thời. Báo động sớm chừng nào thì cơ hội cho bộ đội thoát nhanh ra ngoài rìa trung tâm trải thảm chừng đó. Chiến trường cho thấy thoát khỏi hỏa lực khốc liệt của “bê” hoàn toàn dựa vào khả năng tình báo vô tuyến điện đài.


“Bê” là vũ khí bay chiến lược, nó là con chủ bài của cuộc chiến xâm lược lớn nhất sau thế chiến thứ hai. Đặc điểm của “bê” là bay từng đoàn, thông thường từ hai đến bốn chiếc, phi vụ thường xuất phát từ đường băng “U Tapao” từ tây nam qua đông nam, qua đông bắc. Động cơ gầm thét của “bê” được bảo vệ trước sau bởi một đoàn “con ma”, “thần sấm”, “tia chớp”. Tiếng rú gầm trời của nó âm u từ rất xa, rất cao, đủ làm rung nhẹ mặt đất. Ngửi được nó, nghe được nó, là kinh nghiệm sống chết trên chiến trường tích luỹ nhiều năm. Không cách nào thoát được trong một thời gian ngắn một khi đã lọt vào thảm hủy diệt. Dù có đào hố cá nhân cực nhanh, sâu, nhưng vẫn không thể chịu đựng sức ép của hàng ngàn tấn bom lửa nổ liên hồi kỳ trận; hộc máu chết, mảnh bom xé người nát như tương. Kinh nghiệm đau đớn “bãi chết” là kinh nghiệm để lại từ nhiều cái chết của tư lệnh. Tướng và quân trên đường hành quân một khi đã lọt vào mấy cây số vuông “bãi tử thần” không ai mong được toàn thây.


Toàn thân ông già đột nhiên run rẩy mạnh. Ông lảo đảo muốn té. Viên bảo vệ hốt hoảng kêu lên: anh Sáu, anh Sáu có sao không? Mặt ông già tái ngắt dưới ánh chớp đỏ liên hồi của máy siêu tần số. Căn bệnh sốt rét rừng quái ác tái lại. Không. Bọn “bê” đang lao tới. Chỉ còn khoảng mươi phút nữa, “bãi chết” lập loè trên bản đồ trận liệt. Linh cảm chiến trường đã cho ông già “ngửi” được tiếng ì ì từ xa vọng về trong cơn mưa vùa kéo đến, nhưng ông tin vào vô tuyến tình báo. Không kịp nữa. Toàn bộ đoàn A tiền phương đang dậm chân trong “bãi tử thần”! Mưa ngập trời thúi đất giam chân bộ đội.


Một hy vọng mong manh thoáng qua óc ông già, ông chỉ mong “bãi” này là “bãi” nghi binh, nhưng không còn đủ thời gian “chém vè”. Mưa chặn tứ phía. Đào hố thật sâu rúc trong nước may ra. Trận mưa thúi đất đã làm nhiễu loạn điện đài? Lỗi tại vô tuyến tình báo? Lỗi tại sở chỉ huy tối cao? Lỗi tại sao bà già búi tó phó tư lệnh đoàn A hay tại tư lệnh?


“Bà già búi tó”, khuôn mặt ngây thơ ngày xưa ấy, đêm đêm ngồi bên bếp lửa rừng khuấy tô canh rau hái bên bờ con kinh, nung nồi cá lóc kho muối, bàn tay nhanh nhẹn bới chén cơm trắng ngần thơm nức:


- Ông ráng ăn chén cơm lấy sức! Nhớ dòm ngó thằng con trai duy nhứt của mình. Thằng con trai ôm cây đàn ghi ta, nghêu ngao trước đại đội đầu đàn tiền phương càn vào hỏa điểm. Tui lo cánh hậu.


Vai ông già rung lên bần bật. Bom nổ rền trời. Bom nổ không dứt vọng về từ xa. Toàn bộ đoàn A đã vong mạng trong “bãi tử thần”.


Vài hạt mưa lọt qua khung cửa bắn vào mặt ông già. Mưa Sàigòn không bốc mùi thúi đất nhưng trong đôi mắt hoắm sâu dấu sau cặp mắt kiếng đã ngập bụi nước. Như sợ ai dòm thấy mình, ông già vội vàng móc trong túi áo cái khăn mù xoa bạc phếch lau lau đôi mắt.


 


20.


Tin riêng của “cai tù” vốn là bạn ở ngoài đời báo nhỏ cho biết có anh Sáu miền Nam muốn gặp anh em trí thức Saigon.


- Hắn tên gì? San hỏi.


- Nghe nói dòng dõi họ Phan, ông này cấp tiến, cởi mở, có tinh thần hòa giải, đây là cơ hội rất tốt cho mấy ông.


Cuộn tròn vừa đúng trên cái phần xi măng chia nhau chật như nêm cối. San vắt tay lên trán. San nhớ lại cuộc đấu khẩu vừa qua với tướng cao lớn như tây. San chuẩn bị ý nghĩ cho lần chấp cung sắp tới. Rất đáng nghi ngờ bọn “quản giáo”, “cai tù”. Bọn nó định gài bẫy chuyện gì đây!


- Lôi cổ nó ra xem nó còn chửi không! Giọng hùng hổ của viên quản giáo vọng vào cát xôâ. Tiếng xích sắt mở cửa kêu leng keng.


- Đả đảo cộng sản! San gầm lên dữ dội từ trong cát xô.


- San Trần ra trình diện!


- Đả đảo Hồ Chí Minh!


San chui ra cửa, chưa kịp hưởng luồng gió mát từ cơn mưa, một bàn tay ở đâu nắm chặt lấy tóc San. Bịch, bịch, bịch… dưới bầu trời u ám, hai ba gã cao lớn che khuất cửa tù vung tay liên tiếp vào người tù thâm thấp. San ngã vật xuống. Hạt mưa loang máu từ mũi, từ mắt, thấm vào mồm San mằn mặn, San chúi nhủi ngã vật xuống. 


Đêm tối che dòng máu đỏ thẫm, dòng máu của một người Việt Nam bất khuất loang trên sàn xi măng số 4 Phan Đăng Lưu giữa thành phố hoa lệ Sàigòn. Hai viên công an tiếp tục lôi San xềnh xệch vứt trước cửa phòng chấp pháp.


- Báo cáo thủ trưởng …


- Thôi! Ông già bước ra cửa quát lên: Nó không hiểu gì cả! Không ai hiểu gì cả! Đừng đánh nữa, cho nó về lim.


Cai tù Hồ bước vào cát xô oang oang như lệnh:


- Tôi đã nói rồi, bác Hồ đã nói rồi, phải nín thở trong tù, nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, chân lý cho những người ở tù là phải tìm đủ mọi cách để ra tù!


Quay qua người tù bên cạnh, cai Hồ nói khẽ: còn muối không? chà sát cho hắn!


21.


Số 4 Phan Đăng Lưu mấy tháng sau không thấy ông tướng cao lớn như tây ghé lại, không thấy ông trí thức trắng trẻo lên lớp, không thấy anh Sáu ghế thăm, cũng vắng bóng mấy bộ bà ba đen khăn rằn quấn cổ; nghe nói họ đi hành quân. Xa xa vọng về tiếng súng từ tây nam biên giới rung động dân Saigon. Thanh niên lại rục rịch vác súng lên đường. Tiếng súng càng ngày càng gần, át tiếng đấm, tiếng hét, tiếng chửi ở số 4 Phan Đăng Lưu. Những con đường đèn nê ông Saigon dường như tối hẳn lại.


22.


Xuyên qua cửa sổ kính mờ bụi mưa, ánh sáng vàng vọt từ căn phòng chấp pháp hắt ra bóng dáng một ông già ngồi gục đầu trên chiếc ghế bành cất tiếng gọi hậu cần: cho “qua” thêm bình trà mới đi em./


 Lý Kiến Trúc


California, tháng 4, 2011 / Nhuận sắc 10/2012


(1) Trích từ “Vì Sao Chúng Tôi Tranh Đấu”, “Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người VN Khốn Cùng”.
28 Tháng Tám 2014(Xem: 7368)
Bà Bùi Thị Minh Hằng , ba năm tù, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 2 năm và anh Nguyễn Văn Minh, 2 năm rưỡi tù giam. Đó là bản án mà chính quyền Việt Nam dành cho ba nhà tranh đấu cho nhân quyền trong phiên xử sơ thẩm vào hôm nay 26/08/2014 tại Đồng Tháp. Công an ngăn chận và bắt đi khoảng 80 người muốn tham dự phiên tòa bị xem là « dàn dựng ».
17 Tháng Tám 2014(Xem: 7353)
Các bản tin quốc tế về buổi họp báo của TNS John McCain và TNS Sheldon Whitehouse ngày 8 tháng 8 ở Hà Nội đã không nêu lên hai điểm quan trọng: cải thiện nhân quyền phải ở mức căn bản và tiến trình phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mang tính cách tiệm tiến, tuỳ thuộc mức cải thiện nhân quyền. Một số bản tin Việt ngữ cũng phạm thiếu sót vì lấy tin từ các bản tin quốc tế.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 7401)
HOA THỊNH ĐỐN - Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal hôm Thứ Ba đã tuyên bố việc ông nhận “đỡ đầu” cho một người tù nhân lương tâm Việt Nam đó là Mục sư Nguyễn Công Chính qua “Dự Án Bảo Vệ Tự Do” (Defending Freedoms Project) của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ.
22 Tháng Sáu 2014(Xem: 7592)
Các nhà hoạt động đại diện cho 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước đang có mặt tại Geneva (Thụy Sĩ) để tham dự phiên họp thông qua báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chiều nay 20/6.
02 Tháng Sáu 2014(Xem: 7825)
Trưa thứ Bảy 17/5, trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc và trên phố San Francisco đã có một sự kiện chưa từng xảy ra trong sinh hoạt người Việt ở Bắc California. Đó là cuộc biểu tình do phe Cờ Đỏ tổ chức.
06 Tháng Ba 2014(Xem: 7669)
Thảo luận cà phê nhân quyền được tổ chức tại Sài Gòn sáng ngày 01/3/2014. Cơ quan công an và an ninh Việt Nam đã không cử người tham dự chính thức một cuộc gặp gỡ 'Cà phê Nhân quyền' do Mạng lưới Blogger Việt Nam tổ chức và công khai Bấm ngỏ lời mời, tuy buổi thảo luận vẫn diễn ra ở Tp HCM, theo đại diện Ban tổ chức.
02 Tháng Ba 2014(Xem: 7260)
Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry công bố phúc trình thường niên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao 27/2/14 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thủ đô Washington
11 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 7649)
Trong tuần qua Luật Sư Nelson Mandela Nguyên Tổng Thống Nam Phi đã ra người thiên cổ. Ông sinh năm 1918 khi Thế Chiến I kết thúc. Ông tốt nghiệp Trường Đại Học Luật Khoa Nam Phi năm 24 tuổi. Mười năm sau, năm 34 tuổi ông đứng ra phụ trách Đoàn Thanh Niên trong Liên Đoàn Quốc Gia Châu Phi để khởi sự đấu tranh cho độc lập tự do, nhân quyền chống chế độ Kỳ Thị Chủng Tộc.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 7970)
“Cộng sản kỵ nhất hai mẫu người: lỗi lạc trong đảng và bất khuất trong tù. Lỗi lạc sẽ tái hiện một Gorbachev, bất khuất sẽ tái hiện một Mandela. Cả hai mẫu người này đều có ở Việt Nam.” (LKT)
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 7364)
Sau thời gian tự ứng cử và thực hiện chiến dịch vận động tranh cử trên trường quốc tế để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, VN đạt được kết quả như mong muốn vào hôm thứ Ba, 12/11/13. Câu hỏi đặt ra là Đại hội đồng LHQ dựa vào những tiêu chuẩn nào để bầu chọn VN vào danh sách 14 thành viên mới cho nhiệm kỳ 3 trong khi những tổ chức đánh giá nhân quyền độc lập như Human Rights Watch (Theo dõi Nhân Quyền), Amnesty International (Ân xá Quốc Tế), RSF (Tổ chức Phóng viên Không biên giới)…liên tục tỏ ý quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền tại VN.
28 Tháng Mười 2013(Xem: 10259)
Một tổ chức Cao Đài ở Hoa Kỳ đã báo cáo Liên Hiệp Quốc về vụ đàn áp tín đồ Cao Đài ở Xã Bầu Năng, Tây Ninh. “Đây là lần đầu tiên một tổ chức Cao Đài sử dụng thủ tục đặc biệt của LHQ để báo cáo hành động vi phạm tự do tôn giáo và tín ngưỡng”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc BPSOS, nhận định.
01 Tháng Mười 2013(Xem: 9087)
Vào đầu tháng 7 năm 2013, một số tín hữu Công Giáo trên khắp Thế giới đổ về Rome để tham dự lễ trình hồ sơ phong Chân Phước cho Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận, khởi đầu vào sáng thứ 5 ngày 04 tháng 07 năm 2013 là thánh lễ khai mạc được cử hành dưới hầm đền Thánh Phêrô, nơi có mộ của các cố Giáo Hoàng, thánh lễ chủ tế bởi Đức Giám Mục Võ Đức Minh địa phận Nha Trang và Đức Giám Mục Nguyễn Như Thể, nguyên Giám Mục địạ phận Huế và một số linh mục cùng đồng tế, số giáo dân được mời tham dự khoảng 100 người.
06 Tháng Sáu 2013(Xem: 7589)
Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba 4/6 đã nghe điều trần tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, trong đó đề cập nhiều tới các vi phạm. Đây là phiên điều trần thứ hai liên tiếp trong chưa đầy một tháng về chủ đề này sau phiên họp tương tự hồi tháng Tư. Phiên điều trần kéo dài hai ngày diễn ra dưới sự điều khiển của dân biểu Chris Smith, ủy viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và là chủ tịch Tiểu ban châu Phi, Y tế, Nhân quyền toàn cầu và Các tổ chức quốc tế trực thuộc ủy ban này.
03 Tháng Sáu 2013(Xem: 9189)
Trịnh Kim Tiến đặt vấn đề "công an trị" ở Việt Nam Nói, nói nữa và nói mãi, tất cả sự phản đối dường như vô tác dụng đối với ngành tư pháp và công an Việt Nam trong vấn nạn công an sử dụng bạo lực với người dân.
16 Tháng Năm 2013(Xem: 7704)
Hôm thứ Năm mùng 9 tháng Năm (2013) này, Cộng đồng VN vùng Thủ đô Washington, Maryland và Virginia phối hợp với Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản cùng Hệ Thống Đài Truyền Hình SBTN tổ chức Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 19 "Ngày Nhân Quyền Cho VN".
07 Tháng Năm 2013(Xem: 24915)
Hôm qua, 26/04/2013, bà Nguyễn Thị Nhung – mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi -, vào trại giam Long An thăm con, bị tạm giam từ cuối tháng 10/2012, để chờ đưa ra xét xử, vì bị cáo buộc « Tuyên truyền chống Nhà nước », sau vụ rải truyền đơn tại khu vực cầu vượt An Sương (Sài Gòn) ngày 10/10/2012, lên án các bất công trong vấn đề đất đai cũng như việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Khi gặp con, bà Nhung rất bất ngờ vì thấy nhiều thương tích trên cơ thể con mình.
06 Tháng Năm 2013(Xem: 7829)
Buổi dã ngoại ôn hòa để trao đổi kiến thức về nhân quyền đầu tiên tại Việt Nam sáng 5/5 theo lời kêu gọi của nhóm Công dân Tự do lan truyền trên mạng internet bị chính quyền cản trở, nhiều người tham gia bị lực lượng an ninh bắt giữ và hành hung.
05 Tháng Năm 2013(Xem: 7152)
Trong tuần này, nhiều tổ chức tôn giáo và đoàn thể người Việt hải ngoại từ mọi nơi về thủ đô Washington DC để vận động với hành pháp và điều trần trước Quốc hội về tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vũ Hoàng thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây với cựu dân biểu Cao Quang Ánh.