VĂN HÓA ONLINE - NHÂN QUYỀN - THỨ TƯ 08 MAY 2019
Anh Ba Sàm: Ngày về của 'một tù nhân bận rộn'
Mỹ Hằng BBC, Bangkok 05/5/2019
Bản quyền hình ảnh Le Thi Minh Thuy Image caption Bìa cuốn sách Anh Ba Sàm của Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội năm 2016. Cuốn sách được tái bản, bổ sung năm 2019, ngay trước khi ông Vinh được thả tự do
Trước ngày blogger Nguyễn Hữu Vinh được trả tự do, gia đình ông chia sẻ với BBC rằng ông "đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt thời gian ngồi tù để đòi quyền lợi cho tù nhân".
Cựu thiếu tá công an, nhà báo độc lập, blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, còn gọi là Anh Ba Sàm, dự kiến sẽ được trả tự do hôm 5/5 sau 5 năm tù giam với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
"Anh Vinh nói thời gian ngồi tù với anh là một trải nghiệm, một trường học. Anh ấy ngồi tù mà lúc nào cũng kêu bận," bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh, chia sẻ với BBC hôm 2/5.
"Anh ấy vẫn tiếp tục con đường 'khai dân trí' đã lựa chọn. Chỉ có điều lần này là ở trong tù."
'Một tù nhân bận rộn'
"Có ai đi tù mà lại bận như thế không? Lúc nào gặp, anh ấy cũng nói 'bận quá', 'không đủ thời gian'. Trong 60 phút gặp mỗi lần tôi vào tù thăm anh ấy, chúng tôi gần như không bao giờ có thời gian để nói điều gì riêng tư," bà Minh Hà nói.
Theo bà Minh Hà, trong suốt 5 năm ngồi tù, ông Hữu Vinh giành thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu, đồng thời viết kiến nghị để đòi quyền lợi cho tù nhân, và giúp những người bạn tù hiểu họ có quyền gì.
Đã có một số kiến nghị của ông Vinh được trại giam giải quyết, cải thiện đáng kể đời sống người tù.
Bản quyền hình ảnh Fb Thi Minh Ha Le
"Anh ấy chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trước phiên phúc thẩm, tôi nhớ anh ấy đã đưa ra hơn 60 kiến nghị viết trong thời gian tạm giam. Từ đó đến nay tôi không thể nhớ và cũng chưa có thời gian tổng kết anh Vinh đã đưa thêm bao nhiêu kiến nghị nữa."
"Riêng trong năm 2017, anh Vinh gửi đi 21 kiến nghị thì có 16 cái được giải quyết. Trong đó có những quyền vô cùng quan trọng như quyền được tiếp xúc với văn bản pháp luật, quyền được có tủ sách, được mua văn phòng phẩm bằng tiền lưu trú."
"Anh ấy chỉ đau đáu là khi ra tù rồi, họ còn tiếp tục thực hiện các quyền đó cho tù nhân hay không. Và các tù nhân có biết quyền của mình để đấu tranh hay không."
Gần ngày mãn hạn tù, ông Vinh "chạy đua với thời gian" để kịp hoàn thành những việc còn dang dở.
Trở về để khai dân trí theo cách 'mềm mại' hơn
Image caption Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là một trong những blogger được nhiều người biết đến trên truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam
Trong lần thăm chồng gần đây nhất hôm 19/4, bà Hà nói khi chia tay, ông Vinh giơ hai bàn tay nắm chặt lên cao, ý nói "Chúng ta sẽ chiến thắng".
Bà Hà kể trong suốt những năm tháng qua ông Vinh làm việc không ngưng nghỉ dù khi tự do hay tù tội. Nên điều bà mong muốn sau khi ông ra tù là được nghỉ ngơi. Sau đó có thời gian để cập nhật tin tức, tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
"Muốn khai dân trí thì phải nắm được thông tin. Thời gian ngồi tù các thông tin bên ngoài anh Vinh có được rất hạn chế. Tôi mong anh sẽ lấy lại sức khỏe và có có thời gian đọc sách, xem tin tức."
"Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sau này, tiếp tục con đường khai dân trí nhưng anh Vinh sẽ thực hiện theo cách 'mềm mại' hơn, bởi vì anh ấy luôn là một người rất cẩn trọng."
Ông Vinh có thể sẽ tiếp tục 'khai dân trí' theo hướng mềm mại hơn.Bà Lê Thị Minh Hà, Vợ ông Nguyễn Hữu Vinh
Trước thời điểm bị bắt năm 2014, ông Nguyễn Hữu Vinh là chủ blog Ba Sàm có lượng truy cập lên tới 200.000 lượt mỗi ngày vào thời kỳ cao điểm, cao hơn nhiều so với nhiều tờ báo chí lúc đó. Ông cũng mở hai trang blog là diendanxahoidansu.wordpress.com (blog "DÂN QUYỀN") và blog chepsuviet.wordpress.com (blog "CHÉP SỬ VIỆT").
Ông Vinh đã đăng tải hàng nghìn bài báo, bài bình luận về các vấn đề chính trị, xã hội, tư liệu lịch sử của Việt Nam và quốc tế, thu hút cộng đồng độc giả đọc và bình luận sôi nổi dưới mỗi bài viết.
Cáo trạng năm 2016 nói một số bài viết trên các trang này có "nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân".
Không chỉ viết báo, ông Vinh còn có nhiều hoạt động dân chủ khác, trong đó nổi bật là việc ông cùng một nhóm nhân sỹ trí thức ký bản kiến nghị yêu cầu sửa Hiến pháp 1992 vào năm 2003.
Bản quyền hình ảnh Le Thi Minh Thuy Image caption Bà Lê Thị Minh Hà, ông Nguyễn Quang A và nghị sĩ, thành viên Ủy Ban Nhân Quyền thuộc Quốc Hội Đức, ông Martin Patzel, trước phiên tòa xử ông Nguyễn Hữu Vinh năm 2016
Trường hợp của ông Vinh sẽ dẫn đến chuyện người ta tiến đến phải chấp nhận những tiếng nói phản biện, minh bạch hơn trong xã hội nàyNhạc sỹ Tuấn Khanh
Năm 2016, khi cuốn sách song ngữ 'Anh Ba Sàm' - từng được coi là 'xuất bản phẩm hiếm có của phong trào dân chủ Việt Nam' được bán trên Amazon, bà Hà từng chia sẻ: "Chồng tôi, nếu có phạm tội gì, thì chỉ là tội yêu nước, yêu tự do, và mong muốn đất nước Việt Nam dân chủ hóa, người dân Việt Nam có quyền tự do."
Trước phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh năm 2016, nhạc sỹ Tuấn Khanh, tác giả của nhiều bài chính luận trên mạng xã hội từng bình luận rằng "Vụ bắt giữ blogger Nguyễn Hữu Vinh có thể 'uẩn khúc' và nhà cầm quyền bối rối trước những người bị bắt... Trường hợp của ông Vinh sẽ dẫn đến chuyện người ta tiến đến phải chấp nhận những tiếng nói phản biện, minh bạch hơn trong xã hội này."
Hành trình đấu tranh đòi tự do cho Anh Ba Sàm
Hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Lê Thị Minh Hà từng là bạn học ở trường Sỹ quan An ninh, sau khi kết hôn, cả hai cùng làm trong ngành an an ninh.
"Nhưng tôi từng không thể hiểu hết lý tưởng của anh ấy. Tôi từng chỉ muốn có một gia đình yên ổn, bình thường. Trong khi anh Vinh lại có những suy nghĩ khác, và chúng tôi từng không thể chia sẻ với nhau," bà Hà kể lại.
Bản quyền hình ảnh ANHBASAM.WORDPRESS.COM Image caption Trang blog Anhbasam đã đưa nhiều thông tin bị nhà nước cho là "bi quan một chiều"
"Trước đây, tôi không hiểu tại sao lại cần có một tờ báo độc lập để làm gì? Trong những ngày hỗ trợ anh Vinh trong trại giam, tôi phần nào hiểu anh ấy và công việc của anh ấy."
Để đồng hành với chồng trong suốt những năm ông Vinh bị giam, bà Hà đã từ Đức - nơi bà ở phần lớn thời gian để chữa bệnh - trở về Việt Nam giúp chồng.
"Đây là cuộc đấu tranh pháp lý nên đòi hỏi phải am hiểu pháp luật để khi cần làm việc với chính quyền hay kêu gọi trợ giúp từ quốc tế, mình phải biết để viện dẫn chính xác và thuyết phục. Do đó, tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu phát luật. Bản thân tôi cũng là người được đào tạo trong ngành công an, từng sống ở nước ngoài nhiều năm, nên tôi đặc biệt tôn trọng luật pháp."
"Ban đầu, tôi không hiểu hết những việc anh Vinh làm nên khi anh bị bắt, tôi rất băn khoăn. Tôi không biết mình có thực sự muốn dấn thân vào việc này không, nếu như anh ấy vi phạm pháp luật. Nhưng càng nghiên cứu hồ sơ vụ việc của anh, tôi càng bị thuyết phục rằng anh không làm gì sai," bà Hà chia sẻ.
Để hỗ trợ chồng, Hà đã trở thành 'nhà báo', thành một 'chuyên gia' về luật, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền. Để chuẩn bị cho cuộc gặp hàng tháng với chồng trong tù, ngoài đồ ăn, sách báo, bà Hà thường tổng hợp và chọn ra các thông tin trong nước và quốc tế nổi bật nhất để thuật lại cho ông Vinh.
"Tôi bao giờ cũng nói trước. Lần lượt điểm các tin, các sự kiện diễn ra thời gian qua để anh ấy nắm được. Sau đó anh ấy sẽ hỏi tôi nếu cần thiết. Rồi đến lượt anh ấy đọc lại cho tôi những điều muốn truyền đạt. Có thể là đọc một bài thơ anh sáng tác. Hoặc các kiến nghị, giải pháp.... Tôi ghi chép liên tục rồi về nhà gõ lại trên máy tính. Cứ như thế suốt mấy năm nay."
Bên cạnh đó, bà Minh Hà cũng đi vận động tại nhiều nước và gặp gỡ đại diện Liên Hiệp Quốc trong việc kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ông Nguyễn Hữu Vinh.
Chỉ muốn đón Anh Ba Sàm 'trong yên lặng'
Bản quyền hình ảnh LUAT KHOA
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh nói với BBC hôm 2/5 rằng trước đó một cán bộ trại giam tên Lượng nói với bà và ông Vinh rằng nếu chỉ có gia đình đi đón thì trại giam sẽ thả ông Vinh ở cổng Trại 5, còn nếu có người đi theo mang băng rôn, biểu ngữ thì trại giam sẽ "thả ông Vinh ở một giữa đường vắng một cách bất ngờ."
Sự việc này, theo bà Hà, đã khiến ông Vinh và cả gia đình lúc đó hết sức lo lắng.
"Là người được đào tạo chính quy tại Đại học An ninh Nhân dân và đã tìm hiểu kỹ lưỡng pháp luật hiện hành, tôi cho rằng sau khi chấp hành xong bản án thì ông Vinh phải được trả tự do ngay tại cổng trại giam. Nơi đó, trên mảnh đất tự do, ông Vinh có quyền tiếp xúc với các công dân khác đang thực hiện các quyền hiến định...," bà Hà viết trong đơn gửi các cấp liên quan về vụ việc.
Bà Hà nói bà đã làm tất cả mọi thứ có thể làm được để hỗ trợ chồng nên hiện giờ, khi chỉ còn vài ngày nữa ông Vinh được tự do, bà thấy mạnh mẽ, bình tâm.
"Chúng tôi chỉ muốn đón anh trong yên lặng. Nhưng tôi không thể ngăn được nếu bạn bè, những người muốn ủng hộ anh Vinh muốn đến để chào đón anh," bà Hà nói với BBC.
Anh Ba Sàm là ai?
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Phiên tòa xử ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy
Ông Nguyễn Hữu Vinh sinh ngày 15/9/1956.
Cha ông Vinh là ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Giám đốc Công an Liên khu 4, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
1979: Ông Vinh tốt nghiệp Trường Sỹ quan An ninh, cùng khóa với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
1984: Ông Vinh được luân chuyển sang Ban Việt kiều Trung ương sau khi làm việc tại Tổng cục An ninh trong 5 năm
1996 - 1998:Ông Vinh học luật tại Đại học Luật Hà Nội và tiếng Anh tại Đại học Mở Hà Nội.
2000: Ông Vinh chính thức rời khỏi ngành công an và mở dịch vụ thám tử tư, được coi là dịch vụ độc nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ
09/09/2007: Ông Vinh mở trang blog Ba Sàm
05/2014: Ông Vinh bị bắt và bị buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999.
05/05/2014: Ông Vinh và cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp theo Điều 258, Bộ luật Hình sự.
23/03/2016: Ông Vinh bị tòa tuyên án 5 năm tù giam.