VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA - THỨ BA 17 SEP 2024
Văn Hóa Hòa Bình dưới góc nhìn Minh triết
Hà Văn Thùy
Ba năm nữa thôi, vào năm 2027, là trọn 100 năm Văn hóa Hòa Bình. Vào ngày ấy, chắc thế nào cũng có lễ lạt với âm thanh của chiêng trống và dù dầy dù mỏng, cũng có vài mâm cỗ đặt lên bàn thờ cúng cụ… Từ cỗ bàn được bày biện dịp lễ 60 năm cùng những thứ cây nhà lá vườn thu gom được những năm qua, có thể thấy lễ cúng cụ lần này cũng hẻo! Thật buồn, một thế kỷ mà học thuật không đi xa hơn bao nhiêu so với thành tựu của người đàn bà nước Pháp cả trăm năm trước! Có thể hôm nay, những học giả danh tiếng vẫn còn cãi lộn về những thuật ngữ “Văn hóa Hòa Bình” hay “Tổ hợp kỹ thuật đá Hòa Bình”… Nhưng chắc chắn, chưa ai nói với chúng ta những điều thiết yếu: “Người Hòa Bình là ai?” “Vai trò của Hoabinhian trong lịch sử, văn hóa Việt Nam và nhân loại là gì…”
Chúng tôi, một Cử nhân Sinh học bỏ nghề đi viết văn, đến cuối đời không dứt được nỗi đa mang tìm kiếm cội nguồn, chuyển sang làm tay chép sử nghiệp dư, có đôi điều suy nghĩ về “VĂN HÓA HÒA BÌNH DƯỚI GÓC NHÌN MINH TRIẾT.”
Trong chuyên luận này, chúng tôi xin trình bày ba vấn đề:
1. Văn hóa Hòa Bình dưới góc nhìn khảo cổ học.
2. Văn hóa Hòa Bình dưới góc nhìn di truyền học
3. Văn hóa Hòa Bình dưới góc nhìn minh triết.
I. Văn hóa Hòa Bình dưới góc nhìn khảo cổ học.
Trong Báo cáo của Bảo tàng lịch sử Việt Nam về 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Hòa Bình, do PGS.TS Nguyễn Khắc Sử trình bày, có đoạn: “ Đã phát hiện 145 địa điểm văn hóa Hòa Bình, được tạo ra bởi một nhóm dân cư cụ thể, có thể có cùng một tộc người. Văn hóa Hòa Bình có niên đại từ 20.000 đến 7.000 BP, với 3 giai đoạn phát triển: Tiền Hòa Bình (20.000 - 11.000 BP), Hòa Bình điển hình (11.000 - 9.000 BP) và Hòa Bình phát triển (9.000 - 7.000 BP). Đây cũng là lúc khái niệm văn hóa Hòa Bình được mở rộng về không gian (chung cho cả Đông Nam Á), về thời gian (từ Pleistocene sang Holocene, từ 50.000 đến 5.000 BP) và cả thuật ngữ mới được đưa ra (một văn hóa Hòa Bình, các văn hóa Hòa Bình, truyền thống Hòa Bình hoặc phức hợp kỹ thuật Hòa Bình (Hoabinhian - Technocomplex) (Solheim 1970: 145 - 162; Solheim 1972: 34 - 41; Gorman 1971).”(1)
Đó là sự tổng kết mang tính kinh điển của những bậc thầy khảo cổ học Việt Nam. Nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy, chỉ là những con số chết… Nó hoàn toàn không có sức sống, không có hồn thiêng của nền văn hóa khảo cổ lớn nhất Việt Nam mà tôi hy vọng. Đúng là tôi cùng bao người đã từng hy vọng, một hy vọng lớn lao nhưng hy vọng ở điều gì thì chính tôi cũng không hiểu. Càng nản hơn khi đọc một số phát biểu của học giả quốc tế Tại “Hội nghị các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm công trình về Văn hóa Hòa Bình của bà Madeleine Colani” tổ chức cuối năm 1993 tại Hà Nội (THE HOABINHIAN 60 YEARS AFTER MADELEINE COLANI: ANNIVERSARY CONFERENCE)
-1. “Hiện vật Văn hóa Hòa Bình cũng có mặt tại những địa diểm xa phía bắc như Nhật Bản, hay phía nam như châu Úc, tuy có cùng "cái lõi văn hóa Hòa Bình ", nhưng những cư dân tại các địa điểm khác nhau đó có những truyền thống riêng (thí dụ các dụng cụ với số lượng và thể loại tương đối khác nhau). Người ta có thể nói những cư dân ấy cùng gốc, nhưng không thể nói các người cổ tại các vùng khác nhau đều đến từ vùng Hòa Bình. Nói khác đi, Hòa Bình không phải là cái " rốn " hay « nôi » của Đông Nam Á cổ. Do vậy họ đề nghị dùng từ " văn hóa Hoà Bình" trong nghĩa techno-complex, tập hợp những dụng cụ có cùng một kĩ thuật, chứ không hàm ý nguồn gốc ở Hòa Bình.
- 2.Do đa số dụng cụ văn hóa Hòa Bình chỉ được đẽo trên một mặt, mặt bên kia còn nguyên vỏ cuội. Tuy nhiên tại một số địa điểm Bắc Việt Nam và trên bán đảo Mã Lai có dụng cụ đá cuội đẽo hai mặt công phu hơn. Những dụng cụ đá gọi là choppers này có dáng vẻ thô sơ hơn nhiều so với dụng cụ đẽo tinh xảo của người khôn ngoan phương Tây cùng thời. Từ điểm này một số nhà khoa học, như ông Movius người Mỹ, đã đưa ra thuyết “Vùng Đông Nam Á lạc hậu trì trệ, và người cổ Đông Nam Á kém tiến hóa so với người cổ phía Tây.”
-3. Nhiều nền văn hóa của người khôn ngoan nối tiếp nhau trên đất Bắc Việt trong thời tiền sử: trước văn hóa Hòa Bình có văn hóa Sơn Vi, và tiếp nối có văn hóa Bắc Sơn. Văn hóa Bắc Sơn có mặt gần như song song với giai đoạn muộn của văn hóa Hoà Bình, và được phát hiện trước văn hóa Hòa Bình (đầu thế kỷ hai mươi) trong vùng cực bắc Việt Nam (vùng Lạng Sơn). Bà Colani và ông Mansuy (những người khám phá) xem văn hóa Bắc Sơn như là một văn hóa hình thành do sự pha trộn văn hóa cổ tại chỗ với văn hóa cao hơn do di dân nơi khác mang vào Bắc Việt.
-4. Từ những nghiên cứu tài liệu khai quật hang Ma ở Thái Lan, nhà khảo cổ học Mỹ C.F. Gorman đã nhiều lần chối bỏ khái niệm văn hoá Hoà Bình và thay vào đó là thuật ngữ “Phức hệ kỹ thuật Hoà Bình” (Hoabinhian Technocomplex)[24] Tinh thần của quan điểm này có ảnh hưởng rất lớn đến những học giả thuộc thế hệ sau C.F. Gorman, trong đó bà Rasmi Shoocongdej nhà khảo cổ học người Thái Lan. Sau những khai quật ở hang Lang Kamnan thuộc miền tây Thái Lan, nhà khảo cổ học này đã khuyến cáo các nhà khảo cổ từ bỏ khái niệm “Hoabinhian” vì nó không thích ứng với khung cảnh Đông Nam Á [26]. Cũng giống như C.F. Gorman, nhà khảo cổ học Danny Tân đã gắn phức hợp kỹ thuật Hoà Bình vào một số sưu tập cuội ở Australia và New Guinea [29, tr.74]. Hay như W.Solheim II đã không quan niệm Hoà Bình như là một văn hoá mà xem nó như một phức hợp kỹ thuật khi xem xét một số di tích đá cuội ở Nhật Bản [27, tr.19-26]. (2)
Sau một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu thì một kết quả như trên thật đáng thất vọng. Những nhà nghiên cứu văn hóa Hòa Bình còn nợ nhân dân và khoa học những câu hỏi lớn.
i. Về thời gian: phải chăng Văn hóa Hòa Bình chỉ có niên đại từ 20.000 đến 7.000 năm? Trong các báo cáo khai quật có nói tới dấu vết văn hóa Hòa Bình ở độ sâu thời gian là 50.000 năm. Vì sao chưa có lời giải thích về sự kiện này?
ii. Ai cũng biết, trong một công trình khảo cổ, việc xác định chủ nhân của nó là quan trọng nhất, quyết định ý nghĩa của cả một nền văn hóa. Vậy mà gần một thế kỷ nghiên cứu, chỉ cho ra câu trả lời “có thể có cùng một tộc người?” phải chăng là sự thừa nhận nghiên cứu đã thất bại? Theo Giáo sư Nguyễn Đình Khoa, Việt Nam hiện có bộ sưu tập sọ cổ lớn với 35 sọ thời đồ đá và 35 sọ thời đồ đồng (3) lẽ nào những sọ đó không phải chủ nhân văn hóa Hòa Bình?
iii. Về tên gọi.
Điều đáng nản là sau 100 năm nghiên cứu, ngay tên gọi của di chỉ cũng chưa thành lập. Vẫn là những cái tên giả định: một văn hóa Hòa Bình; các văn hóa Hòa Bình; truyền thống Hòa Bình hoặc phức hợp kỹ thuật Hòa Bình (Hoabinhian – Technocomplex). Người xưa nói: danh có chính, ngôn mới thuận. Khi một nền văn hóa mà sau 100 năm, ngay cái tên đặt cũng chưa xong, thử hỏi người ta có thể hy vọng gì ở những điều sâu xa hơn?
iv. Kết luận người Hòa Bình chưa biết tới trồng trọt cũng là một nghi vấn! Chả lẽ một vùng đất từng được coi là cái nôi cuả nông nghiệp phương Đông lại tệ thế sao?!
v. Về ý nghĩa của Văn hóa Hòa Bình. Một câu hỏi đã được nêu ra: sau một trăm năm khảo sát, các nhà nghiên cứu chưa nói được gì về ý nghĩa của Hòa Bình trong lịch sử văn hóa Việt cũng như thế giới? Thật đáng buồn!
Từ những nhận xét trên, có thể đưa tới kết luận rằng, sau 100 năm khai quật và nghiên cứu nền văn hóa lớn với 145 di chỉ, bao phủ khắp Đông Nam Á tới Nam Trung Quốc; thu thập khối lượng hiện vật lớn, từ đồ đá đẽo thô sơ đến đá mài tinh xảo cùng đồ gốm phong phú và nhất là bộ sưu tập sọ tới 70 mẫu… mà không xác định được chủ nhân nền văn hóa, không đặt được tên cho văn hóa đó, chứng tỏ công trình khảo cổ học đã thất bại.
II. Văn hóa Hòa Bình dưới góc nhìn di truyền học
Nhưng chỉ 5 năm sau khi các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm văn hóa Hòa Bình, vào năm 1998, nhà di truyền học Y. Chu cùng 13 đồng nghiệp của ông tại Đại học Texas công bố bài báo Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc.(4) Bài báo nói rằng, Homo sapiens xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi 200.000 năm trước. 70.000 năm trước người châu Phi di cư tới Hòa Bình Việt Nam làm nên nhân loại ngoài châu Phi… Một sự cố gây chấn động Thủ đô Wasington nước Mỹ, mở ra kỷ nguyên mới khám phá lịch sử loài người.
Vào một đêm tháng 8 năm 2004, trong khi lên mạng tìm tư liệu cho cuốn tiểu thuyết Triệu Vũ Đế đang viết, tôi bắt gặp dòng tin trên tờ báo tiếng Việt Đại Chúng xuất bản tại Cali. Đọc ngốn ngấu bài báo, tôi ngồi lặng đi, người nổi gai ốc vì linh cảm thiêng liêng. Một ý nghĩ chói sáng xuất hiện: “Sự kiện này không chỉ đưa đến viết lại lịch sử Việt Nam mà còn làm thay đổi số phận dân tộc Việt.” Sau đêm đó, tôi dừng công việc văn chương để đi tìm cội nguồn dân tộc. Không ngờ điều này làm thay đổi cuộc đời của chính tôi.
- Người Hòa Bình là tổ tiên nhân loại ngoài châu Phi
Tiếp thu bài báo thiên tài của học giả Stephen Oppenheimer (5)….. kết hợp khảo cứu của mình, tôi khám phá rằng, 83.000 năm trước, khoảng 15.000 người di cư châu Phi gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid đã vượt Hồng Hải sang Bán đảo A Rập. Nghỉ lại ở đây trong vòng 7000 năm, 76.000 năm trước đoàn di cư chia đôi. Khoảng 3000 người chủng Mongoloid ở lại đất Yemen trên Bán đảo A Rập. Đoàn đi về phương Đông gồm 13.000 người, trong đó có 11.000 người Australoid. 7000 năm trước, có khoảng 6000 người tới được Hòa Bình Việt Nam, gồm 5000 người Australoid và 1000 người Mongoloid. Hòa Bình là vùng nhiệt đới nóng ẩm thuận tiện cho con người sinh sống. Hai đại chủng người Australoid và Mongoloid đã gặp gỡ hòa huyết, sinh ra bốn chủng người Việt cổ là indonesian, Melanesian, Mongoloid và Negritos. Đấy là tình hình ban đầu. Nhưng sau đó, do số lượng người Australoid quá đông nên tự nhiên xảy ra tranh chấp nguồn gen khiến cho số lượng người Mongoloid vốn đã ít lại ngày càng giảm. Phải chăng vì cảm thấy nguy cơ có thể bị biến mất nên một nhóm người Mongoloid rời Hòa Bình, đi lên Tây Bắc Việt Nam lúc này rất lạnh và sống biệt lập ở đây.
Khoảng 50.000 năm trước, nhờ khí hậu ấm lên, dẫn đến bùng nổ nhân số. Khoảng 100.000 người Việt cổ từ Hòa Bình đi ra lục địa Sundaland, xuống Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Một dòng đi về phía tây, qua Lào, Mianmar, qua Biển Bengan chiếm lĩnh đất Ấn, thay thế lớp người bị núi lửa Toba hủy diệt, làm nên dân cư đầu tiên của Nam Á.
40.000 năm trước, nhiệt độ phía Bắc ấm lên, khoảng 40.000 người từ Hòa Bình đi lên chiếm lĩnh Hoa lục, từ Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Vân Nam… Một dòng người đi lên Điền Nguyên Động phía Bắc, sinh ra tổ tiên người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Một dòng đi lên Đông Bắc Á sống trong băng giá và 30.000 năm trước, qua eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ, làm nên thủy tổ người Mỹ bản địa.
Khoảng 10.000 người từ phía Tây Hoa lục, qua Trung Á tới đất Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Khoảng 52.000 năm trước, do trời ấm lên, người Mongoloid từ Yemen đi vào Trung Đông. 40.000 năm trước, khoảng 4000 người Europid từ Trung Đông qua eo Bosphrus tới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên đất Nam Âu, hai dòng người hòa huyết sinh ra người European tổ tiên người châu Âu.
Trong khi đó, cộng đồng Mongoloid từ Tây Bắc Việt Nam theo hành lang Ba Thục vượt Hoàng Hà chiếm lĩnh đất Mông Cổ, trở thành người Mongoloid Bắc Á. (6)
Như một phép thần, khi công nghệ di truyền áp dụng vào khám phá quá khứ đã nhanh chóng làm sáng tỏ nhiều điều mà hàng trăm năm khảo cổ bất lực:
i.Không phải 20.000 năm mà di truyền học khẳng định, tuổi của Văn hóa Hòa Bình kéo dài từ 70.000 đến 4000 năm trước.
ii.Chủ nhân của Văn hóa Hòa Bình là người Việt từ châu Phi di cư tới, với bốn chủng Indonesian, Melanesian, Mongoloid và Negritos. Người Hòa Bình với độ đa dạng sinh học cao nhất, là tổ tiên nhân loại ngoài châu Phi
-Thực tế cho thấy, trong khi khảo cổ học bất lực thì hôm nay di truyền học xác nhận, 100 năm trước, người đàn bà thông tuệ nước Pháp đặt tên Hoabinhien cho văn hóa Hòa Bình là hoàn toàn chính xác. Hòa Bình không chỉ là cái “rốn” hay cái nôi của Đông Nam Á mà vĩ đại hơn, là cái nôi của toàn nhân loại!
- Cũng chỉ di truyền học mới có thể chỉ ra: Hòa Bình là nơi duy nhất sinh ra tộc Việt cổ với bốn chủng người Indonesian, Melanesian, Mongoloid và Negritos. Dù mang tên Văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn… thì cũng chỉ là những giai đoạn khác nhau của Văn hóa Hòa Bình mà chủ nhân duy nhất là người Việt. Cũng chỉ có di truyền học mới chứng minh tâm phục khẩu phục rằng “văn hóa Bắc Sơn không phải như là một văn hóa hình thành do sự pha trộn văn hóa cổ tại chỗ với văn hóa cao hơn do di dân nơi khác mang vào Bắc Việt;” mà Bắc Sơn là giai đoạn cao của dân cư Hòa Bình.
-Cũng chính di truyền học đã chỉ ra sự ấu trĩ của một số nhà khoa học nặng đầu óc thực dân, như ông Movius người Mỹ, đã đưa ra thuyết “Vùng Đông Nam Á lạc hậu trì trệ, và người cổ Đông Nam Á kém tiến hóa so với người cổ phía Tây.” Đồ đá Đông Nam Á thua kém Choppers phương Tây không phải dân Đông Nam Á kém tiến hóa mà là do người Đông Nam Á đi trước 30.000 năm và sinh ra tổ tiên những người làm ra choppers phương Tây.
-Cũng chính di truyền học qua khảo sát dân cư Đông Á đã khẳng định: dân cư Hòa Bình Việt Nam làm ra toàn bộ nhân loại ngoài châu Phi. Như vậy, di truyền học như một phép thần mở ra sự thật: Hòa Bình Việt Nam là cội nguồn của nhân loại!
- Ngôn ngữ Việt sinh ra ngôn ngữ nhân loại
Khoa học cho thấy, khi ra ngoài châu Phi, con người đã trưởng thành về giải phẫu và ngôn ngữ. Điều này có nghĩa là, khi đi ra thế giới, con người đã ổn định về di truyền, hình thành các chủng người từ hai haplogroup M và haplogroup N. Tại Hòa Bình, ban đầu con người hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian, Mongoloid và Negritos. Trong đó người Indonesian được gọi là Lạc Việt giữ vai trò lãnh đạo về chủng tộc và ngôn ngữ (Nguyễn Đình Khoa). (7)
Từ Hòa Bình, người Việt cổ đi ra thế giới làm nên nhân loại. Vì vậy mặc nhiên ngôn ngữ Việt thành tổ tiên của ngôn ngữ nhân loại ngoài châu Phi. Cuối thế kỷ XIX học giả người Pháp Henri Frey khám phá sự thật này qua công trình L’annamite mere des language. (8) Là Đô đốc Hải quân từng công tác tại Tây Phi, khi qua Việt Nam, ông nhận ra tiếng nói Tây Phi rất gần tiếng Việt vì vậy đưa ra ý chủ trương: “Tiếng Việt là mẹ các tiếng trên thế giới.” Ý tưởng của ông một phần dựa trên lý thuyết “trôi dạt lục địa” thịnh hành thời đó, cho rằng do trôi dạt lục địa, châu Phi tách khỏi châu Á khiến cho tiếng Việt là mẹ các ngữ trên thế giới. Tuy thuyết trôi dạt lục địa sai lầm nhưng khám phá “tiếng Việt gần với tiếng châu Phi” vẫn đúng vì người Việt từ châu Phi di cư ra thế giới.
Trong khi đó, các học giả phương Tây do không nắm được nguồn gốc dân cư thế giới nên đưa ra những quan niệm sai lầm, đến nay môn ngôn ngữ học lịch sử hình thành từ thế kỷ XIX rất có vấn đề về học thuật. Cần có cuộc cách mạng trong công việc này mà chúng tôi đã khởi đầu bằng bài viết Suy ngẫm về ngôn ngữ học lịch sử qua trường hợp ngôn ngữ Trung Quốc (9)
- Người Hòa Bình sáng tạo văn hóa vật thể
Là người hiện đại đầu tiên có mặt ngoài châu Phi, người Việt đã làm nên lịch sử của mình và vô hình trung, đó cũng là những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại.
1. Sáng tạo công cụ đá Hòa Bình.
Từ 23.000 năm trước, người Hòa Bình sáng tạo công cụ đá bằng cách ghè đẽo một phần bề mặt hòn sỏi sông hay suối thành công cụ chặt, cắt nhẹ nhàng, có cạnh sắc, được gọi là rìu, búa hay việt (戈). Khi được tra cán, rìu, búa, việt trở thành công cụ hữu hiệu cho chặt cắt thực phẩm, vỡ đất, chặt cây và chiến đấu. Tự hào về sáng chế của mình, người Hòa Bình được gọi là người mang rìu, người mang búa, mang việt. Từ đó tộc danh người Việt ra đời. Từ ban đầu chỉ đẽo ở rìa và lưỡi, rìu được cải tiến thành công cụ được đẽo trên toàn chu vi hòn sỏi và mài bóng ở văn hóa Bắc Sơn. Đó thực chất là công cụ đá mới đầu tiên của nhân loại. Một câu hỏi đặt ra là vì sao công cụ đá Hòa Bình không được gọi là đồ đá mới? Theo tôi, có thể là, công cụ Hòa Bình được khám phá muộn, khi khảo cổ phương Tây đã trưởng thành, được coi là chuẩn mực, phần lớn thuật ngữ của khảo cổ học đã được xác nhận. Phương Tây được coi là nơi khởi đầu của văn minh thế giới, với công cụ đá mới đầu tiên. Vì vậy theo quan niệm Âu trung, không ai đặt lại vấn đề. Đã đến lúc viết lại lịch sử để đưa công cụ đá Hòa Bình về đúng vị trí của nó.
2. Sáng tạo đồ gốm.
Với đà phát triển của cuộc sống, những dụng cụ dùng để đựng nước, để đun nấu trở thành yêu cầu cấp thiết. Từ đó, đồ gốm ra đời, đưa người Việt bước vào thời kỳ ăn chín uống sôi. Khảo cổ học phát hiện, tại di chỉ Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, 25.000 năm trước, người Việt làm nên di chỉ văn hóa đầu tiên. Tại đây 20.000 năm trước dụng cụ gốm đầu tiên trên thế giới ra đời, đưa nhân loại bước vào thời ký ăn chín uống sôi. Từ đây đồ gốm lan truyền ra khắp thế giới, từ gốm thô độ nung thấp tiến tới gốm đen nghệ thuật và đồ sứ tuyệt vời hôm nay.
III. Văn hóa Hòa Bình dưới góc nhìn minh triết.
Dưới góc nhìn khảo cổ học và di truyền học, con người đã khám phá ra những nét đặc trưng quan trọng của văn hóa Hòa Bình. Tuy nhiên, chỉ từ góc nhìn minh triết, góc nhìn có trí tuệ tổng hợp, chúng ta mới có thể khám phá trọn vẹn văn hóa Hòa Bình.
D. Người Hòa Bình sáng tạo ra nông nghiệp
Từ hai thế kỷ trước, người ta coi việc khám phá ra nền văn hóa cổ đại là công việc độc quyền của ngành khảo cổ học. Nhưng trên thực tế, có nhiều vấn đề có chiều sâu vượt quá phạm vi của khảo cổ học. Với nền văn hóa Hòa Bình, thời gian tồn tại của nó không phải là 20 hay 50 ngàn năm mà lên tới 70 ngàn năm, vậy con người dùng công cụ nào để đo lường những sự kiện có thể đã xảy ra trong thời kỳ bí ẩn và xa xôi đó? Trên thực tế, con người không bỏ cuộc! Không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng trực giác, con người đã dùng hết khả năng của mình để mở ra những bí mật của quá khứ. Nói chung là vậy, nhưng với nền văn hóa Hòa Bình, một câu hỏi lớn phải được trả lời: Nền văn hóa Hòa Bình có nông nghiệp không? Sau 100 năm nghiên cứu, ngành khảo cổ học đã bất lực trước câu hỏi này. Sự bất lực là do ảnh hưởng có hại của chủ nghĩa hiện thực phương Tây, được tạo ra bởi tư duy phân tích. Phải có đủ bằng chứng để tin vào câu thần chú của chủ nghĩa hiện thực. Nhưng làm sao có thể có bằng chứng về những người cổ đại gieo những hạt giống đầu tiên và trồng những cây con đầu tiên? Tất cả các di chỉ khảo cổ chỉ được hình thành khi con người sống đủ đông và trong thời gian đủ dài trên một vùng đất để các sản phẩm thải từ hoạt động của họ tích tụ đủ để trở thành các di chỉ khảo cổ. Nhưng hầu hết thời gian, con người là dân du mục và sống di động, vậy làm sao có thể có các di chỉ khảo cổ? Từ câu chuyện dân gian về Ngôi sao trên trời bú lợn của người Bahna ở Tây Nguyên Việt Nam và của người Bunun ở Đài Loan, cũng như truyền thuyết về cây kê cuối cùng trong Kinh thánh, những người có tai và mắt hiểu rằng cây kê đã được người Đông Nam Á trồng hàng nghìn năm trước trận hồng thủy cuối cùng, tức là cách đây 8.000 đến 9.000 năm! Tôi ngưỡng mộ hai trong số những người nhạy bén nhất trên thế giới: C. Sauer và W.G. Solheim
Năm 1952, nhà địa lý người Mỹ C. Sauer đã viết trong cuốn sách Agricultural Origins and Dispersals của mình: “Tôi đã chỉ ra rằng Đông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp lâu đời nhất. Và tôi cũng đã chỉ ra rằng văn hóa nông nghiệp bắt nguồn từ nghề đánh cá bằng lưới ở quốc gia này. Tôi cũng đã chỉ ra rằng những loài vật nuôi sớm nhất có nguồn gốc từ Đông Nam Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế giới về kỹ thuật canh tác và thuần hóa thực vật bằng phương pháp sinh sản sinh dưỡng."(1) Năm 1967, trong cuốn sách Southeast Asia and the West, Giáo sư W.G. Solheim II của Đại học Hawaii đã viết:
"Tôi nghĩ rằng khi chúng ta xem xét lại nhiều dữ liệu ở Đông Nam Á lục địa, chúng ta chắc chắn có thể phát hiện ra rằng quá trình thuần hóa thực vật đầu tiên trên thế giới được thực hiện bởi người Hòa Bình (Việt Nam) vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên..." "Rằng nền văn hóa Hòa Bình là một nền văn hóa bản địa không có bất kỳ ảnh hưởng bên ngoài nào, dẫn đến nền văn hóa Bắc Sơn." "Rằng các vùng phía bắc và trung tâm của Đông Nam Á lục địa có những nền văn hóa tiên tiến trong đó có sự phát triển của các công cụ bằng đá đánh bóng đầu tiên ở Châu Á, nếu không muốn nói là đầu tiên trên thế giới, và đồ gốm đã được phát minh ra..." "Tôi nghĩ rằng những công cụ bằng đá có cạnh sớm nhất được tìm thấy ở miền bắc Úc vào khoảng 20.000 năm trước Công nguyên có nguồn gốc từ Hòa Bình." "Tôi đồng ý với Sauer rằng người Hoabinhian là những người đầu tiên trên thế giới thuần hóa thực vật ở đâu đó tại Đông Nam Á. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu quá trình thuần hóa này bắt đầu sớm nhất là vào năm 15.000 trước Công nguyên.""Rằng không chỉ là sự thuần hóa thực vật đầu tiên như ông Sauer đã gợi ý và chứng minh mà thôi, mà còn đi xa hơn, nơi đây đã cung cấp tư tưởng về nông nghiệp cho phương Tây. Và sau này một số cây đã được truyền đến Ấn Độ và châu Phi. Và Đông Nam Á còn tiếp tục là một khu vực tiên tiến ở Viễn Đông cho đến khi Trung Quốc thay thế xung lực này vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, tức khoảng 1500 năm TCN."(11)
Bốn năm sau, tháng 3/1971 vị giáo sư Đại học Hawaii này từ những khảo sát ở Thái Lan lại cho in một công trình quan trọng dưới nhan đề Ánh sáng mới dọi vào quá khứ bị lãng quên:
"Thuyết cho rằng tiền sử Đông Nam Á đã di chuyển từ phương Bắc xuống, mang theo những tiến triển quan trọng về nghệ thuật. Tôi thấy rằng văn hóa Sơ kỳ Đá mới (Proto-Neolithic) phía Bắc Trung Hoa, gọi là văn minh Yangshao (Ngưỡng Thiều) đã do trình độ thấp Văn hóa Hòa Bình phát triển lên từ miền Bắc Nam Á vào khoảng kỷ nguyên thứ VI hay V TCN."
"Tôi cho rằng, văn hóa sau này được gọi là Lungshan (Long Sơn) mà người ta xưa nay vẫn cho là nó xuất phát ở Yangshao phía Bắc Trung Hoa rồi mới bành trướng sang phía Đông và Đông Nam, thì thực ra cả hai nền văn hóa ấy đều phát triển từ căn bản Hòa Bình." "Việc dùng thuyền độc mộc có lẽ đã được sử dụng trên các dòng sông nhỏ ở Đông Nam Á từ lâu, trước kỷ nguyên thứ V TCN. Tôi tin rằng việc di chuyển bằng thuyền ra ngoài biển bắt đầu khoảng 4000 năm TCN, tình cờ đã đi đến Đài Loan và Nhật Bản đem theo nghề trồng khoai sọ và có lẽ các hoa màu khác." "Dân tộc Đông Nam Á cũng đã di chuyển sang phía tây, tới Madagascar có lẽ vào khoảng 2000 năm TCN. Có lẽ họ đã cống hiến một số cây thuần dưỡng cho nền kinh tế miền Đông châu Phi." "Vào khoảng thời gian ấy có sự tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Địa Trung Hải có lẽ qua đường biển. Một số đồ đồng ít thông dụng xác chứng nguồn gốc Địa Trung Hải cũng đã tìm thấy ở địa điểm Đông Sơn."(12)
Ở thời điểm ra đời, công bố của Solheim II gây chấn động giới khoa học. Ông được mệnh danh là “ông Đông Nam Á.” Nhưng sau đó, do tuổi các hiện vật tìm thấy ở Thái Lan được xác định muộn hơn so với con số ban đầu, ý kiến ông bị phủ định và rơi vào quên lãng.
Nhưng nay, hàng loạt khám phá khảo cổ trên đất Trung Quốc đã cho thấy phát biểu nửa thế kỷ trước của ông hoàn toàn chính xác. Có điều giới khoa học cũng quên đi, không còn ai nhắc đến dự báo của ông.
Đáng buồn là cho đến nay, những nhà khoa học người Việt tài danh. Con cháu dòng đích của Văn hóa Hòa Bình vẫn hoài nghi thành tựu của Tổ tiên!
- Người Hòa Bình sáng tạo văn hóa phi vật thể.
i.Hình thành nếp tư duy tổng hợp
Nhờ nghề nông người Việt nắm chắc mối quan hệ hữu cơ giữa cây trồng và môi trường, học được lối sống đề cao người phụ nữ và tôn trọng như nhau các yếu tố khác nhau của môi trường. Không yếu tố nào chỉ có lợi, cũng không yếu tố nào chỉ có hại mà chúng quan hệ với nhau một cách hài hòa. Người nông dân lợi dụng mối quan hệ này để đạt kết quả sản xuất tối ưu. Từ đó nảy sinh phương cách tư duy tổng hợp.
ii.Khám phá Âm Dương Ngũ hành.
Người Hòa Bình khám phá trong vũ trụ tồn tại hai yếu tố Âm và Dương. Đó là hai mặt đối lập của vũ trụ nhưng không triệt tiêu nhau mà cùng tồn tại trong mọi sự vật và hiện tượng: trong Âm có Dương, trong Dương có âm. Tư duy phân tích phương Tây đi vào khám phá bản chất của thế giới, tìm ra bốn nhân tố của vũ trụ là Nước, Lửa, Đất và Khí. Trong khi đó, tư duy tổng hợp phương Đông không tìm bản thể của thế giới mà nghiên cứu sự vận hành của vạn vật. Nhờ đó khám phá ra vũ trụ với năm hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là năm dạng vật chất luôn vận động. Năm hành quan hệ theo ngũ hành tương sinh, tương khắc từ đó làm chủ quy luật vận hành của vũ trụ.
iii. Sáng tạo chữ Nho. Truyền thuyết Trung Quốc nói rằng, Hoàng Đế sai Thương Hiệt làm ra chữ. Nhưng đó chỉ là truyền thuyết. Không chỉ thời Hoàng Đế chưa có chữ mà tới nhà Hạ cũng chưa có. Chữ tượng hình xuất hiện sớm nhất ở An Dương, kinh đô nhà Ân khoảng 1400 năm trước. Nhưng thời gian dài không biết nguồn gốc từ đâu ra. Tại đây cũng tìm được hàng trăm ngàn mảnh Giáp cốt văn nên cho rằng Giáp cốt văn là cội nguồn của chữ viết Trung Quốc. Sau này khảo cổ học tìm được Giáp cốt văn sớm nhất tại văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, chữ khắc trên đá ở Cảm Tang Quảng Tây khoảng 6000 năm trước và nhiều nơi khác. Do tìm được những ký tự tượng hình sớm nhất trên bãi đá khắc Sa Pa 10.000 năm trước, và hai đĩa gốm khắc chữ Thượng và chữ Sĩ ở văn hóa Hòa Bình 8000 năm trước, chúng tôi cho rằng, người Việt cổ đã phác họa những chữ tượng hình đầu tiên rồi đưa lên Trung Quốc. Năm 1400 TCN khi chiếm đất An Dương của người Việt, bắt gặp Giáp cốt văn, vua Bàn Canh đã sử dụng “họa sư” người Việt sản xuất thật nhiều chữ Giáp cốt. Từ đây, chữ tượng hình ra đời. Có thể nói là, người Việt đã kiên trì sáng tạo chữ tượng hình trải qua hàng vạn năm và nhà Thương là lớp con cháu hoàn thành sự nghiệp này.
iv. Sáng tạo kinh Dịch
Khảo cổ phát hiện ngôi mộ ở trấn Bộc Dương Hà Nam 6500 năm trước, được cho là mộ của Phục Hy. Trong mộ có hình Thanh long, Bạch hổ, phương vị của nhị thập bát tú nên học giả cho rằng Kinh Dịch được hoàn thành vào thời điểm này. Tại văn hóa Lăng Gia Than 5800 tuổi ở tỉnh An Huy lần đầu tiên phát hiện con rùa bằng ngọc với đồ hình Bát quái. Như vậy chắc chắn thời điểm này Kinh Dịch đã hoàn thiện. Trong khi đó, người Trung Quốc nhận là con cháu Hoàng Đế, người đánh trận Trác Lộc năm 2698 TCN. Sinh sau khi Kinh Dịch ra đời 1200 năm nên người Trung Quốc không thể làm ra kinh Dịch. Sự thật, Kinh Dịch là sáng tạo của tộc Việt, được hoàn thành vào thời Phục Hy, là bản kinh vô tự (không có chữ) rồi truyền qua thời Hoàng Đế. Đến thời Chu, Văn Vương và Khổng Tử bổ sung Thoán từ, Hào từ … thành Chu dịch.
v. Sáng tạo văn hóa Việt Nho.
Kết tinh của văn hóa, tinh thần, tư tưởng Việt tại thời Chu đã đúc nên vũ trụ quan, nhân sinh quan của tộc Việt. Cụ thể là:
1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa.
“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”: Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là bản thể và cũng là sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5: Dương + Âm = 5 = con số vũ trụ! Nhưng vấn đề đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương, của Cha, của Trời là 3 còn dành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất. Nhận thức ra bí mật lớn này của vũ trụ nhưng phương Đông không cứng nhắc nói “tam thiên nhị địa” mà ghi nhận theo minh triết “tham thiên lưỡng địa”: đúng là 3/2 đấy nhưng không phải là tương quan toán học cố định mà là tương quan biện chứng: lúc 3 nhưng có khi du di lớn hoặc nhỏ hơn 3 chút ít, đảm bảo sự năng động của phát triển.
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.
Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm của mối quan hệ này! Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Đạo Việt an vi.
Để sống được trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh dành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.
4. Bình sản
Ba hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là cơ chế tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là tỉnh điền. Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, là ruộng của làng, không thuộc quyền nhà nước, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy.
IV. Cách nhìn tổng quan về văn hóa Hòa Bình
Hòa Bình là nơi duy nhất trong lịch sử nhân loại, mà khi con người ra khỏi châu Phi đã chọn để định cư. Nay khi nhìn lại bối cảnh địa lý, khí hậu thời đó, ta phải thừa nhận, dù vô hình hay cố ý thì Hòa Bình cũng là nơi định cư tốt nhất. Chính vì đậu trên mảnh đất lành nên chỉ với 6000 người sống sót, từ Hòa Bình, con người đã sinh sôi, làm nên dân cư thế giới và sáng tạo nền văn minh vĩ đại. Nay ta có thể khẳng định những thành tựu con người đã tạo ra từ Hòa Bình như sau:
1.Con người khôn ngoan Homo sapiens trưởng thành về giải phẫu và ngôn ngữ.
2.Người Hòa Bình sáng tạo công cụ đá mới đầu tiên.
3.Người Hòa Bình sáng tạo nền nông nghiệp sớm nhất của nhân loại.
4. Người Hòa Bình sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp nhân bản. Do bản chất nhân văn, văn hóa nông nghiệp của người Hòa Bình sẽ dẫn dắt nhân loại đi tới trong kỷ nguyên mới.
V. Việc kỷ niệm 100 năm văn hóa Hòa Bình.
Kỷ niệm 100 năm khám phá và nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình là dịp quan trọng để khoa học đánh giá về vai trò của văn hóa Hòa Bình trong lịch sử nhân loại. Cùng với việc đánh giá như ở trên, chúng ta nhận thấy, về mặt tâm linh, Văn hóa Hòa Bình là nơi phát tích của văn hóa nhân loại. Vì vậy, đây là nơi quy tụ tâm linh nhân loại, nơi gắn kết các chủng người trên thế giới để xây dựng ngôi đền thiêng của nhân loại, nơi hội tụ con người với mục đích chung tay xây dựng một thế giới hòa bình và hữu nghị.
Vì vậy, NGÀY VĂN HÓA HÒA BÌNH nên được coi như ngày hội của toàn nhân loại hướng về nguồn cội. Từ đây tạo nên truyền thống văn hóa hướng về cội nguồn.
Hà Văn Thùy
Sài Gòn, 10/9/2024