Phạm Quốc Bảo: Chuyện nào vẫn nên thuật lại

08 Tháng Sáu 20227:32 SA(Xem: 2408)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA - THỨ NĂM 09 JUNE 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Phạm Quốc Bảo: Chuyện nào vẫn nên thuật lại

image008

ChuyệnNào03
Trích
nhật ký:

[cuốn 2]


Lời ngỏ

Sức sống của dân tộc Việt Nam đã được minh chứng qua bề dầy của lịch sử nước nhà, yếu tố quật cường trải dài trên một ngàn năm bị Bắc thuộc để lấy lại tự chủ - độc lập bằng một loạt nỗ lực chứng nghiệm điều chỉnh ở các nhà Đinh - Ngô - Lê - Lý - Trần...



Nhưng tới nay, ngoái lại thì ít nhất chúng ta thấy rằng từ giữa thế kỷ 19, với sự kiện đô đốc Mathew C. Perry của Mỹ sang Viễn Đông giúp Nhật có cơ hội cởi mở, giới trí thức Việt Nam đã vốn đánh mất vai trò chủ động của mình khi không còn đủ khả năng vạch ra viễn kiến và cụ thể hướng dẫn dân tộc tiến bộ trên bước đường trường tồn. Và cũng từ đấy, chúng ta liên tiếp dấn sâu vào vũng lầy nô lệ, chưa có thể rứt đi được; mặc dù đã có khá nhiều dịp, như mới nhất đây là sự kiện ba mươi tháng tư năm 1975.
[ Xem thêm chi tiết ở bài "30/4. Tại sao, 47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi tại VN? "của Từ Thức, trong phần Phụ Lục.]



Đầu năm nay, 2022, tôi bắt đầu duyệt lại quá khứ của chính mình qua độ sáu cốt truyện.
Tuần giữa tháng
3 vừa qua, mới viết tạm xong được hai phần thì hôm thứ tư 16 , sau khi nghe qua bài diễn văn của tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, đọc trực tuyến trước Quốc Hội Mỹ, tôi cảm nhận thật sâu sắc nỗi quằn quại trong chiến tranh mà dân Ukraine đang phải chịu đựng, nhờ vào kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Đồng thời, tôi kính phục sức quật cường của họ mà vừa tủi hổ trong lòng... Tôi đã quyết định cho phổ biến ba chương đầu thành cuốn 1 của bộ " Chuyện Nào Vẫn Cần Thuật Lại ' vào tháng Năm 2022 vừa qua.
Đến nay tôi
lại dành hai chương giữa của truyện ký tôi vừa mới điều chỉnh xong, cho in thành cuốn thứ nhì của bộ sách này, trong lúc vẫn còn tiếp tục viết.
Mong thân
hữu và quí đọc giả góp ý cho tất cả những ghi nhớ sai và sót nào trong sách để được điều chỉnh sau. Xin cảm tạ trước.
Trân
trọng.
 Phạm Quốc Bảo.


Chương 4


" Cất tiếng hát ân tình..." [1]    
                         
Trước khi mời quí vị đọc tiếp vào cuốn hai này của " Chuyện Nào Vẫn Cần Thuật Lại", tôi mong được chia xẻ vài sự kiện mà nhờ đó chúng ta mới có những tấm hình lần lượt xuất hiện ở rải rác trong những trang sách dưới đây.

Tôi còn nhớ, ở phần cuối đoạn 33 - chương 7 của cuốn Cùm Đỏ, xuất bản lần đầu vào năm 1983, tôi có bộc lộ rằng khi được thả tù về đến Sàigòn thì nhà tôi không còn nữa, phải vào ở nhờ nhà của bà chị ruột của tôi; và chị tôi đã cho biết là nếu tôi còn sống sót sau ba tháng thì không những chỉ có tôi mà cả gia đình bà ấy cũng phải rời thành phố đi sinh sống ở những vùng kinh tế mới. Thì ra họ đã rắp tâm muốn lấy luôn căn nhà của gia đình bà ấy!
Đêm ngủ, tình cờ lục trong ngăn kéo của chiếc tủ nhỏ thường dựng cạnh giường
(night-table) tôi chỉ thấy còn sót lại một bản sao chứng chỉ Tú Tài I và một cái quần lót cũ. Đấy là hai 'tài sản' còn lại của tôi, ngoài mạng sống...
Bẵng đi cả trên một thập niên sau, qua biết bao nhiêu vật đổi sao dời trong đời sống của riêng cá nhân tôi. Gia đình bà chị tôi sang Hoa Kỳ tái định cư, vào mấy năm đầu thập niên 1990. Bà ấy đã khiến tôi vô cùng cảm động bằng hành động hết sức bất ngờ là 'tặng' cho tôi một phong bì chứa gần một chục tấm hình: Trong ấy đặc biệt có ba tấm hình chụp tôi mà bà đã xé ra từ thẻ học sinh thời tôi còn học dưới trung học ..., thêm mấy tấm hình chụp hồi tôi có dịp sang họp hội nghị ở Seoul ( Nam Hàn) và thời tôi tạt qua Tokyo vào đúng giai đoạn đang còn diễn ra cuộc trưng bầy triển lãm do chúng tôi đã thực hiện những năm 1966-67.
Rồi độ giữa thập niên 1990, gia đình Bé Ký - Hồ Thành Đức sang Nam Cali sinh sống.
Khề khà hàn huyên với nhau, vợ chồng Bé Ký - Hồ Thành Đức cho tôi xem tập tài liệu giới thiệu (brochure) cuộc triển lãm " Việt Nam, Quê Hương Dấu Yêu - Our Beloved Land, VietNam" do phân ban sinh viên Nhật ( của Ủy ban thực hiện) cho in bằng Nhật ngữ từ cuối năm 1966 đầu 67. Tập này là bản chính do tôi đem từ Tokyo về lại Sài Gòn đã biếu họ như một kỷ vật..., có ngờ đâu bây giờ nó đã thành như một trong những gì hiếm quí bậc nhất đối với tôi, không thể có được một cuốn nào khác nữa. Tôi ngỏ lời xin nhưng vợ chồng bạn chỉ im lặng... Tôi liền yêu cầu cho mượn để chụp lại; và lúc ấy tôi vốn nghĩ đây là bản chụp lại thì cũng là để lưu làm kỷ niệm mà thôi.
Và từ đấy đến nay, trên hai mươi năm nữa, tôi có đưa liên tiếp cho độ ba người quen biết có khả năng đọc được chữ Nhật, nhờ họ dịch ra giùm. Tuy nhiên, cuối cùng khi gặp lại, chỉ có một người còn nhớ nhưng cũng lại phát biểu một cách lơ là rằng nội dung viết trong tập tài liệu ấy ra vẻ thiên Cộng. Nói rồi, người ấy lơ đi luôn. Không đủ thân tình, tôi chẳng thể thổ lộ vào chi tiết để bầy tỏ mục đích giản dị của tôi:
- Là chỉ cần biết một cách trung thực xem họ đã giới thiệu những gì cho cuộc triển lãm này mà thôi.
- Chứ vấn đề người viết nội dung ấy đã sẵn có thiên kiến chính trị gì, đấy là chuyện hoàn toàn khác, hiện không cần thiết đối với cá nhân tôi.
Thêm nữa, khi bị từ chối dịch giúp, tôi đã ngần ngại mà cẩn trọng, chẳng tiện năn nỉ vì tôi nghĩ rằng những người tôi nhờ vả này họ ngại phải bỏ thì giờ ra để thực hiện một công việc mà họ cho là không bõ công đối với họ. Còn về phần tôi thì lại cảm thấy nếu đề cập tới việc xin thanh toán chi phí để họ dịch hộ thì xem ra có vẻ 'xỗ xàng' và 'đường đột' quá chăng. Nên tôi đành cũng phải đánh bài lờ luôn...
Nghĩa là cho đến lúc viết những dòng chữ này, tôi vẫn chưa biết rõ nội dung bằng Nhật ngữ của tập tài liệu đã trình bầy những gì.
Ngoài ra, đến giờ phút này, Bé Ký đã mất cách đây vài năm. Còn Hồ Thành Đức thì đã được đứa con gái út là Hải Dương đưa về nhà của gia đình riêng nó cho thuận tiện việc hằng ngày chăm sóc, vì đầu óc Đức cũng bắt đầu quên quên nhớ nhớ rồi. Sự thể như thế, có lẽ tôi sẽ không còn cơ hội để có thể sở hữu được bản chính của tập tài liệu này nữa...

Tóm lại, những hình ảnh và tài liệu đề cập đến ở mấy đoạn trần tình trên này tôi mấy mươi năm qua những tưởng chẳng bao giờ còn tìm lại được, hoặc có chăng thì chỉ có thể thấp thoáng hiện ra trong ký ức cố gợi nhớ của mình thôi. Thế mà bây giờ tất cả những  thứ ấy đã có dịp chính thức xuất hiện trong sách, mặc dù chụp từ bản sao nên hình ảnh xem ra không được rõ lắm, thiếu đi sự tề chỉnh cần thiết. Mong quí độc giả thứ lỗi.
Dù thế nào đi nữa, những hình ảnh và tài liệu giới thiệu ở sách này đây cũng vẫn là niềm an ủi lớn nhất là đã khuyến khích tôi viết lại giai đoạn sống động này.

                                                              -   1  -  

Niên khóa 1965 -66, lần đầu tiên Hội Đồng Khoa của Văn Khoa ( một Phân Khoa thuộc viện Đại Học Sài Gòn) trực tiếp bầu lên vị khoa trưởng của trường mình. Chứ trước đấy, tất cả các vị khoa trưởng của các phân khoa thuộc viện đều do bộ Quốc gia Giáo Dục chỉ định.
Đây là kết quả của phong trào đòi Tự Trị Đại Học. Điểm chính yếu của phong trào này là Việt ngữ bắt đầu được xem như ngôn ngữ chính để thảo tài liệu và giảng dạy trên cấp đại học. Và vị khoa trưởng Văn Khoa của mấy niên khóa trước đấy là  giáo sư Nguyễn Đăng Thục, ông đã tỏ ra tích cực nhất trong việc vận động quan trọng này:
- Từ năm 1954 trở đi, nền giáo dục các cấp trong lãnh thổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều đã được áp dụng rộng rãi chương trình văn hóa - giáo dục do ông Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng giáo dục- mỹ thuật dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim (1945), soạn thảo mà chưa kịp áp dụng.[2]

[ Trên sân khấu "Hội Tết Làng Văn Khoa" năm 1964. từ trái: Phạm Quốc Dzũng - Trần thị Tuyết Hoa - Phạm Quốc Bảo - Lê Hoài Quỳnh - Trần Trị Chi - Vũ Khang - (?) - Võ Văn Thân - (?)

- Đến năm 1963, căn bản của nền giáo dục ấy đã được thực thi khá chín muồi, nên sự kiện chính trị tháng 11 năm 1963 như một cái cớ đẩy mạnh phong trào cải cách ở cấp đại học quốc gia mà cả hai tầng lớp giáo sư lẫn sinh viên đều đồng lòng vận động.
Mặt khác, nếu tôi nhớ không lầm, thời gian ấy giáo sư Y Khoa Trần Ngọc Ninh được bổ dụng làm Tổng trưởng gồm ba bộ xã hội - văn hóa - giáo dục. Các hội đoàn thanh niên - sinh viên - học sinh cũng như đã có cơ hội chính thức bung ra thành một mạng lưới sinh hoạt rộng lớn đủ mọi mặt: Các quán cà phê văn nghệ sinh viên nổi đình đám như Quán Văn, Quán Thằng Bườm, Quán Tre.. sang đến Trại Hè 65 ( Summer Program), đoàn văn nghệ Đường Sáng  rồi đoàn văn nghệ Nguồn Sống... Từ đấy, giới thanh niên -sinh viên- học sinh năng động  nhuần nhuyễn hẳn lên, 'vươn vai' thành những chương trình sinh hoạt có quy mô hoạt động bao trùm toàn quốc như " Học Đường Mới",  "Chương trình Phát triển sinh hoạt thanh niên - sinh viên - học sinh"( viết tắt là CPS), Chương trình Quận Tám, Phong trào Học đường Phụng sự Xã hội, phong trào Du Ca...[4]

[Hình chụp ở một công viên tại thị xã Phan Rang, hàng đầu , từ trái sang - người thứ hai là Nguyễn Minh Phương (Tuyết Sĩ) , trưởng ban Cải Lương - người thứ ba: Phạm Quốc Bảo, phó đoàn đặc trách kế hoạch của Đoàn văn nghệ Đường Sáng thuộc Chương trình Công Tác Hè - 65]

- Đặc biệt hơn nữa, năm 1966, một phái đoàn sinh viên quốc gia Nhật Bản, gồm độ 11 sinh viên của mấy phân khoa của đại học Waseda, Tokyo chính thức sang thăm viếng lãnh thổ Miền Nam Việt Nam. Tôi không còn nhớ tên của những ai, ngoài Shuji Doii ( sinh viên cao học ngành Mỹ thuật) làm trưởng đoàn. Từ quan niệm rằng phái đoàn sinh viên ngoại quốc sang thăm thì các sinh viên đoàn các phân khoa lãnh trách nhiệm hướng dẫn là hợp lý nhất, bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa  đã chính thức nhờ hai ban chấp hành sinh viên Văn Khoa ( hiện đang do tôi làm chủ tịch) và Luật Khoa ( lúc ấy chủ tịch là Mai Văn Tỵ [3] ) trực tiếp đón tiếp; bộ sẽ yểm trợ mọi thứ theo nhu cầu cần thiết được đề nghị:
Chẳng hạn, lịch trình thăm các khuôn viên phân khoa đại học thì đã được các khoa trưởng hoàn toàn ủng hộ, sau khi tham khảo với bộ giáo dục.
Chẳng hạn đi thăm các cơ sở tôn giáo thì những ban đại diện sinh mỗi phân khoa đều có liên lạc viên vốn sẵn là thành viên của những đoàn sinh viên tôn giáo ( như Gia Đình Phật Tử, Thanh-Sinh-Công, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo...) phụ trách.
Chẳng hạn thăm một số nơi tiêu biểu cho sinh hoạt của xã hội của Miền Nam Việt Nam thời ấy, cùng các danh lam thắng cảnh; tất cả những cuộc đi này đều được các bộ Xã Hội - Thanh Niên cung cấp phương tiện và nhân viên hướng dẫn chính thức. Chẳng hạn viếng các trại gia binh cùng mấy đơn vị quân đội thì đều có người của bộ Quốc Phòng được biệt phái lo liệu những chiếc xe nhà binh chuyên chở phái đoàn lẫn mấy phóng viên báo chí, rất xôm tụ...

                                                           -  2  -

Sau cuộc trực tiếp đón phái đoàn sinh viên Nhật ngay tại chân máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, hai sinh viên đoàn Văn và Luật Khoa sàigòn đã họp với nhau để thiết lập lịch trình cụ thể và phân phối công tác hướng dẫn.

[ hình chụp lại từ phóng ảnh của Brochure "Our Beloved Land VIỆT NAM"
Hình 1: Đón tiếp phái đoàn sinh viên quốc gia Nhật ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất:
từ trái , người thứ 6 là sinh viên Đỗ Phan Hạnh, Mai Văn Tỵ, Shuji Doii, Phạm Quốc Bảo.

Hình 2: Hội thảo với phái đoàn sinh viên Nhật tại giảng đường Luật Khoa, Sàigòn.

Hình 3: Phái đoàn sinh viên Nhật đồng ca trong đêm văn nghệ tổ chức tại giảng đường lớn nhất của Văn Khoa Sàigòn.]

Như ký ức tôi còn ghi nhớ, lịch trình đón tiếp gồm hai phần chính:
- Hai sinh viên đoàn phối hợp để thực hiện một loạt những công tác như hướng dẫn phái đoàn sinh viên Nhật quan sát các trường đại - trung - tiểu học tiêu biểu ở Sài Gòn, mấy cơ sở tôn giáo, chợ Bến Thành, Thảo cầm viên... và một số trại gia binh cùng vài đơn vị QLVNCH tiêu biểu mà bộ Quốc Phòng gợi ý và đồng ý cho phép.
- Xen kẽ vào đấy, sinh viên đoàn Luật Khoa nhận 'đứng cái' một buổi thảo luận nhằm trao đổi quan niệm về nếp sinh hoạt đại học giữa Nhật Bản và Việt Nam, tại khuôn viên trường này. Còn sinh viên đoàn Văn Khoa có trách nhiệm 'gầy nên' một buổi văn nghệ ' bỏ túi' ngay tại giảng đường 101, giảng đường lớn nhất có thể chứa tối đa được trên hai trăm người của khuôn viên trường Văn Khoa.
Viết đến đây, tôi liên tưởng nhớ đến, và đồng thời lục kiếm trên kệ sách ra cuốn tuyển tập " Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở" do Nhóm Thân Hữu thực hiện năm 2011, ở tiểu mục 'Ra Mắt Ban Trầm Ca"- trang 316-318, tác giả Nguyễn Đức Quang tự là Quang Già Cơ đã trích đăng lại đoạn văn (mà tôi có viết hay đã kể cho anh ấy nghe từ lúc nào, tôi cũng không còn nhớ nữa!).
Bồi hồi đọc lại, tôi liền nẩy ra ý định là nên 'chép' nguyên văn đoạn ấy ở đây, để như  một cách gián tiếp cảm ơn sự ưu ái của anh Quang Già Cơ, đồng thời vừa giúp tôi nhắc lại một số chi tiết sống động hiếm có của sự kiện này.
Anh Nguyễn Đức Quang tự Quang Già Cơ đã viết rằng: "...Nhưng có một người nói rằng Ban Trầm Ca chính thức ra mắt tại giảng đường Đại Học Văn Khoa. Anh Phạm Quốc Bảo, chủ tịch ban đại diện Văn Khoa thời gian đó, kể lại buổi ra mắt như sau:
' Năm 1966, một phái đoàn đại diện sinh viên viện đại học Nhật sang thăm Việt Nam.
Ông Tổng trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục giao trách nhiệm đón tiếp phái đoàn sinh viên Nhật cho hai ban đại diện Đại Học Luật Khoa và Đại Học Văn Khoa đảm trách. Anh Tô Lai Chánh [4], đại diện sinh viên Luật, dẫn sinh viên Nhật đi thăm những cơ sở của Viện Đại Học Sài Gòn, những cơ sở văn hóa, kinh tế kỹ thuật, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử...Ban đại diện Văn Khoa tổ chức một buổi văn nghệ tại giảng đường Văn Khoa. Ban Trầm Ca được mời phụ trách chính cho buổi văn nghệ ấy.
Đêm đó mục đích là để đón tiếp phái đoàn sinh viên Nhật và đồng thời cũng là đêm ra mắt của ban Trầm Ca.
Rủi thay trước giờ trình diễn điện lại bị cúp. Họ quyết định thắp đèn cầy soi sáng cho căn phòng chật ních người. Trời thì nóng bức, không có sân khấu, chỉ có một dàn bục thấp nơi giữa phòng, không cả micro. Mọi người ngồi bệt trên sàn nhà. Ban Trầm Ca gồm sáu chàng trai, Phương Oanh và Phạm Duy đều mặc quần áo nông dân mầu đen,  thật là 'kinh khủng' trong ánh sáng leo loét của đèn cầy. Ban tổ chức vừa lo, vừa ngượng; nhưng mọi người ( tham dự) thì lại tán thưởng vì cứ tưởng rằng ban tổ chức cố ý thắp đèn cầy thay vì dùng điện.Trong khung cảnh đặc biệt này mọi người không những đi từ ngạc nhiên sững sờ đến xúc động, hào hứng, say sưa nghe ban Trầm Ca hát mà còn nhiệt tình hát cùng với ban Trầm Ca, với Phạm Duy, với Phương Oanh ( thiếu nữ đánh đàn tranh và hát dân ca này đã trở thành toán viên của ban Trầm Ca trước ngày ấy).
Đêm văn nghệ đó kéo dài ba tiếng đồng hồ. Sinh viên Nhật không muốn về. Họ nghe dịch lõm bõm về mấy bài hát, nhưng họ nói rằng họ bị kích thích vì lời ca lạ lùng và những ý nghĩa của các bài hát trong chương trình Tâm Ca, Trầm Ca và Dân Ca này. Họ nói với anh Phạm Quốc Bảo rằng buổi trình diễn cho họ thấy xã hội miền Nam là xã hội tự do, cởi mở đầy tính nhân bản. Buổi trình diễn hôm đó đã gây một ấn tượng tốt về miền Nam cho phái đoàn sinh viên Nhật."

Nói chung lại, theo như ký ức tôi còn ghi lại lúc này:
- Nhờ từ hai niên khóa 1963-64 và 1964-65, những biến đổi trên mặt chính trị - thay đổi giới lãnh đạo chính quyền, nhịp sống của xã hội miền Nam có dịp bừng dậy, thì đặc biệt giới sinh viên-học sinh chúng tôi đã hứng khởi trong động tác cởi mở dần sinh hoạt từ học đường ra mọi hướng chính trị - văn hóa - xã hội.
Từ những vận động cải tổ guồng máy học đường và nội dung giáo dục các cấp cho đến vấn đề tham gia trực tiếp vào những công tác phục vụ cộng đồng. Như thiết lập - giảng dạy - hướng dẫn  các lớp luyện thi Trung Học - Tú Tài - vào năm học đầu ở một số các phân khoa đại học và cao đẳng chuyên nghiệp... Như những trại công tác xã hội, hướng về nông thôn...
Nên đến việc đón tiếp phái đoàn sinh viên Nhật này thì ban đại diện hai phân khoa Luật-Văn khoa nhận lãnh tổ chức và thực hiện xem ra tự nhiên khá suông sẻ, theo đúng lịch trình do  chúng tôi tự sắp xếp trước.
- Phái đoàn khách sinh viên Nhật thì ngay từ ban đầu họ đã tỏ ra hòa nhập chung với chúng tôi trong mọi cuộc tiếp xúc trao đổi. Họ tỏ ra thích thú đón nhận mọi sự kiện mà họ được cơ hội hiếm có là trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng tiêu biểu nói chung ở sinh hoạt thường ngày của xã hội Miền Nam Việt Nam đang trong hoàn cảnh chiến tranh.
Từ đấy, trong buổi tiệc chia tay, nếu tôi nhớ không lầm thì có sự hiện diện đặc biệt của viên trưởng phòng đại diện ở Sài Gòn của ĐạiNam công ty ( tiêu đề chính thức phiên âm từ nhật ngữ đặt bản hiệu tại trụ sở Sài Gòn là Dainam Koosi, một công ty vận chuyển quốc tế của Nhật Bản, cơ sở trung ương của họ ở Tokyo, Nhật Bản), đặc biệt là trưởng phái đoàn sinh viên Nhật, Shuji Doii, chính thức tuyên bố với chúng tôi, đại ý tiết lộ rằng:
- Ngay trước khi sang thăm Miền Nam Việt Nam, phái đoàn này đã dành độ một tháng trời đến thăm ở Miền Bắc Việt Nam rồi!
- Nhưng sau mấy tuần lễ chứng kiến những gì ở đây, trong buổi hội ý cuối cùng, hầu hết thành viên phái đoàn đã đều xác nhận, chuyến viếng thăm này mới trung thực.  Và họ đã đồng ý cam kết với nhau rằng, sau chuyến đi này họ cần chuẩn bị thực hiện một sự kiện nào đó để cụ thể hóa tấm lòng của họ thực sự cảm tạ người dân Miền Nam Việt Nam đã đón tiếp họ một cách chân tình.
Mấy tiết lộ kể trên khiến cả hai nhóm sinh viên Luật - Văn Khoa chúng tôi đều ngạc nhiên đến ngẩn ngơ luôn. Chúng tôi ngạc nhiên vì không ngờ phái đoàn khách lại có được cảm nhận tín cẩn đến mức có thể bầy tỏ trực tiếp ra tấm chân tình của họ một cách tích cực đến thế...

                                         -   3  -

Ngạc nhiên đấy, nhưng với bầu nhiệt huyết của tuổi đôi mươi thời ấy, tất cả chúng tôi đang có quá nhiều sôi nổi tới độ chỉ luôn chăm chú sẵn sàng xông vào hoạt động nhiều hơn là để tâm đến mức độ là phải suy nghĩ sâu xa bất cứ điều gì khác. Thêm nữa, chỉ vì chúng tôi cho việc đón tiếp một phái đoàn sinh viên ngoại quốc đến thăm viếng thì cũng không khác gì những công tác mà chúng tôi đang thực hiện hằng ngày thời đó mà thôi. Xong công tác này, chúng tôi lại bị cuốn hút ngay vào những sự kiện khác đang chờ đón chúng tôi tham gia .
Thế rồi đến đâu độ vài tháng cuối năm 1966, chúng tôi đang bận túi bụi chuẩn bị cho Hội Tết Làng Văn Khoa mỗi năm, thì vị căn phòng trưởng ở Sài Gòn của công ty vận chuyển ĐạiNam đến báo là tháng tới, Shuji Doii sẽ từ Tokyo sang lại và mong được tiếp xúc trực tiếp gấp với chúng tôi.

Và chừng qua dịp Tết năm đó vài tuần, Shuji Doii cùng viên văn phòng trưởng của DaiNam công ty đến gặp tôi tại khuôn viên trường Văn Khoa. Doii ngỏ lời mời tôi và Mai Văn Tỵ ( chủ tịch sinh viên đoàn Luật Khoa) dự bữa tiệc do công ty DaiNam bảo trợ, để bàn về một vấn đề mà cần có ngay kết quả phải được chính thức trả lời rằng có chịu chấp nhận hay không.
Trong bữa tiệc ấy, lần đầu tiên tôi và anh Tỵ mới trực tiếp chứng kiến vài thể hiện tập tục lễ nghi nghiêm chỉnh một cách hết sức lạ mắt như thế nào của dân Nhật (Chi tiết ra sao, tôi sẽ có dịp trình bầy ở mấy đoạn cuối của chương này)
Quan trọng hơn cả, đại khái nội dung buổi tiệc ấy là Doii thông báo rằng sau mấy tháng vận động ráo riết, ban đại diện sinh viên quốc gia Nhật đã được một ủy ban liên bộ của chính phủ Nhật cùng một số công ty tư nhân Nhật đồng ý gây quỹ bảo trợ cho một cuộc triển lãm mà nội dung gồm những sinh hoạt tiêu biểu của xã hội Miền Nam Việt Nam thời bấy giờ, với những yêu cầu sơ lược sau đây:
- Việc quyết định thực hiện cho đến khi hoàn tất được cuộc triển lãm này đều chỉ do các sinh viên đoàn ở hai nước trực tiếp lo toan, tuyệt đối không để bị trực tiếp phát xuất do sự điều động ngầm hay chính thức nào từ chính phủ hai quốc gia, ngoài hai điều kiện miễn trừ: Cần được hai chính phủ chính thức cho phép tự do thực hiện, và miễn sao không có một hành động nào vi phạm vào luật pháp của quốc gia sở tại.
- Chi phí thực hiện sẽ do quỹ tài trợ từ bên Nhật xuất ra. Công tác truyền tin - đóng gói và chuyển về Tokyo sẽ do văn phòng ở Sài Gòn của công ty DaiNam đảm trách. Viện Bảo Tàng quốc gia Nhật (là một tòa nhà gồm năm cánh khổng lồ tại Tokyo) sẽ dành sẵn một cánh để trưng bày cuộc triển lãm này, và viện này cũng phụ trách luôn công tác quảng bá để dân sở tại Nhật tự do vào xem, trong vòng tối đa một năm.
- Ủy ban thực hiện cuộc triển lãm sẽ gồm hai phân ban, một ở Sài Gòn, một ở Tokyo.
Mỗi phân ban sẽ trực tiếp lo những công việc riêng rẽ mà luôn ăn khớp với nhau để hoàn tất được cuộc triển lãm. Từ việc chọn danh hiệu đến nội dung tiêu biểu của cuộc triển lãm đều do đa số thành viên của ủy ban đồng ý quyết định. Thời hạn thực hiện tùy vào nhu cầu công tác...Và Doii chỉ rời Sài Gòn về lại Tokyo sau khi tên của cuộc triển lãm và phân ban thực hiện ở Việt Nam được thiết lập xong.
 Ngay sau đó, sinh viên đoàn Luật và Văn Khoa chính thức họp. Kết quả là phân ban thực hiện cuộc triển lãm này bên phía sinh viên Việt Nam, tôi được bầu trưởng phân ban, Trần Minh Nhựt [3] của ban Đại Diện Sinh Viên Luật Khoa làm phó, để công tác phối hợp thực hiện được thông suốt.
Tên chính thức được chọn là : Cuộc triển lãm " Việt Nam, Quê Hương Dấu Yêu  - Our Beloved Land, VietNam".
Rồi chúng tôi cùng kéo nhau lên bộ Quốc Gia Giáo Dục để thỉnh ý và  mau mắn sao được chính thức chấp thuận lẫn bảo trợ, cả về kế hoạch thực hiện - phép tắc - phương tiện...nhưng trừ chi phí. Các buổi họp và gặp gỡ này đều có sự hiện diện của Doii và viên văn phòng trưởng ở Sài Gòn của công ty ĐạiNam cả.

                                                       -   4 -

Vẫn do Doii yêu cầu, phân ban thực hiện phía Việt Nam gấp rút họp liên miên làm sao trong độ một tuần lễ để có thể thiết lập cụ thể, mặc dù chỉ sơ lược, những lãnh vực sinh hoạt cho nội dung cuộc triển lãm này. Sở dĩ cần có ngay cái lịch trình sơ lược việc thực hiện nội dung cuộc triển lãm này để Doii cầm đem về lại Tokyo: Theo Doii gợi ý rằng phân ban phía sinh viên Nhật cần có văn bản cụ thể vấn đề thì sẽ dễ dàng và nhanh chóng thuyết phục được các nơi bảo trợ xúc tiến ngay được ngân quỹ chi phí thực hiện.

[2 hình họp chuẩn bị nội dung triển lãm, chụp từ bản sao cái brochure :
Hình 4: từ trái, Shuji Doii - Bùi Ngọc Tô ( sinh viên Nha Khoa), -Trần Minh Nhựt [3]( sinh viên Luật Khoa), - Phạm Quốc Bảo( sinh viên Văn Khoa). 

Hình 5: từ trái, Phạm Quốc Bảo - Trần Tuấn Kiệt ( nhà Thơ),- Phạm Quân Khanh (sinh viên ban Sử-Địa, Văn Khoa) Hồng Nguyễn Sĩ ( sinh viên Vạn Hạnh) - ở giữa là 2 đứa con của Trần Tuấn Kiệt]

Để kể lại một cách tóm lược công tác thực hiện nhằm tạo nên nội dung cuộc triển lãm này, tôi cho rằng chỉ nên trích lại bài tôi đã viết từ lâu và đã được in từ trang 593-594 trong cuốn " Lê Văn Khoa - Một người Việt Nam" do tổng hợp các cơ sở CLBTNS-VAP-APA xuất bản năm 2013.
[Tuy nhiên, xem lại thì thấy có một số mô tả sai khác mà bây giờ chính tôi đã không còn lưu lại bản sao của bài viết ấy; hơn nữa, phối hợp với trí nhớ của một số anh em hiện diện thời ấy mà hiện nay còn sống thì họ cũng chẳng ai cho biết được chính xác nữa... Nhưng rõ rệt là những sai khác nếu có ấy cũng chỉ là vài chi tiết phụ, không quan trọng lắm; trong khi đó, hầu hết những dữ kiện nêu ra và chính sự kiện thực hiện cuộc triển lãm này đã thực sự xẩy ra đại loại như vậy. Tôi xin 'chép' ra đây và sẽ điều chỉnh sau, một khi có những  bổ túc thêm. ]
Nội dung bài ấy như sau:
" Lê Văn Khoa
và Hội Họa - Điêu Khắc Thiếu Nhi
Trong đời, tôi có nhiều người bạn tình cờ gặp, dù chỉ làm chung với nhau một công tác thôi nhưng từ đấy giao tình đến chót đời luôn. Trong số những bạn hữu này, đặc biệt có anh Lê Văn Khoa. Đặc biệt ở chỗ anh Khoa đa tài, suốt đời hoạt động rất sôi nổi nhiều ngành nghệ thuật một lúc, ngành nào cũng danh tiếng: nhiếp ảnh, sáng tác nhạc, soạn hòa âm và điều khiển nhiều ban đại hợp tấu, tổ chức các sinh hoạt văn hóa - giáo dục cho thiếu nhi, điều hành nhà xuất bản kinh sách...liên tục trên nửa thế kỷ nay, mà hiện giờ ở tuổi tám mươi rồi anh vẫn hăng say làm việc như bất cứ lúc nào khác!
Tháng 4 năm 1966, sau khi sang thăm hệ thống đại học miền Bắc Việt Nam, phái đoàn của Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Nhật Bản  gồm 11 thành viên do anh Shuji Doii dẫn đầu
sang tiếp xúc với Viện Đại Học Sàigòn, mà tham dự chặt chẽ nhất với sinh hoạt thường nhật của sinh viên hai phân khoa Luật và Văn Khoa. Sau trên hai tuần lễ gần gũi nhau, trước khi lên đường về nước, phái đoàn này thổ lộ rằng không khí tự nhiên học hỏi và vui tươi của sinh viên Sàigòn lẫn khung cảnh chiến tranh của Miền Nam nói chung đã khiến họ thực sự thân thiết mà liên tưởng tới bầu môi sinh tương tự của thế hệ học sinh - sinh viên Nhật ngay sau thời điểm 1945. Và họ hứa sẽ trở sang để thực hiện ít nhất một cái gì đó, mà hiện giờ họ vẫn chưa cụ thể là công tác gì.
Cuối năm 1966, Shuji Doii trở qua nói rằng họ đã xin được các công ty Nhật tài trợ để tổ chức môt cuộc triển lãm có nội dung cụ thể tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của xã  hội hiện thời miền Nam Việt Nam, nhưng cái đặc biệt là không để chính quyền ( cả Nhật lẫn VNCH) trực tiếp chi phối sự tổ chức này, nên chỉ có hai phân ban trách nhiệm thực hiện: Phân ban Nhật, do Shuji Doii phụ trách, sẽ lo vận động tài trợ, địa điểm triển lãm, các nhóm chuyên viên hoàn tất theo nhu cầu của cuộc triển lạm...ở bên Nhật. Phân ban Việt Nam do tôi đứng đầu, có nhiệm vụ đề nghị và hướng dẫn đi thực hiện các đề tài cần thiết, hay gom góp các sản phẩm cụ thể mọi ngành nghề văn - mỹ - nghệ cho công ty xuất nhập cảng Dainam của Nhật ( có trụ sở ở Sàigòn) lo đóng thùng gửi về Nhật. Chúng tôi cùng đồng ý cuộc triển lãm này có tên là " Việt Nam - Quê Hương Dấu Yêu, Our Beloved Land - Việt Nam"
Thế là ngay sau Tết Nguyên Đán năm 1967, mỗi khi các chuyên viên Nhật ( từ nhiếp ảnh đến các học giả chuyên trách từng ngành) được gửi sang tiếp tay, phân ban Việt bắt đầu hoạt động ráo riết. Chúng tôi chọn các tác phẩm hội họa của Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Trần Đắc...nhưng hầu hết là của các thành viên hội Họa Sĩ Trẻ như Bé Ký, Hồ Thành Đức Nguyên Khai, Nghiêu Đề...Sang đến thơ thì Trần Tuấn Kiệt, nhạc thì Trịnh Công Sơn. Còn các sản phẩm mỹ nghệ- thủ công nghệ cổ truyền của những lò gốm Bình Dương...
Tuy nhiên, một đề tài quan trọng mà chúng tôi đang băn khoăn là không biết làm sao để có được những tác phẩm (vẽ  và điêu khắc) của thiếu nhi. Thì may sao, nhân đám cưới của anh bạn Vũ Sinh Hiên, chúng tôi gặp được anh Lê Văn Khoa lúc ấy đang làm Trưởng ban Biên Tập nhà xuất bản Thời Triệu ( tọa lạc) tại ngay góc ngã tư Phú Nhuận, của các đường Võ Di Nguy - Võ Tánh và Chi Lăng. Anh Khoa liền vận động gấp để tổ chức hai cuộc thi vẽ và điêu khắc thiếu nhi với hàng trăm em tham dự. Chính (hai ) cuộc thi này đã cung cấp một số tác phẩm nghệ thuật thiếu nhi được dân Nhật cũng như giới chuyên gia văn hóa thế giới đặc biệt coi trọng nhất trong cuộc triển lãm này khi thực sự hiện diện trưng bày ở một cánh trong trụ sở National Museum hình ngôi sao năm cánh ngay trung tâm Tokyo, và tại các trường Trung - Đại Học thuộc thành phố quan trọng nhất nước Nhật này, kéo dài tổng cộng suốt năm 1967.
Vào khoảng tháng 10 năm 1967 ( tôi không còn nhớ rõ nữa), nhật báo Mainichi Shimbun tường thuật cuộc triển lãm này ( lúc ấy đang di chuyển tới thính đường của một trường
học lớn vào hàng nhất Tokyo), trong đó có nêu nhận xét đại loại là: " ...ít thấy một cuộc triển lãm văn hóa của nước nào mà tạo được nét hiện đại gốc đông phương đang hướng làn gió tây phương thổi tới...". Còn tờ Yommouri Shimbun làm một bài tổng kết cuộc triển lãm "Our Beloved Land - Việt Nam" vào đầu năm 1968, có nhắc đến nét đặc biệt đại khái nội dung là "... Riêng phần trưng bày tranh và điêu khắc thiếu nhi khiến cho giới thưởng ngoạn cảm nhận được chất hồn nhiên phong phú của trẻ ( Việt ở miền Nam) mặc dù đang sống trong một xã hội chiến tranh.." ( Trích đoạn từ cuốn truyện dài " Mấy tờ giấy bạc" Sept- 04 - 2008)

[ hình 6 ; chụp lại từ bản sao Brochure "Our Beloved Land - VietNam"
- 3 bức a, b, c: tranh vẽ thiếu nhi Việt Nam được chọn đem đi triển lãm.
- hình chụp một lớp các em thiếu nhi dự thi vẽ và điêu khắc.]

                                                     -   5  -

Có một câu chuyện khá lý thú mà tôi còn nhớ, nhân tiện xin kể ra đây để quí độc giả thưởng thức:
Thời kỳ ấy, anh Nguyễn Tường Quý [6] đang là đại diện sinh viên của phân khoa Kiến Trúc ( bên trường ấy gọi bằng cái tên đặc biệt là Trưởng Tràng Kiến Trúc). Quen biết nhau qua những trại công tác làm chung, hai chúng tôi đã trở thành bạn thường xuyên 'bù khú' với nhau lúc nào không hay. Nhờ vào mối giao tình quen biết từ thế hệ trước của gia đình Nguyễn Tường, nên có một vài lần nào đó Nguyễn Tường Quý đã dẫn tôi đến chơi xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, và hai chúng tôi đều suýt xoa với nhau là cùng thấy 'mê' bức tranh " Vườn Xuân" cao đến độ quá một thước - rộng cả quá hai thước được trịnh trọng treo ngay trên bức pano cạnh bộ sa - lông chỗ chủ nhân tiếp khách.
Tới khi chuẩn bị cho ngành hội họa của cuộc triển lãm này, hai chúng tôi đến gặp những danh họa gạo cội như Tú Duyên, Trần Đắc ...Được chính mắt chứng kiến thấy các chuyên gia Nhật đến lo đóng gói - vận chuyển tranh của họ theo đúng tiêu chuẩn bảo quản, các vị này đều vui lòng cho mượn tranh đem đi triển lãm.
Nhưng riêng trường hợp họa sĩ Nguyễn Gia Trí thì cái bản tính đặc biệt lạ lùng của cụ đã 'vang danh' từ lâu:  Nào là đã thích ai thì người ấy muốn gì cụ cũng vui vẻ  chiều ý, còn ai mà cụ đã không hài lòng vì một điều gì đó thì ..đừng hòng đến thăm xưởng hội họa của cụ, chứ chẳng nói chi đến chuyện được 'đụng' vào tranh của cụ. Nào là cụ cũng đã từng từ chối thẳng thừng khi được Dinh Độc Lập yêu cầu mua một bức tranh quí của cụ!
Cho nên chúng tôi chưa biết phải làm sao để có thể mượn tranh của cụ Trí. Nhưng vốn tuổi trẻ thích nghịch tinh, tôi và anh Nguyễn Tường Quý tự nhiên hợp ý đã nẩy ra ý tưởng táo bạo là 'mượn' trộm bức " Vườn Xuân"  cho cuộc triển lãm này: Cất công theo dõi để đến khi cụ đi đâu đấy vắng nhà, hai chúng tôi lẻn vào và bê đi bức tranh ấy, một cách êm ru!
Đến khi cuộc triển lãm này khai mạc bên Tokyo trải qua suốt cả năm trời, chúng tôi được tin liên tiếp báo cho biết là bức tranh ấy luôn được giới thưởng ngoạn Nhật đặc biệt khen tặng, đến độ rất nhiều khách đòi mua nữa.
Trên một năm sau, khi cuộc triển lãm kết thúc, tất cả những hiện vật lần lượt đều đã thanh toán nếu được đồng ý mua lại hoặc không thì phải  đem trả về chủ một cách hoàn hảo. Chúng tôi lại cũng đợi dịp thuận tiện mới có thể 'khiêng' bức " Vườn Xuân" ấy vào treo lại y nguyên ở chỗ cũ, như xưa!
Và hai chúng tôi đã vô cùng hài lòng - đắc ý với cái trò 'nghịch ngợm' tai quái ấy.
Nhưng rồi sau đó ít lâu, có một hôm tình cờ hai đứa tôi tạt qua chơi, họa sĩ Nguyễn Gia Trí hóm hỉnh tươi cười bảo chúng tôi ngồi uống trà tại bộ sa-lông ngay dưới bức tranh " Vườn Xuân" quí của cụ!
Lúc ấy cả hai chúng tôi đều tự nhiên tỏ ra ké né; còn cụ Trí thì miệng tủm tỉm bưng chén trà lên -  mà mắt cụ cứ lừ lừ ngó chằm chằm vào mặt hai đứa.
Bầu không khí cứ thế mà ngột ngạt mãi... Tới khi không chịu nổi nữa, hai chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng:
- Bác biết rồi phải không?
- Biết gì?
- Biết tụi cháu lấy trộm bức tranh này..
- Rồi sao?
- Triển lãm xong là lén trả lại đây..
- Thế à!
- Tụi cháu xin lỗi bác...
- Có thế chứ!
Họa sĩ nói vậy trong khi bật người ngửa ra thành sa lông rồi phá lên cười, vẻ khoái trá lộ hẳn ra trên mặt cụ. Chứng kiến cảnh ấy, hai đứa chúng tôi lại càng cảm thấy khó chịu hơn nữa:
- Bác tính phạt bọn cháu?
- Sao lại phạt!
- Thế bác muốn bọn cháu chuộc tội cách nào đây?
- Chuộc tội?... Mỗi đứa chúng mày uống thêm một ly cà phê nóng nữa đi.
Anh Quý và tôi đều đang nghẹn ứ vậy mà vẫn phải 'tuân lệnh' uống ly cà phê đó một cách y như là...đang uống ly thuốc độc.
Còn họa sĩ Nguyễn Gia Trí thì miệng cứ tủm tỉm cười nửa mép mà mắt thì soi mói hai đứa chúng tôi đang ngắc ngứ với ly cà phê... Cuối cùng cụ ấy mới chịu mở miệng 'phán' một câu..ngon ơ:
- Tớ khoái cái trò nghịch ngợm của hai cậu đấy.
- Bác bảo sao...
- Hai cậu làm tớ nhớ lại thửa tớ trai trẻ...

                 [ hình số 7, chụp lại từ tập tài liệu Brochure " Our Beloved Land - VietNam:
Bức tranh " Vườn Xuân" của cụ Nguyễn Gia Trí]

Chú thích:
[1] Một câu trong bài thơ "Lệ Trăng". Xin xem trọn bài ở phần Phụ Lục sách này.

[2] Muốn thêm chi tiết, xin xem ở:
- trang 5 - 6 trong cuốn " Hai Mươi năm qua, 1945-1964, Việc Từng Ngày của Đoàn Thêm, Nhà Xuất Bản XUÂN THU tái bản, Little Sàigòn- USA .
- trang 704 - 706, Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, Thư Lâm Ấn Thư Quán - 1960- Sài Gòn, Tủ sách Sử Học của Cơ sở xuất bản Đại Nam tái bản (1984-85) tại Little Sàigòn USA.
- trang 1946 - 1977, đoạn 148 " Cuộc nội trị của vua Bảo Đại và nội các Trần Trọng Kim, cuốn 4, Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thụy, Nam Á xuất bản, Paris-2002.
 
[3] Hai nhân vật này cư ngụ trên San Jose, 30 năm nay tôi chưa có dịp được gặp lại.

[4] Xem chi tiết ở đề mục " Qua mối giao tình thân hữu và đồng sự, tôi thấy ra được những gì từ Đỗ Ngọc Yến" trong tuyển tập " Độc Lập Mỹ, Độc Lập Ta", Việt Hưng xuất bản- 2004.

[5] Theo trí nhớ của cá nhân tôi, anh Tô Lai Chánh làm chủ tịch Sinh viên đoàn Luật Khoa ở niên khóa 1964-65.

[6] chỉ trong có một tháng, tháng 10 / 2019, tôi đã phải vĩnh viễn chia tay với 4 người bạn: hai nhà thơ, Du Tử Lê và Trần Tuấn Kiệt; họa sĩ Nguyễn Văn Trung, người đã cho tôi xử dụng bức tranh "Chim Lạc Việt" để làm bìa sách của bộ "Dấu Vết Văn Hóa Việt Trên Đường Bắc Mỹ " gồm 2 tập - Việt Hưng xuất bản năm 1995; và kiến trúc sư Nguyễn Tường Quý.


                                                                                                  Chương 5

                                       Mấy tờ giấy bạc

Tôi cùng với Bùi Bảo Trúc trong phái đoàn Thanh Niên tham dự hội nghị quốc tế của tổ chức Liên Minh Thế giới Chống Cộng (mà Việt Nam Cộng Hòa là một thành viên) tại Seoul, Nam Hàn, hai tuần lễ.
Một dịp khác có dịp thuận tiện tôi sẽ kể rõ về chuyến đi này. Còn ở đây, ngay lúc này, đề cập tới năm 1967, tôi liên tưởng tới người bạn đã quá vãng họ Bùi này, có lẽ tôi cũng nên kể phớt qua mấy điểm đặc sắc còn sót lại trong ký ức, như một cách gián tiếp tưởng niệm bạn ta :
- Một buổi chúng tôi được hướng dẫn thăm viện Bảo Tàng Lịch Sử, có hai bức hình chụp phụ nữ Hàn quốc, một bức đề trước và một bức ghi rõ là sau thời kỳ bị Nhật Bản đô hộ ( 1910-1945 ). Phụ nữ Hàn quốc trước 1910 ăn mặc đơn giản một cách nền nã hơn nhiều; trong khi đó sau mốc điểm 1945 cho thấy rõ y phục truyền thống này đã trở thành dầy hẳn lên nhiều lớp và trông khá mầu mè - đến độ hơi diêm dúa. Nhân viên hướng dẫn giải thích rằng sự thay đổi khác biệt của y phục phụ nữ nước họ như vậy đã gián tiếp thể hiện được hậu quả tàn nhẫn của ách đô hộ áp đặt vào xã hội và quần chúng nước này.
- Chúng tôi cũng được tới thăm trường đại học dành riêng cho nữ giới, tên gọi là HOA LÊ ( EWHA university - còn tôi thì nhớ là nữ đại học Bút Hoa) , khuôn viên trường gồm những kiến trúc rất cổ kính...Có điều tôi tự phân tích mà thấy rằng cùng trong thời kỳ  này mà so với Việt Nam Cộng Hòa thì  xã hội VNCH, cụ thể nhất là Sài Gòn, xem ra có vẻ phát triển khang trang hơn Seoul của Nam Hàn; nhưng đặc biệt tại VNCH lại chưa hề hiện diện một trường cấp cao đẳng - đại học dành riêng cho nữ giới, tọa lạc một khuôn viên rộng lớn riêng biệt và đặc sắc được như thế.
- Trong một buổi do nhóm nữ sinh viên EWHA phụ trách tiếp tân đã hướng dẫn hai chúng tôi du ngoạn và dự một bữa cơm truyền thống của dân tộc Hàn Quốc ở quán hàng ngoài phố xá . Nhìn thấy huy hiệu đại biểu có in cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH trên ve áo vét, thực khách là dân cư Seoul đã vây quanh chúng tôi, họ nói cười tỏ thái độ rất thân thiết, như mừng rỡ lâu ngày gặp lại người quen biết thân cận vậy.  Các nữ hướng dẫn viên cho chúng tôi thấu hiểu tại sao có hiện tượng này bằng cách họ đã kể lại rằng trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) dân Nam Hàn đã thực sự trực tiếp sống ngột ngạt và khốn khổ dưới ách cộng sản, thời gian mà quân Bắc Hàn được Trung Cộng phối hợp đã chiếm xuống trọn phần đất Nam Hàn, trước khi bị quân Nam Hàn với đồng minh Hoa Kỳ phản công đẩy lui họ lên đến sông Áp Lục ( biên giới thiên nhiên giữa Bắc Hàn với Trung Cộng) .

                                -   1    -

[ Hình chụp: Bức tranh Mẹ-Con của Bé Ký, được chọn in ở bìa của tập tài liệu (Brochure) cho cuộc triển lãm Việt Nam - Quê Hương Dấu Yêu/Our Beloved Land - VietNam (1) ]

Theo như lời gợi ý của Shuji Doii, trên đường từ hội nghị ở Seoul ( Nam Hàn) trở về, tôi ghé Tokyo. Phân ban thực hiện cuộc triển lãm tại Nhật do Shuji Doii dẫn đầu ra đón và hướng dẫn tôi qua hàng rào nhập cảnh. Tới lúc ấy tôi mới biết rằng mình chỉ được quá cảnh tại đây tạm mấy ngày!
Tôi phải ở khách sạn ngay trong khu chu vi phi trường. Và trong hai ngày các thành viên của phân ban này cùng Shuji Doii đến phòng trọ của tôi họp liên miên. Họ đều trao đổi với nhau bằng tiếng Nhật.
Kinh nghiệm họp bàn với họ trước đây ở Sài Gòn, họ cũng nói tiếng Nhật và chỉ tóm tắt một vài câu ngắn gọn để cho chúng tôi biết kết quả mà thôi ; nhưng nếu tinh ý mà chỉ cần liếc qua biên bản của họ là tôi đã có thể đoán ra nội dung đích thực: Bởi vì trong câu cú Nhật ngữ viết xuống thì ý chính đều được viết qua chữ Trung Hoa cả!
Cho nên qua sự tóm tắt của Shuji Doii, và qua một vài lần liếc vào xem biên bản tóm tắt ý chính của buổi họp, tôi biết là họ đang thảo luận gay go về việc làm sao có thể  trực tiếp đến gặp ông bộ trưởng bộ Ngoại Giao Nhật để xin cho tôi được tạm trú dài hạn hơn tại Tokyo.

[ từ trái sang Shuji Doii - Phạm Quốc Bảo - một thành viên của Ủy ban thực hiện cuộc triển lãm Our Beloved Land-VietNam mà tôi không còn nhớ tên. Ba chúng tôi đang đứng trước trụ sở Bộ Ngoại Giao Nhật Bản ở Tokyo.]

Đến sáng ngày thứ ba tôi có mặt tại Tokyo, tôi nhớ như vậy, Shuji Doii cùng một thành viên nữa( tôi không nhớ tên) ra phi trường đón tôi đi monorail ( loại xe lửa tốc hành chạy trên một đường ray được xây dựng riêng một hệ thống duy nhất trên cao, vượt khỏi các hệ thống xa lộ chằng chịt trong thành phố ) vào trung tâm Tokyo, đến thẳng Bộ Ngoại Giao Nhật.
Tại quầy tiếp tân, tôi được yêu cầu xuất trình sổ thông hành. Ba chúng tôi ngồi đợi chưa đầy 5 phút ở bộ sa lông thì cô trưởng phòng tiếp tân ra gặp, trao đổi vài câu với anh Doii rồi bốc phôn nói chuyện. Khoảng 10 phút sau nữa, một tùy phái đến hướng dẫn ba chúng tôi vào gặp trưởng cục nhập cảnh. Doii lại nói, mà tôi chứng kiến thấy có vẻ gay go trong lời lẽ họ trao đổi với nhau...
Cuối cùng, chính vị trưởng cục nhập cảnh trực tiếp dẫn ba chúng tôi đi vòng lên tầng lầu một và mở cánh cửa của căn phòng giữa ra. Một người đã đợi sẵn tại đó, được trưởng cục nhập cảnh trịnh trọng giới thiệu bằng anh ngữ: Đây là ông bộ trưởng bộ Ngoại Giao Nhật. Ông ta cúi gập người về phía ba chúng tôi, trước  khi bước tới gần  bắt tay tôi bằng cả hai tay.
Xong, ông ta trịnh trọng mời vào bộ sa lông đặt phía bên trái phòng. Đợi ba chúng tôi yên vị, ông ta thong thả quay qua bàn cạnh đó, đổ nước sôi vào bốn ly có sẵn túi trà và bưng đến cho từng người. Ly cuối cùng là của ông ấy.
Trước khi ngồi vào chỗ của mình, ông ta mời từng người chúng tôi rồi chính ông hai tay bưng ly trà lên để cùng uống một lúc. Ngụm trà đầu vừa xong, ông mở lời hỏi chuyện. Doii trả lời. Hai người trao đổi toàn bằng tiếng Nhật, mỗi lúc nhịp điệu đối đáp thêm nhanh và lớn dần...
Chợt Doii đứng dậy  gằn giọng nói mấy câu. Ông bộ trưởng cúi đầu suy nghĩ...rồi bấm chuông, ông ta đứng dậy, cúi gập đầu xuống trước ba chúng tôi...
Độ 10 phút sau, viên trưởng cục nhập cảnh bước vào. Ông bộ trưởng nói một câu. Viên cục trưởng giơ tay mời. Ba chúng tôi  bước theo. Ra tới cửa, ông bộ trưởng lại cúi gập người xuống chào trước khi ba chúng bước ra khỏi phòng...

Trên xe tắc xi, Doii và anh bạn phụ tá vung tay múa chân tranh nhau trao đổi lời qua tiếng lại một cách sôi nổi - xem ra hào hứng lắm.
Tại nhà hàng ăn trưa với nhau, Doii trao lại thẻ thông hành thì tôi mới biết là mình vừa được cho phép chính thức tạm trú tại Tokyo đến những ba tháng!
Doii tóm tắt bằng anh ngữ cho tôi hiểu đại khái là ban đầu ông bộ trưởng Ngoại Giao bác bỏ những phân tích của Doii, đến độ cuối cùng Doii phải nói thẳng ra rằng nếu tôi không được ở lại Tokyo để trực tiếp tham gia vào việc quảng bá cho cuộc triển lãm thì cả Ủy ban của anh ấy sẽ cảm thấy nhục vì nước Nhật đã đối xử không công bằng với người đại diện của phân ban Việt Nam, ngược hẳn lại với những gì mà phái đoàn sinh viên quốc gia Nhật đã được hưởng sự đón tiếp chân thành và nồng nhiệt lúc sang thăm Miền Nam Việt Nam trước đây!
Sau bữa ăn trưa vui vẻ đầy hứng khởi, họ dẫn tôi trở lại khách sạn trong phạm vi phi trường để chính thức rời chỗ tạm trú, cho tôi đưa hành lý về một căn phòng nhỏ mà họ đã chuẩn bị trước trong trung tâm thành phố.
Suốt buổi ấy, tôi liên tiếp lặng người đi trước những biến chuyển đại loại vừa kể trên...

                                                            -           2     -
[ Tại căn phòng tôi ở tạm trong một chung cư, trung tâm Tokyo. Từ trái, Phạm Quốc Bảo - một du học sinh Việt ở Nhật phụ trách thông dịch cho tôi.]

Như Shuji Doii dẫn giải cho biết, xã hội Nhật lúc bấy giờ trong giao tiếp còn ít dân Nhật có thể nói thông thạo anh ngữ nên họ đã nhờ hẳn hai du học sinh Việt đang theo học tại các trường thuộc chu vi Tokyo thay phiên nhau đến sinh hoạt tại căn phòng tôi tạm trú thời gian ở đây. Anh du học sinh Việt hiện diện trong tấm hình này, tôi thành thật xin lỗi vì đã quên hẳn tên. Còn người kia thì  đến tận giờ tôi vẫn nhớ rõ, bởi vì:
- Người này  đã nhờ tôi khi về lại Sài Gòn thì tìm đến nhà [ ở trên đường Ngô Tùng Châu, Gia Định ( năm 2004 tôi có dịp về thăm lại Sài Gòn mới biết rằng đường này đã đổi tên thành Nguyễn Văn Đậu)] để tận tay giao quà cho gia đình anh ấy.
- Rồi cách đây trên dưới hai mươi năm vừa qua, tình cờ được gặp lại người này bên Mỹ, tôi vồn vã hỏi thăm nhưng rồi nhận thấy dường như người ấy có vẻ lơ là tránh né vì lý do nào đó mà gượng gạo, không mấy hào hứng với chuyện xưa, tôi đâm ngại. Dù sau đó vẫn thi thoảng gặp lại nhau nhưng xem ra tôi và người này vẫn không đủ 'duyên' để nối kết riềng mối thân mật. Đến bây giờ, viết tới đây mà chưa có dịp trực tiếp xin phép, tôi không tiện đường đột nêu đích tên người này. Xin quí vị thứ lỗi cho sự thể không được thổ lộ đúng như ý.

 Diễn tiến sự việc xin được chính thức tạm trú ở Tokyo như kể trên đã có những biến chuyển quá nhiều bất ngờ, ngoài hiểu biết, khiến tôi băn khoăn mãi. Nên khi giao tiếp khá gần gũi rồi, tôi ngỏ lời thắc mắc hỏi han xa gần và được anh bạn du học sinh người Việt nhận làm thông dịch cho tôi kia đã cung cấp một số những thông tin hữu ích khiến cho chính tôi được dịp mở mang kiến thức về đại thể cái chính sách của dân Nhật hồi bấy giờ:
- Họ hiện vẫn đang song song áp dụng sinh hoạt bình thường hóa ngoại giao một lúc với cả Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam.
- Trên phương diện giao thương thì tôi chỉ được biết sơ sài rằng họ đang xuất cảng hàng hóa sang Miền Bắc Việt Nam nhiều hơn. Nhưng với Miền Nam Việt Nam thì tôi còn nhớ là thời ấy việc nhập cảng xe gắn máy của Đức những hiệu như Goebel, Sachs, Puch... đã phải nhượng lại đặc quyền nhập cảng ồ ạt hàng loạt những hiệu như Honda, Suzuki, Kawasaki, Yamaha, Bridgestone... tân tiến nhất thời bấy giờ do Nhật chế tạo. Đồng thời Nhật Bản cũng gia tăng nhập với số lượng lớn hằng năm chuối được khai thác trồng bạt ngàn sơn dã ở Long Khánh và cát ở Cam Ranh để đặc biệt tinh chế loại kính có chất lượng hảo hạng...
- Chi tiết hơn nữa, chính phủ Nhật Bản đang rất là thực tiễn trong thái độ đối xử làm sao cho đạt được lợi ích thực tế một cách tốt đa: Chẳng hạn như hiện bộ Ngoại Giao  ra mặt ủng hộ Miền Bắc Việt Nam. Còn bộ Giáo Dục nước này lại đang ngả theo chiều gần gũi với Miền Nam Việt Nam.
Dữ kiện thứ ba này chính Shuji Doii cũng xác nhận là đúng như thế, khiến tôi bắt đầu hiểu sâu vào nguyên nhân tại sao mà tôi lại khó được chứng nhận cho tạm trú như vừa xẩy ra. Vì thế nên cuối cùng thì Shuji Doii bắt buộc đã phải nêu lên sự kiện cụ thể nhằm tác động tâm lý thẳng vào thể diện truyền thống của dân Nhật thì ông bộ trưởng mới bất đắc dĩ phải nhượng bộ mà 'gượng gạo' cho tôi được lưu lại tạm trú ở đây ba tháng để hữu hiệu đáp ứng với sự hiện diện cần thiết của tôi trong diễn trình tiến hành cuộc triển lãm " Việt Nam - Quê Hương Dấu Yêu" đang chuyển từ một cánh của viện Bảo Tàng Quốc Gia Nhật ( Japanese National Museum of Tokyo) sang đến các khuôn viên đại - trung học quanh Tokyo.

Những dữ kiện mới mẻ đại loại như vừa nêu ở trên đã liên tiếp khiến tôi choáng váng, rồi dần dà tác động vào tâm tư trong thời gian mấy tuần lễ lưu lại Tokyo. Tôi bắt đầu suy tư để tự nhận định và điều chỉnh nhận thức của mình cho sát với thực tế:
- Soi rọi vào những sự kiện lịch sử của trên một thế kỷ nay, tôi thấy rằng nửa trước của thế kỷ thứ 19, nước Nhật vẫn còn dùng dằng trong thể chế nửa quân chủ nửa phong kiến. Nửa sau thế kỷ ấy, nhờ vào yếu tố đã được tác động bởi sự kiện đô đốc Perry của hải quân Mỹ đến nước này yêu cầu giao thương, mà giới trí thức Nhật đã thành công trong việc tích cực thuyết phục được giới tướng quân và hoàng gia Nhật đồng lòng cởi mở để thật sự canh tân đất nước. Nhưng đến khi Thế Chiến Thứ Hai nổ ra, một nước Nhật tự mãn đã một lần nữa bị sỉ nhục bằng sự kiện thất trận. Tuy nhiên, cũng nhờ lần nhục nhã mới này mà dân Nhật nhận rõ được chân lý mà nỗ lực điều chỉnh viễn kiến để thi hành công cuộc phát triển xã hội  sao cho hòa nhập một cách hữu hiệu vào bước tiến bộ chung của nhân loại: Thể chế dân chủ - tự do trên căn bản tự chủ được thực hành lan dần trên khắp mặt địa cầu, bước đầu áp dụng sang Á Châu qua xứ Nhật Bản này.
- Trong khi ấy, cùng giai đoạn lịch sử ấy, nhưng giới trí thức Việt Nam đã không đủ 'nội lực' sáng suốt và đồng nhất để hướng dẫn dân tộc thoát khỏi nếp ù lỳ trì trệ, đầu óc thiển cận - bảo thủ - quá khích, mà lâm vào tình trạng chia cắt, huynh đệ tương tàn, mất tự chủ, luôn bị lệ thuộc vào tư tưởng - thế lực ngoại bang. Dân tộc cứ thế mà nhấn sâu mãi vào vòng nô lệ , bắt đầu từ hiện tượng giới cầm quyền cai trị mà thực chất chỉ đối xử dân chúng như nô lệ, khiến cho dân tộc không có cơ hội để tích cực vạch ra viễn kiến đúng đắn, nỗ lực cải tổ xã hội, thực thi đủ những yếu tố căn bản của dân sinh - dân chủ - dân quyền, và để bắt kịp bước tiến chung của nhân loại.
 
                                                        -     3   -

Mấy tuần lễ lưu lại Tokyo, tôi ngày nào cũng được các thành viên của Ủy ban thực hiện cuộc triển lãm/ phân ban sinh viên Nhật hướng dẫn đi chỗ này chỗ nọ, theo sự sắp xếp trước của họ; mà theo tôi còn nhớ thì đa số đều do chính Shuji Doii tới đi với tôi.
Không tiện gạn hỏi nhưng dựa vào thời kỳ cả trên một năm nay liên lạc - làm việc chung với nhau, tôi tự cảm nhận trong lòng: Doii là cá nhân đặc biệt quyến luyến tôi trong tâm tình cảm thông nẩy nở mỗi lúc một thân mật giữa hai chúng tôi.
Tóm lại, ăn ở mấy tuần lễ, thăm thú nhiều nơi, tuy nhiên chỉ có mấy kỷ niệm còn sót lại trong ký ức tôi, như:
- Đầu tiên phải đề cập đến là thực phẩm ăn uống của dân Nhật: Hầu hết các món ăn đều được chuẩn bị chế biến khá cầu kỳ và đặc biệt là được trưng bầy rất mỹ thuật, bắt mắt... Riêng cá nhân tôi vốn có hai người bạn thích ăn món Nhật; Lê Thiệp ở Washington DC và Trần Công Sung ở Paris ( Pháp). Gần nửa thế kỷ nay, mỗi khi gặp mặt 'bù khú' với nhau thì y như rằng họ mời tôi đi ăn uống đồ Nhật. Nghe tôi thân tình bầy tỏ cảm nhận của mình, là uống sakê "nhân nhẩn như nước luộc ốc"(!) và ăn món cá sống " Sushi đã không còn một mùi vị gì mà lại chấm vào nước tương Nhật nhạt phèo", thì cả hai đều bảo tôi là một tên "nhà quê", chỉ giỏi dè bỉu mà không biết thưởng thức món ngon của thế giới!
- Một buổi uống trà truyền thống của Nhật tôi được hân hạnh mời tham dự, mọi động tác đều chậm rải - chuẩn xác một cách gượng nhẹ - nhưng lại rườm rà bao gồm những cử chỉ thừa thãi mà người ta cho là 'rất nghệ thuật'. Đặc biệt buổi uống trà ấy diễn ra kéo dài đến cả trên một tiếng đồng hồ, mọi người tham gia với phong thái nghiêm túc trong một bầu không gian thoáng đãng , yên lặng nhưng tôi lại cảm thấy ngột ngạt, vắng hẳn đi cái chất tự nhiên thanh thoát mà theo tôi là cần thiết.
- Một mảnh vườn Nhật tí hon truyền thống, chỉ toàn là những cây trồng bonsai uốn éo theo đủ mọi hướng và được trưng bày cạnh những cục đá trắng và đen xen kẽ nhau cũng được sắp xếp rất ư là mỹ thuật, ở giữa một lối đi nhỏ vòng vèo trải toàn bằng sỏi trắng ... Tôi cảm nhận được kỹ thuật công phu trồng cây kiểng độc đáo có một không hai của dân Nhật đối với thế giới. Nhưng với cái nếp sẵn quen sống bình dị , tôi đã  mạo muội thổ lộ với Shuji Doii rằng ở đây rất thiếu một băng ghế đá nhỏ để người thưởng ngoạn có thể tùy tiện đứng ngồi trong mục đích ngắm nghía mảnh vườn này bao lâu cũng được. Doii gật gù tủm tỉm cười mà không đáp lại...
- Một hôm, cậu em ruột của Shuji Doii ( mà tôi xin lỗi là không còn nhớ tên nữa) dẫn tôi đến thăm một chi nhánh tiêu biểu của  thư viện Nhật, gần hoàng thành và thuộc trung tâm Tokyo... Trên đường băng qua một công viên, tôi thấy một người đàn ông Nhật vừa đi vừa mải đọc báo nên ông ta bước lên thảm cỏ sát lối đi mà không có hàng rào ngăn cách.. Tới lúc chợt nhận ra là mình đang bước trên thảm cỏ, người đàn ông vội vàng quay trở ra lối đi, đến một cột dựng gần đấy nhất, tự động móc túi lấy tiền ra và bỏ vào hộp đựng được đóng sẵn trên cột ấy, như một cách 'tự phạt mình' cái lỗi là mình đã vô tình đi trên thảm cỏ của công viên!

[ hình: từ trái, em ruột của Shuji Doii - Phạm Quốc Bảo, đang đi qua một công viên ở trung tâm Tokyo]

                                                                        -      4  -

Trường đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản.
[ Nguồn ảnh: https://www.waseda.jp/top/en/about/work]


Lúc tôi có mặt tại Tokyo thì cuộc triển lãm " Việt Nam, Quê Hương Dấu Yêu - Our Beloved Land, Vietnam" sau gần nửa năm hiện diện tại một cánh trong tổng số năm cánh ngôi sao tòa nhà của viện Bảo Tàng quốc gia Nhật Bản tại Tokyo, nay đã được di rời để tiếp tục trưng bày ở một số khuôn viên các trường đại học và trung học tiêu biểu ( được chấp thuận và chuẩn bị trước) quanh nội ô của thành phố này: Có tuần trưng bày liên tục ở hai trường, mỗi nơi vài ngày. Có tuần phân làm hai ba để triển lãm cùng lúc hai ba khuôn viên trường khác nhau nhưng tọa lạc chung một khu.
Mấy tuần lễ ngụ tạm ở đây, tôi đã được tháp tùng theo các thành viên của phân ban Nhật đến quan sát và chứng kiến những lần trưng bày ở các nơi khác nhau ấy.
Riêng tại khuôn viên đại học Waseda, cuộc triển lãm này đã kéo dài độ ba ngày cuối của một tuần nào đó mà tôi không còn nhớ rõ đích xác nữa. Thời gian và địa điểm trưng bày kỳ này xem ra được đặc biệt chú trọng, theo tôi chứng kiến và tự hiểu: Shuji Doii vốn vừa tốt nghiệp cao học ngành mỹ thuật tại đây và chính Doii cùng vài thành viên khác đã trịnh trọng đưa tôi tới tham dự; và rõ rệt nhất là ở nét mặt ưu tư - lẫn cử chỉ lộ vẻ bồn chồn đến độ không kiềm chế được của Doii, khiến tôi chưa hiểu gì đã tự cảm thấy hồi hộp trong lòng.
Đến nơi, phái đoàn chúng tôi duyệt một vòng quanh cái đại sảnh trưng bày hầu hết nội dung, từ những mục giới thiệu thi ca - nhạc, nhiếp ảnh, tranh - tượng thiếu nhi và đủ các tranh của nhóm họa sĩ trẻ Việt.., đặc biệt là bức họa Vườn Xuân của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được treo ở bức tường giả dựng lên (paneau) giữa sảnh day mặt vào phòng trong, nơi trưng bày những loại đồ gốm - mỹ nghệ việt nam.
Sau đó, chúng tôi bước tới một giảng đường. Cánh cửa mở ra, Shuji Doii và tôi song song bước vào trước. Giảng đường đang ồn ào, bỗng im bặt. Trên bục có tiếng Nhật ngữ lốp bốp vang lên mồn một...Phái đoàn chúng tôi bước trên lối đi dẫn đến bục, hai bên là những hàng băng ghế dài uốn lượn từng bậc từng bậc bao quanh lấy bục cao ở giữa.
Hội trường đầy nghẹt người, trong im ắng...Họ đều đang hướng tầm mắt theo phái đoàn chúng tôi...Nắm cánh tay tôi, Shuji Doii bước lên bục. Còn mấy thành viên khác tản ra đứng quanh bục..
Khi người đứng sẵn trên bục rứt lời, Doii vừa nói lớn vừa vỗ vỗ vai tôi. Thì một vài tiếng vang lên rải rác..., rồi càng lúc càng nhiều tiếng hô lên xen kẽ nhau..Chỉ trong chốc lát, hội trường vang rền toàn những tiếng động: Có những người hô hoán. Có những người quay mặt vào nhau tranh cãi. Nhiều người khác vung chân múa tay..Ồn ào. Hỗn độn..
Shuji Doii nét mặt đã lộ vẻ bối rối, khiến tôi bấn loạn mà không biết phải phản ứng thế nào...
Bất ngờ mấy tờ giấy từ dưới ném lên bục..rồi ồ ạt nhiều tờ giấy nữa tung tóe ném lên quanh chỗ Shuji Doii và tôi đang đứng.Trong lòng đã hoảng loạn, mắt tôi nhìn xuống ..và nhận ra đấy là những tờ giấy bạc..Những tờ giấy bạc của miền Bắc Việt Nam!...
Tôi bất giác cúi xuống nhặt lên mấy tờ bạc giấy ấy .. đủ mọi mệnh giá.. và tờ bạc nào cũng toàn in hình ông Hồ! ...Một ý chợt hiện ra trong trí, và tôi liền giơ cao lên những tờ giấy bạc ấy, trong khi tay kia chuyển mấy tờ bạc nữa sang cho Shuji Doi. Anh ta cầm lấy một cách vô thức. Còn tôi thì tự nhiên bình tâm trở lại, từ tốn móc ví trong túi quần ra và giơ cao lên...
Cả hội trường bớt dần tiếng ồn..rồi im bặt... Họ ngó lên hai đứa chúng tôi chờ đợi.
Tôi trao mấy tờ giấy bạc của Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam vừa lấy ra và  đưa sang cho Doii, bảo anh ta giơ từng tờ bạc ấy , lên cao, phất phất . Tôi nói lớn bằng anh ngữ. Doii ngỡ ngàng lắng nghe rồi nét mặt anh ta biến đổi dần. Anh ta lắp bắp thông dịch ra tiếng Nhật, cũng lớn tiếng:
- Đây là tờ một trăm đồng Việt Nam, in hình ông Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Sài Gòn - Gia Định miền Nam Việt Nam thời vua Gia Long, cuối thế kỷ 19.
- Đây, tờ hai trăm đồng Việt Nam, in hình vua Quang Trung, đại thắng quân Thanh của Trung Hoa vào cuối thế kỷ 18.
- Còn đây, tờ bạc mệnh giá năm trăm đồng Việt Nam, in hình đức Trần Hưng Đạo, tức Hưng Đạo Đại Vương, triều đại nhà Trần, hai lần đại thắng quân Nguyên của Trung Hoa vào cuối thế kỷ 13
- Tất cả ba tờ giấy bạc này do Việt Nam Cộng Hòa phát hành, hiện đang lưu hành tại Miền Nam Việt Nam...
Rồi tôi lại giơ một nắm giấy bạc do cử tọa vừa ném lên bục, gằn giọng nói lớn:
- Những tờ giấy bạc này gồm đủ mọi mệnh giá, và tất cả chỉ có in hình của ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo hiện nay tại miền Bắc Việt Nam...
Shuji Doii thông dịch vừa rứt. Cả hội trường im lặng như tờ...
Rồi cùng lúc những tiếng ồ nổi lên, lan nhanh ra khắp hội trường, mỗi lúc một vang ầm ầm...
Mấy người ở gần nhất phát nhẩy dựng lên bục, ôm lấy tôi...Nhiều người nữa cũng bắt đầu nhẩy lên theo. Họ vây quanh tôi và Shuji Doii.
Họ bế hai chúng tôi lên. 
Họ công kênh hai chúng tôi đi vòng vòng quanh bục.
Cả hội trường ồn ào như chợ vỡ...

                                                        -      5  -

                  "...đường tôi về sáng nỗi chơi vơi" (2)

Rồi cứ thế, bẵng đi mười lăm năm sau. Biết bao những biến thiên - đổi rời chẳng có thể  tưởng tượng nổi, đến độ có tới ít nhất là ba lần cá nhân tôi đã phải sống trong cảnh chênh vênh giữa lằn ranh sống chết...

Đến giữa năm 1982, tôi đang cư ngụ ở một căn phòng gác nhỏ thuê tại một khu nghèo nàn giữa trung tâm thành phố Long Beach, Nam Cali. Sức khỏe tôi thì đang trong thời kỳ một năm rưỡi được trung bình hai tuần chạy điện một lần, và mỗi ngày tập thể dục tối thiểu nửa tiếng đồng hồ mới bớt đau nhức cùng người...Nhưng tôi đã bắt đầu làm việc bán thời gian cho tờ tuần báo Người Việt và cũng dự tính ghi danh học lại ở  California State University of Long Beach (CSU/Long Beach).

[Hình chụp:Biên lai chứng nhận ghi danh thi trắc nghiệm khả năng anh ngữ.]

Khu tôi cư ngụ thường xẩy ra những bất ngờ...,lạ mà cuối cùng kết cục thì cũng chẳng có gì là quá đáng đối với tâm trạng lẫn suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ.
* Chẳng hạn tháng nào cũng ít nhất hai buổi tối, tối đầu tháng và tối giữa tháng, vừa lãnh phần trợ cấp ra là dân cư quanh vùng nhộn nhịp hẳn: Các hẻm người ta uống rượu - ca hát ( phải nói là rống lên mới đúng) ồn ào với tiếng nhạc từ radio bật lên hết cỡ. Còn xe cảnh sát tuần tra liên tục. Thế mà tôi lúc nào cũng như lúc nào, đi làm hay đi học đến khuya mới về, thường là cứ tỉnh bơ đánh một giấc thẳng đến sáng.
* Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng xẩy ra một vài chuyện khá gay cấn. Đôi lần nào đó đêm khuya về, không có garage để xe riêng, tôi đậu đại ở lề đường chỗ nào còn trống. Tắt máy và đèn, mở cửa xe bước ra, tôi chợt giật nẩy mình: Khuôn mặt đen xuất hiện tự lúc nào không biết mà đã thù lù ở trước mặt, tôi chỉ nhận ra là nhờ đôi mắt tho lõ đang chớp chớp ở trước đầu xe của tôi. Đang định thần nhìn kỹ, tôi lại nghe tiếng phát âm ồ ề:
- Cho xin điếu thuốc lá!
Tôi cố làm ra vẻ từ tốn, cho tay vào túi quần móc bao thuốc lá ra và rút một điếu..
- Điếu nữa!
Đang ngần ngừ, nhưng mắt vẫn nhìn thẳng vào hai con mắt chò hõ chớp chớp kia...
- Mày biết kongfu?
Nghe nói vậy, tôi bất giác đứng trân, cả người tự nhiên run lên...nhưng bắt buộc vẫn ngó chừng...Rồi tôi lại nghe giọng cười hặc hặc như bị thọc tiết...Và thân hình dềnh dàng đen đủi ấy từ từ bỏ đi, mất hút vào màn sương đêm...
* Cuối cùng , trên hai năm ở đấy, tôi cũng đã bị mất cắp chiếc xe Pinto cũ rích đời 73. Mấy tháng sau được báo là họ đã tìm ra xe của tôi, vào một nghĩa địa xe gần đấy mà nhận dạng. Đến nơi, được hướng dẫn ra bãi:  Xe thì khung sườn - bánh còn nguyên, nhưng bên trong đã bị lấy mất khá nhiều phụ tùng. Muốn lấy xe thì phải đóng tiền mướn chỗ chứa xe, mỗi ngày 5 Mỹ kim, mà họ cho biết chiếc xe ấy đã được kéo vào đây một tuần rồi. Còn trường hợp nếu muốn bán lại cho nghĩa địa, thì nhẹ nhàng nhất là lấy về được một trăm đồng bỏ 'túi khỉ'. Tham khảo với người bạn sang trước đã cư ngụ ở đây mấy năm rồi, bây giờ lái xe đưa tôi đến đây: Lấy xe ra thì đem tới tiệm sửa xe nào để tu bổ thì mới có thể xử dụng lại..Nói chung lại phải tốn nhiều nữa mà chưa chắc có xe an toàn đi như cũ ... Cuối cùng tôi  đành trao giấy chủ quyền để ký tên đồng ý bán cho "tiện việc sổ sách".

Tạm kể sơ sài lại bằng mấy sự kiện còn nhớ được như trên. Có vài người bạn mới đây đọc được đoạn này, họ thắc mắc rằng đã khá chuyện xẩy ra đến như thế mà bảo là vẫn an nhiên được thì chẳng thể tin nổi. Xin thưa, đúng. Đúng so với điều kiện sống vào thời bây giờ, nghĩa là sau thời gian tôi đã sống ở đây một cách quá an bình suốt 40 năm rồi. Còn thời buổi ấy, được sống trong hoàn cảnh đại loại như vậy, đối với cá nhân tôi lúc ấy, đã là thoải mái rồi, vì giản dị rằng vừa sống sót rời khỏi được nơi mà tôi đã chỉ biết lặn ngụp liên tục trên năm năm trời trong một tình thế bao giờ cũng mấp mé giữa lằn ranh sống chết tại Việt Nam...

Thế rồi vào giữa một đêm khuya, đột nhiên Shuji Doii từ Tokyo gọi điện thoại sang nói chuyện với tôi!
Tiếng anh ngữ nói lắp bắp xen lẫn với nhiều Nhật ngữ của Doii. Tôi vừa cố lắng nghe để đoán hiểu đại ý anh ta muốn nói gì, trong lòng vừa tự nhủ rằng có lẽ đã lâu rồi anh ta mới có dịp nói anh ngữ, mà lại nói trong một tâm trạng vô cùng mừng rỡ nữa.
Shuji Doii bảo rằng vừa được người bạn cũ của tôi (3) tị nạn ở Nhật cho được số điện thoại của tôi, anh ta liền gọi ngay đây. May sao bắt liên lạc được, thật là bất ngờ quá mức!
Anh ta tuôn một tràng tâm sự vốn ấm ức lâu nay:
- Ngay khi nghe tin Miền Nam Việt Nam mất, Shuji Doii đã gọi phôn yêu cầu viên văn phòng trưởng ở Sài Gòn của công ty Đại Nam tìm tung tích của tôi, nhưng hoài công. Một năm sau, văn phòng ấy mới cho biết là nghe nói tôi đã đi tù ở đâu đó rồi...
- Tâm tư dằn vặt vì tưởng rằng chẳng bao giờ còn được gặp lại tôi nữa, anh ta đã tự quyết định là ra khu thương mại Suginami ở trung tâm Tokyo mở một cửa hiệu chỉ bán một thứ hoa hồng trắng - vàng - đỏ, với cái tên tiệm là " Roses for Việt Nam".Đó là công việc tự an ủi cho anh ta...
- Thế mà ai ngờ đâu, bẵng đi đến trên hai thập niên bặt tin tức của tôi thì trong một bữa tiệc của hội cựu sinh viên Việt du học Nhật, anh ta bất ngờ được gặp một người bạn cũ của tôi tị nạn bên ấy và thường liên lạc qua điện thoại với tôi bên này...
Shuji Doii bảo, đây là cái duyên hãn hữu đủ để cho anh ta giải tỏa được tâm tư bấn bíu lâu nay. Từ giờ phút này anh ta đang cảm thấy hết sức thỏa mãn và thanh thản...

Chú thích:
(1) Họa sĩ Bé Ký nổi danh ở kỹ thuật vẽ độc đáo" Ký Tốc Họa". Trong cuộc triển lãm này, so với tất cả các họa sĩ Việt khác, Bé Ký đã được chọn mua nhiều tác phẩm nhất.
(2) Xin đọc cả bài thơ " Đường về" này trong phần Phụ Lục.
(3) Tên của người bạn này ba chục năm nay không còn liên lạc được, tôi đã quên mất rồi. Hiện giờ tự nhiên tôi chỉ nhớ được có mỗi một mình Lê Thiệp. Khi vươt biển thành công, Thiệp đã có thời gian sống bên Nhật Bản. Lê Thiệp mới mất chín năm nay...
20 Tháng Giêng 2023(Xem: 1552)
10 Tháng Giêng 2023(Xem: 1474)