Linda Lê, nhà văn Pháp gốc Việt từ trần ở tuổi 58

10 Tháng Năm 20228:32 SA(Xem: 2604)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA - THỨ BA 10 MAY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Linda Lê, nhà văn Pháp gốc Việt từ trần ở tuổi 58


10/05/2022


image021Nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê tại phòng thu của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI (tháng 01/2020). © RFI/Fanny Renard


Tuấn Thảo


Sinh thời, Linda Lê nổi tiếng là một nhà văn cầu toàn. Tuy cho ra mắt quyển tiểu thuyết đầu tay vào năm 23 tuổi, nhưng có lẽ vì cảm thấy văn phong chưa đạt cho nên nhà văn không nhận đó là tác phẩm của mình. Tính từ năm 1986 đến nay, ngòi bút này đã sáng tác hơn 25 tác phẩm. Theo nhà xuất bản Stock, tác giả Linda Lê vừa qua đời hôm 09/05/2022 vì bạo bệnh, ở tuổi 58.


Quảng cáo


Sự kiện tác giả Linda Lê đột ngột qua đời gây khá nhiêu bất ngờ vì cách đây 3 tháng, nhà văn từng cho ra mắt độc giả tác phẩm mới của mình mang tựa đề ''De personne je ne fus le contemporain'' (tạm dịch ''Tôi không sống cùng thời với bất kỳ ai''). Theo đài truyền hình France24, thật ra Linda Lê đã lâm bệnh nặng từ một năm nay. Nhưng có lẽ do tác giả không thích gây ồn ào, tránh thu hút sự tò mò, cho nên Linda Lê đã không nói gì về bệnh tình của mình.


Tác phẩm tạo dấu ấn sâu đậm như tranh khắc acid


Theo phụ trang văn học BibliObs của tạp chí L'Obs, tác giả Linda Lê khá kín đáo trên văn đàn, nhưng những tác phẩm của cô đầy bóng ma ám ảnh tựa như những bức tranh khắc bằng acid, để lại nhiều vết in hằn sâu đậm. Giờ đây, Linda Lê đã tìm lại thế giới của bóng tối từng đeo bám tác phẩm của mình. Sinh tại Đà Lạt năm 1963, Linda Lê theo mẹ và 3 chị em gái sang Pháp từ năm 14 tuổi. Thân phụ của cô ở lại Việt Nam, nhưng ông sau đó lại qua đời trước khi có dịp gặp lại vợ con.


Định cư tại thành phố Le Havre miền Bắc nước Pháp vào năm 1977, Linda Lê từ thời còn trẻ đã ghiền đọc sách và say mê văn chương. Đến thủ đô Paris, cô vào trường trung học nổi tiếng Henri IV, sau bằng tú tài, cô học qua hai lớp cao đẳng chuyên khoa văn học (hypokâgne và kâgne) trước khi tốt nghiệp đại học Sorbonne. Tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Linda Lê ''Un si tendre vampire'' (tạm dịch Tình ca Ác quỷ) được xuất bản vào năm 1986, kế theo sau là hai bộ truyện ''Fuir'' (1987) và ''Solo'' (1988).


Thế nhưng, có lẽ do các tác phẩm này vẫn còn ở trong giai đoạn trau dồi tay nghề, chưa đến độ chín muồi, cho nên cả ba quyển sách ''đầu đời'' sau đó lại bị chính tác giả gạch bỏ xóa tên trên danh sách các tác phẩm chính thức của mình. Theo Linda Lê, sự nghiệp văn chương của cô chỉ thật sự bắt đầu vào năm 1992 với tập truyện ngắn ''Les Évangiles du crime'' (Phúc âm của tội ác), từng đoạt giải Prix de la Renaissance vào năm 1993.


Hơn 25 tác phẩm trong 3 thập niên sáng tác


Tuy bị Linda Lê chê là còn non tay nghề, nhưng các tác phẩm đầu tay vẫn hội tụ những điểm sáng về cả ý tưởng lẫn ngôn từ. Có thể lúc đầu Linda Lê khi viết văn muốn khoe các ngón sở trường cũng như muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình. Nhưng rõ ràng là trong thời gian đầu, tác giả Linda Lê mang nhiều ảnh hưởng lớn từ nhà văn Áo Thomas Bernhard. Cách viết của Linda Lê thường dùng nhiều độc thoại, từ câu văn làm nảy sinh một giọng điệu đầy cảm xúc căm giận, cuồng nộ nhưng vẫn kìm nén, kiểm soát được nhờ lý trí. Văn phong trau chuốt, từ ngữ chọn lọc sao cho câu chữ ngắn gọn không rườm rà. Những tác phẩm như ''Calomnies'' (Vu khống - 1993) hay ''Les dits d’un idiot'' (Lời kẻ ngốc - 1995) tiêu biểu cho giai đoạn này.


Cũng theo phụ trang văn học BiblioObs, những cảm giác thiếu thốn trống vắng, những nỗi dằn vặt day dứt dần dần khiến cho giọng văn trong các tác phẩm về sau trở nên u uất, như thể những điều thầm kín nhất chôn giấu trong nội tâm, ngày càng hiện rõ hẳn qua dòng chữ. Về điểm này, giới phê bình đánh giá cao tác phẩm ''À l'enfant que je n'aurai pas'' (Viết cho đứa con không được sinh ra), từng nhận được giải thưởng Renaudot dành cho hạng mục sách bỏ túi vảo năm 2011.


Tính đến nay, Linda Lê đã sáng tác 27 cuốn sách, ngoài Renaudot Poche còn giành thêm một số giải thưởng khác như Vocation, Renaissance, Fénéon, Wepler …. Riêng tiểu thuyết ''Lame de Fond'' (Sóng ngầm) lọt vào vòng chung kết của giải Goncourt năm 2012, giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp. Tiểu thuyết này từng được dịch và được nhà xuất bản Nhã Nam phát hành tại Việt Nam. Nhiều tiểu thuyết nổi tiếng khác của Linda Lê cũng được xuất bản ở Việt Nam như ''Tiếng nói'' (Voix), ''Thư chết'' (Lettre Morte), ''Lại chơi với lửa'' (Autres jeux avec le feu), ''Vu khống'' (Calomnies) và nhất là ''Vượt sóng'' (Oeuvres vives), qua đó văn chương tựa như một ''chiếc phao trong cuộc sống, điểm tựa của những kẻ bị hủy hoại lưu đày, chốn bình yên của những tâm hồn nổi loạn".


''Cái chết là kiệt tác duy nhất mà tôi có thể thực hiện"


Trong các tác phẩm kể cả truyện ngắn, tiểu thuyết hay tiểu luận, Linda Lê thường hay nói về những nỗi ám ảnh chưa được hoá giải trong cuộc sống riêng tư. Trong tác phẩm ''Voix'', bà kể lại căn bệnh trầm cảm, chứng suy nhược tinh thần buộc nhà văn phải nhập viện một thời gian ngắn. Như một người bị mất phương hướng, không đất lành để đậu, không chốn yên bình để cắm rễ, nhà văn ở bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu cũng cảm thấy lưu vong lạc lõng, dù ghét nhưng buộc phải sống trong một xã hội đầy bạo lực. Nơi văn chương, Linda Lê tìm thấy một thoáng thanh bình trong con tim, tâm hồn kiếm hoài nơi nương tựa, trong sách vở tìm thấy được chỗ dựa.


Giới phê bình thường khen ngợi các tác phẩm của Linda Lê có tính sáng tạo cao về ngôn từ. Tính sáng tạo ấy từng thu hút sự chú ý của ca sĩ kiêm tác giả Jacques Dutronc. Được mời hợp tác trên album ''Brèves Rencontres'' phát hành vào năm 1995, Linda Lê đã viết lời cho ba ca khúc của Jacques Dutronc. Đó là các nhạc phẩm ''L'Âme Sœur'', ''Rappelez-moi de vous oublier'' ''Entrez M'sieur dans l'Humanité''. Bên cạnh công việc sáng tác, cô còn làm việc cho một nhà xuất bản lớn ở Pháp. Từ thuở thiếu thời, Linda Lê đã ghiền đọc sách và từ đó đã viết nhiều lời tựa cũng như một số tác phẩm đề cao những tác giả quan trọng đối với cô.


Trong tác phẩm ''Les Chercheurs d'ombre'' (tạm dịch Những kẻ truy tìm bóng tối), cô bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nhiều nhà văn, trong đó có Bảo Ninh, tác giả của ''Nỗi buồn chiến tranh'', nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia người Ý Cristina Campo hay nhà văn kiêm phê bình văn học Ba Lan Bruno Schulz. Cách đây ba năm, Linda Lê đã được trao giải Hoàng tử Pierre de Monaco cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình. Tuy trong đời đã nhận khá nhiều giải thưởng văn học, nhưng dường như nhà văn chưa một lần cảm thấy tự mãn. Ra đi rất sớm chỉ ở tuổi 58, Linda Lê hẳn chắc còn nhiều điều để sáng tác, nhiều tác phẩm gửi gắm cho đời, mặc dù cô đã từng viết lúc sinh thời : "Tôi nhận thấy cái chết của tôi là kiệt tác duy nhất mà tôi có thể thực hiện".


+++++++++++++++++++++++++++++++


Linda Lê: "Văn chương là quê hương, vì máu là từ mực"


12/09/2021


 Sơn Ca


Trong cuốn Chống lại Sainte-Beuve, Marcel Proust đã chỉ trích Sainte-Beuve không nhìn thấy vực sâu chia cắt giữa con người nghệ sĩ với con người xã hội, không hiểu rằng cái tôi của nhà văn chỉ hiện diện trong tác phẩm, không phải trong những cuộc chuyện trò với người khác.


Proust cho rằng văn chương, điều khi nhà văn viết trong cô đơn khác với chuyện kể trong lúc hàn huyên, bởi cái tôi bề ngoài cất tiếng nói khi có sự hiện diện của người khác, còn cái tôi sâu lắng khi ở một mình mới là điều mà người nghệ sĩ muốn đạt tới. Theo Proust, không thể đồng hoá tác phẩm với con người bề ngoài của tác giả, qua lời kể của bạn bè hay qua thư từ. Sainte-Beuve đi từ đời tư tác giả để giải thích tác phẩm, còn Marcel Proust đi từ tác phẩm để tìm tới tác giả. (1)


Linda Lê, với tiểu thuyết Œuvres Vives, viết năm 2014, đã làm việc ngược lại với Proust, là viết một tác phẩm trong đó kể về một nhà báo điều tra về cuộc đời của nhà văn mới tự tử, Antoine Sorel, thông qua việc tìm gặp những người thân, những người quen biết nhà văn. Nhân vật nhà báo, người tiến hành cuộc điều tra, cùng lúc đã đọc rất nhiều tác phẩm của nhà văn này, nhưng người đọc, là chúng ta, tuyệt nhiên không biết gì về nội dung những cuốn sách ấy.


Điều ta biết khi đọc tác phẩm Œuvres Vives là câu chuyện về cuộc đời riêng tư của Antoine Sorel, thông qua lời kể của nhiều người khác nhau. Linda Lê chia sẻ rằng, nội dung những cuốn tiểu thuyết của Antoine Sorel được ẩn đi, vì theo bà, người đọc vẫn luôn đồng hành cùng người viết để hoàn thiện tác phẩm trong quá trình đọc. Vì vậy, thông qua việc dựng lên chân dung của một nhà văn, bà muốn để người đọc tưởng tượng và hình dung về những cuốn sách mà người ấy sáng tác. (2)


Linda Lê cũng giải thích về tiêu đề của tác phẩm: "Thông thường, người ta gọi "Œuvre vive" là phần chìm dưới mặt nước của một chiếc tàu. Đó là bộ phận mà chúng ta không trông thấy, vì nó khuất dưới mặt nước. Ngược lại "Œuvre morte" là phần ở bên trên mặt nước. Cái gì nhìn thấy là phần "chết", còn phần "sống" lại là cái gì không trông thấy…Thế rồi ở đây tựa cuốn sách này cũng gợi lên ý tưởng là những tác phẩm của Sorel tiếp tục sống mãi cho dù ông văn sĩ đã về cõi vĩnh hằng." (3)


Tác phẩm Œuvres Vives được dịch ra trong tiếng Việt năm 2018 với tựa đề Vượt sóng có thể chưa thật chuẩn với nội dung tiểu thuyết và ý đồ của Linda Lê. 


Đọc Linda Lê, rất khó tách bạch sáng tác khỏi cuộc đời bà, hệt như Patrick Modiano đã dùng chất liệu đời mình để nhào nặn nên tác phẩm văn chương. Nhà văn Đinh Linh, trong lời đề từ tiểu thuyết Tiếng nói của Linda Lê xuất bản năm 2017 tại Việt Nam, cũng thừa nhận Linda Lê chịu ảnh hưởng của một số nhà văn Tây phương nhưng ảnh hưởng lớn nhất tới sáng tác của bà là ảnh hưởng của lý lịch và bà đã thừa hưởng những bất hạnh của một dân tộc chịu nhiều bất hạnh.  


Những đề tài trong tiểu thuyết của Linda Lê 


Người chết, người điên, người viết, người đọc, người tha hương khỏi ngôn ngữ và quê hương và người tha hương trong những cuộc tình, là đề tài chính trong các tác phẩm của Linda Lê. 


Thư chết, Sóng ngầm, Œuvres Vives, In memoriam...là những tác phẩm của Linda Lê mở đầu bằng cái chết, trong đó, trừ tác phẩm Thư chết nói về cái chết của người cha, những tác phẩm còn lại đều là cái chết của nhà văn. Lại chơi với lửa là tuyển tập truyện ngắn sáng tạo về ngôn từ và hình ảnh, đầy ẩn dụ và mê hoặc, ám ảnh và bạo liệt những câu chuyện về người đọc và người viết, nơi từ ngữ tách ra khỏi trang sách, nhảy vọt lên cắn vào cổ người đọc, nơi lọ mực lên tiếng xúi giục người viết cầm dao đuổi theo đâm chết tên độc tài, nơi một người khách từ trong bản thảo bước ra khi một tác phẩm hoàn thành. 


Nhân vật trong các tác phẩm còn lại của Linda Lê đều là những người đọc và người viết. Mở đầu tiểu thuyết Cronos là hình ảnh một người đàn ông mải đọc sách trên băng ghế dưới chân một ngọn đèn, quên mất giờ giới nghiêm nên bị một tên lính nện báng súng vào đầu. Ông ngã xuống với khuôn mặt đẫm máu khi trong tay vẫn ôm chặt cuốn sách. Thư chết Vu Khống là hai tác phẩm đều nhắc đến một người cậu bị điên và cả hai người điên này đều sống trong sách vở. Đặc biệt, người điên trong Vu khống sống trong bệnh viện, học tiếng Pháp từ những cuốn tiểu thuyết văn chương của một bác sĩ đưa cho anh, và chính những cuốn sách ấy đã cứu rỗi anh.


Nhân vật cháu gái trong Vu khống, nhân vật Văn và Ulma trong Sóng ngầm, nhân vật Sorel trong Œuvres Vives cũng là những người đọc và người viết. Qua lăng kính của Linda Lê, họ là những người tha hương khỏi cuộc đời này: "Tôi sáng tác những câu thơ kinh khủng, chỉ để nói rằng cuộc sống không thực sự ở đây. Tôi cũng viết nhật ký, chỉ để nói rằng tôi không tìm thấy chỗ của mình trong thế giới này." (4)


Tha hương là đề tài trở đi trở lại trong tác phẩm của Linda Lê: tha hương về địa lý, tha hương trong ngôn ngữ, trong đời sống và sáng tác, đặc biệt là tha hương bên lề cuộc đời người khác, trong gia đình và trong những cuộc tình. Nhân vật trong tác phẩm của Linda Lê bị bật rễ khỏi quê hương, gia đình và những người yêu quý. Các mối quan hệ cha mẹ, con cái trong tác phẩm Sóng ngầm, Œuvres Vives hầu như không có mối quan hệ mật thiết, xa cách về tư tưởng, ngôn ngữ và văn hóa, thậm chí xung đột gay gắt. Đặc biệt, Linda Lê luôn tạo các mối tình tay ba, các mối tình ngoài luồng trong tác phẩm của mình. Trong Vu Khống có một chi tiết Linda Lê đã so sánh tình cảm của một người đứng bên lề cuộc đời người khác, giống hình ảnh của một người tha hương bên lề đất nước không phải quê hương nguồn cội mình. 


Lưu đày ngôn ngữ cũng là một ám ảnh trong sáng tác của Linda Lê, như bà từng viết: "Viết trong một ngôn ngữ không phải của mình, là làm tình với một thây ma." (5)


Thế giới của người ở bên rìa tất cả 


Linda Lê cũng xuất bản nhiều tập tiểu luận vinh danh những nhà văn tha hương, những người viết bằng ngôn ngữ khác, nơi bà tìm thấy nhiều sự đồng cảm và có những người đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp văn chương của bà như: Tu écriras sur le bonheur năm 1999, Marina Tsvetaieva, ça va la vie? năm 2002 và Par ailleurs (exils) năm 2014.  


Tác phẩm Sóng ngầm của Linda Lê xây dựng hai nhân vật kỳ lạ. Hai người Pháp gốc Việt, anh em cùng cha khác mẹ, đã tìm thấy nhau tại Pháp, và bắt đầu một mối tình, không chỉ là mối tình tay ba nơi người chồng ngoại tình, mà còn là mối tình loạn luân cùng huyết thống. Nhưng họ không cưỡng lại được sự hút nhau, như thể việc chung quê hương nguồn cội và tiếng nói đã giúp họ chạm vào được phần sâu thẳm bên trong mình. Lần đầu tiên nói "yêu em" trong tiếng Việt đã khiến Văn, nhân vật trong tác phẩm, có được cảm giác hạnh phúc lạ kỳ.


"[...] không phải chúng tôi cùng cha sinh ra mà bởi trong sâu thẳm chúng tôi là những kẻ ngoại cuộc, tôi không biết xứ nào là quê hương, em có nhiều danh tính mà không cái nào làm điểm tựa. Cùng ở vị thế lập lờ, cả hai chúng tôi đều như những kẻ mất hồn [...]. Tôi thấy ngọt ngào làm sao khi thốt "yêu em" với Ulma bằng thứ tiếng ba mươi năm nay tôi không còn nói nữa và lại có vẻ thật du dương. Không có Ulma tôi đã không nối lại với thứ, nơi tôi, còn rơi rớt, dù ít ỏi chừng nào, của phương Đông. Tôi bị xáo động tột cùng." (6)


Hãy để ý đến một điểm chung của tất cả những người chết, người điên, người viết, người đọc, người tha hương trong tác phẩm của Linda Lê. Đây là những người luôn sống ở bên rìa của tất cả, nơi thuộc về những tròng trành, nơi thuộc về vùng đất của no man's land, như trong tiểu luận Tròng trành mà Linda Lê đã viết. "Tôi yếu lòng bảo vệ tính tiểu thuyết và chưa làm sáng tỏ bí ẩn của sự chuyển hóa những tròng trành, rách xước và tang thương thành những từ ngữ mà ta ráng, trong một sự ương ngạnh hung cuồng, lấy dao trổ khắc." (7)


No man's land, từ mà Linda Lê đã dùng trong tiểu luận trên một lần nữa gợi nhắc về Patrick Modiano, ngay cả cách Linda Lê dùng tên các địa danh và dữ liệu đời thực đưa vào tác phẩm làm ta nghĩ đến ông, nhưng thế giới của Linda Lê là thế giới gần như đối lập, không u sầu thơ mộng như trong thế giới của nhà văn của giải thưởng Nobel 2014. Thế giới của Linda Lê luôn được đẩy đến mọi thái cực, quyết liệt, đen tối, kỳ dị, bất thường, điên loạn...dù văn phong có sự thay đổi qua các thời kỳ nhưng ngôn từ không thôi bùng cháy. "Tôi thích sự bùng cháy của ngôn từ, rằng những cuốn sách là ngọn lửa rực cháy." (8)


Bóng dáng cuộc đời trong tiểu thuyết


Trong sự nghiệp sáng tác của mình, càng ở những tác phẩm sáng tác về sau, ngòi bút của Linda Lê càng trở nên điêu luyện trong cách kể chuyện bằng nhiều giọng kể. Nếu như Tiếng nói (1988)Thư chết (1999) chỉ là những độc thoại nội tâm của một giọng kể duy nhất, nơi người ta dễ dàng có thể nhận thấy đó là tiếng lòng sâu thẳm và day dứt nhất của Linda Lê sau những năm tháng mất cha, thì trong Sóng ngầm (2012)Œuvres Vives (2014), Linda Lê đã một mình phân thân mình thành nhiều mảnh và hóa thân mình trong nhiều nhân vật, thể hiện sự lao động sáng tạo bền bỉ trong ngôn từ và trí tưởng tượng. Sóng ngầm là bốn giọng kể trực tiếp của bốn nhân vật khác nhau còn Œuvres Vives là nhiều giọng kể gián tiếp của nhiều nhân vật khác nhau.


Bóng dáng cuộc đời cá nhân của Linda Lê dường như vẫn hiện diện sắc nét trong tất cả các tác phẩm nhưng rõ ràng đó là những tiểu thuyết văn chương hư cấu nơi Linda Lê theo nhiều cách đã luôn tìm cách trao tiếng nói cho một người vừa mới qua đời. Linda Lê như người bị vỡ thành trăm mảnh và bà đã nhặt từng mảnh vỡ và đặt mỗi mảnh nhỏ vào một nhân vật, và trong những cuốn tiểu thuyết khác nhau, dù mỗi nhân vật đều có giới tính, tính cách, đời sống, giọng nói riêng khác nhưng ta đều thấy Linda Lê ở đó. 


Có thể nói văn chương Linda Lê thuộc dòng văn học chấn thương như Anna Gotlib phân tích trong tiểu luận Chấn thương và chuyện kể: "Chấn thương châm ngòi cho tự sự. [...] Những gì nó có thể làm là trở thành chất xúc tác cho nhiều câu chuyện khác nhau – những câu chuyện sâu sắc hơn về việc chúng ta là ai, chúng ta có giá trị như thế nào và làm sao chúng ta có thể sống “sau” chấn thương. Chúng là câu chuyện về sự kiến tạo ý nghĩa, làm lại ý nghĩa [...] mở ra những khả năng cho việc tái tạo các câu chuyện, [...] tích hợp một số những kinh nghiệm tệ hại nhất của mình vào trong những câu chuyện không ngừng được mở ra về chính bản thân mình.” (9)


Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt và lớn lên tại Sài Gòn. Cha bà là một kỹ sư Bắc Việt còn mẹ xuất thân từ một gia đình khá giả có quốc tịch Pháp. Thuở nhỏ, khi còn ở Việt Nam, Linda Lê đặc biệt gắn bó với cha về tình cảm nhưng xa lạ với tiếng Việt và văn hóa Việt. Không có nhiều sợi dây liên hệ tinh thần với mẹ nhưng Linda Lê được mẹ cho học trường tiếng Pháp, rất say mê và am hiểu văn chương Pháp. Năm 1977, Linda Lê cùng mẹ và các chị em rời Việt Nam định cư tại Pháp, để lại người cha ở lại Việt Nam. Linda Lê liên lạc với cha qua những lá thư, ngầm đặt cha mình là độc giả tưởng tượng khi viết văn. Năm 1995, cái chết của người cha đã để lại nhiều day dứt và chấn thương trong lòng bà, khiến bà thậm chí có những khoảng thời gian rơi vào trầm cảm. Đó cũng là lý do vì sao đề tài về một người cha đã mất luôn lặp đi lặp lại trong tác phẩm của bà. 


Hơn một lần, trong tác phẩm cũng như trong trả lời phỏng vấn, Linda Lê đều viết mình không biết nơi đâu là nhà, bất cứ chốn nào cũng xa lạ, ở quê hương nguồn cội, ở đất nước mình đang sống, ở giữa mọi người và ở trong cuộc đời. Sola trong In memoriam và Sorel trong Œuvres Vives là hai nhà văn trong tác phẩm của Linda Lê, đều chọn con đường tự tử để kết thúc cuộc đời. Dường như văn chương không thể cứu rỗi cuộc đời họ. Nhưng với Linda Lê, văn chương không chỉ cứu rỗi, văn chương còn giúp bà được chữa lành, được xoa dịu, được học hỏi và được lớn lên từ đó. (10) Linda Lê cũng nhiều lần khẳng định văn chương chính là Tổ quốc mình. Bởi thế, nhà phê bình Brigitte Lannaud Levy đã viết, với Linda Lê, ”văn chương là quê hương vì máu là từ mực”. (11)


Trích nguồn: 


(1) Phê bình cũ - phê bình mới, Phê bình văn học thế ký 20, Thụy Khuê:


http://thuykhue.free.fr/PBVH/Chuong03-PheBinhCuMoi.html


(2) Linda Lê trả lời phỏng vấn tại hiệu sách La Galerne: 


https://www.youtube.com/watch?v=p3DBmaDl8Fg&t=326s


(3) "Œuvres Vives", tâm trạng cô đơn của kẻ lưu đày, Tạp chí văn hóa RFI Tiếng Việt năm 2014: 


https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20141024-oeuvres-vives-tam-trang-co-don-cua-ke-luu-day


(4) Vượt sóng, Phạm Duy Thiện dịch từ nguyên tác "Œuvres Vives", Công ty cổ phần Sách Tao Đàn và NXB Hội nhà văn, năm 2018.


(5) Linda Lê : de l'exil du langage au langage de l'exil, Thi Thu Thuy Bui:


https://www.academia.edu/23953392/Linda_L%C3%AA_de_lexil_du_langage_au_langage_de_lexil


(6) Sóng ngầm, Hồ Thanh Vân và Bùi Thu Thủy dịch từ nguyên tác Lame de fond, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, năm 2018. 


(7) Tiểu luận Tròng trành của Linda Lê, Hồ Thanh Vân dịch đăng trên tạp chí của Nhà xuất bản độc lập Ajar: http://www.ajarpress.com/Project-DetailVi.aspx?ProjectId=181


(8) Linda Lê : “J'aime que les livres soient des brasiers“, Marine Landrot, 2020


https://www.telerama.fr/livre/linda-le-j-aime-que-les-livres-soient-des-brasiers,59204.php


(9)  Anna Gotlib – Chấn thương và chuyện kể, Hải Ngọc dịch


https://hieutn1979.wordpress.com/2021/01/03/anna-gotlib-chan-thuong-va-chuyen-ke/


(10) Linda Lê trả lời phỏng vấn Mediapart, thực hiện bởi Dominique Conil và Yannick Sanchez: https://www.youtube.com/watch?v=mco7JdliulE


(11) "Sang d’encre", Brigitte Lannaud Levy: https://www.onlalu.com/livres/roman-francais/oeuvres-vives-linda-le-le-8647/


++++++++++++++++++++++++++++++++


Linda Lê, nữ nhà văn Pháp gốc Việt muốn sống cuộc đời đơn độc để sáng tạo


13/09/2011


image024Nhà văn Linda Lê DR


Anh Vũ


Nhật báo Libération có bài phác họa chân dung nữ nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê, tác giả của nhiều tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp và đã nhận được không ít giải thưởng văn học có uy tín trên văn đàn nước Pháp.


Số lượng tác phẩm cũng như chất lượng các cuốn tiểu thuyết của Linda Lê đã để lại những dấu ấn khó quên trong độc giả Pháp. Độc giả ở Việt Nam cũng biết đến nhiều tác phẩm của nhà văn Linda Lê đã được dịch sang tiếng Việt như : « Ba số phận » (Les Trois Parques), « Vu khống » (Calomnies), « Lại chơi với lửa » (Autres jeux avec le feu).


Nhật báo Libération nhìn thấy nét cá tính và tính cách đặc biệt trong đời tư ở nữ nhà văn gốc Việt này. Libération phát hiện thấy người đàn bà này thích sống cô độc, nhất định từ chối không muốn có con. Tiếp cận với cuộc sống của Linda Lê, điều khiến tác giả bài viết ấn tượng nhất đó là một người đàn bà thích sống đơn độc không hề muốn có con trẻ bên cạnh. Tác giả bài báo nhận thấy dường như thiên chức làm mẹ chỉ « làm cho bà thêm vướng víu, nhàm chán và rời xa bản thân mình ». Thế nhưng bà là một tác giả cay nghiệt và vĩ đại. Trong các tác phẩm của Linda Lê người ta thường thấy hình ảnh của một xứ sở cấm kỵ xa xưa, một người cha bị bỏ rơi, một người mẹ khuôn phép hay một người tình hờ hững. Nhưng trong đó người ta cũng thấy những câu chuyện huyễn hoặc, siêu thực phảng phất đâu đó như trong các tác phẩm của Shakespeare.


Trong những ngày này, Linda Lê đang chuẩn bị xuất bản một bức thư gửi đứa con mà bà đã và sẽ không có. Theo tác giả thì có con là điều bà không hề muốn bao giờ, Linda Lê vẫn tỏ ra phấn khích khi tuyên bố về chuyện này, trong khi mà ở Pháp tỷ lệ sinh đẻ đang tăng mạnh và đa số người dân Pháp đều thèm muốn được quyền nuôi con.


Phác họa chân dung của nhà văn thì không thể thiếu phần tiểu sử. Tác giả bài báo tóm tắt : Linda Lê sinh ra ở Việt Nam, có người mẹ ảnh hưởng đậm nét văn hóa Pháp và một người cha xuất thân từ tầng lớp thấp. Gia đình họ có bốn cô con gái, Linda là người chị thứ hai và người duy nhất mang cái tên có vẻ tây này. Sau ngày chế độ Sài gòn sụp đổ, cô theo mẹ sang Pháp định cư năm 1977 khi chưa đầy 14 tuổi. Ở Pháp, cô được đi học và theo nghiệp văn chương. Cha cô ở lại thành phố Hồ Chí Minh theo đuổi giấc mơ nghệ sĩ của mình, rồi qua đời ở đó mà không được gặp lại vợ và các con. Linda vẫn luôn nhắc tới người cha bị bỏ rơi, cảm thấy như có lỗi với ông.


Trở lại với chuyện người đàn bà không thích có con. Tác giả kể lại, năm 15 tuổi, Linda cũng đã có một người bạn trai là một nhạc công chơi đàn ghi-ta. Dù chưa một lần ôm ấp, nhưng khi anh ta đã có lần ngỏ ý muốn có con với cô, Linda đã từ chối thẳng thừng. Cô sợ mang thai, sợ cho con bú, vì e rằng từ bầu vú mình lại tiết ra những tia mật đắng của nỗi sầu của mình. Nhiều năm sau, trong cuộc sống nay đây mai đó cô cũng đã gặp một người tình, là một diễn viên kịch dễ mến. Anh chàng này cũng cố thuyết phục cô có con. Anh ta đưa ra lý lẽ rằng có con sẽ mang lại cho cô sự thanh thản, dịu dàng, nữ tính và cô sẽ trở nên chín chắn hơn … Cô đã đáp lại rằng, cuộc sống lứa đôi không nhất thiết cứ phải trải qua giai đoạn đó mới tồn tại được, rằng có con không khỏa lấp được thất bại trong cuộc sống v.v.


Tác giả viết tiếp, ở tuổi 48, Linda Lê không có gì nuối tiếc, ân hận. Bà đã chọn cái thế giới này và đứng vững trong đó, không cần biết đến sự tồn tại của thế giới khác. Trong văn chương, Linda luôn tránh không bị ảnh hưởng bởi những nhà văn tiền bối như Simone de Beauvoir, Marguerite Yourcenar hay Virgina Woolf. Theo cô, tác phẩm của các nhà văn đó không mang được nét đẹp của văn chương.


Quả đúng là một người phụ nữ đặc biệt đã làm nên một văn sĩ khác thường. Tuy cô độc trong cuộc sống cá nhân, nhưng Linda Lê không đơn độc trong văn chương, xung quanh cô luôn có rất đông độc giả ngưỡng mộ.

20 Tháng Giêng 2023(Xem: 1552)
10 Tháng Giêng 2023(Xem: 1474)