Bí ẩn chiếc bình mực trên kiệt tác của danh họa Raphael

07 Tháng Mười 20208:23 SA(Xem: 4574)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA LỊCH SỬ - THỨ TƯ 07 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Bí ẩn chiếc bình mực trên kiệt tác của danh họa Raphael


  • Kelly Grovier
  • BBC Culture

6?10/2020


image004Nguồn hình ảnh, Getty Images


Nghệ thuật luôn là những điều rất tinh tế.


Hãy xem tác phẩm 'Trường Athena' ('The School of Athens') của bậc thầy thời Phục hưng Raphael, danh họa người Ý mà hiện các cuộc triển lãm và trưng bày lớn trên khắp thế giới từ Milan đến London, Berlin đến Washington DC đang được tổ chức để tưởng nhớ 500 năm ông qua đời, 1520.


Hàng triệu con mắt đã trầm trồ trước sự hội tụ vĩnh hằng của các nhà triết học và toán học, chính khách và nhà thiên văn cổ mà Raphael đã tưởng tượng một cách huy hoàng trong bức bích họa nổi tiếng của ông.


Tuy nhiên, có vẻ như có một chi tiết nhỏ gần tiền cảnh trung tâm của bức tranh, từ đó toát ra ý nghĩa thực sự của kiệt tác, lại hầu như không được các nhà sử học và nhà phê bình để ý trong suốt nửa thiên niên kỷ.


Hãy nhìn thật kỹ, và ở đó, bên cạnh cánh tay trái của nhà văn u sầu ngồi gần ở giữa bức tranh, có một bình mực đơn điệu nằm chênh vênh một cách nguy hiểm trên góc của một khối cẩm thạch lớn, mà chỉ cần cái khuỷu tay giật một cái sẽ rơi xuống, bể nát và mở ra một lỗ đen ở ngay giữa tác phẩm của Raphael.


Vật thể khiêm tốn đó, và chỉ riêng nó, đã biến bức bích họa của Raphael từ sự tôn vinh hai chiều đối với tư duy lý trí thành sự suy ngẫm sâu sắc hơn và linh hoạt hơn về bí ẩn của sự tồn tại.


Để hiểu vật thể đó có ý nghĩa biểu tượng như thế nào, chúng ta phải tự nhắc mình tại sao Raphael lại thực hiện bức bích họa đó ngay từ đầu, nó nằm ở đâu trong mê cung xa hoa gồm các hành lang và các gian phòng của Vatican, và bức tranh có ý định khắc họa những gì trên bề mặt.


image005Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh,  Raphael mới ở độ tuổi khoảng 20-30 khi được Giáo hoàng Julius II triệu tới, giao nhiệm vụ vẽ tranh trang trí cho Phòng Ký tên ở Tòa thánh Vatican


Trẻ trung, đầy sức sống, đến từ thành phố pháo đài cổ xưa Urbino, nơi ông sinh ra và được đào tạo làm nghệ sĩ, Raphael khi đó mới ở độ tuổi 20-30. Năm 1509, Giáo hoàng Julius II gọi ông vào để hỗ trợ việc trang trí lại một dãy phòng khánh tiết ở Điện Tông Tòa của Vatican.


Người họa sĩ cùng thời được tôn sùng của Raphael, Michelangelo, đã được mời đến chỉ một năm trước đó để đảm nhận nhiệm vụ đáng nể là thiết kế và vẽ hệ thống các bức họa tỉ mỉ cho trần của Nhà nguyện Sistine - không gian trang nghiêm mà từ một thập kỷ trước đó trở về sau đã trở thành nơi tổ chức mật nghị của các hồng y mỗi khi cần bầu chọn tân giáo hoàng.


Căn phòng đầu tiên mà Raphael phải giải quyết là Stanza Della Segnatura, tức 'Phòng Ký tên', nơi các văn bản quan trọng nhất của Giáo hội được ký, đóng dấu và trở thành giáo điều được đưa ra thực thi.


Căn phòng này cũng là thư viện của Giáo hoàng và là nơi họp của Tối cao Pháp viện - cơ quan tư pháp quyền lực nhất của Giáo hội Công giáo.


Cho dù là màu sắc và hình khối nào, những câu chuyện và nhịp điệu tô điểm cho bốn bức tường của căn phòng trọng đại này sẽ giám sát, nếu không nói là có thể ảnh hưởng, tới những quyết định hệ trọng nhất ảnh hưởng đến cuộc sống (và sau khi chết) của tất cả những ai sống trong Đế quốc La Mã Thần thánh trải rộng.


Không gì nhiều rủi ro hơn việc này, và Raphael biết điều đó.


Ai là ai?


Với việc cần trang trí cho bốn bức tường lớn và cần tạo dựng danh tiếng, Raphael xác định dành mỗi bích họa riêng biệt cho từng cái trong bốn chủ đề chính có thể được tìm thấy trong thư viện của Giáo hoàng: luật, tôn giáo, văn học và triết học.


Đầu tiên là một bức tranh dành cho thần học, sau đó là một bức về chủ đề thơ ca, mang tên Parnassus, đặt theo tên ngọn núi mà theo thần thoại cổ điển là nơi Apollo, người đứng đầu các nàng thơ, trú ngụ.


Sau khi khởi động, Raphael đã sẵn sàng cho chủ đề triết học, mà ông sẽ tán dương bằng cách đưa vào không gian vượt thời gian gần hai chục nhà tư tưởng có ảnh hưởng trong suốt một thiên niên kỷ - từ Anaximander, nhà triết học đề xuất vạn vật vô hạn vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, cho đến nhà triết học Boethius, tác giả cuốn 'Niềm an ủi Triết học' ('Consolation of Philosophy') vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.


image006Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh,


Thoạt nhìn, Raphael miêu tả Plato đi thẳng, bước xuống các bậc thang bên cạnh Aristotle


Nhưng khi Raphael bắt đầu vẽ các bản phác thảo chuẩn bị cho bức bích họa đầy tham vọng, một vấn đề đã nảy sinh. Làm sao có thể trông đợi bất kỳ người nào chiêm ngưỡng bức tranh sắp sửa ra đời của ông có thể phân biệt triết gia này với triết gia khác?


Cách nơi ông đang làm việc một vài bước, Michelangelo đang bận rộn trèo lên giàn giáo bên dưới Nhà nguyện Sistine, từ bột màu và nước trứng mà vẽ ra những nhân vật anh hùng cơ bắp trong Kinh Thánh vốn có thể dễ dàng nhận ra từ những cử chỉ sống động và trang bị không lẫn vào đâu được của họ.


Không ai có thể lẫn lộn giữa nhà tiên tri Noah giải cứu nhân loại khỏi cơn Đại Hồng Thủy với Đức Chúa Trời tạo ra các hành tinh.


Nhưng làm sao để phân biệt Antisthenes với Xenophon? Diogenes với Socrates? Các triết gia có thể có những tư tưởng khác nhau, nhưng áo choàng của họ lại trông hết sức giống nhau.


Khi Raphael bắt đầu tập hợp một dàn sống động những nhân vật cổ thì hậu quả tiềm tàng là mớ hỗn độn hoành tráng dường như ngày càng trở nên rõ rệt.


Một đám đông những nhân vật mơ hồ đang tuôn ra những dòng tư tưởng không để tên tác giả như đánh đố khán giả là cách làm không đi tới đâu.


Chắc chắn là lúc đầu nghe có vẻ đơn giản để phân biệt Plato là bậc trưởng lão với học trò của ông là Aristotle, khi hai vị này bước sánh bước xuống các bậc thang ở giữa bức tranh với phong cách đầy học thức.


Rốt cuộc thì Plato đang gói ghém lại bản luận đề của ông về bản chất sự tồn tại của con người trong thế giới vật chất, 'Luận đề Timaeus', trong khi Aristotle lúng túng cầm một phần của bộ 'Đạo đức Luận' gồm 10 cuốn của ông.


Nhưng buộc những người chiêm ngưỡng phải nheo mắt nhìn gáy của những chiếc cuốn sách đồ sộ được đặt một cách vướng víu vào tay của từng nhân vật trong bức tranh sẽ khiến tác phẩm trở nên nặng nề với chi tiết hàn lâm nhàm chán.


Có những lúc khi tập hợp nhân vật cho bức tranh, Raphael dường như đã nhận ra rằng việc thiết lập danh tính tĩnh và dễ phân biệt cho những triết gia nổi tiếng trong bức tranh của ông là một cách tiếp cận sai lầm.


Thay vào đó, ông nên nắm lấy sự khó hiểu không thể tránh khỏi, công khai khơi gợi luồng cảm giác không thể giải quyết được, và do đó biến tính chất không xác định của bản thân danh tính trở thành triết lý trong bức chân dung triết lý của ông.


Hãy nhìn lại cách khắc họa Plato theo cách đó, chẳng phải là hình ảnh đáng kính và bộ râu rúm ró của ông ăn khớp một cách lạ lùng với vẻ mặt của người trưởng bối đáng kính cùng thời với Raphael là Leonardo Da Vinci như được thể hiện trong chân dung tự họa nổi tiếng của người họa sỹ lừng danh này?


Và bàn tay của Plato, chỉ lên hoặc là đang hướng tới Trời hoặc là hướng tới nhất thể siêu việt được lý tưởng hóa - chẳng phải nó đã thu hút ánh nhìn của chúng ta trước đây trong tác phẩm khắc họa của Leonardo về tông đồ Thomas trong đại danh tác Bữa tiệc Ly vốn được hoàn thành trước đó một thập kỷ?


Đột nhiên, Plato không chỉ đơn giản là đóng vai Plato. Thay vào đó, ông là hiện thân của sự dồn nén mãnh liệt những nhân cách chuyển hóa.


Quan bàn tay Raphael, Plato trở thành một dạng đèn đối lưu mờ mờ ảo ảo của danh tính, trong đó triết gia, họa sĩ, và hình ảnh thu nhỏ của sự hoài nghi tất cả những gì bạn thấy hòa trộn và hợp nhất lại thành một.


image007Nguồn hình ảnh, Getty Images


Nếu bạn nghĩ rằng sự phức tạp của nhân cách như thế này chỉ xuất hiện một lần trong bức họa, thì hãy xem nhân vật đang viết nguệch ngoạc trong một cuốn sách ở tiền cảnh bên trái của bức họa.


Chắc chắn tấm bảng dưới chân ông mà trên đó một khuôn nhạc được vẽ tháu, cho chúng ta biết nhân vật đó là nhà toán học, triết học Pythagoras (Pi-ta-go). Nhưng ai là người ở mé tai ông về phía bên trái? Tư thế và sự tương tác của hai nhân vật đã được các nhà sử học xác định một cách đáng tin cậy là chân dung kép của Thánh Matthew đi kèm với - như cách ông thường xuất hiện trong các hình ảnh biểu tượng trong thời kỳ này - một thiên thần ở bên trái.


Và do đó, mô típ của sự xen cài được lặp lại, từng nhân vật từng nhân vật một, trải khắp bề mặt của bức họa - sự lồng ghép chằng chịt các danh tính một cách cuốn hút.


Nhân vật kép


Ở phía bên phải, người đang vặn chiếc la bàn đã được xác định một cách thuyết phục là vừa là Archimedes lại vừa là Euclid. Tùy cách bạn nhìn.


Còn người đàn ông vận quân phục đang được một kẻ ba hoa mũi tẹt thuyết giảng ở bên phải của nhân vật tổng hợp Plato-Leonardo-Tông đồ Thomas hoài nghi của Raphael thì sao?


Một số hướng dẫn về kiệt tác này sẽ cho bạn biết đó là Alexander Đại đế. Những người khác thì nói đó là Alcibiades, vị tướng lỗi lạc của Athen.


Ở những chỗ khác, các linh hồn của Strabo và của Zoroaster đã được hòa quyện vào một hình ảnh tương tự như một nhà thiên văn học đang quay một quả cầu có các ngôi sao trong khi sự nhạt nhòa danh tính táo bạo lan ra trên khắp mặt bức bích họa.


Nhưng làm thế nào chúng ta biết rằng bất kỳ nhân vật nào trong số này là cố tình hoặc nằm trong chiến lược thị giác có chủ ý của bức tranh?


Để bức họa của Raphael đạt được hiệu quả, các chiếc nan xòe tượng trưng cho bản sắc gắn kết vào nhau tạo thành thực thể chuyển động mang tính tĩnh phải được gắn vào một trục chung - một trục giữa sự huyên náo để giúp chúng ta hiểu về toàn bộ hệ thống.


Để rồi mắt chúng ta nhìn thấy nó: cái bình mực đơn sơ ấy, hàm ý giàu có và sâu sắc về mặt biểu tượng đến không ngờ. Cái bình mực này rõ ràng thuộc về nhà văn trầm tư mà chiếc bút lông của ông đã lắng đọng giữa dòng suy nghĩ - một nhân vật hoàn toàn không có trong bản phác thảo chuẩn bị của Raphael cho tác phẩm.


Nhân vật ấy được thêm vào sau khi suy nghĩ lại - sự khởi sắc cuối cùng được thêm vào khi tác phẩm đã hoàn tất.


Giống như các nhân vật khác ở quay quanh quỹ đạo của nó, nhân vật này từ lâu đã được nhìn nhận là hỗn hợp của nhiều hơn một nhân vật lịch sử qua nhiều thế kỷ.


Một mặt, nhân vật này được cho là thể hiện sự kính trọng đối với đối thủ được tôn sùng của Raphael là Michelangelo với các nét biểu cảm trên gương mặt hài hòa đáng kinh ngạc với gương mặt của Michelangelo.


Đồng thời, dáng vẻ quạu quọ của ông cũng đồng nghĩa với tâm trạng chán nản của nhà triết học Hy Lạp thời tiền Socrates là Heraclitus.


image008Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh,  Nhân vật cầm bút trong bức họa được cho là Michelangelo, nhưng cũng có thể là nhà triết học người Hy Lạp Heraclitus


Việc Raphael vào phút chót đề cập đến nhà triết học Heraclitus, nhân vật vĩnh viễn bị ngưng đọng trong hành động soạn thảo tác phẩm của mình, mang tính gợi mở và rất quan trọng đối với sự mạch lạc của bức họa, mà nếu thiếu vắng thì sẽ trở nên rất rối rắm.


Heraclitus được biết đến nhiều nhất với những suy ngẫm về dòng chảy không ngừng của vũ trụ, kết tinh trong câu nói khẳng định nổi tiếng "không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông".


Sự đoan chắc của ông về tính phù du của vạn vật đã được chứng thực một cách tàn nhẫn bởi lớp sương mù thời gian: không một tác phẩm nào của ông còn tồn tại.


Bằng cách quay ngược lịch sử đến khoảnh khắc khi mà chính cái bình mực ghi nhớ lại những lời của Heraclitus, người được gọi là 'Người mờ nhạt', vẫn còn ướt, vẫn chưa bị chấm bút, vẫn chưa bị mất đi theo thời gian, Raphael đã thể hiện được cảnh dâu bể nhân gian bằng hình ảnh giàu trí tưởng tượng.


Là biểu tượng giám sát việc thực thi các sắc lệnh chính thức của giáo hoàng trong 'Phòng Ký tên', bình mực của Heraclitus (từ đó phát ra ý niệm rằng mọi quyền lực đều nhất thời), là một biểu tượng lật đổ một cách can đảm.


Nó phủ nhận quyền lực bằng cách tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm khắc ghi tên tuổi bản thân muôn thuở chỉ là vô ích.


Bình mực này và chỉ nó cho phép sự linh chuyển danh tính mà Raphael đã tạo dựng (và phá vỡ) một cách tài tình trên khắp bề mặt bức họa.


Nếu lấy bình mực ra khỏi trung tâm bức họa của Raphael thì tác phẩm này sẽ tan rã thành một bức vẽ thất bại với những hình vẽ nhập nhằng gây khó hiểu.


Bình mực sâu sắc, nếu không muốn nói là bị bỏ qua, của Heraclitus, chính là suối nguồn mà từ đó năng lượng đàn hồi trong kiệt tác của Raphael phát ra vô tận.

20 Tháng Giêng 2023(Xem: 1516)
10 Tháng Giêng 2023(Xem: 1439)