Viết về sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hoà

25 Tháng Tư 202010:10 SA(Xem: 8700)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ BẨY 25 APRIL 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


Nhân tháng Tư Đen năm 2020


Viết về sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hoà


image007

Trần Anh Tuấn


Tại hải ngoại, tranh cãi về sự tồn tại hay không tồn tại của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) đã xuất hiện trên các mạng điện tử trong nhiều năm, tuy đã im ắng đôi ba năm nay.


Theo dõi sự tranh cãi này, tôi thấy hàm chứa trong các bài viết rất nhiều nhiệt tình và cả sự mạt sát lẫn nhau, nghĩa là đầy những xung động tình cảm.


Năm 2017 có bài về đề tài này của ba tác giả, một tại hải ngoại và hai ở trong nước.


    Đó là bài "Sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hoà" do Phạm Đình Hưng viết ngày 15.8.2017 tại California, bài "Sự kiện chính thức công nhận Việt Nam Cộng Hoà là một thực thể chính trị ở Việt Nam sẽ có lợi ích như thế nào?" của Nguyễn Nhã từ tp HCM gửi cho báo Văn Hóa Online tại California ngày 21.8.2017, và bài "Vì sao Việt Nam nên thừa nhận thể chế Việt Nam Cộng Hoà?" của Trần Viết Ngạc trên báo Tuổi Trẻ trong nước, được nhà báo Hien Do                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             hienvando45@gmail.com đưa lên liên mạng điện tử ngày 24.8.2017.


Vấn đề, thật ra, rất đơn giản. Sự tranh cãi và bất đồng đã xảy ra chẳng qua là vì người ta lẫn lộn ý nghĩa của danh từ. Nói khác đi theo cách nói bình dân, là do hoàn cảnh ông nói gà bà nói vịt. 


Danh từ Việt Nam Cộng Hoà bao hàm hai ý nghĩa. Một, VNCH là thể chế chính trị, là guồng máy cầm quyền của quốc gia. Hai, VNCH là đất nước và con người Việt Nam trên dải đất từ Bến Hải đến Cà Mau.


Trong ý nghĩa thứ nhất, VNCH đã bị năm binh đoàn Cộng Sản Bắc Việt tiến chiếm (1) và đại tướng Dương Văn Minh đã phải lên tiếng đầu hàng. Do đó, kể từ ngày 30.4.1975, chính thể VNCH đã bị sụp đổ, nên ai viết hay kết luận Việt Nam Cộng Hoà không còn tồn tại là chính xác theo thực tế, chứ không phải vì bị ảnh hưởng tuyên truyền của kẻ thắng trận. Chẳng khác gì ngày 1.11.1963 một nhóm tướng tá đã giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm để xóa bỏ nền Đệ Nhất Cộng Hoà. Có như thế mới khai sinh ra nền Đệ Nhị Cộng Hoà, và tác giả Phạm Đình Hưng mới có cơ hội "đúc kết và thuyết trình bản Hiến Pháp 1.4.1967" (sic!) để thay thế bản Hiến Pháp 26.10.1956 của Đệ Nhất Cộng Hoà như trong bài vị thẩm phán đương sự viết.


Nhưng trong ý nghĩa thứ hai, VNCH là lãnh thổ của một quốc gia như đã ấn định trong Hiệp Định Genève 20.7.1954 thì không hề bị tiêu hủy. Vì thế, viết Việt Nam Cộng Hoà vẫn tồn tại, là không viết sai, vì lãnh thổ và con người vẫn còn đó, luôn luôn tồn tại, dù trước hay sau ngày 30.4.1975.


Lãnh thổ nước Việt Nam từ Ải Nam Quan (2) đến Mũi Cà Mau đã được thống nhất chính thức từ thời Gia Long đầu thế kỷ XIX. Chỉ từ năm 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết thì lãnh thổ quốc gia mới bị chia đôi thành hai nước. Nhưng đến năm 1976 thì hai nước được -đúng ra là bị- thống nhất do chủ trương của Cộng Sản Việt Nam (CSVN), để họ thiết lập chính thể độc đảng độc tài trên toàn cõi.


Đây là tình trạng hiện thời. Theo dòng lịch sử, Đảng CSVN tất sẽ có lúc không còn cơ hội cai trị toàn thể đất nước Việt Nam nữa, như các triều đại nối tiếp nhau trong quá khứ́. Một chính quyền mới sẽ thay thế mà hiện nay, không ai có thể tiên đoán ngày một ngày hai hay năm này năm khác sẽ xảy ra sự thay đổi này, và thể chế của chính quyền lúc ấy sẽ như thế nào.


Bài của tác giả Phạm Đình Hưng đã phân biệt hai ý nghĩa của danh xưng VNCH ngay từ đầu. Nhưng trong nội dung bài viết, tác giả lại lẫn lộn hai ý niệm. Đến kết luận của tác giả, là phải thi hành Hiệp Định Paris 1973 với lý do là chưa ai phủ nhận Hiệp Định này, thì thật là một điều không tưởng!


Trong thực tế, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đã được công nhận là thành viên của Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 20.7.1977 và được Hoa Kỳ thiết lập bang giao cấp đại sứ từ tháng 8.1995. Đây chỉ là hai trong vô số những sự kiện hoàn toàn vượt quá Hiệp Định Paris 1973 từ lâu, sao thẩm phán Phạm Đình Hưng đến nay còn chưa nhận ra?


Bài của giáo sư Nguyễn Nhã từ Sài Gòn ngắn khoảng một trang. Tác giả đưa ra bốn điều lợi để mách bảo chính quyền nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nên công nhận Việt Nam Cộng Hoà.


Đó là hai cái lợi "hoà hợp hoà giải dân tộc và đoàn kết dân tộc." Hai điều này thì chung chung chẳng có gì cụ thể và chỉ là sự lập lại ý tưởng của nhiều người trong nhiều giới trước đó từ lâu.


Cái lợi thứ ba mà tác giả đề cập là có thừa nhận VNCH thì Việt Nam ngày nay mới được "chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hoá giáo dục, kinh tế..."


Đây chỉ là niềm mong ước muộn màng. Thực tế từ ngày 30.4.1975 thì chính quyền Cộng Sản đã thừa hưởng một xã hội mà đại đa số là những công dân có giáo dục có kiến thức có văn hoá có đạo đức. Chính quyền Cộng Sản còn chiếm hữu tất cả tài sản và các phương tiện sản xuất của miền Nam rồi.


Trong mấy chục năm qua, chính quyền đó đã đưa xã hội và con người miền Nam đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm văn hoá, ô nhiễm giáo dục... đến chính tác giả Nguyễn Nhã cũng phải kêu than. Nay tác giả lại nêu ý kiến thừa hưởng gia tài của VNCH là sao, là muốn xóa bài làm lại?


Đặc biệt, tác giả Nguyễn Nhã đưa ra điều lợi đầu tiên là có thừa nhận VNCH thì mới giữ được chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì "mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục," như nguyên văn ông viết trong bài.


Nêu lên "tính pháp lý quốc tế liên tục" sẽ có hậu quả rất tai hại vì hai chữ "liên tục," giáo sư Nguyễn Nhã không ý thức được sao? 


Chính quyền "Tàu Khựa" -danh xưng thanh niên trong nước đặt thay cho danh xưng Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc- không mong gì hơn là có "tính pháp lý quốc tế liên tục" để chiếm cứ Hoàng Sa và Trường Sa liên tục theo Công Hàm ngày 14.8.1958 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà gửi Tổng Lý Quốc Vụ Viện nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc mà thôi!


Mới đây nhất, ngay giữa tháng 4.2020 này, Tàu đã gửi công hàm cho Liên Hiệp Quốc viện dẫn công hàm do Phạm Văn Đồng ký năm 1958 để một lần nữa bác bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông giáo sư Nguyễn Nhã đã thấm chưa?  


image010

Bản đồ do Cục Bản Đồ nước VNDCCH in đã xóa bỏ hai địa danh Hoàng Sa và Trường Sa để thay vào địa danh do Tàu đặt là Tây Sa và Nam Sa. Tài liệu trong sách Sino-Vietam War 1979 của Man Kim Li, xuất bản tại Hong Kong.


Nói thêm một hai chi tiết để trả lời những ai bào chữa sự dâng đất dâng biển của nhà cầm quyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà năm 1958 qua nội dung cô đọng của Công Hàm. Ngoài Công Hàm chính thức giữa hai nước, sau đó còn có sự điều chỉnh bản đồ từ chính quyền VNDCCH: Cục Bản Đồ trực thuộc Phủ Thủ Tướng đã xóa tên Việt (Hoàng Sa và Trường Sa) mà thay vào đó là tên Tàu (Tây Sa và Nam Sa) trong các bản đồ nước Việt. Xin xem bản đồ trên đây.


Thứ nữa, là sách giáo khoa do Bộ Giáo Dục nước VNDCCH xuất bản cho học sinh toàn quốc từ đầu thập niên 1960 đã xóa bỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bản đồ lãnh thổ nước ta. Tuy nhiên, tôi chưa tìm được tài liệu chứng minh cho sự kiện mà tác giả Man Kim Li đã nêu lên trong sách đã dẫn.


Có một hai chi tiết đặc biệt về quyển Sino-Vietnam War 1979 này. Năm 1986, khi kiểm tra sách mới trong vai trò Cố Vấn cho Thư Viện Á Châu ở thành phố Oakland, Bắc California (đại diện cộng đồng gốc Việt, thay giáo sư Nguyễn Khắc Kham rời nhà từ Oakland xuống thành phố Hayward), tôi thấy tựa đề đáng đọc nên mượn về nhà sau khi sách vô sổ với ký hiệu 951.057 Li. Sau khi sao chụp vài trang quan trọng gồm bức công hàm do Phạm Văn Đồng ký, bản đồ chính phủ VNDCCH in đã bỏ tên Việt... tôi ngay tình đem trả lại. Vài ngày sau, tôi cần tham khảo thêm nên vào Thư Viện tìm thì quyển sách không cánh đã bay. Tôi đã nghi ngờ ngay một bàn tay bí mật, nhưng còn chút hy vọng là có độc giả mượn rồi sẽ đem trả nên tôi điền phiếu mượn trước để sẵn ở Thư Viện. Đôi ba tháng sau, nhân viên Thư Viện thông báo cho tôi biết là sách đã mất.


image012

Phiếu mượn trước được nhân viên Thư Viện

gửi lại, báo cho biết sách đã không còn nữa.


Ai mượn rồi lấy luôn? Một mất mười ngờ nên tôi không muốn kết luận, chỉ biết sách lẩn quẩn đâu đây ở vùng Bắc California, mà cũng có thể đã được chuyển về Hà Nội rồi? Ly kỳ hơn nữa, tôi đã mất 60 dollars -năm 1987- trả cho một công ty Mỹ chuyên đi tìm sách hiếm quý. Họ trả lời có liên lạc sang cả Hong Kong, nhưng cũng không thấy được sách tôi thuê họ tìm.


Dĩ nhiên, công hàm 14.8.1958 do Phạm Văn Đồng ký gửi nước Tàu vô giá trị vì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc lãnh thổ của nước VNDCCH để người ký muốn nhường cho ai thì nhường, nhưng bằng chứng cắt biển dâng đảo cho ngoại bang của chế độ Cộng Sản thì không có cách gì chối bỏ!


Trong bài viết, Nguyễn Nhã còn thông tin cho độc giả biết là bộ Lịch Sử Việt Nam được giới Sử Học trong nước biên soạn đã từ bỏ danh từ "Ngụy quyền Sài Gòn" mà thay vào đó là "Việt Nam Cộng Hoà." Nhưng thông tin của tác giả  Nguyễn Nhã không đúng sự thật. Chi tiết này đã được tôi phân tích rõ trong bài viết Về bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử Học Hà Nội.


VNCH là một thực thể với khoảng 18 triệu người tồn tại từ năm 1955 đến năm 1975 trong phần đất phía Nam nước Việt thì dù ai có phương kế gì để thủ tiêu danh xưng này cũng vô ích. Mà thủ tiêu thực thể VNCH ở phía Nam cũng chính là thủ tiêu thực thể VNDCCH ở phía Bắc vậy, vì cả hai là hậu quả của nội dung Hiệp Định ký tại Genève năm 1954 mà chính đại diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ký. Cần nói ngay ở đây là chính quyền Quốc Gia đã không hề ký Hiệp Định này vì Ngoại Trưởng Quốc Gia Việt Nam Trần Văn Đỗ cương quyết phản đối việc chia đôi đất nước.


Bài viết ngắn của tác giả Nguyễn Nhã còn chứa đựng một điều bất thường, là mệnh danh tất cả 4 triệu người gốc Việt tại hải ngoại là "Việt kiều!"


Nguyên chính quyền trong nước sử dụng danh từ "Việt kiều" để mệnh danh tất cả những người gốc Việt đang sinh sống tại hải ngoại. Danh từ này cốt ở cái nghĩa tất cả đều còn là công dân Việt Nam và chịu sự chi phối của chính quyền Việt Nam hiện hành.


Trong thực tế, khi năm binh đoàn Cộng Sản tiến chiếm VNCH thì người Việt miền Nam tìm mọi cách bỏ nước ra đi vì không chấp nhận sống dưới chế độ Cộng Sản, tạo nên phong trào vượt biển vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam và làm rúng động lương tâm dân tộc Mỹ và các dân tộc khác. Thế giới vì thế mở cửa đón hàng triệu người Việt tỵ nạn chính trị.


Tính đến nay, đúng 45 năm kể từ biến cố 30.4.1975, số người tỵ nạn và con cháu sinh ra tại các quốc gia sở tại đã lên tới trên dưới 4 triệu người.


Căn cước của số này là người Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Ý, Úc, Nhật... gốc Việt. Họ không hề là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sống tại các nước khác!


Chính quyền Hà Nội từng có sáng kiến kêu gọi những người gốc Việt làm đơn lấy lại quốc tịch Việt Nam. Đơn xin hàm chứa một điều khoản trong luật quốc tịch Việt Nam, theo đó người có quốc tịch Việt Nam thì đến đời con sinh ra ở hải ngoại cũng vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Để đổi lấy điều kiện này, người xin lấy lại quốc tịch Việt Nam sẽ có quyền lợi cụ thể là được cấp visa vào Việt Nam trong năm (5) năm chỉ phải đóng $US 50.00, so với $US 50.00 cho mỗi lần về nếu còn giữ quốc tịch của nước sở tại. Sáng kiến này đã thất bại, vì số người làm đơn xin trở lại quốc tịch chỉ khoảng trên dưới 7,000 người.


Cho nên khi tác giả Nguyễn Nhã nêu lên tổng số 4,000,000 những người gốc Việt tại hải ngoại là "Việt kiều" thì hoặc là ông viết kiểu tài tử nghe sao viết vậy, nhưng đúng hơn có lẽ là tuân hành chính sách thông tin tuyên truyền của chính quyền trong nước.


Bài của giáo sư Trần Viết Ngạc phần lớn lập lại nội dung bài của tác giả Nguyễn Nhã, cũng có nghĩa là đồng lòng chia sẻ luận cứ của Nguyễn Nhã, một cựu Ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội xuất thân giáo sư trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, mà tôi đã phân tích trên đây.


Ngoài ra, là phần tác giả Trần Viết Ngạc -vốn là một nhà nghiên cứu nghiêm chỉnh xuất thân Viện Đại Học Huế trong thập niên 1960- kêu gọi sự thừa nhận hai quốc gia VNCH và VNDCCH. Đây là một bài viết xem ra dư thừa, vì hai phần đất nước Việt Nam có hai chính quyền đồng thời cũng là hai chính thể khác nhau đã tồn tại trong giai đoạn 1955-75 là sự kiện hiển nhiên trong dòng sử Việt. Ai thay đổi được quá khứ, thử hỏi?


Việc tìm cách xóa bỏ VNCH chỉ là chuyện thông tin tuyên truyền, đã đi vào ngành nghiên cứu thì việc gì phải mất công và mất thì giờ xen vào công tác riêng của cán bộ Cộng Sản?! Tôi tưởng cái cần chính là lòng can đảm và sự trung trực của người viết Sử xuất thân thời VNCH, bất chấp áp lực của chính trị hay của tinh thần bè phái mới phải?!


Nhân đây, nếu ai có dịp theo dõi ngành lịch sử sử học tại Hà Nội sẽ thấy giới Sử Học thuộc Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam ngày nay đã "đổi mới" khá sâu rộng. Họ đã từng bước xa lià chủ đích "thông tin tuyên truyền" trong thời chiến và muốn tiếp cận các sự kiện xảy ra trong quá khứ. Họ đã và đang "đổi mới khi ra biển lớn," nói theo cách nói của ông Dương Trung Quốc, một cán bộ chỉ đạo của Hội kiêm Tổng Biên Tập chuyên san Xưa & Nay.


"Biển lớn" đây chính là ngành sử học của thế giới văn minh!


Ngược lại, thời điểm hiện tại tại hải ngoại đã khác. Xã hội tiêu thụ "hưởng trước trả sau" tại Hoa Kỳ khiến cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất bận bịu với nếp sống vội hàng ngày. Sinh hoạt văn hoá ngày càng nghèo nàn vì ít ai còn thì giờ cho những hoạt động tinh thần. Nhà sách lần lượt biến mất, các công ty sản xuất băng nhạc và video nếu không muốn khánh tận phải đổi hướng quy cố hương, cổ vật qúi hiếm của dân tộc Việt trong các cuộc đấu giá quốc tế vào tay người ngoại quốc, sách xuất bản chỉ chờ khổ chủ biếu tặng...


Do đó, ngày càng nhiều tác giả quay về Việt Nam. Điển hình là Nguyễn Duy Chính. Trong hai năm 2016-17, bốn nhà xuất bản khác nhau trong nước đã in cho ông ta mười (10) quyển với khoảng 4,500 trang. Đó là các nhà xuất bản Văn Hoá Văn Nghệ, nxb Hội Nhà Văn, nxb Hà Nội, và nxb Khoa Học Xã Hội. Nội dung những tác phẩm của Nguyễn Duy Chính thuần về thế kỷ XVIII hay trước đó, cụ thể và nhiều nhất là thời Quang Trung chứ không bàn về Việt Nam hiện đại.


 


Sách của tác giả Nguyễn Duy Chính không phải là không có những chi tiết tốt đẹp về Việt Nam ngày nay. Nhưng đây là sự ca tụng kín đáo, so với điều kiện lộ liễu và nặng nề mà mấy năm về trước, tác giả Tạ Chí Đại Trường phải chấp nhận để tác phẩm của ông được phép in tại Việt Nam. Hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, theo tôi, là một sự điều chỉnh đáng ghi nhận.


Không chỉ có Nguyễn Duy Chính về Việt Nam in sách, mà còn có Bùi Minh Đức về ngôn ngữ, Nguyễn Văn Trung về văn học, Phạm Đỗ Chí, Lê Xuân Khoa về kinh tế, Võ Hương An về sử, Ái Vân, Khánh Ly, Vũ Thành An về âm nhạc, Du Tử Lê về thơ, rồi Trần Kiêm Đoàn, Hoàng Nguyên Nhuận tức Hoàng Văn Giàu... Và tôi tin rằng còn thêm một số người nữa đang và sẽ có sách in tại Việt Nam. Điều đáng tiếc là không phải ai trong số những người gốc Việt tại Hoa Kỳ về Việt Nam in sách cũng giữ được tư cách!


Ngược với sinh hoạt nghèo nàn và ít ỏi tại hải ngoại, sinh hoạt sách báo trong nước hiện rất nhộn nhịp. Hàng năm, trong nước có nhiều Hội Sách và Triển Lãm Sách mở ra ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, mỗi lần có hàng 5, 3 ngàn người tham dự. Hình ảnh chen chân đông đảo của những cháu bé, những cụ già, những học sinh sinh viên, những thanh niên nam nữ, những bà mẹ dắt con đi xem sách, đọc sách, và mua sách là những hình ảnh đẹp mà tôi không hề thấy tại Hoa Kỳ.


TRẦN ANH TUẤN


2017-cập nhật 22.4.2020


Chú thích riêng của TAT:


1.      Tôi dùng hai chữ “tiến chiếm” thay vì “đánh chiếm” vì bộ đội Bắc Việt có giao tranh đâu mà “đại thắng mùa Xuân?” Một bên cứ rút chạy, và một bên tiến vào tiếp thu, thế thôi! Và hiện tượng duy nhất chỉ xảy ra một lần trong suốt 2,000 năm lịch sử quân sự của dân tộc Việt -tính từ thời Trưng Nữ Vương (40-43) đến nay-, là có 23 viên tướng bỏ hàng quân mà cao chạy xa bay trong biến cố 30.4.1975, gồm 2 đại tướng, 16 trung tướng, và 5 thiếu tướng. Phải nói rõ là trong Quân Lực VNCH 1955-1975, chỉ có tướng hèn chứ hàng tá hàng úy và hàng quân không hèn!
2.     Ải Nam Quan là Ải của nước Nam, không phải Ải phía Nam, cũng như Nam Hải không phải là Biển phía Nam mà là Biển của nước Nam. Ngày xưa các trí thức Nho học rất sâu sắc nên ngày nay không phải ai cũng hiểu được ý của tiền nhân. Nước nguyên là Nam Việt, tên do vua Gia Long khi sang cầu phong với Tàu và bị Tàu đổi ngược thành Việt Nam để tránh quốc hiệu Nam Việt vốn bao gồm cả những phần đất đã bị nước Tàu xâm chiếm. Quốc hiệu Đại Nam và Đại Việt cũng từ Nam Việt mà ra. Học giả Huỳnh Sanh Thông sang Mỹ từ năm 1948, giáo sư đại học Yale, từng đoạt giải Thiên Tài MacArthur (Genius Award) năm 1987 nhưng vì không rành Việt Học nên đã dịch Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư thành The Southern Emperor rules the Southern Land. Xin xem bài “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam” của tác giả Đàm Trung Pháp.