Hoàng Chí Hiếu: Vì sao Tầu đánh VN 1979? / Phạm Chí Dũng: “Phá đám” không cho VN gần Mỹ?

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 18142)

image067-content 

Vì sao TQ tấn công Việt Nam năm 1979?

TS Hoàng Chí Hiếu

Gửi tới BBC từ Huế

BBC - thứ bảy, 15 tháng 2, 2014

image068

Dân quân tỉnh Quảng Tây hỗ trợ cuộc tấn công Việt Nam năm 1979

Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 có thể xuất phát từ tưởng tượng của Bắc Kinh về nguy cơ bị bao vây bởi “vòng cung chữ C” trong lúc đường biển ra thế giới chưa được Mỹ dỡ bỏ.

Từ nửa sau thập niên 70 của thế kỉ 20, bước ra khỏi Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc tập trung vào thực hiện Bốn hiện đại hóa, đẩy mạnh chống Liên Xô và thúc đẩy quan hệ chiến lược với Mỹ, Nhật và Tây Âu nhằm tranh thủ vốn và kĩ thuật.

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan

Tuy quan hệ với Mỹ đang đi đến chặng cuối của tiến trình bình thường hóa song cửa ra thế giới bằng đường biển của Trung Quốc còn bị bịt chặt. Từ Alaska xuống Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và Singapore là chuỗi dài căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh Mỹ.

Đó là chưa kể sự hiện diện bước đầu của hải quân Liên Xô tại cảng Cam Ranh là mối đe dọa thường trực đối với hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.

Vòng cung bao vây

Trên đất liền, với chiều dài 22.143,34 km, tiếp giáp với 11 quốc gia, ngoại trừ Pakistan có quan hệ tốt, phần lớn đường biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Liên Xô và đồng minh Liên Xô như Mông Cổ, Ấn Độ và Việt Nam, khiến Trung Quốc không khỏi suy tưởng về một hình thế bị bao vây bởi một vòng cung lớn hình chữ C.

Điểm khởi đầu của vòng cung này là biên giới Liên Xô - Bắc Triều Tiên, chạy xuyên suốt lãnh thổ Liên Xô ở châu Á, băng qua Mông Cổ, vòng theo đường biên giới phía Tây của Trung Quốc xuống Nam Á, qua Đông Nam Á đến điểm cuối là Việt Nam.

image069-content

Đặng Tiểu Bình gặp lại Jimmy Carter năm 1987 nhưng từ 1978-79 trước đó, Bắc Kinh đã có quan hệ thắm thiết với Washington

Mối nguy cơ bị Liên Xô bao vây của Trung Quốc ngày càng tăng, nhất là trước những diễn biến ở Afghanistanvà Campuchia trong những năm 1978-1979.

Ở Afghanistan, dưới sự hậu thuẫn của Liên Xô, ngày 27-4-1978, Đảng PDPA Mác-xít lật đổ chính quyền độc tài Daoud, lập nhà nước Cộng hòa Dân chủ Afghanistan.

Tháng 5-1978, chính phủ Kabul ký kết thỏa thuận với Moskva về việc gửi 400 cố vấn quân sự Liên Xô tới Afghanistan. Tháng 12-1978, Moskva và Kabul ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương cho phép quân đội Liên Xô triển khai trong trường hợp có sự yêu cầu từ phía Cộng hòa Dân chủ Afghanistan.

Viện trợ quân sự Liên Xô gia tăng và chế độ PDPA dần lệ thuộc vào các thiết bị quân sự và cố vấn Liên Xô.

Ở Campuchia, sau khi lên cầm quyền (tháng 4-1975), lực lượng Khmer Đỏ một mặt thực thi chính sách “tự diệt chủng” ở trong nước, mặt khác tiến hành cuộc chiến tranh chống các nước láng giềng, trong đó tập trung vào Việt Nam.

Với thiện chí hòa bình, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột bằng con đường thương lượng hòa bình song phía Campuchia Dân chủ tìm mọi cách khước từ.

Điều đáng nói là hành động chống Việt Nam trên đây của phe Khmer Đỏ là nhờ có được sự hậu thuẫn tích cực của Trung Quốc.

Thời kì “đu dây” giữa Liên Xô và Trung Quốc của Việt Nam không còn nữa.

Việt Nam buộc phải có sự lựa chọn. Trước những sức ép từ phía Trung Quốc, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế (6-1978) và kí kết hiệp ước hữu nghị toàn diện với Liên Xô (11-1978).

Ngày23-12-1978, cuộc chiến tranh trên biên giới Tây Nam nổ ra. Ngày 7-1-1979, quân đội Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh.

Trước những diễn biến ở Afghanistan và Campuchia, Trung Quốc không thể không lo ngại. Trong nỗ lực xích lại gần Mỹ, Trung Quốc ngày càng mâu thuẫn sâu sắc với Liên Xô.

image070

Sự kiện Liên Xô đưa quân vào Afghanistan đã thay đổi cục diện quân sự châu Á

Với việc Liên Xô gia tăng ảnh hưởng ở Afghanistan, Ấn Độ từ sau Chiến tranh 1962 với Trung Quốc và cuộc chiến 1971 với Pakistan đã ngả hẳn về Liên Xô để đối đầu với Trung Quốc và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Bangladesh.

Cùng lúc, Việt Nam đưa quân sang Campuchia và có những va chạm trên biên giới với Thái Lan khi truy kích quân Khmer Đỏ, dường như đối với Trung Quốc, các gạch nối của “vòng cung chữ C” đã dần được khép kín.

Để phá bỏ “vòng vây” đó, Trung Quốc tiến hành hàng loạt bước đi.

Mục tiêu chiến lược

Khi sức mạnh quân sự không đủ để đối đầu với Liên Xô thì việc chọn Việt Nam là đối tượng thích hợp và nếu thắng được Việt Nam, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều mục tiêu chiến lược.

Ngày 7-12-1978, Quân ủy Trung Quốc thông qua quyết định tấn công Việt Nam.

Ngày 17-2-1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Đến ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18-2 thì rút hết.

Trước tình hình đó, với tư cách là siêu cường đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, không như cam kết tại Điều 6 của Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác Liên Xô - Việt Nam, ngoài việc ra tuyên bố lên án hành động xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, phía Liên Xô thực hiện cuộc tập trận trên biên giới với Trung Quốc, cử đoàn chuyên gia quân sự đến Hà Nội, viện trợ khẩn cấp một số vũ khí, lập cầu hàng không vận chuyển Quân đoàn II từ Campuchia về, điều động các tàu chiến đến Biển Đông.

Tương tự như đối với cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, sự can thiệp của Liên Xô chỉ dừng lại ở những hành động mang tính hỗ trợ mà không phải là sự tham chiến như phía Việt Nam mong muốn hay như Trung Quốc chờ đợi.

image071

Trung Quốc vẫn tôn thờ Đặng Tiểu Bình và đang quyết tâm hiện đại hóa quân đội

Giới hạn của lợi ích dân tộc đã giữ Liên Xô dừng lại ở đó.

Như vậy, trên thực tế, mức độ can thiệp của Liên Xô vào cuộc chiến mà Trung Quốc phát động là không lớn như giới cầm quyền nước này đã lầm tưởng.

Cái giá phải trả cho nhận thức sai lầm của Trung Quốc là quá lớn bởi những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tuy nhiên, nó mang lại hệ quả tích cực cho quốc gia này là xóa bỏ được mối lo ngại về nguy cơ bị bao vây từ phía Liên Xô, để từ đó tập trung nỗ lực vào thực hiện công cuộc cải cách, mở cửa và nhanh chóng đạt được những thành tựu lớn lao.

Bài viết thể hiện quan điềm riêng của tiến sỹ Hoàng Chí Hiếu, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế.

 

RFI - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 14 Tháng Hai 2014

Có chiến dịch “phá đám” không cho Việt Nam xích gần phương Tây ?

image072

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.

DR

Thụy My

Trong thời gian gần đây trên mạng lại ồn ào lên một số vụ việc trấn áp các nhà hoạt động dân chủ, sách nhiễu giới tôn giáo tại Việt Nam, thậm chí việc kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc lúc Trung Quốc xua quân sang xâm lược Việt Nam ngày 17/02/1979 cũng ít thấy các tờ báo chính thức đề cập. RFI Việt ngữ đã mời nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh, một nhà quan sát thời sự cẩn trọng phân tích về vấn đề này.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, gần đây có một loạt các sự kiện xảy ra, chẳng hạn như bản thân anh bị ngăn chận không cho đi Thụy Sĩ dự hội thảo, rồi việc bắt ông Nguyễn Bắc Truyển, hay sách nhiễu nhà thờ Thái Hà…Phải chăng chính quyền đang có những dấu hiệu cứng rắn hơn ?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Để đánh giá vấn đề này, chúng ta cần phải nhìn lại biện chứng lịch sử của năm ngoái. Quả là ngay sau Tết nguyên đán năm 2014, đã nổi lên một loạt sự kiện không bình thường và có thể nói là rất, rất không bình thường. Tôi thống kê có năm vấn đề như vậy.

Thứ nhất là việc ngăn chận tôi đi Thụy Sĩ dự một hội thảo về nhân quyền với tư cách một diễn giả chính thức, khách mời của tổ chức UN Watch Liên Hiệp Quốc. Hoàn toàn chính danh, không có lý do nào để ngăn cản tôi.

Sự kiện thứ hai là như đài RFI vừa nhắc, là việc bắt ông Nguyễn Bắc Truyển – một cựu tù nhân lương tâm và 24 tiếng đồng hồ sau thả ra, với một lý do không đâu vào đâu liên quan tới vấn đề công nợ. Nhưng thật lạ lùng là một người bị tình nghi chỉ vì vấn đề công nợ thôi, mà lại bị hàng trăm công an và những côn đồ mặc thường phục xông vào nhà đè xuống, bịt mắt, đấm đá, quẳng lên xe thùng chở đi và di lý tới cả trại giam Chí Hòa ở Saigon.

Liên quan đến trường hợp Nguyễn Bắc Truyển, chúng ta đều biết là chị Bùi Hằng – một người thân của anh Truyển đến đòi thả anh và những người khác, đã bị bắt giam cùng một số người. Có thể nói là họ bị câu lưu vô cớ, và nghe nói là bị đánh đập.

Sự kiện thứ ba là cùng lúc diễn ra việc công an lọt vào nhà thờ Thái Hà, và có hành vi mang tính chất sách nhiễu đối với linh mục và giáo dân, đến mức linh mục phải rung chuông báo động và giáo dân phải kéo đến chi viện đồng thời đóng cổng. Cuối cùng công an phường khu vực đó đã phải ngỏ lời xin lỗi thì mới được ra về.

Đồng thời có một sự việc nữa rất vô lý và vô cớ, là nhà ông Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ, Quảng Nam bị một số côn đồ mặc thường phục ném gạch đá vào, gia đình ông đã phải kêu cứu. Chúng ta nhớ rằng mới tháng 12 năm ngoái thôi, ông Huỳnh Ngọc Tuấn đi cùng với một đoàn anh em tới thăm gia đình tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội ở khu vực Hà Nội, thì ông Tuấn đã bị công an khu vực đánh. Nghe nói là gãy xương ức, có cả hình chụp X quang.

Sự việc cuối cùng xảy ra là đã không có một lễ tưởng niệm nào cho ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam, ngày 17 tháng Hai sắp tới. Trong khi đó mới tháng Giêng thôi, sự việc tưởng niệm Hoàng Sa trước đó đã được thống nhất là cho Đà Nẵng tưởng niệm. Đà Nẵng đã hoàn thành đến 99% toàn bộ công trình, nhưng đến giây phút cuối cùng bị ngăn lại. Còn lần này có một sự dứt khoát, từ một chỉ thị mật nào đó của Ban Tuyên giáo trung ương là các báo không được đưa tin. Mới đây thôi, tờ Một Thế Giới đã phải gỡ bài đưa tin kỷ niệm ngày 17 tháng Hai xuống. Trong khi đó các báo khác gần như lắng tiếng.

Mặc dù ông Nguyễn Thế Kỷ là trưởng ban Tuyên giáo trung ương gần như thề thốt với đài BBC rằng ông không biết gì về chuyện ra lệnh để ngưng những bài báo kỷ niệm ngày 17 tháng Hai, nhưng dư luận cho rằng đây là việc đã xảy ra tới một trăm lần, nhiều đến mức người ta không còn tin vào bất kỳ lời lẽ của một quan chức tuyên giáo nào ở Việt Nam.

RFI : Những động thái này có vẻ không phù hợp với việc Việt Nam đang giữ một chiếc ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ?

Chỉ sau ngày Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR) đối với Việt Nam tại Thụy Sĩ 5/2 mới vừa qua thôi, thì tình hình vi phạm nhân quyền lập tức nóng lên, và nóng lên một cách bất thường.

Điều đó làm cho tôi nhớ lại vào tháng Chín năm ngoái cũng đã xảy ra một loạt vụ việc vi phạm nhân quyền, liên quan tới khá nhiều tôn giáo như Cao Đài, Tin Lành, Công giáo ở Mỹ Yên cũng xô xát dữ dội. Và cũng có cả những dấu hiệu gần tương tự như vụ Nguyễn Bắc Truyển vừa rồi ở Đồng Tháp, xảy ra ở nhà ông Nguyễn Tường Thụy – một nhà văn đồng thời là blogger ở Hà Nội.

Khi đó gia đình Phương Uyên ra chơi Hà Nội, đến thăm ông Nguyễn Tường Thụy, thì đột ngột vào buổi tối trước khi gia đình chuẩn bị lên máy bay về Saigon, có khoảng hai chục công an và côn đồ nhào vào nhà bắt họ đi và đánh đập khá tàn nhẫn. Bắt một cách vô cớ, nhưng sau sáu tiếng đồng hồ thì thả ra, cũng không đưa ra một lý lẽ nào đủ thuyết phục.

Điều đó làm rùm beng công luận kể cả báo đài quốc tế. Và dường như có một sự cố ý để làm rùm beng như vậy, thông tin cho báo đài quốc tế để quốc tế thông tin lại cho dư luận trong nước, khuấy động dư luận quốc tế, tạo ra phản ứng đáng kể của phương Tây đối với Việt Nam về vấn đề vi phạm nhân quyền.

Thì lần này cũng vậy. Sự việc bắt và thả Nguyễn Bắc Truyển chỉ vì vấn đề công nợ, và sau đó bắt Bùi Hằng cùng một số người khác cũng đang gây ra một làn sóng phẫn nộ khác từ giới chức quan ngại về vấn đề nhân quyền của phương Tây.

Hai thời điểm tháng Hai năm nay và tháng Chín năm ngoái lại có một điểm chung liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vào tháng Chín năm ngoái, nếu tôi nhớ không lầm thì những vụ việc vi phạm nhân quyền xảy ra trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 18 cấp bộ trưởng tại Brunei về vấn đề TPP. Còn lần này vào cuối tháng Hai, theo dự kiến sẽ diễn ra cuộc đàm phán vòng thứ 21 cấp bộ trưởng, cũng về TPP.

Một điểm nữa không thể không nói tới, là tháng Chín năm trước, cùng với sự việc sắp diễn ra vòng đàm phán về TPP tại Brunei, cũng là một chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới New York, gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, và cũng đề cập tới vấn đề TPP.

RFI : Còn lần này thì sao, thưa anh ?

Có lẽ người ta cũng đang đặt dấu hỏi đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vì ngay từ đầu năm, chính Thủ tướng đã đưa ra một thông điệp , khác hẳn với các thông điệp của các nguyên thủ khác ở Việt Nam từ trước đến nay, liên quan tới những cụm từ « nắm chắc ngọn cờ dân chủ », « Nhà nước kiến tạo phát triển », kể cả « người dân có quyền được làm những gì mà pháp luật không cấm ».

Như vậy sau hai sự biến từ tháng Chín năm ngoái cho tới tháng Hai năm nay có một điểm chung liên quan tới TPP, và có lẽ cũng có một điểm chung liên quan tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì không thể tránh được việc dư luận đang rất hoài nghi. Và còn hơn nữa là nghi ngờ, liệu những hành vi được coi là vi phạm nhân quyền vừa rồi của một số giới chức ở các địa phương và ngay tại Hà Nội, là chỉ vì thái độ phản kháng đối với nhân quyền, hay còn lý do nào khác ?

Một khả năng mà dư luận cũng đang đặt ra, là liệu có đang diễn ra một chiến dịch của một lực lượng nào đó, ngăn trở một lực lượng khác ? Có dư luận còn cho cụ thể hơn : liệu đó có phải là một chiến dịch của lực lượng được gọi là phe bảo thủ, để cản trở phe lợi ích trong việc ngả về phương Tây, xích lại gần hơn với phương Tây hơn ?

Gần đây, sau Tết lại có một vài dấu hiệu nóng lên, liên quan tới chính trường Việt Nam, đặc biệt là liên quan tới vụ xử án Dương Chí Dũng trước Tết. Và nếu như lời khai của ông Dương Chí Dũng được điều tra nghiêm túc thì có nhiều khả năng là cả con trai của ông Phạm Quý Ngọ là Phạm Mạnh Hùng sẽ bị truy tố về tội danh môi giới hối lộ.

Ngoài ra dư luận Việt Nam trong những ngày qua cũng rất quan tâm tới một sự việc dường như có vẻ đứng bên lề tất cả những sự kiện chính trị, nhưng lại có mối liên hệ không thể đặc biệt hơn với những sự kiện chính trị. Đó là việc khai trương nhà hàng McDonald's của ông Nguyễn Bảo Hoàng. Vietnamnet là một trong những tờ báo ăn khách nhất Việt Nam, thậm chí có truyền thống, uy tín nữa, mà lại đăng một bài về ông Nguyễn Bảo Hoàng « Lý lịch trong sáng, sự nghiệp huy hoàng ».

Riêng về « sự nghiệp huy hoàng » của ông Nguyễn Bảo Hoàng thì giới doanh nhân có thể ở chừng mực nào đó chấp nhận được. Nhưng tựa đề « lý lịch trong sáng » có lẽ là một tựa đề rất lạ. Vì « lý lịch trong sáng » thường chỉ đặt ra trong nội bộ, trong việc xét nhân thân, tổ chức hoặc là kỷ luật mà thôi. Việc một tờ báo phải đưa « lý lịch trong sáng » của một người không phải là đảng viên lên trên mặt báo, là để thanh minh, hay để làm gì ?

Chúng ta có lẽ nên nhìn lại lời bình của giới quan sát ở phương Tây : việc con rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tức nhà kinh doanh Nguyễn Bảo Hoàng vừa khai trương McDonald's, như một dấu hiệu cho thấy quyền lực của ông Dũng vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam. Tham vọng phát triển kinh doanh của ông Nguyễn Bảo Hoàng có thể xem là một chỉ dấu cho thấy rằng trong cuộc chạy đua quyền lực nước rút 2014, giữa ông Dũng và bộ sậu chính trị còn lại ở Việt Nam, không có gì là khó khăn với ông.

Việc tiếp tục phát triển mạnh mẽ các thương hiệu của con rể ông Dũng, như báo Forbes, quỹ đầu tư IDC Venture ở Việt Nam, và nay là thương hiệu McDonald cho thấy ông Dũng và các thành phần thân cận hoàn toàn tự tin vào một tương lai chính trị của mình.

Còn về phía người dân, trên thực tế hình ảnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam nghiêng về phương Tây vẫn làm cho họ thú vị hơn là đồng minh với Trung Quốc – dù chỉ là thức ăn nhanh McDonald's.

RFI : Trở lại với việc anh bị ngăn chận không cho đi Thụy Sĩ, bây giờ nhìn lại anh có thể lý giải như thế nào ?

Sau khi tôi bị ngăn chặn ở sân bay thì đã có dư luận nhiều chiều. Một luồng dư luận đánh giá có lẽ là người ta e ngại vấn đề nhân quyền nên ngăn chận tôi, e ngại « sẽ bị những thế lực thù địch lợi dụng » ở Thụy Sĩ. Nhưng cũng có một luồng dư luận không đồng ý quan điểm đó. Họ thấy hình như có một bàn tay kín đáo đã sắp xếp việc này. Họ cho đó là một thế lực không muốn Việt Nam có khuynh hướng xích lại gần phương Tây.

Vậy thế lực đó là ai ? Và dư luận còn cho rằng đó là một thế lực khoác một cái áo phá đám phương Tây, thường gây rối trong thời gian qua. Sau đó tôi tự nhiên nghe được một luồng thông tin - dường như cố ý để đến tai tôi rằng, có một sự thống nhất giữa ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng về việc không cho tôi đi Thụy Sĩ.

Tôi ngạc nhiên, về hai khía cạnh. Một là tôi không nghĩ vụ việc của tôi lại lên tới tầm cỡ Bộ Chính trị. Thứ hai, nếu có lên tới tầm cỡ đó, thì ông Sang và ông Dũng phải cùng thống nhất với nhau – một việc đáng ngạc nhiên, nếu xét từ Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012 cho đến nay. Đó là một thông tin mà tôi thấy ngẫu nhiên, kỳ quặc và có vẻ cố ý.

Nhưng sau đó tôi lại nhận được một luồng thông tin khả tín, cho biết ông Trương Tấn Sang đã khẳng định ông hoàn toàn không biết gì về việc tôi bị ngăn chận ở sân bay, thậm chí còn nói rằng, trong một nền dân chủ pháp quyền như ở Việt Nam hiện nay, tôi có thể kiện về việc tôi bị ngăn chận.

Những thông tin này làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi cho rằng nếu ông Sang không biết gì về vụ việc của tôi, thì có lẽ ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không phải là người quá quả quyết, hoặc có lẽ cũng không có ý kiến gì trong việc ngăn chận tôi. Như vậy giả thiết ông Dũng và ông Sang bắt tay thống nhất không cho tôi đi Thụy Sĩ có vẻ không vững chắc, không có thật. Đó là những suy nghĩ của tôi về vấn đề cỏn con này.

RFI : Sắp tới sẽ xử phúc thẩm luật sư Lê Quốc Quân, theo dự đoán của anh phiên tòa lần này sẽ ra sao ?

Vụ việc của Lê Quốc Quân sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố. Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam có lẽ chúng ta cần nhìn lại biện chứng một chút. Vào tháng Chín năm ngoái, những vụ hành xử vi phạm nhân quyền của một số địa phương đã diễn ra trong ba tuần lễ liên tục.

Nếu quả thực có một thế lực nào đó can thiệp kín đáo và đạo diễn cho những vụ việc này, với động cơ không hẳn là nhắm vào nhân quyền, mà mượn nhân quyền để tạo ra những xung khắc, mâu thuẫn nội bộ, hạn chế đà luân chuyển của Việt Nam ngả về phương Tây, thì tôi cho rằng kỳ này cũng có thể như vậy. Tức là những vi phạm nhân quyền như vừa rồi có thể kéo dài hai tới ba tuần.

Chúng ta cần nhớ lại, tháng Chín năm ngoái cũng đã xảy ra năm, sáu vụ việc liên quan đến vi phạm nhân quyền, và thời gian vừa qua cũng xảy ra bốn, năm vụ. Vấn đề là thời gian diễn biến của các vụ này kéo dài bao lâu. Sau những vụ trong đầu tháng Hai này, liệu còn những vụ nào xảy ra ?

Có một điểm trùng hợp : những vụ vi phạm nhân quyền xảy ra vào tháng Chín năm trước, là trước chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt Nam khoảng hai tháng rưỡi. Còn những hiện tượng liên quan tới vấn đề nhân quyền vào đầu tháng Hai năm 2014, lại xảy ra trước chuyến đi của Tổng thống Barack Obama đến châu Á, cũng khoảng hai tháng đến hai tháng rưỡi.

Những điểm tương đồng khó mà bỏ qua được, và tôi cho là có liên quan mật thiết đến số phận của Lê Quốc Quân, vì ông sẽ được đưa ra xử phúc thẩm vào ngày 18/2. Cuối tháng Hai là thời điểm một cuộc đàm phán về TPP cấp bộ trưởng, nhưng cho tới nay vấn đề TPP gần như chưa ngã ngũ.

Theo một thông báo của Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos Hoa Kỳ mới đây, đòi trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Phước Hùng, họ nói thẳng ra là Việt Nam cần phải đạt được những tiến bộ có thể chứng minh, như lời của Ngoại trưởng John Kerry và ông Scott Bubby, thì lúc đó mới có thể thỏa mãn những điều kiện về TPP.

Vào lúc phiên xử sơ thẩm Lê Quốc Quân, vòng đàm phán Brunei đã kết thúc. Lúc đó tôi nhớ là lại có thêm một điều kiện nữa về nghiệp đoàn lao động do phía Mỹ đặt ra, mặc dù phái đoàn thường trực của Việt Nam nhận được một ưu ái là có ân hạn 5 năm trong việc cải cách các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng họ không làm sao có thể thỏa mãn được vấn đề nghiệp đoàn lao động và quyền được lập hội.

Lần này cũng vậy thôi. Cho tới nay vấn đề TPP gần như chưa được thỏa mãn một điều kiện nào từ phía Việt Nam. Mà nếu Việt Nam không đáp ứng được những yêu sách của các nước trong TPP và đặc biệt là Hoa Kỳ, thì làm sao có thể được chuẩn y một cách dễ dàng vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương, giống như lọt một cách dễ dàng vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Tôi cho rằng Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và TPP khác nhau hoàn toàn, đặc biệt giữa tính chính trị và tính kinh tế. Giữa cái « hữu danh vô thực » về mặt quyền lợi, và một điều rất thiết thân về quyền lợi đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang sa sút thảm hại như hiện nay.

Cho nên cùng với những dấu hiệu vi phạm nhân quyền của một số cơ quan, giới chức Việt Nam trong thời gian đầu tháng 2/2014, đặc biệt nổi lên ngay sau kỳ UPR tại Thụy Sĩ, tôi cho rằng khả năng đối với Lê Quốc Quân hiện nay, giữa kết quả xấu và kết quả tốt, là 50/50. Thậm chí có một chút nào đó nghiêng về khả năng xấu hơn.

Trước phiên xử phúc thẩm này cũng đã có một số thông tin cho rằng khả năng kết quả phúc thẩm có thể y án 30 tháng tù giam ; như vậy đó là một kết quả tồi ! Một kết quả thật không may mắn đối với Lê Quốc Quân. Nếu may mắn hơn, phải được như Phương Uyên, tức là trả tự do ngay tại tòa vào tháng 8/2013.

Cho nên nếu đưa Lê Quốc Quân ra xử ngay vào thời điểm này, tôi e rằng thế bất lợi thuộc về ông. Tốt nhất thời điểm xử Lê Quốc Quân nên dời lại vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm nay. Vì khi đó số phận của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương đối với Việt Nam có lẽ cũng đã rõ hơn, thậm chí sau chuyến đi châu Á của ông Obama, có thể có những kết quả được Việt Nam mong đợi đã xuất hiện.

Như lời của đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Lê Quốc Cường, mong rằng sẽ có kết quả tốt qua chuyến đi châu Á của Tổng thống Obama về vấn đề TPP đối với Việt Nam. Đồng thời vào khoảng giữa năm 2014 tôi cho là cũng có thể dứt điểm về vụ điều tra những tình nghi đối với ông Phạm Quý Ngọ, và với cả bầu Kiên nữa. Như vậy có thể đến lúc đó những điều kiện thuận lợi sẽ thuộc về Lê Quốc Quân nhiều hơn, và biết đâu đấy, trong một xu thế cởi mở hơn về mặt chính trị, thân thiện hơn đối với phương Tây, Nhà nước Việt Nam sẽ quyết định tha bổng Lê Quốc Quân.

RFI : Tóm lại, như dư luận vẫn thường nói, số phận của các nhà dân chủ ở Việt Nam chỉ là những con cờ để chính quyền mặc cả…

Dư luận rất hoài nghi, và bản thân tôi cũng không thể tránh được nghi ngờ. Có một sự thật hiển nhiên xảy ra trước Tết vừa rồi, là trường hợp ông Nguyễn Hữu Cầu – một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã ở tù ròng rã 38 năm. Chúng ta nhớ là Nelson Mandela ở Nam Phi chỉ có 27 năm thôi. Ông Nguyễn Hữu Cầu ở tù 38 năm, không biết còn được một chút sinh khí nào của con người hay không. Trước Tết vài tuần, gia đình ông Cầu được thông báo là ông sẽ được về, nhưng mãi đến sát thời điểm giao thừa, cả nhà tuyệt vọng. Những người thân và hàng xóm mô tả là gia đình không cầm được nước mắt, vì không thấy người thân của mình sau 38 năm được trở về nhà như lời hứa hẹn của công an.

Như vậy nghĩa là sao ? Dường như có những động thái không trùng khớp với nhau, thậm chí mâu thuẫn hoàn toàn trong việc định đoạt số phận của ông Nguyễn Hữu Cầu. Người ta cũng cho rằng có thể một ai đó, hoặc một số ai đó muốn thả ông Cầu, nhưng sau đó một ai đó hoặc một số ai đó khác lại không muốn thả.

Và tại sao lại không muốn thả ông Nguyễn Hữu Cầu ? Ông không còn sức nữa, vậy thì họ muốn giữ ông để làm gì ? Và cũng không thể tránh được một dư luận đồn đoán lâu nay là dường như ở Việt Nam đang tồn tại một thứ tài nguyên rất đặc thù, đó là tài nguyên nhân quyền. Đây là một thứ tài nguyên chỉ dùng để trao đổi trên bàn đàm phán, đổi lấy những lợi ích kinh tế.

Một luồng dư luận nữa đánh giá sâu sắc hơn, trong những liên đới lịch sử cận đại của Myanmar. Nếu vào đầu năm 2011 Myanmar vẫn còn tồn đến gần 300 tù chính trị, thì trong suốt năm 2011, 2012 và 2013, chế độ của ông Thein Sein đã liên tục thả các tù chính trị, và đến cuối 2013 là thả sạch, không còn một tù nhân lương tâm nào.

Đổi lại, Myanmar được gì ? Được Câu lạc bộ Paris xóa nợ 6 tỉ đô la, Nhật Bản cũng xóa nợ gần 2 tỉ đô la, và gần đây nhất là Đức xóa nợ 500 triệu đô la v.v…Họ có những quyền lợi kinh tế đổi lại rất lớn, và cái để trao đổi chính là tài nguyên nhân quyền.

Người ta cho là chẳng lẽ giờ đây một số lãnh đạo nào đó của Việt Nam đang sử dụng thủ pháp của Myanmar hay sao ?

RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng dành thì giờ phân tích về tình hình gần đây tại Việt Nam./

RFI - Thứ năm 13 Tháng Hai 2014

Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP củng cố an ninh khu vực

 

image073

Các nước thành viên Trans-Pacific Partnership (TPP) trong lần gặp tại Chilê (Gobierno de Chile)

Lưu Tường Quang / Tú Anh

Liệu vòng đám phán cuối cùng tại Singapore kể từ ngày 22/02/2014 tới đây sẽ đạt được thỏa thuận Đối tác chiến lược Xuyên Thái Bình dương Trans-Pacific Partnership TPP mà nhiều nước mong đợi ? Xuất phát từ sáng kiến của ba nước Chi lê, New Zealand và Singapore năm 2002, Hiệp định này đã được 12 nước tham gia đàm phán trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Việt Nam nhưng vì sao không có Trung Quốc ?

TPP là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình dương mà thỏa thuận đầu tiên được ký kết giữa bốn quốc gia thành viên sáng lập và Singapore, Chi lê, New ZealandBrunei vào năm 2005. Đến năm 2010, năm nước khác gồm Mỹ, Việt Nam, Malaysia, Pêru và Úc tham gia vòng đàm phán và cuối năm 2011 ba quốc gia Nhật Bản, Mêhicô và Canada nhập cuộc. Danh sách không dừng lại ở đây nhưng điều chắc chắn là Trung Quốc không gia nhập ít ra là không có dấu hiệu tích cực nào từ Bắc Kinh.

Hiệp định ký kết lần đầu vào năm 2005 dự kiến xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các thành viên kể từ 2015. Qua rò rỉ thông tin, giới quan sát biết được từ khi Hoa Kỳ nhập cuộc đàm phán thì có thêm lãnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được nổi cộm lên làm những quốc gia có tiếng đánh cấp tác quyền của người khác khó mà chấp thuận.

Vì tất cả các đợt thương lượng kể cả vòng cuối cùng hồi tháng 12 năm 2013 đều được giữ kín nên khó thể dự đoán, nhưng theo tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura vào thời điểm đó thì Nhật mong nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Trong khi chờ đợi vòng đám phán Singapore, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cho phép thông qua hiệp định TPP « bằng thủ tục nhanh chóng ». Từ Hà Nội, truyền thông Việt Nam (Vietnamplus) ngày 12/02/2013 dự báo nông phẩm Việt Nam sẽ được nhiều lợi thế để xuất khẩu trong vùng tự do mậu dịch trải dài trên 12 nước ở hai bờ Thái Bình Dương.

Tháng 12 năm ngoái, một đại biểu quốc hội Việt Nam là ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban pháp luật thông báo là sẽ ra luật về lập hội và về biểu tình để hội nhập vào TPP. Như vậy, tôn trọng nhân quyền cũng là điều kiện mà mọi thành viên TPP phải tuân thủ. Trên bàn cờ địa lý chiến lược này, ngoài « tự do thương mại » TPP còn có vai trò tiềm ẩn nào khác ?

Theo nhiều nhà phân tích, TPP còn là một vũ khí chiến lược trong chính sách « chuyển trục » đang được tiến hành, như tuyên bố của (cựu) Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước đây. Giáo sư Michael T. Klare, đại học New Hampshire nhận định « Lầu năm góc tiến về Thái bình dương với TPP để ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc ».

Theo phân tích của nhà báo Lưu Tường Quang thì trong thế trận Châu Á Thái bình dương, Hoa Kỳ giữ vai trò chủ động : « Hoa Kỳ không vĩnh viễn cô lập hóa Trung Quốc ra khỏi tổ chức TPP nhưng đây là cơ hội làm áp lực để Trung Quốc cải tổ. Nếu Trung Quốc đứng ngoài TPP, thì Hoa Kỳ là cường quốc lớn nhất trong TPP còn nếu Trung Quốc gia nhập thì phải tuân thủ những điều kiện mà Hoa Kỳ đặt ra thì cũng có lợi cho Hoa Kỳ ».

Còn Việt Nam, một khi là thành viên TPP, chế độ hiện nay sẽ phải cải cách toàn diện để giành lợi thế cho đất nước và « để lại một di sản tích cực cho các thế hệ mai sau ». RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney :

28 Tháng Sáu 2015(Xem: 15252)
Ông Austin dẫn nguồn báo cáo hôm 13/5 của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear, người từng làm đại sứ ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam hiện giữ 48 đảo, bãi can thực tế còn Trung Quốc chỉ chiếm 8 thực thể.
25 Tháng Sáu 2015(Xem: 16492)
Trong một bài viết gửi BBC mới đây bàn về TPP và Việt Nam, luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nhận định về điều ông gọi là “về quyền lợi kinh tế thì Mỹ dùng quyền lợi TPP ảnh hưởng tầng lớp lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cột chặt họ với những quyền lợi của tư bản Hoa Kỳ, biến “tư bản đỏ thành tư bản xanh”.
23 Tháng Sáu 2015(Xem: 15706)
- "Tuần trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "sắp hoàn thành" hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa. Trong đó bao gồm hai đường băng và ít nhất là 1 trong số đó phù hợp cho mục đích quân sự. Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3 km, đủ dài cho J-11 hạ cánh." - "Lần đầu tiên máy bay trên tàu sân bay Trung Quốc, J-15 có thể được nâng cấp, đủ để thách thức F-18 của Hoa Kỳ, nhưng loại chiến đấu cơ chủ lực của Trung Quốc J-11 và các biến thể của nó không thể cạnh tranh với F-22 và F-35 của Mỹ"
19 Tháng Sáu 2015(Xem: 17261)
Ts Phùng Liên Đoàn: "Vì vậy, kính thưa quí vị, tôi xin tuyên bố ngày hôm nay trước quí vị là vợ chồng tôi là những cá nhân khiêm tốn giống như trăm ngàn người khác nhưng muốn đóng góp tài sản của mình là 3 triệu USD để làm vốn khuyến khích bè bạn gần xa hoạt động giúp nhiều người Việt Nam thực hiện Giấc Mơ Việt Nam."
14 Tháng Sáu 2015(Xem: 19843)
- "Khi Nguyễn Ánh phát động chiến tranh chống lại nhà Tây Sơn, ngài đã dựa vào hai thế lực ở nước ngoài. Đó là lực lượng của người Tây phương và lực lượng người Trung Hoa. Đứng đầu lực lượng Tây phương phò Nguyễn Ánh là đức giám mục Bá Đa Lộc. Nguyễn Ánh gặp giám mục Bá Đa Lộc khi ngài bôn tẩu ở Vọng Các, kinh đô của Xiêm La, tức Thái Lan. Từ đó, mối quan hệ của hai nguời trở nên mật thiết..." - "Năm 1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và chọn Phú Xuân làm kinh đô. Đến đời Minh Mạng cố đô Thăng Long đổi thành Hà Nội..."
09 Tháng Sáu 2015(Xem: 15586)
- Tuần Văn hóa – Lễ hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013: lễ dâng hương tưởng niệm 584 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc – Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn tại đền thờ Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch) (ngày 23/3); lễ hội Tây Thiên sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/3 tại đền Thỏng và đền Thượng (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo). Các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như: hát soọng cô, hát chèo, hát văn, thi làm bánh chưng, bánh dày… Ảnh bên: đền thờ Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn. - Hiện nay truyền thông trong nước chạy tít: “Vĩnh Phúc chi 300 tỷ xây Văn Miếu là có lỗi với mai sau…”. Báo chí trong nước dẫn lời ông Trần Mạnh Định - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết rằng trong quá trình xây dựng đã có một số tranh cãi về việc thiết kế, bài trí thờ tự bài vị Khổng Tử.
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 14848)
"Trong bài này, tôi chỉ muốn nêu lên ngộ nhận của tác giả Trần Trung Đạo trong tấm hình để một cách diễn giải chệch đi, và về ngôn ngữ quy chụp “tôn thờ tội ác” cho một sự kiện ở quê ông Hồ"
31 Tháng Năm 2015(Xem: 15008)
Nhân hội-nghị hàng năm về quốc-phòng Đông-Nam-Á Shangri-La bắt đầu hôm nay, 29/5, ở Singapore mà trọng-tâm chắc chắn là tình-hình ngày càng gây cấn ở Biển Đông, tưởng cũng nên nhắc lại sự đóng góp rất ý nghĩa của các xã-hội dân-sự Việt-Phi tại Hội-nghị Manila về Biển Đông hồi tháng 3 năm nay và mấy kết-quả ban đầu của hội-nghị đó.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 14393)
"Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21 nói không nắm rõ tình hình, ngày 22 cũng chỉ bày tỏ "vô cùng bất mãn" với hành động của Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì không công bố thông tin nào về việc theo dõi, ngăn chặn máy bay Mỹ như cuộc khủng hoảng vùng nhận diện phòng không Hoa Đông năm 2013."
18 Tháng Năm 2015(Xem: 16180)
KHD: "Nếu mình không thắng họ được thì hãy theo họ đi.” Nói như vậy không khác chi là khuyên người ta “hãy treo cờ trắng lên để đầu hàng"... NQD: "Luật sư Đài nhận định “nội lực” của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam còn rất yếu. Theo tôi, chính vì nội lực còn yếu nên những người đại diện cần phải hết sức cân nhắc đưa quyết định khi vấn đề còn trong vòng tranh luận." Nếu tôi là một trong các đại diện, khi ông Tom Malinowski đề nghị “bỏ phiếu bầu” tôi đã tránh “trò chơi” lợi thì ít mà hại thì nhiều này bằng bốn cách:"
12 Tháng Năm 2015(Xem: 26010)
"Hồi năm 2012, ở HNTƯ lần 6, TBT Nguyễn Phú Trọng, đại diện cho phe nhóm của mình cố vận dụng BCHTƯ để lật đổ Thủ tướng Dũng... Hồi năm 2013 có 4 ứng cử viên cho 2 ghế Ủy Viên Bộ Chính Trị, hai ông Nguyễn Bá Thành và Vương Đình Huệ của phe ông Trọng và 2 người khác là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyện Thị Kim Ngân thuộc phe của ông Dũng."
07 Tháng Năm 2015(Xem: 16480)
LTS: Văn Hóa nhận được bài viết của bà Trần Diệu Chân (đảng Việt Tân) qua Email. Tòa soạn đăng tải nguyên văn; và để rộng đường mục Diễn Đàn, tòa soạn cũng đăng lại bài phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương của nhà báo Tường An trên đài RFA.
05 Tháng Năm 2015(Xem: 18061)
" ... chính ông Dũng cũng nói là đóng lại qua khứ hướng về tương lai, đằng này lại ôn lại hình ảnh quá khứ, sống lại quá khứ ... Bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng có thể nói tôi hoàn toàn thất vọng, rất ngạc nhiên và thất vọng."
03 Tháng Năm 2015(Xem: 16972)
Gs Tương Lai: "Trên thực tế phải nói rằng hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế, lực lượng đang cầm quyền hiện nay. Có nghĩa là chưa có một đảng chính trị nào, chưa có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế đảng cộng sản Việt Nam, mặc dù đảng này đã mất uy tín trong dân."
03 Tháng Năm 2015(Xem: 15088)
Hải Long: "Ngày phán xét cho những kẻ tự khoác lên mình chiếc áo nhà văn, nhà thơ, cổ động người ta lao vào chỗ chết, lao vào những cuộc chém giết với lòng căm thù không giới hạn... Còn thống nhất ư? Hòa giải ư? Làm sao có thể thống nhất và hòa giải khi những kẻ thủ ác còn chưa bị trừng phạt? Lịch sử rồi sẽ phải ghi chép lại một cách công bằng và khách quan. Tội ác rồi sẽ bị trừng phạt, chỉ là sớm hay muộn! Cuối cùng, tôi muốn thay mặt cha tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến những người lính ở phía bên kia." Lê Xuân Khoa: "Theo tôi có một bước quan trọng mà đến giờ chính quyền vẫn chưa chịu làm. Đó là hòa giải với người sống chưa được thì hòa giải với người chết trước đã. Đấy là vấn đề trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, để cho người ta tìm lại mộ và cải táng người chết trong các trại cải tạo. Làm được hai cái đó chứng tỏ nghĩa cử rất đẹp để mà hòa giải với bên ngoài, chứng tỏ thiện chí của lãnh đạo trong nước. Tôi thấy chuyện này dễ như vậy mà không xong được thì khó lòng tiến được đế
29 Tháng Tư 2015(Xem: 17491)
Nếu ai đó hỏi cha tôi 30/04 là ngày gì? Cha tôi sẽ trả lời, đó là ngày mà ông nhận ra mình đã bị lừa dối. Ông và các đồng đội của ông là “Thế hệ bị lừa dối”.
23 Tháng Tư 2015(Xem: 15804)
"Vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur, căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc đang tăng thêm với một cuộc khẩu chiến, một vụ xịt vòi rồng và bước kế tiếp trong một vụ kiện trọng tài có liên quan đến các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain ghi nhận chi tiết."
21 Tháng Tư 2015(Xem: 15412)
"Học giả Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC ngày 7/4 bình luận trên The Wall Street Journal, chuyến đi đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đến Tokyo, Seoul và Honolulu trong tuần này có thể là cơ hội cuối cùng để chính quyền Tổng thống Barack Obama thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương được Washington ca ngợi từ lâu."