Nguyễn Anh Tuấn: Đồng sàng dị mộng

14 Tháng Hai 20197:38 CH(Xem: 9749)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ SÁU 15 FEB 2019


Đồng sàng dị mộng


image003


Cái tựa đề bài viết kỳ này có thể được tạm dịch cho dễ hiểu một thành ngữ khá phổ thông trong xã hội và chính trường Hoa Kỳ: đó là “Strange Bedfellows”. Nếu dịch sát nghĩa một cách bình dân cho dễ hiểu, nó nói đến việc hai người ngủ chung giường rất kỳ lạ, bởi vì “chung giường, chung gối” nhưng lại không “chung tình”.


Trong văn học nước nhà, có giai thoại rất lý thú của người đẹp T.T. Kh. trong một bài thơ nổi tiếng là Hai Sắc Hoa Ti-gôn với những câu bất hủ như “Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ, người ấy cho nên vẫn hững hờ, Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân lạt lẽo của chồng tôi, mà từng thu chết, từng thu chết, vẫn giấu trong tâm bóng một người”.


Nhưng trong xã hội Hoa Kỳ, đặc biệt là trong thương trường, hiện tượng “strange bedfellows” cũng thỉnh thoảng xảy ra khi những kẻ tưởng chừng như là đối thủ hoặc cựu thù không đội trời chung nhưng sau cùng lại cùng bắt tay nhau hợp tác chỉ vì quyền lợi chung tốt đẹp hơn cho cả đôi bên. Để giải thích hiện tượng này, người ta thường lấy lý do là người dân Mỹ thường đặt nặng tinh thần “thực dụng” (pragmatism) để quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là chuyện miếng cơm manh áo cần thiết cho mọi người và mọi gia đình.


Và trong chính trường, hiện tượng “đồng sang dị mộng” này còn thường xảy ra nhiều hơn nữa, có lẽ cũng do bởi tinh thần thực dụng của người Âu Mỹ chỉ biết đặt quyền lợi tối thượng của cá nhân, gia đình, tổ chức hay quốc gia của họ còn nhiều hơn là những quan niệm về đạo đức hay luân lý v.v. Chính vì thế mà những quốc gia kẻ thù trước đây lại có thể sẵn sàng quay sang bắt tay nhau hợp tác sau này để giải quyết những nhu cầu và quyền lợi mới phát sinh sau này, chẳng hạn như khi cả hai bên đều phải đối phó với một kẻ thù chung vừa mới xuất hiện.


Dường như cái tinh thần “thực dụng” đến gần như tàn nhẫn này vẫn thường được biện minh bằng câu nói của một danh nhân là Bá tước Palmerston, tục danh John Henry Temple, rằng “Trong quan hệ ngoại giao, chẳng có những kẻ thù muôn đời, cũng chẳng kẻ những người bạn muôn thuở, mà chỉ có những quyền lợi vĩnh viễn (cho ta)”. Về sau này, hầu như tất cả những chính trị gia hay lãnh tụ nổi tiếng vẫn thường mượn lại câu nói này để biện minh cho một chính sách hay một lời phê phán nào đó, tương tự như câu “Đừng nghe những gì nó nói mà hãy nhìn kỹ những gì nó làm”.


Người Á-đông chúng ta, có lẽ vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi những quan niệm về đạo đức và lòng chung thuỷ cùng với những đức tính theo kiểu “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” theo văn hoá của Khổng, Mạnh nên thường đặt nặng vào các yếu tố trên. Để rồi từ đó mới dễ bực mình sửng sốt hoặc “té ngửa” chưng hửng khi phải đối diện trước những tình huống thay đổi bất ngờ như trên khi tiếp xúc hoặc giao dịch với những đối tác Tây phương.


Và có lẽ cũng vì thế mà nhiều người Việt chúng ta thường không thích thú hoặc ủng hộ những chính sách hoặc quan điểm thay đổi thất thường này theo nhu cầu thực dụng để đạt được những quyền lợi nhất thời nào đó. Nhưng trong xã hội và chính trường nước Mỹ, chuyện những kẻ thuộc hai phe đối lập thỉnh thoảng vẫn có thể hợp tác để đạt được những mục đích chung vẫn thường xảy ra, và đôi khi còn được tán thưởng hơn là chê trách.


Đặc biệt là trong sinh hoạt ở ngành lập pháp, việc các vị dân biểu và nghị sĩ thuộc hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ thỉnh thoảng cùng kết hợp lại để thông qua những đạo luật chung được đa số chấp nhận lại còn được coi là một thí dụ đáng khen về tinh thần hợp tác lưỡng đảng (bipartisan) rất cao đẹp trong Quốc Hội của mấy thập niên trước, mà tiếc thay giờ đây đang dần như biến mất do bởi tinh thần chia rẽ sâu đậm vì tinh thần bè phái cực đoan.


 Trong bối cảnh chính trường phân cực hiện nay, hầu như mọi người đều đồng thuận cho rằng TT Trump và phe Cộng Hoà không thể nào hợp tác với phe Dân Chủ và bà Nancy Pelosi được vì cả hai bên đều không muốn nhường nhịn nhau, cả hai đều muốn giành phần thắng về mình và chỉ mong đè bẹp đối phương trên chính trường cũng như tại phòng phiếu trong những kỳ bầu cử. Những người ủng hộ cuồng nhiệt cho TT Trump thì cho rằng phe Dân Chủ trong hai năm qua chỉ luôn tìm cách chống phá việc làm của tân chính quyền để hòng triệt hạ đối phương cho bằng được. Ngược lại, những người bên phe Dân Chủ cũng bực mình và cho rằng TT Trump chẳng có thèm lo lắng gì cho tiền đồ của Hoa Kỳ mà chỉ bị ám ảnh bởi những thành quả của chính phủ tiền nhiệm trong 8 năm trước nên cứ luôn bị ám ảnh là phải làm tất cả những gì để đạp đổ những gì có liên hệ đến cái tên Obama, xấu tốt không cần biết đến!


Thế nhưng những diễn biến gần đây trên chính trường, đặc biệt là tại Thượng Viện Hoa Kỳ nơi phe Cộng Hoà vẫn đang chiếm đa số cầm quyền, lần này lại cho thấy là chính những vị nghị sĩ bảo thủ thuộc đảng Cộng Hoà lại mạnh miệng và cương quyết chống đối TT Trump cho đến cùng trên các hồ sơ đối ngoại.


Nhưng điều đáng ngạc nhiên và đáng chú ý hơn nữa là chính một số các nghị sĩ phe Dân Chủ lại trở thành đồng minh ủng hộ cho lập trường và quyết định của TT Trump trong các hồ sơ này. Phải chăng đây chính là một trường hợp “đồng sàng dị mộng” bất ngờ và đáng cho mọi người cùng tìm hiểu trước khi tiếp tục đưa ra những lời phán đoán sặc mùi thiên vị theo cảm tính đầy chủ quan và nông nổi.


Trong một bài viết của hai ký giả Catie Edmondson và Eric Schmitt đăng trên tờ nhật báo New York Times, và sau đó cũng được tường thuật bởi các cơ quan thông tấn lớn như AP và Reuters, người ta mới biết là Thượng Viện đã vừa bỏ phiếu thông qua một quyết nghị để chống đối mạnh mẽ chính sách đối ngoại của TT Trump với một đa số áp đảo là 68 chấp thuận và 23 chống đối.


 Điều đáng nói là quyết nghị này được soạn thảo bởi nghị sĩ Mitch McConnell, Trưởng khối Đa số (có quyền hành tương đương như Chủ tịch Thượng Viện) để nói lên sự chống đối của Thượng Viện trước quyết định của TT Trump muốn rút quân Mỹ ra khỏi các chiến trường ở Syria và A Phú Hãn. Quyết nghị này được sự đồng thuận biểu quyết của hầu hết các nghị sĩ phe Cộng Hoà và sau đó sẽ được đính kèm trong một dự luật về đối ngoại tại vùng Trung Đông mà Thượng Viện sẽ thảo luận trong những ngày sắp tới.


Đây là lần thứ nhì trong nhiệm kỳ của TT Trump mà một Thượng Viện dưới quyền của phe Cộng Hoà lại chính thức bỏ phiếu chống đối chính sách ngoại giao của vị đương kim tổng thống cùng đảng với mình. TT Trump vốn không ưa những ai chống đối mình như các vị dân cử phe Dân Chủ thường làm, và ắt hẳn là càng không ưa thích nổi những kẻ chống đối từ trong hàng ngũ đảng Cộng Hoà với ông.


Lần đầu tiên xảy ra quyết nghị chống đối là vào tháng Chạp vừa qua khi có đến 56 nghị sĩ đã biểu quyết để chấm dứt chính sách viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho cuộc chiến của Saudi Arabia tại nước Yemen. Cuộc bỏ phiếu này được xem như là một hình thức hợp tác lưỡng đảng để chống đối rõ ràng chính sách đối ngoại của TT Trump khi ông cứ tìm cách bênh vực cho cho vương quốc Ả Rập này trong vụ thảm sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi.


Nhưng kỳ này, kết quả biểu quyết còn có phần gia tăng mạnh mẽ hơn nữa. Việc TT Trump tự tuyên bố chiến thắng tổ chức khủng bố Hồi-giáo ISIS (Nhà Nước Hồi Giáo) vào tháng trước và sau đó đơn phương quyết định đòi rút lui 2,000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại Syria và 7,000 binh lính Mỹ tại A Phú Hãn để về lại Hoa Kỳ đã tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội. Nhiều người chỉ chú ý đến phản ứng chống đối quyết liệt ngay lúc đó của cựu đại tướng Jim Matthis bằng cách xin từ chức Tổng Trưởng Quốc Phòng, và sau đó ông này còn bị TT Trump hạ nhục thêm khi đổi quyết định từ chức sang thành cách chức vì ông Trump rất khó chịu khi thấy giới truyền thông và các chuyên gia luôn tỏ ý ca ngợi hành động này của ông Mattis.


Nhưng ít ai ngờ rằng trong số những chính trị gia có thế lực trong đảng Cộng Hoà lại cũng có nhiều người bất mãn trước quyết định của TT Trump mà họ coi là rất hấp tấp, không được nghiên cứu kỹ lưỡng và thiếu khôn ngoan. Trong số đó có nghị sĩ McConnell, vốn là một đồng minh đáng tin cậy của TT Trump trong hơn 2 năm qua, lại là người đứng ra thảo quyết nghị để đưa ra lời cảnh cáo rằng “việc rút lui vội vã lực lượng quân nhân Mỹ rời khỏi hai quốc gia này có thể gây nhiều rủi ro cho những thành quả mà chúng ta đã vất vả giành được, cũng như gây tai hại cho sự an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.” 


Tuy không cần phải nêu đích danh tên vị đương kim tổng thống, nhưng quyết nghị của nghị sĩ McConnell coi như đã đối chọi với những chính sách tự cô lập mình của TT Trump khi ông McConnell nhấn mạnh rằng “vai trò của Hoa Kỳ là phải lãnh đạo, phải tiếp tục duy trì một liên minh toàn cầu chống lại khủng bố, và lúc nào cũng phải sát cánh với những đồng minh chúng ta tại địa phương.


Trong bài phát biểu trước khi biểu quyết, nghị sĩ McConnell giải thích tiếp: “Tôi tin là những mối nguy vẫn còn đó. Những tổ chức khủng bố ISIS và Al Qaeda vẫn chưa bị đánh bại, và những quyền lợi về an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục theo đuổi cái sứ mạng tại những nơi đó.”


Để minh chứng cho điều này, bài báo trên tờ New York Times thuật lại lời phát biểu của bà Ilham Ahmed, đại diện tranh đấu chính trị cho Lực Lượng Dân Chủ Syria là tổ chức dân quân người Kurd chống lại ISIS ở Syria được sự hỗ trợ đắc lực của quân đội Mỹ.


Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, bà Ahmed nói rằng những tay súng của ISIS vẫn chưa hề bị tiêu diệt và những tổ nằm vùng của bọn chúng vẫn còn ẩn núp tại nhiều nơi ở vùng đông bắc Syria. Trong dịp ghé sang thủ đô Hoa Thịnh Đốn để tiếp xúc với các vị dân cử và viên chức chính quyền Mỹ để kêu gọi Hoa Kỳ cần phải rút lại hay ít ra là tạm hoãn quyết định rút quân, bà Ahmed kết luận: “Việc Hoa Kỳ rút quân chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện của cuộc chiến.


Trong lịch trình chuyến đi lần này, bà Ahmed không có cuộc hẹn với TT Trump, nhưng bà cũng tình cờ được giáp mặt và trao đổi vài câu trong cuộc nói chuyện ngắn ngủi cùng TT Trump trong một bữa ăn tối tại khách sạn của ông Trump ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, trong lúc TT Trump đang dự một bữa tiệc gây quỹ cũng tại nơi đây. Khi được các phụ tá giới thiệu về bà Ahmed, TT Trump đã bắt tay bà và phát biểu: “Tôi rất thích những người dân Kurd” và lên tiếng trấn an bà để nói rằng “những dân quân Kurd sẽ không bị giết chết đâu.”


(Tưởng cũng nên biết thêm là trong quyết định đơn phương rút quân Mỹ ra khỏi Syria, coi như TT Trump bỏ ngõ chiến trường này cho Thổ Nhĩ Kỹ và TT Erdogan của Thổ cũng đã không ngần ngại việc sẵn sàng tiêu diệt các lực lượng dân quân kháng chiến Kurd đang chiến đấu chống lại ISIS ở Syria, bởi vì dưới mắt ông và nước Thổ, họ coi những người Kurd ở Syria cũng là thành phần thân thiện với một tổ chức người Kurd tại Thổ có tên là PKK luôn đòi giành lại quyền độc lập của mình khỏi nước Thổ.)


Trong khi hầu hết các nghị sĩ của phe Cộng Hoà đều bỏ phiếu cho quyết nghị chống lại chính sách đối ngoại của TT Trump, thì trớ trêu thay những đồng minh bất ngờ lên tiếng ủng hộ ông lại là những nghị sĩ của phe Dân Chủ! Hầu hết những nghị sĩ phe cấp tiến lại bỏ phiếu chống lại quyết nghị này, trong số đó có nhiều người đang hăm he nhảy vào cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc trong năm 2020. Nó cho thấy là trong đảng Dân Chủ hiện nay, có nhiều vị dân cử và chính trị gia sẵn sàng đặt lại vấn đề rằng liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục hay không việc tham dự trong những cuộc chiến đã kéo dài quá lâu.


Nhiều nghị sĩ có tham vọng trở thành những ứng viên tổng thống trong tương lai gần đều đã bỏ phiếu chống đối quyết nghị này, tức là ủng hộ quyết định của TT Trump muốn rút quân Mỹ ra khỏi các chiến trường Syria và A Phú Hãn, trong đó có những nghị sĩ như Bernie Sanders (Vermont), Elizabeth Warren (Massachusetts), Kirsten Gillibrand (New York), Cory Booker (New Jersey), Kamala Harris (California) và Amy Klobuchar (Minnesota). Trong số những nghị sĩ Dân Chủ có tham vọng ra ứng cử tổng thống vào năm 2020, chỉ có mình ông Michael Bennet (Colorado) là bỏ phiếu ủng hộ quyết nghị chống đối TT Trump.


Sự kiện Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu với đa số áp đảo ủng hộ cho quyết nghị này cho thấy đó là dấu hiệu mới nhất về tinh thần sẵn sàng lên án chính sách ngoại giao của TT Trump đến từ cả hai chính đảng đối lập ở Hoa Kỳ.


Nghị sĩ Marsha Blackburn của phe Cộng Hoà, đại diện cho tiểu bang Tennessee và nghị sĩ Tammy Duckworth của phe Dân Chủ, đại diện cho tiểu bang Illinois, đã cùng viết một bức thư chung gửi đến TT Trump để áp lực ông cần phải khai triển ra “một kế hoạch rộng lớn và chi tiết để bảo vệ cho những đồng minh người Kurd của Hoa Kỳ đang chiến đấu trong Lực Lượng Dân Chủ Syria, cũng như để ngăn chặn tình trạng xung đột căng thẳng giữa những lực lượng người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ”.


Điều đáng nói là bà Blackburn là một đồng minh quan trọng của TT Trump và coi như cũng phải chịu ơn rất lớn của ông vì nhờ có sự vận động mạnh mẽ của TT Trump tại đây nên mới giúp bà đắc cử nghị sĩ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua. Nhưng Tennessee cũng có thành phố lớn đông dân nhất là Nashville, vốn là thành phố có đông người gốc Kurd cao nhất tại Hoa Kỳ. Còn bà Duckworth là một cựu quân nhân của Không Lực Hoa Kỳ đã chiến đấu tại chiến trường Iraq khi chiếc trực thăng của bà bị bắn rơi tại đây khiến bà bị thương và thiệt hại phải cưa bỏ đôi chân.


Còn ở Hạ Viện, hai vị dân biểu Tom Malinowski phe Dân Chủ tại New Jersey và Mike Gallagher của phe Cộng Hoà tại Wisconsin cũng đang đệ nạp những dự luật mới để ngăn cấm chính quyền Trump không được quyền đột ngột rút lui lực lượng quân nhân Mỹ đang đóng quân tại hai nước Syria và Nam Hàn. Các dự luật này cấm chính phủ Trump không được quyền giảm bớt số lượng quân nhân đồn trú tại Syria xuống dưới con số 1,500 quân nhân và dưới con số 22,000 binh lính tại Nam Hàn. Và việc rút giảm xuống dưới mức này chỉ có thể được thực hiện trừ khi có sự đồng ý của cả 3 viên chức cao cấp là Tổng trưởng Quốc Phòng, Tổng trưởng Ngoại Giao và Tổng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia cùng lên tiếng bảo đảm với Quốc Hội rằng những đợt rút quân đó không ảnh hưởng tai hại đến sự an nguy của Hoa Kỳ, và điều này cũng phải được sự tham khảo đồng tình của các quốc gia đồng minh.


Dân biểu Malinowski, trước đây đã từng là một viên chức cao cấp trong chính quyền với chức vụ phụ tá Ngoại trưởng đặc trách về nhân quyền dưới thời của TT Obama, bình luận về ý nghĩa của các dự luật này như sau: “Những dự luật này chứng tỏ một lời xác quyết mạnh mẽ từ cả hai đảng để nói rằng việc rút quân Mỹ ra khỏi Nam Hàn là một hành động cẩu thả bất cẩn bởi vì Bắc Hàn vẫn còn đang hăm doạ các nước đồng minh của chúng ta với những vũ khí quy ước và bom nguyên tử. Và nó cũng cho thấy là nếu như chúng ta muốn rút quân ra khỏi Syria, chúng ta cần phải tiến hành với một kế hoạch rõ ràng, chứ không phải chỉ bằng một mẩu nhắn tin trên Twitter.


Và đáng nói hơn nữa là quyết nghị của Thượng Viện hồi năm ngoái đòi chấm dứt viện trợ quân sự cho Saudi Arabia trong cuộc chiến tại lân bang Yemen có thể được đem ra biểu quyết lần nữa trong năm nay. Hồi năm ngoái, dự luật này đã bị chết yểu tại Hạ Viện sau khi các lãnh tụ phe Cộng Hoà ở đây không muốn làm phật lòng TT Trump nên đã không đem ra nó ra để biểu quyết. Thế nhưng lần này nó đã được nhiều vị dân biểu và nghị sĩ thuộc cả hai đảng cùng đệ trình một lần nữa. Tại Thượng Viện, đó là các nghị sĩ Bernie Sanders, Mike Lee phe Cộng Hoà (Utah), Christopher Murphy phe Dân Chủ (Connecticut). Còn tại Hạ Viện, đó là các dân biểu phe Dân Chủ Ro Khanna tại California và Mark Pocan tại Wisconsin. 


Sau cùng, quan trọng hơn hết là các lãnh tụ phe Dân Chủ tại Hạ Viện giờ đây đều sẵn sàng ủng hộ cho các dự luật hay quyết nghị phản đối chính sách ngoại giao của TT Trump. Dân biểu Steny Hoyer, thủ lĩnh khối đa số và là nhân vật quyền lực số 2 tại Hạ Viện đã lên tiếng ủng hộ với lời nhận định: “Rõ ràng là chiến lược hiện nay của chính quyền Trump muốn đem lại hoà bình và ổn định tại Yemen đã không thành công. Do đó, Quốc Hội cần phải nói rõ ràng cho chính phủ này biết rằng chính sách của Hoa Kỳ cần phải thay đổi.”


Riêng bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện, đã không ngần ngại đưa ra lời kết án TT Trump trong ngày thứ Năm tuần qua, sau khi ông Trump đã lên tiếng chê bai các viên chức đứng đầu các ngành an ninh tình báo rằng họ là những kẻ “ngây thơ” và ông còn lên tiếng chế riễu họ là “cần phải đến trường đi học trở lại”.


Trong một cuộc họp báo sau đó, bà Pelosi phát biểu: “Một trong những điều khiến chúng ta lo ngại và nản chí nhất là ông tổng thống dường như không có sự kiên nhẫn để chú ý đến những chi tiết, hoặc là ông cố tình không muốn nghe những gì mà các viên chức điều hành ngành an ninh tình báo của Hoa Kỳ muốn báo cho ông biết. Để rồi từ cửa miệng của vị tổng thống lại phát ra những lời nói như trên thì quả là điều đáng lo ngại.


Sự kiện nhiều vị dân cử và chính trị gia hiện nay dám lên tiếng chống đối mạnh mẽ những lời phát biểu hay chính sách điều hành của TT Trump, đặc biệt là trong lãnh vực đối ngoại, tự nó không phải là điều gì mới lạ hay bất ngờ. Bởi vì nói cho cùng, từ trước tới nay, TT Trump chưa bao giờ có được tỉ lệ ủng hộ của dân chúng trên toàn quốc vượt quá con số 50%. Nói chung, nó chỉ ở mức xấp xỉ 40% trong suốt hai năm qua, có nghĩa là có đến đa số 60% dân Mỹ không ủng hộ ông, trong đó dĩ nhiên cũng có đa số các vị dân cử là những người đại diện cho các khối quần chúng đó.


Nhưng điều ngạc nhiên lớn nhất lần này là những tiếng nói chống đối lại đến từ những vị nghị sĩ bảo thủ phe Cộng Hoà, đặc biệt là từ ông Mitch McConnell là lãnh tụ khối đa số tại Thượng Viện. Và kinh ngạc đáng nói hơn nữa là rất nhiều nghị sĩ lên tiếng ủng hộ chính sách rút quân Mỹ ra khỏi các chiến trường ở ngoại quốc lại là những nghị sĩ của phe Dân Chủ.


Ai nói là tại nước Mỹ, và đặc biệt tại chính trường ở Quốc hội Hoa Kỳ, lại không xảy ra tình trạng “đồng sàng dị mộng” có phần lạ lùng như vậy.


Âu cũng là chuyện lạ đời và khá lý thú để cho chúng ta có dịp tìm hiểu để tiếp tục học hỏi thêm là vì vậy.


 MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 10 tháng 2/2019

03 Tháng Ba 2016(Xem: 15740)
XEM THÊM: - Nguồn gốc đình Làng VN
31 Tháng Giêng 2016(Xem: 13667)
"Tài sản của các nhà “tư bản đỏ” và các quan chức ở Trung Quốc thường bị che giấu hoặc phân tán cho nhiều thành viên trong gia đình. Chính tờ Economist trong bài báo đã dẫn cũng thừa nhận rằng Trung Quốc là “nơi mà các bài báo phanh phui gần đây cho thấy nhiều chính trị gia có thế lực đã ngụy trang tài sản của họ bằng cách thuyết phục các bạn bè và gia đình giữ tài sản nhân danh họ” và “các ghi chép tài sản không đáng tin cậy cũng giúp che giấu ai sở hữu cái gì”.
26 Tháng Giêng 2016(Xem: 14276)
"Những nhận thức bảo thủ có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng một con người hủ bại do tham nhũng, do chuyên quyền... thì không thể thay đổi được. Nếu lãnh đạo sắp tới có quyết tâm diệt tham nhũng, Việt Nam đã hội đủ điều kiện ban đầu để phát triển. Nếu các đảng viên hiện đang tham dự Đại hội 12 đặt quyền lợi và tương lai đất nước lên trên thì sẽ phải biết mình bầu cho ai".
24 Tháng Giêng 2016(Xem: 14253)
- "Nhiều người đang trông chờ “Luật về hội”, một đạo luật mà “Quốc hội của Đảng” (chứ không phải của Dân) hứa sẽ ban hành và chưa biết ngày nào sẽ ban hành. Tuy nhiên, nếu cứ trông chờ vào một đạo luật để có thể hội họp và lập hội thì đó có thể chỉ là một giấc mơ hay một ảo tưởng ...". - Xem lại bài 1: Mai Thái Lĩnh, Nhóm lợi ích là gì? http://www.nhatbaovanhoa.com Mục TIN NÓNG.
21 Tháng Giêng 2016(Xem: 15652)
17 Tháng Giêng 2016(Xem: 14700)
"Có thể thấy rằng khi bà Tống Mỹ Linh khuyên Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan là bà có ý định trở lại lục địa không phải với vị thế của kẻ trốn chạy. Nhưng khi chứng kiến Đặng Tiểu Bình đã chiến thắng Magaret Thatcher năm 1984 trong việc lấy lại Hồng Kông thì bà đã hiểu vị thế của Đài Loan không còn như dự định được nữa".
10 Tháng Giêng 2016(Xem: 15286)
- Vì sao TBT Nguyễn Phú Trọng chống cho bằng được TT Nguyễn Tấn Dũng? - TT Nguyễn Tấn Dũng bị chống đối trên hai vấn đề: - Thứ nhất là đổi mới thể chế cho phù hợp với nền kinh tế mà nhà nước VN luôn luôn công khai xin các nước phát triển công nhận đó là nền kinh tế thị trường đích thực; - Thứ hai là không đổi độc lập chủ quyền biển đảo lấy "hữu nghị viển vông" với Trung Quốc.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 13967)
"Phải chăng Thủ tướng Dũng đang quyết định việc “thay đổi thể chế cho bằng được”, từ mô hình Nhà nước lãnh đạo toàn diện dịch chuyển sang mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển? Liệu những đề xuất trên của Thủ tướng Dũng có khả năng phủ bóng trên Đại Hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam?"
05 Tháng Giêng 2016(Xem: 14932)
"Trong sự bi phẫn có chen vào cảm hứng bi hùng từ tứ thơ tuyệt đẹp của người tráng sĩ thời tao loạn ở buổi mạt kỳ vương triều Trần thế kỷ XIV chuyển sang XV trong cuộc chiến không cân sức chống quân xâm lược nhà Minh. Đẹp với hình tượng trong câu thơ mà người đời gọi là “thi trung hữu hoạ”: Thù nước chưa trả mà mái tóc đã bạc sớm, Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng. “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”.
04 Tháng Giêng 2016(Xem: 14222)
"... nhưng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cổ vũ tình hữu nghị Việt-Trung thắm thiết đã được đón nhận bằng một sự im lặng nặng nề và với vài tiếng vỗ tay lác đác khi ông chấm dứt bài phát biểu. Trên gương mặt cử tọa hội trường Quốc Hội hôm ấy lộ rõ vẻ chán chường, thờ ơ, thậm chí thù nghịch. "The Washington Post trích lời một quan chức Việt Nam, xin được miễn nêu tên vì đây là vấn đề “nhạy cảm,” cho biết là bầu không khí hôm ấy “rất căng thẳng.”
29 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 13948)
" vai trò của Tổng thư ký ASEAN (ông Lê Lương Minh) và Singapore, nước được ASEAN giao trách nhiệm điều phối quan hệ với Trung Quốc, sẽ rất quan trọng trong việc duy trì hồ sơ Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN". "Đối với Giáo sư Thayer, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào sẽ là một nhân tố tích cực giúp thúc đẩy hồ sơ Biển Đông trong thời gian Lào làm Chủ tịch ASEAN:"
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 14018)
"Chúng ta phải khẳng định là Việt Nam phải đi theo kinh tế thị trường", "thông tin trên mạng: chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí"."40 năm đất nước thống nhất nhưng một phần đất máu thịt của Tổ quốc Hoàng Sa vẫn nằm trong tay ngoại bang. Đó là nỗi đau mất mát lớn của dân tộc"…
17 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 13956)
"Đa Chiều cho rằng, đứng ngoài quan sát các hành động của Mỹ và Nga tại Syria, Bắc Kinh đã rút ra cho mình bài học: Trong quan hệ với ASEAN và các nước ven Biển Đông, Bắc Kinh hiện đang dùng 2 thủ đoạn kinh tế và chính trị, nhưng cần tính đến thủ đoạn quân sự, dùng sức mạnh cứng như những gì Putin thể hiện tại Syria".