Điểm sách: Bảo Đại, Trần Trọng Kim, và Đế Quốc Việt Nam, 9/3/1945 - 30/8/1945

03 Tháng Chín 20189:00 CH(Xem: 11879)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ BA 04 SEP 2018


Nguyễn Kỳ Phong


Điểm Sách


Phạm Cao Dương


Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại, Trần Trọng Kim, và Đế Quốc Việt Nam, 9/3/1945 - 30/8/1945.


Truyền Thống Việt: California, 2017; 822 trang.


image003

Giáo sư Sử gia Phạm Cao Dương. Ảnh tư liệu của LKT chụp năm 2004 phụ đề thêm ảnh bìa sách.


Phải nói, Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại, Trn Trọng Kim, và  Đế Quốc Việt Nam, 9/3/1945 – 30/8/1945 là một tác phẩm quan trọng của sử gia Phạm Cao Dương trong hơn 20 năm qua — đối với sự nghiệp nghiên cứu của tác giả cũng như đối với số lượng sách sử được xuất bản ngoài Việt Nam. Tuy thời khoảng ghi trên tiểu đề chỉ hơn 5 tháng của năm định mệnh 1945, nhưng tác giả Phạm Cao Dương có biên soạn thêm nhiều chi tiết trước năm 1945 (như nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã bắt đầu như thế nào vào cuối năm 1944), cũng như sau năm 1945 (những tái phối trí về ý thức hệ cũng như nhân sự chính trị trong nội các của chính phủ hậu Bảo Đại-Trần Trọng Kim sau tháng 9, 1945).


Sách chia ra làm ba phần: Phần I có 10 chương; Phần II có tám, và Phần III có ba chương. Mười chương đầu của Phần I là chủ đề của tác phẩm. Phần II là nhận định sau 70 năm của sự kiện 1945 — với tiêu đề “Hậu Đế Quốc Việt Nam: Bảy Mươi Năm Nhìn Lại.” Phần III là tài liệu phụ chú trích dẫn.


Trong 10 chương quan trọng của Khi Bão Lụt Tràn Tới, tác giả bắt đầu bằng sự kiện từ chương “Thành Lập, Những Ưu Thế và Những Khó Khăn”, và kết thúc với chương “Di Sản Đế Quốc Việt Nam.”

Đã có nhiều biên soạn và tác phẩm nghiên cứu về Bảo Đại và Trần Trọng Kim trước đây, nhưng nghiên cứu về Bảo Đại và Trần Trọng Kim như một chánh phủ thì hiếm. Sử gia Mỹ David Marr trong Vietnam 1945: The Quest for Peace có nói đến hai nhân vật đó, có nói đến năm quan trọng nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam; sử gia Stein Tonnesson trong The Vietnamese Revolution of 1945 nói đến năm 1945 như một cuộc cách mạng, và không nói nhiều về cơ cấu và nhân sự hành chánh (chánh phủ) của cuộc cách mạng đó.

Biên soạn đến từ Khi Bão Lụt Tràn Tới hoàn toàn nói về chánh phủ đầu tiên của nuớc Việt Nam Độc Lập (trang 53), với nhiều tài liệu và chi tiết nhân sự cũng như cơ cấu của chánh phủ Trần Trọng Kim. Ưu điểm của sử gia Phạm Cao Dương có hơn các tác giả ngoại quốc là ở chổ tác giả đào bới được những sử liệu Việt ngữ tích trữ từ 70 năm qua. Nhưng không chỉ dựa vào tài liệu cũ, tác giả Phạm Cao Dương cũng tham khảo những sử liệu mới nhất (Ở trang 158 tác giả trích sử gia Fredrik Logevall về tài liệu trong tác phẩm Embers of War, một quyển sử mới có nhiều công trình nghiên cứu về sử liệu Việt Nam trong thời gian liên hệ.). Ở chương “Từ Nội Các Phạm Quỳnh đến Chánh Phủ Trần Trọng Kim” (trang 69) sử gia Pham Cao Dương ghi lại nhiều tên tuổi rất lạ đối với những thế hệ độc giả trẻ. Những tên tuổi như Phan Khắc Hòe (hợp tác với chánh phủ Việt Minh ở Huế, khuyên Bảo Đại thoái vị), Phan Anh (Bộ Trưởng Thanh Niên), Trần Đình Nam (Bộ Trưởng Nội Vụ), Hồ Tá Khanh (Bộ Trưởng Bộ Y Tế), Trần Văn Lai (Thị Trưởng Hà Nội), Kha Vạn Cân (Thị Trưởng Sài Gòn) … . Tác giả cung cấp nhiều phụ chú lý thú về những nhân vật đó (trang 156-168). Chương 3 về trận đói năm Ất Dậu 1945 (trang 187), nguyên nhân và hậu quả. Tác giả trích dẫn nhiều tài liệu khả tín và dồi dào, thêm vào số sử liệu đã có hầu xác định lại một thảm họa của dân tộc. Ở chương 5, “Hoạt Động và Thành Tích,” tác giả viết về những khôn mặt thanh niên sáng giá và khoa bảng nhất của thế hệ cách mạng Việt Nam năm 1945. Cũng ở chương đó, tác giả cung cấp một chi tiết lý thú về tác giả Đặng Thai Mai: Đặng Thai Mai, hay Đặng Thái Mai? (trang 259).       


Bốn chương sau cùng: chương 7, “Chánh Phủ Trần Trọng Kim Từ Nhiệm”; chương 8, “19 Tháng 8, 1945: Cách Mạng Hay Việt Minh Cướp Chánh Quyền?”; chương 9, “Hoàng Đế Bảo Đại Thoái Vị”; và chương 10, “Di Sản của Đế Quốc Việt Nam.” Lý do chánh phủ Trần Trọng Kim thất bại; và ngày 19 tháng  8 có phải là một ngày cách mạng của toàn dân, hay chỉ là ngày lực lượng Việt Minh thừa cơ cướp chánh quyền. Cái di sản của chánh phủ độc lập đầu tiên mà sử gia Phạm Cao Dương muốn nói đến, là sự thống nhất về  ý thức hệ quốc gia: Chế độ thực dân của Pháp ở Việt Nam không bao giờ được phục hồi; chánh phủ Trần Trọng Kim, trong một thời gian 130 ngày, đã Việt Nam hóa hệ thống hành chánh trên toàn cõi Việt Nam; và, chánh phủ Trần Trọng Kim nâng cao tinh thần quốc gia dù chỉ hiện hữu trong một thời gian ngắn – Hàng chục ngàn người tham dự những cuộc biểu tình, tụ tập, làm lễ tưởng niệm Hai Ba Trưng; Phan Chu Trinh; Lễ Hưng Quốc Khánh Niệm (lễ đang quang của vua Gia Long); hay ngày rước thi hài hỏa táng của cụ Dương Bá Trạc từ Singapore đưa về. Những tụ tập như vật chưa bao giờ xảy ra trước đó.


Trước Khi Bão Lục Tràn Tới của sử gia Phạm Cao Dương là một tác phẩm xứng đáng trong tủ sách của độc giả về sử liệu Việt Nam. Theo Phạm Cao Dương, Trước Khi Bão Lục Tràn Tới “trân trọng giới thiệu với quí độc giả một tài liệu không xưa nhưng đã cũ, không còn được mấy ai biết tới, về một thời kỳ cũng không xưa nhưng đã bị bỏ quên hay cố tình bị bỏ quên của lịch sử Việt Nam.”/