Nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Bùi Tín qua đời

12 Tháng Tám 20188:53 CH(Xem: 11597)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ HAI 13 AUG 2018


Nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Bùi Tín qua đời


BBC 11/8/2018


image006Bản quyền hình ảnh Bùi Tín/Facebook Image caption Nhà báo Bùi Tín là một trong những nhà bất đồng chính kiến hải ngoại nổi tiếng


Nhà báo Bùi Tín qua đời lúc 1:25 sáng, giờ địa phương ngày 11/8 tại bệnh viện André Grégoire ở Montreuil, ngoại ô Paris, Pháp, hưởng thọ 91 tuổi.


Nhà báo Tường An Ca Dao, một trong những người thân thiết nhất của ông Bùi Tín cho BBC biết, bệnh viện đã báo tin cho bà lúc 1:30 giờ sáng rằng ông đã không qua khỏi đợt chữa trị mới nhất.


Ông Tín bị suy thận, suy tim và huyết áp thấp.


Ông Bùi Tín có một con trai ở Canada và một con gái ở Việt Nam.


'Tướng Giáp đúng là con người có tài'


Bà Tường An cho biết gia đình và cùng một số bạn bè đang tiến hành thủ tục tổ chức tang lễ cho ông.


Nhà báo Tường An Ca Dao kể lại rằng ông Bùi Tín đã nhập viện từ hôm 13/7 nhưng đến một tuần sau bà mới biết tin vì ông sống một mình không có người thân tại Pháp.


Bài phỏng vấn gần đây nhất của BBC với nhà báo Bùi Tín


Bà cho biết khi đó tình hình sức khỏe ông vẫn ổn định, nhưng thời tiết ở Pháp nóng nực khiến ông khó thở và có thể khiến tình trạng xấu hơn.


Vào 8/8, ông nhập viện André Grégoire để chữa trị và ở trong tình trạng hôn mê.


"Khi tôi vào thăm bác ở nhà thương mới thì tình trạng ông xấu đi nhiều. Gọi mãi mắt bác mới hấp háy, miệng khô, thở khò khè."


Bà Tường An kể có gọi điện thoại với người con gái của ông Bùi Tín tại Việt Nam.


"Cô con gái gào khóc nức nở, gọi 'Bố ơi, bố có nghe thấy con không?' và tôi thấy miệng bác phát ra như một âm thanh, không giống tiếng thở khò khè bình thường mà giống như cố gắng muốn nói 'Bố có nghe con'. Nên tôi tin bác chưa hoàn toàn trong cơn mê."


image007

Bản quyền hình ảnh Tường An Image caption Nhà báo Bùi Tín tại căn hộ nhỏ của ông tại Pháp hồi đầu năm 2018


Nửa đêm 10/8/18 các bác sĩ cho bà biết họ quyết định lọc thận cho ông như một biện pháp chữa trị cuối cùng dù nguy cơ rất cao.


Nhưng ông đã không qua khỏi và đã ra đi trong cơn hôn mê vào đầu giờ sáng 11/8.


'Ông đã chuẩn bị trước'


Bà Tường An cho biết ông Bùi Tín sống một mình ở một căn hộ nhỏ ở Paris. Căn hộ nằm ở tầng ba, không có thang máy nên ông cũng có một người thường xuyên đến để đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp.


image008

Bản quyền hình ảnh Tường An Image caption Ông Bùi Tín lúc tham gia cuộc họp mặt dân chủ ở Đức hồi cuối tháng Sáu


"Cách đây vài năm, ông đã nhập viện một lần và từ đó ông đã chuẩn bị trước hậu sự.


"Trước khi bác mất, bác đã viết sẵn một cái cáo phó, một tâm thư cho bạn bè, viết thư cho hai đứa con yêu của bác và cũng viết rõ tất cả những ai sẽ phải làm gì.


"Nguyện vọng của bác Bùi Tín là được hỏa thiêu tại đây. Bác có giao cho tôi liên lạc với nhà chùa để làm lễ cầu siêu sau đó hỏa thiêu và tro của bác được những người thân giữ."


Nhà báo Bùi Tín sinh năm 1927 tại Hà Đông. Ông là con trai Thượng thư Bùi Bằng Đoàn của triều đình Nguyễn và sau là một bộ trưởng trong chính phủ Việt Minh của Hồ Chí Minh.


Bùi Tín nhập ngũ năm 18 tuổi và gia nhập Việt Minh. Ông sau trở thành một Đại tá và sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, và nói ông là người đi cùng đơn vị xe tăng đầu tiên đâm đổ cổng Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.


Bản thân ông Bùi Tín có các bài nói về hành động ông "tiếp nhận" sự đầu hàng từ Tổng thống VNCH Dương Văn Minh, nhưng sau khi ông Tín trở thành nhà bất đồng chính kiến tại Pháp, báo chí chính thống của VN bắt đầu nêu ra cách nhìn khác nói Đại tá Bùi Tín không phải là đại diện của VNDCCH làm chuyện đó.


Tháng 9/1990 ông sang Pháp dự hội nghị hàng năm của báo L'Humanité (Nhân Đạo) báo của Đảng Cộng sản Pháp rồi quyết định xin tỵ nạn tại Pháp.


Kể từ khi sinh sống ở nước ngoài, ông đã xuất bản nhiều bài báo và sách về hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm hai cuốn nổi tiếng là Hoa Xuyên Tuyết và Mặt Thật.


Các sách báo của ông bị cấm ở Việt Nam.


Nhà báo Tường An cho biết bạn bè thân quen của ông vẫn có thể đến chia tay ông tại bệnh viện Centre Hospitalier Intercommunal André Grégoire từ lúc 10 giờ sáng ngày 11/8.


Nhà báo BBC Đỗ Văn nhớ về Đại tá Bùi Tín


Nhà báo Đỗ Văn Cựu biên tập viên BBC Việt ngữ


BBC 12/8/2018


image009Image caption Đại tá Bùi Tín trong một cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt


Cựu biên tập viên BBC Việt ngữ nói những bài viết của ông Bùi Tín với quan niệm "nhằm đánh động lương tri về mặt chính trị".


Bài viết chót của cựu Đại Tá Bùi Tín được đăng trên diễn đàn báo chí hải ngoại chỉ cách đây hai tuần lễ trong lúc ông nằm bệnh viện tại Pháp.


Nội dung vẫn là những quan điểm của ông ưu tư về những vấn đề có liên quan đến tương lai của dân tộc Việt Nam.


Điểm đặc biệt về ông Bùi Tín, được một số người Việt Nam trong và ngoài nước lưu ý tới, phần lớn vì ông đã chuyển đổi từ một nhân vật, tha thiết với chủ thuyết và chỉnh thể Cộng sản tại Việt Nam, bỗng chốc dần dà có độ chống đối quyết liệt, với quan điềm từ chỗ cần phải cải thiện chế độ và hơn nữa nếu cần phải giải thể chế độ Cộng sản mà theo ông đã lỗi thời.


Theo tôi, ông Bùi Tín là một nhân vật trí thức, hiểu biết nhiều và có lẽ quá ưu tư khắc khoải về vận mệnh của dân tộc, nếu không nói là thái quá.nhà báo Đỗ Văn


Những quan điểm chính trị của cựu Đại tá Bùi Tín, thường được nhiều người ở trong và ngoài nước nhận xét khá khác biệt. Ông được nhiều người lưu ý tới là về sự hiện diện của ông tại Dinh Độc Lập ở Sài Gòn khi Chính phủ VNCH tuyên bố đầu hàng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lúc ấy tại miền Bắc và cho tới bây giờ nhiều người vẫn chưa quên là xưa kia ông thường có những buổi luận thuyết cực lực bảo vệ chế độ Cộng sản.


Đối với những người đó, họ ít có thiện cảm với hành vi về sau này của ông khi quay ra chống chế độ vì người Việt thường có quan điểm cố hữu giản dị là nếu không hài lòng với chế độ, là kẻ sỹ chỉ cần treo ấn từ quan, ấy là chưa kể theo ý một số người ông đã từng được chế độ khá ưu đãi khi xưa.


Mặt khác, dưới con mắt của một số người Việt tại hải ngoại ông vẫn chỉ là một nhân vật của phía bên kia sau này bất mãn và trở nên bất phục chế độ mà thôi. Còn bất mãn liên quan đến đại cuộc hoặc đời tư thì vẫn còn là một nghi vấn khúc mắc.


'Ý kiến phật lòng với chế độ'


Nói cho cùng, cuộc đời của cựu Đại tá Bùi Tín nếu như một số người mà hơn hai chục năm qua khi phán xét về ông vẫn thường gọi là "hiện tượng Bùi Tín" kể cũng không quá đáng. Thực hư, thiết tưởng hành vi của ông tối thiểu, theo thiển ý, cũng là với chủ ý của ông, đó là làm thức tỉnh tới lương tri của những người cộng sản tại Việt Nam.


Bên ngoài Việt Nam, ông có danh xưng là nhà báo Bùi Tín. Theo tôi, danh vị này không đúng vì những bài viết của ông vẫn dưới ngòi bút với quan niệm nhằm đánh động lương tri về mặt chính trị.


Tôi được biết ông hơn ba chục năm qua, kể từ lần tôi về Việt nam vào năm 1988 sau 34 năm xa cách Hà Nội.


Lúc ấy tôi là người đầu tiên sau 1975 của Đài BBC được nhập cảnh vào Việt Nam. Đó là vào thời gian bước vào tiến trinh Đổi Mới của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và có những dấu hiệu có sự chuyển minh của chế độ tại Việt Nam bắt đầu phóng khoáng hơn. Tôi tiếp xúc và phỏng vấn nhiều nhân vật cấp cao của Hà Nội.


'Tướng Giáp đúng là con người có tài'


Với tư cách là Phó Tổng Biên Tập của báo Nhân Dân, cựu Đại tá Bùi Tín đã có một cuộc đối thoại với tôi tại toà báo Nhân Dân. Khi ấy vấn đề nóng bỏng liên quan đến Việt nam trên trường quốc tế là về việc Quân đội Việt Nam tiến đánh sang Campuchia và lật đổ chế độ Pol Pot bạo tàn. Hơn ai hết, tôi thấy ông Phó Tổng biên tập Bùi Tín cực lực bênh vực cho lập trường của Hà Nội sau khi "làm nghĩa vụ quốc tế " nhưng vẫn chưa chịu rút khỏi Campuchia. Tôi đi đến kết luận ông là một nhân vật trung kiên của chế độ.


Đầu năm 1990, một lần nữa về Việt Nam công tác cho Đài BBC, tôi gặp lại nhà báo Bùi Tín nhưng nhận thấy ông bắt đầu có những ý kiến phật lòng với chế độ.


Kế đó vào tháng 11 ông gặp tôi tại Paris và cho biết có nhờ Đại sứ quán Việt nam tại Paris chuyển về một kiến nghị do ông soạn thảo, nói tới những ưu tư và phương hướng cần phải theo đuổi để cứu vãn cho "chế độ" thoát khỏi tình trạng khó khăn về các lãnh vực kinh tế và chính trị.


Cùng lúc ông Tín trao cho tôi một bản sao kiến nghị này và nhờ phổ biến trên làn sóng của Ban Việt ngữ Đài BBC. Phản ứng tức thới của tôi là nếu bản Kiến nghị đó được công khai phổ biến, liệu ông Bùi Tín có e ngại đến những di luỵ tới bản thân hoặc thậm chí tới cả gia đình của ông nữa. Nhưng câu trả lời của ông đã khiến tôi có những suy nghĩ khác.


Tôi cho rằng lúc ấy ông vẫn còn là một người cộng sản trung kiên. Kể cũng lạ là sau khi Bản Kiến nghị của ông Bùi Tín được công bố trên Đài BBC mãi vài tuần lễ sau mới có phản ứng bất bình của Hà Nội và vẫn chưa có sự công khai cách chức Phó Tổng biên tập tờ Nhân Dân, mặc dầu trên các hệ thống truyền thông báo chí nước ngoài cho biết Bản Kiến nghị của ông Bùi Tín đã gây ra chấn động nhân tâm trong nước.


Ông Bùi Tín lý giải các góc độ trận Tết Mậu Thân


Và rồi việc gì phải đến cũng đã đến, tới tháng 2 năm 1991 và bước sang tới cả đầu năm 1992 khi ông Bùi Tín bị đả kích là chống đảng Cộng sản và phản bội các bạn đồng chí, lúc đó ông mới quyết định không về nước, sống ở hải ngoại và lớn tiếng tỏ ra bất phục chế độ.


Từ đó đến nay, ông đã đi nhiều nơi, thưoờng xuyên viết lách trình bày các ý kiến riêng tư về thời cuộc Việt Nam.


Theo tôi, ông là một nhân vật trí thức, hiểu biết nhiều và có lẽ quá ưu tư khắc khoải về vận mệnh của dân tộc, nếu không nói là thái quá.


Ông Bùi Tín không còn nữa. Tôi xin mượn mấy dòng trong bài Tổng Vịnh Truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh, trích ra đây gọi là để tưởng nhớ tới ông:


"Cho hay danh sỹ giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ.


"Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai lưu lạc đau lòng...."


Linh hồn ông chắc phải ngậm ngùi vì không được thở hơi cuối cùng trong lòng đất mẹ.


Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một cựu biên tập viên BBC Việt ngữ
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 7332)
16 Tháng Mười 2020(Xem: 7517)
06 Tháng Mười 2020(Xem: 7276)
01 Tháng Mười 2020(Xem: 7777)