Thăm châu Á, TT Trump sẽ mở rộng đối tác an ninh chiến lược?

29 Tháng Mười 20177:22 CH(Xem: 10500)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ  HAI  30  OCT  2017


Thăm châu Á, Tổng thống Donald Trump sẽ mở rộng đối tác an ninh chiến lược?


PHẠM DOÃN TÌNH


28/10/17


(GDVN) - Mục đích của chuyến công du này được giới chuyên gia nhận định là nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh và mở rộng thêm đối tác trên nhiều lĩnh vực.


Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á từ ngày 3 đến 14/11 sắp tới.


Đây là lần đầu tiên ông Trump đến thăm khu vực này kể từ khi nhậm chức, và cũng là chuyến đi dài ngày nhất của ông trong 10 tháng qua.


Mục đích của chuyến công du này được giới chuyên gia nhận định là nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh và mở rộng thêm đối tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc tăng cường mạng lưới an ninh ở khu vực châu Á.


Bối cảnh phức tạp sẽ gây khó cho ông Trump


Chuyến công du châu Á vào tháng 11 tới của ông Trump diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo lắng về tình hình an ninh trong khu vực, cũng như những nguy cơ ảnh hưởng đến vị trí địa chính trị chiến lược của Mỹ ở khu vực này.


Chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn đang là vấn đề nóng bỏng thách thức Mỹ và các đồng minh của họ.


Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về mọi mặt, cùng với tham vọng tăng cường sức mạnh quân sự để đạt đến “đẳng cấp thế giới” trong tương lai đang tạo ra nguy cơ làm đảo lộn cán cân quyền lực địa chính trị của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Thêm vào đó, là nạn buôn bán ma túy, cướp biển, an ninh mạng và nhu cầu đối phó hiệu quả với các thảm họa thiên nhiên… sẽ là những nội dung được các đối tác đưa lên bàn thảo luận với Tổng thống Donald Trump.


image023

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân (Ảnh: CNN)


Trong khi đó, cùng với những đòi hỏi ngày càng tăng lên của các đồng minh về yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng, thì chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ những năm gần đây lại giảm xuống.


Do đó, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong các cuộc thảo luận.


Việc Mỹ muốn duy trì sự cân bằng quyền lực địa chính trị ở châu Á, củng cố trật tự khu vực theo chiến lược của Mỹ, nhưng lại phải tránh được xung đột và vẫn duy trì được các mối quan hệ kinh tế ổn định với Trung Quốc sẽ là một bài toán khó mà ông Trump cùng một lúc phải giải quyết.


Năm ngoái, trong một cuộc họp xem xét về chiến lược quốc phòng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ông đã kết luận rằng:


“Hành động của các nước trong khu vực này thường xuyên thách thức vai trò và các cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh, cũng như tầm ảnh hưởng của Mỹ đang không theo kịp những thách thức từ các đối thủ tiềm ẩn, khiến cho cán cân quyền lực đang chuyển hướng bất lợi cho Mỹ”.


Một số chuyên gia nhận định, trong chuyến công du châu Á lần này, ông Trump sẽ tập trung vào việc liên kết các đồng minh và xây dựng các mối quan hệ đối tác an ninh mới.


Mục đích là nhằm tăng cường mạng lưới an ninh của Mỹ ở châu Á, chống lại các thách thức làm thay đổi cán cân quyền lực địa chính trị của Mỹ ở khu vực này.


Thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc


Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự là thách thức lớn nhất đối với Mỹ về cán cân quyền lực địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương.


Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội 19 khi đề cập đến một Trung Quốc “mạnh mẽ và vĩ đại” đã lặp đi lặp lại tới 26 lần, cho thấy tham vọng trỗi dậy của nước này là rất lớn.


image022

Lực lượng tên lửa của Trung Quốc trong một lễ duyệt binh (Ảnh: Reuters)


Mặc dù, bài phát biểu không đề cập đến tham vọng thay đổi cán cân quyền lực địa chính trị ở châu Á, nhưng ông Tập Cận Bình cũng đã nêu bật việc bồi đắp các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông như là một điểm nhấn trong nhiệm kỳ của thứ nhất của mình.


Và điều này cũng đang đe dọa đến chính hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông.


Đồng thời, ông Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ đầu tư mạnh mẽ để hiện đại hóa quân đội đạt đến “đẳng cấp thế giới”.


Việc này đã trở thành một thách thức thực sự đối với Mỹ trong việc duy trì ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, việc Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ cho các lực lượng không quân, hải quân và tác chiến không gian mạng đã thách thức những lợi thế quân sự truyền thống của Mỹ.


Ngoài ra, sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của các nước trong khu vực này vào Trung Quốc, và việc Bắc Kinh sử dụng các công cụ kinh tế cho chính sách đối ngoại đang đe dọa sự độc lập của các đối tác chính của Hoa Kỳ.


Mỹ sẽ tăng cường đối tác an ninh chiến lược


Từ những thách thức của Trung Quốc đối với vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đặt ra những yêu cầu mới trong chiến lược của Mỹ ở khu vực này.


Theo đó, giới chuyên gia nhận định, việc tăng cường mạng lưới an ninh ở khu vực này trên cơ sở các đồng minh cũ và liên kết thêm với một số đối tác mới sẽ là một cách để duy trì trật tự khu vực cũng như thúc đẩy các lợi ích của Mỹ ở khu vực này.


Cách tiếp cận này cũng hoàn toàn phù hợp với sự khuyến khích của các đồng minh của Mỹ đối với chính quyền Donald Trump nhằm tăng thêm sức mạnh an ninh để đảm bảo cho sự an toàn của họ cũng như các lợi ích của Mỹ.


image024

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)


Ông Richard Fontaine, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh mới của Mỹ cho rằng:


Chuyến công du châu Á của Tổng thống Donald Trump tới đây sẽ là cơ hội để Mỹ thúc đẩy hợp tác an ninh với các đồng minh và thiết lập đối tác an ninh mới ở châu Á.


“Ngoài quan hệ hợp tác an ninh song phương với Nhật Bản và Hàn Quốc, Washington nên phối hợp với các nước thứ ba như Ấn Độ, Việt Nam, Philippines cùng một số nước khác, mời họ tham gia tập trận chung, trao đổi quân sự và hợp tác tăng cường năng lực quốc phòng”, ông Fontaine nói.


Ông Fontaine cũng lưu ý rằng, Washington cần thiết lập một cơ chế an ninh chiến lược dài hạn chính thức với Australia, để tăng cường các cuộc tham vấn hàng năm giữa hai nước;


Và Mỹ nên bắt đầu những nỗ lực mới, bao gồm việc mở rộng các cuộc diễn tập chiến hạm, dưới đáy biển và chống tàu ngầm.


Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhận định về một sự hợp tác bốn bên giữa Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ trong tương lai.


Sự hợp tác này giúp Mỹ tìm kiếm cơ hội để thắt chặt mối quan hệ song phương với New Delhi, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không và hàng hải.


Trên cơ sở đó, Washington có thể bổ sung thêm các đối tác châu Á mới vào các cuộc tập trận quân sự, thành lập một mạng lưới an ninh ở khu vực để chia sẻ thông tin và những đánh giá về các mối đe dọa an ninh, tiến tới phối hợp nâng cao năng lực đảm bảo an ninh cho các đối tác.


Những nỗ lực này, nếu thực hiện sẽ giúp Hoa Kỳ tăng cường được sức mạnh quân sự, đảm bảo cho việc duy trì cán cân quyền lực địa chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.


Như vậy, chuyến công du của ông Trump tới châu Á vào tháng 11 tới, không chỉ tập trung vào việc trấn an đồng minh trước các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên;


Hay bàn về cải cách và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực;


Mà còn một ưu tiên nữa đó chính là tăng cường hợp tác an ninh, tìm kiếm đối tác mới nhằm thiết lập một mạng lưới an ninh rộng hơn trong khu vực.


Điều này xem ra có thể khiến Trung Quốc giận dữ.


Tuy nhiên, nếu Mỹ không thực hiện được yêu cầu này thì vai trò địa chính trị của Mỹ trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những thách thức ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.


Bởi vậy, giới chuyên gia đang chờ xem điều gì sẽ diễn ra trong chuyến công du châu Á sắp tới của ông Trump, đặc biệt là cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông Trump đặt chân đến Trung Quốc.


Việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại để phát triển lợi ích hai nước sẽ là điểm mấu chốt trong cuộc hội đàm.


Tuy nhiên, vấn đề an ninh chiến lược của cả hai nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ là một trọng tâm khác.


Mỹ sẽ không dễ gì chấp nhận sự suy giảm ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc cũng sẽ khó chấp nhận việc Mỹ ngày càng tiến gần hơn đến biên giới của họ.


Điều này có thể đặt ra những thách thức mới trong mối quan hệ Trung - Mỹ.


Mối quan hệ này có tác động rất lớn đến an ninh khu vực cũng như trên thế giới, như lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói, quan hệ Trung - Mỹ hiện nay là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”.


Tài liệu tham khảo:


[1] The national interest/ Trump’s Asian Security Dilemma.


[2] South china morning post/ Trump to lobby China on North Korea and trade during Beijing summit with Xi Jinping.


[3] The Japan Times/ Trump to promote bilateral cooperation on North Korea during Japan visit.


PHẠM DOÃN TÌNH
16 Tháng Sáu 2022(Xem: 3781)