ASEAN vẫn lộ thế yếu trước Bắc Kinh/Báo TQ đả kích VN

08 Tháng Tám 20176:44 CH(Xem: 10707)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ  TƯ  09  AUGUST  2017


Biển Đông : ASEAN vẫn lộ thế yếu trước Bắc Kinh


Trọng Nghĩa RFI 07-08-2017)


image007

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (hàng đầu bên phải) và ngoại trưởng Philippines tại diễn đàn ARF Manila, Philippines ngày 7/08/2017.REUTERS/Mohd Rasfan


Sau hai ngày tranh cãi căng thẳng tại thủ đô Philippines, các ngoại trưởng ASEAN đã ra được một thông cáo chung, trong đó có bày tỏ quan ngại về các hành động lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông, với ngôn từ mạnh mẽ hơn dự thảo đầu tiên do nước chủ nhà Philippines đề xuất. Thế nhưng văn kiện này vẫn bị đánh giá là không dám đụng chạm Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng bị cho là đã mặc nhiên nhường cho Bắc Kinh vai trò ấn định nội dung thảo luận về vấn đề Biển Đông, bất chấp lập trường cứng rắn của Việt Nam.


Theo hãng tin Pháp AFP, thế yếu của ASEAN lộ rõ trước tiên trong việc đã không dám công khai đề nghị là bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông mà ASEAN sắp đàm phán với Trung Quốc phải mang tính cưỡng chế.


Theo hai nhà ngoại giao có tham gia vào quá trình thảo luận về vấn đề Biển Đông được AFP trích dẫn, trong suốt hai ngày thảo luận, Việt Nam đã nỗ lực thuyết phục các đồng minh trong khối là Hiệp Hội ASEAN cần phải nêu trong bản Thông Cáo Chung của mình là bộ Quy Tắc Ứng Xử trong tương lai phải có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, bằng không thì bộ quy tắc đó vô nghĩa.


Đề nghị đó của Việt Nam tuy nhiên đã không được chấp nhận, và bản Thông Cáo Chung công bố vào khuya hôm qua hoàn toàn không đề cập gì đến vấn đề này.


Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ráo riết bồi đắp các rạn san hô mà họ đã lấn chiếm từ tay các láng giềng, rồi cho xây dựng cơ sở có khả năng dùng vào mục tiêu quân sự trên đó, đồng thời tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực.


Việt Nam đã yêu cầu các nước ASEAN đề cập đến các hành động đó của Trung Quốc dù chỉ là để tỏ thái độ « quan ngại ». Bản dự thảo đầu tiên do Philippines đưa ra hầu như không nói gì về các sự kiện đó, trong lúc đề nghị bổ sung của Việt Nam đã bị Cam Bốt, nước bị cho là luôn luôn hết mình bảo vệ lập trường của Trung Quốc, cực lực bác bỏ.


Kết quả là bản Thông Cáo Chung đã nhắc đến những hoạt động bồi đắp và như là một sự quan ngại « của một số thành viên », còn từ ngữ quân sự hóa mà Việt Nam muốn đưa vào đã được thay bằng từ ngữ chung chung « các hoạt động » có khả năng gây căng thẳng.


Một nhà ngoại giao đã tóm tắt với AFP cuộc tranh cãi trong hậu trường như sau : « Việt Nam kiên quyết, và Trung Quốc đang sử dụng Cam Bốt một cách hiệu quả để thúc đẩy lợi ích của họ ».


Nhiều chuyên gia phân tích đã tố cáo Bắc Kinh cố gắng chia rẽ ASEAN với chiến thuật ngoại giao ngân phiếu, lôi kéo các nước nhỏ như Cam Bốt và Lào để các nước này hậu thuẫn cho lập trường Trung Quốc. Và mới đây, Bắc Kinh đã thành công trong việc chiêu dụ Philippines, nước trước đây còn sát cánh với Việt Nam trong việc phản đối Trung Quốc, nhưng với Tổng thống Duterte, đã có nhiều dấu hiệu thần phục Bắc Kinh.


Trả lời AFP, Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông tại Chatham House ở Luân Đôn khẳng định : « Rõ ràng là áp lực của Trung Quốc đối với một số chính phủ ASEAN đã đạt hiệu quả ».


Điều có thể nói là khá oái oăm là trong lúc bản thân các nước Đông Nam Á không biết bảo vệ thành viên trước sức ép của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, thì vai trò này lại được ba nước ngoài khu vực là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đảm trách.


Một số điều mà Việt Nam muốn khối ASEAN nói lên nhưng bị bác bỏ, đều đã được ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc nêu bật trong bản thông cáo chung vào hôm nay tại Manila, từ yêu cầu bộ quy tắc ứng xử trong tương lai phải mang tin chất ràng buộc pháp lý, cho đến đòi hỏi phi quân sự hóa Biển Đông, hay yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết quốc tế về Biển Đông...


Bên cạnh đó, ba nước kể trên còn cực lực chống lại các « hành vi đơn phương cưỡng chế, có nguy cơ thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng »./


Báo Trung Quốc đả kích Việt Nam vì chống Bắc Kinh tại ASEAN


Trọng Nghĩa RFI  08-08-2017


 image008

Việc Trung Quốc bồi đắp quy mô nhiều đảo nhân tạo, và xây dựng nhiều công trình quân sự lớn khiến quốc tế lo ngại. Trong ảnh, nhà chứa máy bay được Trung Quốc xây trên đá Vành Khăn (Mischief Reef), quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 22/07/2016.REUTERS/CSIS


Truyền thông Trung Quốc hôm nay, 08/08/2017, đã lớn tiếng công kích Việt Nam với những lời lẽ rất nặng nề: Lý do là vì Việt Nam đã cố gắng thuyết phục ASEAN có ngôn từ cứng rắn hơn đối với các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông và ít nhiều đã thành công.


Một bài viết trên ấn bản Anh Ngữ của tờ China Daily chạy tựa « Việt Nam lạc điệu so với phần còn lại ASEAN », trước hết ghi nhận sự kiện ngoại trưởng Trung Quốc và các đồng nhiệm ASEAN họp tại Manila đã đánh giá cao thành tựu trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc, hai bên đều biểu thị thái độ hài lòng về việc thông qua Khuôn Khổ Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông và đồng ý nỗ lực để các cuộc đàm phán về bộ quy tắc này có thể được bắt đầu trong năm.


Tờ báo đã nhấn mạnh toàn cảnh trên để tố cáo vai trò bị gọi là « phá đám » của Việt Nam, khi cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của chính mình trong cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN. Theo China Daily, các thông tin báo chí cho biết là Hà Nội đã cố đưa ngôn từ cứng rắn (vào bản thông cáo chung của ASEAN) để chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông. Tờ báo gọi đây là một hành động đạo đức giả, vì Việt Nam là nước đã đi trước trong việc xây dựng đảo.


Tuy nhiên, theo China Daily, « không có thành viên ASEAN nào khác đồng quan điểm với Việt Nam và các cụm từ đề xuất không được đưa vào thông cáo công bố vào Chủ Nhật ».


Trong một bài thứ hai lấy tựa đề « Việt Nam che giấu sai trái của mình bằng cách thổi phòng việc cải tạo đảo đá », tờ China Daily đã quay sang thóa mạ Việt Nam. Tờ báo đã trích dẫn « một số nguồn tin xin ẩn danh » khẳng định rằng chính Việt Nam là nước đã thúc đẩy khối ASEAN đưa từ ngữ « quan ngại » trước các hành động bồi đắp đảo đá vào bản thông cáo chung của các ngoại trưởng Đông Nam Á.


Theo nhận định của các nguồn tin này, thì « Việt Nam giống như một kẻ đi ăn trộm nhưng lại hô « bắt trộm » vì Việt Nam cũng bồi đắp đảo đá tại Biển Đông trong những năm gần đây, đồng thời tăng cường quân đội trong khu vực ».


Và các nguồn tin trên cũng cho rằng tiếng nói của Việt Nam đơn độc trong ASEAN, vì đa số còn lại trong khối Đông Nam Á không thấy quan ngại về tình hình Biển Đông. Phần về Biển Đông trong thông cáo chung năm nay ngắn hơn so với những năm trước, và lời lẽ nhìn chung tích cực hơn, vấn đề cải tạo đảo đá chỉ là mối quan ngại « của một số bộ trưởng », còn từ ngữ « quan ngại nghiêm trọng » đã hoàn toàn biến mất./