Trần Anh Tuấn: Bưu ảnh 13 thủ cấp có phải là các anh hùng VNQDĐ hay không?

13 Tháng Tư 20177:28 CH(Xem: 13055)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  SÁU  14  APRIL  2017   


Bưu ảnh 13 thủ cấp có phải là các anh hùng VNQDĐ hay không?


image032


TRẦN ANH TUẤN


Ảnh chụp là một nguồn tài liệu lịch sử ghi nhận những gì xảy ra trước khi sự kiện hay nhân vật biến mất vĩnh viễn. Cách riêng, ảnh chụp là phần diễn tả cụ thể, chính xác, và có tác dụng phù trợ cho sự diễn tả bằng chữ viết, thậm chí thay thế cả chữ viết.


Ngày nay, nhờ những nhiếp ảnh gia nhà nghề ở Bắc Kỳ (Tonkin, như Dieulefils, Passignat, Moreau, Fauvel, Crébessac, Bonal, Dufresne...), Trung Kỳ (Annam, như Dieulefils, Fajolle, Thanh Ba...), và Nam Kỳ (Cochinchine, như Dieulefils, Poujade de Ladevèze, Planté, Crespin, Nadal, Wirth, Mottet...), chúng ta biết được hình ảnh chân xác về nước Việt và dân Việt dưới thời Pháp thuộc, về sinh hoạt xã hội cũng như về phong trào kháng chiến giành độc lập, như cuộc khởi nghĩa Yên Thế gồm hơn 60 tấm do Dieulefils và cộng sự viên chụp, in thành bộ bưu ảnh bán cho công chúng.


Nhân Ngày Tang Yên Bái sắp tới (17.6) mà có thể có nhiều người nhiều tổ chức sửa soạn làm lễ tưởng niệm, tôi muốn chia sẻ về tấm ảnh 13 thủ cấp mà hơn một lần tôi đã thấy kèm trong bài viết về Việt Nam Quốc Dân Đảng, hơn một lần tôi thấy trên liên mạng điện tử, và hơn một lần tôi thấy trên bàn thờ trong trụ sở của tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng ở California. Tất cả đều xác định đó là thủ cấp của 13 liệt sĩ Yên Bái năm 1930.


Đây là những ngộ nhận đáng tiếc, vì hình ảnh 13 thủ cấp không phải là thủ cấp của 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hiên ngang lên đoạn đầu đài tại Yên Bái ngày 17.6.1930.


image033

(Bộ sưu tập TAT)


Quả thật có một bưu ảnh 13 thủ cấp với chú thích, nguyên văn: "Têtes de Pirates Annamites," tức Thủ cấp của những kẻ cướp người An Nam. Tưởng cần nói ngay, đây là ngôn từ của thực dân Pháp. Chính họ đã từ Âu Châu xa xôi sang chiếm đất Việt để cướp tài nguyên của dân Việt, nhưng họ luôn luôn mệnh danh những ai đứng lên đánh đuổi họ, thí dụ như Hoàng Hoa Thám, là "pirate" tức kẻ cướp. Tôi chưa rõ danh tính những người trong ảnh, vì người chụp, một Pháp kiều trú quán ở Hà Nội tên là Passignat, không cho biết ông ta chụp ở đâu và chụp khi nào. Nhưng tôi vẫn nghi đây là những người nổi lên chống Pháp và bị án tử hình.


Trong mấy năm vừa qua, chỉ vì bức ảnh có 13 thủ cấp mà một số người  -thậm chí cả đảng viên VNQDĐ hiện nay tại hải ngoại- đã tin tưởng đó là hình ảnh của 13 anh hùng vị quốc vong thân năm 1930.


Sự thật ra sao?


Trong bộ sưu tập tài liệu lịch sử cận hiện đại, tôi có hình ảnh các thủ cấp này trong mười hai (12) bưu ảnh khác nhau. Tất cả những bưu ảnh đó đều do một người, chính là Passignat, thiết kế và phát hành tại Hà Nội. Tuy là nhiều bưu ảnh khác nhau, nhưng hình ảnh những thủ cấp chỉ bắt nguồn từ một tấm hình duy nhất. Bộ bưu ảnh này đều là hiện vật đương thời, chứ không phải hình ảnh sao chép trong sách báo hay trên các liên mạng điện tử mới đây.


Trong bộ bưu ảnh đó, có bốn bưu ảnh 13 thủ cấp, các bưu ảnh còn lại chỉ có một phần của tấm hình 13 thủ cấp mà thôi. Cũng trong bộ sưu tập 12 tấm này, có tới 11 bưu ảnh thực gửi với tem Đông Dương và dấu nhật ấn của bưu điện đương thời. Riêng một bưu ảnh đầy đủ 13 thủ cấp là không thực gửi.


Chính vì có trong tay nhiều bưu ảnh thực gửi nên tôi đã có thể xác định chắc chắn là 13 thủ cấp có phải là hình ảnh của 13 anh hùng vị quốc vong thân hay không.


image034image035


(Bộ sưu tập TAT)


Tôi mệnh danh đây là bộ bưu ảnh địa danh, vì mỗi bưu ảnh là một địa danh. Mỗi mẫu tự trong bưu ảnh do nhiều ảnh nhỏ ghép lại. Bộ sưu tập của tôi gồm bưu ảnh Indo-chine (một cái), Annam (một cái), Yen-Bay (một cái), Tuyen-Quang (hai cái, một cái có 13 và một cái có 3 thủ cấp), Viétrie (hai cái, một cái có 12 và một cái có 3 thủ cấp), Hanoi (một cái), Bac-Ninh (một cái), Nam-Dinh (một cái), Phu-Ly (một cái), và bưu ảnh 13 thủ cấp (một cái).


Trong bộ bưu ảnh này, có hai (2) bưu ảnh thực gửi xưa nhất đóng dấu năm 1907. Đó là bưu ảnh Indo-Chine với 3 thủ cấp. Nhật ấn trên tem ở mặt trước có ngày tháng không rõ lắm, nhưng nhật ấn ở mặt sau bưu ảnh thì dấu rất rõ: "Viettri Tonkin 10 Mars 07," tức ngày 10 tháng Ba năm 1907. Thứ hai là bưu ảnh Tuyen-Quang với 13 thủ cấp, nhật ấn đóng trên tem ở mặt trước ghi rõ "Vinh-Thuy Tonkin 29 Dec. 07," tức ngày 29  tháng Chạp năm 1907.


Có hai (2) bưu ảnh đóng dấu năm 1908. Đó là bưu ảnh Viétrie với 3 thủ cấp. Nhật ấn nơi gửi trên tem ở mặt trước ghi "Viettri Tonkin 29 Avril 08," tức ngày 29 tháng Tư năm 1908. Nhật ấn nơi nhận ở mặt sau bưu ảnh rất rõ: "Briare Loiret 6* 3-6-08," tức 6 giờ sáng ngày 3 tháng Sáu năm 1908. Thứ hai là bưu ảnh Annam với 13 thủ cấp, nhật ấn đóng trên tem ở mặt trước mờ, nhưng vẫn đọc được, là "Son-Tay Tonkin 20 Oct 1908," tức ngày 20  tháng 10 năm 1908.


image036image037


(Bộ sưu tập TAT)


Có một (1) bưu ảnh đóng dấu năm 1909. Đó là bưu ảnh Bac-Ninh với 3 thủ cấp. Nhật ấn nơi gửi trên tem ở mặt sau ghi "Bac-Ninh Tonkin 13 Jan 1909," tức ngày 13 tháng Giêng năm 1909. Nhật ấn nơi nhận cũng ở mặt sau ghi "Ta-Lung Tonkin 16 Jan 09," tức ngày 16 tháng Giêng năm 1909.


Có một (1) bưu ảnh đóng dấu năm 1912. Đó là bưu ảnh Phu-Ly với 3 thủ cấp. Nhật ấn nơi gửi trên tem ở mặt sau ghi "Haiphong Tonkin 22 Juin 12," tức ngày 22 tháng Sáu năm 1912. Nhật ấn nơi nhận cũng ở mặt sau ghi "Shanghai Jul 2 12," tức ngày 2 tháng Bẩy năm 1912.


Và có một (1) bưu ảnh đóng dấu năm 1917. Đó là bưu ảnh Yen-Bay với 9 thủ cấp, không kể những thủ cấp bị lập lại. Đây là một bưu ảnh không thực gửi. Mặt trước có dán tem và mặt sau có ghi địa chỉ người nhận ở Lausanne (Thụy Sĩ) nhưng không có dấu bưu điện nơi đi và nơi đến. Tuy nhiên, người gửi lại viết tay ngày tháng, nguyên văn: "Hanoi 5/101917" nên tôi xác định được thời điểm hiện hữu của bưu ảnh.


image038image039


(Bộ sưu tập TAT)


Cũng cần ghi nhận thêm về bưu ảnh Yen-Bay này. Tôi đã phóng to phần thủ cấp thì thấy Passignat đã cắt dán bức ảnh 13 thủ cấp để thiết kế bưu ảnh. Ông ta cắt tấm hình nguyên thủy, giữ nguyên 6 thủ cấp ở hàng trên nhưng cắt mất 1 thủ cấp hàng dưới nơi bìa trái. Thứ đến, ông ta ghép thêm 5 thủ cấp ở hình bìa trái sang bìa phải. Do đó, nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy những thủ cấp bên bìa trái và phải chỉ là những hình ảnh lập lại, và số lượng thủ cấp lên đến 14.

 

1

2

3

4

5

6


 

 

1

2

3

7

8

9

 

 

 


 

 

7

8

 

 

Thực ra, chỉ cần một bưu ảnh với dấu bưu điện là đã xác định được thời điểm của hiện vật. Trường hợp này, tôi có hơn chục tấm bưu ảnh có dấu nhật ấn của bưu điện và chữ viết tay của người đương thời thì sự chân xác đã quá rõ.


Thời điểm kéo dài từ năm 1907 đến năm 1917 căn cứ vào nhật ấn bưu điện giúp chúng ta hiểu tấm ảnh 13 thủ cấp đã được nhiếp ảnh gia Passignat chụp khi nhiều người trong số 13 anh hùng VNQDĐ chưa sinh ra đời! Ngay đảng trưởng Nguyễn Thái Học (1901-1930) cũng chỉ mới lên  5-7 tuổi.


Đến đây có thể đặt câu hỏi, là ngộ nhận do đâu mà ra? Theo tôi, vì đã có hình ảnh 13 thủ cấp lưu hành lâu nay trong dân chúng, nên chính quyền thuộc địa Pháp muốn tạo thêm một hình ảnh kinh hoàng nữa để đe dọa, nhất là để khủng bố phong trào võ trang chống Pháp giành độc lập của người Việt yêu nước. Do đó, họ chọn ra 13 trong số 44 án tử hình mà Hội Đồng Đề Hình Pháp tuyên xử ngày 29 tháng 3 năm 1930 tại Hà Nội để đem lên máy chém tại Yên Bái.


Việc chọn lựa người cũng có thể cố ý hơn là vô tình nhằm gửi ra một tín hiệu ồn ào cho những con dân đất Việt có ý chống lại chính quyền thuộc địa. Trong số 13 nhân vật, dĩ nhiên có những lãnh tụ của VNQDĐ mà họ bắt được, còn có nông dân, thanh niên, và nhất là học sinh chưa tới tuổi trưởng thành bị đem lên máy chém!


Nói cách khác và đơn giản nhất, tấm bưu ảnh với 13 thủ cấp phát hành rộng rãi hồi đầu thế kỷ XX hiện đang được phổ biến không thể là hình ảnh 13 liệt sĩ Yên Bái mất năm 1930.


Ngày 22/12/2016 trên trang mạng của tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Hoa Kỳ, tôi thấy phổ biến "Hình thật của đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng: Nguyễn Thái Học" do thực dân Pháp chụp lúc bị bắt ở Hoả Lò, Hà Nội vào tháng 2 năm 1930.


image040

Nguyễn Thái Học (1901-1930)?


Bức chân dung chưa được kiểm chứng, nên tôi ghi lại nơi đây để tồn nghi. Tôi tin rằng hồ sơ của vụ án Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn còn đầy đủ -kể cả hình ảnh- trong các văn khố tại Việt Nam hay tại Pháp.


Mong sẽ có ngày hình ảnh chân xác của các anh hùng vị quốc vong thân được phồ biến để các thế hệ hậu sinh chiêm ngưỡng và tôn thờ. 

 

TRẦN ANH TUẤN


4.2017
24 Tháng Chín 2017(Xem: 12710)
- Luật gia Lâm Lễ Trinh phê bình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.