LÝ THÁI HÙNG - Kỳ vọng gì về việc ông Sang sang Mỹ?

28 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 17657)

LÝ THÁI HÙNG:

(Viết riêng cho Văn Hóa)

 

Kỳ vọng gì về việc ông Sang sang Mỹ?

 

 

CSVN Đu Giây?

 

Trong hơn 20 năm nối lại quan hệ ngoại giao bình thường từ sau khi Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận đối với nhà cầm quyền CSVN vào năm 1995, Tòa Bạch Ốc đã đón tất cả 4 nhân vật cao cấp của Hà Nội gồm: ông Phan Văn Khải trong trách vụ Thủ tướng vào năm 2005, ông Nguyễn Minh Triết trong trách vụ Chủ tịch nước vào năm 2007, ông Nguyễn Tấn Dũng trong trách vụ Thủ tướng vào năm 2008, và lần này là ông Trương Tấn Sang trong trách vụ Chủ tịch nước vào ngày 25 tháng 7 năm 2013.

 

Mặc dù cả bốn nhân vật nói trên được đánh giá là có quan điểm ôn hòa và cấp tiến trong những liên hệ với Hoa Kỳ; nhưng vì đa số các nhân vật trong bộ chính trị CSVN vốn coi Trung Quốc là “đồng minh” quan trọng, nên mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và CSVN luôn luôn bị coi là thứ yếu trong suốt 2 thập niên vừa qua.

 

Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tuy đặt vấn đề nhân quyền là một điều kiện trong các quan hệ với CSVN; nhưng trong thực tế, Hoa Kỳ không bao giờ đẩy Hà Nội rơi vào thế kẹt về vấn đề nhân quyền mà đa số là do sự “dãn ra” từ phía CSVN, đến từ ba lý do:

 

Thứ nhất là lãnh đạo CSVN không tin chính quyền Hoa Kỳ có thực tâm tạo quan hệ bình thường mà qua đó sẽ dùng “diễn biến hòa bình’ để khuynh loát làm sụp đổ chế độ vì Hoa Kỳ bị coi là thủ phạm chính trong các cuộc cách mạng màu từ Đông Âu đến Bắc Phi.

 

Thứ hai là đa số lãnh đạo CSVN đều coi Trung Quốc là khuôn mẫu và là chỗ dựa tốt nhất, để họ có thể bảo vệ được những quyền lực đang có từ sau khi khối Liên Xô tan rã. Đồng thời chính lãnh đạo Bắc Kinh cũng coi CSVN là một đối tác không thể thiếu để giúp ổn định tình hình phía Nam.

 

Thứ ba là hầu hết giới lãnh đạo CSVN đã yên vị trong chiếc ghế quyền lực trải dài gần 4 thập niên nên rất ngại thay đổi những gì không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Họ chỉ muốn tiếp cận với Hoa Kỳ trên mặt kinh tế nhưng không sẵn sàng học hỏi để tiến đến những hợp tác chiến lược như lãnh đạo Bắc Kinh.

 

Những lý do nói trên đã khiến cho CSVN có những bước đi khập khễnh trong các trao đổi với Hoa Kỳ. Nhiều người cho rằng Hà Nội đã tìm cách “đu giây” giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn nên mới đi khập khễnh như vậy. Trong thực tế, CSVN không hề chủ trương đu giây.

 

Hà Nội làm bộ như đu giây để che đậy một thủ thuật cố hữu là khai thác tài nguyên của các quốc gia Phương Tây hầu cung phụng cho nền kinh tế Trung Quốc mà họ đang dựa vào. Tình trạng nhập siêu đối với Trung Quốc, xuất siêu đối với Hoa Kỳ và Âu Châu ngày một gia tăng từ năm 1991 cho đến nay, cho ta thấy rõ vì sao CSVN đã coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược toàn diện” trong khi chỉ loay hoay với Hoa Kỳ ở vài cuộc đàm phán, không hề muốn tiến xa.

 

Tiếp Cận Hoa Kỳ?

 

Mới đây vào ngày 31 tháng 5, tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Tân Gia Ba với sự tham dự của đại diện nhiều quốc gia trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có một bài phát biểu mà nhiều nhà bình luận cho rằng Hà Nội đã có một số thay đổi quan điểm về Hoa Kỳ.

 

Trong bài phát biểu, ông Dũng ám chỉ Trung Quốc “đã có những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền." Trong khi đó, ông Dũng đã chính thức đề cao Hoa Kỳ bên cạnh Trung Quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất trong khu vực Á Châu và Thế Giới.

 

Cũng trong bài phát biểu, ông Dũng nói rằng Hà Nội muốn tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với 5 cường quốc trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Trong 5 cường quốc này, CSVN chỉ chưa xúc tiến quan hệ đối tác với Hoa Kỳ và Pháp mà thôi.

 

Các nhà bình luận cho rằng, phát biểu của ông Dũng phải là chính sách nhất quán từ Bộ chính trị nên được diễn dịch rằng CSVN đang muốn tạo hình ảnh “đứng thẳng người đối với Bắc Kinh” để tiến gần hơn với Hoa Kỳ và Phương Tây.

 

Vấn đề đặt ra là ông Nguyễn Tấn Dũng và Bộ chính trị CSVN muốn gì hay sẽ được lợi gì khi có những chuyển hướng qua bài phát biểu của ông Dũng?

 

Thứ nhất, sợ bị cô lập và coi thường trong khối ASEAN trong lúc Phi Luật Tân sẵn sàng sống chết với Trung Quốc, CSVN đã mang Hoa Kỳ ra ca ngợi để vừa cho thấy Hà Nội sẵn sàng “thân thiện” với Mỹ, vừa chứng tỏ có khoảng cách với Bắc Kinh.

 

Thứ hai, giải tỏa mặc cảm quá lệ thuộc vào Trung Quốc trên một diễn đàn quốc tế, đặc biệt là trên diễn đàn đối thoại Sangri La, để dùng đó như một thành quả “ngoại giao” nhằm tuyên truyền lên dư luận quần chúng đảng viên trong nước rằng đảng vẫn giữ sự độc lập tự chủ đối với Bắc Kinh.

 

Thứ ba, gieo vào thành phần trí thức, cựu cán bộ CSVN một sự kỳ vọng rằng lãnh đạo Hà Nội -ít nhất là ông Nguyễn Tấn Dũng – biết suy xét để chọn con đường đi gần với Hoa Kỳ hơn hầu giảm thiểu nguy cơ Hán hóa mà cả nước đang biểu tình chống đối liên tục.

 

Thứ tư, giải tỏa cho chính chế độ về đường lối đối ngoại mang đầy kịch tính “tiến thoái lưỡng nan” khi bị chỉ trích là đang nô lệ Tàu và đàn áp các nhà dân chủ yêu nước chống Trung Quốc.

 

Với những lý do được phân tích nói trên, rõ ràng là bài phát biểu của ông Dũng nhắm vào cho chế độ CSVN nhiều hơn là cho dân tộc và đất nước Việt Nam. Nói cách khác, nội dung phát biểu tại Sangri La của ông Dũng hoàn toàn mang tính chất cơ hội và không có chủ trương tiếp cận thật sự với Hoa Kỳ.

 

Kỳ Vọng Gì Cuộc Gặp Obama – Trương Tấn Sang?

 

Trong cuộc họp báo vào ngày 22 tháng 7, đúng vào ngày ông Trương Tấn Sang dẫn một phái đoàn sang thăm viếng Hoa Kỳ, ông Danny Russel, tân phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á – Á Châu Thái Bình Dương, đã có cuộc họp báo, tuyên bố một số điều xem ra khá mâu thuẫn.

 

Ông Danny Russel cho rằng Hoa Kỳ đang có những quan hệ song phương rất tốt với CSVN và chuyến thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang được coi là dấu mốc lịch sử của mối quan hệ này. Trong khi đó, ông Danny Russel cho biết là trước khi Tổng thống Obama đón tiếp ông Sang tại Tòa Bạch Ốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp riêng phái đoàn ông Sang vào chiều ngày 24 tháng 7.

 

Nhìn vào cách đón tiếp của Tòa Bạch Ốc đối với ông Trương Tấn Sang, rõ ràng là mối quan hệ song phương Việt Mỹ không tốt như ông Danny Russel trình bày, nếu không nói là khá “tẻ nhạt” so sánh với những tiếp đón mà Bắc Kinh dành riêng cho ông Sang trong chuyến viếng thăm Trung Quốc hồi tháng 6 vừa qua.

 

Đương nhiên mỗi quốc gia có những thủ tục ngoại giao khi đón tiếp khách mời; nhưng qua cách đón tiếp của Tổng thống Obama dành cho ông Trương Tấn Sang, sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng đã có những công khai muốn “xích lại” phía Hoa Kỳ, cho thấy là Hoa Kỳ chưa thật sự coi CSVN là một đối tác cần phải tranh thủ mạnh mẽ vào lúc này.

 

Mặc dù Tòa Bạch Ốc đã thông báo một số nội dung sẽ được Tổng Thống Obama đề cập đến trong lúc gặp ông Trương Tấn Sang, có hai vấn đề được coi là quan trọng chi phối những bước tiến mới trong quan hệ song phương Việt Mỹ là: 1/Quan hệ đối tác an ninh chiến lược; 2/Vấn đề tôn trọng nhân quyền của CSVN.

 

Hai vấn đề gai góc nói trên không nằm trong trách nhiệm mà Bộ chính trị trao cho ông Trương Tấn Sang. Ông Sang chỉ lo về mảng tư pháp. Ông Nguyễn Phú Trọng phụ trách về quốc phòng nên cầm chịch về quan hệ đối tác an ninh chiến lược. Còn vấn đề nhân quyền thì thuộc trách nhiệm an ninh và đối ngoại của ông Nguyễn Tấn Dũng.

 

Khi những lãnh vực phụ trách được phân chia trong Bộ chính trị như vậy, cũng như tình trạng kèn cựa quyền lực giữa hai phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng trong suốt 2 năm vừa qua, Hoa Kỳ đã nhìn thấy rõ ông Trương Tấn Sang không phải là nhân vật để “mặc cả”.

 

Tóm lại, chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang từ 23 đến 27 tháng 7, hoàn toàn mang tính ngoại giao và là trái đệm, chuẩn bị cho chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng Thống Obama vào cuối năm, nhân khi ông Obama sang dự Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á tại Brunei vào cuối tháng 11 năm 2013.

 

Hơn thế nữa, CSVN không hề có những chỉ dấu thay đổi để đến gần hơn với Hoa Kỳ, mà vẫn duy trì thái độ thân thiện với Trung Quốc qua việc đàn áp những người Việt yêu nước chống Bắc Kinh. Điều gì Hà Nội tuyên bố hay ứng xử hiện nay cũng chỉ thể hiện "nói một đàng, làm một nẻo" mà thôi. 

 

Do đó, quan hệ Việt Mỹ cũng sẽ không có một bước gì mới sau chuyến đi này vì ông Trương Tấn Sang không phải là nhân vật để tạo ra những chuyển biến mới, trong khi hai ông Dũng và ông Trọng đang coi Bắc Kinh là chiếc phao quan trọng của họ trong cuộc chạy đua quyền lực tại Đại hội XII vào năm 2016.

 

Lý Thái Hùng

Ngày 23/7/2013

24 Tháng Chín 2017(Xem: 12711)
- Luật gia Lâm Lễ Trinh phê bình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.