Vì sao Trần Xuân Bách mới chưa xuất hiện ở Việt Nam?

03 Tháng Giêng 20175:42 CH(Xem: 13246)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  04   JAN  2017


image008

Ông Đinh Thế Huynh ở Mỹ cùng với Ngoại trưởng John Kerry. Ảnh minh họa.


Vì sao Trần Xuân Bách mới chưa xuất hiện ở Việt Nam?


03.01.2017


Lê Anh Hùng


Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết năm 1991 đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một ý thức hệ mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ áp dụng chính sách cai trị bàn tay sắt, hoặc thực hiện đường lối cải cách kinh tế, hoặc kết hợp cả hai sách lược đó nên thế giới hiện vẫn còn 5 quốc gia mà trên danh nghĩa là theo ý thức hệ cộng sản – đó là Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba và Lào.


Dù vậy, theo đúng quy luật, các chế độ độc tài này sớm muộn gì cũng đi đến chỗ tiêu vong. Và, giống như ở Liên bang Xô-viết, ở các quốc gia cộng sản Đông Âu, hay ở bất kỳ hệ thống nào khác, không phải các nhân tố bên ngoài mà chính những tác nhân bên trong mới là yếu tố quyết định dẫn đến sự sụp đổ tất yếu đó.


Trong số các nhân tố nội tại thì ngoài những sai lầm mang tính hệ thống, sự thúc đẩy của những thành phần cấp tiến trong bộ máy cũng góp phần đặc biệt quan trọng khiến các chế độ độc tài cộng sản đi đến chỗ sụp đổ nhanh hơn và ít tổn thất hơn, mà trường hợp Boris Yeltsin của Nga là một ví dụ điển hình.


Ở Việt Nam, cố Uỷ viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách (1924-2006), người từng cổ xuý mạnh mẽ cho công cuộc cải tổ theo xu hướng đa nguyên, đa đảng khi còn đương chức, là một nhân vật như thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh đường lối cải cách, cấp tiến chưa trở thành một xu thế rõ rệt trong Đảng CSVN, lực lượng bảo thủ vẫn còn áp đảo trên chính trường, Trần Xuân Bách đã quá đơn độc. Và chỉ ba tháng sau bài phát biểu công khai kêu gọi đa nguyên, đa đảng và cải tổ chính trị song song với cải cách kinh tế, ông đã bị phê phán kịch liệt trong Hội nghị Trung ương 8 khoá VI tháng 3 năm 1990 rồi bị trục xuất khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.


Bị cô lập và gần như là bị quản thúc tại gia giữa lúc phong trào dân chủ trong xã hội chưa kịp manh nha, Trần Xuân Bách im hơi lặng tiếng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1/1/2006. Tuy sớm bị vùi dập, nhưng tiếng nói của ông vẫn là phát pháo hiệu, không chỉ báo hiệu tương lai dân chủ của đất nước, mà còn cho thấy tương lai đó có cả sự ươm mầm và đóng góp quan trọng của chính những người nằm trong guồng máy của chế độ độc tài cộng sản. Những gì ông nêu lên 27 năm trước cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.


Kể từ đấy, công chúng Việt Nam vẫn mỏi mắt trông chờ một Trần Xuân Bách mới. Và mặc dù phong trào dân chủ trong xã hội đã tương đối phát triển, bối cảnh trong và ngoài nước đã thuận lợi, nhu cầu thay đổi đã trở nên bức thiết, người ta vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng của một nhân vật như thế. Cho đến nay, Trần Xuân Bách vẫn là nhân vật cao cấp nhất trong bộ máy lên tiếng đòi thay đổi một cách công khai và mạnh mẽ khi còn đương chức.


Để lý giải cho thực trạng trên, từ hiểu biết khiêm tốn của mình, chúng tôi xin nêu ra vài nguyên nhân chủ yếu dưới đây.


Sự tha hoá của hệ thống


Trước đây, những đảng viên cộng sản như Hoàng Minh Chính, Trần Độ hay Trần Xuân Bách đều là những người sùng tín chủ nghĩa Marx - Lenin. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, nơi những tín điều của chủ nghĩa Marx - Lenin và “đạo đức cộng sản” vẫn chi phối cách ứng xử của các thành viên trong xã hội, nơi phần lớn mọi thứ của cải vốn dĩ đã khan hiếm của xã hội đều được phân phối theo kiểu bình quân chủ nghĩa, nơi không có nhiều thứ cám dỗ để người ta dễ đánh mất mình… những người “cộng sản chân chính” như họ vẫn có nhiều cơ hội để bước lên những nấc thang quyền lực. Và đến khi họ ngộ ra được chân lý, nhận ra được thực tế phũ phàng của cái gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” và cất lên tiếng nói của lương tri, của lý trí thì họ vẫn giữ được đạo đức, phẩm hạnh của mình. Lúc đó, nhà cầm quyền không còn cách nào khác ngoài việc cô lập, gạt họ ra khỏi guồng máy, hoặc thậm chí là tống vào tù, trong bối cảnh họ đã trở thành một biểu tượng cả về đạo đức lẫn chính trị, tức là hội đủ cả tâm lẫn tầm trong con mắt công chúng.


Tuy nhiên, sau khi Đảng CSVN buộc phải tiến hành cái gọi là “Đổi mới” từ năm 1986, thực chất là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang một nền kinh tế tư bản hoang dã mà ở đó các nhóm lợi ích thoả sức tác oai tác quái, guồng máy công quyền gần như ngay lập tức biến thành một cỗ máy tham nhũng khổng lồ và hoạt động ngày càng trơn tru. Để leo lên đến địa vị của những Hoàng Minh Chính, Trần Độ hay Trần Xuân Bách trong bộ máy hiện hành, hầu như ai ai cũng đều dính líu đến tham nhũng, tiêu cực. Đơn giản, nếu không như thế thì họ sẽ ngay lập tức bị loại ra khỏi “đội hình”, sẽ không có tiền để “bôi trơn” chỗ này chỗ nọ trong những dịp bầu bán, thăng bạt, v.v. Nghĩa là, khi công chúng còn chưa kịp nhận ra được cái “tầm” của họ thì cái “tâm” trong con người họ đã bị tha hoá từ lúc nào không hay.


Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng một thời khiến công chúng Việt Nam nức lòng nức dạ qua bài “Nguyên Chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của Đảng” trên VietNamNet ngày 6/12/2010: lần đầu tiên một cựu lãnh đạo chóp bu của chế độ ví Đảng CSVN như một ông vua, không phải ông vua thời phong kiến mà là vua tập thể thời xã hội chủ nghĩa, và đòi hỏi phải thay đổi. Người ta kỳ vọng ông sẽ tiếp quản ngọn cờ mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại, hầu chí ít là trở thành thủ lĩnh tinh thần cho phong trào dân chủ hoá đất nước. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn lên tiếng khá mạnh mẽ, ngài cựu Chủ tịch Quốc hội đột nhiên im bặt, trong khi người con trai Nguyễn Sỹ Hiệp của ông thì trở thành thư ký Thủ tướng, trợ lý Thủ tướng rồi Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.


Sự khuynh loát của lực lượng công an


Chế độ cộng sản không chỉ là một hệ thống “đảng trị” mà còn mang đậm bản sắc “công an trị”. Bộ máy công an thao túng gần như mọi mặt của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước, khắp nơi đâu đâu cũng có “tai mắt” (“đặc tình”) của họ.


Vì thế, bất kỳ biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” nào của đội ngũ quan chức cũng đều khó thoát khỏi con mắt cú vọ của lực lượng “còn đảng còn mình”, để rồi bị đội quân kiêu binh này nắm “thóp”, kiểm soát và sẵn sàng vô hiệu hoá bằng đủ mọi mưu ma chước quỷ.


Sự thao túng của Bắc Kinh


Bên cạnh an ninh cộng sản, ở Việt Nam còn có sự hiện hữu của một đội quân chuyên hoạt động trong bóng tối khác mà giới quan chức CSVN luôn phải dè chừng – đó là Cục Tình báo Hoa Nam của Trung Quốc. Đây là lực lượng thường xuyên theo dõi, mua chuộc, gài bẫy, thu thập bằng chứng phạm tội của giới quan chức Việt Nam… hòng khống chế, thao túng và biến họ thành tay sai phục vụ đắc lực cho các ông chủ Trung Nam Hải, đồng thời tìm cách vô hiệu hoá những nhân vật có xu hướng cải cách, thân phương Tây hay chống Trung Quốc.


Mặc dù dính líu đến rất nhiều tai tiếng về tham nhũng nhưng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn từng được kỳ vọng sẽ là nhân vật khởi xướng công cuộc dân chủ hoá đất, với những câu phát ngôn rất dễ đi vào lòng người về chủ quyền biển đảo, về tự do dân chủ, về pháp quyền, v.v. (Điều này cho thấy một thực tế là dân tộc Việt Nam vốn bao dung, luôn sẵn sàng tha thứ cho những đứa con lầm lạc biết “đoái công chuộc tội”.)


Tuy nhiên, đáng tiếc là người ta đã đặt niềm tin không đúng chỗ: Nguyễn Tấn Dũng trên thực tế là một “con bài” vô cùng đắc dụng trong chiến lược thôn tính Việt Nam của Trung Quốc, là đối tượng bị cáo buộc phản bội Tổ quốc trong một vụ tố cáo đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bàn tay lông lá của Bắc Kinh ở Việt Nam. (Mặc dù vụ việc đã kéo dài từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật.)


Những bước ngoặt trong lịch sử nhân loại luôn mang đậm dấu ấn của những cá nhân xuất chúng. Lịch sử Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hơn bao giờ hết, nhu cầu thay đổi ở Việt Nam đang ngày càng trở nên cấp thiết, trong bối cảnh sự tồn tại của hệ thống hiện hành chỉ còn tính bằng năm. “Thời thế tạo anh hùng”, một Trần Xuân Bách mới, hay thậm chí một Boris Yeltsin của Việt Nam, sớm muộn gì cũng xuất hiện khi kết cục tất yếu diễn ra.


* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


  • image009

Lê Anh Hùng


Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.