Ls Lâm Lễ Trinh: Hoài niệm cố TT Ngô đình Diệm

04 Tháng Mười Hai 201610:37 CH(Xem: 15386)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  05  DEC  2016


image029


Luật sư Lâm Lễ Trinh (thứ ba bên phải) và các cựu Tướng lãnh, Bộ trưởng VNCH trong một buổi lễ tưởng niệm cố TT Ngô Đình Diệm tại nam California 01/11/ 2003. Ảnh LKT


Hi Tho Đi Hc Berkeley 17.10.2016


 

Hoài niệm TNG THNG NGÔ ĐÌNH DIM SÁNG LP VIÊN Đ NHT CNG HÒA VIT NAM


 

 

image031

Lâm L Trinh


 


Năm 1955, tác giả bài này rời chức vụ Chánh Nhất Tòa Thượng Thẩm Saigon để nhận lời tham gia Nội các Ngô Đình Diệm với tư cách Bộ Trưởng Nội Vụ. Tháng 10.1960 - 5 năm sau - chúng tôi từ chức và chuyển qua ngành Ngoại Giao, phục vụ tại Trung Đông, với chức Đại Sứ, cho đến cuộc binh biến ngày 1.11.1963.


Giai đoạn 1954-1963 là giai đoạn dựng nước thành công sau Hiệp Ước Genève. Tổng Thống Eisenhower xem đây là một phép lạ và đề cao ông Diệm như một “Winston Churchill Á Châu”.


Lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với gia đình nhà Ngô là vào cuối thập niên 40. Bào huynh của ông Diệm, Linh Mục Tiến Sĩ Ngô Đình Thục, là thầy dạy tiếng Latinh, Hy Lạp của chúng tôi tại trường Trung Học Huế. Vào thời đó, Thượng Thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm, 32 tuổi, được quần chúng mến phục vì đã can trường từ chức trong triều đình hoàng đế Bảo Đại để đòi thực dân Pháp trả lại độc lập hoàn toàn cho đất nước. Năm 1945, Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Anh quốc đến Việt Nam thay thế quân chiếm đóng Nhật Bản. Nạn đói Ất Dậu giết chết gần hai triệu dân. Hệ thống cai trị của Pháp tan rã, bộ đội Việt Minh thừa cơ hội đánh chiếm Hà-nội, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và truy giết các phần tử Quốc Gia.



Tác giả bài này đang là sinh viên Luật tại Hà-nội, phải bỏ học để xuôi Nam bằng xe đạp hay đi bộ vì đường xe lửa xuyên Việt bị phi cơ Đồng Minh phá hủy nhiều đoạn. Năm 1953, tác giả diện kiến lần đầu tiên hai ông Diệm-Nhu tại Vĩnh Long, nơi chúng tôi giữ chức Chánh Án. Hàng tuần, hai ông về đây để xem lễ và viếng thăm Giám Mục Ngô Đình Thục. Tháng năm 1954, một lần nữa, Bảo Đại mời ông Diệm thành lập nội các. Ông Diệm từ chối, đòi được toàn quyền. Thái độ lừng khừng của Bảo Đài và sự tung hoành của các giáo phái và đảng cướp Bình Xuyên làm cho ông Diệm chán nản. Một sự kiện nghiêm trọng thúc đẩy ông Diệm đổi ý đầu năm 1954: Trên một triệu đồng bào Bắc Việt, đa số Công Giáo, ào ạt di tản vào Nam tránh nạn Cộng Sản. Họ xem Diệm như một cứu tinh.



Sự ủng hộ hết lòng của Đức Hồng Y Hoa Kỳ Spellman, đặc biệt là quyết định trở về công tác của 8.000 kháng chiến quân Cao Đài Trình Minh Thế qua trung gian của Đại Tá CIA Lansdale... là những động lực thúc đẩy ông Diệm chấp chính. Là một tín đồ Công Giáo thuần thành và một quan lại được đào tạo theo đạo lý Khổng Mạnh, Diệm có cảm tình với quân chủ. Trong thâm tâm, ông không chủ trương lật đổ Bảo Đại. Chính Bảo Đại đã lấn ông vào chân tường khi triệu hồi ông qua Cannes (Pháp) để thay thế bằng tướng cuớp Bình Xuyên Lê Văn Viễn. Mặt khác, ông bị đặt trước một việc đã rồi khi Hội Đồng Cách Mạng gồm có Nguyễn Bảo Toàn (Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Đảng Dân Xã), Hồ Hán Sơn (Cao Đài Tây Ninh) và Nhị Lang (Cao Đài Liên Minh Trình Minh Thế) ép ông tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại. Ông Diệm can thiệp để đại diện của Bảo Đại là Tướng Nguyễn Văn Vỹ được ra về tự do. Thể chế Dân Chủ được thành lập. với một Tổng Thống và Phó Tổng Thống dân cử. Bản Hiến Pháp của VNCH được chấp nhận ngày 26.10.1955 từ nay xem như Ngày Quốc Khánh.


 


image033


 image034


 



Sau khi trục xuất được Tướng phản động Nguyễn Văn Hinh ra khỏi quân đội, đóng cửa sòng bạc “Đại Thế Giới của Bình Xuyên tại Chợ Lớn, vô hiệu hóa các nhóm giáo phái Hòa Hảo (Năm Lửa, Lâm Thành Nguyên, Ba Cụt, Hai Ngoán, Nguyễn Giác Ngộ…), nhóm Công Giáo võ trang UMDC của Đại Tá lai Pháp Jean Leroy, Cao Đài Tây Ninh (Phạm Công Tắc, Nguyễn Thành Phương...), Tổng Thống Diệm công bố cho thế giới biết VNCH từ chối tổ chức bầu cử với Bắc Việt Cộng Sản vì chính phủ của ông không ký Hiệp Ước Genève chia đôi Việt Nam. Một điều khoản trong Hiệp Ước ấn định Cộng Sản phải rút về Bắc 100.000 cán bộ võ trang trong thời hạn ngắn. Chính quyền Diệm phải chạy đua với đồng hồ, tổ chức lại gấp rút Miền Nam về mặt trật tự, xã hội, kinh tế và quân sự.


Năm 1959, Chính Trị Bộ CS Bắc Việt quyết định tái xâm nhập Miền Nam bằng võ lực.


 


NHỮNG CẢI TỔ VÀ THÀNH QUẢ (1954-1963)


Mặc dù có sự phản đối của ngoại trưởng VNCH Trần Văn Đỗ, Hiệp Ước Genève ký ngày 20.7.1954 cắt đội Việt Nam. VNCH phải giải ngũ 80.000 quân trong tổng số 150.000. Tháng Tư 1956, người lính cuối cùng của quân đội Pháp rời Việt Nam. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu: Đế quốc Pháp bị thay bởi Hoa Kỳ là nước chi tiền để điều khiển chiến tranh. Cuộc chiến sẽ kéo dài ba thập niên. Dài nhất trong lịch sử Mỹ, Việt.


Dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Diệm, bộ máy cầm quyền gồm có 13 Bộ, 16 Tổng Nha, một trường Quốc Gia Hành Chánh, một cơ quan Chiêu Hồi (Open arms) để đón nhận cán bộ Cộng Sản trở về với Quốc Gia và một chương trình cải tổ nông thôn. Bản đồ các tỉnh trong Nam và trên Cao Nguyên được vẽ lại, đặt thêm những tỉnh mới, chấn chỉnh quy chế tự trị cổ truyền của các làng mạc.


Trong hồi ký “Histoire d'une victoire perdue”, Giám Đốc CIA William Colby chỉ trích Hoa Thịnh Đốn không ủng hộ đúng mức chính sách Ấp Chiến Lược của ông Diệm. Chính sách này phỏng theo kế hoạch của Tướng Mã Lai Robert Thompson, đã từng tiêu diệt nhiều chục ngàn cán bộ Cộng Sản. Sau khi hai ông Diệm, Nhu bị giết năm 1963, nhóm tướng đảo chính hủy bỏ kế hoạch trên đây khiến cho Cộng Sản reo mừng, xem quyết định này như “món quà của Thượng Đế”. Năm 1965, Mỹ tấn công vùng nông thôn Việt Bắc bằng bom nhưng không cứu được sự sụp đổ của hệ thống ấp chiến lược trong Nam.


 


CẢI CÁCH TƯ PHÁP VÀ XÃ HỘI


Bảo Đại đã lưu lại cho Diệm một gia tài vô cùng bi đát. Bộ máy Tư Pháp cần được xây dựng lại hoàn toàn. Chính phủ cho thiết lập một Tòa Phá Án, hai Tòa Thượng Thẩm tại Huế và Saigon, 6 Tòa Sơ Thẩm, 23 Tòa Hòa Giải Rộng Quyền, 13 Tòa xử vị thành niên phạm pháp, 8 Tòa Lao Động, 1 Tòa xử về điền địa, 1 Tòa Án Hành Chánh, 2 phòng Chưởng Khế và nhiều văn phòng Thừa Phát Lại. Bộ Tư Pháp cần gấp tuyển dụng và huấn luyện Thẩm Phán và sĩ quan Tư Pháp. Một chiến dịch toàn quốc được tổ chức để chống các tệ đoan xã hội: ma tuý, cờ bạc, cướp bóc, mại dâm... Nền giáo dục trong nước được chỉnh đốn toàn diện, từ mẫu giáo đến Tiểu Học, Sơ Học và Đại Học. Chế độ thi cử, du học... được xét lại. Quốc Ngữ là ngôn ngữ bắt buộc, thay thế tiếng Nôm và tiếng Hán. Bốn trường Đại Học được mở ra ở Huế, Đà Lạt và trong Nam.


Nhiều Ủy Ban chuyên môn nghiên cứu vấn để thống nhất luật lệ do Pháp và thời quân chủ lưu lại. Quốc Hội ban hành một số luật mới: Dân Sự Tố Tụng, Hành Chính, Hình Sự Tố Tụng, Gia Đình, Luật Thương Mại, Luật Lao Động.. v.. v... Các bộ luật này phải thích hợp với những quy tắc tự do và dân chủ đề cao trong Hiến Pháp. Quyền tự do lập nghiệp đoàn cũng được tôn trọng và những vụ công nhân đình công ít khi xảy ra.


 


VẤN ĐỀ ĐẢNG PHẢI VÀ TỔ CHỨC QUẦN CHÚNG


Đây là một vấn đề phức tạp vì chính phủ phải một mặt tôn trọng nhân quyền và dân quyền căn bản, mặt khác, vô hiệu hóa sự lợi dụng của Cộng Sản. Dung hòa hai nhu cầu này không dễ. Trong những năm đầu của chế độ, Đại Tá Edward Lansdale rút kinh nghiệm ở Phi Luật Tân, đưa ý kiến nên thành lập một đảng nòng cốt trung thành với chính phủ để lần hồi tiến đến đa đảng. Trong tinh thần này, đảng Cần Lao Nhân Vị ra đời, phỏng theo chủ thuyết personalisme của triết gia Pháp Jacques Maritain (1882 - 1973) và Emmanuel Mounier (1905 - 1950), Ngô Đình Nhu giữ chức Tổng Bí Thư đầu tiên.


Không có văn kiện chính thức nào bổ nhiệm ông Nhu vào chức Cố Vấn Chính Phủ. Ông làm việc trên tầng hai Định Độc Lập trong một căn phòng nhỏ, đầy sách, thiếu ánh sáng, không có nhân viên thư ký riêng, chỉ có một phụ tá, sĩ quan trong quân đội. Ông bà Nhu và bốn người con xử dụng hai phòng bên cạnh.


Nội bộ Cần Lao chia ra nhiều phe nhóm: Trần Kim Tuyến, Trần Quốc Bửu, Trần Văn Trai, Huỳnh Văn Lang, Lê Văn Đồng, Huỳnh Hữu Nghĩa, Lê Quang Tung, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Châu, Dương Văn Hiếu, Phan Ngọc Các...... Việc đưa Cần Lao vào quân đội bị chỉ trích vì phá vỡ hệ thống quân giai. Vài năm sau, dưới áp lực của công luận và Hoa Kỳ, thể thức đa đảng đem ra thí nghiệm. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia hoạt động dưới sự lãnh đạo của Trần Chánh Thành, người chủ xướng “chiến dịch Tố Cộng”. Nhóm Caravelle xuất hiện, gồm có một số tri thức chống Diệm; Trần Quốc Bửu tổ chức Tổng Liên Đoàn Lao Động. Dân Biểu Trần Văn Lắm thành lập Phong Trào Giáo Dân Hành Động. Phong Trào Thanh Niên và Thanh Nữ Cộng Hòa được Nhu đỡ đầu và giao cho Cao Xuân Vỹ điều khiển.


Các đảng phái lâu đời như VN Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Đại Việt Duy Dân, Đại Việt Cách Mạng... chưa tái xuất vì thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo.. Trong những lúc tâm tình với tác giả, TT Diệm tỏ ra rất bức xúc về vấn đề thiếu cán bộ để thực hiện kế hoạch quốc gia. Đặc biệt, ông than phải dùng trong quân đội những sĩ quan của Pháp vì lớp trẻ thiếu kinh nghiệm chỉ huy.


Nhân sự là vấn đề sinh tử đối với Đệ Nhất Cộng Hòa trong nhiều lĩnh vực, một vấn đề nan giải. Bởi thế, TT Diệm giao cho hai em Nhu – Cẩn việc điều động đảng Cần Lao và trao cho Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia trách vụ huấn luyện nhân viên Nhà Nước. Bà Ngô Đình Nhu, Dân Biểu Quốc Hội, tổ chức Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới để cổ xúy nữ giới tích cực tham gia công tác xã hội như ủy lạo chiến sĩ, huấn luyện quân sự, phụ giúp trong các bệnh viện, mở lớp dạy Quốc Ngữ miễn phí.. v.v...


Hai Liên đoàn trên đây - công chức và phụ nữ - đã hăng hái tham gia bầu cử và đưa một số đại diện vào Quốc Hội Lập Pháp.


Trong cuộc phỏng vấn có ghi âm tại Paris ngày 4.7.2005, cựu Đổng Lý Văn Phòng của Diệm là ông Quách Tòng Đức xác nhận với tác giả bài này rằng ông có chứng kiến việc Đại Úy Phạm Bá Hoa, đại diện cho Trung Tướng Trần Văn Đôn trong Hội Đồng Cách Mạng, ký tên sau ngày 1.11.1963 vào biên bản để nhận từ tay Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng của Diệm, hai số tiền 6.297 Mỹ kim và 2.390.000 đồng bạc VN. Trong hồi ký “VN, our endless war”, Đôn cho biết đó là tài sản duy nhất của TT Diệm!


 


VẤN ĐỀ NGƯỜI VIỆT GỐC HOA


Ngay từ thời Pháp thuộc, giới Hoa kiều đã kiểm soát gần hết tài nguyên kinh tế của Việt Nam, tổ chức những cộng đồng gọi là Bang (Triều Châu, Phước Kiến, Quảng Đông, Hẹ.. v..)... Người Hoa làm chủ nhiều bệnh viện, ngân hàng và công ty độc quyền xuất cảng nông sản. Họ đứng tên đất đai ở khắp nơi. Hoa kiều lập gia đình với dân địa phương, sanh con gọi là Minh Hương. Nguy hiểm hơn nữa, Cộng Sản Hànội thi hành chính sách Hoa Kiều Vận của Bắc Kinh, chuyển vũ khí vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh và hai xứ giáp ranh Lào, Miên.


Ngay sau khi chấp chính, TT Diệm ban hành một loạt sắc luật buộc Hoa kiều sinh tại VN phải đương nhiên xem như công dân Việt với đầy đủ trách vụ và phận sự (quân dịch, đóng thuế…) và phải Việt Nam hóa tên họ trên giấy tờ; những người di trú bất hợp pháp bị trục xuất; tỷ lệ nhập cư và nhập tịch hàng năm bị cắt giảm tối đa; người Hoa không được sở hữu quá 100 mẫu đất và bị cấm thi hành 11 nghề.


Nơi trang 201, trong “Chuyện hàng ngày” của tác giả Đoàn Thêm thì Dụ số 53 ngày 6.9.1956 cấm ngoại kiều từ nay không được làm 11 nghề và nếu đã làm thì phải giải nghệ ngay trong 6 tháng hoặc một năm (cá, thịt, chạp phô, than củi, dầu nhớt, cầm đồ, vải lụa, sắt đồng, xay lúa, ngũ cốc, chuyên chở, làm trung gian ăn hoa hồng).


Phản ứng của Đài Loan, Hồng Kông, Singapour… rất mạnh, chống lại những biện pháp mệnh danh “kỳ thị “vừa kể. Mỹ can thiệp hòa giải. Sàigòn phải gởi phái đoàn giải thích gồm có Linh Mục De Jaegher và bang trưởng Mã Tuyền tham gia. Một thỏa ước tạm được dàn xếp, với sự nhân nhượng của đôi bên. Tuy nhiên, vấn đề Hoa kiều ở Việt Nam vẫn âm ỉ, có thể bộc phát bất ngờ.


 


CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT


Giới nông dân chiếm 85 phần trăm trong tổng dân số Việt Nam và chịu nhiều bất công thời Pháp thuộc cũng như dưới ách Cộng Sản. Bởi vậy, Tổng Thống Diệm xem việc cải cách ruộng đất như kế hoạch hàng đầu để tuyên truyền chống Hànội và thu phục nhân tâm. Bộ Cải Cách Điền Địa, thành lập năm 1955, minh định và bảo vệ mối liên hệ chủ điền - tá điền; chính phủ kiểm soát chặc chẽ. Hợp đồng ký giữa đôi bên để tránh lạm dụng. Phần đất sở hữu bất hợp pháp bị truất hữu với bồi thường thỏa đáng bằng công khố phiếu trả dài hạn. Thuế vụ phải thanh toán đầy đủ. Sự chuyển nhượng tài sản không gây bất mãn trong xã hội. Sổ Bộ Điền Địa được tái lập. Đất bỏ hoang vì chiến tranh và đất bị ngoại kiều chiếm đoạt được khai thác và phân chia cho dân. Tòa án điền địa xét xử công minh những tranh chấp, khiếu nại.


 


KẾ HOẠCH KINH TẾ NGŨ NIÊN


Cuối năm 1959, 47 nước trên thế giới công nhận VNCH. Hoa Kỳ và các quốc gia hội viên của Chương Trình Colombo hỗ trợ nhiệt tình chính phủ Miền Nam. Trong một bài diễn văn đọc tại Tuy Hòa ngày 17.9.1955, TT Diệm chủ trương độc lập kinh tế bảo đảm độc lập chính trị, bởi vậy cần tận dụng tài nguyên trong xứ trước khi nhận ngoại viện để tránh mọi sự lệ thuộc. Ông Diệm cho thành lập một Tổng Nha Kế Hoạch trực thuộc Phủ Tổng Thống có trách vụ kiểm tra tài lực và nhân lực để thảo trình một phương án mở mang kinh tế ngũ niên.


Sau 5 năm cố gắng, chính quyền Diệm đã thu được nhiều thành quả khích lệ: xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước, trùng tu hệ thống giao thông trên Cao Nguyên, đặt một trung tâm nguyên tử lực tại Đà Lạt, xây nhà máy điện trong các làng và bắt đầu xuất cảng cà phê, cao su, lúa gạo, xi măng, đường cát và vải sợi.... ra nước ngoài. Mức sống của quần chúng được nâng cao, ngân sách quốc gia được quân bình, giá đồng bạc VN đối với Mỹ kim được ổn định.


 


VNCH TRÊN CHÍNH TRƯỜNG NGOẠI GIAO


Song song với công cuộc bình định trong xứ, TT Diệm đặc biệt chú tâm đến việc trau dồi hình ảnh quốc ngoại của đất nước do ông lãnh đạo. Trong một thời gian kỷ lục, liên lạc ngoại giao được lập với các xứ thuộc thế giới tự do ở Châu Âu, Trung Đông và Á Châu. Ông viếng thăm Thái Lan, Mã lai, Singapore, Ấn Độ, Nam Hàn, Đài Loan, Úc Châu, Phi Luật Tân... Thái tử Marốc Abdullah, Quốc Vương Iraq, Phó Tổng Thống Ấn Độ đến viếng Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đặt một văn phòng quan sát viên Liên Hiệp Quốc tại New York. Ở mỗi nơi, TT Diệm được chào đón như một chiến sĩ anh hùng.


Ngày 6.5.1957, TT Eisenhower mời TT Diệm công du Hoa Kỳ hai tuần. Một phi cơ riêng đưa phái đoàn VN đến Hawaii. Tại phi trường Honolulu, TT Eisenhower và Ngoại Trưởng Foster Dulles ra tận máy bay để chào. TT Diệm được mời đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, một vinh dự dành cho những thượng khách đặc biệt. Vài hôm sau Thị Trưởng Robert Wagner tổ chức một buổi tiếp đón trọng thể tại New York. 250.000 dân tại đây hoan nghênh ông Diệm trong một cuộc biểu diễn Ticker Tape Parade. Để chào mừng, họ thả xuống từ tầng lầu các tòa nhà dọc hai bên đường từng trận mưa hoa giấy confettis.


 


ĐỒNG MINH VÀ ĐỐI THỦ


Trong những năm chót trước ngày 1.11.1963, sự liên hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Sàigòn trở nên tồi tệ. Để Việt Nam hóa chiến tranh, cố vấn Mỹ và nhân viên CIA có mặt trong nhiều cơ quân quân sự, an ninh, tình báo của Miền Nam. Những tổ chức chuyên môn của Hoa Kỳ gia tăng hoạt động như USAID (UnitedStates Agency for International Development), USOM (US Operation Mission), DAO (Defense Attache Office)... Thông tín viên báo chí ngoại quốc tràn vào VN săn tin. Geore Carver, Rufus Philips, Lucien Conein, John Paul Vann, Neil Shihan... là những tên thường được nhắc đến. Cố vấn riêng của TT Diệm gồm có Edward Lansdale, Wesley Fishel, Wolf Ladejinsky, Raymond de Jaegher..., một số sau này trở lại công kích lại ông Diệm.


Cộng Sản Bắc Việt tuyên bố đột nhập được một số cơ quan đầu não Miền Nam. Sự thật là không ít cán bộ của chúng bị Tổng Cục Tình Báo VNCH và Mật vụ của Ngô Đình Cẩn phá vỡ và đưa ra tòa như Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thùy, Trần Quốc Hương, Trần Ngọc Hiển, Trương Như Tảng, Phạm Bá Lương, Ca Văn Thinh, vụ gián điệp Hotel Morin.. v.v... Mặt khác, chính phủ Diệm đón nhận và xử dụng một số cán bộ CS hồi chính như Kiều Công Cung, Nguyễn Văn Bé, anh em Lâm Quang Phòng, Phạm Ngọc Thảo...


Nhà văn Dương Thu Hương đã viết: “Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm, không có truyền thống chống nội thù”. Nhận định này không phải vô căn cứ. Thật vậy, trong chiến tranh VN, Bắc Việt nhận được sự hỗ trợ hết lòng của Nga, Tàu về nhân sự và kỹ thuật để tổ chức dưới vĩ tuyến 17 một lưới tình báo đa năng. Trong lúc ấy, theo sự tiết lộ sau 1975 với tác giả bài này, của Trung Tướng Đặng Văn Quang, cố vấn quân sự của TT Nguyễn Văn Thiệu, thì sự trao đổi tin tức giữa HK và VNCH bị giới hạn và kiểm soát chặc chẽ, có thể vì hai bên không còn hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau trong thời gian chót của cuộc chiến.


Đối thủ thật sự của TT Diệm chính là Hoa Kỳ, Quốc Gia chi tiền để dành quyền Mỹ hóa rồi Việt hóa chiến tranh và điều đình thẳng với Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Hoa Thịnh Đốn từ chối ký với Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu một hiệp ước an ninh hỗ tương như với Nam Hàn và Phi Luật Tân. Mỹ can ngăn quân đội Miền Nam vượt vĩ tuyến 17 để tấn công Bắc Việt. Mỹ ép VNCH chấp nhận một cuộc chiến tự vệ thụ động. Khi mục tiêu đạt được, Hoa Thịnh Đốn bỏ rơi chính quyền Sàigòn cho số mạng. Tướng Westmoreland công khai thú nhận: “Chúng tôi đã phản bội các bạn”.


Nhu cầu địa lý chính trị thường khai sinh những thế liên minh chênh lệch, trong đó quốc gia nhỏ bé thường bị thiệt thòi. Đồng minh với một nước lớn, dù mạnh đến đâu cũng đi đến tan vỡ nếu không được dân tộc hỗ trợ hết lòng, sống chết để bảo vệ.


Thật vậy, không có bình đẳng nếu không có đồng đẳng.


Dân chủ không thể là món hàng xuất cảng, một chiêu bài tuyên truyền suông. Nên để phòng những mẫu dân chủ giả hiệu.


 


MỘT TU SĨ LẠC LÕNG TRONG CHÍNH TRƯỜNG


Nhiều điều được kể và viết về Ngô Đình Diệm nhưng ông vẫn là một gương mặt bí ẩn đối với đa số quần chúng. TT Diệm sinh quán tại Quảng Bình thường được xem như cái nôi cách mạng của VN. Ông là con trai thứ ba trong một gia đình Công Giáo thuần thành gồm có sáu trai, ba gái. Thân phụ ông là Ngô Đình Khả, người Việt đầu tiên du học tại Penang, Mã Lai, nói thông thạo ba sinh ngữ và từng là thầy dạy của vua Thành Thái chống Pháp. Thời niên thiếu, ông Diệm được giáo dục theo đạo lý Khổng Mạnh, Nho giáo và Thiên Chúa giáo khắc khổ. Ông sống độc thân và từng định đi tu. Khi lưu vong tạm ở Bỉ quốc và Hoa Kỳ, ông xin tá túc trong một tu viện. Ông được đồng bào và thế giới tặng cho biệt danh Mister NO vì rất nhiều lần ông từ chối công tác với Pháp, Bảo Đại, Nhật Bản và Hồ Chí Minh. Ông xem trọng tư cách “Tổng Thống dân cử, President elect” của ông và quyết tâm hoàn tất trong danh dự thiên mệnh này, a mandate of heaven. Ông sống đạm bạc trong Dinh Độc Lập lộng lẫy do thực dân Pháp dành cho nguyên thủ quốc gia: một căn phòng nhỏ ở tầng hai, trang bị với một chiếc giường không có nệm, ba ghế bành thô sơ, một bàn gỗ tròn dùng làm bàn làm việc lẫn bàn ăn. Ngày thường, ông tiếp tại đây các cộng sự viên và sĩ quan trong quân đội. Phần còn lại của Dinh dành cho lễ lộc, các đại sứ trình ủy nhiệm thư, dạ yến tiếp đãi quốc khách...


TT Diệm thức sớm, xem lễ trong một nhà nguyện riêng và bắt đầu làm việc. Ông trang phục sơ sài, chọn màu trắng và cà vạt đen, ăn trưa và tối một mình, thực đơn gồm rau cải, cá, muối mè.. Ông dành cuối tuần đi kinh lý không mệt mỏi trên cao nguyên và các tỉnh biên giới. Ông đặc biệt chú ý đến một số chương trình liên hệ đến nông thôn như khu trù mật, khu đinh điền, khu dân sinh... Kế hoạch Ấp Chiến Lược được thành lập bởi Nghị định số 11 TTP do ông đích thân ký tên. Ông cấm ngặt việc đốn cây và khai hoang bừa bãi, có hại cho môi trường.


Thú tiêu khiển của ông không nhiều, đôi khi ông cỡi ngựa vòng quanh sân cỏ của Dinh hay chụp hình cảnh vật với những máy cũ kỹ hiệu Leica hay Rolleiflex. Buổi tối, ông thức rất khuya và thường mời một Bộ Trưởng hay chuyên viên vào Dinh để đàm đạo trong căn phòng nhỏ của ông. Ông nói chuyện không thôi, thường kết thúc bằng một cuộc độc thoại không dễ theo dõi. Đôi khi ông châm một điếu thuốc Mitac, phì phà vài hơi rồi dập tắt ngay. Khi đi kinh lý, ông thường đội một cái mũ feutre Mossan xưa, mang đôi giày cao cổ để lội nước. Với đôi chân ngắn, ông bước rất mau, khiến các vệ sĩ phải khốn đốn mới theo kịp. Ông thích nghỉ trưa trong các ấp, làm cho các sĩ quan hậu cần sốt vó về vấn đề an ninh.


Nốt ruồi dưới mặt trái của TT Diệm được các nhà bói toán dị đoan xem như dấu hiệu một cuộc đời nhiều tang tóc và đầy đau buồn.


 


SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA


Từ 1954 đến đầu năm 1960, VNCH sống trong an bình và đất nước được tái thiết khá nhiều trong khi Bắc Việt dở sống, dở chết với chiến dịch cải cách ruộng đất thất bại và cách mạng văn hóa đổ máu. Cũng trong giai đoạn này chính sách Mỹ đổi hướng, khiến mối liên hệ Mỹ - Việt không mấy sáng sủa. TT Diệm không nhân nhượng về chủ quyền quốc gia. Bởi thế Hoa Thịnh Đốn dè dặt giúp chính quyền Diệm sớm có một quân đội chính quy hùng mạnh và khuyên đặt các lực lượng bán quân sự, cảnh sát công an, bảo an, dân vệ, tình báo, phản tình báo. v.v... dưới sự điều động của Bộ Nội Vụ. Đại Sứ Mỹ Elbridge Durbrow từ chối cung cấp đầy đủ vũ khí, dụng cụ truyền thông hay đặt ra những điều kiện khắc khe để thỏa mãn nhu cầu của đồng minh Sàigòn. Tình thế khá căng thẳng. Để xoa dịu, Bộ Ngoại Giao thay thế Durbrow bằng Đại Sứ Fréderic Nolting, thân thiện hơn. Sau vụ đổ bộ thất bại tại Bay of Pigs, Cuba, TT Kennedy giao cho nhóm chống Diệm (Hilsman, Averell Hariman… và lobby Do Thái) trọn quyền định đoạt về VN. Đại Sứ “Thái thú” Henry Cabot Lodge thay Nolting và công khai móc nối với một số tướng lãnh Sàigòn. TT Diệm bị cô lập. Mỹ ve vãn Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Văn Chương, Bửu Hội và ngay cả Nguyễn Đình Thuần thay thế ông Diệm.


Trong việc đấu tranh chống Cộng Sản và thực dân, không có gia đình Việt Nam nào trả một giá đắt như nhà Ngô. Trưởng tộc Ngô Đình Khả là một tín đồ Công Giáo thuần thành. Người con cả của ông, Tổng Đốc Ngô Đình Khôi và trưởng nam là Kỹ Sư Ngô Đình Huân bị chôn sống trong ngày đầu Cách Mạng. TT Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị sát hại ngày 1.11.1963. Ngô Đình Cẩn, một người em khác, bị tòa án Cách Mạng xử bắn. Ngô Đình Thục, người anh sống sót, bị Vatican phát “treo chén” sau 1975 và qua đời trong một viện dưỡng lão ở Springfield, Missouri năm 1984. Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, sống khiêm nhường trong một căn hộ tại Paris và qua đời năm 2011. Bi kịch vẫn đeo đuổi nhà Ngô. Cha mẹ bà Nhu - Trần Văn Chương và Thân Thị Nam Trân, bị người con trai duy nhất là Trần Văn Khiêm giết chết trong một biệt thự ở Washington. Hai người con gái của bà Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy và Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn xe hơi tại Âu châu. Người cháu kêu Đức Cha Ngô Đình Thục bằng cậu là Linh Mục Nguyễn Văn Thuận bị CS bắt đi học tập cải tạo nhiều năm trước khi được Vatican tấn phong Hồng Y. Ngài đã qua đời năm 2002. Người em út trong gia đình nhà Ngô là Kỹ Sư Ngô Đình Luyện chết tại Pháp sau 1975 trong cảnh túng thiếu.


Mối liên hệ giữa năm anh em nhà Ngô bị thách thức nặng nề. TT Diệm ra lệnh năm 1962 đóng cửa văn phòng của Cố Vấn Ngô Đình Cẩn tại Huế. Cuối năm 1958, tình hình thêm căng thẳng. Khi tác giả bài này, trong chức vụ Bộ Trưởng Nội Vụ, vấn lệnh TT Diệm về một số vấn đề quan trọng, ông Diệm thường bảo qua hỏi ý kiến Cố Vấn Nhu khiến ông Nhu bực mình, có lần than phiền: “Ông cụ - tức TT Diệm - là một nhà quản lý, không phải chính trị gia!”.


Trong những năm chót, phe đối lập phao đồn “Diệm nên nhượng quyền cho Nhu, Tổng Thống không ngôi!”. Giám mục Thục và bà Nhu tham gia vụ khủng hoảng Phật giáo. CS khai thác tối đa, Hoa Thịnh Đốn nhập cuộc, chỉ trích gia đình trị. Cũng trong lúc đó, em của TT Kennedy là Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy khuấy động chính trường Mỹ. JFK bị ám sát năm 1963, 11 ngày sau Diệm-Nhu. Tiếp theo, Robert Kennedy cùng chung số mạng năm 1968.


Cả hai Tổng Thống Diệm và Thiệu đều đánh giá thấp ảnh hưởng của giới truyền thông đối với lập pháp và hành pháp Hoa kỳ. Cả hai coi thường việc lập ra tại Hoạ Thịnh Đốn một lobby vững chắc dù chúng ta không thiếu phương tiện nhân sự và tài chính. Lời cam kết miệng hay bằng văn thơ của Tổng Thống Mỹ không đủ bảo đảm. Trên một thập niên, VNCH miễn cưỡng đóng vai trò con chốt trong bàn cờ chiến tranh lạnh giữa Mỹ, Nga và Tàu. Là tiền đồn của thế giới tự do, chính phủ Sàigòn đã giúp các nước Đông Nam Á có một thời gian vừa phải (a decent interval) để võ trang chống Cộng.


Việc giết chết Diệm-Nhu là một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ không bao giờ xóa sạch.


Để giúp TT Diệm nhận thức tình trạng nguy kịch, tác giả bài này, trong cương vị Bộ Trưởng Nội Vụ, đã thỏa hiệp vào cuối tháng năm 1960, với ba Bộ Trưởng Quốc Phòng (Trần Trung Dung), Thông Tin (Trần Chánh Thành) và Tư Pháp (Nguyễn Văn Sĩ) ra lệnh cho công an và an ninh quân đội bủa lưới truy tố trước tòa án một số đảng viên “Cần lao gộc” phạm pháp. Nội vụ kết thúc bằng sự cải tổ nội các, bốn Bộ Trưởng từ chức. Vài tháng sau, ngày 10.11.1960, nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông... tổ chức đảo chính nhưng thất bại.


Đối với tướng Dương Văn Minh (DVM), người cầm đầu cuộc binh biến thứ hai ngày 1.11.1963, đây là cơ hội phi tang tội cướp đoạt làm của riêng kho vàng Bảy Viễn, một vụ mà Cố Vấn Nhu giao cho tác giả bài này điều tra nhưng chưa kết thúc. Được chúng tôi chất vấn, các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Dương Hiếu Nghĩa và Nguyễn Văn Y đều xác nhận số vàng khổng lồ này đã giao tận tay tướng Minh là Tư Lệnh Chiến Dịch Rừng Sát chống Bình Xuyên năm 1954. Tất cả đều không biết DVM xử dụng vàng cách nào và đồng ý Minh ra lệnh cho vệ sĩ Nguyễn Văn Nhung thủ tiêu Diệm, Nhu để rửa hận. Gần đây, trên Internet, một nguồn tin (CS?) cho biết Minh đã hiến số vàng nói trên cho chính phủ Hànội để được ra đi tự do (như trường hợp của cựu Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hào thời Đệ Nhị VNCH với số vàng cất giữ tại Ngân Hàng Quốc Gia).


DVMinh liên lạc thường xuyên với CS Bắc Việt qua hai người em Dương Văn Nhật và Dương Văn Sơn. Theo Cục Trưởng Trung Ương Tình Báo Đại Tá Nguyễn Văn Y, TT Diệm biết rõ việc này nhưng không cho tiết lộ để tránh gây xáo trộn trong quân đội Quốc Gia.


Dù sao, chắc chắn không thể chối cãi một điều: DVM không phải là một Pétain VN mà là - không hơn không kém - một con rối trong tay Mỹ, Tàu và Bắc Việt vào những giờ hấp hối của VNCH.


Thời cuộc đưa Minh hai phen lên ghế Quốc Trưởng: Năm 1963, được ba tháng và tháng 4.1975, được 40 giờ đồng hồ. Lần đầu, Minh giúp Mỹ nắm quyền trực tiếp điều khiển chiến trường VN. Lần sau, để yêu cầu Mỹ rút hết quân trong 24 tiếng đồng hồ. Để thưởng kỳ công ấy, năm 1988, Hoa Kỳ cho phép Minh định cư ở California. Ông qua đời tại Pasadena ngày 6.8.2005 và tránh xuất hiện trong cộng đồng VN.


Để biết thêm về “vụ kho vàng Bảy Viễn”, xin xem trên Utube internet những cuộc Phỏng vấn truyền hình dưới tên “Mạn đàm với Ls Lâm Lễ Trinh”.


 


NHẬN ĐỊNH KẾT THÚC


Theo một số sử gia, Hoa Kỳ không thua tại Việt Nam vì cuối cùng, đã phá vỡ được gọng kềm Nga-Tàu, chấm dứt chiến tranh lạnh dẫn đến sự sụp đổ bức tường Bá Linh dưới thời Ronald Reagan.


Mỹ thắng. Nhưng với giá nào?


Một số bình luận gia khác cho rằng cuộc chiến tại VN đáng lý không nên thua và đã kết thúc tại bàn hội nghị Paris chớ không phải trên chiến trường.


Khi TT Diệm bị giết năm 1963, VNCH có 250.000 lính tại ngũ do Mỹ huấn luyện và võ trang. Tháng 4.1975, quân số này tăng lên một triệu, 259.000 tử trận, 567.000 bị thương... Về phía Hoa Kỳ, có 56.000 lính hy sinh, 153.400 bị thương, 1.700 biệt tích. Thiệt hại của phe Quốc Gia Đồng Minh gồm có Thái Lan (350 chết, 1.300 bị thương), New Zealand (60 chết, 210 bị thương); Bắc Việt có ba triệu lính tử thương. Tướng Nguyễn Hộ trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đưa ra con số 11 triệu cho cả hai vùng Nam, Bắc VN.


Đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa rút đầy đủ kinh nghiệm VN ở Afghanistan và Iraq. Vai trò “cảnh sát Quốc Tế” của Hoa Thịnh Đốn thất bại và bị chỉ trích khắp nơi. Hoa Kỳ cần một đường lối mới và một sự lãnh đạo mới.


Sau ngày Diệm -Nhu bị giết, Ủy Ban Tôn Giáo Liên Hiệp Quốc mới nạp phúc trình điều tra để kết luận chính quyền Diệm không hề chủ trương đàn áp Phật giáo. Trái lại, theo lời khai của đạo sĩ Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng Hội Phật Giáo VN và sư bà Diệu Huệ, thân mẫu của GS Bửu Hội, thì TT Diệm, lúc sinh tiền, không bỏ qua cơ hội để giúp đỡ mọi tôn giáo, không phân biệt. 98 phần trăm những người thân tín phục vụ cạnh TT Diệm đều là Phật tử.


TT Diệm khuyến khích trùng tu chùa chiền. Khi nhận được giải thưởng 15.000 Mỹ kim của Leadership Magsaysay, ông Diệm ra lệnh cho Bí Thư Võ Văn Hải gởi tặng hết cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tây Tạng, Theo Đổng Lý Quách Tòng Đức kể lại, TT Diệm ra lệnh riêng không được dành đặc ân gì cho các Linh Mục di cư để tránh sự suy bì. Điều này đến tai hai vị Giám Mục Bùi Chu, Phát Diệm Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi khiến hai ngài bất mãn với chế độ. Đại diện Tòa Thánh Vatican tại Sàigòn là Đức Cha Caprio cũng bị ảnh hưởng lây.


TT Diệm là một nhà đấu tranh cô đơn vào cuối cuộc đời. Sáng ngày 2.11.1963, lúc quỳ gối nguyện cầu trong nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn, bên cạnh ông Nhu, TT Diệm hẳn cảm thấy vô cùng xót xa: Đồng minh phản bội, đồng bào xoay lưng, gia đình tán lạc, kẻ thù reo mừng, trời cao kêu không thấu. Không chắc ông Nhu chia sẻ tâm tư hoàn toàn. Cuối cùng, quyết định của TT Diệm là một quyết định dũng cảm: ra đầu hàng quân đội phản loạn để tránh cảnh nồi da xáo thịt và làm yếu tinh thần chống Cộng.


TT Diệm đã tính sai một bước. Uy tín cá nhân của ông không cứu nổi Cố Vấn Nhu và đất nước. Với số bạc 30 triệu bạc Việt Nam - theo lời tự thú của Tướng Trần Văn Đôn trong hồi ký “Our endless war” - trùm CIA Conein đã mua được lương tâm của “bọn ác ôn côn đồ” (bunch of thugs) để dùng ngôn từ của TT Lindon Johnson).


Về văn hóa và chính trị, Nhu có cảm tình với Pháp hơn. Diệm thiên về Hoa Kỳ vì tin nơi lòng nhân đạo và tinh thần dân chủ của đại cường này.


63 năm đã trôi qua. Cần mở lại hồ sơ Ngô Đình Diệm để làm sáng tỏ Công Lý. Lịch sử sẽ không thể phủ nhận vai trò tiên phong của ông Diệm trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam mới.


Giữa Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa có một giai đoạn bốn năm 1963-1967 chuyển tiếp (interregnum period): đảo chính, chống đảo chính, chỉnh lý…


Đệ Nhất đã mở đường cho Đệ Nhị CH. Không có Đệ Nhất thì làm sao có Đệ Nhị? Đề cao Đệ Nhị để hạ thấp Đệ Nhất là hành vi vô ý thức. Giữa hai nền Cộng Hòa có một sự liên tục (continuity) không thể chối cãi về lịch sử và chính trị. Cả hai chính phủ NDDiệm (1955 - 1963) và NVThiệu (1965 - 1975) đồng chung một số phận vì phải chấp nhận quyết định của Hoa Thịnh Đốn Mỹ hóa rồi VN hóa chiến tranh. Đại cường Hoa Kỳ tham chiến vào vùng đất lạ Việt Nam (terra incognita), đánh mà không muốn thắng.


Năm 1972, Mỹ triệt thoái gần hết ra khỏi VN. Quân đội VNCH vẫn tin có thể một mình thắng Bắc Việt sau khi đẩy lùi một cuộc tấn công đai quy mô của Cộng Sản trong dịp Tết Mậu Thân, ngày 31.1.1968. Riêng tác giả bài này cũng tin rằng nếu không có cuộc binh biến 1.11.1963 thì sẽ không có ngày nhục nhã 30.4.1975 mở màn cho cuộc di cư vĩ đại. Ba chục năm chinh chiến đã biến Việt Nam thành một bãi sa mạc tang tóc và tràn ngập hận thù.


Hoa Kỳ và Cộng Sản gọi đó là Hòa Bình!


Lưu vong vẫn chưa phải là Tự Do. Đấu tranh sẽ phải tiếp diễn cho đến khi Xã Hội Chủ Nghĩa bị xóa bỏ.


Hội chứng Việt Nam (VN syndrome), sẽ là mối ám ảnh không ngừng cho đến khi Quyền tự quyết dân tộc được công nhận và tôn trọng nghiêm túc. Người dân mới thật sự là người nắm quyền. Hãy lắng nghe và đáp ứng những gi nhân dân muốn.


Lâm L Trinh


Election Day, 8.11.2016


Thủy Hoa Trang, California

23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1113)