Góp ý Hiến pháp qua cái nhìn của một chuyên gia nước ngoài

23 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 20562)

Thứ hai 08 Tháng Tư 2013

Góp ý Hiến pháp qua cái nhìn của một chuyên gia nước ngoài

 ky_hop_qh_khoa_13

Toàn cảnh kỳ họp thứ 3 Quốc hội Việt Nam khóa 13.

REUTERS/Kham

Thanh Phương

Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.

Jonanthan London là một nhà xã hội học, chuyên về phát triển so sánh, các vấn đề an sinh xã hội, hiện giảng dạy tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế và châu Á, Đại học Hồng Kông và cũng là thành viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của đại học này.

Ông đã nghiên cứu về Việt Nam từ 20 năm qua, đã tham gia các công trình nghiên cứu của các tổ chức Việt Nam và quốc tế và đã từng sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm, cho nên nói tiếng Việt gần như là người Việt chính gốc. Trên trang mạng New Mandala, chuyên về phân tích tình hình Đông Nam Á, ngày 18/03 vừa qua, giáo sư London đã đăng một bài viết nhan đề « Impatience in Vietnam » ( Nỗi sốt ruột ở Việt Nam ), đưa ra một số nhận xét về phong trào góp ý sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam.

Với tình cảm chân thành dành cho Việt Nam, giáo sư Jonathan London đã nhận trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt với RFI về vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992.

RFI: Thưa ông Jonathan London, ông có nhận xét thế nào về phong trào góp ý Hiến pháp hiện nay? Phải chăng là giới lãnh đạo Việt Nam đang mất sự kiểm soát trên vấn đề góp ý Hiến pháp?

GS Jonathan London: Đánh giá liệu chính quyền Việt Nam có đã mất sự kiểm soát trên tiến trình đóng góp ý kiến Hiến pháp là một vấn đề hết sức tế nhị, nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn là họ đã mất sự kiểm soát về vấn đề góp ý Hiến pháp rồi. Ai mà không công nhận điều đó là không nói thật.

Câu hỏi đặt ra là họ đã mất kiểm soát đến mức độ nào và họ có thể khôi phục sự kiểm soát này như thế nào, cũng như điều đó sẻ ảnh hưởng ra sao đến tình hình chính trị ở Việt Nam trong thời gian tới. Khó đánh giá điều này vì việc góp ý Hiến pháp đang diễn ra trên nhiều quy mô khác nhau ở Việt Nam.

Hiện giờ Nhà nước đang áp dụng các biện pháp, như yêu cầu người dân cam kết ủng hộ Hiến pháp sửa đổi. Nhưng trong khi đó cũng có hiện trạng là hàng ngàn người ký các kiến nghị, tuyên bố, đòi dân chủ tự do.

Tóm lại, đúng là Nhà nước đã mất sự kiểm soát, nhưng chưa biết đến mức độ nào và chưa rõ ảnh hưởng sẽ ra sao đến nền chính trị Việt Nam trong những năm tới.

RFI: Liệu phong trào góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp có sẽ dẫn đến dân chủ hóa phần nào chế độ chính trị Việt Nam?

GS Jonathan London: Tôi có thể trả lời nhiều cách khác nhau. Trên một mức độ nào đó, chẳng hạn Hiến pháp Việt Nam có nói tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được tự do thông tin, tự do hội họp, lập hội... Nhưng trên thực tế ai cũng biết là những quyền tự do này ở Việt Nam rất là hạn hẹp.

Phong trào cải cách Hiến pháp ở Việt Nam đã thật sự mở rộng phạm vi tranh luận về chính trị ở Việt Nam, góp phần mở rộng tự do ngôn luận ở Việt Nam và trên mạng thì cũng có mở rộng tự do báo chí, tuy rằng trên báo chí chính thức vẫn chưa có điều này.

Những thay đổi này đã rất là đáng kể rồi, vì từ trước đến nay chưa bao giờ thấy những tranh luận chính trị như thế này ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù chúng ta chưa biết là kết quả của phong trào góp ý sửa đổi Hiến pháp sẽ như thế nào. Rất rõ ràng là phong trào này đã mở rộng phạm vi tranh luận ở Việt Nam và không khí tranh luận thật sự sôi nổi.

Hiện nay ở Việt Nam có một số người đưa ý kiến là Hiến pháp phải như thế này mới được, nhưng cách duy nhất để xem đề nghị của họ có được sự ủng hộ của dân chúng đó là hỏi chính người dân để họ có thể thực hiện quyền phúc quyết của họ.

RFI: Trong việc sửa đổi Hiến pháp, ngoài việc bảo vệ Điều 4, chế độ Hà Nội vẫn dứt khoát chống lại việc phi chính trị hóa quân đội? Ông có nhận định thế nào về điều này?

GS Jonathan London: Trả lời câu hỏi này rất đơn giản, bởi vì ở nước nào quân đội cũng vẫn là một loại bảo hiểm cho sự tồn tại của chế độ, bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng. Ở các nước dân chủ cũng thế thôi. Chỉ có sự khác biệt là ở các nước dân chủ người dân thật sự có quyền chọn chính phủ của mình một cách thường xuyên và Hiến pháp bảo đảm điều đó. Quân đội ở những nước dân chủ không phải là công cụ để bảo vệ quyền của bất cứ đảng phái nào.

RFI: Nhưng nguy cơ đối với chế độ Việt Nam phải chăng đến từ khủng hoảng kinh tế hơn là những đòi hỏi dân chủ của người dân?

GS Jonathan London: Tôi nghĩ hai vấn đề này lồng ghép với nhau. Từ thời Lê Duẩn và trước đó, nhiều người Việt Nam, kể cả những người trong bộ máy Nhà nước và Đảng, đều mong muốn một Hiến pháp và một xã hội cởi mở hơn. Đọc tác phẩm “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, chúng ta thấy điều đó rất rõ.

Nhưng trên thế giới có nhiều người nhận xét, nếu có sự tăng trưởng kinh tế thì không có vấn đề gì về chính trị, vì những người lãnh đạo trong những nước có tăng trưởng kinh tế có được cái gọi là “tính chính đáng về thành quả “ ( performance legitimacy ).

Ở Việt Nam, trong khoảng hai thập kỷ, nhờ có tăng trưởng kinh tế cao, cho nên đã giải tỏa được những áp lực về những bất cập chính trị. Nhưng trong những năm gần đây, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, trong đó có tác động khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài và những vấn đề trong nước có tác động xấu đến tính chính đáng về thành quả của chế độ và đến an sinh xã hội.

Theo nhận thức của nhiều người, kể cả những người trong bộ máy Nhà nước, một phần đáng kể những vấn đề đó là do quản lý kinh tế kém cỏi, do hành vi của một số lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo công ty, kể cả lãnh đạo Nhà nước. Còn phải kể những vấn đề tham nhũng, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình...

Trong bối cảnh bức xúc này, khi có cơ hội góp ý Hiến pháp, người dân rất khó mà giữ im lặng. Bước đầu là nhóm 72 học giả danh tiếng đã đứng lên, tiếp theo là hàng ngàn người hưởng ứng họ và sau đó là đóng góp của Nguyễn Đắc Kiên, đã có tác động bùng nổ.

Ai cũng biết Việt Nam có tiềm năng rất to lớn, vấn đề không phải là cá nhân lãnh đạo này hay cá nhân lãnh đạo kia, mà vấn đề là thể chế của Việt Nam không đáp ứng được những yêu cầu của Việt Nam. Vấn đề là nên cải cách thể chế của Việt Nam như thế nào và đây là sự tranh luận mà Việt Nam vừa bước vào do quá trình góp ý Hiến pháp.

Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức có lịch sử lâu dài, tự hào với truyền thống của mình, nhưng nay họ phải chọn lựa hai con đường: giữ nguyên trạng hay chấp nhận cải cách sâu rộng.

Là một người đã quan sát xã hội Việt Nam qua hai thập niên, tôi thấy giai đoạn mà Việt Nam đang trải qua hiện nay rất là thú vị và rất đáng kể trong lịch sử Việt Nam. Chẳng ai biết kết quả sẽ ra sao, nhưng chắc chắn là Việt Nam trong những tháng vừa qua đã có một số thay đổi rất lớn.

RFI: Xin cám ơn Giáo sư Jonathan London.

Là một tổ chức của Anh quốc chuyên đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận trên thế giới, tổ chức Điều 19 cũng rất quan tâm đến vấn đề góp ý Hiến pháp ở Việt Nam.

Tổ chức này lấy tên từ Điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế: “ Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm quyền tự do duy trì quan điểm mà không bị can thiệp vào và quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá thông tin và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.”

Ngày 25/02 vừa qua, tổ chức Điều 19 đã đăng trên mạng một tuyên bố, tựa đề " Vietnam: Proposed Constitutional Amendments Go Against International Law" ( Việt Nam: Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp đi ngược lại luật quốc tế ), với nhận định chung rằng, những điểm được đề nghị cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không đủ để bảo vệ các quyền căn bản của con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và thông tin.

Tổ chức Điều 19 hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội Việt Nam sửa đổi Hiến pháp và phổ biến rộng rãi bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân. Tổ chức này xem đây là cơ hội để họ đóng góp những phân tích về sửa đổi Hiến pháp Việt Nam và hy vọng đây sẽ là cách để giúp chính phủ Việt Nam hiểu rõ hơn những nghĩa vụ của nước này chiếu theo luật quốc tế về nhân quyền.

Trước hết, tổ chức Điều 19 nêu lên một số điểm mà họ cho là tích cực trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là lời mở đầu khẳng định sự “tôn trọng và bảo đảm quyền con người, phát huy dân chủ, một chính phủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Chương 2 cũng khẳng định là “quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”

Nhưng theo tổ chức Điều 19, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã không nêu rõ quy chế pháp lý của các công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn và Việt Nam có nghĩa vụ phải thi hành thông qua luật quốc gia. Điều 19 nhắc lại Việt Nam là nước thành viên Công ước Quốc tế về các quyền chính trị và dân sự, công ước bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin.

Theo nhận định của tổ chức Điều 19, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ bảo vệ rất hạn chế các quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, vì Điều 26 viết : “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Tổ chức Điều 19 sợ rằng có quá nhiều quyền được nêu lên trong một điều khoản, cho nên họ đề nghị là phải tách việc bảo vệ các quyền đó ra thành từng phần riêng.

Tổ chức Điều 19 đề nghị là mỗi quyền tự do nói trên phải được bảo đảm cho tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc. Họ cũng cho rằng quyền tự do bày tỏ chính kiến phải được bảo vệ mà không có một sự hạn chế nào. Mặt khác, quyền tự do ngôn luận phải bao gồm quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá thông tin.

Tổ chức Điều 19 cũng đề nghị là quyền tự do báo chí phải được định nghĩa một cách toàn diện hơn, tức là phải bao gồm việc bảo vệ tính độc lập và tự do của truyền thông, bảo đảm tính độc lập về biên tập, bảo vệ quyền của phóng viên bảo mật nguồn tin, bảo đảm tính độc lập và đa nguyên của hệ thống phát thanh truyền hình. . . Cũng theo tổ chức Điều 19, quyền tự do lập hội phải bao gồm quyền thành lập các công đoàn độc lập.

Tổ chức Điều 19 cũng nhận thấy là trong dự thảo Hiến pháp có quá nhiều hạn chế đối với toàn bộ các quyền được nêu lên trong chương 2 và như vậy là không đúng với tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn như Điều 15 ghi rằng quyền con người, quyền công dân “ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.”. Điều 16 lại ghi thêm; ” Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.” Theo tổ chức Điều 19, khái niệm “ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.” quá mơ hồ và không tương hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong phần kết luận, tổ chức Điều 19 nhấn mạnh rằng sửa đổi Hiến pháp Việt Nam phải là cơ hội để củng cố các quyền căn bản của con người hơn là để hạn chế những quyền đó. Cho nên, tổ chức này kêu gọi Quốc hội Việt Nam xem xét các khuyến cáo của họ, để bảo đảm cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tự do ngôn luận và thông tin.

05 Tháng Giêng 2017(Xem: 12188)
- Lý Kiến Trúc phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Lê Công Phụng tại Hoa Thịnh Đốn năm 2008.