Nhóm Kiến nghị 72 lên tiếng
BBC Cập nhật: 09:37 GMT - thứ ba, 2 tháng 4, 2013
Nhóm chủ xướng Kiến nghị 72 trong cuộc gặp trao kiến nghị cho Quốc hội
Nhóm chủ xướng Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, còn gọi là Kiến nghị 72, ra thông cáo nói 'chuyển từ toàn trị sang dân chủ là yêu cầu cấp bách' của đất nước và nhân dân.
Sở dĩ có tên Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A...
Một số người đại diện cho nhóm này hôm 4/2 đã tới trao kiến nghị cho Quốc hội Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian một tháng qua, Kiến nghị 72 dường như đã trở thành mục tiêu chỉ trích của phương tiện truyền thông nhà nước.
Mới nhất, Chương trình Thời sự VTV1 tối thứ Sáu 22/3/2013 chiếu phỏng vấn với người dẫn đầu nhóm trí thức trao Kiến nghị 72 cho Quốc hội - cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, trong đó ông Lộc bác bỏ vai trò đại diện của mình.
Trước đó, một số báo cũng đăng cáo buộc nhiều chữ ký ủng hộ bản Kiến nghị 72 là "ngụy tạo".
'Thủ đoạn không chính đáng'
Dường như để đáp lại 'chiến dịch' tấn công trên các luồng thông tin chính thống, Thông cáo ra hôm thứ Ba 2/4 của nhóm chủ xướng Kiến nghị 72 viết rõ: "cho đến nay nội dung của Kiến nghị 72... bị một số vị lãnh đạo và một số bài viết trên báo hàm ý phê phán gay gắt, kết tội là chống đối Đảng cầm quyền và Nhà nước, phá hoại đại đoàn kết dân tộc, thậm chí đòi xử lý".
"Đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân."
Thông cáo của nhóm chủ xướng Kiến nghị 72
Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong một phát biểu hôm 25/2, dường như đã ngầm ám chỉ tới bản kiến nghị này khi gọi các quan điểm về bỏ sự lãnh đạo của Đảng CSVN, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội.... là "suy thoái đạo đức".
Bản thông cáo của các trí thức mà BBC có trong tay giải thích về tinh thần của Kiến nghị 72, trong đó nói: "Chưa bao giờ lòng tin của dân đối với lãnh đạo ĐCSVN và Nhà nước thấp như ngày nay".
"Cuộc sống chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình hình ấy chính là chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, đứng trên Nhà nước và pháp luật, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp…"
Thông cáo thẳng thắn chỉ ra: "Vì vậy, đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân".
Kiến nghị 72 gồm 7 điểm, đặt khuyến nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp về quyền lãnh đạo của Đảng CSVN lên hàng đầu, coi đó là điều kiện cần thiết để có thay đổi thực sự.
"Dùng bạo lực và những thủ đoạn không chính đáng để duy trì chế độ toàn trị, cưỡng lại ý chí của nhân dân sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho dân tộc và cho cả Đàng CSVN," bản thông cáo viết.
Các tác giả viết thêm: "Kiến nghị 72 không có mục đích nào khác hơn là góp phần vào bước khởi đầu đổi mới thể chế chính trị theo tinh thần đó".
Họ yêu cầu công bố Kiến nghị 72 cũng như các ý kiến khác với Dự thảo mà giới chức đưa ra, "chấm dứt cách đưa tin, bình luận một chiều, tạo điều kiện và khuyến khích thảo luận công khai, dân chủ, tranh luận thẳng thắn, nhằm đạt được sự đồng thuận tối đa theo tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc".