Chong Đèn, Nguyễn Gia Kiểng viết về Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Lê Chiêu Thống

18 Tháng Hai 201610:56 CH(Xem: 17386)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 19 FEB  2016

Chong Đèn, Nguyễn Gia Kiểng viết về Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Lê Chiêu Thống

 

(Lá thư Úc châu)


Hệ thống tuyên truyền và giáo dục được mặc định phải dìm nhà Nguyễn bằng được là vì lý do gì? Chắc chắn là để gia tăng "legitimacy" của chính quyền thay thế nhà Nguyễn. Điều này dẫn tới rất nhiều thiên kiến trong đánh giá lịch sử. May mắn từ nhỏ mình được đọc cuốn "Bi kịch nhà vua" nói về vua Tự Đức nên đã sớm có thiện cảm với ông và nhà Nguyễn. Sau này càng đọc thêm những bài như thế này và đi thăm Huế, nghe người Huế bày tỏ sự tôn kính với triều Nguyễn lại càng thấy mình đã cảm nhận đúng! Việc bị xâm chiếm phải đặt trong hoàn cảnh Châu Âu thôn tính thuộc địa khắp nơi, cái gì cũng có thời của nó, khó có thể đổi lỗi cho nhà Nguyễn một cách thái quá như hiện nay.

 image140
Chuyện xa hơn nữa là cuộc chiến Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh. Để "dìm" được Nguyễn Ánh xuống bùn thì phải tô vẽ cho Nguyễn Huệ. Ba anh em nhà Tây Sơn không hề khởi nghĩa nông dân. Họ là các quan chức dưới thời chúa Nguyễn, do thu thuế nhưng không nộp đủ cho triều đình đã bị trị tội, sau đó mới bắt đầu tập hợp lực lượng để cát cứ. Không chỉ chống lại các chúa Nguyễn, đánh cho Nguyễn Ánh tơi tả; Nguyễn Huệ còn ra Thăng Long để từng bước đoạt lấy quyền lực. Nguyễn Huệ không dám phế luôn bố vợ là Lê Hiển Tông vì danh không chính thì ngôn không thuận chứ không phải do tôn trọng nhà Lê và không màng quyền lực tối cao.

 image141
Lê Chiêu Thống trong tình cảnh bị đe dọa như thế việc cầu viện là hành vi có thể hiểu được và thông cảm được, dù không hoàn toàn đáng bênh vực. Từ chỗ bế tắc trong việc không có cớ gì để chính thức thu giang sơn về tay mình, Nguyễn Huệ chớp được cơ hội này, vụt sáng trong vai trò chống ngoại xâm và dẹp luôn nhà Lê. Nguyễn Huệ có tài quân sự, mấy ngày Tết mà phá tan 20 vạn quân Thanh, đó là chuyện không cần bàn. Nhưng phải trả đúng ông về vị trí của ông.

Người ta cũng hay kể giai thoại Nguyễn Ánh đào mồ Nguyễn Huệ đốt thành tro rồi nhồi thuốc súng bắn xuống sông Hương. Nhưng người ta lại quên luôn chuyện quân Tây Sơn tàn phá lăng miếu các chúa Nguyễn, truy sát dã man tôn tộc nhà Nguyễn như thế nào. Nguyễn Ánh có mối thù và phải trả, đó là sự sòng phẳng. Nên nhớ rằng người đức cao vọng trọng như Nguyễn Du chưa bao giờ làm quan cho nhà Tây Sơn vì rõ ràng Nguyễn Du không chấp nhận một vương triều dựng lên theo cách trái với đạo lý. Nhưng Nguyễn Du lại chấp thuận ra làm quan cho nhà Nguyễn. Có thể Nguyễn Du cố chấp nhưng điều đó có đáng suy nghĩ không?

 

image143

Ngô Thời Nhiệm


Chuyện cầu viện thì người Việt là tiêu biểu của cái gọi là double standard. Miền Bắc trong chiến tranh cầu viện của Liên Xô, Trung Quốc thì gọi là giúp đỡ. Còn miền Nam (được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ) hay Lê Chiêu Thống (cầu viện nhà Thanh) hay Nguyễn Ánh (cầu viện Thái Lan và Pháp) thì được gọi là bán nước? Tiêu chuẩn kép đến thế là cùng! (Source: FB Chong Đèn)

 

+++++++++++++++++++++++++++++++++

 

"Cõng rắn cắn gà nhà"

 

Nguyễn Gia Kiểng


Nếu nỗi oan khiên kéo dài của Lê Chiêu Thống có thể giải thích được thì sự lên án Nguyễn Ánh là cõng rắn cắn gà nhà lại càng khó hiểu.

Nguyễn Ánh bị nhiều người lên án là đã rước quân Pháp vào Việt nam, để rồi Việt nam bị Pháp đô hộ. Điều này hoàn toàn sai.

Nguyễn Ánh chết năm 1820, trong khi người Pháp chỉ bắt đầu xâm chiếm nước ta từ năm 1858, nghĩa là 38 năm sau dưới triều Tự Đức cháu nội ông. Hai vị vua nhà Nguyễn, Minh Mạng và Tự Đức, xứng đáng bị lên án nặng nề, nhưng không phải vì họ đã thỏa hiệp với Pháp mà vì họ đã chống Pháp một cách điên cuồng và mù quáng.


Nguyễn Ánh không phải đã không làm những việc sai trái. Năm 1784, ông đã gởi hoàng tử Cảnh theo giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện Louis XVI. Hai bên ký kết thỏa ước, theo đó Nguyễn Ánh sau khi thành công sẽ dành nhiều đặc quyền lớn cho người Pháp và nhượng đứt đảo Côn Lôn cho Pháp. Ông cũng đã cầu viện quân Xiêm sang Việt nam giúp đánh quân Tây Sơn. Nhưng cả hai việc làm đáng trách này đã không giúp được gì cho ông. Thỏa ước ký với Louis XVI đã không được thực hiện, còn đám quân Xiêm thì đã bị Nguyễn Huệ đánh tan nhanh chóng. Sau này Nguyễn Ánh thành công, khôi phục được nhà Nguyễn hoàn toàn dựa vào cố gắng của chính ông. Nguyễn Ánh có sử dụng một số tay đánh thuê người Pháp, nhưng đó chỉ là những cá nhân, điều này rất bình thường thời đó. Anh em Tây Sơn cũng đã sử dụng bọn cướp biển Lý Tài và Tập Đình; họ cũng cố tranh thủ sự ủng hộ của người phương Tây mà không được vì người phương Tây chỉ coi Tây Sơn là quân cướp.


Có người nói vì Nguyễn Ánh cầu viện mà người Pháp mới biết tới Việt nam. Lời buộc tội này lại càng ngây ngô hơn nữa. Người châu Âu nói chung và người Pháp nói riêng đã đến Việt nam từ đầu thế kỷ 16, lúc tổ tiên Nguyễn Ánh là Nguyễn Hoàng chưa ra đời, rồi liên tục gia tăng sự hiện diện. Họ đã thiết lập nhiều trung tâm thương mại tại Hội An, Hà Nội và Hưng Yên. Người châu Âu đến nước ta là lẽ tự nhiên vì lúc đó họ đã mạnh và đang bung ra khám phá thế giới. Việc họ đến nước ta, đem theo một văn hóa và một kỹ thuật mới đáng lẽ phải là một may mắn lớn cho nước ta, chỉ tiếc rằng chúng ta đã không đủ sáng suốt để lợi dụng.


Nguyễn Ánh có công lớn với đất nước. Chính ông đã thống nhất được đất nước. Không có ông không chừng ngày nay miền Nam và miền Bắc vẫn còn là hai quốc gia riêng biệt. Phe cộng sản mạt sát Nguyễn Ánh là điều dễ hiểu, nhưng điều ngạc nhiên là Nguyễn Ánh bị lên án một cách hồ đồ như thế mà không được minh oan một cách rõ rệt, trong khi tôn thất nhà Nguyễn, ngày trước và ngay bây giờ, không thiếu những người có kiến thức và trình độ cao. Đó là vì một bên có lý do để ra sức buộc tội Nguyễn Ánh, còn một bên dù muốn bênh Nguyễn Ánh cũng không thể bào chữa cho ông một cách thông suốt. Nếu muốn bào chữa cho Nguyễn Ánh thì phải mổ xẻ sự nghiệp của ông một cách khách quan nhưng điều này lại khó làm. Muốn nói rõ về Nguyễn Ánh thì bắt buộc phải nhìn nhận những sai phạm của ông đối với đất nước – cầu viện Pháp, cầu viện Xiêm, và cách đối xử thô bạo của ông đối với con cháu Tây Sơn. Cũng phải luận việc ông bội bạc và giết hại các công thần. Điều này các vua nhà Nguyễn không cho phép vì họ không thể chấp nhận một phê phán nào về ông tổ của họ. Sau này Ngô Đình Diệm, sau khi đã truất phế vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng không dại gì mà bênh vực ông tổ nhà Nguyễn. Sau Ngô Đình Diệm là chế độ của các tướng tá, trong đó nhưng vấn đề văn hóa, lịch sử không đặt ra nữa.

Nguyễn Ánh bị buộc tội oan trong khi ông là người có công lớn, và hơn thế nữa tổ tiên ông còn có công rất lớn là đã khai phá ra một nửa đất nước.


Nếu ai hỏi tôi ai là người có công nhất đối với Việt nam, tôi sẽ lưỡng lự giữa Lý Công UẩnNguyễn Hoàng. Lý Công Uẩn có công lập ra một quốc gia Việt nam thực sự, có kỷ cương, có triều chính, có văn hóa và đặt nền nếp cho Việt nam từ đó về sau (nhưng đồng thời ông cũng vô tình làm một điều tai hại là khẳng định vai trò của Khổng Giáo như một văn hóa chính thức). Nguyễn Hoàng có công mở ra một nửa đất nước, và đó cũng là nửa nước trù phú nhất. Lưỡng lự giữa hai người nhưng nếu bắt buộc phải chọn một người có lẽ tôi thiên về Nguyễn Hoàng.

Trước năm 1945, không có chuyện buộc tội Nguyễn Ánh. Phan Chu Trinh, một người chủ trương dân chủ và công khai bài xích triều Nguyễn, khi xỉ vả vua Khải Định là hèn đốn đã viết:

Ai về âm phủ hỏi Gia Long, / Khải Định thằng này phải cháu ông?, nghĩa là cũng nhìn nhận Nguyễn Ánh là bậc anh hùng.


Sau năm 1945, nhà Nguyễn đã thoái vị, đảng cộng sản đã nắm chính quyền tất nhiên không còn muốn lòng dân nhớ nhà Nguyễn nữa. Lời cáo buộc Gia Long cõng rắn cần gà nhà bắt đầu từ đấy. Khi cựu hoàng Bảo Đại trở về thành lập chính quyền quốc gia, mạt sát và hạ bệ Gia Long dĩ nhiên nằm trong chính sách tuyên truyền của đảng cộng sản. Dưới chế độ cộng sản bênh vực Gia Long, chưa nói đến khen Gia Long, là phạm tội phản động.


Vụ án Gia Long tuy không ồn ào bề ngoài nhưng trong chiều sâu đã gây chia rẽ không nhỏ trong hàng ngũ miền Nam trước năm 1975. Tôi đều có nhiều dịp nhận ra điều đó. Một lần tôi được chứng kiến một cuộc cãi vã ngắn nhưng rất dữ dội. Trong một câu chuyện vãn, không hiểu tại sao hai nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh lại được đề cập tới. Một anh bạn khen Nguyễn Huệ là anh hùng, chê Gia Long là tầm thường, may nhờ Nguyễn Huệ mất sớm mà thắng được. Một anh bạn khác phản ứng một cách giận dữ: “Nguyễn Huệ là một tên tướng cướp gặp thời, Gia Long mới có công thống nhất đất nước”. Anh kia cũng không chịu thua. Cả hai đi tới kết luận là người trước mặt mình không có trình độ, rồi họ chấm dứt cuộc thảo luận với cùng một nét mặt khinh bỉ. Về sau tôi có hỏi người nọ về người kia, cả hai đều nói về nhau một cách nặng lời, chắc chắn là không thể hợp tác với nhau được nữa. Tại sao một giai đoạn lịch sử hai trăm năm về trước lại có thể chia rẽ những con người ngày hôm nay? Chúng ta đặt quá nhiều đam mê và xúc động vào một lịch sử rất không chính xác. Thương nhau thương cả đường đi / Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Có lẽ nhiều người đã giận các vua Minh Mạng, Tự Đức mù quáng và ngoan cố làm mất nước, ghét Bảo Đại hèn nhát trác táng, rồi ghét luôn cả Gia Long.

Nhưng cách vận dụng lịch sử thiếu lương thiện nhất vẫn thuộc về đảng cộng sản. Họ luôn luôn bóp méo lịch sử cho những mục đích tuyên truyền. Năm 1979 khi vừa cải tạo về tôi nghe đứa cháu gái tôi học lịch sử: “Năm… tên bán nước Gia Long đem quân đánh Phú Xuân”. Tôi giật mình, sách sử gì mà ngôn từ hạ cấp như vậy? Tôi đòi xem cuốn sách và còn thấy cả “tên cướp nước Triệu Đà”. Triệu Đà chết đã hơn hai ngàn năm nay cũng bị vạ lây, bởi vì lúc đó hai chế độ cộng sản Việt nam và Trung Quốc đang xung đột. Để ý đến cách dạy sử lúc đó, tôi phải phẫn nộ. Hình như Việt nam chỉ mới thực sự thành lập từ khi có đảng cộng sản. Những đề tài thi sử thường gặp lúc đó là: “Đảng cộng Sản Việt nam thành lập ngày nào, năm nào?”, “Quân Dội Nhân Dân Việt nam thành lập ngày nào, năm nào?”, “Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm nào, ở đâu?”. Và câu hỏi quan trọng nhất: “Ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình, trước khi đọc tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã nói gì?” (Câu trả lời là “Bác Hồ đã nói: Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?“).


Sự sửa đổi lịch sử được thể hiện trên thực tế. Tại Sài Gòn, đường Nguyễn Hoàng được thay bằng đường Trần Phú, theo tên một cấp lãnh đạo cộng sản đã chết. Chúa Hiền, người có công khai mở miền Nam, nhường tên đường cho Võ Thị Sáu, một nữ cán bộ khủng bố cộng sản. Đường Gia Long dĩ nhiên không còn, nay là đường Lý Tự Trọng. Vô số công thần lập quốc bị xóa tên đường nhường chỗ cho nhưng cán bộ cộng sản không tên không tuổi. Từ ngày 30-4-1975, nước Việt nam không phải chỉ thay đổi hiện tại và tương lai mà còn thay đổi cả quá khứ.


Lịch sử là gia phả chung của đất nước, là ký ức tập thể của dân tộc, xuyên tạc nó là xúc phạm đến trí tuệ của dân tộc. Chưa nói rằng bôi nhọ một người đã nằm xuống từ lâu rồi cho một mục đích giai đoạn là một việc mà chỉ có những kẻ thấp kém mới làm. Làm như thế đang cộng sản cũng đã hạ giá chính cái lý tưởng của họ. Nếu lý tưởng của họ trong sáng, dự án chính trị của họ đặc sắc thì họ cần gì phải vận dụng những thủ đoạn tồi tàn như vậy?


Nhưng một câu hỏi cũng đặt ra cho chúng ta. Tại sao họ lại có thể làm như thế và một phần nào đó đã thành công? Đó là vì chúng ta thiếu một sử quan đứng đắn. Lịch sử của ta thiếu sót và thiếu chính xác, đó là một điều đáng tiếc; nhưng điều còn đáng tiếc hơn nữa là cách tiếp cận lịch sử của chúng ta. Chúng ta không coi lịch sử như một tài sản chung của dân tộc mà mọi người phải trân trọng. Từ bao đời rồi lịch sử vẫn chỉ được coi là một diễn đàn để hạ nhục đối phương và tâng bốc mình lên. Tập quán đó dần dần ăn rễ vào tâm lý mọi người, trong tiềm thức chúng ta. Chúng ta không coi việc xuyên tạc lịch sử là nghiêm trọng, chúng ta không coi lịch sử là ký ức của những cố gắng dựng nước, trái lại chúng ta coi lịch sử như là sự nối tiếp nhau của những trận đánh tàn phá đất nước. Chúng ta đọc lịch sử một cách sơ sài và dựa vào lịch sử để đưa ra những phê phán hồ đồ nhưng chắc nịch. Các dân tộc khác có thể chia rẽ vì không đồng ý với nhau trên những việc cần làm cho hôm nay và ngày mai; người Việt nam lại còn có thể chia rẽ và hận thù nhau vì những chuyện đã hoàn toàn thuộc về quá khứ mà mọi người chỉ biết một cách rất mơ hồ.

 

"Rước voi về giày mả tổ"


Khi đem tâm tình viết lịch sử mà tâm tình lại có trộn lẫn đam mê thì lịch sử không thể chính xác. Nhưng hậu quả khác nhau tùy theo đam mê theo hướng nào. Nếu đam mê theo chiều hướng sùng ái như đói với Nguyễn Huệ thì hậu quả là ta đi vào con đường thủ cựu tôn thờ quá khứ. Nếu ngược lại, đam mê theo chiều hướng thù ghét ta có thể phạm vào một bất công lớn đối với một người đã nằm xuống không còn khả năng trả lời nữa, và nhất là có thể tạo ra đỗ vỡ lớn giữa những người còn sống. Giữa một người đề cao Nguyễn Huệ và một người đề cao Nguyễn Ánh vẫn có thể có sự cảm thông, nhưng một người chống Nguyễn Ánh và một người đề cao Nguyễn Ánh khó có thể đối thoại với nhau.

Lê Chiêu Thống và Nguyễn Ánh là hai trường hợp điển hình cho đam mê lịch sử theo chiều hướng bài xích.


Lê Chiêu Thống bị mọi người mạt sát vì đã cứu viện quân Thanh, cõng rắn cắn gà nhà và không có ai bênh vực. Ký ức về ông mãi mãi hoen ố. Nhưng Lê Chiêu Thống không đáng phải chịu bản án lịch sử quá nặng nề đó. Khi Nguyễn Huệ vừa diệt xong nhà Trịnh và cưới công chúa Ngọc Hân thì vua Hiển Tông nhà Lê lâm bệnh nặng rồi từ trần không con nối dõi. Họ Lê thù họ Trịnh áp bức mình quá đáng nên quyết nhân cơ hội này lập lại cơ đồ thực sự. Họ suy tôn con người lỗi lạc nhất của dòng họ Lê lúc đó là hoàng tôn Lê Duy Kỳ, một người xét theo gia phả đáng lẽ không được làm vua. Duy Kỳ lên ngôi đặt niên hiệu là Chiêu Thống Hoàng Đế. Nội cái tên cũng chứng tỏ cao vọng của ông.

Nhưng Chiêu Thống hoàn toàn không có vây cánh và của cải. Các cựu thần mang tiếng là cựu thần nhà Lê nhưng đều là của nhà Trịnh. Trong hơn hai thế kỷ cầm quyền của nhà Trịnh, họ không những không có liên hệ nào với nhà Lê mà còn bị cấm tuyệt đối không được giao dịch với nhà Lê. Lê Chiêu Thống hoàn toàn cô đơn. Ông vừa cố hết sức thu thập được vài bộ hạ thì dư đảng họ Trịnh đã nổi lên đem Trịnh Bồng về lập lại phủ chúa. Chiêu Thống bí mật vời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân Nghệ An ra dẹp Trịnh Bồng. Đây cũng là một quyết định rất can đảm bởi vì nếu âm mưu bại lộ, ông chắc chắn sẽ bỏ mạng về tay phe đảng Trịnh Bồng. Nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh vốn đã là thủ hạ của họ Trịnh mà còn diệt nhà Trịnh thì chắc chắn không có lý do gì để phò Chiêu Thống. Nguyễn Hữu Chỉnh lại chuyên quyền, và Lê Chiêu Thống đành chịu. Lê Chiêu Thống chỉ lợi dụng thời kỳ hỗn loạn, họ Trịnh bị ghét, Nguyễn Hữu Chỉnh còn bị ghét hơn, để mua thời gian, chiêu nạp thêm thủ túc. Dự định chưa đi đến đâu thì Nguyễn Huệ đã sai Vũ Văn Nhậm ra giết Nguyễn Hữu Chỉnh và nắm quyền. Chiêu Thống cùng đám thủ hạ ít ỏi bỏ kinh đô trốn vào dân gian, bôn ba kháp đây đó lo việc khôi phục. Lê Chiêu Thống chỉ ở Thăng Long được hơn một năm. Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí nói khá tỉ mỉ về những cố gắng và gian lao của Chiêu Thống trong giai đoạn này, qua đó ta có thể thấy Lê Chiêu Thống là một con người rất xông pha. Lúc Chiêu Thống đương chật vật ở Thanh Hóa thì một số cựu thần nhà Lê đem mẹ ông sang Tàu cầu cứu nhà Thanh. Quân Thanh sang, Lê Chiêu Thống về Thăng Long được mấy ngày thì Nguyễn Huệ đem quân đánh tan quân Thanh. Lê Chiêu Thống chạy trốn sang Tàu. Quần thần theo ông sang Tàu lúc đó cư xử khá liêm sỉ. Mặc dầu cô đơn họ cũng dám đương đầu với nhà Thanh. Có người chửi mắng quân Thanh, để rồi tất cả bị án đầy đi khắp nơi, sang Tây Vực, lên Mãn Châu. Riêng Lê Chiêu Thống buồn phiền mà chết. Lê Chiêu Thống tỏ ra là một người yêu quê hương, trước khi chết dặn người nhà sau này nhớ đem xác ông về chôn tại cố quốc. Đó là một tình cảm mà trước ông không một người Việt nam lưu vong ở Trung Quốc nào bày tỏ. Sử chép sau khi Tây Sơn bị diệt, gia nhân đào xác Lê Chiêu Thống lên để đem về Việt nam theo lời dặn của ông thì thấy cơ thể đã tan nhưng trái tim vẫn còn tươi đỏ. Câu chuyện này chắc chắn là bịa đặt, nhưng có thể giải thích rằng gia nhân ông biết ông chết với tấm lòng tức tưởi nên tưởng tượng ra câu chuyện đó.


Lê Chiêu Thống thực sự muốn cầu cứu nhà Thanh hay là việc cầu cứu này hoàn toàn do đám tôn thất nhà Lê chủ xướng lúc vắng mặt ông? Câu hỏi này có lẽ không bao giờ sáng tỏ, nhưng khi quân Thanh đã vào tới Thăng Long rồi thì Lê Chiêu Thống khó có chọn lựa nào khác là về Thăng Long. Nếu ông không về chắc chắn Tôn Sĩ Nghị sẽ bảo họ Lê tìm người khác và họ Lê chắc chắn cũng không vì Chiêu Thống mà bỏ cơ hội ngàn năm một thuở đó. Nhưng dù muốn hay không Lê Chiêu Thống đã về và đã trình diện Tôn Sĩ Nghị thì ông phải chịu trách nhiệm như chính ông đã gọi quân Thanh vào. Tội cầu viện quân Thanh nặng đến mức nào tùy quan điểm của mỗi người. Điều quan trọng là nên cố gắng tìm hiểu bối cảnh thời đại đó. Miền Nam lúc đó chưa hề hội nhập vào miền Bắc, nên người miền Bắc coi miền Nam gần như một nước khác.

 

Có lẽ anh em Tây Sơn cũng coi như thế, nên Nguyễn Nhạc đã xưng hoàng đế ở trung Nam và dùng từ “quý quốc” để xưng hô với vua Lê. Người miền Bắc coi Tây Sơn gần như một đạo quân ngoại xâm, hơn nữa còn là một dám quân cướp hung bạo, nên việc họ đi cầu viện quân Thanh chống Tây Sơn là có thể hiểu được. Đọc tập thư từ của các giáo sĩ có mặt tại Bắc Hà lúc đó, ta có thể thấy rằng đa số dân Bắc Hà tán thành việc Chiêu Thống sang cầu viện nhà Thanh. Các giáo sĩ này đều là những người ủng hộ Tây Sơn cả. Giờ đây, sau hai trăm năm lịch sử, biết bao máu và nước mắt đã đổ ra trên đất nước này, ý thức quốc gia của chúng ta đã rõ rệt hơn nhiều, việc cầu viện ngoại bang có thể lên án một cách không lưỡng lự, những có lẽ không nên đem ý thức của thời nay mà xét người ngày xưa. Vả lại chính Nguyễn Du mà chúng ta tôn vinh như một trí tuệ siêu việt cũng đã cố chạy theo Chiêu Thống mà không được. Về mặt lập trường Nguyễn Du không khác Chiêu Thống.


Xét trong ba người giành nhau ngôi bá chủ ở thời đó: Chiêu Thống, Quang Trung và Gia Long, thì cả ba đều là những người có ý chí mạnh, có can đảm, có bản lãnh. Nhưng Quang Trung và Gia Long giống nhau ở chỗ họ đều là những con người thủ đoạn và sắt máu. Chiêu Thống là con người nhân hậu và tình cảm nhất. Trong cái thời đại đao binh chém giết như thế, ở vào lúc mà những bản năng tàn sát được thả lỏng như thế, một con người như Chiêu Thống kể ra cũng hiếm.

Độc giả đọc tới đây chắc chắn phải tự hỏi: “Tên Nguyễn Gia Kiểng này điên chăng, hắn ăn cái giải gì mà bênh vực tên việt gian Lê Chiêu Thống? Sao hắn ngu đến thế, rồi đây tên tuổi hắn sẽ bị gắn liền với Lê Chiêu Thống”. Nhưng nếu làm chính trị chỉ là tính toán thiệt hơn thì cũng buồn thực. Tôi chẳng có họ hàng gì với Lê Chiêu Thống, tổ tiên tôi cũng chẳng có ai làm quan nhà Lê. Nhưng tôi thấy cần phải sửa chữa lại một bất công quá đáng kéo dài quá lâu với một người đã chết. Lê Chiêu Thống là người Việt nam, tôi cũng là người Việt nam. Hơn nữa ông là một nhân vật lịch sử và tôi cần nhìn rõ lịch sử của nước tôi. Quan hệ giữa ông ta và tôi chỉ có thế.


Tìm trong lịch sử Việt nam tôi khám phá ra rằng việc mạt sát Lê Chiêu Thống chỉ mới gần đây thôi, đúng ra từ 1945 trở đi và có một mục đích chính trị chứ không phải hoàn toàn vô tư. Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí của dòng họ Ngô rất gắn bó với Tây Sơn cũng không hề lên án Lê Chiêu Thống, trái lại còn bày tỏ sự cảm thương.


Sau thế chiến hai, đảng cộng sản Việt nam nắm được thế chủ động. Trước mặt họ là các đảng phái quốc gia Việt nam Quốc Dân Đảng, Việt nam Cách Mạng Đảng và Đại Việt được quân Tưởng Giới Thạch ủng hộ. Nếu Lê Chiêu Thống bị mọi người lên án vì cầu viện quân Thanh thì chính nghĩa của các đảng phái quốc gia này ở chỗ nào? Cho nên Lê Chiêu Thống phải bị mạt sát. Sau này mạt sát Lê Chiêu Thống cũng vẫn cần vì nó đánh vào nhược điểm của phe quốc gia là dựa vào người Pháp rồi người Mỹ. Lê Chiêu Thống trở thành một chiêu bài. Lịch sử được uốn nắn để sử dụng cho mục đích chính trị. Các chính phủ quốc gia kế tiếp nhau chỉ gồm những người lãnh đạo rất yếu về căn bản dân tộc và cũng yếu về lý luận chính trị nên đã không nhìn thấy cái bẫy Lê Chiêu Thống quá lớn này. Đặc điểm của những người cầm đầu phe quốc gia là họ có khá nhiều học vị nhưng lại chỉ có rất ít quan tâm về chính trị và càng ít quan tâm đối với lịch sử Việt nam. Họ, hay đúng hơn một vài trí thức có trình độ trung bình ủng hộ họ, chỉ biết phản pháo bằng cách cũng lên án Lê Chiêu Thống nhưng buộc tội đảng cộng sản bỏ tổ quốc, đem Liên Xô, Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản ngoại lai về đầy đọa quê hương như Lê Chiêu Thống. Nhưng lập luận của phe quốc gia hời hợt và giả tạo nên đã thiếu hẳn sức thuyết phục. Kết quả là hai bên thi nhau mạt sát Lê Chiêu Thống, và hơn nữa lại cũng đồng ý với nhau rằng Lê Chiêu Thống là con người nhu nhược và hèn nhát, một điều hoàn toàn không đúng sự thực vì Lê Chiêu Thống là con người rất có đảm lược và bản lãnh, không ngại vào sinh ra tử. Lê Chiêu Thống đã là nạn nhân của sự khôn ngoan của phe cộng sản và sự nông cạn của những người càm đầu phe quốc gia, một nạn nhân đáng thương vì con cháu nhà Lê không còn để bênh vực ông, số rất ít cựu thần nhà Lê đã thành cựu thần nhà Nguyễn.


Nhưng bây giờ thì cuộc chiến đã xong rồi. Có lẽ nên để cho người chết yên nghỉ thì hơn. Vả lại, nếu buộc tội Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào, thì tại sao người cộng sản không ca tụng Ngô Đình Diệm đã chết vì không chịu cho Mỹ đổ bộ? Người cộng sản nên ôn hòa hơn với Lê Chiêu Thống khi họ cũng dùng vũ khí và cố vấn Liên Xô, dùng cả quân Trung Quốc trong cuộc chiến vừa qua. Nhất là hiện nay họ cũng rất lễ độ với Trung Quốc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn chiếm. Đảng cộng sản từ trước vẫn tự coi là có chính nghĩa nhờ một lập luận quái đản: các anh có tội đem quân nước ngoài vào để nó giết người Việt, trong khi chúng tôi có chính nghĩa vì chúng tôi tự tay giết người Việt. Vậy mà lập luận này đã có sức thuyết phục trong nhiều thập niên. Điều này chứng tỏ rằng một dân tộc hiểu sai lịch sử của mình cũng không khác một người mất trí và có thể chìm rất sâu trong sự mê muội.


Khi ông Hồ Chí Minh chết, ông là chủ tịch nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng ông chỉ mơ ước về bên kia thế giới gặp cụ Marx, cụ Lênin. Khi Lê Chiêu Thống chết, ông lưu lạc bơ vơ và bị non sông ruồng bỏ nhưng ông lại mong được tìm về đất cũ. Giữa hai tâm hồn ấy, kể ra cũng có một sự khác biệt.


Về chiêu sâu, tôi nghĩ rằng khi một người đã chết thì không còn gì quan trọng nữa. Dù chết đi trong tiếng khóc thương, hay trong tiếng nguyền rủa hận thù thì cũng thế thôi, cát bụi vẫn là cát bụi. Nhưng danh dự của người đang sống buộc họ phải công bằng với những người đã chết.

Còn một lý do nữa khiến tôi thấy cần nhắc lại trường hợp Lê Chiêu Thống, đó là để rút ra một bài học có ích. Tại sao một con người xuất chúng như Lê Chiêu Thống lại có thể làm việc đi cầu cứu quân Thanh? Và tại sao một số đông đảo dân chúng Bắc Hà lúc đó lại tán thành hành động này? Đó là vì tinh thần dân tộc của ta đã rách nát sau những cuộc phân tranh triền miên. Đó cũng là vì các phe phái hận thù nhau đến độ mất cả sự sáng suốt. Bài học mà ta cần phải rút ra là sự liên đới dân tộc và tinh thần trách nhiệm chỉ có thể xây dựng trong hòa bình mà thôi.


Một bài học khác là không nên dựa vào lý mà cũng đừng dựa vào thế mạnh để bắt bí nhau, đừng đẩy người đuối lý hay kém thế vào những chọn lựa tuyệt vọng.Từ năm 1945 cho đến năm 1975, người cộng sản không những không muốn thỏa hiệp với người quốc gia để tìm một giải pháp chấp nhận được cho mọi người, mà trái lại họ còn cố đẩy người quốc gia vào chỗ càng ngày càng lệ thuộc ngoại bang hơn, và họ vui mừng khi thấy phe quốc gia dựa vào ngoại bang để họ giành độc quyền chính nghĩa. Phe quốc gia cũng có cùng một thái độ, tuy không có cùng một mức độ thành công. Kết quả ra sao cho đất nước, chúng ta đều đã thấy. Bài học đó đang có chiều hướng lập lại một lần nữa. Vấn đề cơ bản hiện nay là dân chủ hóa. Đối lập dân chủ có lý hoàn toàn khi đòi dân chủ da nguyên và đảng cộng sản vô lý hoàn toàn khi phủ nhận dân chủ đa nguyên.

 

Nhưng hậu quả gần như tất nhiên của việc áp dụng dân chủ đa nguyên là đảng cộng sản sẽ mất chính quyền, cho nên đảng cộng sản coi những đòi hỏi dân chủ như một sự bắt bí. Ngược lại họ có quyền, có sức mạnh và họ sử dụng sức mạnh đó để đàn áp những nguyện vọng dân chủ, dần dần họ bị cô lập với dân chúng. Càng yếu đi họ càng phải nhượng bộ ngoại bang, quỵ luỵ với Trung Quốc dù Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải, quỵ luỵ với các thế lực tài phiệt ngoại quốc và nhượng cho họ những vùng đất có tầm quan trọng kinh tế lớn nhất. Chìa khóa của giải pháp cho đất nước là phải thỏa hiệp với nhau để tìm ra một giải pháp vẫn thực hiện được dân chủ mà không để dọa tương lai của bất cứ ai. Trong tình hình đất nước hôm nay trái tim cần hơn lý trí. Chúng ta cần những luật sư hơn những biện lý./