Nhà báo Mai Loan; Ts Nguyễn Phúc Liên bàn về TPP

19 Tháng Mười 201512:41 SA(Xem: 15057)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ HAI 19 OCT 2015

image015

Mai Loan: Hiệp ước Hợp tác Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP)

 

Sau gần một thập niên đàm phán, các vị tổng trưởng mậu dịch của 12 quốc gia nằm hai bờ của Thái Bình Dương đã nhóm họp tại thành phố Maui ở Hạ Uy Di (Hawaii) vào cuối tháng 7 vừa qua với hy vọng có thể đạt được một thoả thuận tiên khởi cho một hiệp ước tự do mậu dịch được coi như là lớn nhất từ trước nay. Thật vậy, Hiệp Ước Hợp Tác Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) là văn bản kết hợp tương quan trao đổi thương mại giữa 12 quốc gia thuộc nhiều châu lục, trong đó gồm có 3 nước ở Bắc Mỹ đã ký kết trong hiệp ước NAFTA (là Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Mễ Tây Cơ) cùng với 9 quốc gia khác là: Peru và Chí Lợi (Chile) ở Nam Mỹ, và Nhật Bản, Việt Nam, Tân Gia Ba (Singapore), Brunei, Mã Lai Á ở Á Châu và Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan tại Úc Châu.

Nhưng phải đợi đến ngày thứ Hai 05 tháng 10 vừa qua thì kết quả này mới được thành tựu, cũng sau những phiên họp kéo dài nhiều ngày tại thành phố Atlanta ở Georgia. Buổi lễ ký kết văn kiện này đã diễn ra dưới sự chủ toạ của Tổng Trưởng Mậu Dịch Michael Froman của Hoa Kỳ cùng với các vị tổng trưởng của 11 nước khác, nhưng thật ra nó chỉ là sự thoả thuận chung về cái khung sườn của bản hiệp ước.

Nhưng giới truyền thông (theo tờ New York Times) cho biết là người ta cũng phải chờ thêm một vài tuần nữa khi tất cả những chi tiết lắt léo hay rắc rối sau cùng được mọi nước cùng thoả thuận thì bản hiệp ước mậu dịch này mới được chính thức công bố và từ đó mọi người mới có thể hiểu rõ hơn để bàn luận hoặc phân tích cụ thể. Ngoài ra, cũng còn có vấn đề đồng ý chấp thuận của các chính phủ trong 12 quốc gia này có thể kéo dài nhanh hay chậm tuỳ theo tiến trình sinh hoạt hoặc chính trường của mỗi nước. Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, chính phủ Obama phải thông báo cho Quốc Hội 90 ngày để cứu xét và ưng thuận trước khi quyết định ký kết. Sau đó còn phải chờ thêm 30 ngày nữa trước khi đưa ra một đạo luật để thực thi và áp dụng hiệp ước này.

 image016

Biểu đồ các nước trong Hiệp ước Hợp tác Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Vì thế, trong giả thiết lạc quan nhất thì cũng phải đợi đến đầu năm 2016 thì bản hiệp ước này mới có cơ may được ký kết; nhưng trong bối cảnh cuộc vận động tranh cử tổng thống bắt đầu sôi động và gay cấn hơn vào lúc ấy, chưa ai biết là vận mệnh của bản hiệp ước này sẽ xuông xẻ hay không trong những ngày tháng sắp tới. Mà nếu bản hiệp ước này không được thông qua tại Hoa Kỳ thì coi như nó cũng không có cơ may sống sót với các nước còn lại bởi vì Hoa Kỳ là đầu tàu chủ động và cũng là quốc gia thu hút sự tham dự của các nước còn lại.

Gọi là hiệp ước tự do mậu dịch lớn nhất trong lịch sử cũng không ngoa khi mà 12 nước này hợp tác lại sẽ có nền sản xuất kinh tế chiếm đến 40% tổng sản lượng kinh tế (GDP) của cả thế giới, theo một ước tính của viện nghiên cứu Peterson Institute. Nói chung, sự hợp tác này sẽ khiến cho mức thu nhập của các nước cùng tăng trưởng vì số lượng hàng hoá sản xuất của mỗi nước sẽ có được nhiều thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.

Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, các chuyên gia ước tính rằng bản hiệp ước này có thể đem về con số thu nhập hàng năm vào khoảng 77 tỷ Mỹ-kim, bắt đầu từ năm 2025. Con số này thật ra cũng chưa bằng 1% mức thu nhập của nước Mỹ, nhưng nó cũng là một khoản tiền khá lớn, và khi nó gia tăng thì vẫn là một điều có lợi. Hơn nữa, những người ủng hộ cho một hiệp ước tự do mậu dịch lập luận rằng nó có thể là động lực để có thể tiến đến những vụ hợp tác để trao đổi mậu dịch với các nước bạn hàng quan trọng khác, như khối Liên Hiệp Âu Châu (EU) hoặc là với Trung Cộng.

Nhân đây cũng xin mở một dấu ngoặc nhỏ để nói thêm về một số các thuật ngữ thường được dịch không chính xác trên hầu hết các diễn đàn truyền thông tiếng Việt, kể cả những cơ quan lớn như VOA, BBC, RFI, RFA v.v. Đầu tiên là chức vụ của ông tổng trưởng mậu dịch của Hoa Kỳ (Trade Representative) luôn bị lầm lẫn dịch là Đại Diện Mậu Dịch. Tại Hoa Kỳ, nhân vật này ngang hàng với cấp tổng trưởng trong các buổi họp của nội các ở Toà Bạch Ốc, tuy rằng không có một cơ ngơi riêng biệt như đa số các phủ bộ khác, mà văn phòng đặt trực thuộc tại Toà Bạch Ốc. Nhiệm vụ của người này là phụ tá cao cấp nhất để cố vấn cho tổng thống Mỹ trên các hồ sơ mậu dịch của Hoa Kỳ với các quốc gia khác. Vì thế nên khi dịch nó là Đại Diện Thương Mại thì không lột tả đúng chức năng cũng như không hiểu rõ về vai trò quan trọng thực sự của nó.

Một chi tiết sai lầm khác có phần nặng nề hơn, đó là lối dịch chữ “partnership” là đối tác, rất quen dùng tại VN dưới thời Việt Cộng, để rồi sau đó cũng thấm dần đối với nhiều người tại hải ngoại mà không thấy sự sai trái và vô lý của nó. Chữ này chỉ có thể dịch là “Hợp tác” và người “partner” (partnenaire theo tiếng Pháp) chỉ có thể dịch là “người hợp tác” hoặc “bạn hàng hợp tác” chứ không thể nào là người đối tác như thói quen tai hại thường nghe sau này. Chữ “đối tác” trong nhiều trường hợp chỉ có thể được dùng để dịch chữ “counterpart”, mô tả trường hợp 2 người đứng ở 2 vị thế đối chọi hay đối lập trong một cuộc họp bàn hay thương thuyết.

Tiếc thay, nhiều người trong ngành truyền thông, kể cả các cơ quan lớn kể trên và nhiều nhà báo kỳ cựu từ thời VNCH trước đây cũng mắc phải lỗi lầm tai hại này vì thói quen lười biếng nên không thấy rõ sự sai lầm ngây ngô và ngờ nghệch này. Có người giải thích với kẻ viết bài này rằng chữ “đối tác” có thể là kiểu viết tắt của từ ngữ “đối tượng hợp tác”, một hình thức viết tắt rất tuỳ tiện và cẩu thả thường thấy sau khi VN nằm dưới sự cai trị của một chế độ độc tài và ngu dốt. Tuy nhiên, đối với những người có may mắn đã hấp thụ những kiến thức hữu ích và đứng đắn trước đây thì không thể nào nguỵ biện để tiếp tục dùng những từ ngữ sai trái như vậy với lý do rằng đa số người Việt ở trong nước đều đã quen dùng như vậy.

Trở về với đề tài chính, bản hiệp ước hợp tác mậu dịch này cũng có thể được gọi là một hiệp ước tự do mậu dịch, nghĩa là việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ giữa các nước cùng ký kết được tiến hành trong tinh thần tự do, theo quy luật cung và cầu của kinh tế thị trường, chứ không phải do sự chỉ đạo hoặc điều hành bởi nhà nước qua các chính sách như thuế quan (tariffs) hoặc hạn ngạch (quotas).

Trên lý thuyết, chính sách tự do mậu dịch được áp dụng khi các chính phủ tháo bỏ các hàng rào thuế quan và hạn ngạch, tức là không bắt đóng thêm tiền thuế cho các món hàng nhập cảng, cũng như không giới hạn số lượng. Kết quả là người dân trong một nước có thể mua được nhiều hàng hoá với giá rẻ (tuy rằng hàng hoá sản xuất trong nước đó có thể bị thua lỗ so với các nước khác nếu như không có giá rẻ hơn và phẩm chất tốt bằng). Bù lại, giới sản xuất trong nước cũng có thể đem sản phẩm của mình ra cạnh tranh với nước ngoài một cách thoải mái, tự do và công bình, đem lại nhiều cơ hội kiếm ăn cho người dân hơn thay vì chỉ biết chú trọng trong một thị trường nhỏ bé trong nội địa.

Chính sách tự do mậu dịch được áp dụng rõ nét nhất là tại các quốc gia Âu châu với chính sách Thị Trường Chung rồi sau đó là Liên Hiệp Âu Châu và Khối đồng Euro, hoặc là tại vùng Bắc Mỹ với hiệp ước NAFTA giữa 3 nước Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ. Ngoài ra, nhiều nước khác cũng ký kết những văn kiện hợp tác mậu dịch trong khuôn khổ của cơ quan WTO, tức là Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.

Trong thực tế, đa số các quốc gia vẫn còn áp dụng một số các chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm mục đích nâng đỡ cho thị trường công ăn việc làm tại nội địa, cũng như bảo vệ một số ngành nghề đặc biệt nào đó của quốc gia, bằng cách áp đặt một số thuế quan (tariffs) lên các hàng hoá nhập cảng, hoặc là trợ giúp phụ cấp (subsidies) cho các nhà sản xuất trong nước trong một số ngành nghề nào đó để hàng hoá nội địa có thể cạnh tranh nổi với hàng hoá ngoại quốc có thể rẻ và tốt hơn. 

TRANH LUẬN VỀ LỢI, HẠI CỦA TỰ DO MẬU DỊCH

Giống như mọi đề tài trọng đại khác, chính sách tự do mậu dịch cũng gây ra nhiều tranh cãi với lập luận của mỗi bên cũng đều có cái lý của nó, và cũng thu hút được một số đông người ủng hộ theo.

Theo trường phái ủng hộ, khởi đi từ lập luận của nhà triết học và kinh tế gia Adam Smith của Tô Cách Lan từ thế kỷ 18, được coi như là cha đẻ của nền kinh tế học hiện đại sau này, và được trích dẫn thường xuyên bởi nhiều chuyên gia kinh tế với tác phẩm The Wealth of Nations của ông thì tự do mậu dịch sẽ dẫn đến tình trạng những người sản xuất hàng hoá và dịch vụ tốt nhất, rẻ nhất sẽ có nhiều cơ may để thành công, nhưng xã hội nói chung sẽ được tốt hơn nhiều vì đa số người tiêu thụ sẽ có được nhiều sản phẩm tốt với giá rẻ nhất. Dĩ nhiên, những người sản xuất hàng hoá với giá cao hơn và phẩm chất xấu hơn bắt buộc phải thay đổi cách thức, hoặc đổi nghề để có thể tiếp tục sinh tồn. Trong chiều hướng đó, thì bất lợi nhỏ lúc ban đầu này cũng giúp cho xã hội nói chung được thăng hoa hơn (khi mọi người đều phải cố gắng hơn).

Chính sách tự do mậu dịch cũng thường dẫn đến những ích lợi khác song hành, chẳng hạn như nó sẽ giúp cho tình trạng chiến tranh ít xảy ra (khi 2 nước cùng làm ăn với nhau thì sẽ dễ tránh chuyện rủi ro, gây hấn với nhau vì đôi bên đều có thể cùng thiệt hại). Tự do mậu dịch cũng giúp làm giảm tình trạng nghèo đói khi mở rộng thị trường cho người dân kiếm công ăn việc làm. Nó cũng giúp mở mang, làm giầu cho nhiều nền văn hoá đa dạng khi người dân các nước được dịp tìm hiểu và biết thêm về nhiều nền văn hoá khác nhau, thay vì chỉ biết khư khư ôm giữ những giá trị cổ truyền lâu đời của mình bị giam giữ trong bức màn sắt hoặc sau luỹ tre xanh.

Tuy nhiên, những người chống đối lại cho rằng chính sách tự do mậu dịch cũng có nhiều điểm bất lợi, và điều này giải thích vì sao mà hầu hết các chính quyền từ lúc ban đầu đã đề ra các chính sách giới hạn, hoặc bảo hộ mậu dịch, và vẫn còn tiếp tục áp dụng nó cho đến ngày nay. Lý do đầu tiên là các quốc gia khi thương thảo về mậu dịch đều đặt quyền lợi và những giá trị theo tiêu chuẩn riêng của mình, chứ không phải chỉ nhất thiết dựa trên yếu tố giá cả rẻ nhất và phẩm chất tốt nhất hoặc là đạt được mức sản xuất cao nhất.

Những người chống đối cũng cho rằng chính sách tự do mậu dịch cũng làm chậm lại tiến trình phát triển của nhiều quốc gia, bởi vì các nước có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thường dễ rơi vào tình trạng chỉ thích xuất cảng các nguyên liệu này vì dễ dãi hoặc lười biếng, thay vì chú tâm vào việc hoạt động sản xuất chế biến, và do đó dần dà sẽ trở thành kém phát triển hơn các nước khác.

Chính sách tự do mậu dịch cũng gây thêm tốn kém nguồn năng lực cho việc phân phối hàng hoá đi khắp nơi (chẳng hạn như việc xuất cảng ồ ạt hàng hoá đương nhiên cũng tốn kém thêm tiền bạc và nhiên liệu cho công việc chuyên chở này). Nó cũng không giúp đỡ cho nhiều ngành nghề còn non nớt đáng lý ra phải nhận được sự trợ giúp đặc biệt từ phía chính phủ trong lúc ban đầu để có thể phát triển cho cứng cáp trước khi có thể cống hiến trở lại cho quốc gia và xã hội.

Trong thực tế, chính sách tự do mậu dịch cũng dẫn đến tình trạng nhiều công ty, hãng xưởng to lớn của ngoại quốc có thể ảnh hưởng mạnh lên sinh hoạt và nền kinh tế nội địa của một nước khác. Những người chống đối cho rằng với chính sách tự do mậu dịch này, nhiều đại công ty có thể dùng sức mạnh kinh tế áp đảo của mình để khuynh loát chính sách điều hành của một chính phủ hầu đạt được nhiều nhượng bộ có lợi cho các hãng xưởng, công ty này thay vì có lợi cho người dân tại địa phương. Chính sách tự do mậu dịch cũng giết chết thị trường công ăn việc làm tại nội địa khi nhiều công ty thi nhau đưa công việc ra nước ngoài (outsourcing) vì hy vọng trả lương rẻ, một hiện tượng gây xáo trộn không ít và dẫn đến nhiều thay đổi khiến nhiều người dân tại Hoa Kỳ không mấy ưa thích trong nhiều năm qua.

Vì thế nên không ai lạ gì khi Tổng thống Obama ca ngợi bản hiệp ước TPP này và cho rằng nó là một yếu tố cần thiết để củng cố thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước tại Á Châu. Trong khi đó, một chính khách cùng phe Dân Chủ với ông là bà Elizabeth Warren, một cựu giáo sư tại đại học Harvard và là đương kim nghị sĩ liên bang đại diện cho tiểu bang Massachusetts thì chỉ trích rằng bản hiệp ước TPP này là một sự nhượng bộ trước quyền lợi kinh tế của các đại công ty, và cũng có thể là một mối nguy cho chủ quyền tự quyết của Hoa Kỳ.

VÌ SAO NHIỀU TỔ CHỨC Y TẾ CÔNG CỘNG CHỐNG ĐỐI TPP?

Trong số các đề tài thương thảo và điều đình, hồ sơ được xem là nhức nhối nhất có lẽ là những quyền lợi được bảo vệ cho kỹ nghệ sản xuất dược phẩm. Những tổ chức phục vụ y tế công cộng như Docteurs Sans Frontières (Y Sĩ Không Biên Giới) hoặc là tổ chức nghiên cứu về bệnh AIDS có tên là amfAR đã lên tiếng cảnh cáo rằng hiệp ước TPP có thể khiến cho việc sản xuất các loại thuốc generic (thuốc cùng công thức nhưng với giá rẻ hơn nhiều so với thuốc có thương hiệu nổi tiếng) trở nên khó khăn hơn, sẽ khiến cho giá cả thuốc men cũng mắc mỏ hơn, và do đó sẽ khiến cho con số tử vong của nhiều bệnh nhân có thể cao hơn vì không có điều kiện để mua thuốc. Điều này mới thoạt nghe có vẻ hơi phi lý nếu như chúng ta không chịu tìm hiểu kỹ thêm để biết rõ vấn đề.

Thứ nhất, luật lệ tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác cấp bằng sáng chế và nhiều quyền lợi pháp lý đi kèm cho công ty nào lần đầu tiên sáng chế ra một thứ thuốc mới, vì coi đó là phần thưởng xứng đáng cho công lao này nhằm khuyến khích con đường nghiên cứu và phát triển. Sau một thời gian đầu được đặc quyền này, những công ty khác có thể nhập cuộc để sử dụng cùng những công thức sáng chế để sản xuất những thứ thuốc generic rẻ hơn nhiều, nhưng có công dụng và hiệu quả tương tự. Dĩ nhiên, các đại công ty dược phẩm không thích thấy có tình trạng cạnh tranh để sản xuất các loại thuốc generic này.

Điều này áp dụng cho một số những thuốc đặc biệt có tên là biologic. Đây là những loại thuốc mà tiến trình sản xuất của nó rất phức tạp, cần nhiều cuộc nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiêu khê và tốn kém, chứ không chỉ đơn thuần là việc pha trộn các hoá chất trong viện bào chế như là các loại thuốc thông thường khác. Kết quả là những loại thuốc biologic này, từ những loại thuốc chủng ngừa (như trị bệnh Ebola) cho đến các loại thuốc kháng thể, chống độc tố, chống ung thư v.v. có thể rất hiệu nghiệm, nhưng đồng thời cũng rất mắc mỏ, trung bình đắt gấp 22 lần so với các thuốc thông thường.

Tiến trình nghiên cứu, rồi thử nghiệm và chứng minh cho cơ quan FDA thấy mức độ an toàn của nó trước khi được chấp thuận sản xuất để tung vào thị trường thường kéo dài và rất tốn kém. Do đó, FDA đã cho hãng sản xuất bằng sáng chế với độc quyền trong 12 năm đầu.

Phía những hãng bào chế khác thì muốn áp dụng những cách thức học được từ lối sản xuất này để chế ra những thứ thuốc tương tự, gọi là biosimilar, dĩ nhiên là với giá rẻ hơn nhiều. Nhưng cơ quan FDA không cho phép các hãng khác được quyền sử dụng những thông tin quan trọng liên hệ mà hãng sản xuất đầu tiên có được, mà phải chờ thêm một thời gian dài sau đó mới được sử dụng.

Vì thế nên việc đưa vào thị trường thuốc generic hay biosimilar sẽ chậm trễ hơn, khiến cho người dân nói chung và nhiều con bệnh nói riêng cũng sẽ bị thiệt thòi theo, hoặc là họ phải chịu đựng mua thuốc với giá mắc lúc ban đầu, hoặc là phải chờ đợi một thời gian lâu sau đó mới có thể được mua thuốc generic với giá rẻ. Trong nhiều trường hợp, tình trạng này có thể khiến cho nhiều bệnh nhân phải thiệt mạng vì không đủ khả năng để mua thuốc trong lúc đang lâm bệnh nặng.

Tại Hoa Kỳ, luật về bằng sáng chế cho phép các hãng bào chế được giữ 12 năm độc quyền sau khi sản xuất được lần đầu 1 thứ thuốc đặc biệt. Chỉ sau thời gian đó thì các loại thuốc generic này mới được đưa vào thị trường. Tại Nhật, thời gian độc quyền này chỉ có 8 năm. Nhưng tại nhiều nước khác, thời hạn độc quyền này có thể chỉ là 5 năm hoặc ít hơn nữa. Chẳng hạn như tại các nước như Peru, Mễ Tây Cơ, Việt Nam, Mã Lai Á, thời hạn độc quyền này coi như là zéro! Nếu như bản hiệp ước này được thi hành thì tại một số các nước trước đây không có quy chế bảo vệ độc quyền cho các hãng có bằng sáng chế các loại thuốc mới, thì người dân tại các nước đó coi như sẽ bị thiệt thòi nhiều, vì coi như phải chờ đợi một thời gian mới hưởng được quyền mua thuốc tốt với giá rẻ.

Chính vì thế mà chính quyền Obama đã phải tương nhượng để đi đến một sự đồng thuận nào đó, nhiều phần là thời hạn độc quyền này sẽ bị rút giảm xuống còn khoảng từ 5 đến 8 năm.

Thí dụ kể trên chỉ là một trong những chi tiết gây nhiều tranh cãi gay gắt liên quan đến bản hiệp ước tự do mậu dịch này. Nói chung, đa số các chính khách theo phe Dân Chủ đều chống đối, vì cho rằng nó sẽ làm thiệt hại thị trường công ăn việc làm trong nhiều ngành, khiến cho quyền lợi của các nghiệp đoàn lao động cũng bị ảnh hưởng tai hại theo. Mà các nghiệp đoạn lao động vốn là thành phần chủ lực và trung thành lâu đời với đảng Dân Chủ. Đó là lý do vì sao mà bà nghị sĩ Elizabeth Warren đã cực lực chống đối, và ứng cử viên Bernie Sanders cũng cho rằng bản hiệp ước này là một chiến thắng của Wall Street và những đại công ty tư bản khác. Ngay cả bà Hillary Clinton mới đây cũng bày tỏ sự không đồng ý của mình với những điều khoản hiện có của bản hiệp ước này, một sự chống đối rõ rệt nhất với chính quyền Obama. (Điều trớ trêu là trong việc thảo luận về hiệp ước tự do mậu dịch này, ông Obama đã gặp sự chống đối của đa số các vị dân cử phe Dân Chủ, nhưng lại được sự hỗ trợ của đa số các vị dân cử phe Cộng Hoà, do bởi khuynh hướng chung của đảng Cộng Hoà thường là thuận lợi nhiều hơn với các đại công ty hơn là với quần chúng nói chung).

Hiệp ước TPP thường được mô tả như là một thoả thuận về mậu dịch, và đương nhiên nó bao gồm nhiều điều khoản quan trọng liên quan đến việc trao đổi mậu dịch giữa các quốc gia, chẳng hạn như việc nới lỏng các hàng rào thuế quan cho việc xuất, nhập cảng đủ loại hàng hoá từ xe cộ cho đến nông phẩm, lúa gạo, vải vóc và nhiều thứ khác. Tuy nhiên, nó không chỉ đơn thuần là một giao ước về chuyện mậu dịch thương mại, mà còn bao gồm thêm vài chục chương khác nhau liên quan đến nhiều tiết mục đa dạng từ việc giảm bớt thuế quan cho đến việc giải quyết những tranh chấp về đầu tư của người ngoại quốc.

Việc điều đình cho bản hiệp ước này rất nhiêu khê và rắc rối vì mọi người bắt đầu nhận thức rằng nó chính là phương tiện tốt đẹp và hiệu quả nhất để tạo nên những giao kết ràng buộc các quốc gia khác nhau. Nhưng nói chung, phía Hoa Kỳ, trong đó dĩ nhiên có nhiều nhóm tài phiệt đại diện cho nhiều quyền lợi khác nhau tại Mỹ, bao giờ cũng có tiếng nói mạnh mẽ nhất, và do đó cũng đạt được nhiều yêu cầu thuận lợi nhất cho phía mình.  

Tất cả những hiệp ước mậu dịch sau này đều có điều khoản rõ rệt nói về tiến trình giải quyết những xung đột có thể xảy ra sau này, nhằm giúp các nước thành viên đều phải tuân theo những cam kết lúc ban đầu. Nếu như một quốc gia nào không chịu tuân thủ theo những điều cam kết, thì một quốc gia khác (bị thiệt thòi vì điều này) có thể nộp đơn khiếu nại lên một toà án độc lập để nhờ xét xử. Nếu như đơn khiếu nại được xử thắng, toà án xét xử này có thể định ra những mức phạt cho quốc gia đã vi phạm những điều cam kết.

Vì lẽ đó nên nhiều nhóm quyền lợi riêng biệt đã ý thức được sức mạnh của cơ chế một hiệp ước mậu dịch và dùng nó như là một công cụ để áp dụng những cam kết trên các hồ sơ nhiều khi chẳng liên quan gì đến chuyện mậu dịch. Và trong đó vấn đề này, phía các nhà thương thuyết của Hoa Kỳ cũng thường có sức mạnh nhiều hơn trong việc điều đình để giải quyết những xung đột hay tranh chấp đi theo chiều hướng thuận lợi hơn cho phía Mỹ.

Chẳng hạn như dưới áp lực của kỹ nghệ giải trí tại Hollywood và những người chủ trương bảo vệ bản quyền (copyrights) tại Hoa Kỳ, các phái đoàn thương thuyết của Mỹ bao giờ cũng thúc giục các phái đoàn thuộc các nước khác là hãy chấp nhận những tiêu chuẩn về luật bản quyền tương tự như tại Hoa Kỳ: đó là nó sẽ kéo dài suốt tuổi thọ của tác giả và cộng thêm 70 năm. Nếu điều này được chấp nhận, thì tại các quốc gia khác mà luật bản quyền chỉ quy định số tuổi thọ của tác giả cộng với 50 năm sau đó, người dân tại đây phải chờ đợi thêm 2 thập niên nữa mới có thể được sử dụng miễn phí những tác phẩm nổi tiếng tuy đã xuất hiện từ lâu trước quần chúng.

Một thí dụ khác về ảnh hưởng của phía Hoa Kỳ là quy định của bản hiệp ước cho phép những nhà đầu tư tư nhân có quyền kháng cáo các chính sách của nhà nước mỗi khi có tranh chấp mà họ nghĩ là phần thiệt thòi nhiều về phía họ. Điều này sẽ khiến cho những chính phủ độc tài (như Việt Cộng) cũng sẽ gặp khó khăn và nhức đầu trong tương lai vì không thể tự tung tự tác đưa ra những chính sách để bắt ép các giới đầu tư ngoại quốc phải tuân theo mỗi khi có tranh chấp. Nhưng nó cũng gặp sự chống đối từ nhiều chính khách Mỹ như nghị sĩ Elizabeth Warren vì cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến chủ quyền tự quyết của Hoa Kỳ (chẳng hạn như một đại tỷ phú nào đó có thể dùng tiền và ảnh hưởng để nhằm làm thay đổi chính sách của nước Mỹ).

Ngoài ra, các tổ chức nghiệp đoàn hoặc tranh đấu bảo vệ môi sinh cũng áp lực chính quyền Obama phải đưa vào hiệp ước tự do mậu dịch này những điều khoản nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và môi sinh để tránh cảnh bất công tại những nước kém phát triển (như Việt Nam) trả lương rẻ cho nhân công khiến cho hàng hoá được sản xuất với giá rẻ, tạo nên một tình trạng cạnh tranh không công bằng cho hàng hoá sản xuất tại Hoa Kỳ. Trong đường dài, bản hiệp ước TPP có thể sẽ khiến cho nhà cầm quyền Việt Cộng khó lòng tiếp tục áp dụng các chính sách bóc lột nhân công, cũng như sử dụng các tài nguyên trong nước một cách bừa bãi, vô trách nhiệm.

Đối với Việt Nam, nhiều người cho là bản hiệp ước này có thể đem lại nhiều lợi ích nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Chẳng hạn như mức xuất cảng của Việt Nam có thể sẽ được tăng thêm 68 tỷ Mỹ kim vào năm 2025. 

Việc các các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, không còn tính thuế nhập cảng cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra sự kích thích mạnh, chẳng hạn như với ngành dệt may. Ngoài ra, với quy mô xuất cảng khá lớn, Việt Nam có thể sẽ thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác như dệt, nhuộm, và sản xuất nguyên liệu. Một số các đại công ty trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến nơi đây trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong tiến trình sản xuất của họ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi đó, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Hội nhập vào thị trường quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế luôn đi kèm với những rủi ro và thách thức, tuy rằng những bất trắc này có thể kiểm soát được nếu như có sự thống nhất về nhận thức rủi ro và hành động để phòng ngừa những rủi ro.

Để thực thi cam kết những điều khoản của hiệp ước TPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi hay điều chỉnh  một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Về sinh hoạt xã hội, TPP có thể làm một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn và công nhân thất nghiệp trong lúc ban đầu, khi mà những ngành này có thể không cạnh tranh nổi với các quốc gia khác.

Đề tài về hiệp ước TPP này còn nhiều điều cần phải tìm hiểu để thảo luận cho thấu đáo, nên phải xin hẹn sẽ tiếp tục trong những bài viết lần tới.

Mai Loan12 tháng 10, 2015

+++++++++++++++++++++++++++++++++

TỰ DO MẬU DỊCH TPP: KINH TẾ VN BỊ TÊ LIỆT VÌ HÀNG NGOẠI

Ts Nguyễn Phúc Liên

Bài Nhận định theo dòng Thời sự tuần này vẫn ở phạm vi chủ đề TPP, nhưng chúng tôi đi vào những tính toán tỉ mỉ hơn để cho thấy TPP phải đòi buộc CSVN: (i) “cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh” và (ii) “thay đổi về thể chế chính trị” (Theo Bloomberg). Đây cũng là những đòi hỏi mà chính Ông Zoellik, Chủ tịch Ngân Hàng Thế giới, và Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã đến tận Bắc Kinh họp báo để yêu cầu Trung quốc phải thực hiện nếu không muốn sự sụp đổ Kinh tế của mình.

Với Bài này, chúng tôi xin đề cập đến những khía cạnh sau đây:

 =>     Phân chia Quốc tế về Sản xuất 

=>     Những Chủ trương về Thương mại quốc tế

=>     Đặc biệt: lãnh vực nông nghiệp VN bị thiệt hại nhất

=>     Tổng quát: Kinh tế quốc dân VN bị tê liệt do việc tự do lan tràn hàng nước ngoài

Phân chia Quốc tế về Sản xuất

Không có hàng sản xuất ra, không có dịch vụ cung cấp thì trao đổi cái gì trong Thương mại ! Sản xuất hàng hóa và dịch vụ phải đi trước Thương mại. Việc sản xuất đòi hỏi hai yếu tố chính, đó là Nguyên vật liệu và Nhân lực. Người ta nói đến Vốn (Capital). Thực ra Vốn là để mua Nguyên vật liệu và trả lương cho Nhân lực. Như vậy, nguồn Vốn đầu tiên của một Quốc gia là Nguyên vật liệu chất chứa trên Lãnh thổ, Lãnh hải của nước đó. Cũng vậy nguồn Vốn nữa là khối Nhân lực sống trên Lãnh thổ, Lãnh hải ấy. Hãy khai thác và tích lũy những nguồn Vốn đó cho Quốc gia.

Sự độc lập của một Công ty Sản xuất được đo lường bằng sự độc lập Tài chánh (Vốn). Định nghĩa rõ rệt của một Công ty sản xuất như sau:

“Công ty Sản xuất là một Tổ chức có ĐỘC LẬP VỀ TÀI CHÁNH, giới thiệu trên Thị trường  sản phẩm của mình nhằm thu lại được Lợi Nhuận tối đa”.

Chính vì tiêu chuẩn tạo sự độc lập tài chánh này mà Công ty phải trích ra hàng năm từ Lợi Nhuận một khoản dự trữ để tích lũy thành số Vốn tự lập của Công ty.

Một Quốc gia phải biết khai thác những Dữ kiện sẵn có của mình về Nguyên vật liệu và Nhân lực làm Vốn tiên khởi để dần dần tích lũy nó thành cái Vốn riêng của Quốc gia thì mới có thễ giữ được tính ĐỘC LẬP của nền Kinh tế của mình. Nếu cứ ngồi mà chờ mong Vốn nước ngoài đến khai thác, thì đó là nền Kinh tế của người khác chứ không phải nền Kinh tế của Quốc gia mình.

Cái nguồn vốn sẵn có của Việt Nam, đó là các đồng bằng cho nông nghiệp, bờ biển trải dài hơn 2’500 cây số cho ngư nghiệp, vùng đất đỏ phì nhiêu cao nguyên Trung phần cho những cây kỹ nghệ, lớp khoáng sản dưới lòng đất tại vùng Bắc Việt và Trung Việt cho Công-Kỹ nghệ, lớp bên dưới vùng bùn đồng bằng Cửu Long có thể chứa Khí đốt theo tài liệu của hãng dầu lửa BP, những vùng Hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Thềm lục địa VN chứa Dầu lửa. Việt Nam có đủ những yếu tố đòi hỏi về Nguyên vật liệu, về Nhân lực và về Nhiên liệu để được phần công xây dựng một nền Kinh tế cao và độc lập trong Cộng đồng Quốc tế.

40 năm trôi qua cho toàn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, tà quyền CSVN đã làm cho kinh tế VN không có một chút vốn nào trong tay và tà quyền vẫn ngồi chờ Vốn đến từ nước ngoài để khai thác chính nguồn Nguyên vật liệu, nguồn Nhân lực và nguồn Nhiên liệu của mình đề biến nền Kinh tế thành của ngoại lai, chứ không phải là của Việt Nam nữa. Trong tình trạnh như vậy, làm sao Việt Nam còn có sản phẩm riêng của mình mà tham dự vào đấu trường Thương mại Quốc tế.

Những Chủ trương về Thương mại quốc tế  

Theo những Tác giả Cổ điển mà chúng tôi nêu ra ở đoạn trên về Phân chia Sản xuất Quốc tế, thì tiêu chuẩn cho một Quốc gia là nguyên tắc Sản xuất với Giá thành tối thiểu. Cái Giá thành tối thiểu này là dấu chỉ cho hiệu năng tối đa về sản xuất của nước đó.

Đặt tiêu chuẩn Phân phối Quốc tế Sản xuất, các tác giả trên luôn luôn phải đưa ra giả thiết căn bản rằng sau Sản xuất, phải có Tự do Trao đổi hàng sản phẩm giữa các nước sản xuất, nghĩa là phải có Tự do Mậu dịch trong Thương Mại Quốc tế. Chính Thương Mại Quốc tế này làm cho việc sản xuất từng nước tăng thêm hiệu quả hơn nữa.

Có ba Chủ trương về Trao đổi Hàng hóa và Dịch vụ giữa các Quốc gia, được gọi là những Chính sách Thương mại (Politiques Commerciales): (1) Chính sách Tự do Mậu dịch (Libre Echange); (2) Chính sách Bảo hộ Mậu dịch (Protectionnisme Commercial); (3) Chính sách Tự Túc (Autarcie). Mỗi Chính sách đặt ra một hàng rào Quan thuế, nghĩa là những Giá biểu quan thuế (Tarifs douaniers) cho những Hàng hóa trao đổi qua biên giới giữa các nước. Xin đừng vội phẩm bình giá trị của mỗi Chính sách thương mại tách rời khỏi tình trạng sản xuất của một Quốc gia.
Thực vậy mỗi Quốc gia, tùy theo tình trạng sản xuất của mình, mà lựa chọn một Chính sách Mậu dịch đối với những nước khác.

(1) Chính sách Tự do Mậu dịch (Libre Echange)

Tự do Mậu dịch nghĩa là các nước đứng chung trong Cộng đồng thương lương với nhau để hạ thấp hay bãi bỏ hàng rào Quan thuế (Tarifs douaniers) đối với nhau. Tự do Mậu dịch gọi là lý tưởng khi mà những nước trong Cộng đồng cùng có sức mạnh sản xuất tương đối ngang nhau (Forces économiques relativement égales). Tỉ dụ giữa những nước đã Kỹ nghệ hóa như Hoa kỳ, Anh, Pháp, Đức... thương lương Tự do Mậu dịch với nhau. Những nước trong khối bắt đầu phát triển (Pays émergents) như Ấn Độ, Trung quốc, Ba Tây... thương lượng Tự do Mậu dịch với nhau. Nhưng nếu Hoa kỳ, Nhật... thương lượng Tự do Mậu dịch với Campuchia, Lào, Việt Nam... thì đó không phải là Tự do Mậu dịch lý tưởng. Sự chênh lệch về khả năng sản xuất khiến những nước mạnh đè bẹp những nước yếu. Những nước yếu bị tê liệt sản xuất càng ngày càng trầm trọng cho dù luôn luôn cố gắng vươn lên.

(2) Chính sách Bảo hộ Mậu dịch (Protectionnisme Commercial)

Đây là trường hợp trong một Cộng đồng có những nước đã mạnh hẳn về sản xuất, nhưng cũng có những nước còn yếu về một số ngành nghiệp mà họ đang muốn gầy dựng nhất là trong phạm vi Kỹ nghệ. Những nước còn yếu này có quyền và phải chủ trương Bảo hộ Mậu dịch, nhất là cho những Kỹ nghệ đang phát sinh (Protectionnisme des Industries naissantes).

Vào đầu Thế kỷ XX, lúc ấy nhờ cuộc Cách Mạng Kỹ nghệ mà Anh quốc trở thành một Quốc gia kỹ nghệ hóa hàng đầu Thế giới, trong khi đó Hoa kỳ và nước Đức mới là những nước bắt đầu phát triển. Anh quốc chủ trương Tự do Mậu dịch (Libre Echange), nhưng Hoa kỳ và Đức quốc, với Frederic List, đã nhất định giữ chủ trương Bảo hộ Mậu dịch (Protectionnisme Commercial) nhất là Bảo hộ những Kỹ nghệ đang phát sinh tại hai nước này (Protectionnisme des Industries naissantes)

 (3) Chính sách Tự Túc (Autarcie)

Đây là chủ trương đóng hàng rào quan thuế của những nước còn hoàn toàn yếu kém về sản xuất cho một số những hàng hóa được coi như xa xỉ phẩm quyến rũ việc chi tiêu hoang phí cho một số người theo thời ham hàng ngoại và cho những thành phần mới giầu lên. Nhà nước có thể cấm hẳn nhập cảng hay hạn định quotas nhập cảng một số những hàng xa xỉ phẩm nhằm tạo điều kiện cho những hàng hóa ấy được sản xuất tại quốc nội. Đây là biện pháp bắt ép người dân phải tiêu thụ hàng nội hóa thay vì hàng ngoại. Như vậy những Công ty quốc nội mới có thể sản xuất và kiện toàn những hàng hóa đó được. Chủ trương này thường áp dụng cho những hàng như đồ trang sức, đồ trang điểm hay quần áo theo thời trang của phái nữ.

Tóm lại, không thể khẳng định Chính sách Mậu dịch này hay hơn Chính sác kia. Việc áp dụng một Chính sách tùy thuộc tình trạng Sản xuất của đất nước, tùy thuộc khả năng tiêu thụ hữu lý của dân trong nước.

Đặc biệt: lãnh vực nông nghiệp VN bị thiệt hại nhất

 Qua những gì trình bầy ở nội dung của hai phần trên đây về Phân phối Quốc tế Sản xuất và về 3 Chính sách Mậu, chúng ta cũng đã rút ra được một ít nhận định tổng quát về Hiệp định Tự do Mậu dịch TPP như sau:

 =>     Hiệp Hội gồm những nước có khả năng Sản xuất hoàn toàn chênh lệch với nhau. Hoa kỳ có khả năng sản xuất đứng đầu Thế giới, trong khi đó khả năng sản xuất của Viêt Nam ở mức độ không có gì. Theo nguyên tắc, Tự do Mậu dịch giữa những nước quá chênh lệch nhau về khả năng sản xuất là điều ít ai ước muốn. Những nước mạnh được coi như là những nước đi kiếm Thị trướng tiêu thụ cho hàng hóa và dịch vụ của họ.

 =>     Chính lẽ những nước yếu kém về khả năng sản xuất phải áp dụng Chính sách Tự túc (Autarcie) để nâng đỡ hàng nội hóa và Chính sách Bảo hộ những Kỹ nghệ đang phát sinh (Protectionnisme des Industries naissantes) để tiến tới Kỹ nghệ hóa đất nước, thì lại đi liều mình phá bỏ hàng rào quan thuế cho Tự do Mậu dịch để nhập cảng thả cửa hàng ngoại vào làm tê liệt Kinh tế của nước mình.

Trên đây là những nhận định tổng quát. Chúng tôi muốn đưa ra trường hợp cụ thể là Nông nghiệp Việt Nam bị thiệt hại như thế nào. Truyền thông và nhà nước CSVN đã hồ hởi cho rằng Nông nghiệp Việt Nam sẽ hưởng nhiêu lợi ích nhất từ TPP. Ngược lại, theo nhận định của Bloomberg qua những phân tích tầm ảnh hưởng của TPP cho Kinh tế Việt Nam, thì chính là Lãnh vực Nông nghiệp, Chăn nuôi của Việt Nam bị tai hại nhất.

Bloomberg đặt câu hỏi: Nhưng lãnh vực nào của Việt Nam dễ bị tổn thương do TPP ? Câu trả lời của chính Bloomberg nguyên văn như sau:

“Ngành Nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là ngành chăn nuôi gia súc, sẽ phải rất chật vật cạnh tranh với các công ty nước ngoài có quy mô lớn và hiệu quả hoạt động cao”.

 Ngoài lãnh vực Nông nghiệp bi thịệt hại nhất, Bloomberg còn nhận định như sau về một số lãnh vực khác:

Việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm dược từ mức khoảng 2,5% hiện nay cũng sẽ dẫn tới mức độ cạnh tranh gay gắt hơn giữa thuốc nội với thuốc ngoại nhập.”

 “Ngoài ra, TPP sẽ tăng cường bảo vệ bằng sáng chế, khiến các công ty Việt Nam khó tiếp cận với sản phẩm mới hơn trước và cũng khó sản xuất thuốc mới hơn trước.”

 Truyền thông nhà nước CSVN ca tụng việc tăng trưởng của các ngành nghiệp may mặc và da dầy, nhưng đã cố tình không nhắc cho dân chúng biết rằng đây là những ngành nghiệp thuộc chủ là những Công ty nước ngoài. Việc tăng về số lượng xuất cảng thuộc quyền sở hữu của nước ngoài và người lao động Việt Nam vẫn nhận đồng lương cố định, thậm chí còn xuống thấp hơn vì việc phá giá đồng tiền Việt Nam nhanh hơn việc tăng lương

Về các ngành công nghiệp khác, thì Việt Nam chẳng có gì. Một số công việc ráp nối công nghệ thì cũng thuộc về chủ nước ngoài.

 Tổng quát: Kinh tế quốc dân VN bị tê liệt do việc tự do lan tràn hàng nước ngoài

Theo tiêu chuẩn Phân công Sản xuất Quốc tế mà các Kinh tế gia từ thời Adam Smith, David Ricardo, Stuart Mill đã thyết minh, thì Việt Nam phải bắt đầu phát triển Kinh tế bằng Nông nghiệp. Việt Nam hội đủ những dữ kiện Nguyên vật liêu  và Nhân lực ưu vượt để thực hiện tiêu chuẩn tối thiểu chi tiêu sản xuất và do đó tối đa hiêu năng sản xuất. Nhưng rất tiếc nhà nước CSVN đã lãng quên lãnh vực này mà mình có đủ những dữ kiện thuận lợi sản xuất.

Trái lại, nhà nước độc tài độc đảng toàn trị CSVN đã chỉ chạy theo những lãnh vực công nghệ dễ dàng tham nhũng và lãng phí, đồng thời dùng quyền lực độc tài để cướp đất đai bán mặt bằng cho nước ngoài và ép nhân lực Việt Nam làm thuê với đồng lương rẻ mạt cho những công ty liên quốc gia. Ngày nay, vào TPP, Việt Nam không có một khả năng sản xuất công nghệ nào khả dĩ lên đấu trường cạnh tranh quốc tế.

 Không có khả năng sản xuất để lên ấu trường cạnh tranh, Việt Nam, với Hiệp Hội Tự do Mậu dịch cùng với những quốc gia hàng đầu sản xuất như Hoa kỳ, Nhật, Úc châu, Canada, Sigapore, còn lại mở toang hàng rào quan thuế cho hàng hóa và dịch vụ của những cường quốc sản xuất ấy tràn vào. Hậu quả là nền Kinh tế quốc dân Việt Nam bị tê liệt với việc tràn lan hàng ngoại từ những cường quốc sản xuất đó!

Ts Nguyễn Phúc Liên