Khương Hữu Điểu: “Hãy treo cờ trắng lên để đầu hàng" / Nguyễn Quang Duy phê Ls Đài "hoàn toàn tin Mỹ"

18 Tháng Năm 201512:11 SA(Xem: 16174)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 18 MAY 2015
Khương Hữu Điểu: “Hãy treo cờ trắng lên để đầu hàng" / Nguyễn Quang Duy phê Ls Đài "hoàn toàn tin Mỹ"
blank
Special to the Mercury News
By Dieu Khuonghuu

KISSINGER HIỂM ÁC - KẺ THÙ SỐ MỘT CỦA VIỆT NAM CONG HOA

Khương Hữu Điểu

04/29/2015
 
BỐN MƯƠI NĂM QUA
Nhớ lại ngày 30 tháng tư năm 1975
 
Trong lúc hoàn tất chương 17, tôi sực nhớ chỉ còn vài ngày nữa là tới lễ tưởng niệm thứ 40 ngày quân đội cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam chúng ta. Ý thức được điều đó, tôi quyết định viết thêm phần phụ chú nầy cho chương 17, như là một lễ cầu siêu cho quê hương yêu dấu của chúng ta.

Ngày 30 tháng tư năm 2015 đánh dấu lần thứ 40 ngày Sài gòn rơi vào tay quân đội cộng sản miền Bắc khi chiến xa T-54 của họ ủi xập cánh cửa sắt để tiến vào bên trong dinh Độc Lập. Sau ngày đó, thành phố Sài gòn đẹp đẽ trong suốt 300 năm qua đã bị đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Một sự nhái lại y chang và có phần muốn vượt trội hơn cả trường hợp của Leningrad hay Stalingrad nữa. Điều đáng buồn hơn cả là toàn cõi đất nước ta từ Nam chí Bắc đã rơi vào ách thống trị của cộng sản, với tên gọi mới là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bây giờ, điều hiển nhiên là biến cố miền Nam sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975 chỉ là hậu quả tất yếu của Hiệp định Ba Lê ký ngày 27 tháng 1 năm 1973 và được coi như là một “kiệt tác” về ngoại giao của tiến sĩ Henry Kissinger, lúc đó làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cho Tổng thống Richard Nixon.

Thực ra trước ngày Hiệp định Ba Lê được ký kết rất lâu, Henry Kissinger đã quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam cũng được coi Tiền Đồn của Thế Giới Tự Do từ giữa thập niên 1950. Những tài liệu giải mật cho thấy trong buổi họp mặt với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông vào tháng 2 năm 1972, Henry Kissinger đã công khai nói cho giới lãnh đạo cao cấp Trung Cộng biết rằng nếu Hoa Kỳ có thể chấp nhận sống với một nước cộng sản rộng lớn như Tàu thì Hoa Kỳ cũng có thể chấp nhận sống với một nước cộng sản nhỏ bé như Việt Nam.

Henry Kissinger đã không phải chờ đợi lâu để thực hiện dự tính của mình. Chưa đầy một năm sau, dựa vào Hiệp ước ngày 27 tháng 1 năm 1973, hắn đã dọn đường để miền Nam Việt Nam phải sống dưới sự thống trị của cộng sản. Theo Hiệp định Ba Lê, điều khoản căn bản, cụ thể và hệ trọng nhứt là Hoa Kỳ cam kết chấm dứt sự can thiệp của họ vào chiến tranh Việt Nam và hoàn toàn cắt đứt viện trợ quân sự có quyết định sanh tử cho miền Nam Việt Nam.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của miền Nam Việt Nam không phải là một chuyên gia chánh trị có tầm mức như tiến sĩ Kissinger nhưng ông có thể thấy ngay hậu quả tai hại Hiệp định Ba Lê sẽ đè nặng xuống miền Nam Việt Nam. Ông cực lực từ chối không chịu cho chánh phủ của mình ký tên vào Hiệp ước. Sự cứng rắn của Tổng thống Thiệu trong việc đòi hỏi nhiều thay đổi quan trọng trong Hiệp ước kéo dài trong ba tháng nhưng không đem lại nhiều kết quả.

Vào giữa tháng 1 năm 1973, Henry Kissinger thuyết phục Tổng thống Nixon gửi một loạt thơ tới Tổng thống Thiệu cho biết chánh phủ Mỹ sẽ ký Hiệp định Ba Lê vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 dù chánh phủ Sài gòn có đồng ý hay không. Ngụ ý những lá thơ cho biết Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi chánh phủ Sài gòn và rút ra khỏi Việt Nam. Tổng thống Thiệu không còn chọn lựa nào khác ngoài sự chấp nhận Hiệp định Ba Lê nhưng với sự “cam kết trên giấy trắng mực đen” là Tổng thống Nixon sẽ áp dụng những biện pháp quân sự mạnh và những thư cam kết đó chỉ là “bánh vẽ” như lịch sử sau nầy đã cho thấy …

Nhờ Hiệp định Ba Lê ngày 27 tháng 1 năm 1973, Bộ Chính Trị cộng sản Hà nội biết chắc nước Mỹ sẽ không còn can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam hay tiếp tục viện trợ quân sự cho miền Nam nữa. Ngược lại, trong khoảng thời gian đó, Hà nội nhận quân viện từ Liên Bang Sô Viết ở mức bốn lần cao hơn so với số quân viện họ nhận được vào thời điểm can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đạt mức cao điểm của nó.

Sau hai năm ráo riết chuẩn bị, Hà nội khởi sự “Chiến dịch Hồ Chí Minh” vào tháng 3 năm 1975. Họ tràn qua Vùng Phi Quân Sự ở vĩ tuyến 17 gần như toàn thể quân số của họ khoảng15 sư đoàn. Lúc đó quân đội miền Nam chỉ còn lại những viên đạn và thùng xăng cuối cùng để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Cuộc tổng tấn công của miền Bắc vào miền Nam chỉ kéo dài không quá 55 ngày và quân đội miền Nam không thể chống trả gì nhiều được vì thiếu đạn dược.  Lịch sử có ghi lại những điều đã xảy ra sau ngày Sài gòn thất thủ. Hơn một triệu quân nhân và công chức của chánh phủ miền Nam đã bị rơi vào cảnh tù tội mà không được xét xử chi hết. Một số người bị tù đày 5 năm, một số khác 10 năm và có những người trên 20 năm. Đương nhiên còn cả hàng chục ngàn người đã chết trong trại lao động khổ sai nữa. Tài sản của gia đình họ bị tịch thâu và những người nầy đã bị đuổi ra khỏi nhà rồi đưa lên “vùng kinh tế mới” để sống trong cảnh bần cùng. Con cháu họ bị cấm không được đi học. Quyền tư hữu bị tước đoạt và nhà nước trở thành “chủ nhân ông” độc nhứt!

Ròng rã 40 năm qua, dân tộc Việt đã bị ép buộc sống dưới sự thống trị của người cộng sản. Việt Nam ngày nay với trên 90 triệu người đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng ngược lại vẫn còn là một trong những nước nghèo khổ nhứt. Thể chế cai trị lại đầy áp bức với những vi phạm nhân quyền trắng trợn, tham nhũng lan tràn và lạm dụng quyền thế khủng khiếp thường thấy trong một chế độ độc tài.

Trong 40 năm qua, nhiều người Việt đã bị ám ảnh bởi câu hỏi như sau: có cách nào để tiến sĩ  Henry Kissinger và cường quốc Hoa Kỳ ngăn cản quân đội Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam để tránh cảnh họ áp đặt guồng máy cai trị cộng sản trên toàn cõi nước Việt vào năm 1975 không?

Trong năm 2015 nầy, chúng ta tưởng nhớ ngày Sài gòn thất thủ và không thể quên vai trò quan trọng của tiến sĩ Henry Kissinger trong biến cố lịch sử bi đát của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, ở tuổi 92, Henry Kissinger còn năng động trên chính trường và ngoại giao quốc tế đặc biệt là trong lãnh vực liên quan tới Trung Quốc. Chỉ tháng trước, trong một chuyến thăm viếng Bắc Kinh thật trịnh trọng, ông đã được lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình cho trải thảm đỏ nghênh đón nhằm nhắc nhở mọi người rằng Henry Kissinger đã luôn luôn là một người bạn cực tốt của Trung Quốc kể từ khi ông ta gặp Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông vào tháng 2 năm 1972.

Một điều rõ ràng cả thế giới có thể tin được là ngày nào lãnh đạo Bắc Kinh còn ca tụng Henry Kissinger thì “Trật Tự Thế Giới” mà ông ta ca tụng trong cuốn sách ông ta mới cho phát hành sẽ rất thuận lợi cho Trung Quốc.

Trước một Trung Quốc được coi là một trong những cường quốc dẫn đầu về kinh tế và quân sự, Henry Kissinger mạnh dạn chủ trương rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên trở thành Đôi Bạn Thân Thiết Muôn Đời. Henry Kissinger có thể sẽ trở thành nhân vật đầu tiên lãnh tới hai giải Nobel Hòa Bình. Lần nầy vì đã đem hòa bình tới cho cả thế giới chứ không phải chỉ cho Việt Nam như giải Nobel Hòa Bình trong năm 1973! Cũng cần nhắc lại là người được trao giải Nobel Hòa Bình đồng thời với Kissinger là Lê Đức Thọ đã từ chối không lãnh giải vì Hiệp định Ba Lê thực sự là một thắng lợi đối với Hà nội và phe cộng sản.

Phương thức Henry Kissinger dùng để chấm dứt chiến tranh Việt Nam là cả một thảm kịch cho dân tộc Việt Nam và một vết nhơ trong lịch sử 200 năm của quốc gia Hoa Kỳ. Đây là thời điểm vô tiền khoáng hậu mà nước Mỹ đã không giữ trọn lời cam kết của mình và không chu toàn lời hứa bảo vệ đồng minh trước mặt kẻ thù.

Một cách ngắn gọn, khi bạn không biết làm sao nắm lấy chiến thắng cho phe mình và chặn đứng bước tiến của quân thù, thì bạn không cần phải là một vĩ nhân về chánh trị mới có thể nói với người ta rằng: "nếu mình không thắng họ được thì hãy theo họ đi.” Nói như vậy không khác chi là khuyên người ta “hãy treo cờ trắng lên để đầu hàng"... (Xem thêm bài viết khác ở mục TÀI LIỆU)

+++++++++++++++++++++++++

TRAO ĐỔI VỚI LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN ĐÀI VỀ VIỆC “ỦNG HỘ” VIỆT NAM VÀO TPP

Nguyễn Quang Duy

Trong cuộc gặp giữa, ông Tom Malinowski - Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ và đại diện của 14 tổ chức dân sự tại Hà Nội ngày 6/5/2015, ông Tom đề nghị các đại diện đặt mình trong vai trò của 535 thượng nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu bầu Việt Nam gia nhập TPP. Kết quả có 5/14 phiếu ủng hộ, 1 phiếu trắng, và 8 phiếu chống lại.

Luật sư Nguyễn Văn Đài là một trong 5 người đã bỏ phiếu ủng hộ và trên Facebook đã giải thích “Tại sao tôi “bỏ phiếu” ủng hộ Việt Nam vào TPP?”. Xin gởi đến bạn đọc để hiểu rõ quan điểm của Luật sư Đài.

Luật sư Đài cho biết quyết định ủng hộ dựa trên: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ đạt những thỏa thuận tốt nhất về nhân quyền cho Nhân dân Việt Nam.”

Trong phần kết luận Luật sư nhấn mạnh: “Tôi “bỏ phiếu” để Việt Nam vào TPP bởi tôi tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để dành được kết quả tốt nhất trong việc đối thoại nhân quyền với Việt nam.”

Trong khi chính Quốc Hội và dân chúng Hoa Kỳ còn đang chất vấn để Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ có thể làm việc tốt hơn, thì sự “tin tưởng” hay “hoàn toàn tin tưởng” cho thấy Luật sư Đài đã quá lý tưởng nếu không nói là quá xa rời thực tế.

Cụ thể là Thượng viện Hoa Kỳ hôm 12-5 vừa bỏ phiếu chống lại việc thảo luận dự luật đàm phán nhanh (TPA), không cho phép Tổng thống Barack Obama và hành pháp thảo luận đàm phán TPP nhanh gọn. Thượng viện đòi hỏi phải kiểm soát và xem xét từng chút một trong tiến trình đàm phán này.

Nhưng đến ngày hôm sau Thượng viện lại cho thông qua điều đó chứng tỏ họ vẫn còn phân vân và chưa “hoàn toàn tin tưởng” vào hành pháp.

Khi trao đổi trên Facebook với Luật sư Đài, tôi được hỏi: “Chúng ta đi nhờ vả họ mà không tin họ thì chúng ta nhờ họ làm gì phải không anh Nguyễn Quang Duy?”

Căn bản của đối thoại dân chủ là tìm hiểu, chất vấn trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Có tin nhau mới đối thoại với nhau, nhưng hoàn toàn tin tưởng để đi đến những quyết định quan trọng là vấn đề cần xét lại.

Còn suy nghĩ “nhờ vả” là suy nghĩ không ổn.

Thứ nhất, ông Tom đến với các tổ chức dân sự Việt Nam, vì Hoa Kỳ là một quốc gia đã ký các hiệp ước quốc tế về nhân quyền, Hoa Kỳ có bổn phận phải thúc đẩy các chính thể vi phạm nhân quyền, như Việt Nam, thực thi các hiệp ước quốc tế mà họ đã ký.

Thứ đến ông Tom làm việc này nhằm thực hiện một thủ tục hành chính bảo đảm với dân chúng Hoa kỳ quyền lợi của họ không bị thiệt thòi.
Lấy thí dụ, Việt Nam cần có công đoàn tự do để giới hạn việc các công ty hay nhà cầm quyền cộng sản bóc lột sức lao động của người Việt, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng xuất cảng Việt Nam, vì thế sẽ thiệt hại đến quyền lợi của giới lao động Hoa Kỳ.
Và ông Tom đối thoại với các tổ chức dân sự vì đa số công dân Mỹ gốc Việt muốn nhà cầm quyền cộng sản phải thực thi nhân quyền, phải hoạt động trong vòng luật pháp và phải tôn trọng luật chơi quốc tế.

Không phải tự nhiên, Tổng Thống Obama nêu đích danh “Không đáp ứng TPP, Việt Nam sẽ bị loại!!!”. Câu tuyên bố của ông là kết quả của việc cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ liên tục lên án cộng sản vi phạm nhân quyền.

Chúng ta cần thoát khỏi suy nghĩ nhờ vả, xin cho, chúng ta cần vận động chính giới Tây Phương trong tinh thần đôi bên cùng có lợi. Vì thế, cần nhận định rõ ràng tại sao họ đến với chúng ta, họ cần gì ở chúng ta và họ mang lại cho chúng ta điều gì.

Luật sư Nguyễn Văn Đài chia sẻ: “Về nguyên tắc: Việc đấu tranh nhân quyền hay dân chủ phải do chính Nhân dân trong nước quyết định. Việc áp lực từ bên (ngoài) có mạnh hay hiệu quả bao nhiêu thì cũng phải tùy thuộc vào sức mạnh nội lực. Trong khi nội lực mà yếu, bên ngoài tác động mạnh thì chẳng có giá trị gì. Những nếu nội lực mạnh, thì đôi khi cũng chẳng cần áp lực bên ngoài. Em là người làm việc với các cơ quan ngoại giao Mỹ, Anh, Pháp, Úc, EU, Canada, Thụy điển, Thụy sĩ,.... gần 15 năm. Em hiểu những gì họ có thể làm được.”

Cố Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần văn Lắm khi được hỏi: sau bao năm làm việc trong ngành ngoại giao ông có gì để truyền lại cho thế hệ nối tiếp?, ông Lắm cho biết người làm ngoại giao không nói “KHÔNG” mà cũng không nói “CÓ”, làm ngoại giao là thương lượng nhằm đạt được tối đa trong hoàn cảnh và khả năng cho phép.

Với kinh nghiệm ngoại giao gần 15 năm của Luật sư Nguyễn Văn Đài quyết định bỏ phiếu “ủng hộ” Việt Nam vào TPP, dường đã đi ngược với nguyên tắc ngoại giao mà ông Lắm nêu ra.

Luật sư Đài nhận định “nội lực” của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam còn rất yếu. Theo tôi, chính vì nội lực còn yếu nên những người đại diện cần phải hết sức cân nhắc đưa quyết định khi vấn đề còn trong vòng tranh luận.

Nếu tôi là một trong các đại diện, khi ông Tom Malinowski đề nghị “bỏ phiếu bầu” tôi đã tránh “trò chơi” lợi thì ít mà hại thì nhiều này bằng bốn cách:

Tôi đề nghị ông Tom không nên đưa ra trò chơi vì vai trò của các đại diện chỉ là cập nhật tình hình, đưa ra quan điểm còn việc quyết định là của những người làm chính sách Hoa Kỳ;

Tôi cho ông Tom biết đây là một quyết định quan trọng tôi cần tham khảo ý kiến các thành viên trong tổ chức;

Tôi đề nghị ông Tom cho chúng tôi những người đại diện được thảo luận để lấy ý kiến chung; và

Nếu các ý kiến trên không được chấp nhận tôi sẽ rời phòng họp để không tham dự trò chơi. Cách này thường được những chính trị gia Tây Phương sử dụng nhằm tránh mâu thuẫn trong quyết định chính trị.

Cách nay đúng 1 năm, ngày 14-5-2014, nhân bà Trần Ngọc Minh mẹ cô Đỗ Thị Minh Hạnh sang Úc vận động nhân quyền, chúng tôi đã tổ chức 1 cuộc Hội Thảo “Về Lao Động và Xã Hội Dân Sự Tại Việt Nam”. Có tất cả 14 dân biểu và nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền - Tự Do, đảng đối lập - Lao Động và đảng Xanh tham dự.

Chúng tôi cập nhật tình hình nhân quyền, cung cấp thông tin, đưa ra nhân chứng bà Trần Ngọc Minh.

Chúng tôi cũng đưa ra quan điểm là nhà cầm quyền Cộng sản phải tôn trọng nhân quyền, phải thi hành hiến pháp và luật pháp quốc gia và phải tuân thủ luật chơi quốc tế.

Chúng cung cấp tin tức và ý kiến với mục đích rõ ràng là giúp các dân biểu nghị sỹ Úc có đầy đủ thông tin về nhân quyền Việt Nam.

Tóm lại, theo tôi những tranh luận ủng hộ hay chống lại việc Việt Nam (nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam) tham gia vào TPP rất tốt và rất cần thiết.

Nguyên tắc cơ bản để xây dựng dân chủ là đối thoại, nhờ đó chúng ta mới hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau và có thể cùng nhau cộng tác hành động.

Cũng nhờ đối thoại chúng ta mới có khả năng chủ động đáp ứng tình hình bất kể Hoa Kỳ có chấp nhận hay không chấp nhận Việt Nam tham dự vào TPP.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
15-05-2015

Tại sao tôi “bỏ phiếu” ủng hộ Việt Nam vào TPP?”

Nguyễn Văn Đài

I/ Trước hết cần phải hiểu về bản chất và mục đích của TPP:

Chiến lược xoay trục của Mỹ về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm mục kiềm chế tham vọng bá quyền của Trung Quốc về chính trị, quân sự, kinh tế và lãnh thổ. Bởi vậy Mỹ dựa vào 2 trụ cột chính để thực hiện chính sách xoay trục:

1/ Về quân sự: Mỹ sẽ chuyển dịch 60% lực lượng và thiết bị quân sự về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh hàng hải và răn đe Trung Quốc.

2/ Về kinh tế: Mỹ và Nhật Bản xây dựng TPP cùng 10 nước thành viên với mục đích từng bước hạn chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Thuế xuất khẩu hàng hóa trong các nước TPP chỉ từ 0-5%, bởi vậy hàng hóa xuất khẩu của các nước thành viên vào Mỹ và Nhật sẽ có giá rẻ hơn hàng hóa từ Trung Quốc. Do vậy hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên khác của TPP sẽ giảm dần. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cũng vì thế mà sẽ suy yếu.

II/ Việt Nam vào TPP có lợi gì cho việc cải thiện nhân quyền và dân chủ hóa Việt Nam?

1/ Việt Nam không vào TPP miễn phí.

Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra các yêu cầu cụ thể về việc cải thiện nhân quyền, xây dựng pháp luật và nhà nước pháp quyền với phía Việt Nam. Và chỉ khi nào phía Việt Nam đáp ứng các yêu cầu căn bản của Hoa Kỳ thì khi đó việc đàm phán TPP giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mới được kết thúc đàm phán. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ đạt những thỏa thuận tốt nhất về nhân quyền cho Nhân dân Việt Nam.

2/ Việt Nam vào TPP sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hiện tại kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về cả xuất và nhập khẩu. Nhưng khi Việt Nam vào TPP, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng nhanh chóng, từ khoảng 20 tỷ USD hiện nay, có thể lên tới 40-70 tỷ USD trong vòng vài năm. Như vậy kinh tế Việt Nam sẽ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Lúc đó Hoa Kỳ có nhiều sức mạnh hơn trong việc thúc đầy Việt Nam cải thiện nhân quyền, cũng như cải cách dân chủ.

III/ Không có TPP, Việt Nam sẽ như thế nào?

1/ Chế độ CS sẽ không bao giờ sụp đổ vì không có TPP.

Chúng ta đều biết rằng cộng sản sinh ra từ nghèo đói, lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh. Họ đã từng chiến đấu chống lại các cường quốc trên thế giới. Họ chưa bao giờ bị khuất phục bởi nghèo đói, chiến tranh, bom đạn, áp lực từ bên ngoài.( Ví dụ điển hình là Việt Nam trong giai đoạn 1945-1975 và giai đoạn bị cấm vận 1975-1995, Bắc Hàn, Cu Ba hiện nay).

Không có TPP, cộng sản VN sẽ càng phụ thuộc vào Trung Quốc, và phụ thuộc một cách toàn diện. Ông Trương Tấn Sang trong một lần tiếp xúc cử chi tại Sài Gòn đã từng nói là Trung Quốc sẵn sàng cho VN vay 20 tỷ USD để cứu nguy kinh tế. Như vậy Trung Quốc sẽ không bao giờ để cộng sản Việt Nam sụp đổ.

2/ Không có TPP, tình trạng nhân quyền còn tồi tệ hơn.

Chắc chắn là như vậy, lúc đó cộng sản VN không có gì để mất, họ sẽ gia tăng đàn áp, thậm chí đàn áp khốc liệt hơn hiện nay. Có thể, họ hoàn toàn làm theo mệnh lệnh từ Bắc Kinh.

IV/ Kết luận:

Tôi “bỏ phiếu” để Việt Nam vào TPP bởi tôi tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để dành được kết quả tốt nhất trong việc đối thoại nhân quyền với Việt nam./
30 Tháng Năm 2016(Xem: 14035)