"30/4/ - Ngày phán xét của VN" / "Dân tộc không thể mạnh nếu cứ thù nhau"

03 Tháng Năm 20156:26 CH(Xem: 16677)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 29 APRIL 2015
'30/4 - Ngày phán xét của Việt Nam'

Hải Long Gửi tới BBC từ Hà Nội
blank
 Cha tôi sinh ra trên đất Thái. Năm ông 5 tuổi, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nội tôi bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và đem các con trở về cố quốc.

Năm 16 tuổi, như hàng triệu thanh niên miền Bắc khác, ông bỏ học, khai thêm tuổi và xin vào quân ngũ.

Ông đã may mắn khỏe mạnh và lành lặn bước qua những cuộc chiến tàn khốc nhất, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. May mắn hơn rất, rất nhiều những đồng đội của ông.

Thời của cha tôi, miền Bắc XHCN là một xã hội khép kín. Hệ thống tuyên truyền đồ sộ của Đảng Cộng sản đã rất thành công trong việc tuyên truyền, lồng ghép giữa chủ nghĩa cộng sản, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Câu nói của TS.Goebbels: "Sự thật là cái không phải sự thật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần" được áp dụng triệt để trong xã hội đó.

Mỗi tân binh, như cha tôi, được xem đi xem lại những bộ phim chiến tranh tuyên truyền về tội ác của Mỹ - Ngụy. Từng mảnh xác người chết bởi bom đạn của B52. Những ngôi nhà tan nát. Những em thơ ánh mắt ngơ ngác. Những thiếu phụ đầu chít khăn tang, khuôn mặt hốc hác. Những người mẹ già với đôi mắt sâu thăm thẳm.

Cuốn tiểu thuyết viết về những người du kích miền Nam đầy anh dũng, những gia đình miền Nam một lòng hướng về phía "Đảng" và "Bác Hồ" và những người lính Việt Nam Cộng hòa hiện lên như hiện thân của ác quỷ, ăn thịt, moi gan, uống máu, hãm hiếp dân thường... Một người miền Nam tập kết ra Bắc và viết như thế, trong một xã hội khép kín và thiếu thông tin như thế, ai mà không tin?

Những "nhà văn", "nhà thơ" con cưng của chế độ như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Anh Đức cũng đã góp phần quan trọng trong việc đưa những người trai trẻ ấy ra chiến trường, và cả triệu người đã không bao giờ quay lại.

Anh Đức nổi tiếng ở miền Bắc với tiểu thuyết "Hòn Đất".

Cuốn tiểu thuyết viết về những người du kích miền Nam đầy anh dũng, những gia đình miền Nam một lòng hướng về phía "Đảng" và "Bác Hồ" và những người lính Việt Nam Cộng hòa hiện lên như hiện thân của ác quỷ, ăn thịt, moi gan, uống máu, hãm hiếp dân thường... Một người miền Nam tập kết ra Bắc và viết như thế, trong một xã hội khép kín và thiếu thông tin như thế, ai mà không tin?

Và thế là hàng triệu thanh niên miền Bắc đã lên đường ra chiến trường. Họ đã sống, đã chiến đấu và đã chết với niềm tin sắt son rằng mình đang "giải phóng" miền Nam khỏi những kẻ ngoại bang xâm lược, như những cuộc chiến chống xâm lược suốt ngàn năm qua của dân tộc Việt.
Sau cái ngày 30/04 đó, lần đầu tiên cha tôi tiếp xúc trực tiếp với những người lính phía bên kia (những người mà sau này ông thường kể với tôi, họ cũng là người lính và họ cũng chiến đấu dũng cảm như chúng ta ở phía bên này).

Cha tôi được giao nhiệm vụ trong một trại học tập cải tạo của các viên chức và sỹ quan Việt Nam Cộng hòa.

Không như những gì mà ông được tuyên truyền, những người phía bên kia mà ông tiếp xúc đều là những người nhã nhặn, lịch sự và có trình độ văn hóa cao. Đó là lần đầu tiên, ông nhận thấy có điều gì đó không đúng.
blank
Ngược lại, cha tôi bắt đầu nhìn thấy mặt trái của những người cộng sản. Ông đã nhìn thấy những sỹ quan Bắc Việt tìm cách moi tiền từ những tù binh phía bên kia và gia đình của họ.

Ông cũng đã chứng kiến những vụ đánh đập ngược đãi với những người lính gan dạ và dũng cảm, những người có cùng dân tộc, cùng màu da, cùng ngôn ngữ nhưng không cùng lý tưởng.

Và ông thường kể với tôi điều ông ân hận nhất, một người đồng đội của ông cố tình thả cho tù nhân chạy rồi đuổi theo bắn chết. Đôi mắt của người chết vẫn ám ảnh cha tôi đến bây giờ. Người đồng đội đó của ông sau này cũng bị đột tử, và cha tôi thường nói với tôi, đó là "nhân quả".
Một sự kiện nữa cũng đã làm thay đổi những suy nghĩ của cha tôi. Đó là phía Bắc, người anh em cộng sản trở mặt. Những người bạn và cả những người đồng chí của ông bị trục xuất về Trung Quốc, đôi khi chỉ vì trót mang cái họ giống với họ của người Hoa.

Tình anh em, tình đồng chí sao mà mong manh thế? Khi cần thì anh em tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, khi không cần nữa thì lập tức thành "Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc" và sẵn sàng trút súng đạn điên cuồng vào nhau?

Sau cuộc chiến khốc liệt ở biên giới, cha tôi lặng lẽ giải ngũ, đốt hết huy chương và bằng khen, sống một cuộc sống dân sự bình thường, mặc cho những đồng đội của ông, sau khi học thêm vài ba lớp chính trị, trở thành cấp tướng, cấp tá... Ông không bao giờ muốn nhắc lại về những ký ức chiến tranh khốc liệt nữa.

Nếu ai đó hỏi cha tôi 30/04 là ngày gì? Cha tôi sẽ trả lời, đó là ngày mà ông nhận ra mình đã bị lừa dối. Ông và các đồng đội của ông là “Thế hệ bị lừa dối”.

Còn nếu ai đó hỏi ông muốn gọi 30/04 là ngày gì? Thì tôi xin phép được trả lời thay cho cha tôi, hãy gọi 30/04 là ngày phán xét.
blank
Ngày phán xét những kẻ đã đẩy dân tộc vào cuộc chiến huyết nhục tương tàn.

Ngày phán xét những lãnh đạo miền Bắc thời điểm đó, những kẻ đã trực tiếp đẩy hàng triệu thanh niên miền Bắc lên giàn hỏa thiêu, vì một thứ lý thuyết không tưởng, mơ hồ và thiếu thực tế.

Ngày phán xét cho những kẻ tự khoác lên mình chiếc áo nhà văn, nhà thơ, cổ động người ta lao vào chỗ chết, lao vào những cuộc chém giết với lòng căm thù không giới hạn.

Còn thống nhất ư? Hòa giải ư? Làm sao có thể thống nhất và hòa giải khi những kẻ thủ ác còn chưa bị trừng phạt? Lịch sử rồi sẽ phải ghi chép lại một cách công bằng và khách quan. Tội ác rồi sẽ bị trừng phạt, chỉ là sớm hay muộn!

Cuối cùng, tôi muốn thay mặt cha tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến những người lính ở phía bên kia.

Mong các bạn hiểu rằng, cha tôi và các đồng đội của ông và các bạn cũng đều chỉ là nạn nhân của cuộc chiến phi nhân này. Nói cho cùng thì tất cả chúng ta đều là những kẻ thua cuộc./

BBC 23 tháng 4 2015

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

++++++++++++++++++++++++++++++++

'Dân tộc không thể mạnh nếu cứ thù nhau'
blank
 Từ miền Nam California, ông Lê Xuân Khoa, cựu giáo sư Đại học John Hopkins, đã trao đổi với BBC một số vấn đề xung quanh cuộc chiến giữa hai miền nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30/4.

BBC: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu thì ngày 30/4 có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình lịch sử của dân tộc? Đó là ngày Chiến thắng, ngày Quốc hận, ngày Thống nhất hay ngày đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc của dân tộc không thể nào hàn gắn được?

GS Lê Xuân Khoa: Gọi là Ngày Chiến thắng hay Quốc hận là tùy theo đứng về phía thắng trận hay thua trận. Về phía thắng trận, càng ngày về sau chữ chiến thắng nó mất dần ý nghĩa đi. Ngay cả trong nội bộ phía thắng cũng thấy nó mất đi ý nghĩa. Tại vi sau khi thắng trận không bao lâu thì các lãnh đạo miền Bắc có sự bội ước với miền Nam, tức là bản chất giải phóng miền Nam. Thứ hai là họ áp dụng chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân. Có lẽ vì thế những năm sau này người ta dùng nhiều hơn từ Thống nhất.

Nhưng đối với người Việt ở hải ngoại, ngoài chữ Quốc hận thì phải có thêm một chữ ‘Ngày tìm tự do’ bởi vì đáng lẽ thống nhất lòng người mà người ta lại bỏ ra đi thì như vậy có sự chia rẽ nặng nề vấn đề dân tộc.

Chữ Quốc hận là đứng về phía cộng đồng hải ngoại. Lý tưởng mà nói hận thù cần phải xóa bỏ, cần phải quên đi. Là con người không ai muốn nuôi hận thù làm gì nhưng chữ Quốc hận đến giờ không thể bỏ được. Người ta muốn quên nhưng không bỏ được cho đến chừng nào có sự thay đổi trong nước tức là thật sự bảo vệ quyền lợi đất nước đối với Trung Quốc và đi vào con đường thật sự của dân, do dân, vì dân, thật sự dân chủ hóa đất nước. Như vậy sẽ hóa giải hận thù đi. Từ chỗ hóa giải hận thù chữ Quốc hận cũng bỏ được.

Trong tương lai hy vọng đến một ngày nào đó sẽ không còn dùng chữ Quốc hận nhưng cho đến ngày đó thì người ta còn đầy đủ lý do để dùng chữ Quốc hận.

BBC: Trong cuộc chiến, miền Bắc cho mình là chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng đất nước còn miền Nam cho rằng họ chiến đấu cho chính nghĩa tự do dân chủ của dân tộc vậy thì theo Giáo sư bên nào mới thật sự đại diện cho chính nghĩa của người Việt?

Chính nghĩa yêu nước, giải phóng đất nước của người cộng sản lúc ban đầu nó không còn nguyên như trước mà đi vào con đường cộng sản nên có sự xung đột ý thức hệ rõ ràng.Giáo sư Lê Xuân Khoa

GS Lê Xuân Khoa: Mỗi bên đều có chính nghĩa của mình. Theo tôi thì người Cộng sản cũng là người yêu nước lúc đầu khi chưa thành cộng sản. Những người đi tìm lý tưởng cộng sản đều là người yêu nước cả. Ông Hồ Chí Minh khám phá ra được Lênin viết về vấn đề giải phóng dân tộc thì cho rằng chủ nghĩa Lênin đem lại giải phóng cho dân tộc nên ông ấy reo mừng.

Cũng như những người Quốc gia chống Pháp cũng là những người yêu nước cả. Thế khi hai bên tranh thắng với nhau thì một bên thắng rồi đáng lẽ hai phe phải có sự hòa hợp như ngay sau cuộc nội chiến Mỹ thì chính nghĩa của phe thắng và chính nghĩa của phe thua cũng là một. Tôi nghĩ lỗi lầm là chủ nghĩa cộng sản quốc tế mang sứ mạng của cộng sản quốc tế đi chinh phục nhân loại nên có sự khác biệt với chính nghĩa quốc gia. Chính nghĩa yêu nước, giải phóng đất nước của người cộng sản lúc ban đầu nó không còn nguyên như trước mà đi vào con đường cộng sản nên có sự xung đột ý thức hệ rõ ràng.

BBC: Trong cuộc nội chiến giữa hai miền còn có sự tham gia của các cường quốc, ở miền Bắc là Liên Xô, Trung Quốc còn ở miền Nam là Hoa Kỳ, vậy có thể nói Việt Nam là con cờ trong tay các cường quốc hay không? Liệu lịch sử có thể nào diễn biến khác đi để Việt Nam tránh được những đau thương cho dân tộc mình?

GS Lê Xuân Khoa: Phải nhắc đến truyền thống của dân tộc mình là dân tộc tồn tại vì luôn luôn trong mấy ngàn năm phải đối phó với phương Bắc và tồn tại cho đến bây giờ mà không mất độc lập của mình là do đâu? Tức là vấn đề nhu đạo về ngoại giao, nhu đạo về quân sự. Mỗi khi chiến thắng Trung Quốc xong các vua chúa, các triều đại ngày trước đều trở sang triều cống, xin lỗi Trung Quốc như xin lỗi người đàn anh. Nghệ thuật chiến đấu cũng thế, không bao giờ thấy sự đối đầu giữa một đội quân nhỏ của Việt Nam với đội quân hùng mạnh vĩ đại của Trung Quốc mà chúng ta dùng nhu đạo tức là dùng chiến tranh du kích, dùng yếu đánh mạnh.

Cho đến gần đây nhu đạo không được áp dụng. Tình thế nó hơi khác. Ngày xưa chúng ta cùng có một nước để đối đầu. Ngày nay chúng ta bị kẹt ở giữa hai thế lực đại cường. Một bên là khối cộng sản do Liên Xô, Trung Quốc đứng đầu và một bên là khối dân chủ tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Chúng ta bị dùng trong cái chiến tranh mà tôi gọi là chiến tranh ủy nhiệm là vậy.

Chúng ta nhìn thấy rõ các vị lãnh đạo miền Bắc ít nhất cho đến bây giờ vẫn còn lúng túng giữa đi với Trung Quốc hay đi với Mỹ, đứng giữa như thế nào và tuy rằng nói đi với Mỹ để cân bằng với Trung Quốc nhưng thực tế cho thấy vẫn chọn con đường đi với Trung Quốc.Giáo sư Lê Xuân Khoa

Thế thì đứng kẹt ở thế giữa đó làm thế nào để tồn tại? Nhất định chúng ta phải nhu đạo rồi. Triết lý đó bây giờ chúng ta cứ áp dụng linh động trong vấn đề đối ngoại. Đối với cả hai bên tất nhiên chúng ta chọn con đường ở giữa tức là không lệ thuộc vào bên nào. Vấn đề này tôi nghe miền Bắc nói nhiều lần nhưng tôi thấy trên thực tế không áp dụng. Thành thử vẫn có sự thiên lệch. Ở đây chúng ta nhìn thấy rõ các vị lãnh đạo miền Bắc ít nhất cho đến bây giờ vẫn còn lúng túng giữa đi với Trung Quốc hay đi với Mỹ, đứng giữa như thế nào và tuy rằng nói đi với Mỹ để cân bằng với Trung Quốc nhưng thực tế cho thấy vẫn chọn con đường đi với Trung Quốc.

Vậy có cơ hội để cho Việt Nam thoát khỏi sự tranh chấp đó để độc lập được không? Trước khi có sự xung đột ý thức hệ, sau Đệ nhị Thế chiến, các cường quốc đã họp với nhau và đi đến con đường là xóa bỏ chế độ thuộc địa. Giá mà đi theo đường hướng đó do Mỹ đưa ra lúc đó thì nước Việt Nam không lâm vào tình trạng như ngày nay. Đó là lỗi lầm của người Pháp.

BBC: Ông có nhắc đến con đường trung đạo thì liệu ngày nay con đường trung đạo đó vẫn còn áp dụng được không nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn đang bị kẹt trong mối quan hệ với Mỹ và với Trung Quốc?

GS Lê Xuân Khoa: Tôi nghĩ rằng trung đạo lý thuyết thì đúng nhưng trên thực tế thì chưa thi hành. Tôi hy vọng Việt Nam càng nhìn thấy rõ phải thi hành con đường trung đạo.

Theo tôi Mỹ không quan tâm Việt Nam có trung đạo hay không. Họ phải hiểu cho Việt Nam có nước Trung Quốc to lớn vĩ đại ngay sát nách thì Việt Nam phải giữ thế trung đạo để tồn tại. Vả lại Mỹ có lý do để chấp nhận Việt Nam trung đạo. Thứ nhất Mỹ không có mưu đồ xâm chiếm thuộc địa, đất đai của Việt Nam bao giờ cả. Thứ hai Mỹ không như Trung Quốc phải Hán hóa dân tộc khác. Còn Trung Quốc có mưu đồ không bao giờ coi Việt Nam là mảnh đất độc lập. Họ luôn coi Việt Nam là một phần của Trung Quốc và có âm mưu Hán hóa Việt Nam. Hai vấn đề đó khiến Việt Nam phải vô cùng cảnh giác. Các nhà lãnh đạo bây giờ phải cảnh giác phải giữ được con đường trung đạo như thế. Muốn được như vậy thì phải mượn thế đồng minh cân bằng với Trung Quốc vì tự mình bây giờ thế mình yếu quá chưa đủ sức đối phó với Trung Quốc. Phải dựa vào thế của quốc tế, của Mỹ, của các nước tự do, dựa vào các nước Asean. Khi Trung Quốc thấy rằng sau lưng Việt Nam có Mỹ, thế giới tự do và cộng đồng châu Âu chẳng hạn thì Trung Quốc không thể lấn tới được nữa.

BBC: Một trong những hậu quả sau cuộc chiến là sự chia rẽ trong lòng dân tộc mà đến nay vẫn chưa thể hàn gắn được. Liệu con đường hòa giải có khả thi không và đâu là lộ trình khả dĩ nhất?

GS Lê Xuân Khoa: Lẽ dĩ nhiên không thể nào hận thù mãi mãi được. Đến một lúc nào đó thế hệ này không xong thì đến thế hệ sau. Sự hòa giải là mục tiêu tất yếu của dân tộc. Một dân tộc không thể nào mạnh, không thể nào phát triển được nếu dân tộc đó chia rẽ và căm thù lẫn nhau.

Lẽ dĩ nhiên có rất nhiều trở ngại cho đến bây giờ. Rất tiếc có biết bao cơ hội có để có thể xây dựng ý thức, quan niệm về hòa giải đã bị bỏ qua. Ai bỏ qua? Hòa giải hay không bắt đầu khởi đi từ người thắng trận chứ không phải từ người thua. Người thua không thể chìa tay xin được hòa giải mà người thắng nếu vì quyền lợi đất nước, vì tương lai lâu dài của đất nước nhất định chìa tay đón nhận người thua trận để hòa giải. Việc đó cho đến nay dù có nói ra nhưng chưa bao giờ làm cả.

Lòng người ngoài này người ta đâu có muốn tranh giành hay cướp lại chính quyền làm gì. Người ta chỉ mong rằng có một chính quyền nhận ra sai lầm của mình mở rộng vòng tay kêu gọi sự hòa giải và đối với nhân dân trong nước mở rộng các con đường, các chính sách đưa đến tự do, no ấm và hạnh phúc.Giáo sư Lê Xuân Khoa

Về sau họ lại nói nhiều về hòa hợp hơn chứ còn hòa giải muốn bỏ đi tức là chỉ muốn kéo người ta về phía mình thôi, không tôn trọng quan điểm của bên kia mà hòa giải bắt buộc là con đường hai chiều. Như thế sẽ không bao giờ có hòa giải được. Trong khi đó chính quyền đã phạm rất nhiều sai lầm, có thể nói là tội ác với dân tộc. Đáng lẽ phải sửa sai và mở vòng tay với bên ngoài thì người ta sẽ đón nhận.

Còn lộ trình khả dĩ? Bắt đầu từ phía Việt Nam, chìa tay ra trước, không phải chỉ bằng lời nói, cũng không phải kêu gọi người ta về đóng góp. Đóng góp về vật chất thì cũng là đáng kể, nhưng sự đóng góp đáng kể hơn, có giá trị hơn là đóng góp về trí tuệ. Cho đến nay các nhà lãnh đạo trong nước vẫn phàn nàn rằng sự đóng góp chất xám không có gì đáng kể. Nguồn lực trí tuệ ngoài nước rất nhiều, các anh em chuyên gia trí thức bên ngoài phải cùng phối trí với anh em trí thức trong nước để xây dựng một dân tộc hùng mạnh.

Đồng thời phải sửa đổi những sai lầm mình đã vấp phải bằng hành động chứ không phải xin lỗi gì cả để thực hiện mục tiêu một đất nước của dân, do dân, vì dân như là vẫn nói. Hãy làm chuyện đó thật đi. Lòng người ngoài này người ta đâu có muốn tranh giành hay cướp lại chính quyền làm gì. Người ta chỉ mong rằng có một chính quyền nhận ra sai lầm của mình mở rộng vòng tay kêu gọi sự hòa giải và đối với nhân dân trong nước mở rộng các con đường, các chính sách đưa đến tự do, no ấm và hạnh phúc.

Theo tôi có một bước quan trọng mà đến giờ chính quyền vẫn chưa chịu làm. Đó là hòa giải với người sống chưa được thì hòa giải với người chết trước đã. Đấy là vấn đề trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, để cho người ta tìm lại mộ và cải táng người chết trong các trại cải tạo. Làm được hai cái đó chứng tỏ nghĩa cử rất đẹp để mà hòa giải với bên ngoài, chứng tỏ thiện chí của lãnh đạo trong nước. Tôi thấy chuyện này dễ như vậy mà không xong được thì khó lòng tiến được đến chuyện hòa giải.

BBC: Nhân nói đến việc hòa giải thì Việt Nam đang đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, vậy theo ông cộng đồng người Việt tại hải ngoại có vai trò như thế nào trong việc đối phó với mưu đồ của Trung Quốc?

GS Lê Xuân Khoa: Tôi lấy ví dụ cụ thể: Trong gia đình có hai anh em sống chung với nhau. Rồi đến lúc có xung đột cãi nhau, thậm chí đánh nhau chí chóe. Trong khi mâu thuẫn như vậy thì có kẻ thù bên ngoài đang vác súng sắp sửa vào cướp trong nhà. Mối nguy chung là khi kẻ thù vào thì cả hai anh em đều là nạn nhân hết thì bây giờ phải tạm thời quên sự chống đối nhau để hợp lực lại đuổi kẻ thù đang xâm lấn nhà mình hay là cứ nhất định người này phải diệt người kia đã rồi mới quay sang chống lại kẻ thù tôi nghĩ câu trả lời ai cũng thấy rõ. Phải gạt bỏ thù riêng đi để đối phó với kẻ thù chung rồi sau đó giải quyết với nhau sau. Đấy là quan điểm của tôi. Trái lại có những người chủ trương rằng hãy tiêu diệt chế độ này đã rồi mới đánh kẻ thù thì như thế tôi cho rằng đấy là ý nghĩ của những người vì lòng thù hận – cái đó mình cũng phải hiểu người ta thù hận đến độ bất chấp kẻ thù chung như vậy nhưng tôi nghĩ đó không phải là con đường sáng suốt.

Có người nói rằng nếu sau khi chiến thắng rồi thì phe kia nó mạnh lên, nó vẫn lại cai trị. Tôi nghĩ rằng tình thế sẽ đổi khác. Khi mà đã hợp lực, đã hòa giải thật sự, đã thả những người bất đồng chính kiến ra và khi người nước ngoài đã hợp lực loại được kẻ thù Trung Quốc đi thì chúng ta rất nhẹ gánh nặng để xây dựng đất nước. Lúc đó lực lượng nhân dân, những người dân chủ trong nước sẽ có thế lực mạnh hơn để thuyết phục những nhà lãnh đạo trong nước và lãnh đạo lúc đó cũng tỉnh ngộ rồi không bị gọng kìm của Trung Quốc ép nữa thì sẽ nhìn ra con đường mình sẽ đi. Vấn đề nội bộ sẽ dễ giải quyết hơn./

BBC 28 tháng 4 2015

Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với Giáo sư Lê Xuân Khoa được thực hiện trong tháng Tư, 2015 tại Nam California.