Nguyễn Hưng Quốc & Huỳnh Ngọc Chênh viết về "nhà độc tài" Lý Quang Diệu

31 Tháng Ba 201511:25 CH(Xem: 18135)

"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 31 MAR 2015
blank
Lý Quang Diệu. Google

Ts Nguyễn Hưng Quốc: Một chính khách lớn và một người thầy xấu

Mở đầu bài viết tưởng niệm Lý Quang Diệu đăng trên báo The Washington Post, Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ, người được xem là tổng công trình sư về chính sách đối ngoại của Mỹ thời chiến tranh lạnh, nhận định: “Lý Quang Diệu là một vĩ nhân ” (Lee Kuan Yew is a great man). Cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair, cho Lý Quang Diệu là lãnh tụ sắc sảo nhất mà ông từng được gặp (the smartest leader I ever met). Tổng thống Mỹ Barack Obama cho Lý Quang Diệu là một “người khổng lồ đích thực của lịch sử”, “một hình ảnh truyền thuyết của châu Á trong thế kỷ 20 và 21”.

Những lời khen ấy xuất phát từ ba sự kiện: Thứ nhất, từ góc độ cá nhân, Lý Quang Diệu bao giờ cũng chứng tỏ là một con người thông minh và sâu sắc đủ để chinh phục sự ngưỡng mộ của những người gặp ông và trao đổi với ông. Thứ hai, với tư cách một lãnh tụ, ông đã chứng tỏ tài năng của mình trong việc biến Singapore từ một hòn đảo nhỏ, nghèo nàn và lạc hậu, một cựu thuộc địa của Anh và là một trong những địa phương khiêm tốn trong Liên bang Malaysia, trở thành một quốc gia tiên tiến và giàu có, có thu nhập trên đầu người cao hơn hẳn Malaysia và cả nước Anh. Thứ ba, với tư cách một chính khách, Lý Quang Diệu đã có những ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi thế giới. Mặc dù người ta không gắn sau tên ông chữ “ism”, kiểu chủ nghĩa Lý Quang Diệu (Lee-ism) như người ta từng làm với Reaganism hay Thatcherism, nhưng giới nghiên cứu chính trị đều đồng ý Lý Quang Diệu có một quan niệm riêng, một chiến lược riêng trong việc xây dựng và phát triển đất nước khác hẳn các chính khách khác. Chiến lược ấy được rất nhiều nhà lãnh tụ rải rác trên thế giới ngưỡng mộ và bắt chước.

Với những ảnh hưởng ấy, Lý Quang Diệu được xem là một bậc thầy có tầm quốc tế trong nửa sau thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. Tư cách bậc thầy ấy thể hiện qua hai khía cạnh chính: Một là những chính sách cụ thể mà Lý Quang Diệu sử dụng một cách hữu hiệu để xây dựng Singapore thành một cường quốc và hai là những chiến lược ông sử dụng để xây dựng bộ máy cai trị tại đất nước của ông. Ở khía cạnh thứ nhất, nói theo lời của Thủ tướng Anh David Cameron, Singapore là một trong những “câu chuyện thành công vĩ đại” (one of the great success stories) của thời hiện đại. Ở khía cạnh thứ hai, nói theo lời Tổng thống Obama, “không ít lãnh tụ thuộc thế hệ này cũng như các thế hệ trước xin những lời khuyên của ông” trong vấn đề cai trị.

Ở cả hai khía cạnh vừa nêu, bậc thầy Lý Quang Diệu để lại những di sản vừa tốt vừa xấu.

Tốt ở nhiều điểm: Ông mang lại niềm tự tin cho nhiều lãnh tụ về quá trình xây dựng đất nước của họ sau những thời gian dài chiến tranh hoặc lệ thuộc; ông khuyến khích mọi người quan tâm đến lãnh vực giáo dục cũng như chính sách chiêu hiền đãi sĩ trong quá trình hiện đại hoá đất nước; ông nêu bật lên tầm quan trọng không thể thay thế được của một nền quản trị minh bạch và hiệu quả; ông nhấn mạnh đến việc bài trừ tham nhũng; ông dạy người ta tinh thần thực tế và thực dụng, không bám víu một cách mù quáng và nô lệ vào các lý thuyết hay các thứ chủ nghĩa, đặc biệt chủ nghĩa cộng sản, v.v…

Nhưng di sản xấu của Lý Quang Diệu cũng không ít.

Thứ nhất, ông tạo nên một mô hình phát triển nguy hiểm. Trước, hầu như mọi nhà nghiên cứu đều cho dân chủ là một trong những tiền đề tiên quyết của phát triển. Sự thành công của chủ nghĩa tư bản, ở lãnh vực kinh tế cũng như chính trị, cao hơn hẳn của chủ nghĩa xã hội vốn cuối cùng bị sụp đổ vào đầu thập niên 1990, là ở chỗ: chủ nghĩa tư bản có tự do hơn. Tính chất tự do và dân chủ của chủ nghĩa tư bản không phải chỉ xuất phát từ những nguyên tắc nhân quyền chung chung mà còn xuất phát từ một thực tế: chúng khuyến khích óc sáng tạo và tinh thần cạnh tranh lành mạnh của mọi người, một nhân tố quan trọng để đất nước càng ngày càng tân tiến và thịnh vượng. Sau, với sự thành công của Singapore, người ta thấy có một khả năng lựa chọn khác: một đất nước có thể tiến bộ vượt bậc mà không cần phải dân chủ hoá. Người ta gọi đó là một nền “độc tài mềm” (soft dictatorship) hoặc “chủ nghĩa tư bản chuyên chế” (authoritarian capitalism) mà Singapore là một tấm gương tiêu biểu nhất. Điều đó giải thích tại sao lãnh tụ của rất nhiều quốc gia độc tài tìm đến với Lý Quang Diệu, xem Lý Quang Diệu như một cố vấn đáng tin cậy.

Một trong những người ấy là Đặng Tiểu Bình. Cuối thập niên 1970, sau cái chết của Mao Trạch Đông và sau khi đánh dẹp “bè lũ 4 tên”, Đặng Tiểu Bình xem Singapore như một mẫu mực ông noi theo để vừa có thể hiện đại hoá Trung Quốc vừa có thể giữ được tính chất độc tôn của đảng cộng sản như điều Lý Quang Diệu đã làm với đảng Hành Động Nhân Dân của ông. Để học bài học của Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình đã gửi hàng chục ngàn cán bộ các cấp sang Singapore học tập. Ông cũng mời Lý Quang Diệu sang thăm Trung Quốc cả hang chục lần. Ngày Lý Quang Diệu qua đời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khen ông là một “chính khách có ảnh hưởng độc nhất ở châu Á và là một nhà chiến lược kết tinh được những giá trị đông phương và một viễn kiến mang tính quốc tế”. Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu trên Trung Quốc lớn đến độ có người cho ông chính là “cha đẻ của Trung Quốc hiện đại” (“Lee Kuan Yew: The Father of Modern China?”). Ngoài Đặng Tiểu Bình và các lãnh tụ khác ở Trung Quốc, Lý Quang Diệu còn có một số người khác rất ngưỡng mộ ông và muốn noi theo gương của ông, trong số đó, đáng kể đầu tiên là Vladimir Putin, người đã tặng cho Lý Quang Diệu một huân chương danh dự để bày tỏ sự tôn kính đối với những đóng góp lớn lao của Lý Quang Diệu trên phạm vi thế giới.

Ở Georgia, Mikhail Saakashvili cũng xem Lý Quang Diệu như một thần tượng, sách của Lý Quang Diệu được dịch, in, lưu hành và đọc như những cuốn kinh thánh. Ở Ukraine, Viktor Yanukovych cũng rất sùng bái Lý Quang Diệu và xem Singapore như một mô hình để xây dựng đất nước của ông. Nói một cách vắn tắt, ở rất nhiều nơi trên thế giới, từ Trung Quốc đến Nga và một số quốc gia cựu cộng sản khác đều xem Singapore như một bài học lớn, ở đó, người ta, một mặt, có thể phát triển, mặt khác, vẫn tiếp tục duy trì một nền chính trị hà khắc, trên sự thống trị của một đảng duy nhất.

Di sản nguy hiểm thứ hai của Lý Quang Diệu là ông tạo cho người ta cái ảo tưởng là có những nền văn hoá thích hợp với dân chủ và có những nền văn hoá thì không. Nền tảng quan trọng nhất trong lý thuyết về chính trị của Lý Quang Diệu là quan niệm về các giá trị châu Á (Asian values) vốn, theo ông, khác hẳn với văn hoá Tây phương. Nếu ở Tây phương, người ta đề cao chủ nghĩa cá nhân thì ở châu Á, người ta đề cao tinh thần tập thể; ở Tây phương, người ta khuyến khích óc cạnh tranh; ở châu Á, người ta tìm kiếm sự đồng thuận. Với những khác biệt ấy, ở Tây phương người ta cần tự do và dân chủ, ở châu Á, người ta có thể hài lòng với một chế độ chính trị nhắm đến việc xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và giàu có. Quan niệm này của Lý Quang Diệu giúp các chế độc độc tài hoặc bán độc tài ở châu Á cũng như ở Đông Âu biện hộ cho các chính sách độc đoán của họ. Nhiều học giả cho quan niệm của Lý Quang Diệu và huyền thoại Singapore đã có ảnh hưởng tai hại đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, ở đó, chế độ độc tài có thể tiếp tục độc tài hoặc chế độ vừa mới thoát khỏi độc tài cộng sản lại quay sang một chế độ độc tài kiểu mới.

Nói Lý Quang Diệu là một chính khách giỏi nhưng lại là một người thầy xấu là vậy.

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Huỳnh Ngọc Chênh: Lý Quang Diệu có độc tài gia đình trị?

Rất nhiều bài viết và ý kiến của các tác giả Việt Nam cho rằng Singapore theo thể chế chính trị độc đảng và Lý Quang Diệu là một nhà chính trị độc tài. Rồi cũng lác đác có ý kiến cho rằng ông có chủ trương gia đình trị khi liên tục nắm quyền thủ tướng từ năm 1959 đến năm 1990 rồi truyền chức lại cho con trai Lý Hiển Long. Các ý kiến đó đều thống nhất với nhau rằng, tuy là nhà độc tài nhưng Lý Quang Diệu là nhà độc tài tốt vì có công đưa Singapore lên thành quốc gia tiên tiến, có thu nhập trên đầu dân cao nhất thế giới.

Và rất nguy hiểm khi có một số kẻ suy diễn ra rằng, không cần thể chế dân chủ đa đảng, độc tài mà có người lãnh đạo tài đức như ông Lý Quang Diệu thì rất tốt. Nhưng cần phải xem kỹ lại Singgapore có độc đảng hay không và ông Lý có độc tài gia đình trị hay không?

Singapore là một nước cộng hòa nghị viện, có chính phủ nghị viện nhất viện theo hệ thống Westminster đại diện cho các khu vực bầu cử. Hiến pháp của quốc gia thiết lập hệ thống chính trị dân chủ đại diện. Chỉ số dân chủ ở mức trung bình, xếp hạng 82/167 quốc gia (đứng đầu là Thụy Điển, chót bảng là Triều Tiên, VN xếp thứ 145). Qua đó thấy rằng, Singgapore có thể chế dân chủ chưa toàn diện chứ không phải là quốc gia chuyên chế. Ông Lý lên đứng đầu đất nước thông qua bầu cử đa đảng mà đảng PAP của ông chiếm đa số phiếu chứ không phải do bạo lực đứng lên cướp chính quyền.Trong cuộc bầu cử toàn quốc ngày 1 tháng 6 năm 1959, PAP giành được 43 trong tổng số 51 ghế trong hội đồng lập pháp, Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng thay thế thủ tướng Lim Yew Hock. Tiếp theo sau đó, nhờ uy tín cá nhân và nhờ tài năng lãnh đạo của mình, ông Lý đã giúp đảng PAP liên tục giành đa số phiếu tuyệt đối qua hầu hết các cuộc bầu cử tự do đa đảng.

Ngay tác giả Nguyễn Hưng Quốc qua bài viết "Lý Quang Diệu, nhà độc tài được yêu mến và ngưỡng mộ nhất thế giới" cũng đã thừa nhận rằng : "Thành công thứ hai của Lý Quang Diệu là ông đã làm cho đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party – PAP) do ông sáng lập với một số bạn bè từ năm 1954 trở thành một đảng cầm quyền có uy tín và sức mạnh hầu như vô địch tại Singapore trong suốt 60 năm qua.Trong cuộc bầu cử năm 1963, đảng của ông chiếm 37 trên tổng số 51 chiếc ghế Quốc hội; trong các cuộc bầu cử sau đó, từ năm 1968 đến 1980, đảng của ông chiếm toàn bộ số ghế. Chỉ từ năm 1984 trở đi, trong Quốc hội mới thấp thoáng có vài ba chiếc ghế thuộc phe đối lập. Cho đến nay, đảng Hành động Nhân dân vẫn giữ ưu thế tuyệt đối trong Quốc hội".

Như vậy thì làm sao bảo ông Lý là một nhà độc tài. Đảng PAP thắng cử thì đương nhiên thủ lĩnh đảng làm thủ tướng. Sau năm 1990, ông nghỉ hưu, chức vụ đứng đầu đảng PAP bàn giao qua cho Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) và ông nầy trở thành thủ tướng tiếp theo khi PAP giành thắng lợi qua bầu cử. Rồi nhiệm kỳ tiếp theo Lý Hiển Long lại được làm thủ tướng nhờ thắng lợi của PAP. Nói rằng ông Lý Hiển Long được truyền ngôi nhờ thể chế độc tài gia đình trị thì cũng y chang khi nói rằng Bush con của Mỹ lên làm tổng thống là do Bush cha truyền ngôi lại !
Còn tại sao đảng PAP liên tục giành thắng lợi qua các cuộc bầu cử tự do thì nhìn những gì đảng nầy làm được cho Singgapore dưới quyền lãnh đạo của ông Lý chúng ta thấy ngay ra câu trả lời.
Cử tri Sing không dại gì phiêu lưu chọn lựa đảng khác khi mà đảng PAP đã quá sức tốt trong sự nghiệp đưa đất nước tiến lên đỉnh cao như ngày hôm nay. Cũng như cử tri Mỹ không dại gì phiêu lưu chọn lựa đảng thứ ba ngoài hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, một khi hai đảng đó, qua gần 250 năm, thay phiên nhau đưa nước Mỹ lên vị trí độc tôn ở hầu hết các phương diện như ngày hôm nay.

Thể chế độc tài thì không thể nào sản sinh ra nhà lãnh đạo tài đức và nhà độc tài thì không thể nào là một người tốt. Hitler nhất thời làm cho nước Đức vươn lên siêu cường, nhưng cũng chính cái đầu óc bệnh hoạn do độc tài của Hitler đã nhanh chóng vùi dập nước Đức xuống bùn nhơ ngay sau đó. Gia đình họ Kim có thể đưa Triều Tiên lên thành một cường quốc hạt nhân, nhưng nhân dân Triều Tiên và đất nước đó đang như thế nào thì không ai không thấy kinh khủng đến rùng mình. Phác Chung Hi đặt nền móng cơ sở cho Hàn Quốc cất cánh nhưng nếu chế độ độc tài của ông ấy không được thay thế bằng một thể chế dân chủ thì Hàn Quốc cũng khó mà cất cánh thành một quốc gia văn minh giàu mạnh như hiện nay.

Đừng bao giờ mơ thể chế độc tài mà có người tốt lãnh đạo thì vẫn tốt. Đừng bao giờ mơ thể chế độc tài thì sản sinh ra con người tốt. Đó là chân lý. Fidel Castro là một trí thức, là một nhà yêu nước, nhưng chế độ độc tài đã làm hỏng ông ngay sau đó và làm hỏng hết những tầng lớp kế thừa tiếp theo. Người dân Việt Nam đã qua 70 năm trải nghiệm và trả giá. Nhìn vào tài đức của những nhà lãnh đạo của đất nước ngày hôm nay, những kẻ được sản sinh ra trọn vẹn từ thể chế, để hiểu rằng chân lý ấy không bao giờ thay đổi./