Tại sao Hillary Clinton có thể là người thắng lớn nhất?

09 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 18055)
“NHẬTBÁO VĂN HÓA – CALIFORNIA” THỨ HAI 10 NOV 2014

THẮNG BẠI SAU BẦU CỬ

Tại sao Hillary Clinton có thể là người thắng lớn nhất?


image001 

 

 Câu tiểu tựa có phần hơi tréo cẳng ngổng ở trên là của nhà báo Andrew Romano, tổng kết tình hình bầu cử vào ngày 4 tháng 11 vừa qua mà phe Cộng Hoà đã thắng lớn trong đa số những cuộc tranh cử trên toàn quốc, và đương nhiên phe Dân Chủ cũng như TT Obama đã bị coi là đại bại. Thế nhưng nhà phân tích thời sự bầu cử này cho rằng bản đồ các tiểu bang tranh cử, cũng như những bài toán chiến lược và chiến thuật để giành lấy thắng lợi, và tình hình cù cưa kéo dài ở chính trường Hoa Thịnh Đốn giữa hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ trong hai năm sắp tới, sẽ là những yếu tố rất thuận lợi cho cựu đệ nhất phu nhân và cựu ngoại trưởng Mỹ nếu như bà trở thành ứng viên tổng thống cho đảng Dân Chủ vào năm 2016.

Như thông lệ diễn ra thường xuyên mỗi hai năm một lần, người ta làm một màn tổng kết sau khi tiếng nói của người dân đã được trình bầy qua lá phiếu của họ để biết kẻ thắng người thua. Những người thắng cử có thể vui mừng say sưa trong những ly rượu mừng và tiệc liên hoan trong khi kẻ thất bại thì gậm nhấm nỗi đau ê chề, nhưng cùng lúc đó cũng có thể chờ đợi và tính kế để phục thù trong kỳ tới.

Câu trả lời dễ dàng và mau chóng nhất cho bản duyệt xét này là đảng Cộng Hoà đã thắng lớn. Tại Thượng Viện, họ đã giành lại được ít nhất là 7 chiếc ghế nghị sĩ trước đó thuộc về phe Dân Chủ, để từ đó lật ngược thế cờ và giành lại quyền lãnh đạo đã bị tước mất từ năm 2006.

Tại Hạ Viện, phe Cộng Hoà cũng giành được thêm ít nhất là 13 ghế dân biểu, khiến cho đa số của họ càng mạnh hơn, tuy rằng điều này có thể dẫn đến những khó khăn do tranh chấp nội bộ giữa Chủ tịch Hạ Viện John Boehner và những dân biểu bảo thủ cực đoan như nhóm Tea Party. Trong trường hợp đó, thắng lợi này có thể trở thành con dao hai lưỡi vì phe Cộng Hoà tại Hạ Viện có thể sẽ không đoàn kết thành một khối đồng nhất. Thay vào đó, nó có thể sẽ bị giằng co giữa hai khuynh hướng, hoặc là cương quyết chống đối tới cùng phe Dân Chủ và chính quyền Obama theo hướng của nhóm Tea Party, hoặc là phải chịu thoả hiệp với phe đối lập để có thể thông qua nhiều đạo luật trong việc điều hành đất nước theo hướng của Chủ tịch Boehner và nhiều vị dân cử bảo thủ ôn hoà khác.

Chưa hết, ở cấp tiểu bang, phe Cộng Hoà cũng giành được nhiều thắng lợi lớn ngoài sự mong đợi. Trong số hàng chục chức vụ thống đốc tiểu bang tranh cử năm nay, có đến 14 nơi diễn ra khá khít khao, gay cấn đến giờ chót, để rồi cuối cùng phần lớn lại nghiêng về đảng Cộng Hoà. Họ đã thắng không những tại các tiểu bang ngang ngửa quan trọng như Ohio, Florida và Wisconsin, mà còn thắng luôn tại những tiểu bang được coi như là luôn luôn thân thiện với phe Dân Chủ, đó là tại Maryland và Illinois. Kết quả sau cùng là con số thống đốc các tiểu bang vẫn sẽ thuộc về đa số bên Cộng Hoà trong vòng 4 năm tới.

Tờ báo USA Today, trong một bài viết tổng hợp của hai ký giả Catalina Camia and Cooper Allen, đã cho rằng cuộc bầu cử năm 2014 không khác gì một cơn sóng thần của phe Cộng Hoà quét sạch những chính trị gia phe Dân Chủ để giành quyền tại Thượng Viện cũng như giành được chiến thắng các chức vụ thống đốc tại nhiều tiểu bang trước đó đã bầu cho ông Obama. Bài báo đã liệt kê danh sách những kẻ thắng bại sau cuộc chạy đua lần này.

NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG

Đầu tiên là nghị sĩ Mitch McConnell tại tiểu bang Kentucky. Không những được tái đắc cử cho một nhiệm kỳ thứ 6 sau một cuộc tranh tài gay cấn và khít khao đến giờ chót, giờ đây ông sẽ trở thành tân trưởng khối đa số (có thực quyền như một chủ tịch Thượng Viện). Cũng giống như Chủ tịch Hạ Viện Boehner, thử thách lớn nhất cho ông McConnell là phải tạo được những thành quả ở nghị trường bằng cách thông qua được những đạo luật cần thiết cho việc điều hành đất nước. Nhưng trở ngại lớn nhất là các dự luật đó cần phải có sự ưng thuận của vị tổng thống lại thuộc phe Dân Chủ. Điều này cho thấy là thắng lợi này chưa hẳn đem lại một ưu thế áp đảo cho hai vị lãnh đạo ngành lập pháp.

Một người chiến thắng khác là ông Chris Christie của tiểu bang New Jersey, dù rằng tên của ông không nằm trên các lá phiếu lần này. Lý do là vì ông ta là đương kim chủ tịch của hội những thống đốc phe Cộng Hoà. Trong cương vị này, ông có nhiệm vụ chính là vận động để cho nhiều tiểu bang bầu chọn thống đốc là người cùng đảng với mình. Và ông Christie đã thành công lớn khi hăng hái đi vận động để giúp cho các vị thống đốc ở Florida và Wisconsin được tái đắc cử, cũng như giúp cho phe Cộng Hoà giành được thắng lợi bất ngờ chiếc ghế thống đốc ở những tiểu bang của phe cấp tiến như Illinois và Maryland. Với những cú vận động giúp đỡ tận tình như vậy, nếu như ông Christie có tham vọng ra tranh cử tổng thống vào năm 2016, nhiều phần là ông ta sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những vị thống đốc thân hữu này.

Nghị sĩ Rand Paul cũng được xem là một người chiến thắng sau kết quả vừa qua. Tuy là một phần tử cực đoan được phe Tea Party nhiệt liệt ủng hộ để đưa ông vào Thượng Viện vào năm 2010, nhưng ông Paul đã chứng tỏ mình là một người có tinh thần đồng đội, sẵn sàng hợp tác với các chính trị gia Cộng Hoà theo giòng chính để giúp đem lại thắng lợi sau cùng cho phe nhà, thay vì nhiều khuôn mặt bảo thủ cực hữu khác, thường nhất quyết chiếm lấy lợi thế riêng cho mình ở vòng sơ bộ, nhưng đã tạo ra chia rẽ trong nội bộ để sau cùng bị thất bại trước đối thủ phe Dân Chủ trong kỳ bầu cử chính vào tháng 11. Tại tiểu bang North Carolina, sau khi ứng viên phe Tea Party thân thiện với ông Paul bị thất bại ở vòng sơ bộ, ông ta đã không ngần ngại hướng sự ủng hộ của mình cho ứng viên khác là ông Thom Tillis, để từ đó đánh bại được đương kim nghị sĩ Kay Hagan của phe Dân Chủ trong một cuộc chạy đua rất khít khao. Nghị sĩ Rand Paul cũng vận động giúp đỡ cho các ứng viên Cộng Hoà giành được thắng lợi tại những tiểu bang khác như Alaska và Kansas.

Trong một đêm thảm bại cho đa số những người của phe Dân Chủ, nhưng đã có 3 phụ nữ tại tiểu bang New Hampshire đã đem lại vinh quang cho đảng này: đó là nghị sĩ liên bang Jeanne Shaheen, thống đốc Maggie Hassan và dân biểu liên bang Ann Kuster đã cật lực tranh đấu để được tái đắc cử, tuy rằng cũng khá chật vật. Tại Pennsylvania, ông Tom Wolf của phe Dân Chủ cũng thắng lớn khi hất cẳng được đương kim thống đốc Tom Corbett của đảng Cộng Hoà. Thật ra thì đảng Dân Chủ cũng chiến thắng lớn tại tiểu bang đông dân nhất là California với tất cả những chức vụ quan trọng toàn tiểu bang đều thuộc về phe Dân Chủ. Tuy nhiên, ưu thế này của đảng Dân Chủ đã có từ vài năm qua nên kết quả này cũng không gây ngạc nhiên cho nhiều người.

NHỮNG KẺ THẢM BẠI

Nếu đã phong tên người chiến thắng về đầu thì cũng phải liệt kê kẻ chiến bại khi về nhì trong những cuộc đua một mất một còn này. Kẻ thảm bại đầu tiên và thê thảm nhất chính là TT Obama. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Obama có lúc đã phát biểu rằng “những chính sách của ông đang nằm trên lá phiếu” để cho cử tri lựa chọn. Nếu đúng như thế thì kết quả là đa số cử tri gần như đã tẩy chay các chính sách này. Bởi vì các ứng cử viên phe Dân Chủ gần như đều thảm bại tại những cuộc tranh cử ngang ngửa khi mà các đối thủ bên đảng Cộng Hoà đã cố tình gán ghép họ coi như đã dính liền hoặc gắn bó với vị tổng thống đang có tỉ lệ ủng hộ của người dân xuống thấp. Tuy còn hơn 2 năm cầm quyền tại Toà Bạch Ốc, nhưng ông Obama coi như đã trở thành một “tổng thống vịt què” (a lame duck president) theo cách gọi rất phổ thông của làng báo tại Hoa Kỳ.

 

Một lãnh tụ khác của phe Dân Chủ cũng bị đánh giá là kẻ chiến bại là nghị sĩ Harry Reid, lãnh tụ khối đa số trong gần 8 năm qua. Ngoài hình ảnh của TT Obama, phe Cộng Hoà cũng thường gán ghép ông Harry Reid và bà dân biểu Nancy Pelosi như là những nhân vật cực kỳ phóng túng (ultra-liberal) để khích động các cử tri bảo thủ hãy bỏ phiếu cho phe Cộng Hoà để chặt bớt uy quyền lực của những lãnh tụ phe Dân Chủ. Vào năm 2010, ông Reid cũng đã phải chật vật để thắng một đối thủ thuộc thành phần Tea Party bảo thủ cực đoan. Giờ đây, có thể ông ta cũng sẽ phải lo đối phó với một cuộc chạy đua chật vật khác vào năm 2016 để được tái đắc cử.

Những kẻ cũng bị xem là thảm bại lần này là đa số các chính trị gia phe Dân Chủ tại các tiểu bang miền Nam nước Mỹ. Tuy các tiểu bang ở miền nam vẫn được xem là có truyền thống bỏ phiếu theo khuynh hướng bảo thủ từ vài thập niên qua, nhưng trong những năm gần đây thỉnh thoảng cũng có vài cuộc bầu cử mà phe Dân Chủ cũng tạo được thế tranh đua ngang ngửa. Tại Louisiana, nghị sĩ Mary Landrieu sẽ phải rất chật vật ở vòng 2 để mong được tái đắc cử. Nhưng tại hai tiểu bang Arkansas và North Carolina, hai vị nghị sĩ đương nhiệm đã gặp thất bại trước các đối thủ thuộc phe Cộng Hoà. Ngoài ra, nhiều người cũng chờ đợi những dấu hiệu khả quan của phe Dân Chủ tại những tiểu bang bảo thủ truyền thống như Kentucky và Georgia, nhưng rồi kết quả sau cùng vẫn không đem lại thắng lợi nào. Riêng tại tiểu bang Texas, phe Cộng Hoà vẫn tiếp tục thắng lớn trên các chức vụ toàn tiểu bang, dù rằng với những khuôn mặt cực kỳ bảo thủ như ông Dan Patrick sẽ trở thành tân phó thống đốc.

Hai chính trị gia khác phe Dân Chủ cũng gặp thất bại đau đớn là bà Martha Coakley và ông Charlie Crist. Đồng thời một người thuộc phe Cộng Hoà cũng bị xem là kẻ thảm bại là ông Scott Brown. Bà Coakley là ứng viên của phe Dân Chủ ra ứng cử nghị sĩ vào năm 2010 để điền khuyết chỗ trống của ông Ted Kennedy mới qua đời lúc đó. Tuy tiểu bang Massachusetts nổi tiếng theo khuynh hướng cấp tiến, nhưng bà Coakley lại để thua một kẻ “vô danh tiểu tốt” thuộc phe Cộng Hoà là ông Scott Brown.

Đến 2 năm sau, phe Dân Chủ giành lại chiếc ghế này khi bà Elizabeth Warren đánh bại ông Brown. Sau đó, ông ta quyết định dọn qua tiểu bang kế cận là New Hampshire để có thể ra ứng cử nghị sĩ lần này. Tuy đảng Cộng Hoà đang được lợi thế cao vào thời điểm 2014, nhưng ông Scott Brown cũng không đánh bại được đương kim nghị sĩ Jeanne Shaheen của phe Dân Chủ.

Còn ông Charlie Crist trước đó là thống đốc phe Cộng Hoà ở Florida. Sau khi bị thất bại ở vòng sơ bộ để tranh chức nghị sĩ vào năm 2010, ông Crist rút khỏi đảng để ra ứng cử trong tư thế độc lập, nhưng vẫn gặp thất bại. Sau đó ông về đầu quân qua đảng Dân Chủ để ra tái tranh cử thống đốc tại Florida năm nay. Tuy đương kim thống đốc Rick Scott đang có tỉ lệ ủng hộ tụt giảm, nhưng ông Crist cũng không hạ gục được đối thủ trong cuộc tranh cử khít khao này.

Nói chung, kết quả cuộc bầu cử lần này phản ảnh sự bực tức hay chán nản của đa số cử tri đối với TT Obama. Dựa theo những cuộc thăm dò dân ý khi vừa rời khỏi phòng phiếu, có đến 54% cử tri cho biết là họ không hài lòng về thành tích của chính quyền Obama. Ngoài ra, cũng đến 65% cử tri khi được hỏi đã cho rằng tình hình nước Mỹ đang đi theo một chiều hướng không tốt đẹp.

Đó là lý do mà đa số cử tri đã bỏ phiếu để loại bỏ rất nhiều những vị dân cử phe Dân Chủ để bầy tỏ sự bất bình với TT Obama. Một nhà báo phe bảo thủ là ông Philip Klein đã khoe rằng đợt bỏ phiếu kỳ này cũng ào ạt không khác gì một làn sóng lớn, cuốn trôi đi những vị dân cử thuộc phe Dân Chủ, như là một câu trả lời dễ dàng để tóm gọn tình hình bầu cử năm nay.

TẠI SAO HILLARY CLINTON LẠI ĐƯỢC LỢI THẾ?

Thế nhưng, theo nhà báo Andrew Romano, trong chính trường câu trả lời dễ dàng đôi khi lại không phải là câu trả lời duy nhất hoặc đầy đủ nhất; và trong nhiều trường hợp, kẻ chiến thắng sau cuộc bầu cử chưa hẳn là kẻ thu lợi về nhiều nhất. Bởi vì nếu như chịu khó nhìn kỹ hơn về tình hình dân số tại các tiểu bang của nước Mỹ, cũng như địa lý chính trị, tức là bản đồ bầu cử (electoral map) rất đặc thù, và phối hợp lại với những hướng đi sắp tới của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, người ta sẽ thấy ra rằng kẻ đạt được thắng lợi lâu dài trong cuộc bầu cử năm nay không phải là đảng Cộng Hoà như nhiều người đã vội kết luận. Đúng hơn, kẻ thực sự chiến thắng chính là bà Hillary Clinton, dù rằng cái tên của bà cũng không hề xuất hiện trên những lá phiếu năm nay!

 

Điều này không có nghĩa là vị cựu đệ nhất phu nhân và cũng là cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ trở thành một ứng cử viên không ai địch lại. Bài học của năm 2008 đã nhắc nhở mọi người rằng không nên loại bỏ bất cứ tình huống nào. Ngay cả trong năm nay, bà Clinton đã đi vận động rất nhiều nơi tại 18 tiểu bang khác nhau. Nhưng kết quả là những tên tuổi gạo cội của phe Dân Chủ mà bà Clinton đã vận động ráo riết cuối cùng cũng gặp thất bại. Đó là thí dụ của bà Alison Lundergan Grimes tại Kentucky hoặc là ông Bruce Braley tại Iowa, đã không giành được chức vụ nghị sĩ liên bang. Tuy nhiên điều này không thay đổi một thực tế phũ phàng là phe Cộng Hoà phải gặp rất nhiều khó khăn nan giải để có thể chiến thắng được bà Clinton vào năm 2016 (dĩ nhiên là nếu như bà muốn ra tranh cử lần này). 

Đầu tiên là hãy xét về địa lý chính trị, hay là bản đồ bầu cử. Tuy mọi người đều gọi là đảng Cộng Hoà đã thắng lợi lần này, nhưng thực chất là phe này không giành được thắng lợi tại nhiều tiểu bang được coi là ngang ngửa. Bản đồ nước Mỹ được phân chia thành 2 mầu rõ rệt là mầu Đỏ biểu tượng cho các tiểu bang bảo thủ và mầu Xanh tiêu biểu cho các tiểu bang cấp tiến. Có xấp xỉ 40 tiểu bang có những khuynh hướng rõ rệt này, và khoảng 10 tiểu bang còn lại được tô mầu Tím, tức là ngang ngửa giữa Đỏ và Xanh.

Do đó cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tuy mang tiếng là cuộc chạy đua giành phiếu của cử tri trên toàn quốc, nhưng thực tế là chỉ diễn ra tại 10 tiểu bang ngang ngửa này (swing states), thường được gọi là tiểu bang chiến trường (battleground states). Lý do là vì tình thế ngang ngửa đó khiến cho kết quả có thể thay đổi dễ dàng, tuỳ vào nhiều yếu tố và thời điểm diễn ra trong mỗi kỳ bầu cử. Cả hai đảng đều dồn hết nỗ lực và công sức để tranh đua tại những nơi này, và phe nào giành được thắng lợi tại nhiều tiểu bang ngang ngửa mầu Tím này coi như có nhiều triển vọng hơn, nhất là khi chiến thắng đó lại là một thứ “upset”, tức là lật ngược ưu thế trước đó của đối phương.

Trong cuộc bầu cử lần này, coi như phe Cộng Hoà chỉ giành được thắng lợi đáng nói ở 3 tiểu bang ngang ngửa là Colorado, Iowa và North Carolina. Còn những thắng lợi tại các tiểu bang khác như Montana, South Dakota, Arkansas, West Virginia, Maryland, Illinois, Massachusetts coi như sẽ không ảnh hưởng tới cuộc bầu cử vào năm 2016.

Trong cuộc bầu cử lần này, nhiều vị dân cử đương nhiệm phe Dân Chủ đang ở nhiều tiểu bang bảo thủ mà ông Obama đã thua vào năm 2012. Do đó, trước khi ra quân, coi như bàn cờ đã ngã ngũ sang mầu Đỏ. Và kết quả là họ có thua (như kết quả mới xảy ra) cũng không là điều ngạc nhiên, và cũng không làm thay đổi cục diện vào năm 2016 tại những tiểu bang này.

Ngược lại, bản đồ bầu cử sẽ thay đổi rất bất lợi cho phe Cộng Hoà trong 2 năm sắp tới, nhất là trong cuộc bầu cử tại Thượng Viện cũng như cho chức vụ tổng thống. Đó là lý do mà hầu hết các chuyên gia trên nhiều diễn đàn truyền thông, cũng như nhiều bài xã luận (của USA Today, Washington Post, CNN v.v.) đều cho rằng chiến thắng kỳ này của phe Cộng Hoà sẽ rất ngắn hạn (short-lived). Ngay cả ông Ari Fleischer, cựu phát ngôn viên Bạch Cung thời TT Bush Con, trong một bài viết trên tờ Washington Post sau kết quả bầu cử, cũng đưa ra một số những đề nghị cởi mở và bớt khe khắt hơn mà phe Cộng Hoà phải theo đuổi để mong có thể duy trì được thắng lợi lần này.

Chuyện này cũng dễ hiểu khi người ta thấy trước là trong số 34 ghế nghị sĩ ra tranh cử vào năm 2016, có đến 24 ghế thuộc về phe Cộng Hoà (và do đó sẽ dễ gặp nhiều áp lực hơn). Hơn nữa trong số này có đến 10 nghị sĩ Cộng Hoà lại nằm trong những tiểu bang mầu Xanh mà ông Obama đã giành được đa số trong 2 kỳ bầu cử tổng thống. Hai ghế nghị sĩ Cộng Hoà khác có thể cũng bỏ trống vì hai vị đương nhiệm có thể quyết định về hưu, đó là John McCain tại Arizona và Charles Grassley tại Iowa.

Theo nguyên tắc, khi một vị dân cử đương nhiệm về hưu, phe đối phương coi như có nhiều triển vọng hơn để đưa người ra tranh cử. Còn thêm 2 nghị sĩ Cộng Hoà khác cũng có thể có tham vọng ra ứng cử tổng thống, đó là hai ông Rand Paul tại Kentucky và Marco Rubio tại Florida. Nếu điều này diễn ra thì coi như mở cửa ngỏ thêm 2 chiếc ghế trống để phe Dân Chủ có thêm cơ hội để tranh đua. Như thế thì con đường tranh cử cho các ứng cử viên Dân Chủ tại nhiều nơi này có phần nhẹ nhõm và hứa hẹn nhiều hơn. Lợi thế hơn nữa là trong 10 nghị sĩ Dân Chủ phải ra tranh cử vào năm 2016 không có người nào lại nằm trong các tiểu bang mầu Đỏ. 

Điều này có nghĩa là cứ mỗi ghế nghị sĩ mà phe Cộng Hoà giành lại được từ đối thủ trong cuộc bầu cử năm nay, thì sẽ có ít nhất là 1 hay 2 ghế nghị sĩ khác mà phe Dân Chủ có nhiều lợi thế để giành ngược trở lại trong cuộc bầu cử vào năm 2016. Đó là một thực tế khó phủ nhận, khi mà nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng phe Cộng Hoà có thể tiếp tục nắm quyền đa số tại Thượng Viện sau năm 2016 sẽ rất mong manh.

Tại sao điều này lại có thể giúp ích rất nhiều cho bà Hillary Clinton. Lý do là vì trong một cuộc bầu cử tổng thống, khi mà ứng viên cùng đảng với mình đang có ưu thế tại một tiểu bang nào đó thì ứng viên tổng thống cũng như cũng được hưởng lợi lây, từ sự ủng hộ tài chánh cũng như tích cực tham gia của cử tri.

Hiện nay, bản đồ bầu cử vốn đã có lợi cho ứng cử viên phe Dân Chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống. Trong 6 cuộc bầu cử tổng thống trong hai thập niên vừa qua, đã có 18 tiểu bang, cộng với thủ đô Hoa Thịnh Đốn, luôn luôn bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân Chủ. Những thay đổi về dân số hoặc số lượng di dân tăng cao tại những nơi đó cho thấy là khuynh hướng bỏ phiếu sẽ không thay đổi trong tương lai gần.

Sự kiện này có nghĩa là ứng viên Hillary Clinton, nếu ra tranh cử vào năm 2016, coi như đã có sẵn trong túi 242 phiếu cử tri đoàn tại 18 tiểu bang này (trong số đó có những tiểu bang đông dân như California, New York). Chỉ cần thêm 28 phiếu cử tri đoàn trong số 183 cử tri đoàn còn lại trong khoảng 10 tiểu bang ngang ngửa là coi như giành được chiến thắng. Trong bối cảnh đó, coi như ứng viên phe Cộng Hoà phải chật vật chiến thắng tại đa số các tiểu bang ngang ngửa mầu Tím thì mới mong lật ngược thế cờ. Theo hai chuyên viên thăm dò dân ý của phe Cộng Hoà là Glen Bolger và Neil Newhouse thì điều này là một chuyện cực kỳ khó khăn vì tỉ lệ thành công rất thấp.

TỈ LỆ THAM GIA VÀ CẤU TRÚC CỬ TRI ỦNG HỘ MỖI BÊN

Còn nếu xét thêm về cấu trúc của cử tri ủng hộ thì sẽ thấy rằng ứng viên phe Cộng Hoà tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa. Trong năm 2012, ứng viên Mitt Romney đã giành được 59% sự ủng hộ của cử tri da trắng, một tỉ lệ cao hơn cả tổng thống Reagan (vào năm 1980) và Bush Con (vào năm 2004). Ấy vậy mà ông vẫn thua đậm trước Barack Obama. Vì sao lại có chuyện đó? Bởi lý do đơn giản là số cử tri đi bầu, tỉ lệ dân da trắng càng ngày càng tụt giảm trong khi tỉ lệ dân da mầu tiếp tục tăng dần mỗi năm.

Nếu muốn giành được thắng lợi, ứng viên phe Cộng Hoà phải giành được ít nhất là 64% tỉ lệ ủng hộ của cử tri da trắng. Còn không, thì phải tăng cao tỉ lệ ủng hộ từ phía cử tri da mầu, đặc biệt là dân gốc Latino. Nếu như đối đầu với Barack Obama là người da đen mà ông Romney cũng chỉ đạt được sự ủng hộ của 59% dân da trắng, thì nếu so tài với một Hillary Clinton, bất cứ ứng cử viên nào của phe Cộng Hoà cũng khó lòng vượt qua được tỉ lệ ủng hộ khá cao này. Do đó, nhiều phần là mọi ứng viên của phe Cộng Hoà cũng sẽ chuốc lấy thảm bại tương tự như ông Romney, nếu như họ vẫn khư khư ôm lấy những chính sách bảo thủ cứng rắn như hiện nay vì sợ bị chống đối bởi phe Tea Party.

Tỉ lệ của cử tri gốc Latino ủng hộ cho phe Cộng Hoà cũng không lấy gì làm khả quan và hứa hẹn. Vào năm 2008, nó ở mức 38%, để rồi tụt xuống chỉ còn có 27%. Trong năm nay, nó tăng lên vào khoảng 35%. Không có dấu hiệu nào cho thấy là tỉ lệ này sẽ tăng lên, nhất là khi nhiều khuôn mặt bảo thủ cực đoan của phe Tea Party lúc nào cũng mở miệng ra là đòi tống xuất tất cả những thành phần di dân bất hợp pháp gốc Latino, được ước lượng đến 11 triệu người, nhưng chắc chắn là có quan hệ với thân bằng quyến thuộc của hàng chục triệu người Latino khác sinh sống hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Nói tóm lại, trong một cuộc bầu cử giữa mùa như năm nay, số cử tri gốc thiểu số và giới trẻ thường là lười biếng tham gia trong khi khối cử tri cao niên và dân da trắng lại siêng năng đi bầu như mọi khi, và do đó đã tác động đến kết quả chung cuộc. Nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống, như vào năm 2016 sắp tới, tình hình sẽ thay đổi, khi mà một ứng viên phe Dân Chủ có thể sẽ thu hút khối cử tri trung thành với mình chịu khó đến thùng phiếu.

Trong bài viết phân tích kể trên, ông Ari Fleischer cho biết số cử tri đi bầu giữa nhiệm kỳ năm nay chỉ có khoảng 90 triệu người. Nhưng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2012, có đến 129 triệu người Mỹ chịu khó đến thùng phiếu. Trong số 39 triệu cử tri không chịu khó đi bầu năm nay, phần lớn là dân gốc thiểu số, da mầu và Latino, vốn là thành phần trung kiên lâu đời với đảng Dân Chủ. Đến kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, nhiều phần là con số khá lớn những cử tri đó sẽ hăng hái tham gia để giúp đem lại lợi thế quá lớn cho ứng viên của đảng Dân Chủ. Nhất là nếu như trong kỳ bầu cử đó lại có một khuôn mặt được khối cử tri Dân Chủ ưa thích. Hiện nay khó ai phủ nhận sự kiện Hillary Clinton được coi như là một vị dân cử được cử tri phe Dân Chủ ưa thích nhất tại Hoa Kỳ.

Điều đáng nói hơn nữa là trong làn sóng hăng say đi bầu vào năm 2016 với lợi thế cho phe Dân Chủ, nhiều ứng viên các chức vụ nghị sĩ, dân biểu tại nhiều nơi cũng được hưởng ké lợi lộc này, một hiện tượng được gọi với từ ngữ quen thuộc là “coattail”, tương tự như là bám đuôi theo để hưởng lợi.

CỬ TRI CŨNG BẤT MÃN VỚI CÁC LÃNH TỤ CỘNG HOÀ

Do đó, câu hỏi được đặt ra là liệu phe Cộng Hoà sắp sửa nắm quyền tại Hạ Viện lẫn Thượng Viện có thể làm được gì để làm suy giảm uy tín và lợi thế của Hillary Clinton khi bước vào năm 2016. Điều đáng nhớ trong kỳ bầu cử năm nay là có đến 54% cử tri bầy tỏ sự bất mãn với thành tích của chính quyền Obama. Nhưng nhiều người lại không để ý đến chi tiết quan trọng không kém là có đến 56% cử tri cũng bất mãn với đảng Cộng Hoà, trong đó có đến 61% không hài lòng hoặc bực tức với các lãnh tụ Cộng Hoà ở Quốc Hội.

Do đó, nếu như phe Cộng Hoà tiếp tục chính sách cù nhầy để gây khó khăn cho ông Obama trong những tranh cãi vô bổ như đòi đẩy lui đạo luật bảo hiểm y tế phổ quát (ACA) hoặc hăm he đóng cửa chính quyền vì bất đồng trong ngân sách v.v. . . thì tình hình nước Mỹ trong hai năm tới cũng chẳng tốt đẹp hay sáng sủa hơn. Đến chừng đó, cử tri khi đi vào thùng phiếu vào cuối năm 2016 cũng sẽ bầy tỏ sự bực tức của mình đối với họ cũng như họ vừa mới biểu lộ sự tức giận đó với ông Obama trong lần này. Trong bối cảnh đó, một Hillary Clinton xuất hiện với lời hứa hẹn là đưa ra giải pháp mới để giải quyết tình trạng bế tắc lâu năm tại thủ đô chắc chắn là sẽ dễ lọt tai nhiều người nghe hơn.

Sau cùng, một thí dụ nhỏ cũng đáng nói đến để tìm hiểu rõ hơn về sự thay đổi của các chính trị gia cũng như của cử tri. Đó là trường hợp đắc cử của ông Cory Gardner tại tiểu bang Colorado lần này.

Ông này không phải là một tay bảo thủ ôn hoà. Trước đó ông ta được xếp loại trong số những dân biểu liên bang bảo thủ nhất. Ông chống đối tất cả những dự luật cải tổ về di trú thuận lợi cho dân gốc Latino, ông bỏ phiếu sẵn sàng đóng cửa chính quyền liên bang trừ khi chính quyền cắt bỏ ngân sách tài trợ cho tổ chức Planned Parenthood (cung cấp dịch vụ phá thai). Ông Gardner cũng là người ủng hộ nghị sĩ Ted Cruz để đòi loại bỏ đạo luật Obamacare.

Thế nhưng Colorado gần đây đã quay sang khuynh hướng cấp tiến, điển hình là việc đa số cư dân đã bỏ phiếu chấp thuận việc sử dụng cần sa. Nhiều giới trẻ, nhất là từ California, đã ào ào dọn sang tiểu bang này từ nhiều năm qua. Số cư dân gốc Latino tại đây cũng tăng dần. Chính vì thế mà từ năm 2004 trở đi, các ứng viên phe Cộng Hoà đã không còn giành được các chức vụ cao cấp tại tiểu bang này.

Thế nhưng tại sao ông Gardner lại giành được chiến thắng lần này. Lý do là vì ông ta đã thay đổi lập trường hay cung cách vận động vào giờ chót, chủ trương thoả hiệp tương tự giống như Bill Clinton năm xưa mỗi khi bàn thảo các đề tài nhức nhối và nhạy cảm như vấn đề quyền phá thai, chính sách di dân v.v. Ông Gardner không còn khăng khăng đưa ra những chiêu bài bảo thủ cực đoan để tránh gây ác cảm với khối cử tri có khuynh hướng cấp tiến tại Colorado, để họ có thể sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ. Điều này cho thấy là một chính trị gia phe Cộng Hoà có thể giành được chiến thắng tại những tiểu bang ngang ngửa mầu Tím, nhưng người đó phải là một thứ chính trị gia bảo thủ ôn hoà và chấp nhận chuyện thoả hiệp với đối phương.

Trong tình hình mấy năm qua, cộng với đà chiến thắng lần này, liệu những chính trị gia bảo thủ của đảng Cộng Hoà đang say men chiến thắng có học được kinh nghiệm và bài học của ông Gardner hay không. Nhiều phần là rất khó, và đó là lý do mà họ rất khó lòng để có thể vượt qua được một người như Hillary Clinton.

 

MAI LOAN

Houston, Texas ngày 8/11/2014

30 Tháng Năm 2016(Xem: 14034)
24 Tháng Tư 2016(Xem: 12520)
Nhân vụ cá biển chết do nhiễm độc