Lý Thái Hùng: Nhân quyền&Vũ khí sát thương/Nguyễn Đình Thắng: Xã hội Dân sự

21 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 21469)
“VĂN HÓA MAGAZINE - CALIFORNIA” AUG 23 2014

Lý Thái Hùng: Nhân Quyền Và Vũ Khí Sát Thương (Lethal Weapon)

 Lý Thái Hùng

Trong thời gian vừa qua, sau vụ giàn khoan HD 981 của Trung Cộng, nhiều chính giới Hoa Kỳ đã lên tiếng về nhu cầu tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Thượng Nghị sĩ John McCain của đảng Cộng Hòa và Thượng Nghị sĩ Sheldon Whitehouse của đảng Dân Chủ đã vào tận Việt Nam, tổ chức cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 8/8 vừa qua để nói về viễn cảnh mới của quan hệ Mỹ Việt chuẩn bị đánh dấu 20 năm (1995-2015) bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Mặc dù ông McCain có đề cập đến thành tích tôn trọng nhân quyền của Hà Nội sẽ ảnh hưởng rất lớn vào mối quan hệ Việt Mỹ trong thời gian tới; nhưng nhiều chỉ dấu cho thấy là giới lãnh đạo Hoa Kỳ, đặc biệt là Tổng thống Obama đang có những chuẩn bị dư luận nhằm bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Hà Nội vào tháng 9 tới đây.

 Cấm Vận Vũ Khí

Tuy Cộng sản Việt Nam không nằm trong danh sách 5 quốc gia bị cấm mua vũ khí của Hoa Kỳ là Cuba, Iran, Sudan, Syria và North Korean; nhưng CSVN đã bị Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm vận ngay sau khi cưỡng chiếm miền Nam vào tháng 4/1975 nên cũng bị cấm mua vũ khí của Hoa Kỳ.

Mặc dù Tổng thống Bill Clinton đã bãi bỏ lệnh cấm vận vào tháng 2 năm 1994, nhưng CSVN vẫn tiếp tục bị cấm mua vũ khí vì đã vi phạm nhân quyền trầm trọng. Nói cách khác, tình trạng đàn áp nhân quyền của CSVN là lý do khiến cho Hoa Kỳ cấm vận vũ khí, đặc biệt là từ năm 1994 cho đến nay.

Năm 2007, dưới thời Tổng thống Bush (con), Hoa Kỳ đã nới lỏng lệnh cấm nói trên khi cho phép bán vũ khí phi sát thương (non-lethal arms) đối với CSVN.

Trong năm 2010 và 2011, Trung Cộng bắt đầu xâm phạm thềm lục địa Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh và tấn công thô bạo vào thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN và cả Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN đã chính thức yêu cầu Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2012.

Lúc đó, CSVN muốn mua ngay một số thiết bị tuần dương như Radar, thiết bị phát âm thanh tầm xa (LRAD) vân, vân... nhưng Hoa Kỳ không mấy quan tâm. Lý do mà Hoa Kỳ đưa ra là không hài lòng về thái độ coi thường các cam kết tôn trọng nhân quyền của Hà Nội qua những cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm và nhất là gia tăng đàn áp đối với những người Việt Nam yêu nước chống Trung Cộng kể từ năm 2011.

Bỏ Cấm Vận

Sự ngang ngược của Trung Cộng khi mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5/2014 vừa qua đã làm thay đổi quan điểm về mối quan hệ của cả phía Hoa Kỳ lẫn Cộng sản Việt Nam.

Mặc dù cho đến nay, Hà Nội chưa biểu hiện bất cứ sự thay đổi quan hệ nào đối với Trung Quốc; nhưng sau vụ giàn khoan HD 981, bộ chính trị CSVN không còn là khối thuần nhất với chủ trương ôm chặt Bắc Kinh như quá khứ mà đã hình thành một khuynh hướng muốn tìm đến Hoa Kỳ và Nhật Bản để cân bằng các ảnh hưởng.

Những phê phán Trung Quốc hơi mạnh bạo của ông Nguyễn Tấn Dũng, những khẳng định mang tính ba phải về chủ quyền của ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian xảy ra vụ giàn khoan và nhất là chuyến đi Mỹ đột ngột của ông Phạm Quang Nghị sau khi Bắc Kinh rút giàn khoan HD 981 ra khỏi lãnh hải của Việt Nam, cho thấy là bộ chính trị CSVN đang có những dự tính thay đổi thế trận.

Thế trận đó chưa định hình, nhưng nhiều phần là khuynh hướng muốn đi gần với Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ có tiếng nói trong các thảo luận tái định hình mối quan hệ với Trung Cộng, chấm dứt thời kỳ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” từ năm 1990 cho đến nay. 

Nhiều phần trong Hội nghị trung ương đảng lần thứ 10 tới đây, lãnh đạo CSVN sẽ định hình mối quan hệ giữa CSVN – Trung Cộng – Hoa Kỳ trong đó vấn đề nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật Biển sẽ chi phối rất lớn các quyết định của Hà Nội.

Trong khi đó, giàn khoan HD 981 đã cho phép Hoa Kỳ đẩy mạnh tiến trình xoay trục, qua sự hình thành liên minh chống Trung Cộng tại Á Châu. Liên minh này hiện có các đồng minh của Hoa Kỳ gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân và Úc Châu.

Đây có thể coi là liên minh bao vây Trung Cộng đầu tiên ở Á Châu kể từ năm 1972 khi Hoa Kỳ nối lại bình thường hóa bang giao với Bắc Kinh.

Liên minh này không thể thiếu sự hợp tác “dưới một hình thức nào đó” của Cộng sản Việt Nam và đó là lý do mà các nhà chiến lược Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tìm cách tranh thủ Hà Nội.

Từ năm ngoái, Nhật Bản đã giúp cho lực lượng cảnh sát biển 4 chiếc tàu kiểm ngư và hứa sẽ huấn luyện về các kỹ năng phòng vệ biển. Hoa Kỳ giúp 18 triệu Mỹ Kim cho cảnh sát biển CSVN mua 5 tàu tuần tra cao tốc và hai bên đã ký một biên bản chung về hợp tác hàng hải – cảnh vệ duyên hải.

Muốn CSVN đi gần với liên minh chống Trung Cộng, việc Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với CSVN chỉ còn là thời gian.

Bài Toán Nhân Quyền.

Tổng thống Obama không thể bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với CSVN mà không có sự ủng hộ từ lưỡng đảng trong Quốc hội. Vì thế việc bãi bỏ này sẽ diễn ra như sau:

-Thứ nhất là phía CSVN phải đáp ứng một số thiện chí tôn trọng nhân quyền. Cụ thể là phải trả tự do cho một số tù nhân lương tâm đang bị giam giữ theo danh sách mà Hoa Kỳ thường đưa ra trong các cuộc đối thoại nhân quyền như Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, anh Trần Huỳnh Duy Thức, Luật sư Lê Quốc Quân v, v...

-Thứ hai là phía Hoa Kỳ sẽ không bãi bỏ toàn bộ lệnh cấm vận mà sẽ chỉ diễn ra từng phần dựa trên những thành tích tôn trọng nhân quyền của CSVN sau đó như phát biểu của Thượng Nghị sĩ John Mc Cain. Nói cách khác là tuy Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận nhưng sẽ quyết định những loại vũ khí hay trang thiết bị quân sự nào bán và không bán tùy theo các thiện chí tôn trọng nhân quyền của Hà Nội.

Giống như việc Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ cấm vận CSVN vào tháng 2 năm 1994 nhưng mãi đến 4 năm sau vào năm 1998, Hoa Kỳ mới lần đầu tiên quyết định bãi bỏ một phần việc áp dụng điều khoản Jackson - Vanik, trong việc hạn chế giao dịch thương mại đối với Việt Nam.

Những Nỗ Lực Cần Có

Biến cố giàn khoan HD 981 đã làm thay đổi cái nhìn của thế giới về lãnh đạo Bắc Kinh, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam và nhất là về tương lai nền hòa bình trên biển Đông.

Tuy CSVN đang là đối tác của Hoa Kỳ và Nhật Bản trong sự hình thành liên minh chống Trung Cộng hiện nay; nhưng đây không phải là đối tác vững bền vì Hà Nội đang bị hai áp lực sinh tử.

1/Từ quan thầy Phương Bắc. Bắc Kinh không dễ dàng để cho Hà Nội bám vào Hoa Kỳ và Nhật để chống lại họ, đặc biệt Bắc Kinh sẽ sử dụng các tay chân mà họ đã trồng sâu và cao trong nội bộ lãnh đạo đảng CSVN để phá hoại tối đa.

2/Từ hơn 90 triệu người Việt ở quốc nội và hơn 3 triệu người Việt hải ngoại. Dân tộc Việt Nam sẽ không để cho CSVN tiếp tục rao bán chủ quyền quốc gia để giữ ghế cai trị bằng mọi giá.

Qua những điểm nêu trên, chúng ta cần thấy rằng việc bãi bỏ hay duy trì lệnh cấm vũ khí sát thương đối vối Hà Nội hiện nay không còn điều then chốt. Quan trọng là dân tộc Việt Nam phải khai thác thực tế "đồng sàng dị mộng” giữa Washington và Hà Nội như thế nào. Có lẽ 3 nỗ lực sau đây cần được xếp ưu tiên cao nhất:

Một là gia tăng áp lực để đòi buộc CSVN phải cải cách dân chủ, đặc biệt là phải tôn trọng các quyền con người. Giai đoạn hiện nay rất khó cho Hà Nội giở trò đàn áp nặng nề.

Hai là vận động chính giới Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Hà Nội phải chứng minh thiện chí bằng việc thả ngay những người Việt yêu nước, những nhà vận động cho dân chủ và nhân quyền đang bị giam giữ trong tù ngục. Hà Nội cũng phải chấm dứt ngay mọi ý đồ dàn cảnh, đàn áp, bắt bớ những người mới.

Ba là hợp tác với các dân tộc Phi Luật Tân, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Mã Lai để cùng liên kết trong mặt trận phòng thủ chung tại biển Đông.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu quí hòa bình nhưng cũng sẵn sàng bảo vệ đất nước bằng mọi giá. Lịch sử 5000 năm của dân tộc này đã chứng minh điều đó.

Dân tộc Việt Nam mong ước hợp tác với mọi quốc gia khác để duy trì hòa bình và cùng thăng tiến nhưng cũng sẽ có thái độ rõ ràng đối với mọi bàn tay ngoại bang nhằm giúp duy trì độc tài trên đất nước này./

Lý Thái Hùng / 18/8/2014

++++++++++++++++++++

“VĂN HÓA MAGAZINE - CALIFORNIA” AUG 23 2014

Hoạt động xã hội dân sự: Những bước khởi đầu

Ts. Nguyễn Đình Thắng

15 tháng 8, 2014

http://machsong.org

Hoạt động xã hội dân sự không dễ; hoạt động xã hội dân sự trong một chế độ độc tài lại càng gian truân. Chế độ độc tài không có nhà trường đào tạo cho những người hoạt động xã hội dân sự. Họ phải tự mày mò và xoay xở trước những phức tạp đương nhiên và cùng lúc phải đối phó những hiểm nguy giăng mắc bởi chế độ. Trước tất cả những khó khăn vô vàn ấy, khởi đầu cho đúng là cần thiết để đi xa. Chệch một li ở bước đầu, dễ dàng thành sai một dặm ở những bước sau. 

Những điều trình bày dưới đây có thể xem là một cẩm nang tóm tắt để khởi dựng một tổ chức trong khu vực xã hội dân sự.

Chọn đối tượng phục vụ, mục đích và chủ trương cho tổ chức

Các tổ chức trong khu vực xã hội dân sự, kể cả NGO và CSO, đều có mục đích nhân bản là phục vụ con người. Khi đã nói đến phục vụ thì phải có đối tượng phục vụ nhất định và cụ thể. Do đó việc phải làm đầu tiên là ấn định đối tượng phục vụ cho tổ chức. Ví dụ, đối tượng hẹp có thể là các trẻ em tiểu học thuộc diện nghèo trong một quận nào đó, hoặc rộng thì có thể là tất cả các cộng đồng tôn giáo ở khắp nước.

dien-dan-august-22-3014-1
DB Christopher Smith chúc mừng 30 năm hoạt động của BPSOS và 35 năm lịch sử người Mỹ gốc Việt, Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 18/05/2010

Mục đích của tổ chức phải là phúc lợi tối hậu của đối tượng phục vụ. Chẳng hạn, các trẻ em gia đình nghèo sẽ hoàn tất trung học, rồi sẽ lên đại học hoặc sẽ có nghề vững chãi; hoặc các cộng đồng tôn giáo khắp nước sẽ có quyền sinh hoạt tôn giáo mà không bị sách nhiễu dù không đăng ký với nhà nước.

Chủ trương của tổ chức nói lên cách nào để tiến đến mục đích ấy. Chẳng hạn, một cách để giúp trẻ em nghèo là cấp dưỡng cho ăn học; cách thứ hai là giúp cho cha mẹ tạo được thu nhập để lo cho con cái lâu dài; cách thứ ba là vận động chính sách cấp học bổng cho các em thuộc gia đình nghèo... Dùng ví dụ trên thì chủ trương có thể là cứu tế, phát triển, hay vận động.

Chọn người đồng hành

Sau khi biết mình muốn gì, bước kế tiếp là tìm vài người thật tâm đồng ý hợp về mục đích và chủ trương. Và, rất quan trọng, những người đó phải có đạo đức.

Muốn đi đường dài thì phải cùng mục đích và cùng chủ trương. Nếu không cùng mục đích, mỗi người rồi sẽ đi một hướng và không sớm thì muộn sẽ chia tay. Nếu cùng mục đích nhưng không cùng chủ trương, mỗi người sẽ đi trên một lộ trình khác nhau, dẫn đến xung đột nội bộ thường xuyên. Nếu trong nhóm có người thiếu đạo đức thì niềm tin sẽ mai một, không thể phát triển tinh thần đồng đội trong sáng; có chăng là sự đồng loã, toa rập gây hại cho xã hội dân sự.

Nhóm tiên khởi không cần đông – 3 đến 5 người là đủ. Cần tìm và chọn người cho đúng chứ không phải cho đông. Đúng người là yếu tố quyết định vận mạng của tổ chức: phát triển lành mạnh, hay biến chất và tan rã.

Xây nền móng 

Trách nhiệm đầu tiên của nhóm tiên khởi là viết “tuyên ngôn sứ mạng” (mission statement) cho tổ chức, qua đó tóm gọn đối tượng, mục đích, chủ trương và các giá trị đạo đức cốt lõi mà mọi người trong tổ chức phải luôn xiển dương. Tuyên ngôn này là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tổ chức. Khi đọc lên, người xa lạ hiểu ngay bản chất của tổ chức.

Chẳng hạn, tuyên ngôn sứ mạng của BPSOS là: “Tạo thế lực, tổ chức và trang bị cho các cá nhân và cộng đồng Việt trong sự mưu cầu tự do và nhân phẩm.”

Đối tượng là các người Việt và cộng đồng Việt ở bất kỳ đâu. Mục đích là các cá nhân và cộng đồng ấy có tự do và nhân phẩm. Chủ trương gồm có tạo năng lực cho họ, giúp họ tổ chức lại với nhau, và trang bị cho họ phương tiện và kỹ năng để tự mình mưu cầu tự do và nhân phẩm. Tự do và nhân phẩm là 2 giá trị đạo đức cốt lõi của BPSOS.

Giá trị đạo đức nhân bản cốt lõi, thuộc bản chất, ấn định cung cách ứng xử của từng người trong tổ chức, nếu vi phạm thì tổ chức bị biến chất, bị “mất linh hồn”. Chủ trương, thuộc về bản thực hành, quyết định phương thức hoạt động chung của tổ chức. Cả hai cấu thành “nền văn hoá tổ chức”, sẽ được bàn đến trong một lần khác.

Trên đây là ba bước căn bản cho người muốn thành lập tổ chức trong khu vực xã hội dân sự, bất luận trong hoàn cảnh nào. Nếu thực hiện đúng thì sẽ tạo được nền móng vững chãi cho tổ chức phát triển lâu bền. Đào móng hời hợt thì không thể xây căn nhà kiên cố.

Đối với tổ chức đã thành lập thì các thành viên nên rà soát xem những bước nào bị khập khiễng để chỉnh sửa, và nếu cần thì lùi vài bước để đi lại cho ngay ngắn.

Những bước đầu đúng đắn quyết định con đường thiên lý sẽ về đâu./

Bài liên quan:

Hoạt Động Xã Hội Dân Sự: Không Dễ

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2928

Hoạt Động Xã Hội Dân Sự: Tâm Tình và Chia Sẻ

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2892

Note: Posted on Friday, August 15 @ 10:36:00 EDT by ngochuynh

12 Tháng Mười Một 2024(Xem: 726)
VIỆT NAM 50 NĂM ‘GIÔNG TỐ’