Muốn “vươn mình”, phải thương dân

30 Tháng Giêng 20255:46 CH(Xem: 1500)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN ĐA NGUYÊN 2 - THỨ NĂM 30 JAN 2025


Muốn “vươn mình”, phải thương dân


Ta Dzu


“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là thông điệp từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm qua những bài viết, phát biểu quan trọng trong thời gian qua.


Nhưng để “vươn” được mình lên, cần phải có nội lực.


Nội lực đến từ đâu? Ai cũng biết là từ dân - Dân có quyền, nhà nước có lực. Có lực mới vươn vai đứng dậy để đi, để chạy, để bắt kịp hay mong vượt thiên hạ. Vậy dân và nhà nước phải là một. Hơn nữa - Quyền dân càng cao, lực nhà nước càng mạnh.


Yêu nước, trước hết phải thương dân


Người cộng sản thường tự hào họ là những người yêu nước. Yêu nước, nhất là trong vai trò lãnh đạo, trước hết phải thương dân – lấy dân làm gốc. Làm thế nào để biết mình “thương”? Thương dân không phải là lời nói suông mà phải theo ý dân. Cứ cho dân tự do phát biểu sẽ biết ý dân là gì.


Khi biết ý dân rồi thì vai trò chính quyền cần chuyển từ hình thức cai trị sang điều phối các hoạt động xã hội để nhân dân tự chủ, thực thi quyền làm chủ của mình thông qua các quyền tự do căn bản được ghi trong hiến pháp. Lúc ấy dân mới có thực quyền. Không vậy thì hiến pháp chỉ là tờ giấy lộn và quốc hội bị chế giễu là bao gồm các thành viên nghị gật, làm bù nhìn cho đảng chứ không phải cho dân và vì dân.


Đấu tranh lật đổ “ba đế quốc sừng sỏ” mà nhân dân không có thực quyền thì không nên tự hào tuyên bố rằng đã có công thống nhất đất nước hay giải phóng ai cả. Chỉ thể hiện sự yếu kém trong và của lãnh đạo.


Hãy làm một so sánh: Ở những quốc gia mà người dân có quyền thay đổi chính phủ chuyên quyền hoặc yếu kém trong ôn hòa mỗi bốn hay năm năm thông qua bầu cử tự do, đại đa số đều là những quốc gia cường thịnh, vươn vai phát triển. Những nơi chính quyền không được thay thế, sử dụng vũ lực nhằm cố bám lấy quyền lực nhân danh ổn định xã hội, tước quyền tự do của dân, bỏ tù những người bất đồng chính kiến..., hầu hết đều yếu kém hay phát triển thiếu bền vững.


Hãy xem: Việt Nam có lực lượng công an to lớn, rộng khắp nhưng cuộc sống nhân dân không bình yên; luôn miệng nói kinh tế phát triển nhưng chợ búa ế ẩm, hàng loạt cửa hàng phải treo bảng cho thuê; thất nghiệp tràn lan ở mọi lứa tuổi; rất nhiều điều cấm đảng viên không được làm, luôn hô hào hành xử nhân văn, nhân dân phải học theo đạo đức của người khai sinh ra đảng nhưng đảng viên tham ô, hủ hóa, bị tù không kể xiết. Tuổi trẻ, tương lai của dân tộc và các bậc cha mẹ giàu lẫn nghèo đều mong con cái được đi du học hay lao động ở nước ngoài; đảng viên các cấp cũng tranh thủ mua nhà cửa, cho con du học ở những nước đối nghịch với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chứ không mấy ai cho con đi học ở các nước thuộc “thiên đường cộng sản”. Điều này xảy ra nhan nhản trước mắt chứ không phải phản động nào tuyên truyền, tố cáo hết. Điều đó chứng tỏ giáo dục xã hội chủ nghĩa và đường lối cai trị sai lầm trầm trọng.


Tất cả chỉ vì hệ thống chính trị giả dối, không minh bạch; tư pháp không độc lập, không bị giám sát vì thiếu tự do ngôn luận; nhiều đảng viên phạm luật tày đình nhưng chỉ bị kỷ luật nội bộ mà nhà nước luôn hô hào mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Người dân bình thường đều biết “điểm nghẽn” nằm ở đâu. Đảng viên cấp cao đại đa số là những “hàng thần lơ láo” mặc kệ đất nước, chỉ lo vơ vét cho đầy túi tham, ngay cả trong lúc quốc gia gặp nguy khốn trong đại dịch Covid; lãnh đạo không có đảm lược thay đổi chỉ vì cố bám lấy mâm cao cỗ đầy và quyền lực kiểm soát toàn bộ xã hội khiến nhân dân và đất nước thua thiệt, tụt hậu.


Dân và nhà nước là một nên phải hiểu rằng tương quan quyền lực giữa dân và nhà nước là tương quan thông thoáng, thuận lợi hợp lý hai chiều, đối lập mà thống nhất, không phải một chiều: trên chỉ đạo, dưới phục tùng, không cho có ý kiến phản biện để thảo luận đúng sai của sự chỉ đạo. Do vậy mà thiếu lực và bóp nghẹt sáng tạo. Thiếu lực thì không thể vươn vai làm gì hết.


Đảng là một cỗ máy ù lì đồ sộ, xơ cứng không uyển chuyển - chỉ là lực cản đối với mong ước và ý chí vươn lên của dân tộc.


Dân là trí tuệ của đảng. Đảng từ dân mà ra. Chuyển dần cơ chế hiện nay sang bất kỳ cơ chế nào đó mà tư pháp độc lập, hay ít ra, đảng và nhà nước cần can đảm minh bạch và giải trình mọi việc quan trọng sẽ giúp khai thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đang được nói tới, không cần phải đe dọa “bỏ điều 4 là tự sát” hay nghiêm cấm đề cập đến tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng chi cả.


Thực ra, nếu biết cách quản lý, tổ chức công việc khoa học, không cần có đảng nào cầm quyền hết để tránh cảnh tranh chấp đảng phái gây chia rẽ mà cỗ máy vẫn chạy trơn tru (đề tài này sẽ được khai triển khi có dịp: Chính trị Việt theo cơ chế “đan quyền” của cha ông, chứ không phân quyền của Tây hay đều quyền của Tàu).


Dân là một


Nói đến dân thì không có sự phân chia giai cấp, phân biệt địch-ta, cộng sản-phản động khi đã “thống nhất đất nước” 50 năm. Không chính phủ có tâm, có tầm nào đi thống nhất đất nước rồi lại phân dân ra như thế.


Là người Việt thì ở đâu, chính kiến có khác biệt cũng đều là những người yêu nước, thương dân theo truyền thống anh em một bọc. Trong nước gặp thiên tai, máu chảy ruột mềm, người Việt nước ngoài đều gửi tiền về hỗ trợ. Khi cần thì Đảng kêu gọi giúp đỡ, tôn vinh họ là “khúc ruột ngàn dặm”; không cần thì ra rả tố là “thế lực thù địch”. Như vậy có phải thực tâm muốn thống nhất hay gieo rắc chia rẽ? Lãnh đạo thì phải ăn nói, hành động cho có văn hóa, khôn ngoan lịch lãm chứ không nên hàm hồ chợ búa, không thuyết phục được ai mà còn bị khinh rẻ, coi thường. Làm việc lớn, nhất là công tác lãnh đạo, cần có tâm lớn mới dễ thành công.


Không người dân nào muốn đất nước bị phân chia, nhưng lòng người ly tán làm sao tạo lực? Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực tâm hòa giải với dân, trước hếtđối thoại thay vì đàn áp, bỏ tù những người trong nước thành tâm góp ý xây dựng. Qua đó Đảng sẽ biết cách tạo điều kiện cho dân thực thi quyền dân trong ổn định - cả xã hội mới vươn vai lớn mạnh như Phù Đổng. Phù Đổng có lớn dậy được là nhờ dân làng giúp đỡ, nuôi ăn. Vậy muốn vươn mình, phải có dân. Khi dân có quyền lên tiếng đòi thay đổi những kẻ “ăn của dân không từ thứ gì”, “bầy sâu” nhung nhúc khắp nơi tàn phá đất nước theo quy định của luật pháp thì lúc đó lực nhà nước sẽ là vạn năng. Hô hào điều gì sao dân không hết lòng lắng nghe và hợp tác?


Hãy noi gương các nước chính quyền được thay đổi hợp pháp liên tục mà đất nước họ có loạn đâu? Dân càng có quyền tự do thay thế chính quyền trong ôn hòa bằng lá phiếu bầu cử tự do thì đất nước càng ổn định. Ngược lại, lấy cớ ổn định xã hội để chống mọi sự thay đổi sẽ khiến cơ chế bị xơ cứng, không thể vươn vai đi đâu hết.


Không chịu thay đổi theo xu hướng tiến bộ chung của nhân loại thì chính Đảng tự tạo ra thế lực thù địch ngăn cản tiến bộ và tự thủ tiêu mình. Thể chế tự do dân chủ sử dụng trí tuệ của toàn dân giúp cơ chế có tính đàn hồi, dễ dàng thích ứng với thời cuộc và các biến động quốc tế. Đơn giản vậy thôi.


Tiếp đến là thành tâm hòa giải với những người Việt ở nước ngoài, nhất là những người có xuất xứ từ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).


Trong cuộc tương tranh quốc tế vừa qua, vì sự áp đặt của các đại cường mà miền Nam phải bảo vệ lấy mình và cần sự trợ giúp của đồng minh. Giai đoạn lịch sử đau thương đó đã qua, giờ đây họ phải có tiếng nói và cũng có quyền bình đẳng như những công dân khác. Chống “thế lực thù địch”, chống đồng bào mình chính là chống dân, tự chặt tay chân mình. Thực tâm hòa giải, biến “địch” thành ta, hay ít ra thành đồng minh là cách tạo lực khôn ngoan, thức thời của cấp lãnh đạo có tâm và có tầm, cũng đúng theo truyền thống Việt, không cần đến chủ nghĩa đầy khiếm khuyết, bạo lực Mác-Lê, hay xã hội chủ nghĩa lấy vật chất quyết định tinh thần rất thiếu sót, sai lầm của cộng sản – chỉ nhìn ra sự cần thiết của vật chất mà không nhận thấy tầm quan trọng không kém của tinh thần là mới chỉ biết có một nửa của sự thật hiển nhiên.


Làm được như trên là biết cách thu phục nhân tâm, nhất hô bá ứng, tạo lực cho nước. Người Việt ở nước ngoài trở thành tiếng nói vang xa từ tổ quốc, là những “nhà ngoại giao” rất thuận lợi cho kỷ nguyên đất nước vươn mình, vững chãi tiến xa.


“Cờ vàng ba sọc đỏ, còn gọi là cờ phụng, là lá quốc kỳ đầu tiên của nước Việt Nam xuất hiện trước cộng đồng quốc tế. Cờ này được các tổ chức quốc tế thuộc Liên Hiệp quốc nhìn nhận, trong suốt thời gian từ khi Pháp trả độc lập 1948 đến lúc sụp đổ 1975.” (fb Trương Nhân Tuấn). Cờ vàng tiếp nối các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... trong suốt dòng sử Việt. Phải công nhận cờ vàng và thể chế Việt Nam Cộng Hòa để có cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền, giành lại Hoàng-Trường Sa cho Việt Nam, vì “Đế quốc Việt Nam” do Bảo Đại theo Nhật chống phe Đồng minh, thành lập từ tháng 3 năm 1945 thuộc phe Trục “thua cuộc”, “sẽ không được Đồng minh công nhận” (Trương Nhân Tuấn), nên không hợp pháp trao lại cho Việt Minh. Đứng trên thực tế này thì Việt Minh (tiền thân của Cộng sản VN) mới đáng bị gọi là “ngụy” (tức giả, hay tay sai).


Vậy không có lý do gì để tiếp tục coi và gọi những người có xuất xứ VNCH là “ngụy” hay “thế lực thù địch, phản động, đu càng”. Rất kém nhân văn mà chẳng thuyết phục được ai, lại chỉ gây chống đối liên tục. Càng gọi vậy, càng tỏ ra là mình kém cỏi, hẹp hòi.


Ăn nói, hành xử thế nào cho văn minh, cho dân nể phục và tin tưởng mới đạt đến đỉnh cao của thuật lãnh đạo.


Nhân dân và nhà nước đối lập thống nhất


Giai đoạn tranh chấp vàng-đỏ đã qua, hãy vươn vai vượt qua chính mình nhằm xây dựng một nước Việt Nam mới, không chỉ cho và có những người cộng sản, mà cả những người không cộng sản trong, ngoài nước.


Biểu tượng Tiên Rồng, chia bọc trăm con rồi gặp lại nhau trên bến sông Tương trong văn hóa Việt ẩn ý dạy cháu con: cuộc đời luôn có những hiện-tượng-sống mang tính đối lập (cá nhân-tập thể; bảo thủ-cấp tiến). Cha ông ta với nền văn minh lúa nước (cần cả mưa và nắng, âm dương đối lập) trải hàng chục ngàn năm đã nhận ra rằng: phải biết thống nhất các đối-lập-tính đó, cuộc sống mới cân bằng phát triển, như thống nhất giữa nam và nữ thành gia đình; “thống nhất” nước-lửa để biến gạo thành cơm; thống nhất nhân dân và nhà nước nhằm tạo sức mạnh vạn năng.


Không biết cách thống nhất để đối lập trở thành tranh chấp, chống đối nhau chỉ gây trở ngại, đổ vỡ (đề tài này sẽ được khai triển sau, qua phương pháp quản lý công việc khoa học từ nhỏ đến lớn – gọi là Học thuyết Cơ năng-Bản vị ).


Biết cách thống nhất thì không còn phải sợ hãi, ngăn ngừa đối lập nữa, mà cả hai phía đối lập đều cần thiết, có thể đóng góp tùy vị trí, khả năng và hoàn cảnh.


Khác biệt, đối lập, không những không nguy hiểm như người cộng sản lo sợ hão, mà rất cần cho đất nước phát triển.


Biết khai thác đối lập thì như người có hai chân: chân trụ là bảo thủ, chân bước là cấp tiến. Xã hội cần cả hai loại người này. Cũng vậy, tập thể quy định cá nhân, cá nhân tạo ra tập thể. Nhân danh “tập thể lãnh đạo” để chối bỏ trách nhiệm, hoặc không cho phép nhân dân có ý kiến khác biệt chỉ làm thui chột sáng tạo cá nhân, kìm hãm sức vươn vai phát triển của cả xã hội.


Chỉ dân Việt mới có cả hai biểu tượng mang tính âm-dương Tiên-Rồng đối lập mà thống nhất đó.


Nguyên lý “đối lập thống nhất” cha ông truyền lại mà ngày nay chúng ta quên, chạy theo tranh chấp (duy) tâm-(duy) vật, tư bản-cộng sản của phương Tây chỉ gây đau thương tang tóc cho dân tộc, tới giờ vết thương vẫn chưa lành vì không nhìn ra sức mạnh vạn năng của việc áp dụng tính thống nhất các mặt đối lập hiện hữu rất tự nhiên trong xã hội mà không cần triệt tiêu nhau. Tiếp tục gieo rắc hận thù mới chính là những thế lực thù địch phản dân hại nước cần loại trừ.


Ngày Xuân là ngày hội lớn của toàn dân. Dân thì không được phân biệt đối xử hay phân chia thành giai cấp, địch-ta chém giết, thắng-thua thù hận nhau, trái với đạo sống Việt.


Năm mươi năm qua đã quá đủ dài để nhìn lại, khắc phục sai lầm mà cách mạng đổi mới. Thực ra, cuộc “cách mạng” này chỉ là quay về với đạo thống Việt. Không gì phải lăn tăn, hổ thẹn mà còn được ủng hộ, tán dương.


Có khôn ngoan sử dụng trí tuệ của toàn dân đã thành sử thống Việt – biện chứng văn hóa thống hợp Tiên Rồng do cha ông truyền lại để biết yêu thương nhân dân, lấy dân làm gốc như đã trình bày mới có thể tạo ra sức mạnh vươn vai Phù Đổng giết giặc cứu nước, cứu cả Đảng mà không cần dựa vào chủ nghĩa sai lầm một chiều nào cả.


Ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam có sáng suốt nhận ra điều này để thực hiện theo ý nguyện toàn dân hay không?


Tạ Dzu


(Xuân Ất Tỵ 2025)
23 Tháng Chín 2013(Xem: 26194)
Vào ngày Chủ Nhật 15/9/2013, một Nghị Hội do Phong Trào Đoàn Kết VNCH dưới sự lãnh đạo của Ls Ts Lê Trọng Quát Cựu Quốc Vụ Khanh Chính Phủ VNCH và Gs Ts Nguyễn Thanh Liêm Cựu Thứ Truởng Bộ Giáo Dục Chính Phủ VNCH tổ chức thu hút gần 400 người tham dự.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 24899)
Nhân dịp Ngày Quốc Tế Dân Chủ (International Day of Democracy) 15 tháng 9, hôm nay nhiều chục nhà lập pháp từ 18 quốc gia dân chủ trên thế giới tề tựu ở Quốc Hội Hoa Kỳ để chia sẻ kinh nghiệm và bàn luận kế hoạch đẩy rộng trào lưu dân chủ toàn thế giới.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 29684)
Ngày 12/09/2013, vào khoảng 7 giờ sáng, các nhân viên an ninh Việt Nam đến nhà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang để tra hỏi về các bài viết của ông mới đưa lên mạng, đặc biệt trong đó có bài viết chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ký kết văn bản hợp tác với lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có thỏa thuận để « công an Trung Quốc vào lập trật tự trị an ở Việt Nam » và bài báo về nghi vấn Hồ Chí Minh là người Việt hay người Tàu của đại tá Phạm Quế Dương, đăng trên Tập san Tổ Quốc.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 24191)
Trên tinh thần tranh đấu cho một nước Việt Nam thật sự Tự do Dân chủ và Nhân quyền, Phong trào Đoàn kết VNCH trân trọng kính mời quý cơ quan Truyền thông Báo chí Việt ngữ đến tham dự buổi họp báo diễn ra tại: Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí
18 Tháng Chín 2013(Xem: 22875)
WESTMINSTER – Sáng Thứ Ba, ngày 10-9-2013 Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa do Giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm làm Chủ Tịch đã mở cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí (Quán Zen) để phổ biến Cương Lĩnh và Tuyên Ngôn của Phong Trào...
11 Tháng Chín 2013(Xem: 21818)
Thực sự, 1989 đã không chỉ xảy ra trong năm 1989. Trong khi thế kỷ thứ hai mươi đã không bắt đầu cho đến 1914, và thế kỷ thứ hai mươi mốt đã không bắt đầu cho đến tháng Chín 2001, thì 1989 đã thực sự bắt đầu ít nhất một chục năm trước. Nhưng bị thôi miên bởi cảnh lễ hội (carnival) bắt mắt xảy ra trên đỉnh bức tường Berlin, hầu hết thế giới đã không nhận ra rằng cái đã có vẻ như sự sụp đổ đột ngột của chế độ cộng sản đã không là một phép màu cũng đã chẳng là thành tựu của các cường quốc nước ngoài. …
11 Tháng Chín 2013(Xem: 24680)
Các báo của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đăng nhiều bài chỉ trích quan điểm kêu gọi thành lập đảng đối lập của ông Lê Hiếu Đằng.
11 Tháng Chín 2013(Xem: 22051)
Thay mặt Đảng Việt Tân xin kính chào và cảm ơn quý vị đã dành thời giờ rất là quý báu đến tham dự buổi lễ tưởng niệm Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các Kháng Chiến Quân đã hy sinh trên con đường Đông Tiến cách nay 26 năm.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 25024)
Sau khi bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi và bài viết Phá xiềng của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận đăng tải trên các trang mạng, một số bạn bè, đồng đội, nhân sĩ trí thức, nhà báo…, hoặc qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp tôi đặt một số vấn đề, khiến tôi thấy cần làm rõ thêm về những suy nghĩ của mình.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 24824)
Thời gian vừa qua, có dịp vào Sài Gòn, được tin ông Lê Hiếu Đằng phải cấp cứu ở BV Bình dân, tôi và bạn bè đã đến thăm ông. Chúng tôi nhìn nhau khôn xiết bồi hồi. Sờ bàn chân ông thấy có hiện tượng phù nhẹ, nhưng trông khuôn mặt thì vẫn rất linh lợi, nhất là ánh mắt sáng láng, vẫn ngời lên cái khát vọng tha thiết về tương lai dân chủ hóa cho đất nước.
11 Tháng Tám 2013(Xem: 24836)
Tổng thống Obama tiếp bà Aung San Syu Kyi tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 9 năm 2012. và gặp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc, ngày 25/7/2013.
11 Tháng Tám 2013(Xem: 26801)
Nhân chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Mỹ trong mấy ngày cuối tháng 7 vừa qua, thử nghĩ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 23367)
Hình thức phản kháng rõ ràng nhất, vang dội nhất chính là sự thể toàn dân Việt Nam một lòng nắm tay nhau tấn công Trung Cộng và Công Sản Việt Nam trên các trận địa chính trị, kinh tế, ngoại giao, truyền thông…
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 38422)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Washington DC - REUTERS /L. Downing
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 23333)
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, lên đường sang Hoa Kỳ. Đây là một chuyến đi xa hiếm có và hệ trọng. Người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước rất chú ý theo dõi cuộc đi này.
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 22658)
Trong hơn 20 năm nối lại quan hệ ngoại giao bình thường từ sau khi Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận đối với nhà cầm quyền CSVN vào năm 1995, Tòa Bạch Ốc đã đón tất cả 4 nhân vật cao cấp của Hà Nội gồm: ông Phan Văn Khải, ông Nguyễn Minh Triết, ông Nguyễn Tấn Dũn, và lần này là ông Trương Tấn Sang.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 22709)
Tình hình chính trị ở Việt Nam đang đòi hỏi cấp bách một tổ chức chính trị, để thoát khỏi tình trạng độc đảng lạc hậu và tệ hại cho dân cho nước.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 24670)
Về việc đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) sửa đổi Hiến Pháp, Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) tuyên bố trước dư luận trong ngoài nước những quan điểm sau đây
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 24066)
Cần lưu ý quý bạn là tình hình rồi ra ngày càng trở nên phức tạp, xin hãy cẩn trọng theo sát tình hình thế giới để biết cụ thể những gì sẽ sảy ra cho thế giới và đất nước.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 23883)
Lịch sử Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy chế độ nào cũng có người bất đồng với chính sách của lãnh đạo. Nhưng cách nhà cầm quyền đối xử với thành phần đối lập nhiều khi rất thô bạo, thiếu tính văn minh và dân chủ.