Ngô Nhân Dụng: Hãy chôn cất Chủ nghĩa Cộng sản

31 Tháng Bảy 20246:50 SA(Xem: 682)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 1 - THỨ TƯ 31 JULY 2024


Ngô Nhân Dụng: Hãy chôn cất Chủ nghĩa Cộng sản


VOA 26/07/2024

Ngô Nhân Dụng

https://www.voatiengviet.com/a/hay-chon-cat-chu-nghia-cong-san-/7713045.html


image003Tại một hội chợ sách ở Bắc Kinh, 2005. Các hình chân dung, từ trái: Marl Marx, Friedrich Engels, Lenin.


Trong bài trước, mục này đề nghị đảng Cộng sản Việt Nam hãy chôn cất chủ nghĩa Mác - Lê nin. Hơn nữa, từ nay phải chấm dứt không tôn thờ một thứ chủ nghĩa hay lý thuyết kinh tế, chính trị nào nữa. Đó là một căn bệnh tâm thần từ châu Âu lan ra thế giới từ thế kỷ 19, mà chính các nước Tây phương nay đã trị gần hết bịnh rồi.


Ông Nguyễn Phú Trọng phí bộ óc thông minh của mình cả đời cổ động cho lý thuyết chính trị lỗi thời của Karl Marx và Vladimir Lenin. Ông viết: “… điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin” (Trong bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,” năm 2022.)


Ông Trọng ca ngợi “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác – Lênin.” Nói “cách mạng triệt để” thì đúng, nhưng từ trăm năm nay ai cũng biết “chủ nghĩa” đó không hề có tính chất khoa học, từ khi loài người hiểu thế nào là khoa học.


Trước kia, các hiểu biết thường được gọi là khoa học nếu có thể xác nhận qua các bằng chứng hoặc thí nghiệm cụ thể. Nhưng Karl Popper, trong cuốn “Logik der Forschung” (Quy luật của Khám phá Khoa học), in năm 1934, cho thấy một đặc tính cốt yếu của các giả thuyết khoa học là chúng có thể bị chứng minh ngược lại (falsifiability). Điều nào không thấy chứng cớ bác bỏ được thì tạm coi là đúng, cho đến khi thấy bằng chứng mới. Karl Marx trình bày các lý do khiến kinh tế tư bản sẽ sụp đổ, các phát biểu này không thể dùng thí nghiệm để phủ nhận. Cuối cùng, ông chỉ phỏng đoán ra một tương lai, hoàn toàn tưởng tượng. Cho đến khi giấc mơ của ông được thi hành, bắt đầu từ nước Nga, cả loài người biết Marx sai lầm. Bây giờ mà còn tôn thờ chủ nghĩa đó thì đúng là mê tín, phản khoa học.


Một điều ông Nguyễn Phú Trọng luôn luôn khẳng định là: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc.” Có rất nhiều bằng chứng ngược lại. Sau Đại chiến Thứ Hai, bao nhiêu dân tộc đã giành lại độc lập, từ châu Á đến châu Phi, không ai dùng tới chủ nghĩa cộng sản. Trung Cộng, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba theo nên sau đó chậm phát triển, phải quay ngược chiều, bắt chước kinh tế tư bản.


Năm 2008, nói trên đài ti vi ở Hà Nội ông Nguyễn Phú Trọng đã báo tin rằng chỉ trong ba năm nữa thôi “Hội đồng Lý luận Trung ương” sẽ hoàn tất việc nghiên cứu để tìm ra một “Học thuyết xây dựng chiến lược Việt Nam trong thế kỷ 21.” Từ đó tới nay, cái “chiến lược” đó vẫn chỉ gồm những khẩu hiệu.


Trong bài phát biểu ngày 19 tháng 5, 2021, ông Nguyễn Phú Trọng tự trả lời cho câu hỏi “chủ nghĩa xã hội là gì?” Ông mô tả đó là “… một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; … có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc…; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.” Tất cả chỉ là những ước vọng, ai muốn hô lên cũng được không thể gọi là chiến lược hay kế hoạch. Chỉ có một điều cụ thể là ông xác nhận “nhà nước” phải “do Đảng Cộng sản lãnh đạo!” Ông Kim Jong Un cũng từng nói giống hệt như vậy với dân Bắc Hàn; ông Pol Pot nếu còn sống cũng hô hào không khác! Phải do Đảng của tui lãnh đạo!


Trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang ca tụng ông Nguyễn Phú Trọng “để lại một di sản lý thuyết” lớn lao về chủ nghĩa Mác – Lênin, thì người Việt biết rằng chúng tôi không cần cái di sản tác hại đó! Hàng trăm năm qua loài người vẫn cứ thế tiến tới, không nhờ một chủ nghĩa nào chỉ đường dẫn lối cả. Bởi vì trước hết loài người phải sống đã, không ai chờ có một chủ thuyết nào rồi mới bắt đầu sống!


Cái bệnh đi tìm chủ thuyết phát sinh ở nước ta là do ảnh hưởng phương Tây. Các “ông Tây” sống duy lý từ mấy trăm năm trước đã xây dựng nhiều chủ thuyết để dẫn dắt người khác theo mình; nó thành một thứ bệnh truyền nhiễm.


Bệnh nặng nhất là ông Karl Marx, truyền xuống ông Lenin, lây dần dần sang nhiều người khác. Vì chủ nghĩa đó mà thế giới chia đôi, hai khối đánh nhau, người Trung Hoa, người Hàn quốc, người Congo, người Việt Nam chết nhiều nhất. Từ giữa thế kỷ 20 loài người bắt đầu trị bệnh chủ nghĩa, và đến mười năm sau cùng của thế kỷ thì hầu như mọi người đã trừ được loài vi khuẩn đó. Ngoại trừ ở những nước vẫn bế quan tỏa cảng, ngăn cấm thông tin, không cho dân được mở cái đầu ra, nhiều người vẫn còn mơ màng về một thứ chủ thuyết nào đó. Khi thấy chế độ cộng sản ở Nga và Âu châu sụp đổ, có những người ở Việt Nam lo lắng một cách thành thật rằng sau khi dẹp bỏ lý thuyết Mác Lê thì không biết mình sẽ nương tựa vào một ý thức hệ nào để mà sống! Đúng là lo... con bò trắng răng!


Con người sinh ra để sống chứ không phải để chuẩn bị sống, như một nhân vật của Boris Pasternak nói. Hay nói như Trang Tử, vì có người đi nên mới có đường đi (Đạo hành chi nhi thành); không phải vì có con đường rồi nên mọi người mới biết lối đi. Biết vậy, nhưng vẫn phải chờ tới khi chế độ cộng sản hoàn toàn thất bại ở Nga, thất bại hiển nhiên khi kinh tế suy sụp, thì loài người mới vỡ lẽ ra rằng tất cả câu chuyện chủ nghĩa là chuyện tầm phào!


Nếu vậy thì trong kinh tế tư bản người ta không cần một chủ nghĩa nào chỉ đạo hay sao? Đúng như vậy. Kinh tế tư bản chỉ dựa trên vài nhận xét của nhà đạo đức học xứ Scotland, Adam Smith. Ông ta thấy rằng bất cứ ai, một bà nướng bánh hay một ông hàng thịt, họ làm việc chính vì muốn kiếm lời; nhưng khi ai cũng làm như thế thì người chung quanh cũng được hưởng. Smith cũng thấy một điều là người ta thường chỉ trao đổi với nhau nếu cả hai bên thấy mình có lợi. Đó là hai ý kiến căn bản của kinh tế tư bản, có ai muốn gọi đó là một chủ nghĩa hay không?


Thức ra mọi môn khoa học đều không cần một chủ nghĩa và không nên có. Vì các kiến thức khoa học đều là những giả thuyết, người ta tạm dùng cho đến khi nào bị đánh đổ nếu có chứng cớ trái ngược. Trong thiên văn bây giờ mọi người tin ở thuyết Big Bang nhưng không ai tôn thờ nó như một chủ nghĩa. Trái lại, ai tìm ra được một kẽ hở nào trong lý thuyết đó sẽ được cả làng thưởng công! Trong kinh tế học cũng vậy, không có lý thuyết vĩ đại nào với tham vọng giải quyết mọi vấn đề nhân sinh, mà chỉ có những tìm tòi và khám phá cụ thể.


Một tấm gương là Leonid Hurwicz, nhà kinh tế lỗi lạc đã qua đời. Ông sinh ở Matx Cơ Va trước Cách mạng Tháng Mười, chạy qua Ba Lan năm 1919 để tránh chế độ cộng sản. Tốt nghiệp luật khoa ở Đại học Warsaw, ông sang Anh học về kinh tế, rồi năm 1940 sang Mỹ. Hurwicz chịu ảnh hưởng của những giáo sư kinh tế nổi danh ở London khi ông theo học ở đó, như Friedrich Hayek, Nicholas Kaldor, và Ludwig von Mises. Vào những thập niên 1930, 40, có những nhà kinh tế thất vọng trước cuộc thí nghiệm của Liên Xô đã cổ động việc cải thiện hệ thống xã hội chủ nghĩa. Tuy không đồng ý với lý thuyết kinh tế của Karl Marx và cũng không thích chế độ độc tài kiểu Stalin, Oskar Lange đã nẩy ra ý tưởng kết hợp kinh tế thị trường với Chủ nghĩa Xã Hội.


Trong khi đó, Hayek và von Mises nhìn thấy nhược điểm cơ bản của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, là vấn đề thông tin. Sống trong thời đại tin học chúng ta hiểu vấn đề này nhanh, nhưng vào thập niên 1940 thì đây là một khám phá. Đời sống kinh tế dựa trên tin tức, các quyết định kinh tế dựa trên thông tin. Trước khi trao đổi sức lao động, hàng hoá, tiền bạc, người ta thế nào cũng tìm hiểu tin tức. Không một uỷ ban kế hoạch nhà nước nào có thể thu lượm đầy đủ thông tin về nhu cầu cũng như khả năng của tất cả mọi người trong xã hội. Ngược lại, trong một hệ thống thị trường thì mọi người đều “tự động tiết lộ” những thông tin về nhu cầu và khả năng cung ứng của họ: Chỉ cần coi giá cả lên hay xuống khi họ mua bán, trao đổi với nhau! Giá cả là động cơ điều tiết thị trường.


Hơn thế nữa, như Friedrich Hayek đã biện luận, khi kinh tế được tập trung chỉ huy thì cuối cùng sẽ thất bại. Vì thất bại cho nên phải cưỡng chế, dẫn đến cảnh nô lệ hoá mọi người. Một chế độ kinh tế tập trung chỉ huy cuối cùng sẽ tước bỏ hết các quyền tự do. Từ đó, đến nhân phẩm cũng mất.


Leonid Hurwicz thoát khỏi giấc mơ Chủ nghĩa Xã Hội và các thứ “Chủ nghĩa” nói chung. Ông không xây dựng một chủ thuyết nào cả mà chỉ nêu những vấn đề thực tế, giải quyết từng chuyện cụ thể một. Một trong các đề tài ông theo đuổi là “động cơ kinh tế của mỗi cá nhân.” Làm cách nào để mọi người tham dự một cuộc chơi kinh tế tự tiết lộ những tin tức mình có, chứ không giữ kín. Hay là làm thế nào để mọi người cố gắng hết lòng cho xong công việc chứ không chỉ làm lấy lệ. Trong tất cả các vụ đó, phải vẽ ra những cách thưởng, phạt để người ta thấy có lợi nếu nói thật, và có lý do muốn làm hết sức mình.


Một thí dụ về phương pháp tạo động cơ thích hợp là câu chuyện chia đôi cái bánh. Bà mẹ có thể cắt cái bánh thật công bằng, chia cho hai con. Có thể trao nhiệm vụ cắt bánh cho anh, khuyên nhủ anh phải chia đều với em. Nhưng thế nào mỗi đứa con cũng thấy phần của mình nhỏ hơn, có thể trong lòng sẽ ganh tị. Bây giờ có thể bày ra một “cơ chế” như vầy: Một đứa con sẽ cắt bánh làm hai phần, nhưng đứa kia sẽ được chọn phần bánh trước. Với “cơ chế” như vậy, đứa trẻ có nhiệm vụ cắt bánh sẽ cố cắt hết sức công bằng, không cần phải nghe lời Đức Khổng Tử dạy hay là bị quản giáo nhồi sọ về một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh.”


Chính khi đi tìm những động cơ thích hợp để giúp một cơ chế kinh tế đạt kết quả, Hurwicz đã giúp người ta hiểu tại sao kinh tế cộng sản thất bại. Với những phương pháp thiết lập “động cơ thích hợp” nền kinh tế có thể hoạt động tự do mà xã hội vẫn theo đuổi được những mục tiêu ngoài kinh tế, như tôn trọng công bằng xã hội, trọng người già hoặc giúp trẻ em, vân vân, mà không cần“giáo dục” hay cưỡng bức ai cả. Điều quan trọng là không cần biến một thứ chủ nghĩa nào thành tôn giáo buộc mọi người tin theo.


Tự do dân chủ không phải là tên một chủ nghĩa. Dân chủ chỉ là những “luật chơi,” giống như luật đá banh vậy. Khi có tự do, người ta được chọn, khi cần phải cùng nhau chọn, đặt ra những quy tắc chọn lựa chung, thí dụ như bỏ phiếu. Cứ như vậy, loài người sẽ sống hạnh phúc hơn mà không cần tôn thờ một chủ nghĩa như lối người cộng sản trong thế kỷ trước.


Đa số những người cộng sản ở Việt Nam bây giờ, không tin vào chủ nghĩa nào nữa, chỉ tin ở thế lực kim tiền! Nhưng nhiều người vẫn còn muốn dân chúng tiếp tục tôn thờ chủ nghĩa Marx, để bảo vệ địa vị và tài sản của họ! Phải chấm dứt trò gian dối đó.

image005

Ngô Nhân Dụng


Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?


Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.


Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.


Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.