Địa chính trị châu Âu: Ukraine bị tàn phá nhưng Nga sẽ không thắng

10 Tháng Giêng 20237:49 SA(Xem: 2689)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 – THỨ BA JAN 10, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Địa chính trị châu Âu: Ukraine bị tàn phá nhưng Nga sẽ không thắng


  • Tác giả, Nguyễn Giang
  • Vai trò, bbcvietnamese.com
  • 8 tháng 1 2023

image003Nguồn hình ảnh, South Cambridgeshire District Council. Tranh của trẻ em tin vào chiến thắng của Ukraine


Chỉ vài tuần sau Tết Quý Mão ở châu Á tới đây là tròn một năm ngày Liên bang Nga tung ra cuộc chiến đánh vào láng giềng Ukraine.


Tôi không rõ sang năm, Con Mèo sẽ hiền hơn so với năm Con Hổ hung dữ, nhưng điều dễ thấy là Ukraine bị tàn phá kinh khủng sau gần một năm chịu trận.


Mấy ngày này, không rõ vì “hết đạn”, vì cú choáng sau vụ hàng trăm quân sĩ bị trúng hỏa tiễn Ukraine tại Makiivka, hay vì kính Chúa mà Tổng thống Vladimir Putin đột nhiên tuyên bố ngưng bắn.


Chính thức mà nói, phía Nga đưa ra 36 giờ ngưng bắn nhân dịp Giáng Sinh của Chính Thống giáo, đạo chung của đa số người Nga và Ukraine.


Thiệt hại vô bờ bến và lòng căm thù


Tuyên bố đó hẳn không làm phía Ukraine vui lòng chấp nhận, vì sự căm thù của họ lên rất cao.


Đó không phải là ý kiến từ ông Volodymyr Zelensky hay chính trị gia, tướng tá Ukraine nào, mà từ người dân thường.


Xin kể một chút là chúng tôi có quen một số gia đình người Ukraine tỵ nạn ở Anh, và tuần Giáng Sinh tháng 12 vừa qua có gặp một số bạn.


Olga là nữ hướng dẫn viên du lịch ngoài 40 tuổi, đang sống ở London.


Chị ấy buồn bã kể nhiều về gia đình đang ly tán, người từ phía Đông dạt lên Kyiv, người sang Ba Lan, người tới Đức, và ở Kharkiv chỉ còn mẹ già.


Sang Anh thì chị phát hiện ra bị ung thư và đang được điều trị, phải nghỉ việc làm tạm thời. Thế nhưng Olga nói dịp Giáng Sinh của Chính Thống giáo sẽ về nhà chăm mẹ già.


“Chết dưới bom đạn của Putin còn hơn sống vất vưởng bên này,” chị ấy bảo vậy.


Chúng tôi không dám hỏi thêm và chỉ chúc Olga may mắn.


Lúc chia tay sau tiệc, thật không ngờ, người phụ nữ đột nhiên bảo vợ tôi bằng tiếng Nga: “Chúng tôi sẽ báo thù, báo thù.”


Sự căm thù trước những tàn phá, giết chóc của quân Putin đã lên rất cao. Người Ukraine, gồm cả người chỉ nói tiếng Nga 100% như Olga muốn sẽ báo thù như những người Cossack vùng Zaporizhzhia chống lại quân Tatar, lãnh chúa Ba Lan, quân của Sa Hoàng thời xưa.


Hồi học ở Ba Lan tôi đã đọc được các câu chuyện về lòng yêu tự do, không sợ chết và về cả mối thù truyền kiếp mà đời sau phải trả cho được bằng máu của dân Cossack xứ Ukraine.


Bài hát của họ có câu:


Haj-da!


Vinh quang thay số phận Cossack, vì tự do, vì gió bay trên cánh đồng.


Hãy hát lên, chàng Cossack thì vẫn còn sống...


Cái chết không là gì với anh.


Không sợ lưỡi gương, không sợ đạn bay...”


Báo chí từ cả năm qua cứ đăng tin tay này, kẻ nọ ở Nga lăn ra chết. Không ai biết thực hư ra sao. Họ vô ý ngã từ lầu cao, lộn cổ từ du thuyền xuống nước, bị vỡ tim vì say xỉn, bị nội bộ trừ khử, hay chết tự nhiên?


Mà toàn những nhân vật quan trọng ở Nga và ít nhiều có dính líu đến nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.


Quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ, và không bao giờ đầu hàng quân Nga của người Ukraine ngày nay là rất thật. Hiện nay vì sức ép của Phương Tây muốn hạn chế cuộc chiến, quân Ukraine chưa thể đem chiến tranh vào đất Nga một cách công khai, nhưng không ai nói họ sẽ không bao giờ làm thế.


Cuộc chiến Ukraine-Nga trong năm 2023 vì thế sẽ khó đạt tới một giải pháp hòa bình, trừ khi ông Putin rút hết quân về biên giới Nga-Ukraine của năm 2014.


Nói như George Friedman trên trang Geopolitical Futures (The State of Play in Ukraine, 27/12/2022) thì cuộc chiến đang bước vào giai đoạn cả hai bên không hề có ý muốn nhượng bộ, và vũ khí, khí tài của họ đều khá dồi dào.


Friedman gọi đây là thời kỳ “cuộc chiến ổn định nhưng không dừng” (stable but unending war).


Thế nhưng Putin cũng không thể thắng nổi, vì một số lý do tôi sẽ nêu ở đoạn sau, còn bây giờ thì chúng ta hãy nhìn vào sự thực là Ukraine đã và đang bị tàn phá khủng khiếp.


Trang Deutsche Welle của Đức hôm 24/10/2022 nêu ra các ước tính nói Ukraine chịu thiệt hại chừng 750 tỷ USD, chỉ sau 8 tháng bị bắn phá. Cùng thời gian, GDP bị suy giảm 35% và chính phủ Ukraine mỗi tháng cần viện trợ 4 tỷ euro để bù vào lỗ hổng ngân sách.


Thêm vài tháng bắn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine từ quân Nga nữa, các con số nói trên tới nay hẳn đã tăng thêm hàng tỷ.


Các nguồn Phương Tây ước tính nếu chiến tranh dừng lại bây giờ thì tiền tái thiết Ukraine phải là 1 nghìn tỷ USD (theo Washington Post).


Sự tàn phá về con người, về tâm lý, về hội chứng hậu chiến chắc còn khủng khiếp và lâu dài hơn, khó tính được bằng tiền.


Ukraine nay đang phụ thuộc hoàn toàn về vũ khí, tiền bạc và hỗ trợ ngoại giao của các láng giềng như Ba Lan, của Anh, Mỹ và gần đây có cả Đức, Pháp cùng các nước Nato khác.


Sức mạnh duy nhất của họ là dân số tương đối đông (44 triệu, trong top 10 ở châu Âu), và tinh thần bất khuất.


image005Nguồn hình ảnh, Getty Images. Lễ hồi năm 2021 đưa hài cốt tướng Charles-Étienne Gudin từ Nga về Pháp. Ông tử trận năm 44 tuổi trong chiến dịch của Napoleon đánh Nga (1812) và xét nghiệm di truyền xác nhận một phần xương của ông được tìm thấy gần Smolensk năm 2019. Cuộc chiến Napoleon ở thế kỷ 19 vẫn có tác động đến tâm trí người châu Âu bất kể cha ông họ từng thuộc phe nào


Chiến tranh Napoleon và sự hình thành thế cân bằng


Nay sang vấn đề của Liên bang Nga, nhìn từ chiều kích lịch sử châu Âu.


Đây không phải là trận chiến đầu tiên của Nga ở nước ngoài, và chắc sẽ không là trận cuối cùng.


Tạm bỏ sang một bên thời Trung Cổ, tính từ thế kỷ 15 đổ về trước, thì Đế chế Nga đã từng đánh nhau với gần như tất cả các nước láng giềng và các cường quốc “bằng vai phải lứa”, gần xa.


Ta hãy điểm ra một vài ví dụ.


Liên quan đến vùng nay là Ukraine thì Đế chế Nga đã “choảng nhau” với Đế chế Ottoman vốn kiểm soát Crimea, biển Azov và lối ra Biển Đen cả thẩy 12 lần từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20.


Đã là chiến tranh thì luôn phải có bên thắng, bên thua, nhưng nhìn chung, Nga chỉ thắng Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) khi có một liên minh khác trợ giúp, và luôn thua khi người Thổ liên minh với các nước châu Âu khác.


Ví dụ trong ba cuộc chiến gần nhất:


Chiến tranh Crimea kết thúc năm 1856 với kết quả là Nga thua liên quân Ottoman, Anh và Pháp, phải nhường Moldova và vùng bình nguyên Danube cho người Thổ Nhĩ Kỳ.


Hơn 10 năm sau, Nga và liên quân thắng Đế chế Ottoman, và Istanbul mất đất ven Biển Đen cho Nga, và phải chấp nhận để Serbia, Bulgaria rơi vào quỹ đạo Chính Thống giáo.


Trong Thế Chiến I, Nga thua liên quân Ottoman với Đức và Áo-Hung, phải trả cho người Thổ một số vùng ven Biển Đen (Hiệp ước Kars).


Khi Nga không có đồng minh mạnh thì khả năng thua rất cao, và khi hợp sức được với các nước châu Âu khác thì cơ hội thắng tăng lên.


Điều này chẳng có gì đặc biệt và đã được lặp đi lặp lại ở các chiến trường khác mà Nga hay Đức, Pháp...có tham gia tại châu Âu trong nhiều thế kỷ.


Vì cho đến khi 'ông kẹ' Hoa Kỳ đông dân, tài nguyên gần như bất tận tham chiến ở châu Âu (Thế Chiến I, II), thì tầm vóc của các nước châu Âu không chênh lệch nhau quá nhiều.


To nhất luôn là Pháp và Đức, giành vị trí trung tâm, nhưng luôn có hai chàng khủng bên lề, Anh và Nga “chen vào” khi cần. Và cả bốn đều cần các “bạn tầm trung” như Áo-Hung, Phổ, Tây Ban Nha, Ý khi đánh nhau. Họ cũng cần nhân sự từ các nước nhỏ hơn ở Đông Âu, Balkan và đôi khi rủ Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc để tăng lợi thế cho phe mình.


Nói ngắn gọn thì sau khi Đế quốc La Mã Thần thánh tan rã, dân châu Âu gần như là 'cá mè một lứa'.


Bất cứ anh nào muốn nổi lên ngồi ngôi làm bá chủ châu Âu đều bị một nhóm các nước khác xúm lại kéo chân xuống.


Cách mạng Pháp 1789 và sự lên ngôi của Napoleon chấm dứt vị trí của Hoàng đế La Mã dân tộc Đức, đẩy châu lục vào một thời kỳ thảm khốc.


Pháp thời Napoleon Bonaparte có sức mạnh của một nền cộng hòa (cả nước đi lính) và ý chí chinh phục của một đế chế kiểu mới, đã tạo kỳ tích quân sự ngoạn mục, kiểm soát 2/3 châu Âu.


Thế nhưng tham vọng của Pháp bị một loạt các nước khác ra tay cùng chặn lại.


Năm 1812, Napoleon kéo đại quân gần triệu lính sang Nga, tính làm cỏ nốt Đế chế Âu-Á theo một thứ đạo khác lạ với truyền thống Tây La Mã và thảm bại.


Một dàn hợp xướng các vua chúa bảo thủ chẳng ưa gì nhau nhưng đã cướp lấy thời cơ họp lại, gồm Áo-Hung của nhà Habsburg (làm chủ Trung Âu, Bắc Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan), nước Phổ hung hãn, nước Nga đông dân (75 triệu vào năm 1814-15), và Đế quốc Anh.


Liên quân này nện cho quân Pháp hai trận liền, ở Leipzig (1813) và Waterloo (1815), xóa sổ ước mơ Hoàng đế châu lục của người đảo Corsica.


Ở đây, cần nhắc lại vai trò “ngư ông đắc lợi” của Anh ở thế kỷ 19, khá giống Hoa Kỳ hiện nay với cuộc chiến Ukraine.


Nước Anh không chỉ diệt nước Pháp bằng hải quân, bằng tài năng của Duke Wellington mà còn bằng viện trợ súng đạn rất nhiều cho các đồng minh ở lục địa châu Âu và bằng cả đồng tiền.


Các cú cấm vận lương thực và tiền tệ của London và việc dùng Royal Navy chặn lối Pháp ra biển làm Paris kiệt quệ.


Nghịch lý thể chế của Pháp lộ rõ: đội quân mang cờ Tự do-Bình đẳng-Bác ái nay lại chiếm đóng, bóc lột Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Ba Lan và vùng sông Rhine của Đức cho mục tiêu chiến tranh. Chiến tranh là tốn kém mà Pháp bị Anh cấm vận điêu đứng, hết tiền.


Sự khôn ngoan của Anh khiến Nguyên soái Mikhail Kutuzov hiểu ra...hơi muộn là không nên diệt Pháp đến cùng vì Nga cần Pháp tồn tại như đối trọng với Anh.


Trên lưng ngựa truy đuổi quân Pháp về tới đất Đức, ông tiên đoán:


“Chiến thắng này sẽ không đem lại cho nước Nga hay bất cứ vương triều nào trên lục địa điều gì, mà chỉ khiến kẻ kiếm lợi trên biển cả (Anh) trở thành kẻ thống trị. Sự thống trị đó sẽ trở nên không thể chịu nổi với chúng ta.”


Thế nhưng, các nước châu Âu đã học được bài học từ Chiến tranh Napoleon là làm theo ‘nhạc trưởng’ Klemens von Metternich (Thủ tướng Áo), tạo thế cân bằng ở Đại hội Vienna 1815.


Còn gọi là thỏa thuận Dàn nhạc châu Âu (The Concert of Europe), các nước chủ chốt chấp nhận chia sẻ lợi ích của tầng lớp trên, chống lại làn sóng cách mạng dân tộc (theo cảm hứng Cách mạng Pháp 1789). Mọi thay đổi lãnh thổ ở bất cứ xó xỉnh nào của châu Âu, từ Balkans đến Bồ Đào Nha, từ vùng Silesia, Bohemia tới hạ lưu Danube cần được thỏa thuận, không một ai được cậy to xác mà tự chiếm.


Châu Âu được ổn định từ 1815 đến 1870 và nguyên tắc “cấm xâm lăng” trở thành mấu chốt của ngoại giao quốc tế.


Dàn nhạc châu Âu tuy thế chỉ tồn tại được hơn 60 năm để tới 1871 bị loạn nhịp vì chiếc trống thiếc inh ỏi của Phổ.


Đức thống nhất dưới cờ của Phổ, nhờ mưu mô của Thủ tướng thép Otto von Bismarck và các chiến thắng với Đan Mạch, Áo và cuộc chiếm đóng Paris.


Mầm mống cho thế chiến xuất hiện...Nga, Anh, Pháp, Đức, Áo-Hung và Đế chế Ottoman lại một lần nữa bắn giết nhau năm 1914, nhân danh việc phục hồi thế quân bình...hồi xưa.  


Các thế hợp-tung diễn ra liên tiếp ở châu Âu và Cận Đông.


Trong Thế Chiến I, Đức và Ottoman liên kết (Central Power) nhưng chỉ thắng được Nga, rồi sau lại thua một liên quân hùng hậu gấp bội: Anh, Pháp, Nga, Ý, Romania, Canada, Nhật Bản và Hoa Kỳ.


Để báo thù, Đức tái vũ trang thời Hitler, tiến hành chiến tranh xâm lược, mở màn cho Thế Chiến II ở châu Âu.


Nhưng như nhiều sử gia đã chỉ ra, dù có quân đội mạnh, kỷ luật thép, vũ khí tốt, Đế chế III của Hitler vẫn là “nền kinh tế tầm trung” lại dám đánh cả Liên Xô và Anh-Mỹ, để “lưỡng đầu thọ địch” nên chuốc lấy thất bại kinh hoàng.


image007Nguồn hình ảnh, Getty Images. Hỏa tiễn chống tăng Javelin được dùng nhiều ở Ukraine


Cuộc chiến sẽ chỉ làm Nga yếu đi


Từ những bài học trên, có thể thấy việc người Nga “một mình cân cả Nato” lần này xem ra khó đem lại điều gì tốt cho họ.


Kể cả khi Nga có vũ khí ngang đẳng cấp với Phương Tây thì cán cân về nhân khẩu, kinh tế của phía ủng hộ Ukraine vẫn vượt trội so với Nga.


Mà thực tế cho thấy, vũ khí của Nga đang lạc hậu cả thế hệ so với chuẩn Nato.


Nói ngắn gọn thì Nga không có đồng minh nào ở châu Âu, và Trung Quốc hiện giờ có phải “đồng minh chân thành” của Nga thì còn phải bàn. Nhưng nếu nhìn vào các liên minh quân sự châu Âu xưa nay thì có vẻ  Trung Quốc chỉ là một thứ đồng minh ‘tù mù”, vì chưa góp cho Nga người lính nào.


Ta cần hiểu trên chiến trường người ta cần quân và súng đạn chứ không cần tuyên truyền về “đối tác chiến lược”.


Trong Thế Chiến II, Wehrmacht đã huy động tổng cộng 13 triệu đàn ông Đức cầm súng, và vào lúc cao điểm Hitler có 6,5 triệu quân tác chiến, cộng thêm quân của phe Trục gồm Ý, Romania, Hungary. Ấy thế mà Đức vẫn phải thua, vì Liên Xô huy động được gần 12 triệu quân, và đồng minh phía Tây có chừng 8 triệu.


So với thời đó thì câu chuyện Ukraine nay là cuộc chiến cục bộ đang thu hẹp lại.


Cuối cùng, để đánh giá về Nga tới đây có lẽ cần xem tính toán của Đức.


Các bạn còn nhớ ngay sau khi Nga tấn công Ukraine cuối tháng 2/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hào hùng tuyên bố Sự thay đổi Thời đại (Zeitenwende). Đức bỏ ra 100 tỷ euro xây dựng quân đội hùng mạnh vì tình hình mới và sẽ giữ chi tiêu quốc phòng theo chuẩn Nato: 2% GDP/năm.


Nhưng gần đây ông Scholz đã lẳng lặng rút khỏi các cam kết đó.


Đức thấy thực lực của Nga không đáng sợ như tháng 3/2022 và một Moscow yếu đi có thể đe dọa Berlin là chuyện rất xa vời (xem thêm Politico).


Berlin chi tiền cho Kyiv chống Nga, và giúp Warsaw – vốn đang 'hăng máu' muốn có bộ binh mạnh nhất châu Âu – làm tuyến đầu giữ sườn phía Đông Nato là đủ.


Pháp vừa làm tương tự, công bố lần đầu tặng Ukraine xe bọc thép AMX-10 RC.


Đó cũng là chính sách Hoa Kỳ và Anh đã theo đuổi gần một năm qua: hỗ trợ tối đa cho Ukraine nhưng không đem quân vào.


Ukraine thành tiền tuyến, Thế Chiến III không nổ ra. Vì về cơ bản thì ý chí phục hồi lại thế quân bình về địa chính trị, như thời kỳ Dàn nhạc châu Âu, vẫn còn nguyên đó.


Ý chí đã thành quy luật này chính là thứ Nga không thể một mình bẻ gãy.


image009Chụp lại hình ảnh, Nhà ở Bakhmut, miền Đông Ukraine bị trúng bom
29 Tháng Chín 2015(Xem: 16550)
"Năm nay, vào dịp cuối tháng 9, một số giới tại Indonesia lại làm lễ tưởng niệm vụ thảm sát những người cộng sản năm 1965 trong một trang sử đen tối của nước này." "Theo trang Jakarta Globe, ít nhất ba triệu đảng viên cộng sản, đã bị phái hữu và̀ các nhóm dân quân được chính quyền hỗ trợ, giết chết."
27 Tháng Chín 2015(Xem: 15218)
"Trước hết, vấn đề đàm phán về quần đảo Hoàng Sa. Như chúng ta đều biết, trên Biển Đông hiện nay có bốn vấn đề nổi cộm: tranh chấp chủ quyền biển, đảo; an ninh khu vực; tự do thông thương hàng hải, hàng không quốc tế và vấn đề bảo vệ tài nguyên biển. Ba vấn đề sau thu hút dư luận quốc tế, nhất là khi gần đây Trung Quốc mở rộng và xây cất ồ ạt trên các đá (rock) và các rạn san hô (coral reef), làm mờ đi một vấn đề thiết thân đến chúng ta: tranh chấp chủ quyền biển, đảo.
25 Tháng Chín 2015(Xem: 14734)
- "Linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý, 69 tuổi, một tù nhân lương tâm nổi tiếng của Việt Nam, bị Hà Nội kết án 4 lần với tổng cộng hơn 53 năm tù giam. - "Ông từng chịu tù khổ sai và bị biệt giam hơn 23 năm, bị quản thúc trên 15 năm, nay đang thi hành bản án 8 năm tù tuyên hồi năm 2007 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau các hoạt động mà giới bảo vệ nhân quyền xem là cổ súy cho quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận tại Việt Nam, nhưng bị nhà cầm quyền Hà Nội gọi là ‘chống phá nhà nước."
23 Tháng Chín 2015(Xem: 14942)
- "Những sai phạm nghiêm trọng trong điều hành của ông Dũng được cho là lý do khiến Trung ương Đảng phải họp kín sớm hơn dự đoán hồi đầu tháng Mười." - Là "một thủ tướng nhiều quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam và là người theo đuổi chính sách tăng trưởng nóng", tuy nhiên, “điểm yếu lớn nhất của ông Dũng là sự ngạo mạn và thiếu khả năng lắng nghe những ý kiến quan trọng,” giáo sư Carl Thayer bình luận."
21 Tháng Chín 2015(Xem: 17577)
"Hiện có nhiều tin đồn cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng Bí thư tiếp theo và xin được miễn trừ quy định tuổi tác. Điều này là chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị Việt Nam," Giáo sư Carl Thayer nhận định"
15 Tháng Chín 2015(Xem: 15863)
"Đó là vùng cấm địa," ông David Blackhall, tổng giám đốc công ty đầu tư bất động sản VinaCapital Real Estate, nói. Ông cho biết chẳng ai muốn làm chuột thí nghiệm cho những luật mới cả.
13 Tháng Chín 2015(Xem: 13609)
"Tại sao một sự việc vốn được xem là rất bình thường ở Mỹ lại trở nên chủ đề gây tranh luận như vậy? Những người ngoài cuộc ‘bàn’ gì về chuyện này? Phóng viên Khánh An của Ban Việt ngữ VOA tìm hiểu thêm..."
10 Tháng Chín 2015(Xem: 15430)
"Ông Đại Sứ nói là bà có quyền đeo khăn choàng cổ có hình ảnh lá cờ VNCH và chính ông chụp chung với bà Minh Ngọc và bà Amy Duong (là vợ của ông Đỗ Hùng) ngay trong phòng họp mà bà Minh Ngọc vẫn đang quấn trên cổ khăn choàng có hình ảnh lá cờ VNCH."
08 Tháng Chín 2015(Xem: 14841)
"Nhưng chỉ với vài bức ảnh ghi lại khoảnh khắc thi thể một em bé Syria dạt vào bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do đắm tàu trên đường cùng cha mẹ tìm nơi tị nạn, chạy khỏi quê hương đang điêu tàn vì khói lửa chiến tranh và bất ổn đã làm cho rất nhiều người, trong đó có tôi cảm thấy bàng hoàng, đau xót." "... Tất nhiên trong nguyên nhân gây ra chuyện này cũng không thể thiếu sự yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước của các quốc gia mà dân chúng phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ quê hương xóm làng tìm nơi lánh nạn…."
06 Tháng Chín 2015(Xem: 16780)
"Một người làm báo trong nước và một người làm báo ở nước ngoài, cả hai đều bị xử lý vì những gì họ viết trên Facebook chứ không phải trong công việc thường ngày. Nhà báo Đỗ Hùng bị miễn nhiệm khỏi chức Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo điện tử Thanh Niên và cũng bị Bộ Thông tin và Truyền thông thông thu hồi thẻ nhà báo. Blogger Lê Diễn Đức bị đài Á châu Tự Do, RFA, hủy hợp đồng mà theo đó ông được sử dụng trang web của đài này để thể hiện cách nhìn của ông về các vấn đề thời sự."
02 Tháng Chín 2015(Xem: 16243)
* Về hai bản Tuyên ngôn Độc lập. * Nhìn lại lời hứa của ông Hồ. * Lời kêu gọi "Đại đoàn kết" của cố TT Võ Văn Kiệt.
31 Tháng Tám 2015(Xem: 14500)
Nguyễn Quang A & Đoàn Viết Hoạt: Bản chất Việt Nam đã có đa nguyên rồi.
24 Tháng Tám 2015(Xem: 17569)
"Tóm lại, Đại hội toàn quốc Đảng CS lần thứ 12 sẽ thông qua các văn kiện Đảng và xác định chiều hướng chính sách đối nội và đối ngoại trong 5 năm sắp tới. Kết quả là một cuộc chuyển hóa thể chế êm đẹp sẽ diễn ra hay chế độ độc tài độc đảng sẽ tiếp tục thống trị đất nước một cách khắc nghiệt hơn và tàn bạo hơn."
21 Tháng Tám 2015(Xem: 16828)
- "Như William J. Duiker ghi nhận trong Vietnam: Nation in Evolution, xuất bản năm 1983, chỉ trong vòng hai tuần – từ ngày 14/08 đến ngày 28/08, khi vua Bảo Đại thoái vị – miền Bắc và miền Trung đã gần như hoàn toàn nằm trong tay Việt Minh và chỉ ở miền Nam những người Cộng sản buộc phải chia sẻ quyền lực với những lực lượng, thành phần khác.Theo học giả này đó là một cuộc chuyển giao quyền lực nhanh gọn, hầu như không có đổ máu gì." - "Trong cuốn Britain in Vietnam – Prelude to Disaster, 1945-6, xuất bản 2007, Peter Neville cho rằng nhân vật trung tâm trong những biến cố tháng Tám năm 1945 là Hoàng đế Bảo Đại. Theo học giả này, việc vua Bảo Đại thoái vị đã mở đường cho một nhóm người thuộc nhiều thành phần, đảng phái, khuynh hướng khác nhau lập nên ‘Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa’. Ông cũng cho rằng nếu vua Bảo Đại không từ ngôi, Việt Minh không thể lên nắm quyền."
18 Tháng Tám 2015(Xem: 15820)
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 17 tháng 8 dẫn tờ nguyệt san "Thế giới" Nhật Bản tháng 8 đăng bài viết "Mỹ tạo ra căng thẳng Biển Đông nhằm thúc đẩy Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể" của cựu giáo sư thỉnh giảng Takashi Okada - Đại học Takushoku Nhật Bản, bình luận viên khách mời của hãng tin Kyodo, Nhật Bản.
17 Tháng Tám 2015(Xem: 15547)
"Theo nguồn tin riêng của báo Văn Hóa,.."
13 Tháng Tám 2015(Xem: 15397)
- Công đoàn là của ai? - Tuyên bố của 21 tổ chức Xã hội Dân sự độc lập ở VN.
06 Tháng Tám 2015(Xem: 14242)
"Trang web của CSIS liệt kê các nhà tài trợ theo hạng mục chung. Họ tiết lộ rằng chính phủ Việt Nam trả cho CSIS trong khoảng từ 50.000 USD tới 500.000 USD trong năm 2014. Nhưng trang này không cho biết khoản tiền đó để dùng làm gì." "Ông Hiebert là đồng tác giả một nghiên cứu năm 2014 của CSIS có tựa “Một Kỷ nguyên Mới trong quan hệ Mỹ-Việt”. Vậy ai có thể đã trả tiền để làm nghiên cứu này?" “Ông Hiebert — sau khi tôi hỏi tới hai lần — đã thú nhận rằng chính phủ Việt Nam trả tiền cho nghiên cứu này. Ông nói rằng không có việc chính phủ Hoa Kỳ cấp vốn cho nghiên cứu đó,” tác giả viết."
04 Tháng Tám 2015(Xem: 16542)
"Theo một nghiên cứu của Bộ Nội vụ, số lượng các tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ ngành càng tăng nhanh đặc biệt là sau đổi mới. Hiện nay cả nước có 500 hội cấp trung ương; 4.000 hội cấp tỉnh, thành phố; và 10.000 hội cấp huyện, xã. Hà Nội có hơn 500 hội, TPHCM có gần 600 hội, Đà Nẵng có 445 hội."
28 Tháng Bảy 2015(Xem: 17534)
"Lanh mắt, lẹ tay như Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Hà Nội, cũng chỉ được hỏi thăm tình hình sức khoẻ của tướng Thanh qua Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, và đã được Tướng Vịnh đáp lễ khá chu đáo: “Cám ơn ngài đã hỏi thăm sức khỏe BTQP của chúng tôi”. Sau đó là chấm dứt không nói gì thêm nữa. Có lẽ Ted Osius cụt hứng mà ông Vịnh cũng chẳng vui vẻ gì trước sự tò mò của ngài Đại Sứ về sức khỏe của quan Đại Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng ViệtNam!"