Trung Quốc sau Đại hội Đảng XX của ĐCS TQ – Cơ hội và thách thức đối với VN

13 Tháng Mười 20228:32 SA(Xem: 2870)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 4 – THỨ NĂM 13 OCT 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Trung Quốc sau Đại hội Đảng XX của ĐCS TQ – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam


12/10/2022


Nhà nghiên cứu Ngô Tuyết Lan


Gửi bài cho BBC từ Hà Nội


image013Nguồn hình ảnh, Getty Images. TBT Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm Hà Nội ngày 12/11/2017.


Ngày 16/10/2022, Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa XX (ĐH XX) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS TQ) sẽ chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của gần 2.300 đại biểu đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên.


Được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCS TQ là hoạt động chính trị quan trọng nhất của Đảng và đất nước Trung Quốc.


Theo nhận định của giới quan sát quốc tế, ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 trên cương vị là Tổng bí thư của ĐCS TQ, mở đường cho khả năng ông Tập sẽ bám trụ ở vị trí lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong thời gian dài, đồng thời sẽ tạo ra nhiều tiền lệ đáng lo ngại không chỉ ở Trung Quốc và còn đối với Đài Loan, các quốc gia láng giềng và thế giới.


Dấu ấn của ông Tập trong 10 năm lãnh đạo Trung Quốc


Thâu tóm quyền lực cá nhân


Nếu sau ĐH XX ông Tập chính thức ở lại tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 thì có thể thấy đây là thành tựu lớn nhất của ông Tập trong 10 năm. Ông Tập bằng bàn tay sắt đã phá vỡ quy tắc lãnh đạo tập thể trong ĐCS TQ kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình, chuyển sang quyền lực tập trung cao độ vào tay ông Tập.


Các chính sách đối nội của ông Tập thấm đẫm tinh thần và đặc điểm của mô hình gia trưởng, “dĩ thiên hạ vi gia” (coi cả đất nước Trung Quốc là nhà). Ông đặt chi bộ Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, xây dựng “bức tường lửa” trên không gian mạng ngăn chặn người dân Trung Quốc tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ông siết chặt tự do ngôn luận, chặn tất cả các từ khóa “nhạy cảm” chỉ trích ĐCS TQ và cá nhân ông trên internet, bắt và xử tù những người công khai chỉ trích ông.


Năm 2018, ông Tập cho sửa đổi Hiến pháp, xoá bỏ hạn chế 2 nhiệm kỳ với chức vụ Chủ tịch và Phó chủ tịch nước và được ngầm hiểu chức vụ Tổng bí thư ĐCS cùng nhiệm kỳ Chủ tịch nước.


image016Ông Tập bằng bàn tay sắt đã phá vỡ quy tắc lãnh đạo tập thể trong ĐCS TQ kể từ thời Đặng Tiểu Bình


Đại dịch Covid-19 và chính sách Zero Covid


Đại dịch Covid-19 là dấu ấn sâu đậm nhất trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Tập. Từ nay và mãi mãi về sau, trong lịch sử nhân loại, khi nhắc đến đại dịch Covid-19 nhân loại sẽ réo tên ông Tập Cận Bình cùng virus Corona.


Đại dịch Covid-19 khởi đầu ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019 sau đó lan ra khắp các thế giới để lại mất mát về người và tổn thất kinh tế vô cùng to lớn.


Thật mỉa mai khi nhớ tới thuyết “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh” (人类共同体命运) được ông Tập lần đầu tiên nhắc đến tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 4/2013. Tại diễn đàn ông Tập phát biểu: “Là các thành viên của cùng một ngôi làng toàn cầu, chúng ta nên nuôi dưỡng cảm giác về cộng đồng chung vận mệnh, đi theo xu hướng của thời đại, giữ định hướng đúng đắn, đoàn kết với nhau trong thời điểm khó khăn và đảm bảo rằng sự phát triển ở châu Á và phần còn lại của thế giới đạt được những đỉnh cao mới”.


Khi thế giới đang ngập chìm trong đỉnh dịch, ông Tập ngạo nghễ từ chối hợp tác với các tổ chức và chuyên gia quốc tế, chính phủ các nước trong việc truy vết nguồn gốc của đại dịch.


Giờ đây, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới gần như bước ra khỏi đại dịch, mở cửa và khôi phục đời sống, Trung Quốc tự đóng cửa trở thành ốc đảo với chính sách Zero Covid cực đoan khó bề lý giải khi liên tục phong toả các thành phố lớn là trung tâm kinh tế tài chính như Thượng Hải, Thâm Quyến và nhiều tỉnh thành khác. Người dân hàng ngày vẫn căng thẳng chật vật đối phó với các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm.


Có thể suy đoán, chính sách này đến từ 2 nguyên nhân chính: (i) Trung Quốc kiên quyết không nhập khẩu và không cho người dân tiêm vaccine dùng công nghệ mRNA của các hãng Pfizer và Moderna, chỉ dùng vaccine sản xuất trong nước khiến số ca lây nhiễm và tử vong vẫn gia tăng nhưng không công khai số liệu chính thức; (ii) Giữ ổn định chính trị xã hội, “giam lỏng” người dân, đặc biệt ở thành phố Thượng Hải, đại bản doanh của “phe Thượng Hải” đối thủ chính trị của ông Tập, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những nguy cơ bất ổn trước ĐH XX - một sự kiện tối quan trọng đến vận mệnh chính trị của ông Tập.


Vì vậy, có thể hy vọng sau ĐH XX chính sách Zero Covid sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên, những hậu quả do chính sách Zero Covid gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc và di chứng tổn thương cho cuộc sống, tâm lý người dân Trung Quốc cũng như uy tín của ông Tập Cận Bình và ĐCS sụt giảm nghiêm trọng sẽ là thách thức lớn đối với ông Tập trong nhiệm kỳ 3.


Dấu ấn kinh tế


Năm 2012 sau khi lên làm Tổng bí thư, ông Tập và các lãnh đạo Trung Quốc cho ra đời “Sáng kiến vành đai con đường” (Belt and Road Initiative–BRI). BRI hoạt động theo hướng mũi tên 1 chiều, Trung Quốc cấp vốn vay cho các quốc gia tham gia để xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị mới, phải dùng công nghệ và lao động Trung Quốc, đặc biệt Trung Quốc kiểm soát các quốc gia trong mạng lưới bằng “con đường tơ lụa kỹ thuật số” (digital silk road) thông qua mạng lưới 5G.


BRI như một tham vọng của ông Tập trong việc tái thiết lập trật tự thế giới mới và nó vận hành như một hệ thống “thiên tử-chư hầu” kiểu mới hơn là một thiết chế hợp tác bình đẳng giữa của một khối đồng minh. Bên thềm ĐH XX, “Sáng kiến” gần như phá sản do thiếu hụt vốn, đại dịch Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác.


10 năm qua, lần đầu tiên từ sau cải cách mở cửa, thế giới chứng kiến làn sóng tỷ phú USD lập nghiệp ở Trung Quốc, đặc biệt các đại gia bất động sản, tháo chạy khỏi Trung Quốc. Khởi đầu là tỷ phú người Hong Kong Lý Gia Thành (Li Ka-shing). Ông Lý xây dựng cơ nghiệp ở Hong Kong từ đầu tư bất động sản sang các lĩnh vực khác như bán lẻ, dầu mỏ… Từ năm 2013-2014, ông Lý liên tục bán tháo các BĐS ở Đại Lục, Hong Kong và đầu tư sang châu Âu, Anh, Canada, Úc, Đài Loan và bán cả hệ thống bán lẻ Parknshop. Trong vòng 10 năm, tổng số tài sản ông bán trị giá ước tính 270 tỷ HKD.


Tháng 6/2021, vợ chồng tỷ phú USD Pan Shiyi và Zhangxin, 2 nhà sáng lập tập đoàn BĐS nổi tiếng Trung Quốc SOHO với hàng loạt toà nhà văn phòng và khu căn hộ ở 2 thành phố lớn Bắc Kinh và Thượng Hải đã đàm phán với tập đoàn Blackstone của Mỹ để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của 2 vợ chồng ở SOHO nhưng do sự can thiệp của chính quyền nên giao dịch không thành công. Hiện 2 vợ chồng đang ở Mỹ và điều hành công ty từ xa và tháng 9/2022 tuyên bố rút lui khỏi vị trí chủ tịch HĐQT và CEO của đế chế SOHO. Họ cũng là tỷ phú tự thân, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng tại Trung Quốc do biết nắm bắt cơ hội thừa hưởng quả ngọt từ chính sách cải cách mở cửa.


image018Nguồn hình ảnh, Getty Images. Jack Ma là đồng sáng lập Ant Group và Alibaba


Là một phần của giới siêu giàu, nhưng các ông lớn công nghệ ở Trung Quốc không dễ thoát thân như giới đầu tư bất động sản. Tháng 11/2021, tập đoàn Ant Group của Jack Ma bị buộc ngừng phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong, mà nguyên nhân được truy về bài phát biểu của ông Jack Ma chỉ trích trực diện và gay gắt lãnh đạo ngành tài chính Trung Quốc và gián tiếp phê phán sự lạc hậu trong tư duy của lãnh đạo nước này vào ngày 24/10/2020. Sau sự kiện đình đám này ông Jack Ma gần như biến mất kèm theo nhiều biến động xảy đến với tập đoàn Alibaba của ông. Tuy nhiên, ông Jack Ma và tập đoàn Alibaba gặp sóng gió không hẳn bởi sự kiện “vạ miệng” của ông mà là sự tất yếu sẽ xảy ra mà ông Jack Ma có thể đã đoán trước và biết không thể thay đổi.


Đó là một trong những động thái siết chặt các tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử dưới bàn tay sắt của ông Tập. Tháng 3/2021, Huang Zheng, người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đột ngột tuyên bố rút khỏi vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị của Pinduoduo. Tiếp đó, 5/2021, Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng Tiktok cũng tuyên bố rút khỏi vị trị CEO của ByteDance vào cuối năm.


Tăng trưởng kinh tế suy yếu và ảm đạm chưa từng có, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 5.5%, nhưng một số chuyên gia dự đoán con số này sẽ chỉ đạt mức 3%. Trong 4 thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn duy trì ở con số 10%, nhưng quý 2 năm nay chỉ tăng 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái.


Do chính sách Zero Covid kéo dài, sản xuất kinh doanh bị đình trệ trên phạm vi cả nước và chính sách siết chặt quản lý khối doanh nghiệp tư nhân, tính đến tháng 8/2022, 50% người trẻ ở khu vực thành thị thất nghiệp. Trong số họ nhiều người vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp, thất nghiệp khiến họ không có khả năng thanh toán tiền vay ngân hàng. Thêm vào đó, chính phủ Trung Quốc hạn chế tín dụng ngân hàng vào BĐS, khiến nhiều dự án đang thi công của các nhà đầu tư bị ngưng trệ, cộng thêm việc kinh doanh không hiệu quả dẫn đến giao nhà không đúng hẹn. Đây là hai trong nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc trong một năm qua, được coi là phần nổi của tảng băng chìm, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính có hệ thống ở nước này trong thời gian tới.


Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dần rời bỏ Trung Quốc do cách ứng phó dịch Covid-19 cực đoan của lãnh đạo Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại kinh tế to lớn cho công việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc. Trong số 117 công ty đa quốc gia đang kinh doanh ở TQ khi tham gia khảo sát do Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung thực hiện, hơn 50% cho biết họ không lạc quan về tình hình kinh doanh của họ ở Trung Quốc trong thời gian tới.


Sức mạnh mềm


Trong hai nhiệm kỳ TBT của ông Tập, sức mạnh mềm của Trung Quốc xuống thấp nhất trong lịch sử cầm quyền của ĐCS TQ. Chính sách ngoại giao chiến lang với hàng loạt động thái ngang ngược ở Biển Đông như khoanh đường lưỡi bò, xây dựng đảo nhân tạo, gây hấn với các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á…, chiến tranh thương mại với Mỹ, phản bội cam kết trong vấn đề Hong Kong khiến Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế bỗng trỗi dậy trở thành một mối đe dọa tới an ninh ổn định của khu vực và thế giới, một quốc gia thiếu trách nhiệm và bất tín.


Hệ luỵ của hàng loạt chính sách sai lầm trên của ông Tập là sự kỳ thị người Trung Quốc (thậm chí bao gồm người Hoa ở hải ngoại) trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada coi hơn 1000 Viện Khổng Tử trên khắp thế giới, chủ yếu đặt trong các trường đại học, như một mạng lưới gián điệp của Trung Quốc. Đến cuối năm 2021, hàng loạt Viện Khổng Tử ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Đức, Nhật, Thuỵ Điển bị đóng cửa, nhiều du học sinh Trung Quốc gặp khó khăn khi xin visa du học do sự nghi kỵ dành cho ĐCS TQ.


Từ năm 2015, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã để mắt tới chương trình “1000 nhân tài Trung Quốc” với cáo buộc các học giả tham gia chương trình này làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Những năm sau nhiều học giả tham gia chương trình đã bị bắt giữ. Từ ngày 18/4/2020, từ khóa “千人计划” (Chương trình 1000 nhân tài) biến mất trên các công cụ tìm kiếm ở TQ như Baidu, Sougou và mạng xã hội như Wechat, Weibo.

image020

Trung Quốc sau ĐH XX – Cơ hội và thách thức với Việt  Nam


Hiện giới quan sát chưa thể đoán định được chính sách đối nội và đối ngoại của ông Tập Cận Bình nếu tiếp tục nhiệm kỳ 3. Ông Tập sẽ ưu tiên chữa lành những vết thương sâu rộng do đại dịch Covid-19 và chính sách Zero Covid gây ra cho đất nước và cuộc sống của người dân hay sẽ tiếp tục theo đuổi những thành tựu chính trị cá nhân.


100 năm qua, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của các thế hệ lãnh đạo ĐCS TQ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với sức mạnh mềm khiến thế giới phải kiêng nể và lo ngại.


Những thành tựu đó trải qua 10 năm lãnh đạo của ông Tập như phân tích ở trên đã sụp đổ nhiều, khó bề khôi phục lại như trước. Phải chăng ông Tập đang quy hoạch một lộ trình mới cho Trung Quốc trong 100 năm tiếp theo với hướng đi mới theo cách tiếp cận đập đi xây lại? Cái giá e quá lớn và những gì ông Tập và bộ máy của ông thể hiện qua chính sách đối phó với đại dịch Covid cũng như các biện pháp kinh tế thì chưa nhìn thấy một tương lai sáng sủa, ngược lại giới phân tích trong nước đang cho rằng ông Tập không chỉ muốn kéo Trung Quốc trở lại thời Mao Trạch Đông, mà đang muốn đưa nước này về thời Tần Thuỷ Hoàng.


Liệu ông Tập sau khi trở thành người vị lãnh đạo siêu quyền lực, củng cố vững chắc địa vị chính trị trong nước, thay vì chữa lành đất nước, khôi phục đời sống của người dân, sẽ tiếp tục vét cạn tài lực và nhân lực trong nước phát động cuộc chiến tranh thôn tính Đài Loan, hoàn thành nhiệm vụ mà Mao Trạch Đông và các thế hệ lãnh đạo nhiệm kỳ trước của ĐCS TQ chưa thực hiện được, lưu danh sử sách?


Tên gọi “Trung Quốc” đã có từ hơn 3000 năm trước, nhưng chỉ mang ý nghĩa địa lý văn hóa. Năm 1911 sau khi cuộc Cách mạng Tân Hợi thành công, nước Trung Hoa Dân Quốc ra đời, chính thức lấy tên “Trung Quốc” là tên gọi tắt của quốc gia hiện đại mới ra đời. Sau nội chiến Quốc-Cộng, ĐCS TQ chiến thắng nắm quyền kiểm soát Đại Lục, Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan, tiếp tục duy trì bộ máy hành chính của Trung Hoa Dân Quốc, người dân sinh sống ở đây tự xưng và được cộng đồng quốc tế gọi họ là “người Đài Loan”.


Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do ĐCS TQ lãnh đạo ra đời và năm 1971 được Liên Hợp Quốc thông qua “Nghị quyết 2758” chính thức công nhận là chính quyền hợp pháp trên lãnh thổ Trung Quốc ngày nay. Công dân nước CHND Trung Hoa được gọi là “người Trung Quốc”.


Một điểm cần lưu ý, người Trung Quốc chỉ tự xưng là người Trung Quốc trong các hoạt động đối ngoại hay giao tiếp với với người nước ngoài. Ở trong nước, họ tự xưng và được gọi theo địa phương, ví dụ: người Quảng Đông, người Phúc Kiến, người Thượng Hải… Mặc dù tên gọi các tỉnh thành ở Trung Quốc ngày nay chỉ xuất hiện từ thời Minh Thanh trở về đây, nhưng tên gọi tắt của các tỉnh đều lấy tên các nước từng tồn tại trên mảnh đất đó từ thời Chiến Quốc, Tần Hán như: Quảng Đông là Việt (粤), Sơn Tây là Tấn (晋), Sơn Đông là Lỗ (鲁)…


Không giống như Việt Nam, tính địa phương ở Trung Quốc rất cao, người dân mỗi địa phương vẫn bảo tồn và duy trì hệ thống phương ngôn, ẩm thực, phong tục tập quán riêng biệt của địa phương mình. Ví dụ, trong sinh hoạt hàng ngày ở địa phương, người Quảng Đông nói tiếng Quảng Đông, người Thượng Hải nói tiếng Thượng Hải, người Phúc Kiến nói tiếng Phúc Kiến, người các địa phương khác nghe hoàn toàn không hiểu như một ngoại ngữ. Chính phủ Trung Quốc quy định, ngôn ngữ chính thức tại công sở, trường học, nơi công cộng là tiếng phổ thông, nên khi giao tiếp với người ngoại tỉnh, người các địa phương sẽ dùng tiếng phổ thông. Trường đại học Thanh Hoa có hệ thống nhà ăn sinh viên rất đồ sộ, gồm hơn 10 toà nhà cao 3-5 tầng, mỗi tầng chỉ bán món ăn đặc trưng của từng địa phương, như món ăn Hồ Nam, món ăn Tứ Xuyên.., vì sinh viên đến từ nhiều tỉnh khác nhau, họ chỉ ăn được thức ăn của địa phương họ. 


Chính sách Zero Covid kéo dài với việc phong tỏa nghiêm nghặt trên khắp cả nước, vô hình chung kéo người dân Trung Quốc ở từng địa phương co cụm lại với nhau, khiến những mảnh ghép rời rạc mơ hồ mang tên gọi “địa phương tính” ở Trung Quốc trước đây trở nên rõ nét hơn. Người dân các địa phương bắt đầu bàn luận về ý nghĩa tên gọi “người Trung Quốc”, họ thấy gần gũi hơn khi được gọi theo tên địa phương, giống như người Đài Loan được gọi là người Đài Loan. Nếu âm thanh này đủ lớn mạnh, có lẽ sẽ là nhân tố thứ 2 khiến ông Tập hạ quyết tâm hơn trong việc “thu hồi” Đài Loan.


image022Nguồn hình ảnh, youtube. Trung Quốc từ cuối 2018 cho xây hàng trăm km rào cao, kiên cố ngăn lối trên bộ với Việt Nam ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh


Với tình hình đang diễn ra hiện nay ở Trung Quốc, quốc gia láng giềng Việt Nam như ngàn đời nay khó tránh những ảnh hưởng liên đới. Tuy nhiên, theo quan sát của người viết, cơ hội luôn đi liền với thách thức, và cơ hội nhiều hơn thách thức.


Xu thế các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc sẽ là cơ hội to lớn đối với Việt Nam nếu Đảng và Chính phủ Việt Nam linh động đón bắt kịp thời cơ để nâng tầm nền kinh tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới với những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và chính sách visa cởi mở linh động, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh trong nước minh bạch lành mạnh. Việt Nam đã thành công trong khống chế đại dịch Covid-19, kịp thời phủ tiêm vaccine cho người dân, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống dịch. Việt Nam đang dần trở nên cởi mở và thân thiện hơn với thế giới và được kỳ vọng là nền kinh tế mới nổi đầy tiềm năng.


Thách thức không thể xem nhẹ là khả năng ĐCS TQ can thiệp vũ trang vào Đài Loan sau ĐH XX. Chiến tranh ngày càng leo thang giữa Nga và Ukraine đang bóp nghẹn trái tim những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Không ai muốn chứng kiến một cuộc xung đột vũ trang trên đảo Đài Loan mà quy mô chắc chắn sẽ khủng khiếp hơn cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Việt Nam có đường biên giới trên bộ dài với Trung Quốc, trong lịch sử không ít lần là nơi tập kết vũ khí, nhân lực và tài lực mỗi khi nổ ra các cuộc cách mạng vũ trang ở Trung Quốc, ví dụ cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911. Trùng hợp chăng khi mấy năm gần đây, Trung Quốc cho xây nhiều hàng rào thép gai kiên cố ở vùng biên giới trên bộ tiếp giáp với Việt Nam.


Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện sống và làm việc ở Hà Nội.