Trần Anh Tuấn: Biệt Đội Thiên Nga

16 Tháng Chín 20229:21 CH(Xem: 3635)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 1 - THỨ SÁU 16 SEP 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Biệt Đội Thiên Nga

image009

Trần Anh Tuấn


Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Thủy là Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga từ năm 1969 đến ngày 30.4.1975 trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa.  Bà tốt nghiệp khóa 1 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia khai giảng năm 1966 và là khóa duy nhất huấn luyện nữ sinh viên sĩ quan ngạch Biên Tập Viên.


Biệt Đội Thiên Nga (tái bản, Anaheim, tg xuất bản, 2020) tuy chỉ là một quyển sách nhỏ (14cmx21cm) và mỏng (201 trang) nhưng đã ghi lại khá chi tiết về một cơ quan tình báo gồm toàn nữ sĩ quan cảnh sát, với danh xưng “Biệt Đội Thiên Nga.”


Tổ chức này trực thuộc Khối Cảnh Sát Đặc Biệt và được thành lập do Sự Vụ Văn Thư của Bộ Nội Vụ ngày 5.8.1968.


image012(Thư viện TAT)


Sách ghi lại tiến trình huấn luyện, cơ cấu tổ chức của Biệt Đội từ Trung Ương đến bốn Vùng Chiến Thuật, chi tiết đến cả số nhân viên từng nơi. Như tổng cộng có 30 Thiên Nga ở Trung Ương, 12 ở đô thành Sài Gòn, và 10 ở các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Tình.


Trong 42 trang (tr. 63-105) tác giả ghi lại các công tác cụ thể và 32 trang (tr. 106-138) về các công tác phối hợp.


Công tác cụ thể là xâm nhập các hội đoàn và cá nhân thiên Cộng tại VNCH. Đó là Hội Phụ Nữ Việt Nam, Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Hội Quả Phụ Tử Sĩ Việt Nam, Nghiệp Đoàn Bạn Hàng Các Chợ, Hội Ni Giới Khất Sĩ, Tịnh Xá Ngọc Phương Huỳnh Liên, Đoàn Nữ Phật Tử Long Hoa, Nhóm Phật Giáo Ấn Quang, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn Huỳnh Tấn Mẫm, Tổng Hội Trung Học Sài Gòn Lê Văn Nuôi, Hội Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh, Đoàn Thanh Sinh Công, tư thục Công Giáo Chân Phước Liêm, Nhóm Công Giáo Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, Kim Cương, Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Ủy Hội Quốc Tế về Kiểm Soát và Giám Sát Đình Chiến...


Điển hình của công tác cụ thể là “Công Tác Họa Mi” xâm nhập vào nhóm bà Ngô Bá Thành là người cầm đầu các phong trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, phong trào Bảo Vệ Nhân Phẩm và Quyền Lợi Phụ Nữ, và phong trào  Cải Thiện Chế Độ Lao Tù. Nhân viên Biệt Đội xâm nhập vào các phong trào đó và phát giác bà Ngô Bá Thành làm việc cho Tình Báo Pháp. Còn “Công Tác Hoàng Yến” xâm nhập vào nhóm Nguyễn Thị Mạnh Quỳnh, con gái của luật sư Nguyễn Long Chủ Tịch Phong Trào Tự Quyết chống chế độ VNCH. Sau 1975, Nguyễn Thị Mạnh Quỳnh lộ bản chất là Đại Úy Sở Công An tp Hồ Chí Minh.


Công tác trực tiếp cũng gồm “Công Tác Đỗ Anh” xâm nhập vào Hội Quả Phụ Tử Sĩ Việt Nam, “Công Tác Đỗ Quyên” xâm nhập vào Hội Phụ Nữ Việt Nam từ đó xâm nhập vào Khối Phật Giáo Ấn Quang và Tịnh Xá Ngọc Phương. Nhân viên Biệt Đội đã phát giác được lý do những người tuyệt thực chống Chính Phủ ở chùa Ấn Quang nhiều ngày mà không chết vì khi giả đi vệ sinh là lúc họ húp cháo thịt trong hậu liêu của chùa. “Công Tác Hải Âu” xâm nhập vào mật khu Việt Cộng ở Tây Ninh và xâm nhập vào nhóm Chân Tín Nguyễn Ngọc Lan, khám phá nơi in ấn sách báo và các tạp chí Đ.D. (gồm Đối Diện, Đứng Dậy, Đồng Dao) của nhóm tu sĩ thiên Cộng này, “Công Tác Sơn Ca” xâm nhập vào Hội Bạn Hàng Các Chợ, “Công Tác Hoàng Oanh” sử dụng một nữ cán binh Cộng Sản chức vụ  Huyện Ủy Viên huyện Gò Môn, Tây Ninh để nữ hồi chánh viên này theo dõi và cung cấp tin tức quân sự của Việt Cộng cho Biệt Đội.


Công tác phối hợp gồm “Công Tác Trùng Dương” phối hợp với Phủ Đặc Ùy Trung Ương Tình Báo thu thập tin tức của Phái Đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Chính Phủ Miền Nam Việt Nam trong trại Davis, Tân Sơn Nhất. Biệt Đội xâm nhập vào trại Davis qua nghiệp vụ đấu thầu cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho hai Phái Đoàn Cộng Sản. Về tiền hai Phái Đoàn trả cho nhà thầu thì buổi đầu toàn là tiền mệnh giá nhỏ và mốc meo cũ rích, cột bắng lạt như thể chôn dấu lâu năm trong mật khu. Nhưng chỉ mấy tháng sau thì tiền của hai Phái Đoàn trả là loại còn thơm mủi giấy mới, loại giấy bạc 100đ Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, mỗi xấp còn y nguyên mã số. Chi tiết về tiền mới đã được Biệt Đội báo cáo lên cấp trên để điều tra xuất xứ nguồn gốc tiền mới.


Tác giả không cho biết cuộc điều tra của cấp trên kết quả thế nào, nên độc giả sách Biệt Đội Thiên Nga có thể hiểu là  cuộc điều tra thất bại. Chuyện tiền bạc của Cộng Sản trong cuộc đánh chiếm miền Nam mãi năm 1997 chúng ta mới rõ nguồn gốc.


Đó chính là tiền viện trợ của Tầu Cộng cho Việt Cộng qua ngả Hong Kong. Số bạc Hong Kong ấy được cán bộ Việt Cộng đổi cho nhóm Hoa Kiều Chợ Lớn lấy tiền VNCH vì nhóm Hoa Kiều cần tiền Hong Kong đễ buôn vàng về Việt Nam, còn tiền VNCH thì cán bộ Cộng Sản tổ chức phân phối khắp miền Nam. Mỗi lần đổi thường là hàng trăm triệu tiền VNCH, nhiều đến nỗi sau ngày 30.4.1975, Cộng Sản miền Nam còn dư hàng tỉ! Tôi đã căn cứ vào sách tựa đề Đồng Đô La Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước (Tp HCM, nxb Trẻ, 1997, 411 tr.) để viết bài chi tiết về sự kiện này. Bài đã đăng trên Văn Hóa Online-California, tháng 8.2020 dưới tựa đề Vài chi tiết về Dân Sanh, người tổ chức chuyển khoản làm chi phí cho hệ thống Cộng Sản tại miền Nam (1965-1975).


image014(Thư viện TAT)


“Công tác Sóng Thần” phối hợp với Phủ Đặc Ủy để đối phó với sự xâm nhập của Cộng Sản trong Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn. Chi tiết đáng buồn trong Công Tác này là, trong khi Biệt Đội xâm nhập vào sinh hoạt của Tổng Hội Sinh Viên để đối phó và cản ngăn tác hại của cán bộ Cộng Sản tên Huỳnh Tấn Mẫn thì tướng Nguyễn Cao Kỳ và tướng Dương Văn Minh lại che chở cho tên này.


Tinh thần quốc gia và tư cách sáng ngời của người chỉ huy một cơ quan tình báo đã khiến Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga bình tĩnh thu thập và thiêu hủy tất cả hồ sơ liên quan đến Biệt Đội trong ngày cuối cùng trước khi Cộng Sản tiến vào Sài Gòn, từ hồ sơ nhân viên và cộng tác viên đến những dữ liệu liên quan đến kế hoạch và công tác đã hoàn thành. Nhờ đó, rất ít đội viên của Biệt Đội bị công an Cộng Sản phát giác sau ngày 30.4.1975. Thậm chí có đội viên còn tiếp tục làm việc, như một đội viên ở Tổng Nha Bưu Điện Sài Gòn còn tiếp tục làm việc sau ngày 30.4.1075 cho đến khi về hưu.


Đây là nguyên văn lời của tác giả khi thiêu hủy tài liệu nơi trang 187: “... Lò đốt nóng hừng hực thì lẽ ra mồ hôi tôi phải rịn ra nhưng chỉ thấy nước mắt tuôn trào. Các hồ sơ liên quan đến Biệt Đội Thiên Nga nay đã trở thành đống tro tàn. Lịch sử của Biệt Đội Thiên Nga tử giờ phút đó đã chôn chặt trong tim, trong óc của tôi...”


Riêng Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga chỉ bị phát giác vì người chỉ huy trực tiếp của bà, Chuẩn Tướng Cảnh Sát Trưởng Khối Đặc Biệt, khi tháo chạy đã để lại tất cả hồ sơ tài liệu trong văn phòng của ông ta, kể cả sơ đồ tổ chức trong đó có tên và chức vụ cùng bí số của Thiếu Tá Nguyễn Thị Thanh Thủy.


Biệt Đội Trưởng đã phải trả giá 13 năm bị đầy ải dưới chế độ Cộng Sản sau 8 năm phụ vụ chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tính ra hơn một năm rưỡi cấm cố cho mỗi năm phục vụ!


Tuy không còn văn bản cụ thể nào vì tất cả hồ sơ của Biệt Đội đã do chinh bà thiêu hủy trong ngày 29.4.1975, nhưng trí nhớ hơn người và sự thông minh của tác giả đã giúp bà tái tạo lại quá khứ một cách minh bạch qua kỹ thuật sử dụng ngòi bút nhẹ nhàng và chân thật.


Tôi không thấy một sự khoa trương nào trong quyển sách nhỏ nhưng giá trị này. “Làm dáng“ có chăng, là khá nhiều chân dung bán thân của những Thiên Nga xinh đẹp trong sách.


Ngày nay, đọc lại lược sử của Biệt Đội Thiên Nga do Biệt Đội Trưởng ghi lại, tôi thấy cấp trên của bà đã uổng phí tài nguyên của ngành an ninh tình báo VNCH khi thu hẹp công tác của Biệt Đội chỉ là xâm nhập và thu thập tin tức. Còn đối phó và giải quyết thường do những cơ quan tình báo và quân sự khác.


Tình trạng như thế chỉ làm guồng máy phức tạp thêm và mất thì giờ quý báu hơn nên giảm thiểu hiệu năng của tổ chức!


Nhưng sách Biệt Đội Thiên Nga không chỉ trình bầy lược sử Biệt Đội, mà tác giả còn có dịp ghi lại hành trạng của một số cá nhân.


Ngoài người chỉ huy trực tiếp của tác giả tháo chạy cuối tháng Tư nói trên, tác giả đề cập đến Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, bấy giờ là Chỉ Huy Trưởng Bộ Tư Lệnh, nguyên văn nơi trang 50: “Tôi... rất kính phục nhân cách của ông. Trông bề ngoài ông rất xuề xòa bình dân còn đối với việc làm thì ông rất trách nhiệm và ân cần hỏi han thuộc cấp...” Không chỉ ca tụng vị tướng, tác giả còn ghi lại cách cư xử của phu nhân tướng Loan thế này nơi trang 51: “Mỗi khi ông Tướng và nhân viên trở về từ chuyến công tác thì đều được dọn bữa cơm do bà Tướng đã chuẩn bị chu đáo.”  Đây là chi tiết tôi đọc trong sách, nhưng tôi còn biết một chi tiết khác nữa về hai vợ chồng vị tướng này. Khi gia đình Tướng Loan dọn vào căn nhà rất nhỏ phòng rất hẹp ở Washington, D. C. thì đồ đạc trong nhà có thứ bị bà Mai Thị Chỉnh, nhũ danh của bà Tướng, “tịch thu” của bạn cũ Trưng Vương đem về làm bàn ghế trong phòng khách! Tướng VNCH mà nghèo vậy đó!


Cuối cùng là Trần Tuấn Nhậm mà nhà ở đường Trương Minh Giảng là nơi cất giữ tài liệu thiên Cộng và chống chính phủ. Nhân viên Biệt Đội xâm nhập vào căn biệt thư của ông Nhậm đã tận mắt thấy những áp-phích tranh cử của các dân biểu đối lập in khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước,” và mặt tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon bị gạch chéo. Còn tài liệu thân Cộng bao gồm những tài liệu xuất xứ từ chùa Ấn Quang.


Thế rồi sau ngày 30.4.1975, Trần Tuấn Nhậm, một giáo sư mà tôi không biết dạy gì và dạy ở đâu, tổ chức vượt biên cho gia đình nhưng bất thành, bị bắt về trại giam ở rừng U Minh Hạ và chết trong tù.


TRẦN ANH TUẤN

15.9.2022


XEM THÊM:

Trần Anh Tuấn: Dân Sanh, cán bộ kinh tài cộng sản tại miền Nam (1965-1975)

https://www.nhatbaovanhoa.com/a10169/tran-anh-tuan-dan-sanh-can-bo-kinh-tai-cong-san-tai-mien-nam-1965-1975-