VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 2 - THỨ BA 16 AUG 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Có hay không phó CT thành phố Hồ ra lệnh tiêu hủy tranh triển lãm?
UBND TP.HCM hồ đồ ra lệnh tiêu hủy 29 bức tranh của Bùi Chát
August 16, 2022
Ý kiến nói việc Ủy ban Nhân dân TP.HCM ra lệnh tiêu hủy tranh của Bùi Chát “là một quyết định làm thụt lùi sự văn minh, hiện đại, công bằng, dân chủ mà cả nền hành chính đang hướng tới”.
Nhà thơ, họa sĩ Bùi Chát vừa có cuộc triển lãm tranh với chủ đề “Improvisation” (Ứng tác) tại Alpha Art Station, TP.HCM.
Sẽ không có gì đáng nói về cuộc triển lãm này nếu như ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM vội vàng ra lệnh phạt 25 triệu đồng và “tiêu hủy 29 bức tranh” với lý do triển lãm “không có giấy phép”.
Bùi Chát được biết đến là đồng sáng lập viên Nhà Xuất bản Giấy Vụn ấn hành nhiều tác phẩm không qua kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN.
Ông Lý Đợi, nhà nghiên cứu, bình luận: “Nếu áp dụng theo cái quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bùi Chát ngày 9/8/2022 thì Việt Nam trong quá khứ có nguy cơ mất nhiều Bảo vật quốc gia.
Nhìn lại lịch sử. Ví dụ bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, được công nhận “bảo vật quốc gia” hồi năm 2013. Bức này từng không được cấp phép triển lãm và vài lần lén triển lãm không có giấy phép. Rất may nó không bị buộc tiêu hủy, nếu không thì đâu còn để mà nửa thế kỷ sau công nhận “bảo vật quốc gia”.
Hoặc như bức “Hào” của Dương Bích Liên, vài lần bị cấm, tác giả bị mời viết kiểm thảo nhiều lần. Nhưng cũng rất may là không bị buộc tiêu hủy, nếu không thì Dương Bích Liên và mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã mất đi một kiệt tác.
Còn nếu nói Bùi Chát từng bị “sổ đen” nên dẫn đến buộc phải tiêu hủy tranh, thì càng khiên cưỡng, vô lý. Vì trong quá khứ, các thành viên trực tiếp và gián tiếp của Nhân văn – Giai phẩm đều thuộc “sổ đen” hoặc “sổ rất đen”, vậy mà sau này thì sao?
Đa số tác phẩm của họ được tái xuất hiện, nhiều người còn được đặt tên đường, giải quốc gia… Nếu trong quá khứ cũng áp dụng tiêu hủy tác phẩm, thì việc trao giải sau này còn ý nghĩa gì, khi mà tác phẩm không còn nữa.
Một bức tranh của nhà thơ, họa sĩ Bùi Chát được trưng bày tại Alpha Art Station
Một lãnh đạo của Hội Mỹ thuật Việt Nam nói rằng quyết định tiêu hủy tranh là chưa có tiền lệ tại Việt Nam kể từ 1975 đến nay.
Từ vài cứ liệu lịch sử như vừa nêu, có thể thấy rằng cái quyết định mà Bùi Chát đang đối diện là một quyết định làm thụt lùi sự văn minh, hiện đại, công bằng, dân chủ mà cả nền hành chính đang hướng tới.
Nó cũng làm xấu đi hình ảnh xã hội pháp quyền, muốn thượng tôn pháp luật mà Việt Nam đang nỗ lực để có được.
Họa sĩ Đỗ Trung Quân bình luận: “Nếu họa sĩ Bùi Chát biến cuộc thiêu hủy tranh, những tác phẩm của mình thành một cuộc trình diễn ngoạn mục mà biên độ sẽ ra khỏi biên giới Việt Nam, thì xin bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn với nghệ thuật một lần nữa lại sáng chói của anh.” Định Tường
https://www.datviet.com/ubnd-tp-hcm-ho-do-ra-lenh-tieu-huy-29-buc-tranh-cua-bui-chat/
+++++++++++++++++++++++++++
Bùi Chát vẽ tranh đánh thức sự tự do
8/8/2022
Huỳnh Lê Nhật Tấn
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM
Nguồn hình ảnh, Bùi Chát. Nhà thơ, hoạ sĩ Bùi Chát
Xem tranh Bùi Chát, hàng trăm bức, từ bút pháp và màu sắc, bố cục đều có sự tương tác khác nhau. Vì thế, Chát chọn cho mình cách đi riêng, anh nhấn mạnh hành động tự phát trong khi vẽ thực hành, gọi là Hội họa Tình huống, tương đồng Ứng biến (Improvisation).
Trong cách nhìn tính hiện thực trong tranh, Bùi Chát ý thức rõ việc bám sâu thời điểm dừng, thỏa mãn cảm xúc tâm linh, vẽ liên tiếp tránh xa tính lặp lại, giống nhau, vẽ bằng hơi thở trống không.
Xem kỹ tranh Chát, thấy anh đã có nghiên cứu, thực nghiệm lối vẽ rỗng không áp cái đẹp vào tranh, bằng nhiều cách thể hiện từng tác phẩm trong mọi tình huống. Anh luôn ý niệm rành mạch việc chính bản thân mình vẽ, cảm giác tâm hồn trạng thái tâm lý hội họa, bày biện hoàn tất nên bức họa. Nên hội họa Bùi Chát thuần túy, toát lên đúng tinh thần, gợi nhớ trường phái biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism).
Với 29 bức tranh chọn lọc, trưng bày tại Alpha Art Station, do Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyên Hưng giám tuyển.
Tôi nhìn đã bị hun hút khởi lòng, tự động gọi tên từng bức tranh, cái bí ẩn riêng biệt mỗi người, càng soi mói mỗi bức họa của Chát, từng lớp màu vùng vẫy xoáy tròn, chúng tựa cơn gió thổi lan tỏa vệt màu hài hòa đa sắc.
Bùi Chát thích dùng chất màu nguyên thủy, làm hiện lên tính dã thú, pha lẫn sắc độ nhạt, tương phản, đối xứng, đôi khi kết thúc bức tranh điểm xuyến vài đường nét tăm tối, chuyển biến rơi chạm tự do lên bề mặt tranh. Nhìn tổng thể tranh Chát, chúng ấn tượng rất trầm lắng, đôi khi buồn rầu, thân thể co giật múa máy, ý nghĩ vô thức về cơn sóng, ngọn núi, vòng cong nhấp nhô mang tính hài hước, cứ hối thúc tuôn ra ý chí mạnh mẽ, toát lên từng nét cọ sinh lực. Tôi ngờ vực cảm giác ra từng bày cá Chép đủ màu, tự nhiên gợn sóng, hàm chứa ý niệm gom lại, tạo lên mặt nước thành bức tranh.
Nguồn hình ảnh, Bùi Chát. Một trong số 29 bức tranh trưng bày tại Alpha Art Station, Sài Gòn
Nguồn hình ảnh, Bùi Chát. Một bức tranh ở triển lãm của Bùi Chát
Trong tranh trừu tượng Bùi Chát không bị chật chội, u ám bởi các gam màu đen, nét tự do bất biến lên xuống, tạo ra muôn hình thể tự nhiên, ngắm nghía thấy đâu đó, bầy người trong phố, ngôi nhà nghiêng ngã múa vũ điệu, những cánh tay dơ cao, cành cây khô bay muôn nơi, lóe lên từng đốm lửa, câu chuyện cổ tích huyền thoại, bao vòng khối hình ngây ngô, hình thể người hiền triết xuất hiện trong không gian, pha lẫn vài chi tiết âm bản màu.
Tôi tự trả lời, vì sao Bùi Chát chọn hướng đi này, lý do đơn thuần Chát muốn vẽ bằng sự thuần khiết, đúng nghĩa tinh thần tự do, không bị ràng buột bất cứ điều gì, mặc kệ nó tung tăng, thích tính tự nhiên cho tranh, để chuyển tải tâm trạng mình muốn nói. Ngạc nhiên, tôi thấy tranh Chát đôi khi bị rời rạc, tốc độ rất chậm, sự nghĩ ngợi bào mòn từng cung bậc khác nhau, màu và đường nét, hòa sắc thay đổi liên tục.
Riêng về không gian tạo hình tranh Chát, luôn mềm mại bằng cách xoa các mảnh ghép màu nhẹ, mờ nhạt dần như không, nhịp điệu chuyển động muôn phía, nét ngắn dứt khoát ít ngoằn ngoèo, tốc độ chậm tạo vũng màu rộng, nét mảnh đậm tạo góc cạnh loé sáng. Và đó là cách tạo hình rất riêng của Chát, tĩnh lặng pha ảo ảnh cho khung hình tràn ngập ý niệm.
Mở Miệng và nghệ thuật vi niệm
Nhìn về bản năng danh tính, Bùi Chát, tên thật Bùi Quang Viễn, là thành viên chủ chốt nhóm Mở Miệng, tính cách người nội tâm, tố chất thích tự do, song hành làm thơ xuất bản, thực hành nghệ thuật vi niệm (Conceptual art). Đã xuất bản bảy tập thơ, mang tính đương đại Việt Nam, dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Vì thế, Bùi Chát vẽ trở thành câu chuyện hội họa khác biệt, mang ý thức hành động, ý nghĩ thoát ly, giải mã giấc mơ vô thức, lý giải va chạm cõi tâm linh, suy ngẫm xã hội bằng tính thực trạng bất công, bao điều trái khoáy lệch lạc của thế gian. Nên người thưởng ngoạn cũng phải tò mò, tìm hiểu coi nội tại người vẽ tương tác trong tranh ra sao, chê bai hay khen ngợi, cảm tính ý nghĩ cho riêng, luôn có mặt trong thế giới trừu tượng.
Nguồn hình ảnh, Bùi Chát Một bức tranh trưng bày tại Alpha Art Station, Sài Gòn
Nguồn hình ảnh, Bùi Chát. Một trong số 29 bức tranh trưng bày
Với tôi, Chát tìm tới hội họa từ lâu, lúc bắt đầu làm thơ đi tìm nghệ thuật cái đẹp, gần gũi từ hình tính trong thi ca, đã theo đuổi ước mơ đó, được vẽ cái ý muốn cho riêng mình. Bỗng nhiên, mùa dịch Covid 19, hơn 3 năm Chát giam mình, cuồng say, ra đời vô số tranh khổ lớn, cốt là giải thoát chính mình, thực hiện trọn vẹn điều mong muốn bấy lâu.
Đứng trước phòng tranh của Chát, tôi im lặng cảm xúc, hình như xem tranh trừu tượng, tự nhiên nhớ lại ngày đầu gặp với cái tên Bùi Quang Viễn, trong một chuyến đi biên giới, thời đi học tại trường, hai thằng gặp nhau trên xe, nói chuyện thơ ca, rồi giao lưu rượu say mềm, cả hai lạc vào rừng sâu theo lối ánh trăng.
Viễn cười trong rừng chỉ tay lên trời: “Trăng đẹp nên làm thơ đi”. Tôi cười khà: “Vẽ thì hay hơn làm thơ”. Đó là chuyện của mấy chục năm trước, nghĩ lại thấy vui.
Thời gian là dấu ấn ghi nhớ, càng xem tranh Bùi Chát, cứ mọc lên đủ thứ chuyện trong đầu, trên trời dưới biển, những lối đi giang hồ văn nghệ về miền đất đỏ, đi lang thang đâu đó, lá cây um tùm, hình ảnh ngây ngô, huyễn hoặc những kỷ niệm đọc thơ bí hiểm, nghịch trò vui thi vị, lại nhớ mấy bài thơ mang tên Bùi Chát đọc cười vui: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ bay cao thì nắng bay vừa thì thôi/ không liên quan gì đến tôi!”
Hay bài thơ mà hồi đó anh em rất thích: “Tôi lém lước bọt nên tường/ tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống/ tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè”.
Bước ra khỏi phòng tranh mang tên nghệ thuật Improvisation của Búi Chát tôi vẫn bị ám ảnh sắc màu nồng nàn, ấm áp, khung hình bí hiểm chưa giải mã được, biến hóa liên tục, hy vọng thế giới trừu tượng Tình huống của Chát sẽ liên tục ra đời, mỗi lúc hấp dẫn hơn.
Nguồn hình ảnh, Bùi Chát. Một trong số 29 bức tranh trưng bày tại Alpha Art Station, Sài Gòn
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
+++++++++++++++++++++++++++++++++
Nhà thơ Bùi Chát và “Bài Thơ Một Vần”
RFA 05/5/ 2011
Nhà thơ Bùi Chát sau nhiều tháng vắng mặt trên các diễn đàn văn nghệ trong và ngoài nước, nay đã xuất hiện trở lại với tác phẩm mới mang tựa “Bài Thơ Một Vần”. Tác phẩm này được in photocopy và thông tin trên trang đầu tiên của tác phẩm cho biết thì “Bài Thơ Một Vần” được in xong vào quý 3 năm 2009. “Bài Thơ Một Vần” được nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản, tập hợp 26 bài thơ tự do. Ngoài phần Việt ngữ, những bài thơ này được Lê Đình Nhất Lang dịch sang Anh ngữ.
Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn sinh năm 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa trong một gia đình công giáo gốc di cư. Anh tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM năm 2001. Từ đó sống ở Sài Gòn.
Năm 2001 anh cùng với Lý Đợi thành lập nhóm Mở Miệng. Anh cũng là người đề xướng các khái niệm ‘thơ rác’, ‘thơ nghĩa địa’. và là người sáng lập Giấy Vụn – nhà xuất bản chuyên in ấn & phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền.
Những tác phẩm của hai tác giả trẻ Lý Đợi và Bùi Chát qua nhà xuất bản Giấy Vụn thường là những thử nghiệm mới, những bức phá cũng như các phản kháng về nhiều vấn đề khiến không một nhà xuất bản bình thường nào có thể đảm đương cho việc in ấn và phát hành. Phương tiện loan truyền tác phẩm của Giấy Vụn là internet và được rất nhiều trang mạng văn học chú ý đến hoạt động của nó như một loại hình vừa có thể chuyển tải các tác phẩm đến người đọc có chọn lọc, vừa gợi lên được ý tưởng độc lập, không thỏa hiệp cần có của nhà văn.
§ Những câu thơ ám ảnh
“Bài Thơ Một Vần” là tác phẩm mới nhất của Bùi Chát, nó xuất hiện trong bối cảnh khá khó khăn hiện nay đối với những văn nghệ sĩ từng có vấn đề nhạy cảm với nhà cầm quyền. Bùi Chát tung tập thơ này ra như tuyên ngôn của một người trẻ cầm bút. Trực tiếp đặt vấn đề đến những va vấp của hệ thống. Và trong bước đi chập choạng của lịch sử, Bùi Chát ghi nhận những ám ảnh của anh về một câu thơ mà cả dân tộc không ai không biết:
Rồi, tôi
………………
Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người
Tổ quốc!
Chúng ta vĩnh viễn không được tự ruồng bỏ
Bởi suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta
Thế giới cũng vút lên bằng bước chân mòn
Với một niềm tin ở dưới gót
Tôi chiêm bao thấy đứa con sắp lọt lòng của
tôi nhắn nhủ
Tổ quốc ta như một con mèo[1]
Tiếng chào đời con gọi meo meo[2]
Gợi nhớ:
[1] Tổ quốc ta như một con tàu (Xuân Diệu)
[2] Tiếng chào đời con gọi Xít-ta-lin (Tố Hữu)
Trong bài thơ mang tựa “Rồi tôi” có một điều gì đấy khiến ký ức của không ít người trong chúng ta quặn đau. Cúi gập người xuống trước một ám ảnh khó giải thích, câu thơ của Tố Hữu vẫn dai dẳng đè nặng trái tim những người trẻ làm văn nghệ hôm nay và Bùi Chát cay đắng nhận ra rằng cả một thế hệ của anh đang chiêm bao những điều kỳ quặc nhất.
Những chiêm bao mang dáng dấp Dali trong hội họa làm thời gian nhũn ra và lời thơ Bùi Chát vang đập trong con hẻm ký ức trở thành câu hỏi cho nhiều năm tháng về sau.
§ Những người anh em cộng sản
Bùi Chát đưa một giả định mình đang sống ở vòng ngoài của sinh hoạt đời sống để tự sự với những người cộng sản mà anh gọi là anh em. Những người anh em này phân phát những vật phẩm đặc biệt cho mọi người mà một trong những tặng vật không ai muốn nhận ấy là nỗi sợ. Sợ hãi trở thành vật sở hữu khi nó hòa vào cuộc sống hàng ngày không ngăn chận được. Sợ hãi như không khí, vô hình nhưng đầy quyền năng.
Ai?
Tôi gặp gỡ những người cộng sản
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi kí ức
Mất đi tiếng nói bản thân
Mất đi những cái thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều
Nỗi sợ
Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Luôn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn
Những người cộng sản
Anh em chúng tôi
Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi
Trong ngôi nhà đen đủi này
Ai muốn thừa kế di sản của họ?
Những ngã tư tất bật cùng những tranh giành không sòng phẳng ám ảnh người trẻ hôm nay qua màu đỏ đặc trưng cũng là nỗi đau của Bùi Chát. Nhà thơ cay đắng chạm tay vào màu đỏ thay vì nồng nàn, đã trở thành thê thiết vì những độc đoán kỳ lạ mà anh và thế hệ anh đang gánh chịu,
Đèn đỏ
Tôi đứng trước một ngã tư
Đèn đỏ ngăn tôi lại
Những dòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ
Chúng tôi, nhiều thế hệ
Bị giữ lại bởi đèn đỏ
Chúng tôi không cất bước được
Chúng tôi không bay lên được
Giao lộ ở khắp nơi
Không ai có thể vượt qua màu đỏ
Chúng tôi đứng trước ngã tư
Nhiều thế hệ
Chỉ một con đường đầy bụi đỏ trước mắt
Chừng như vẫn bị ám bởi cái màu đỏ thê lương này, Bùi Chát viết tiếp, lần này với thứ ngôn ngữ của các blogger, nghịch ngợm nhưng cay chua và nhất là rất thật. Thật như đời đang tung tăng ngoài kia.
Bài thơ một vần
Màu đỏ
Như loài cỏ
Ngỡ là chuyện nhỏ
Nên không ai dọn bỏ
Chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng biết làm
thế nào!? Đành bỏ ngỏ ..!!!
Mọi thứ đều phải xin phép
Bùi Chát đùa nghịch với chữ nghĩa trong tâm thế của người mộng du. Anh cào cấu từng thớ thịt của thơ mình để chảy ra tiếng thơ sống sượng và nhức nhối của hiện trạng hôm nay khi mọi sự đều phải xin phép. Các thứ giấy phép vô hình này đè nặng tâm trí mọi người, mỗi người cần một thứ và Bùi Chát thì cần quá nhiều trong tất cả các loại giấy phép này, do đó những câu hỏi của anh chắc chắn sẽ rơi vào bóng đêm, vào dĩ vãng.
Thói
- Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/chồng chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được thở nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bình đẳng trước pháp luật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được suy nghĩ khác với các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chống tham nhũng nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do ngôn luận nhé!
- Các ông cho chúng tôi được lập hội vỉa hè nhé!
- Các ông cho chúng tôi được viết bài thơ này nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ghét các ông chống đối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do biểu tình nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bầu cử tự do nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc nhé!
- Các ông cho chúng tôi được học ngoại ngữ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được phản đối
Trung Quốc chiếm Hoàng Sa –
Trường Sa nhé!
Cứ như thế, những câu thơ như kinh nhật tụng, rơi vào đêm tối vô tận nhưng dư âm thì rất sâu và rất xa. Tiếng vọng của thơ hay của sự thật không thể rạch ròi nhưng âm sắc của lời kinh thì không thể nào chìm khuất.
- Các ông cho chúng tôi được giỏi hơn các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi chùa đi nhà thờ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đọc bản Tuyên ngôn nhân quyền nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sở hữu mảnh đất tổ tiên chúng tôi để lại nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tố cáo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được là người Việt Nam nhé!
- Các ông cho chúng tôi được giữ gìn truyền thống nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu thêm gia đình bạn bè ngoài các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xây dựng đất nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết diện tích mặt đất và biển đảo của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết tên của đất nước chúng tôi 20 năm nữa nhé!
- Các ông cho chúng tôi được không theo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sống riêng tư không bị dòm ngó nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đá đít các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi bằng đôi chân của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xuất bản bài thơ này sau khi viết xong nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé!
- Các ông cho chúng tôi được từ chối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ước gì chúng tôi chẳng ước điều gì nhé!
- Các ông cho chúng tôi được mưu cầu hạnh phúc và mưu cầu không hạnh phúc nhé!
Niềm đau bất lực
Và rồi trong cuối cùng của những suy tưởng văn nghệ, Bùi Chát tự nhận rằng cùng với bằng hữu của anh, tất cả chia sẻ sự cay đắng một cách cam chịu. Những khuôn mặt nghệ sĩ ngơ ngác ngồi bên nhau, cạnh các vỉa hè đen đủi, nhìn lại mình và phát hiện ra rằng sự bất lực không tên gọi vẫn tiếp tục đè nặng trên mỗi trái tim, trí não của họ. Bùi Chát đập ngực tự thú nhận nỗi bất lực không cần che dấu này của trí thức, và anh lái sang một nơi khu trú khác mang nhãn hiệu bạn bè văn nghệ. Có phải những trí thức văn nghệ này cùng chia sẻ niềm đau với anh như chia sẻ từng ly cà phê dưới những quán cà phê cùng mang tên Vỉa hè?
Khó Thấy
Sự phát triển của nghệ thuật
Có thể kết liễu một chế độ độc tài
Bao nhiêu người đã nói
Những điều tương tự như vậy
Các nghệ sĩ nhậu ở vỉa hè
Kể về tính nước đôi
Cây kim giấu trong bọc vải
Lâu ngày cũng thành thơ
Chúng ta
Những cư dân không được đón chào
Gió chiều nào
Ta tào lao chiều ấy
Độc giả yêu quí
Đọc những dòng này
Xin quí vị nhớ một điều
Tất cả những gì tôi viết là của quí vị
Của người thân, tổ chức, và bạn bè quí vị…
Bằng chứng là. Lúc này
Khi quí vị bỏ thời gian, công sức, và nhiều
thứ nữa… Để đọc
Tôi đâu ở cạnh mà thực sự biết
Chúng nhạt nhẽo và ngớ ngẩn đến
nhường nào.
Nhà thơ Bùi Chát vẫn đang sống tại Việt Nam. Không biết sau khi tác phẩm “Bài Thơ Một Vần” chính thức phát hành trên mạng thì số phận của nhà thơ ra sao, nhưng chắc một điều là anh thỏa nguyện lắm. Hai mươi sáu bài thơ cùng với quá nhiều tâm trạng dù sao cũng đã được dàn trải và trong những ngữ nghĩa được gọi là thơ ấy đã tròn trịa những suy nghĩ của anh trong những ngày tháng bước qua lứa tuổi 30, lứa tuổi của khát sống và thèm tự do mãnh liệt nhất của cả một đời người. Mặc Lâm
+++++++++++++++++++++++++++++++
Triển lãm tranh Hồ Xuân Hương ở Hà Nội phải đóng cửa vì ‘gợi dục’
Một trong những tranh vẽ Hồ Xuân Hương tại cuộc triển lãm ở Hà Nội
Trước vụ này, hồi đầu Tháng Năm, triển lãm tranh “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh đã bị ngưng ngay trước giờ khai mạc ở Hà Nội do vẽ “cờ đỏ rách” và Võ Nguyên Giáp “mặt buồn.”
Ông Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam, cho biết hội đồng nghệ thuật của nhà triển lãm Hội Mỹ Thuật Việt Nam “đã tiếp thu ý kiến từ dư luận, cho gỡ một số bức Hồ Xuân Hương ‘nhạy cảm’,” tờ Tuổi Trẻ hôm 24 Tháng Bảy cho biết.
Phát ngôn này liên quan cuộc triển lãm tranh “Hồ Xuân Hương,” “Bà chúa thơ Nôm” của hai họa sĩ không chuyên là đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Nghiêm Nhan và ông Nguyễn Quốc Thắng. Cuộc triển lãm khai mạc hôm 21 Tháng Bảy, mau chóng gây tranh cãi về tạo hình nữ thi sĩ.
Ông Lương Xuân Đoàn biện hộ rằng thời điểm duyệt cuộc triển lãm nêu trên, nhiều người trong hội đồng nghệ thuật của nhà triển lãm “đi vắng” nên “sơ sẩy không nhìn ra vấn đề.”
Sau khi bị gỡ tranh, hai họa sĩ quyết định rút toàn bộ triển lãm.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn được tờ Tuổi Trẻ trích bình luận về tranh của đồng nghiệp: “Họa sĩ này [Nguyễn Quốc Thắng] chưa hiểu thơ của bà [Hồ Xuân Hương], nhìn thơ bà bằng con mắt dâm tục trần truồng, vẽ biến bà thành kỹ nữ, trong khi thơ bà để đùa giỡn, răn dạy cuộc đời chứ không phải kích thích dục tính. Thơ của bà ca ngợi, bảo vệ phụ nữ, nói lên khát khao tự do của người phụ nữ xưa, nhưng trong tranh đó chỉ thấy xúc phạm phụ nữ.”
Tờ báo cũng dẫn phản hồi của ông Nguyễn Quốc Thắng: “Vẽ Hồ Xuân Hương hở hang, sexy, bốc lửa, phồn thực là đúng với con người của bà. Tôi vẽ Hồ Xuân Hương lúc dịu hiền, đằm thắm, lúc nổi loạn, phong trần, sexy. Đó là vẻ đẹp hoàn mỹ, thánh thiện, không phải dung tục.”
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nghiêm Nhan bày tỏ ý định sẽ đem những bức tranh nêu trên đi triển lãm ở Nghệ An, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Trước vụ này, hồi đầu Tháng Năm, triển lãm tranh “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh đã bị ngưng ngay trước giờ khai mạc ở Hà Nội do vẽ “cờ đỏ rách” và Võ Nguyên Giáp “mặt buồn.”
(Theo Người Việt)
Triển lãm tranh Hồ Xuân Hương ở Hà Nội phải đóng cửa vì ‘gợi dục’