Trần Anh Tuấn: Thêm một sử phẩm quan trọng

01 Tháng Tám 20222:29 CH(Xem: 3525)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 3 - THỨ HAI 01 AUG 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Thêm một sử phẩm quan trọng

image024

TRẦN ANH TUẤN


            Trong bài viết về tác phẩm của bác sĩ Phan Quang Đán, tôi có đề cập đến tác phẩm của hai nhân viên nội các khác, là Nguyễn Phú Đức và Nguyễn Tiền Hưng. Bài này tôi nhận định về tác phẩm của Nguyễn Phú Đức.


Cụ Nguyễn Phú Đức là một chuyên viên Công Pháp Quốc Tế, tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật Khoa tại Viện Đại Học Hà Nội năm 1953 (nguyên văn nơi trang xiii: Docteur en Droit from the University of Hanoi in 1953, thời điểm này Việt Nam đã cấp phát văn bằng Tiến Sĩ Luật?) và có văn bằng Tiến sĩ Luật tại Harvard Law School, Hoa Kỳ năm 1956. Cụ là một chính khách, từng làm Quan Sát Viên Thường Trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Cố Vấn Tổng Thống trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Trong vai trò sau, cụ tham dự hòa đàm Paris suốt từ đầu đến cuối trong tám năm, 1968-1973.


Năm 2005, cụ cho xuất bản tác phẩm  The Viet-Nam Peace Negotiations Saigon’s Side of the Story tại tiểu bang Virginia, 463 trang.


Đây là một ấn phẩm căn cứ vào những văn kiện chính thức và cao cấp nhất giữa hai chính phủ VNCH và Hoa Kỳ về công cuộc hòa đàm.


Hơn nữa, nội dung tác phẩm còn căn cứ vào những ghi nhận đương thời của tác giả trong những buổi làm việc với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng những cuộc họp giữa hai chính phủ Việt Mỹ mà cụ tham dự trong vai trò Cố Vấn Tổng Thống về Ngoại Giao.


Tác phẩm lại được viết và ấn hành hơn 30 năm sau Hội Nghị Paris, tức là khi những xung động tình cảm của người trong cuộc đã lắng đọng và nhu cầu trình bầy sự kiện lịch sử trở thành mục tiêu của sách.   


image026(Thư viện TAT)


Thật thế, độc giả có thể biết sách không nhằm mục tiêu riêng tư, mà sách là một cố gắng truyền lại cho đời diễn tiến của cuộc hòa đàm Paris 1968-1973, theo một trình tự rất chi tiết.


Đây chính là thông tin bán chính thức của VNCH sau khi tất cả các đối tác chủ chốt khác trong cuộc Hòa Đàm -tức các chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam- đã lên tiếng từ nhiều thập niên trước. 


Như Hoa Kỳ có Memoirs of Richard Nixon do Nixon viết (1978), còn Henry Kissinger có tới ba quyển, là White House Years (1979), Years of Upheaval (1982), và Years of Renewal (1999).


Như Hà Nội có Fifty Years of Vietnamese Diplomacy 1945-1995. Volume 1: 1945-1975 do Lưu Văn Lơi viết (2000), rồi thêm quyển Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ Kissinger Tại Paris do Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ viết (không năm xuất bản, knxb), và sau đó là Cuộc Đàm Phán Pari (sic!) Về Việt Nam (1968-1973) do Nguyễn Thành Lê viết (tái bản, 2018).


Như Việt Cộng có Chung Một Bóng Cờ (Về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam) (1992) và sau đó là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời tại Hội Nghị Paris về Việt Nam của tập thể tác giả, từ Trưởng Đoàn Nguyễn Thị Bình cho đến hầu hết nhân viên trong Đoàn gồm 25 người như Nguyễn Văn Hiếu, Dương Đình Thảo,  Lý Văn Sáu... (2001).


Đặc biệt sau này, Nguyễn Thị Bình viết Gia Đình, Bạn Bè và Đất Nước (2012) có rất nhiều hình ành sinh hoạt của hai đoàn VNDCCH và CHMNVN tại Hội Nghị Paris.


Ngược lại, sách của Nguyễn Phú Đức không hề có một hình ảnh nào về phái đoàn VNCH hay Hòa Đàm Paris. Sách chỉ có bốn tấm ảnh tự giới thiệu cá nhân: tác giả gặp U Thant năm 1964, gặp McCormack Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ năm 1965, gặp Humphrey năm 1966, và gặp Nixon năm 1972. Hình ảnh phái đoàn VNCH không hề thấy xuất hiện, chỉ biết nổi nhất và công khai nhất thời đó là mấy tấm hình “đệ nhị phu nhân” Nguyễn Cao Kỳ xúng xính thời trang trong tuần san Pháp Paris Match!


Nếu lịch sử rốt lại là một chuyện kể thì đây là câu chuyện về nước VNCH từ một đối tác trong việc thương thảo với VNDCCH dưới thời Tổng Thống Johnson đến khi trở thành một vật trao đổi với VNDCCH dưới thời Tổng Thống Nixon.


Sách bắt đầu bằng cách ghi lại chính sách về Việt Nam của Mỹ, nhất là chính sách dưới thời Tổng Thống Johnson. Chưa đầy một năm sau khi chủ chiến qua việc vận động Quốc Hội Lưỡng Viện Hoa Kỳ thông qua “Tonkin Gulf Resolution” (tháng Tám năm 1964) cho phép Hành Pháp được sử dụng vũ lực tại Đông Nam Á, Johnson đã tìm cách thương thảo với Bắc Việt hầu rút khỏi Việt Nam, nhất là khi Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara tỏ ra bi quan về viễn tượng chiến thắng năm 1966. Đến sau Tết Mậu Thân, khi Cộng Sản “tổng tiến công tổng nổi dậy” toàn miền Nam, thì Johnson càng ngày càng nhượng bộ những yêu sách của Bắc Việt để ngồi vào bàn hội nghị.


Tác giả Nguyễn Phú Đức đã trình bầy và phân tích công cuộc hòa đàm, cho độc giả thấy đây là một cuộc đấu trí mà cả hai nhân vật chính trong cuộc (tức Kissinger và Lê Đức Thọ) đều sử dụng những luận điệu dối trá, đe dọa, hứa hẹn, và cuối cùng là phản bội, trong đó vật hy sinh là nước Việt Nam Cộng Hòa.


Nói như Kissinger, kẻ chủ chốt của chính phủ Hoa Kỳ trong hòa đàm, trong ngày 24 tháng Giêng năm 1973, rằng ông ta nghĩ  VNCH may mắn lắm sẽ tồn tại thêm một năm rưỡi nữa. (Lời Kissinger trao đổi với John Ehrlichman -Phụ Tá Tổng Thống Nixon- tại Phòng Roosevelt Room trong Tòa Bạch Ốc để trả lời câu hỏi của Ehrlichman rằng miền Nam Việt Nam sẽ có thể tồn tại bao lâu sau Hiệp Định. Xin tham khảo quyển Witness to Power của John Ehrlichman (New York, nxb Simon&Schuster, 1982) mà tác giả Nguyễn Phú Đức trích dẫn nơi trang 414.           Rồi đến năm 1974 khi chưa thấy miền Nam bị miền Bắc thôn tính, Kissinger sốt ruột bảo: “Sao chúng nó (tức VNCH) chưa chết đi?”


Thật là một tên Mỹ bất nhân!


Còn Richard Nixon cũng chỉ là một thứ vô loài! The Viet-Nam Peace Negotiations Saigon’s Side of the Story đã ghi nhận nhiều sự kiện xảy ra sau Hiệp Định Paris cho thấy những gì mà viên tổng thống Hoa Kỳ này cam kết với tổng thống một quốc gia khác trong các công hàm chỉ là dối trá về nội dung và thiếu tư cách về ngôn từ.


Văn viết còn đỡ, còn trong văn nói, ghi âm từ phòng làm việc trong Tòa Bạch Ốc, thì Richard Nixon chửi rủa Nguyễn Văn Thiệu là, nguyên văn: “Son of a bitch!” tức “Đồ chó đẻ!”


Tôi chưa hề thấy Anh ngữ và Việt ngữ phù hợp nhau đến thế này!


Truyền thống mã thượng hào hiệp và văn hóa trọng nhân phẩm nhân quyền của dân tộc Hoa Kỳ đã bị nhơ nhớp dưới thời Richard Nixon làm tổng thống và Henry Kissinger làm tổng trưởng ngoại giao!


Mặt khác, The Viet-Nam Peace Negotiations Saigon’s Side of the Story của vị Cố Vấn Tổng Thống VNCH cũng giúp độc giả biết rõ hai chính phủ Hoa Kỳ thời Johnson và Nixon, đã quyết rút khỏi Việt Nam, và chấp nhận cho Cộng Sản thôn tính Việt Nam Cộng Hòa từ cuối thập niên 60 mà cụ thể là ký kết Hiệp Định Paris năm 1973.


Như vậy, từ đó cho đến khi xe tăng Bắc Việt húc đổ cổng dinh Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975, thời gian cũng trên dưới 7 năm (1966-1973), một thời gian không dài nhưng chắc chắn không ngắn để cả một quốc gia sửa soạn cho sự sống hay sự chết của chính mình.


Đáng buồn thay, lãnh đạo quốc gia lúc ấy là một cá nhân chỉ biết ích kỷ sao cho chiếc ghế Tổng Thống của ông ta được duy trì, đồng thời có thái độ đà điểu gặp nguy vùi đầu xuống cát khi cấm nhân viên nội các và những thuộc cấp chung quanh ông ta không được tiết lộ gì về những mưu đồ và toan tính của Mỹ.


Đến khi ngoại viện bị cắt, công khố trống rỗng, quân lính phải dè sẻn từng viên đạn phòng thủ, thân danh trung tướng tổng thống mà nhục nhã cúi đầu xuống sàn xe do một nhân viên CIA cầm lái để trốn vào phi trường Tân Sơn Nhất chạy ra ngoại quốc.

image028

(Xin xem tường trình của Frank Snepp trong tác phẩm Decent Interval. An Insider’s Account of Saigon’s Indecent End Told by the CIA’s Chief Strategy Analyst in Vietnam, New York, nxb Vintage Books, 1977, 591 tr.  Sách Snepp viết bị cơ quan CIA ra lệnh cấm phát hành vì tác giả tiết lộ một số bí mật quốc gia chưa được bạch hóa. Tháng 1.1980 khi tôi mới từ trại tỵ nạn Tangjung Uban, Indonesia đến San Diego, Nam California (11.1979), lên thành phố Oakland phía Bắc phỏng vấn để được nhận làm Resource Teacher tức TSA (Teacher on Special Assignment) tại Oakland Unified School District. Phỏng vấn buổi sáng, buổi chiều tôi vào một hiệu sách ở đường Broadway, thấy sách của Frank Snepp bầy bán rất mừng, mua ngay vì biết Snepp là người lái xe đưa Nguyễn Văn Thiệu vào Tân Sơn Nhất để trốn sang Đài Loan bằng chiếc phi cơ C-118 bốn động cơ của Không Quân Hoa Kỳ.


Trong Decent Interval..., tác giả tiết lộ đại sứ Martin ủy cho Polgar, Giám Đốc CIA Sài Gòn tổ chức cho Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm đi trốn, nên Polgar cử một đoàn xe gồm ba chiếc limousines đi thi hành sứ mạng lúc 8:30 tối ngày 25.4.1975, còn Polgar đi xe riêng. Đầu tiên, đoàn xe đến nhà Trần Thiện Khiêm trong cư xá Bộ Tổng Tham Mưu để chờ đông đủ mọi người, rồi Nguyễn Văn Thiệu đi chiếc Mercedes xám đến và đi thẳng vào nhà. Ít lâu sau, Thiệu, Khiêm, Polgar, Timmes cùng đám cao cấp người Việt túa ra đoàn xe. Nguyễn Văn Thiệu lên băng sau chiếc xe do Frank Snepp lái, cùng với Timmes và một cận vệ người Việt. Khi xe chuyển bánh, Timmes bảo Nguyễn Văn Thiệu cúi đầu xuống để được an toàn, nguyên văn Snepp thuật lại nơi trang 436: “Stay down, Mr. President, for your own sake.” 


Lý do tướng CIA Timmes khuyên Nguyễn Văn Thiệu không ngửng mặt lên là để tránh sự kiểm soát của Quân Cảnh QLVNCH gác ở cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất có thể chận bắt viên tẩu tướng vi phạm luật giới nghiêm do chính ông ta ban hành. Lúc đó đã hơn 9:30 tối.


Cũng cần ghi lại lời kể của chứng nhân tại chỗ ngay lúc đó, tức Frank Snepp. Đó là trước khi xe chuyển bánh từ nhà Trần Thiện Khiêm đến phi trường để Thiệu và Khiêm cùng trốn đi Đài Loan, Snepp thấy nhiều người lực lưỡng vác va li loại khổng lồ từ khuôn viên nhà Khiêm tiến tới đoàn xe, và yêu cầu mở các thùng xe sau cho chính tay họ bỏ va li vào. Snepp nghe tiếng lục cục của kim khí đụng chạm nhau như tiếng khánh bị bọc lại trong không gian vắng lặng khi họ xếp hành lý vào thùng xe. Nguyên văn đoạn này nơi trang 435 như sau: “Moments later several burly aides scrambled out of a patch of woods at the edge of the compound, each hefting a mammoth suitcase. They demanded we open our car trunks for them and insisted on stacking the luggage themselves. The clink of metal on metal broke through the stillness like muffled wind chimes as they heaved the bags into place.”


Dĩ nhiên hành lý đó là của cải của Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm, nhưng ba thùng xe dù lớn đến đâu cũng không thể có sức chứa hàng chục tấn hàng hóa. Song đó là lý do Hà Nội đổ cho viên trung tướng tổng thống lấy cắp 16 tấn vàng trong Ngân Hàng Quốc Gia VNCH. Thật ra, số trữ kim đó vẫn còn dưới hầm của Ngân Hàng mà phó thủ tướng trong chính-phủ-hai-ngày Vũ Văn Mẫu là Nguyễn Văn Hảo đã “báo công” -từ ngữ của Cộng Sản-  với Ủy Ban Quân Quản sau ngày 30.4 là ông ta có công giữ lại để nộp cho “Cách Mạng!” Sau này, Bùi Tín, một đại tá nhà báo Hà Nội nhân công du tại Pháp đã phản tỉnh, tiết lộ là 16 tấn vàng đã được Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội chia nhau một phần, một phần mua gạo cứu đói cho dân.) 


Trước Nguyễn Văn Thiệu cả 700 năm, thời Trần, khi dự liệu quân Nguyên xâm lăng nước ta, vua Trần Nhân Tôn đã sửa soạn chiến tranh, họp các bô lão ở Điện Diên Hồng và các vương hầu ở Bình Than để hội ý nên hòa hay nên chiến, rồi cử tướng Trần Quốc Tuấn thống lĩnh binh quyền.


Cả nước một lòng, quả nhiên nuớc Việt nhỏ và dân ít lại... không có viện trợ Mỹ đã toàn thắng quân Nguyên vốn bách chiến bách thắng từ Á sang Âu!


Sách The Viet-Nam Peace Negotiations Saigon’s Side of the Story được viết bằng lối văn thông tin, sự kiện được trình bầy không thiếu một W nào trong nguyên tắc thông tin 5W của Mỹ: sự việc (What), tên người (Who), thời gian (When), nơi chốn (Where), và tại sao (Why). Sách, vì thế, không có chỗ cho thứ văn chương hào nhoáng bóng bẩy hay dây cà ra dây muống, mà là nối tiếp hết sự kiện này đến sự kiện khác.


Có thể nói tác phẩm này cống hiến cho đời sau một bản tường trình chi tiết về cuộc đối đầu giữa một bên là chính quyền siêu cường Mỹ muốn rút lại sự ủng hộ một quốc gia nhỏ bé và một bên là Cộng Sản tìm phương kế trên bàn hội nghị để thôn tính toàn thể nước Việt.


Từng động thái của Hoa Kỳ, từng văn bản của một siêu cường, từng sự o ép một Đồng Minh nhỏ bé, và từng phản ứng yếu ớt và thụ động của Nguyễn Văn Thiệu, một viên tướng nhiều tham vọng nhưng thiếu dũng khí ở miền Nam, khiến hậu quả là bản “hiệp định chấm dứt chiến tranh,” thực chất là bản văn chấp nhận đầu hàng của anh khổng lồ Da Trắng trước những mưu mô quỷ quyệt từ đồng ruộng Việt Nam.


Tuy hiếm hoi, nhưng The Viet-Nam Peace Negotiations Saigon’s Side of the Story cũng có những dòng chữ  phân tích và phê phán cá nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nơi trang 403, cụ nhận định là sau Hiệp Định Paris năm 1973, Nguyễn Văn Thiệu là người bị dồn vào chân tường, và sau đó có nhiều quyết định chính trị và quân sự gây nên tranh cãi, còn khả năng lãnh đạo thì bị nghi ngờ. Tác giả cũng nhận xét Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không dám chống lại áp lực của Johnson và Nixon vì bị ám ảnh bởi cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.


Sách còn cho thấy tầm quan trọng của chữ nghĩa trong những văn kiện ngoại giao giữa các quốc gia nơi trang 410. Đó là bản Thông Cáo Chung giữa Richard Nixon và Nguyễn Văn Thiệu khi hai Tổng Thống gặp nhau tại San Clemente, California hai ngày 2-3 tháng Tư năm 1973, sau khi Hiệp Định Paris đã được ký kết.


Thông Cáo Chung có một câu, nguyên văn: “Actions which would threaten the basis of the Paris Agreement would call for appropriately vigorous reaction.” (Những hoạt động đe dọa căn bản của Hiệp Định Paris sẽ dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ thích hợp.)


Phái đoàn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu yên trí rằng “những phản ứng” dĩ nhiên là từ phía Hoa Kỳ. Nhưng khi Phái Đoàn Việt Nam rời Mỹ, các viên chức Hành Pháp Hoa Kỳ giải thích ngay rằng bản Thông Cáo Chung không hề ghi nhận ai là phía sẽ phản ứng, hàm ý phản ứng nếu có là phiá Việt Nam Cộng Hòa mà thôi.


Thật là một bài học cho kinh nghiệm thương thảo mà những kẻ có trọng trách với đất nước nhưng thiếu thông minh, thiếu kinh nghiệm, và thiếu cảnh giác đã bị lừa phỉnh dễ dàng khi người đối diện có hậu ý.


Trường hợp này là hậu ý chạy làng của chính quyền Mỹ!


Về phương diện sự kiện, sách có những khác biệt có khi mâu thuẫn với những gì mà các tác giả khác đề cập đến. Điển hình là vụ Chennault (sđd, tr. 165).


Nguyễn Tiến Hưng, một người đồng thời với tác giả, đã cho biết người trung gian cho Richard Nixon “ve vãn” Nguyễn Văn Thiệu đừng tham gia hòa đàm Paris để chờ Nixon lên làm Tổng Thống là bà Anna Chennault và đại sứ Bùi Diễm (Khi Đồng Minh Tháo Chạy, California, Hứa Chấn Minh xb, 2005, tr. 36). Tác giả Nguyễn Tiến Hưng từng gặp bà Chennault sau năm 1975 và viết rõ là “Anna Chennault thăm viếng Sài Gòn thường xuyên vào năm 1968...” (sđd, tr. 37) và hai cơ quan tình báo Mỹ, tức CIA và FBI, “có đầy đủ những phúc trình về cuộc điện đàm giữa bà Chennault và Sài Gòn.” (sđd, tr. 38)


Còn Nguyễn Phú Đức cho biết cụ quen biết thân tình với bà Chennault từ những năm 1965-66 và theo cụ, không hề có chuyện bà Chennault làm trung gian cho Nixon liên lạc với Nguyễn Văn Thiệu vì bà Chennault không hề đề cập chuyện này với cụ mà cụ cũng không hề nhận được văn thư giấy tờ gì.


Nguyễn Tiến Hưng và Nguyễn Phú Đức là hai thành viên của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Nguyễn Tiến Hưng là Tổng Trưởng Kế Hoạch, Nguyễn Phú Đức là Cố Vấn Tổng Thống. Nay, cả hai đều nói quen biết thân tình với bà Anna Chennault, nhưng một người nói bà Chennault làm trung gian cho Nixon ve vãn Nguyễn Văn Thiệu để phá Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 1968, và một người nói không có chuyện này.


Để diễn tả vai trò của bà Chennault một cách chi tiết, tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã liệt kê các hoạt động con thoi của Chennault trong các trang 36, 37, 38, 40, 49, 56, 128, và 419, cộng lại đầy 4 trang chữ in. Còn tác giả Nguyễn Phú Đức đề cập đến bà Chennault trong 1/3 trang nơi trang 165.


Rõ ràng một trong hai người, cũng chính là hai tác giả viết sách lịch sử, hai “tổng trưởng” thời Nguyễn Văn Thiệu, hai tiến sĩ tốt nghiệp tại Mỹ, đã không giữ được sự trung thực!


Cuối cùng, điều đáng tiếc là vị Cố Vấn Ngoại Giao cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết sách bằng tiếng Anh, và vì thế phải nhờ người Mỹ sửa chữa cách hành văn (nguyên văn: editing) và cách viết văn phạm đúng sai thế nào (nguyên văn: corrections). Người Mỹ đó là Arthur J. Dommen.


Thiết tưởng giới lãnh đạo thời Đệ Nhị Cộng Hòa vốn có trách nhiệm với toàn thể quân dân Việt Nam Cộng Hòa về hậu quả của Hiệp Định Paris 1983 thì phải tường trình bằng Việt ngữ, sao lại ngoại ngữ, thưa cụ Nguyễn Phú Đức?


Tựa đề cũng không ổn. Saigon’s side of the story? Sao lại tên của một thành phố mà không phải tên của một quốc gia, thưa Cụ?!


TRẦN ANH TUẤN

(Trong Sử Việt tại Bắc Mỹ 1975-2022)


CÙNG TÁC GIẢ: gõ vào mục tìm kiếm:

Trần Anh Tuấn