Kinh qua ‘Sài Gòn thất thủ’, nghĩ gì về ‘Kabul thất thủ’?

18 Tháng Tám 20219:40 SA(Xem: 5631)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 2 - THỨ TƯ 18 AUGUST 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Kinh qua ‘Sài Gòn thất thủ’, nghĩ gì về ‘Kabul thất thủ’?


18/08/2021

Titi Mary Trần


image007Bản đồ chính trị của Afghanistan


Tiến sĩ Đinh Xuân Quân từng làm việc 7 năm tại Afghanistan qua bốn chuyến công tác về xây dựng phát triển. Là một người gốc Việt có kinh nghiệm lúc Sài Gòn thất thủ, ông chia sẻ cái nhìn chi tiết về tình hình chính trị và sự thất thủ của Afghanistan kỳ này.


VOA: Tiến sĩ Đinh Xuân Quân từng làm việc tại Kabul trong nhiều giai đoạn từ 2004 - 2016 qua bốn chuyến công tác về xây dựng phát triển. Lần đầu, ông làm việc cho World Bank – Liên Hiệp Quốc, từ 2004-2007, liên quan đến Tái Thiết Công Vụ. Sau đó là cho USAID, cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ, từ 2010 – 2011. Tiếp theo là cố vấn cho Bộ Nông Nghiệp từ 2013 – 2015. Và lần cuối là cho USAID, 2016.


Tiến sĩ Quân từng cộng tác và làm chuyên viên tại Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Liên Hiệp Quốc, và USAID. Ông từng thi hành công vụ tại Afghanistan, Azerbaijan, Iraq, Nam Sudan, Kosovo, Liberia, Zaire, Madagascar, Kenya, Rwanda, Indonesia, Việt Nam… với nhiệm vụ cố vấn liên quan đến kinh tế.


Tiến sĩ Quân có bằng cấp và được đào tạo tại các đại học Sorbonne, Paris; Temple, Philadelphia, Viện Đào Tạo của Ngân Hàng Dresdner Bank, Frankfurt am Main, Đức Quốc.


Hiện ông cư ngụ tại Garden Grove, California.


Dưới đây là trích đoạn phỏng vấn của VOA Tiếng Việt với tiến sĩ Đinh Xuân Quân.


***


image008Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, người từng làm việc 7 năm tại Afghanistan.


VOA Tiếng Việt (VOA): Thưa tiến sĩ, cảm xúc ông ra sao khi nghe tin Kabul thất thủ?


Tiến sĩ Đinh Xuân Quân (Ts. ĐXQ): Từ thứ Tư, ngày 4 Tháng 8 vừa rồi, tôi không ngủ được. Vì những người bạn của tôi và những người tôi đã làm việc cùng ở Afghanistan và thường dân, nhất là vợ con của họ, không được đi làm và không được đi học nữa. Con gái của họ không được đi học, không được hành nghề nữa. Do đó cảm xúc rất là nhiều, và tôi liên tưởng tới năm [19]75 ở Việt Nam.


Không ngờ là quân đội Afghanistan đã không đánh và tan rã mau chóng. Không ai tưởng tượng nổi. Nhưng những người không mấy hiểu biết sẽ chính trị hóa và đổ tội cho nhau.


Trong những ngày qua, tôi ráng tìm liên lạc với những bạn cũ ở Afghanistan (internet vẫn còn hoạt động). Tôi ráng tìm họ và cho họ tin tức, và nhớ lại những ngày hoang mang tại Việt Nam trước đây, 30/4/75.


Tôi nhớ lại những ngày tại Việt Nam, những người tị nạn, việc hôi của, loạn tại Sài Gòn trong những ngày ấy.


VOA: So sánh giữa Sài Gòn thất thủ và Kabul thất thủ, ông thấy như thế nào?


Ts. ĐXQ: Khác! Ở đây (Afghanistan) không có chính sách lừa đảo và bắt [người]. Tương đối bây giờ tôi thấy có một cái hay là không có vấn đề hôi của, đó là một cái hay. Đối với Taliban, ăn cắp thì bị chặt tay. Ở Việt Nam năm 1975 có hôi của. Đây [Afghanistan] không có vụ hôi của.


Tôi thấy, và mấy người bạn tôi nói, là họ chưa đụng tới dân chúng. Có thể đó là đối với Kabul và mấy tỉnh lớn.


Ở Việt Nam, khi miền Bắc vào miền Nam là mấy trăm ngàn người, bao nhiêu sư đoàn vào. Trong khi ở đây đâu có. Họ đi xe mô tô vào. Vì không có đánh nhau!


Chính tôi cũng thấy bất ngờ, là tại sao không có đánh nhau.


Thứ hai là đa số trong chính phủ là người từ Hoa Kỳ trở về. Nhiều người Afghan từ Hoa Kỳ trở về là những người từng tị nạn từ hồi Liên Xô vào thập niên 80, 90, rồi năm 2000, 2005 họ trở về. Có cái hay và cũng có cái dở. Họ trở về có cái hay là tiến bộ hơn nhưng mà có cái dở là tham nhũng. Người nào cũng lo tìm nhà cũ, kiếm tiền làm tiền thành ra cái đầu óc, bộ não nó khác, không nhất quyết. Vì vậy, nửa chừng chưa gì đã bỏ chạy hết rồi.


Bây giờ so sánh giữa Việt Nam và Afghanistan. Việt Nam đã có truyền thống quốc gia từ lâu đời rồi. Còn Afghanistan thì đến 2004 mới có chính phủ trung ương. Tinh thần quốc gia Việt Nam đã có từ lâu, được hun đúc từ những cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc.


Khi Afghanistan nằm dưới sự cai trị của Taliban, mà Taliban không phải cộng sản, không có chính sách cải tạo. Khi Liên Xô thua thì các ông tướng cũng không bị cải tạo. Người Afghanistan theo cộng sản cũng không bị cải tạo. Họ chỉ về nhà thôi.


Trong khi đối với cộng sản Việt Nam, con cái sĩ quan trong Nam đâu có được đi học. Họ có một chính sách độc ác hơn nhiều.


Taliban thì dựa trên đạo, tôn giáo. Còn cộng sản là vô thần, và họ sử dụng tất cả chuyện nói láo, lừa đảo. Taliban không có vụ đó. Họ có cử chỉ hành động thời trung cổ thiệt, nhưng mà không có chính sách như là người cộng sản.


VOA: Theo ông, tại sao Afghanistan thất thủ?


Ts. ĐXQ: Câu hỏi là, quân đội Afghanistan có nhiều đơn vị thiện chiến, được huấn luyện kỹ càng nhưng tại sao không đánh? Đây là không phải vì thua trận, mà vì rắn mất đầu. Trong khi quân Taliban tiến vào các thành thị, về Kabul thì Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani đã trốn chạy qua Tadjikistan, quốc gia kế cận Afghanistan.


Hai là quân đội không đánh nhau. Họ không muốn đánh nhau. Có thể hai bên điều đình với nhau. Vì đâu có trận nào đâu. Ở Việt Nam đánh nhau lớn lắm, chứ đâu có phải không. Bên này không có, không có chuyện đánh nhau. Mà có đánh nhau cũng lẻ tẻ thôi, không có chiến trường. Nếu có đánh, chỉ là đánh du kích nhỏ.


Việc này cho thấy không phải là quân đội Afghanistan thua mà vì mất đầu, các lãnh đạo bỏ chạy khi gặp khó khăn do đó đã làm nhiều đơn vị mất tinh thần.


Ông Ashraf Ghani, một cựu nhân viên World Bank, về và lúc nào cũng tin là “một mình có thể làm và thay đổi Afhganistan, một xã hội còn trong thời trung cổ với nhiều lãnh chúa…” Trong khi ông Ashraf Ghani sợ hãi thì các lãnh đạo khác như ông Karzai, ông Abdullah còn ở lại để thương thuyết với Taliban.


Và tôi nghĩ dân chúng họ cũng chán nản. Hiện giờ, Afghanistan còn hơn một triệu người tị nạn tại Iran, hơn 1.5 triệu người tại Pakistan. Rồi còn các nước xung quanh, ở cả Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ…


Nếu nhìn lại lịch sử thì khi Liên Xô rút khỏi xứ này vào 1989, chính quyền tại đây còn chống cự tới ba năm sau. Phe Mujahideen tiến vào Kabul trong hòa bình, không có cuộc “tắm máu” nào xảy ra, các quan chức cấp cao của chính phủ cũng như binh sĩ của chính quyền thân Liên Xô đều được bảo toàn tính mạng, không như tại Việt Nam, đi cải tạo và con cháu không được đi học.


Nhưng phe Mujahideen gồm nhiều sứ quân, nhiều bộ tộc. Sau khi chiếm Kabul, họ đánh nhau liên tiếp không đoàn kết. Cho nên phe Taliban từ Pakistan vào 1994 đã nhân dịp “nước đục béo cò” đã chiếm Afghanistan.


Sau 9/11, phe Miền bắc do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã đánh thắng Taliban. Sau 2001, hội nghị quốc tế tại Bonn (2001) đã hứa tái thiết lập Afghanistan dưới lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc.


Trong nhiều năm qua, Afghanistan đã xây dựng bộ máy hành chính, một cơ sở hạ tầng khá tốt và đào tạo cho giới trẻ và phụ nữ giúp tiến bộ xã hội.


VOA: Ông nghĩ gì về quyết định rút quân của chính phủ Mỹ?


Ts. ĐXQ: Tôi nghĩ không có cách nào làm khác được vì ở Afghanistan không có đánh nhau, không có một viên đạn thì vấn đề ở đây cho thấy một là hai bên họ đi với nhau. Hai là họ không chịu đứng lên bảo vệ quyền tự do của họ. Nếu đã là vậy thì khó mà tiếp tục nữa.


Hoa Kỳ ở đó 20 năm mà chỉ có 2400 người chết thôi. Vào lúc chót, hai ba năm gần đây, họ rút còn chỉ 2500 người thôi, mà với 2500 người này Taliban không vô được. Thì đó là quyết định chính trị.


Đã có ba ông tổng thống muốn rút rồi, chứ không phải là tới ông tổng thống này. Ông tổng thống đầu tiên muốn rút là Obama, sau là ông Trump, và người thứ ba là ông Biden, muốn rút luôn một lúc.


VOA: Cuộc chiến Quốc – Cộng ở Việt Nam là 20 năm, người Mỹ dính dấp 10 năm. Thời gian Mỹ vào Afghanistan 20 năm. Ông nhìn nhận mọi chuyện như thế nào?


Ts. ĐXQ: Mỹ bắt đầu dính vào Việt Nam lúc còn Pháp, còn quân đội Pháp ở Việt Nam. Lúc đó, Mỹ giúp Pháp. Còn ở đây, Mỹ vào là Liên Hiệp Quốc vào và nhiều quân đội vào. Ảnh hưởng chính trị không phải lúc nào Mỹ cũng bắt buộc Afghanistan theo ý của Hoa Kỳ đâu. Thành ra hai lập trường khác nhau. Trường hợp Việt Nam, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, trong khi Afghanistan đâu phải là thuộc địa của Hoa Kỳ. Mà Hoa Kỳ cũng đâu phải lấy làm thuộc địa. Hoa Kỳ vào với mục đích là đánh Al-Qaeda, đánh Bin Ladin, vì lúc đó Taliban cho Al-Qaeda đồn trú ở Afghanistan và do đó Hoa Kỳ đã vào đánh và triệt hạ Al-Qaeda. (VOA 18/8/2021)


++++++++++++++++++++++++++++++++++


Taliban là ai?


VOA 18/08/2021


image009Phát ngôn viên Taliban, Zabihullah Mujahid tại cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan, ngày 17/8/2021.


Taliban trước đây cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001 và áp đặt một hình thức nghiêm khắc của luật Hồi giáo lên nước này. Sau đây là một số sự kiện chính về đức tin và lịch sử của tổ chức này.


Taliban được thành lập như thế nào?


Taliban là một trong những thành phần chiến đấu trong cuộc nội chiến Afghanistan trong những năm 1990 sau khi Liên bang Xô Viết rút lui. Tổ chức này nổi lên vào năm 1994 chung quanh thành thố Kandahar, miền nam Afghanistan. Người sáng lập tổ chức là Mullah Mohammad Omar, một giáo sĩ địa phương trong thành phố, lãnh đạo các phần tử chủ chiến cho đến khi ông từ trần vào năm 2013.


Liên hệ với Hoa Kỳ


Lúc đầu Taliban tuyển mộ các thành viên từ các cựu chiến binh kháng chiến Afghanistan, thường được gọi là mujahedeen, được Mỹ yểm trợ trong cuộc chiến chống các lực lượng Xô Viết trong những năm 1980.


Làm thế nào Taliban nắm được quyền hành?


Tiếp theo việc Liên bang Xô Viết rút khỏi Afghanistan vào năm 1989 và kéo theo sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan, nước này lâm vào cảnh nội chiến. Taliban tạo được sự ủng hộ với những lời hứa khôi phục trật tự và công lý. Vào năm 1994, Taliban kiểm soát được thành phố Kandahar với ít kháng cự, và đầu năm 1996, phe này chiếm được thủ đô Kabul.


Taliban tin vào gì?


Taliban cai trị theo cách giải thích khắc nghiệt luật Hồi giáo Shariah. Xử tử và đánh đòn tại nơi công cộng là phổ biến, và phụ nữ hầu như bị cấm làm việc hay học hành và bị buộc phải mang burqa, một loại trang phục che kín toàn thân, tại nơi công cộng. Taliban cấm phim ảnh và sách báo nước ngoài và hủy hoại những cổ vật văn hóa của các truyền thống khác, bao gồm một tượng Phật khổng lồ có từ 1.500 năm nay tại thung lũng Bamiyan ở miền trung.


Sự liên hệ của Taliban với al-Qaida như thế nào?


Taliban cung cấp nơi trú ẩn cho tổ chức chủ chiến al-Qaida, lúc bấy giờ do Osama bin Laden lãnh đạo. Al-Qaida lập các trại huấn luyện tại Afghanistan, dùng để chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới, kể cả cuộc tấn công ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ.


Làm thế nào Taliban mất quyền hành?


Chưa đầy một tháng sau những cuộc tấn công ngày 11/9, Hoa Kỳ và những đồng minh đưa quân vào Afghanistan. Vào đầu tháng 12, chính phủ Taliban sụp đổ, và Hoa Kỳ làm việc với người Afghanistan để thành lập một chính phủ dân chủ.


Chuyện gì xảy ra kế tiếp?


Sau khi thất bại, các lãnh đạo Taliban chạy về các căn cứ địa vững chắc của họ tại miền nam và đông Afghanistan hay vượt biên giới sang Pakistan. Tổ chức chủ chiến này sau đó lãnh đạo cuộc nổi dậy chống chính phủ Afghanistan mới được Mỹ ủng hộ, dùng cách đánh bom tự chế và những cuộc tấn công tự sát.


Năm ngoái, chính phủ Mỹ thương thuyết về một thỏa thuận với Taliban sau hơn hai thập niên dính líu quân sự tại Afghanistan. Thỏa thuận đặt ra một thời biểu cho việc rút quân Mỹ ra khỏi nước này để đổi lấy việc Taliban chấm dứt tấn công vào người Mỹ và thương thuyết với chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên nhiều tháng thương thuyết giữa Taliban và chính phủ Afghanistan không đạt được thỏa thuận hòa bình nào


Quốc gia nào đã công nhận Taliban?


Chỉ có một ít quốc gia công nhận chính phủ Taliban khi chính phủ này cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, trong đó có Pakistan, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ả rập Xê-Út, Hiện không rõ liệu hầu hết các nước có công nhận tân chính phủ Taliban hay không; tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng trước nói là Afghanistan sẽ trở thành một quốc gia bị loại khỏi cộng đồng quốc tế nếu Taliban nắm quyền bằng vũ lực và tàn bạo.

12 Tháng Tư 2015(Xem: 17473)
* Một số bình luận ghi nhận về bản Thông Cáo Chung ký kết giữa hai đảng CSVN và CSTQ: BBC, VNTB, Ts Nguyễn Thanh Giang, Lê Anh Hùng, Ts Carlyle A. Thayer, Ts Nguyễn Nhã
09 Tháng Tư 2015(Xem: 16846)
"Việt Nam quen dùng vũ khí của Nga trong Cuộc Chiến tranh Đông Dương..." Trong Ba cường quốc (cung cấp vũ khí) đó, Nga là nước duy nhất không bao giờ dùng vũ khí chống lại Việt Nam. Nga là nước duy nhất không có mưu đồ địa chính trị chống lại Việt Nam." "Theo ý kiến của Nga thì trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hai quốc gia này hoàn toàn đủ thông thái để giải quyết vấn đề một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên cơ sở hai bên giữ uy tín và cùng có lợi." "Quyền lợi của Mỹ là không được cho phép Trung Quốc quá mạnh trong vùng này [châu Á Thái Bình Dương]. Nghĩa là đấy là trò chơi địa chính trị giữa hai cường quốc, chơi nhau theo [kiểu] zero sum game, ai được cái gì và ai mất cái gì. Việt Nam trong hoàn cảnh này chỉ đóng vai trò như là con tốt. Mỹ chỉ bảo vệ quyền lợi của Mỹ chứ không bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đâu."
07 Tháng Tư 2015(Xem: 15604)
"Như vậy sách lược của Henry Kissinger với Biển Đông là cứ giữ nguyên hiện trạng đầy xáo trộn như vậy càng lâu càng tốt. Đúng là sách lược ‘đục nước béo cò’. Nhờ vậy mà TQ và Mỹ tha hồ thủ lợi tốt hơn là Mỹ và TQ tranh chấp gây hấn, chiến tranh một mất một còn trên Biển Đông."
05 Tháng Tư 2015(Xem: 17213)
"Nếu kết quả của đại hội 12 được phía Mỹ toại nguyện thì đương nhiên cánh cửa TPP rộng mở đón Việt Nam. Nếu kết quả đại hội 12 không được lòng người Mỹ thì cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa TPP khép lại đối với Việt Nam".
31 Tháng Ba 2015(Xem: 18136)
Ts Nguyễn Hưng Quốc: Một chính khách lớn và một người thầy xấu. Huỳnh Ngọc Chênh: Lý Quang Diệu có độc tài gia đình trị?
22 Tháng Ba 2015(Xem: 17200)
"Nhưng vẫn có lý do để tin rằng, ít nhất là trong nửa đầu thế kỷ này, Mỹ vẫn sẽ giữ được ưu thế của nó về các nguồn lực và tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cán cân quyền lực toàn cầu. Tóm lại, trong khi kỷ nguyên ưu thế của Mỹ chưa kết thúc, nó sẽ thay đổi theo những cách quan trọng. Những thay đổi này liệu có giúp tăng cường an ninh và thịnh vượng toàn cầu hay không hiện vẫn còn chưa rõ".
17 Tháng Ba 2015(Xem: 16726)
Vì sao chính phủ Hoa Kỳ quyết định lên tiếng công khai dù biết Việt Nam sẽ không hài lòng? Câu trả lời có lẽ là Hoa Kỳ ngày càng lo ngại về khả năng khôi phục hiện diện quân sự của Nga ở những vùng ảnh hưởng của Mỹ. "Vịnh Cam Ranh, nơi từng là căn cứ của Hoa Kỳ và trong quá khứ cũng từng bị hải quân Pháp và Nhật kiểm soát, nằm cách Sài Gòn 290 km về hướng Đông Bắc là một cảng nước sâu tự nhiên. Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, nơi đặt căn cứ không quân Andersen, cách Việt Nam 4.000 cây số về hướng Đông".
15 Tháng Ba 2015(Xem: 15990)
Để đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Ted Osius, tổ chức buổi nói chuyện trực tiếp với toàn thể giảng viên và sinh viên thuộc viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội hôm 6 tháng 3-2015. Trong dịp này, đại sứ Ted Osius nêu ra 3 chủ điểm của cột mốc lịch sử -20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, gồm có:
10 Tháng Ba 2015(Xem: 18460)
Phát biểu quan trọng của Đại sứ Mỹ Ted Osious tại Đại học Quốc gia Hà Nội "Điều đó cho thấy rằng có vẻ như là ông Ted Osius không chỉ nắm được lịch trình của đoàn Việt Nam, sắp tới ông Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, ông Quang và có thể cả những chính sách nữa đi Mỹ, mà còn có thể dự đoán được kết quả của chuyến đi đó thành công như thế nào và thành công ở mức độ nào".
05 Tháng Ba 2015(Xem: 17613)
Rà soát lại hồ sơ cá nhân của ông Kim cho thấy rằng năm 2010 ông Kim đã có một lần tấn công Đại sư Nhật tại Seoul cũng vì chung một chủ đề Thống Nhất Triều Tiên. Ông Kim Young Man, ngưòi phát ngôn của Hội Đồng Hòa Giải và Hợp Tác Thống Nhất Triều Tiên, cũng là đơn vị đã tổ chức mời ông Đại sứ Lippert đến thuyết trình, cũng đã lên tiếng xin lỗi về tình trạng mất an ninh tại sự kiện này.
03 Tháng Ba 2015(Xem: 24041)
Ngày 28/10 năm 2014, trong chuyến công du Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng. Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ ngồi xếp bằng, tay đeo tràng hạt, cung kính chắp tay lạy Phật như một Phật tử thuần thành xuất hiện khắp trên các tờ báo lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, chưa thấy ai đặt vấn đề liệu hành vi trên của ông có mâu thuẫn với việc ông phủ nhận có theo bất kỳ tôn giáo nào trong các bản khai lý lịch của mình.
01 Tháng Ba 2015(Xem: 21217)
Mở đầu bài viết “Tản Mạn Chuyện Đổi Mới Sáng Tạo” đăng tải trên báo Tia Sáng hôm 10-2-15, GS Hoàng Tụy viết: “Khi mô tả sự phát triển kém cỏi của đất nước, chúng ta hay dùng từ lạc hậu hay tụt hậu, nhưng tôi để phản ảnh đúng hơn thực chất phải nói ta đang trì trệ trong tụt hậu.
24 Tháng Hai 2015(Xem: 40157)
CDQL có thể là thuộc phe nhóm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì nó rất có lợi cho ông. Đây là nhận định của rất nhiều người. CDQL phục vụ khá rõ cho ý đồ và tham vọng của ông Dũng nhằm chức Tổng Bí thư, thậm chí kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch nước (như tại Trung Quốc) tại Đại Hội XII tới.
17 Tháng Hai 2015(Xem: 17504)
Với vô vàn cố gắng của hơn 3 năm 6 tháng, trang mạng CDQL hôm 25-1-15 qua bài viết ”MŨI THUYỀN XẺ SÓNG–MŨI CÀ MAU”, đã tung ra trận đánh lớn chống lại Đảng Cộng Sản ViệtNam-ĐCSVN- một cách khốc liệt không khoan nhượng với ý chí loại trừ tận gốc rễ ảnh hưởng của ĐCS trong xã hội Việt Nam.
11 Tháng Hai 2015(Xem: 17031)
Sau khi Nhật đảo chánh Pháp, ngày 11-3-1945 Vua Bảo Đại đã Tuyên Bố Độc Lập cho Việt Nam, bãi bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp:“Chiếu tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia…” Đến ngày 17-4-1945, Thủ Tướng Trần Trọng Kim trình danh sách Nội các lên vua Bảo Đại phê chuẩn và Nội các Trần Trọng Kim ra mắt Quốc dân vào 2 ngày sau đó.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 16188)
Điếu Cày: Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng với thời gian, cả Washington lẫn Hà Nội đều theo đuổi một quan hệ gần gũi nhau hơn trên nhiều phương diện, và dần dần đã chuyển dịch từ thế đối địch sang đối tác.
26 Tháng Giêng 2015(Xem: 16688)
Ngày này, 27/1, cách đây 42 năm, Ngoại-trưởng William P. Rogers của Mỹ và ông Nguyễn Duy Trinh, Bộ-trưởng Ngoại-giao Hà-nội, đặt bút xuống ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.” Bên cạnh chữ ký của ông Rogers là chữ ký của Tổng-trưởng Ngoại-giao VNCH Trần Văn Lắm và bên cạnh chữ ký của Nguyễn Duy Trinh là chữ ký của bà Nguyễn Thị Bình, Bộ-trưởng Ngoại-giao của cái gọi là “Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.”