Hai tướng quân đội trong Bộ chính trị XIII mang ý nghĩa gì? (*)

05 Tháng Năm 20217:42 SA(Xem: 7166)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ TƯ 05 MAY 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Hai tướng quân đội trong Bộ chính trị XIII mang ý nghĩa gì? (*)


Ảnh hưởng chính trị của Quân đội Việt Nam gia tăng do vấn đề an ninh Biển Đông.


25/4/2021: Tướng Quốc phòng Trung cộng đến Hà Nội.


RFI 03/05/2021


TNO 25/4/2021


image003Ảnh minh họa: Đại tướng Lương Cường, một trong hai đại biểu Quân Đội trong Bộ Chính Trị, đảng Cộng Sản Việt Nam. Ảnh chụp ngày 01/02/2021 tại Hà Nội (Việt Nam). AP - Minh Hoang

Minh Anh


Trong kỳ Đại Hội 13 đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, Bộ Chính Trị có hai sĩ quan cấp tướng. Số lượng đại diện quân đội trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng tăng lên. Trên tờ South China Morning Post, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, cho rằng ảnh hưởng ngày càng lớn của quân đội Việt Nam trong đời sống chính trị phản ảnh những lo ngại về an ninh Biển Đông.


Đầu tiên, tác giả nhắc lại câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông, đưa ra năm 1938 : « Mỗi người cộng sản phải nắm rõ chân lý, "quyền lực chính trị nảy sinh từ họng súng". Nguyên tắc của chúng ta là Đảng điều khiển nòng súng và họng súng không bao giờ được chỉ huy Đảng ».


Nguyên tắc này cũng được ĐCSVN áp dụng tương tự và Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) luôn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ, ngay cả khi Việt Nam đã thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986, rút quân khỏi Cam Bốt năm 1989 và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991.


Vào thời điểm đó, Việt Nam bước vào giai đoạn hòa bình và phát triển. Kinh tế trở thành mối ưu tiên hàng đầu cho đất nước, do vậy quốc phòng ít được quan tâm hơn. Hệ quả là vai trò của QĐNDVN trong nền chính trị ngày càng suy giảm, được thể hiện rõ qua việc lực lượng này giảm đại diện trong Bộ Chính Trị.


Nhưng trong 10 năm gần đây, tình hình này có xu thế đảo chiều. Quân đội Việt Nam tăng đều số đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Và trong kỳ đại hội lần thứ 13, quy định chỉ bầu một đại biểu quân đội vào Bộ Chính Trị đã bị phá vỡ, khi thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, bộ trưởng bộ Quốc Phòng và đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN đã trúng cử.


liÔng Lê Hồng Hiệp đưa ra hai lý do chính giải thích cho sự hiện diện ngày càng nhiều của quân đội trong lĩnh vực chính trị. 


Thứ nhất, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông có xu hướng nâng cao khả năng đàm phán của quân đội Việt Nam. Bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia là điều cốt lõi cho tính chính đáng của ĐCSVN. Điều này có nghĩa là tiếng nói của quân đội Việt Nam có nhiều trọng lượng hơn khi an ninh và chủ quyền đất nước bị đe dọa.


Đó là những gì từng xảy ra trong quá khứ, ảnh hưởng của quân đội tăng mạnh trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc và chống Khmer Đỏ. Thái độ xác quyết của Bắc Kinh tại Biển Đông trong vòng một thập kỷ qua đã làm cho mối lo ngại về an ninh của ĐCSVN thêm sâu sắc, và điều này đã cho phép QĐNDVN không chỉ có được nhiều đòn bẩy ở những cơ quan ra quyết định của Đảng mà còn có thêm nhiều nguồn ngân sách.


Thứ hai, vị thế chính trị của QĐNDVN ngày càng lớn là còn nhờ vào vai trò kinh tế ngày càng mở rộng của quân đội trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, vận tải cho đến cả xây dựng.


Câu hỏi đặt ra là liệu việc bầu hai đại diện quân đội vào Bộ Chính trị ĐCSVN chỉ là xảy một lần hay đây là một quy định mới, sẽ được lặp lại trong các kỳ Đại Hội Đảng tiếp theo? Liệu quân đội Việt Nam có sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện đông đảo và liên tục trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tương lai hay không?


Tuy nhiên, nếu tranh chấp Biển Đông gia tăng và các doanh nghiệp do quân đội điều hành vẫn có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì trong tổng thể, ảnh hưởng của quân đội đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn sẽ mạnh mẽ. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.


Trong vấn đề Biển Đông, lập trường của quân đội có thể cứng rắn hơn, nhưng Việt Nam không nhất thiết phải có cách tiếp cận mạo hiểm. Trải qua bao cuộc chiến tốn kém, xu hướng giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh xung đột vũ trang vẫn chiếm ưu thế.


Tác giả kết luận, nếu như sự hiện diện của quân đội Việt Nam trong các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của ĐCSVN ngày càng đông và có thể có một số tác động đến triển vọng chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại, nhưng những tác động đó chỉ ở mức vừa phải và có giới hạn. Khi nào ĐCSVN tiếp tục chỉ huy, ảnh hưởng của QĐNDVN vẫn sẽ nằm trong ranh giới do Đảng vạch ra./


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc


Lê Hiệp


25/04/2021 Thanh Niên Online


Tại hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt-Trung đã thẳng thắn trao đổi về những vướng mắc hiện nay trong quan hệ hai nước; trong đó có vấn đề Biển Đông.


image004Thượng tướng Phan Văn Giang (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Hà Nội 25/4/2021. Ảnh Đậu Tiến Đạt


Chiều 25.4.2021, Thương tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã chủ trì lễ đón thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, cùng các thành viên đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước này đang thăm chính thức Việt Nam từ 24 - 27.4.2021


Tại hội đàm sau lễ đón, thượng tướng Phan Văn Giang khẳng định, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với Bộ Quốc phòng VN, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Chính phủ và cá nhân ông Ngụy Phương Hòa đối với việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước nói chung và hai Bộ Quốc phòng nói riêng.


Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cũng chúc mừng Trung Quốc đã tổ chức thành công kỳ họp lưỡng hội, công bố hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất “Xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020” và là năm khởi đầu quy hoạch 5 năm lần thứ 14, đặt nền tảng cho mục tiêu 100 năm lần 2 “Xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”.


image005Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc duyệt đội danh dự tại lễ đón chiều 25.4.2021. Ảnh Đậu Tiến Đạt


Thông tin đến người đồng cấp, thượng tướng Phan Văn Giang cho biết, Việt Nam đã tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.


Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng khẳng định, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần vào nâng cao quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai đảng, nhà nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới.


Không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên biển


Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, hơn 70 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng thực tiễn lịch sử cho thấy hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai Đảng, hai nước.


image006Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Phan Văn Giang tại buổi hội đàm. Ảnh Đậu Tiến Đạt


Ông khẳng định, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam là xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, ổn định lâu dài, tin cậy, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc đổi mới ngày nay.


Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cũng đánh giá cao hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua không ngừng được mở rộng và có các hình thức hợp tác phong phú, ngày càng đi vào thực chất.


Ông đề nghị thời gian tới, hai bên cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các lĩnh vực hợp tác theo các thỏa thuận đã ký, nhất là Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước CHND Trung Quốc đến năm 2025.


Tại hội đàm, hai bên cũng thẳng thắn trao đổi về những vướng mắc hiện nay trong quan hệ hai nước.


image007Ông Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng TQ, tại buổi hội đàm. Ảnh Đậu Tiến Đạt


Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.


Sau hội đàm, hai bộ trưởng cùng nhau chứng kiến ký kết Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ đơn vị hữu nghị trong lĩnh vực hợp tác quân sự quốc tế giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.


(*) tựa của VHO